Những ngày thật đẹp ở Bình Dương
2021-10-26 01:20
Tác giả: Đông Đông
blogradio.vn - Có những lúc ngủ thiếp đi bên băng ghế nghỉ, những lúc không kịp ăn cơm, những chuyến tình nguyện ở địa phương khác. Với tôi tất cả đều là trải nghiệm, kinh nghiệm và bài học. Bình Dương từ từ hòa vào tôi như thế, tôi dần dần trở nên yêu nơi này như thế. Chỗ tôi sau 2 tháng giãn cách thì trở thành vùng xanh, mọi thứ đang trở lại bình thường. Tôi sau ngần ấy ngày mới bước qua cánh “cửa cổng” nhà mình, nhìn mọi thứ tươi đẹp.
***
Những ngày mắc kẹt ở đây tôi chênh vênh và nghĩ suy đủ điều, chẳng biết đến khi nào nơi này mới thoát ly khỏi những cái khốn khổ mà dịch bệnh mang đến. Những ngày đầu nghe thành phố nhiễm cả nghìn ca tôi kì thực hoang mang, thế rồi có những ngày cả mấy nghìn ca, đôi lần nghe được số ca tăng lên bốn con số đó tôi có chút thất thần. Cảm thấy chỉ có một vùng trời tuyệt vọng, còn vùng trời trước mái hiên nhà mình thì mãi nhỏ bé và cô độc lạ thường.
Những đêm mất ngủ nghe tiếng xe cấp cứu năm sáu lần inh ỏi đi ngang, chỉ biết ôm nỗi nhớ Hà Nội giấu tận sâu, vì tình hình căng thẳng như thế không có đường cho tôi quay về trở ngay lúc ấy. Cùng một khung đường không người qua lại. Không hiểu sao, không hiểu sao bất lực đến như thế. Nó giống như cái vòng tròn luẩn quẩn vừa quen thuộc vừa đáng ghét.
Tôi không thích một ngày trôi đi vô nghĩa bằng việc nhìn trời đổ mưa, nắng hong khô, gió bất chợt ngày ngày tháng tháng. Nhưng tôi bất lực thế mà, đâu phải riêng mình, tất cả những ai đang sống và tồn tại ở đây đều mang chung một nỗi dày vò thế.
Ngày thứ sáu mươi hai, Hà Nội chuẩn bị gỡ giãn cách. Tôi trong đáy lòng nóng đến lạ thường, tôi kì thực nhớ nơi đó quá, nhớ tất cả trong “Hà Nội” của tôi.
Ở đây mỗi ngày đều có người chết, không khí tịch mịch ngày đêm bao trùm thành phố đã từng ồn ào choáng ngợp nơi tôi trú ngụ. Những khoảng thời gian vô nghĩa nhiều đến mức khiến con người ta chán ghét chính bản thân mình, có những ngày chỉ đứng đó như thứ gì lặng lẽ nhẫn nại đợi hai mươi tư tiếng đi qua và hai mươi tư tiếng nữa lại tới, vẫn vô nghĩa như cũ.
Ở đây “sự sống” trở nên “rất thấp, rất thấp” rồi. Cảm giác ở trong nhà lâu ngày ngột ngạt đến độ da xanh rờn, mỗi ngày đều lặp đi lặp lại một công việc như vậy, co thành một vòng tròn chẳng thể thay đổi.
Ngày thứ bảy mươi ở Bình Dương, tôi bị mắc kẹt ở đây chớp mắt đã bảy mươi ngày. Tôi không thân thuộc với nơi đây, từ khi đặt chân đến đã phải giam mình trong nhà vì dịch bệnh, mỗi ngày một nặng.
Tôi còn nhớ vào ngày đi tiêm vacxin lần một, tối đó tôi lên cơn sốt cao, co ro trong bóng tối mà mê man vì quá mỏi mệt. Giây phút cô độc nhất có lẽ là khi bạn rõ ràng muốn tìm đến một ai nhưng lại không có khả năng chạy ra khỏi căn phòng đang giam hãm chính mình. Cơn sốt dày vò tôi đến phát khóc, tôi còn nhớ mình thậm chí không thể trở mình vì đau mỏi. Lúc ấy, trong tôi chỉ có một suy nghĩ. Đó là thật nhanh trở về Hà Nội, muốn rời khỏi những bó buộc ở nơi mảnh đất không thân thuộc này. Thế rồi đêm đi qua, ngày mới tới, cơn sốt hạ. Tôi lại phải tiếp tục đối mặt như ngày hôm qua và chung sống với dịch bệnh quanh mình.
Tháng bảy, lần đó đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn Sài Gòn xơ xác tôi khựng lại mất mấy giây không tin vào mắt mình. Dù rằng chẳng phải “quen biết” gì nơi ấy, nhưng nhìn cái dáng vẻ không người của nó chẳng hiểu sao lại tuyệt vọng không thể chịu được.
Tôi kéo vali đi rất lâu rất lâu không tìm được xe để trở về nhà, sân bay lác đác người, đường đối diện không có ai. Cảm giác chỉ có một, cô độc như bây giờ. Đây không phải Sài Gòn mà tôi biết, cũng không giống cái nơi trong tưởng tượng mà tôi muốn đến. Giây ấy, thật tâm có một chút hối hận mà muốn lại lên một máy bay khác đi lại nghìn cây số qua chân mây vừa rồi.
Rời Hà Nội, không nghĩ đến nơi này sẽ lại nhìn thấy trăm cái cô độc khác. Tôi đủ mệt để rời đi rồi, không tha thiết những cái tuyệt vọng như thế này nữa.
Bình Dương giãn cách lần thứ nhất, tôi có chút hồi hộp tự nhủ “Không sao đâu”, “Không sao đâu”, hết giãn cách sẽ trở về ngay thôi. Bình Dương giãn cách lần thứ hai, tôi dần quen với việc ở đây sáng tối co ro trong phòng ngủ, nửa đêm ngơ ngác ngồi bên cầu thang nhớ mong cái gì chẳng biết.
Ngoài Bắc vào thu rồi, ở đây vẫn ngày ngày nắng nóng, mưa về bất chợt và giông tố không bao giờ biết trước. Tôi nhớ nhà, thật sự nhớ nhà quá. Đó là khi không dám gọi điện về nhà mà hỏi thăm Hà Nội, vì sợ lo âu nuối tiếc ngổn ngang. Bất cứ khi nào Hà Nội mưa, ở đây lại tối đi cả một vùng trời. Tò mò nơi ấy rốt cuộc đang ra sao, “họ” đang thế nào?
Ở Hà Nội có một mảnh trời ướt đẫm, tôi vì thế mà rời đi. Để rồi lại kéo vào đây cũng một khung mây ướt mưa quanh năm suốt tháng. Ngày trước có người hỏi tôi “Ở đó tốt không? Có muốn quay về không?”. Tôi lắc đầu, chỉ có một cảm giác là sợ hãi phải quay về, là tôi nhu nhược, là tôi không dám. Cái “lạ lẫm” của thành phố này chí ít không biết giày xéo vỡ đổ.
Hôm trước có người hỏi “Có muốn về Bắc hay là không?”. Nhìn tình hình dịch ở đây, cay sống mũi. Muốn, đương nhiên muốn…Ngày thứ bốn mươi lăm đến đây, ngày thứ ba mươi mấy Bình Dương giãn cách. Đêm nào cũng thao thức về Hà Nội, chẳng rõ thao thức cái gì, chỉ biết một chút cũng không nỡ bỏ lại tất cả ngoài ấy mà lưu lại.
Đi rồi để biết Hà Nội yên bình hơn nhiều lắm, nếu không được nghe, được thấy thì không biết đại dịch lần này lại mỏi mệt đến như vậy.
Mấy ngày này, số ca nhiễm ở đây nhiều hơn Hồ Chí Minh, tôi có chút nản chí rồi, vì thật sự không biết, không rõ ngày về Hà Nội là ngày nào. Càng sợ, khi từ đây về Hà Nội rồi sẽ ra sao.
Bình Dương giãn cách lần thứ ba, lần này tới tận những ba mươi ngày. Tôi dường như đã trở nên quen thuộc, không còn bàng hoàng và lo lắng như những lần trước đó. Dạo gần đây tôi không hay nghe tin tức về dịch bệnh nữa, cứ mãi sợ hãi cái gì vô hình đến lo lắng. Tôi đang sợ, sợ không về Bắc được.
Mỗi ngày trước, ngày nào cũng xem thông tin ngoài đó, nhớ nhung những gì thuộc về nơi đó. Giờ khác rồi, giờ bình lặng ở đây đợi dịch bệnh đi qua. Không hiểu sao lần này niềm tin lại ít ỏi đến như thế, chỉ có sợ hãi và sợ hãi…
Lần dịch này lấy đi của tôi nhiều quá, lấy đi tất thảy chẳng chừa lại thứ gì.
Hôm nay khu nhà tôi bắt đầu có rào chắn cách ly, ngay dưới cổng thôi. Thực hiện chỉ thị mới, đột nhiên tôi muốn chạy ra nhìn “lại” phố xá một lần. Vì chẳng biết đến khi nào mới lại được “ra đường”. Sao dịch mãi không đi qua.
Tôi hay nói đùa với bạn bè những ngày ở đây sẽ học gói bánh tét, học cách ăn tết của người trong này. Nhưng kì thực không phải thế, tôi chỉ tự trấn an mình vậy.
Hà Nội có lẽ không chứng kiến được cái khổ sở ở đây. Chẳng biết phải dùng từ gì để diễn tả, chắc vì chưa đủ trưởng thành để bày tỏ cái “khổ” mà bản thân nhìn thấy.
Ngày thứ bao nhiêu tôi không còn nhớ rõ nữa, tôi đăng kí tham gia tình nguyện chống dịch ở thành phố Thủ Dầu Một. Không ai đồng ý để tôi đi, tôi cũng biết nguy hiểm. Nhưng rồi nhìn cái hiu quạnh ở đây lại chịu không nổi mà ngồi yên nữa.
Ngày đầu tiên tham gia tình nguyện, đó là buổi sáng tôi thức dậy sớm nhất trong mấy tháng dịch bệnh trở lại đây. Tôi còn nhớ hôm đó đứng từ bảy giờ sáng đến chín rưỡi tối cùng ngày trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm. Tôi quên đói và không biết mệt, sức chịu đựng khi ấy không hiểu sao lại tràn trề phi thường. Đêm đầu tiên trở về khi đã muộn, tôi nhìn mình trong gương “tàn tạ” đến bật cười, bật cười vì ngày hôm ấy trôi đi mang thật nhiều ý nghĩa. Cuộc sống lướt qua cũng thật nhiều ý nghĩa.
Việc thức khuya dậy sớm bắt đầu từ đó, tôi cũng trở nên quen và tự đốc thúc mình sống những ngày bận rộn. Một tuần rồi một tháng. Tôi còn nhớ có một lần cùng cô bí thư của khu bên cạnh đi phát quà cho các em nhỏ, đó là đêm trung thu. Tôi nhớ Hà Nội da diết, hôm ấy trời cũng phảng phất mưa phùn như Hà Nội của những năm nào trong kí ức đẹp tươi. Đám trẻ nhìn thấy tôi liền ùa tới, chạy tới, xông tới, đón nhận tôi giống một người mang ánh sáng đến bên chúng. Cũng phải, tôi mang lồng đèn đến, cùng chúng đốt đèn cầy. Bình dị cho đi nhiệt huyết đắp xây một đêm cho chúng dù chẳng mấy. Những trái tim nhỏ bé ấy đốt cháy nỗi nhớ trong tôi, năm đó tôi đón trung thu xa Hà Nội.
Xóm trọ heo hút và đèn tôi tối, đám trẻ ấy vẫn ngước lên nhìn như từng vầng trăng nhỏ bé của chúng. Tôi thấy mình nhỏ bé và vô hình, tiếc rằng chỉ có thể làm được đến mức ấy.
Miền Nam, mảnh đất mà người ta gọi là kiếm tiền trong thoáng chốc kì thực cũng đầy khoảng lặng. Bệnh dịch cướp đi của họ vô kể, tôi đời này có lẽ không quên ảnh hình những đứa trẻ cúi đầu trước bàn tay cho đi của mình, không quên những chiều vội vã đi phát từng gói cơm nhỏ vì sợ chúng đói. Cuộc sống mù mờ của tôi, bất chợt tìm được một loại tín ngưỡng giản đơn mà thần kì.
Ngày thứ mười bốn tình nguyện ở khu tiêm vacxin, một bà cụ lưng còng đi từng bước chậm rãi tiến đến chỗ tôi mà thủ thỉ “Chẳng biết làm gì để cảm ơn các cơn, bà chẳng làm được gì chỉ biết động viên các con cố gắng”. Tôi giây ấy mắt ướt đi sau lớp kính bảo hộ, đeo thêm một lớp găng tay mà nắm lấy tay bà. Kì thực xúc động.
Tôi chưa bao giờ xa nhà, đến Bình Dương vì không quen đường mà chưa một lần rời khỏi. Bữa cơm tình nguyện đầu tiên tôi ăn cùng mọi người, đạm bạc hơn một chữ đạm bạc. Nhưng khi đó tôi đói, mệt và vui vẻ. Vì bên cạnh là chục người nhiệt huyết như mình, hơn mình. Chúng tôi đều đến vì muốn cho đi và lan tỏa thật nhiều, thật thật nhiều.
Có những lúc ngủ thiếp đi bên băng ghế nghỉ, những lúc không kịp ăn cơm, những chuyến tình nguyện ở địa phương khác. Với tôi tất cả đều là trải nghiệm, kinh nghiệm và bài học. Bình Dương từ từ hòa vào tôi như thế, tôi dần dần trở nên yêu nơi này như thế. Chỗ tôi sau 2 tháng giãn cách thì trở thành vùng xanh, mọi thứ đang trở lại bình thường. Tôi sau ngần ấy ngày mới bước qua cánh “cửa cổng” nhà mình, nhìn mọi thứ tươi đẹp.
Hà Nội gỡ giãn cách được mấy ngày, tôi tự nhiên có chút sốt sắng mà muốn quay về. Thế rồi lại tự mình buông xuống, điều ấy dường như chẳng thể nào đâu. Những ngày ở đây vẫn một lòng hướng về Hà Nội, mong nơi ấy mau khỏe, mong nơi này mau khỏi. Đợi ngày trở về, bình tâm đợi ngày quay về.
© Đông Đông - blogradio.vn
Xem thêm: Sài Gòn thương – mong bình yên về sau bão tố | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu