Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những bước đầu tiên cho cuộc hành trình ngàn dặm mang tên: trưởng thành

2020-10-06 01:25

Tác giả: Kun Chan


blogradio.vn - Em đang tìm việc chứ không phải là đang đi xin việc anh chị ạ. Em chỉ có thể làm việc theo đam mê của mình mà thôi. Đồng ý là chế độ đãi ngộ cũng quan trọng nhưng thật lòng em không muốn cứ mỗi ngày đi làm là có cảm giác mình đang làm việc mà mình không thích và không đúng sở trường thì chẳng thể phát huy được khả năng của em.

***

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn nên tôi có ý thức rất rõ về cuộc sống, về những thứ tôi có được và mất đi. Gia đình không trọn vẹn ở đây được đinh nghĩa là một gia đình mà ba làm việc ba, mẹ thì làm việc mẹ và con cái thì có việc riêng của con cái.

Tôi cũng không nhớ rõ từ khi nào cả nhà đã không ngồi cùng một bàn để ăn cùng một mâm cơm với nhau cho đúng nghĩa một gia đình thực thụ. Những ngày tôi còn đi học, ba tôi thì đi làm xa, nhà chỉ mỗi mấy mẹ con ở với nhau. Những bữa ăn mẹ bới một tô to rồi mẹ con cùng ăn với nhau, mẹ một muỗng rồi tôi một muỗng. Tôi ngồi trên xe đạp chạy vi vu rồi lâu lâu ghé lại “đổ xăng”, thế là mẹ đúc cho một muỗng cơm xem như xăng đã đầy bình. Đó là những ngày tháng bình yên nhất.

Rồi một ngày nọ, ba cũng về nhà rồi ở lại lâu thật lâu. Đêm ấy nghe ba bảo với mẹ: “Hết công trình rồi bà ạ, chắc phen này tôi ở nhà luôn với hai mẹ con không đi nữa!”. Nghe xong tôi cũng thấy vui vui, từ nay có ba rồi, có thể khoe với bạn bè: “Ừ, tao cũng có ba chứ bộ mày, ba tao cũng thương tao như ba mày thương mày thôi, tại ba tao đi làm xa để nuôi tao chứ bộ. Giờ ba tao ở nhà luôn với tao nè mày”.

Những ngày ba làm xa, ngày nào tôi cũng được mười ngàn đồng vào những năm 97. Thời đó bạn bè tôi đứa nào khá lắm cũng chỉ được năm trăm đồng mỗi ngày. Nhưng từ ngày ba ở nhà do không nhận được công trình nữa cuộc sống của mấy mẹ con bắt đầu gặp khó khăn hơn trước. Mẹ bắt đầu tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Thay vì trước đây mua trái cây ngon về ăn thì giờ mua cái cây thối rồi về dạt lại ăn. Những con cá to béo lúc trước không còn nữa, tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ, con cái này nó thiếu ăn giống con hay sao mà nó ốm dữ vậy mẹ?”. Mẹ cười và bảo: “Không phải nó thiếu ăn đâu con, tại ba không nhận được công trình nữa nên mẹ con mình tiết kiệm nha, khi nào ba có tiền mẹ mua cho con cá mập ú luôn hé”.

Rồi cũng đến lúc tôi chuẩn bị cho kỳ thi đại học, đó là lúc gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất. Trên vai ba mẹ phải gánh một khoản nợ khổng lồ vì những lý do rất ư là nghịch lý. Tôi bắt đầu suy sụp tinh thần và dẫn theo một hệ lụy khá nghiêm trọng tôi trượt nguyện vọng 1 đại học. Thời gian ấy tôi như rơi vào bế tắc cùng cực, tôi nhốt bản thân mình trong căn phòng nhỏ và không nói chuyện với ai. Tôi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ và đè nặng trên vai mình. Một cảm giác mình là một người thừa thãi, bất tài và là gánh nặng của cả nhà.

Bình tĩnh dẹp hết ngay mọi suy nghĩ tiêu cực, tôi bắt đầu tìm hướng đi mới cho cuộc đời mình. Tôi lục tung hết tất cả báo tuyển sinh, rồi lên mạng mong tìm được một cơ hội để có thể nộp bổ sung xét tuyển nguyện vọng 2. Và rồi cuối cùng tôi cũng đậu đại học. 2009 - 2013 là khoản thời gian tôi lao đầu vào việc học. Khi ấy tôi học như một người điên với suy nghĩ con đường duy nhất có thể giúp tôi thoát khỏi cảnh nợ nần là học. Những giờ học chính thức trên lớp, lúc nào tôi cũng đi từ rất sớm chọn cho mình dãy bàn đầu tiên gần giảng viên nhất. Những môn học nào quá khó tôi tìm những lớp có giờ dạy khác với giờ học của lớp mình để học ké. Cứ như thế cho đến khi tôi cầm trên tay tấm bằng đại học, rồi bắt đầu chạy đôn chạy đáo với hai chữ mà hầu hết sinh viên nào mới ra trường cũng đều sợ hãi đó là “tìm việc”.

Tìm việc vốn không hề khó nhưng để tìm được một việc phù hợp với đam mê và được hưởng chế độ tốt thì quả thật là chẳng dễ dàng một chút nào. Tôi còn nhớ những ngày đầu khi mới tốt nghiệp, cứ mỗi lần đi phỏng vấn là các anh chị nhân sự cứ hay bảo: “Em ơi, giờ xin việc khó lắm em, em cứ làm tạm ở đây đi rồi em sẽ thấy chế độ của công ty anh chị cũng không đến nỗi tệ. Công việc thì em làm từ từ cũng sẽ quen dần thôi”. Tôi vô tư đáp trả bằng đúng suy nghĩ thật của chính bản thân mình: “Em đang tìm việc chứ không phải là đang đi xin việc anh chị ạ. Em chỉ có thể làm việc theo đam mê của mình mà thôi. Đồng ý là chế độ đãi ngộ cũng quan trọng nhưng thật lòng em không muốn cứ mỗi ngày đi làm là có cảm giác mình đang làm việc mà mình không thích và không đúng sở trường thì chẳng thể phát huy được khả năng của em. Trước đây đã một lần em chọn học sai ngành, em cũng từng hối hận, nhưng em không bỏ cuộc. Em cố gắng hết sức để đạt được kết quả cao nhất. Và hiện tại em không muốn phải cố gắng để vượt qua thêm một điều gì nữa, em chỉ muốn mình sẽ giải quyết vấn đề theo bản năng và nhận thức của chính mình. Em cảm ơn anh chị”. Cứ như thế tôi từ chối hết tất cả những lời mời và thi viên chức nhà nước.

Đậu đầu vào với kết quả cũng không đến nỗi quá tệ, tôi bắt đầu tự mãn với những gì mình đang có. Vừa ra trường, thi ngay vào nhà nước, đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng ban. Được các sếp ưu ái đưa đi học các lớp đào tạo của bộ tài chính về kế toán hành chánh sự nghiệp, văn thư lưu trữ… tham gia các cuộc hội họp, liên hoan giao lưu giữa các sở ban ngành, tôi cảm thấy hài lòng với các mối quan hệ mình đang có. Được các bác thương yêu dẫn đi giới thiệu với lãnh đạo các sở, tôi bắt đầu cảm thấy hài lòng và dần dần trong tôi hình thành cái suy nghĩ mọi thứ thật quá tốt đối với mình.

Đi làm lúc nào cũng thoải mái về giờ giấc. Bác không hề la tôi một tiếng mỗi khi tôi đi trễ hay về sớm. Cũng không hề nói gì những sáng tôi ngủ nướng vì tôi ở lại cơ quan vì nhà tôi cách cơ quan những 40km. Là con gái nhưng tôi cực tệ về nấu nướng, bác thấy lúc nào tôi cũng ăn tiệm nên những ngày tôi ở cơ quan bác cứ nấu thật nhiều đồ ăn ngon cho tôi và các anh chị cùng ăn. Bác là người lãnh đạo mà tôi cảm thấy tôn trọng nhất từ trước đến giờ. Người ta cứ hay nói công chức viên chức nhà nước sống không nhờ lương mà nhờ các khoản khác vô hình. Nhưng đối với bác – người lãnh đạo có thể nói là liêm chính nhất mà tôi biết trong cơ chế nhà nước.

Cứ mỗi lần làm cái việc mà dân nhà nước hay gọi là “hợp lệ hóa chứng từ” là tôi lại than phiền với bác: “Khi con biết đó là chứng từ khống thì con không thể nào làm được, mong bác hiểu cho con. Con xin phép bác duyệt cho đơn xin đình chỉ công tác”. Bác không chấp nhận và cũng không cho văn phòng ra quyết định đình chỉ công tác cho tôi. Bác cho phép tôi nghỉ một tháng vẫn hưởng lương để suy nghĩ lại. Nhưng cuối cùng tôi cũng quyết định rời khỏi nơi đó để tìm hướng đi mới cho cuộc đời mình.

Tôi còn nhớ ngày mà tôi trở lại cơ quan để tạm biệt mọi người lên sài gòn tìm việc làm mới. Hôm ấy, bác nấu những món tôi thích, rồi cả cơ quan cùng nhau ăn uống, sau đó đi karaoke. Đến chiều bác bảo tôi ở lại chơi, sáng mới về cũng chưa muộn. Tối hôm ấy, anh chánh văn phòng hẹn tôi ra: “Em biết vì sao hôm nay bác lại uống nhiều đến vậy không? Bác bảo bọn anh giữ em lại. Em suy nghĩ thêm nhé!”. Vừa nói anh vừa vỗ vai tôi động viên. Lát sau thằng bạn thân – trưởng phòng nghiệp vụ lại kéo tôi ra ngoài sân, nơi có hàng ghế đá mà chúng tôi vẫn hay ngồi lại với nhau tâm sự những chuyện khó nói của cơ quan. Nó bảo: “Ở lại đi bà, việc gì cũng có cách giải quyết, bà cứ chọn cách trốn tránh làm bác buồn. Bà biết lý do sao hôm nay thứ hai mà tất cả đều được nghỉ làm không? Bác cho anh em tụi tui nghỉ đó, bác kêu giữ bà ở lại!”. Tôi ngậm ngùi: “Tui không trốn tránh ông ạ, chỉ là tui không thể ngày qua ngày nhận đồng lương nhà nước để mà nuôi sống cả nhà tui được, quá khó khăn đối với tui. Cuộc đời tui, gia đình tui không tốt đẹp như ông thấy. Thôi, để tui đi nhé!”.

Cũng chẳng hiểu nó ra nói với bác cái gì nữa, lát sau bác gõ cửa phòng tôi – phòng kế toán: “Con ngủ chưa? Ra văn phòng bác có chuyện cần nói”. Tôi bước vào thấy mọi người đều đã đông đủ, lẽ ra giờ này các anh chị phải ở nhà chứ chẳng phải ở cơ quan vì cũng đã 21h rồi còn gì. Bác hít thật sâu đặt hai tay lên vai tôi và nói: “Bác cần con, hãy ở lại với bác. Từ cái ngày con nộp hồ sơ vào đây, bác chưa từng xem con là nhân viên với lãnh đạo. Bác thương con như con cháu của bác thôi. Ở lại với bác, bác hứa tạo mọi cơ hội cho con phát triển. Bác sẽ cho con học nghiệp vụ khảo cổ nếu con thích. Con thích làm bộ phận nào cứ làm đơn bác sẽ duyệt. Bác không ép con làm kế toán nữa, bác biết rất áp lực đối với con. Suy nghĩ thêm con nhé”. Và thế rồi bác quay đi, tôi thấy mắt bác ướt nhòe. Tôi biết rất rõ bác thương tôi nhưng bắt tôi làm những điều tôi biết chắc là sai trái thì tôi không làm được. Nơi ấy là gia đình thứ hai của tôi, các anh chị như anh chị em ruột của tôi, bác như ba mẹ tôi. Kể từ ngày tôi rời khỏi nơi ấy, tôi không còn can đảm để quay về vì mình đã phụ lòng quá nhiều người, quan trọng nhất là đã làm cho bác buồn.

Sau đó tôi ký hợp đồng làm việc theo dự án với một ngân hàng khá lớn về sản phẩm mới ra mắt của họ. Đó là một tập đoàn của người Ấn Độ, nơi mà gần như tôi hoàn toàn ám ảnh bởi những câu mắng rất nặng mỗi khi không đạt được doanh số. Khi ấy tôi lại nhớ về cơ quan của mình, nơi mà toàn là tiếng cười, chẳng bao giờ nghe thấy một tiếng la mắng từ các sếp. Những ngày làm việc tại công ty mới, tôi dần quen với cách làm việc như một người máy cứ quần quật từ sáng sớm đến chiều tối. Trước đây, tôi chẳng mấy quan tâm đến những cuộc điện thoại giới thiệu sản phẩm. Nhưng từ khi tham gia dự án với công ty, tôi cảm thấy thương cho những người làm nghề sale. Tôi tôn trọng họ vì tôi đã từng trải qua cảm giác như họ.

Gần như hầu hết mọi người đều rất xem thường nghề sale. Ai ai cũng tỏ thái độ bực tức mỗi khi nhận được các cuộc gọi giới thiệu sản phẩm hay nhận được những mail với nội dung như thế. Trước đây tôi cũng đã từng có những thái độ không tốt như vậy. Nhưng từ khi tôi làm sale, tôi thuyết phục và giải thích cho mọi người hiểu cái áp lực mà sale phải chịu. Đó là áp lực theo từng giây chứ chẳng phải là theo từng ngày hay từng tháng mà mọi người vẫn nghĩ.

Nhiều lúc đi siêu thị hay đi café có mấy bạn cứ hay phát quà miễn phí rồi xin thông tin cá nhân và số điện thoại. Khi ấy bạn bè tôi ai cũng không cho, nhưng tôi thì vui vẻ nhận và cho thông tin. Bạn bè tôi bảo: “Sao mày ngu thế, nó lấy thông tin mày để liên hệ giới thiệu sản phẩm đó, mày sẽ phiền lắm cho coi”. Tôi thản nhiên đáp: “Tao hiểu và thừa sức hiểu nhưng tao vẫn làm. Mày có biết hậu quả nếu một ngày mà mấy bạn ấy không thu đủ số liệu thì phải ra sao không? Họ phải nghe chửi suốt cả mấy tiếng. Và tao đã từng chịu đựng như thế, nên tao không muốn họ cũng như thế. Cái gì mình có thể giúp đỡ được người ta thì nên giúp. Người ta đâu có cơ hội để chọn một cái nghề tốt cho mình”.

Nhiều lúc sáng chạy xe đi làm, nhìn thấy các cô chú vệ sinh mà thấy thương. Trời mưa, trời nắng các cô chú vẫn phải làm. Nhìn lại bản thân mình, ngồi văn phòng máy lạnh thì có cực khổ gì đâu mà than vãn. Nhiều khi đứng trên lầu nhìn xuống thấy trời mưa tầm tả mà các cô chú vệ sinh vẫn miệt mài thu gom rác, khi ấy trong đầu tôi chỉ cảm thấy thương, thấy tội.

Rồi những lúc ăn trưa, bản thân mình thì ngán bữa nên cứ hay bỏ thừa đồ ăn. Tình cờ hôm ấy tôi chứng kiến cảnh một ông cụ ngồi trú mưa dưới hiên cạnh công ty, tay cầm ổ bánh mì ướt nhẹp mà vẫn ăn ngấu nghiến một cách ngon lành. Khi ấy tôi nhận ra cuộc đời đã ưu ái tôi quá nhiều. Tôi có cơm ăn, có áo mặc, có nhà ở, có xe để đi, có việc để làm đó là tất cả những ưu ái mà cuộc sống mang lại. Vậy cớ sao tôi lại phải than vãn rằng ừ cơm dỡ, áo xấu, xe 50 phân khối hay ở nhà trọ. Có những lúc cảm thấy sao lại có nhiều người đáng thương đến như vậy, mình có điều kiện tốt thì không nên than vãn hay so sánh nên chia sẻ với những người khổ cực xung quanh.

Từ đó trở đi chẳng bao giờ tôi bỏ thừa một phần thức ăn nào. Cũng chẳng bao giờ mua sắm những thứ không cần thiết. Tôi biết rõ đời người có lên ắc có xuống. Nên giờ đây tôi trân trọng từng thứ mình có và chẳng bao giờ phí phạm nó. Không ngừng lại ở đó, tôi tiếp tục tìm thêm nhiều hướng đi mới cho cuộc đời mình. Tôi nộp đơn vào ngân hàng nhiều đến mức bạn bè tôi cứ trêu: “Mày rải hồ sơ cứ như phát tờ rơi vậy mày”. Lúc ấy tôi chỉ biết mỉm cười và đáp: “Trong tiềm thức tao không có khái niệm bỏ cuộc đâu mày”.

Rồi đến khi tôi may mắn có được một công việc mà bao người mơ ước – một công ty Nhật bản chuyên về tiết kiệm năng lượng, dự toán công trình và tính toán phụ tải nhiệt cho những dự án công trình hàng đầu - tôi vẫn từ bỏ để chọn một nơi mà tôi cảm thấy có thể gắn bó và tạo cho tôi một cảm giác an toàn nhất. Tuy lương không cao như những nơi khác, nhưng ít ra chế độ cũng tốt, môi trường làm việc cũng có thể nói là không đến mức tệ, quan trọng là con người nơi đây cũng thân thiện như ở cơ quan trước đây của tôi. Nơi đây tạo cho tôi một cảm giác an toàn và gần gũi, có thể gắn bó được đó là công ty H.

Ngày tôi bắt đầu đi nhận việc và tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật từ công ty mới cũng là ngày tôi nhận được lời mời phỏng vấn từ công ty H. Lúc đấy trong đầu tôi liên tục hiện ra những câu hỏi: “Mình nên đương đầu với thử thách để một ngày nào đó có thể đến với đất nước Nhật tài giỏi, học hỏi thật nhiều những kinh nghiệm quý báu mà người Nhật đã đúc kết được hay chọn một nơi tạo cho mình cảm giác an toàn, những con người Việt Nam thân thiện?”

Và cuối cùng con đường tôi chọn để cùng gắn bó suốt quãng thời gian còn lại là công ty H. Quyết định ban đầu đơn thuần là vì lý do không thể nào trong 6 tháng đào tạo của công ty Nhật – nơi mà tôi ứng tuyển – mà tôi có thể thành thạo cả nghe nói đọc viết tiếng Nhật được. Tất cả những báo cáo đều viết bằng tiếng Nhật, ngay cả bước vào công ty là phải nói tiếng Nhật rồi. Lý do thứ hai, tôi vẫn thích làm việc với người Việt Nam vì tôi yêu tính cách con người Việt Nam. Lý do thứ ba, tôi không muốn xa gia đình của mình.

Ngày đầu tiên bước chân vào công ty H, tôi cực kỳ ấn tượng với cách bày trí nơi đây. Đi dọc theo hành lang công ty tôi bị thu hút từ cái nhìn đầu tiên bởi những tấm ảnh của các thành viên công ty H được treo trong khung kính rất đẹp. Từ những tấm ảnh đấy tôi hiểu được khá nhiều về những hoạt động ngoại khóa và những giải thưởng công ty H đã nhận được trong thời gian qua.

Vào bên trong cánh cửa công ty, tôi được chào đón bởi một nụ cười thân thiện của chị lễ tân. Chị trông rất trẻ và rất dễ thương không như những chị lễ tân mà tôi từng gặp tại những công ty khác. Đến khi phỏng vấn do trưởng phòng nhân sự đi công tác nên tôi được sếp hiện tại của mình phỏng vấn trực tiếp. Tôi rất thích cách vào đề của chị. Thay vì những công ty khác chú trọng vào kiến thức chuyên ngành trước tiên nhưng chị lại không như thế, chị hỏi tôi về gia đình, sở thích, nguyện vọng… điều đó tạo cho tôi một cảm giác như những người bạn đang chia sẻ với nhau. Tôi không hề cảm thấy áp lực như những vòng phỏng vấn trước đây. Đặc biệt điều tôi thích nhất ở chị là khi nói chuyện luôn nhìn thẳng vào mắt tôi và trả lời rất thẳng thắng những câu hỏi tôi đưa ra.

Ngày đầu tiên đi làm, chị dẫn tôi đi giới thiệu với các nhân sự của công ty. Qua cách giới thiệu của chị, tôi cảm nhận được chị rất được lòng các đồng nghiệp. Ít ra qua cách nói chuyện cũng như cách xử lý các tình huống phát sinh tôi cũng hiểu được phần nào tính cách và thái độ làm việc của sếp mình. Nếu như tiêu chí của các ứng viên đi tìm việc là để có được một mức thu nhập tốt và cơ hội thăng tiến trong công việc, thì đối với tôi tính cách và thái độ làm việc của người lãnh đạo sẽ giữ chân tôi gắn bó với công ty lâu hơn.

Có lẽ vì tôi đã luôn được các sếp ưu ái từ những công ty trước nên giờ đây tôi đã quen nhìn vào cách làm việc và “tình người” trong sếp để quyết định có nên gắn bó hay không. Bên cạnh đó thái độ làm việc và cách đối xử giữa các đồng nghiệp với nhau cũng rất quan trọng. Tôi không thích phải làm việc trong một môi trường đấu đá lẫn nhau. Trong suy nghĩ của tôi, có muốn hơn thua thì cũng hơn thua với đối thủ cạnh tranh nhưng phải theo nguyên tắc cả hai cùng có lợi. Còn đồng nghiệp với nhau thì nên hỗ trợ tương tác qua lại. Khi có xảy ra vấn đề thì cùng nhau ngồi xuống giải quyết chứ không phải cứ đổ lỗi cho nhau rồi việc thì cứ vẫn tồn đọng.

Vào công ty H tôi có cách nhìn mới hơn rất nhiều về nghề sale. Đây là nơi duy nhất mà tôi cảm nhận được nghề được xem trọng, và tôi nghĩ các anh chị sale xứng đáng được như thế. Mọi người vẫn hay nghĩ làm sale thì chỉ cần có tài ăn nói thôi là đủ, tôi lại không nghĩ như vậy. Sau một thời gian gắn bó với nghề sale ở công ty trước tôi nhận ra những tố chất cần thiết một người làm sale cần phải có đó là có cái tâm với nghề, có đầu óc phân tích, có đủ nhiệt huyết để đương đầu với mọi trở ngại, có tài ăn nói và thuyết phục người khác, có mối quan hệ rộng và quan trọng là phải có một chút may mắn. Tất nhiên những điều tôi vừa liệt kê chỉ là những yếu tố rất nhỏ để cấu thành một người làm sale.

Các anh chị sale tại công ty H – công ty mới của tôi – mỗi người một tính cách rất riêng biệt chẳng ai giống tính ai. Nhận định ban đầu của tôi về các anh chị rất khác nhau, ban đầu tôi vẫn cứ nghĩ sale thì mạnh ai nấy làm việc riêng của mình miễn sao ký được hợp đồng mang về cho công ty thế là hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng sau một khoảng thời gian gắn bó và làm việc với các anh chị, tôi nhận ra mỗi người đều có một vài điểm rất hay và rất riêng đáng để học hỏi và noi theo.

Chị G tuy bề ngoài trông có vẻ lạnh lùng khó gần, nhưng thật ra chị rất tâm huyết với nghề. Tôi thích cách chị ấy làm việc, rất quyết đoán. Lần đầu tiên được ngồi họp cùng các anh chị, tôi rất ấn tượng với cách phát biểu ý kiến và cách thức giải quyết vấn đề của chị, rất mạnh mẽ, rất cá tính. Ban đầu tôi và chị có phát sinh một vài hiểu lầm, những câu nói trẻ con của tôi vô tình làm cho chị giận. Lúc ấy trong đầu tôi chỉ xuất hiện một suy nghĩ duy nhất: “Trong vòng 1 tháng tôi nhất định phải làm cho chị ấy thích mình”.

Nhưng đến cuối cùng tôi vẫn chưa làm được điều gì cả thì chị lại nhiệt tình chỉ dạy tôi rất nhiều điều hay. Lúc ấy tôi mới hiểu được rằng tuy chị nói vậy nhưng trong lòng chị lại không nghĩ như vậy, chỉ mỗi mình tôi tự suy nghĩ rồi tự cho rằng chị đang giận mình. Lúc chị dạy tôi làm lại hợp đồng cho đúng hơn, nhìn sâu vào mắt chị, tôi cảm nhận được chị muốn tôi trở thành một người làm gì cũng phải chính xác 100%. Tôi thật sự rất khâm phục chị - một người phụ nữ rất bản lĩnh, rất cá tính.

Chị Y là một người rất tâm lý, chị rất quan tâm đến các anh chị em trong công ty. Những ngày làm việc với chị, tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi còn nhớ lần ấy, tôi gặp một ít rắc rối với khách hàng do hàng hóa về chậm so với dự kiến ban đầu nên khách hàng cứ gọi cho tôi và hối hàng liên tục. Có hôm 11h khuya, tôi mới vừa chợp mắt được một lát thì nhận được những cuộc gọi phàn nàn từ phía khách hàng. Sáng hôm sau vào công ty mới 7h45 sáng đã bị khách hàng mắng cho một trận vùi dập. Khi ấy tôi gần như bế tắc, tôi rất hoang mang không biết mình phải làm thế nào cho đúng. Vừa định gặp chị y trao đổi về vấn đề khách hàng đang phàn nàn thì tình cờ tôi gặp chị ngoài cổng, chị hỏi: “Sao rồi em? Công việc ổn cả chứ? Em đã quen dần chưa? Chắc là mấy hôm nay bị khách hàng vùi dập lắm, cố gắng nhe em!”. Rồi chị mỉm cười rất thân thiện. Ý định ban đầu của tôi là sẽ nhờ chị hỗ trợ thêm từ phía mua hàng và khách hàng nhưng sau cuộc nói chuyện với chị thì tôi quyết định sẽ tự giải quyết những rắc rối này. Lấy hết can đảm tôi gọi điện cho khách hàng – người đang bực bội nhiều nhất và la tôi nhiều nhất. Tôi mạnh dạn trình bày hết những khó khăn mà công ty đang gặp phải mong khách hàng thông cảm và giải thích đây chỉ là nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn. Tôi im lặng nghe phản hồi từ phía khách hàng nhưng anh ấy không hề nói gì, tôi chỉ nghe mỗi tiếng thở hì hì hì. Cảm giác lúc ấy trong tôi rất khó chịu, không hiểu sao miệng tôi lại thốt ra câu: “Em biết anh đang rất giận, anh có bực bội gì cứ trút hết lên em đi. Anh cứ la em nữa đi, em nghe nè, anh la xong anh đừng giận em nữa là được, anh hiểu cho công ty em là được!”. Anh thở mạnh rồi bảo: “Anh không còn gì để nói với em nữa hết, cũng không có gì để la nữa luôn, chán rồi”. Xong tôi chỉ biết nói: “Thôi, anh la em đi, em năn nỉ anh la em đi, anh làm vậy em khó chịu lắm, em không muốn mất đi một khách hàng, không muốn mất đi một người bạn, với em thì anh vừa là khách hàng của em vừa là bạn em, anh có thể cười một cái xem như anh em mình làm hòa được không?” Tôi vừa nói dứt câu thì anh ấy cười phì một cái, khi ấy tôi cảm thấy rất nhẹ lòng. Qua những việc xảy ra, tôi rút ra được một bài học riêng cho bản thân mình đó là muốn người khác đối xử tối với mình thì trước nhất mình phải đối xử với người ta thật tốt.

Các anh chị sale luôn hỗ trợ và chỉ dạy tôi rất nhiều điều. Anh P chỉ tôi học tiếng anh thế nào cho hiệu quả, là người lắng nghe những lúc tôi buồn, là người an ủi và động viên tôi những lúc tôi muốn buông xuôi, và đương nhiên tôi cũng luôn luôn sẵn sàng khi anh có chuyện là sẽ có mặt an ủi động viên tinh thần anh ngay. Có nhiều lúc tình cờ nhìn cách anh làm việc mà tự cảm thấy hổ thẹn. Rồi có nhiều lúc nhìn cách anh học anh văn thấy buồn. Anh học anh văn là do đam mê, còn tôi học là do biết nó cần thiết chứ thật sự chẳng yêu thích tí nào.

Không biết từ khi nào trong tôi dòng máu kỹ thuật lại nổi dậy. Con gái mà cứ y như là con trai, nhờ mấy anh dạy cho cách đọc tên sản phẩm, rồi còn tìm cách học thêm sửa máy tính nữa chứ, đã thế còn học thêm lập trình nữa. Bản thân tôi cũng biết những điều tôi đang học không liên quan đến công tác hiện tại của mình nhưng tôi vẫn cứ thích học. Thay vì những người khác thích đọc sách thì tôi thích học, tôi thích học hết tất cả những gì mình có thể ứng dụng được, bây giờ không sử dụng thôi có chắc là cả đời không sử dụng được đâu, không gì phải lo lắng cả. Cứ thế ngày ngày đi làm, tối về thì học, và cứ thế là qua hết một ngày.

Bên cạnh những anh chị chỉ dạy cho tôi kiến thức chuyên môn thì cũng có nhiều anh chị làm quân sư tâm lý cho tôi. Trong số đó có chị P và chị R dạy tôi cách nhìn người, hay la tôi ngây thơ quá nhìn đâu cũng thấy người tốt nên cứ mở miệng ra là nói những câu ngô nghê. La thì la tôi vậy thôi chứ tôi hiểu hai chị chỉ muốn tốt cho tôi nên mới khuyên tôi như thế. Chị chỉ dạy tôi rất nhiều vì biết tôi là người mới nên thế nào cũng làm sai những điều chị đã từng sai khi như lúc chị mới vào công ty. Anh J, chị B là người an ủi động viên tôi lúc tôi tưởng chừng như mình gục ngã hoàn toàn và không thể nào đứng lên lại được, anh chị phân tích cho tôi hiểu việc gì đang xảy ra và hướng dẫn cho tôi cách để giải quyết vấn đề. Và hiện tại tôi vượt qua được mọi trở ngạy để tiếp tục công việc tất cả là đều nhờ anh chị ấy.

Tôi cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi xung quanh mình toàn những người tốt luôn đứng phía sau ủng hộ và giúp đỡ tôi rất nhiều. Từ lúc bắt đầu bước vào con đường tự tạo ra đồng tiền để nuôi sống chính bản thân mình, tôi luôn được các anh chị đi trước hướng dẫn rất tận tâm. Lúc nào trong đầu tôi cũng luôn tồn lại một ý chí cố gắng học hỏi thật nhiều và ứng dụng những gì học được vào thực tế để xem kết quả ra sao, bản thân mình sẽ biết đam mê của mình đến mức nào để tự tìm hướng phát triển bản thân cho phù hợp nhất.

Không ai dám khẳng định mình sẽ đi mãi trên một con đường, và tôi cũng thế, tôi không khẳng định sẽ đồng hành cùng công ty H trong suốt thời gian còn lại. Nhưng có một điều tôi dám khẳng định đó là tôi sẽ cố hiến hết sức mình vì sự phát triển chung của công ty và một điều quan trọng hơn tất cả đó là tôi sẽ gắn kết mọi người lại với nhau như anh chị em một nhà chứ không đơn thuần chỉ là hai tiếng “đồng nghiệp”. Cảm ơn công ty H đã tạo điều kiện để tôi tự hoàn thiện bản thân và phát triển. Cảm ơn các anh chị và các bạn đã luôn đồng hành cùng tôi trong khoảng thời gian tôi gắn bó cùng công ty H. Cảm ơn sự hướng dẫn tận tình, sự cảm thông chia sẻ và tất cả tình yêu thương mà gia đình này đã dành tặng cho tôi.

© Kun chan - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Trưởng thành là khi đừng bao giờ gục ngã giữa cuộc đời | Radio Tâm Sự

Kun Chan

SHMILY (See How Much I Love You)

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top