Nhà đơn giản là nơi để trở về - về thôi!
2023-05-13 20:41
Tác giả: Minh Khoa
blogradio.vn - Chúng ta dù có lớn bao nhiêu chẳng nữa, chức vụ, địa vị ngoài xã hội có to thế nào đi chăng nữa, có thể làm ông này bà nọ, nhưng trước mặt ba mẹ, chúng ta vẫn sẽ là những đứa trẻ đối với họ. Chỉ khác là sự quan tâm, lo lắng, chỉ bảo của họ dành cho chúng ta sẽ dần thay đổi theo thời gian với những cách tiếp cận khác nhau.
***
- Ăn cái này đi con, món này ngon nè, ăn nhiều vô chứ lên đó không có mà ăn đâu!
- Con đi học ăn uống bình thường chứ có chết đói đâu mà mọi người cứ nói thế!
Dạo gần đây, tớ có nghe mọi người tranh luận về vấn đề về nhà sau mỗi chuyến đi học xa, nên bài viết này, tớ xin phép kể với mọi người nghe về trường hợp và những trải nghiệm của tớ, và cũng muốn góp một phần kiến thức và hiểu biết nho nhỏ của mình để tranh luận với mọi người về việc: “Khi đi học xa nhà, thì bao lâu là thời điểm thích hợp để về nhà một lần?” Và bài viết này tớ chỉ xét đến những bạn sinh viên xa nhà, và nhân đây, thì tớ cũng muốn gửi một cái ôm thật ấm áp đến tất cả các bạn nếu các bạn có vô tình đọc được bài viết ngắn này của tớ.
Tớ chỉ là một cậu trai bình thường, sinh ra với tất cả mọi yếu tố mà một con người bình thường đều sở hữu. Gia đình tớ không hẳn là giàu có, cũng không hẳn là thiếu thốn, chỉ đơn giản là ba mẹ tớ có thể lo cho gia đình đủ ăn, đủ mặc, đủ nuôi nấng và quan trọng hơn hết là đủ điều kiện để hai anh em tớ được học hành đến nơi đến chốn cho đến thời điểm hiện tại, còn chuyện tương lai tớ không dám nói trước, vì tớ vẫn quan niệm rằng “Nói trước bước không qua!” cơ. Sơ qua về tớ để mọi người có thể hiểu được tớ hơn trong bài viết này, thì nhà tớ ở thành phố biển Vũng Tàu, và tớ hiện là sinh viên năm hai của một trường Đại học có tiếng ở Sài Gòn hoa lệ. Đúng vậy, nếu tính ra so với những người khác, thì khoảng cách về địa lý giữa nhà tớ và ký túc xá – nơi tớ sinh sống và học tập hiện nay – có thể xem như là gần, chỉ cần ra bến xe bắt xe khách, bước lên xe, đeo tai nghe, mở nhạc, nằm thư giãn (hoặc đôi khi là ngủ) thì vỏn vẹn hơn hai tiếng đồng hồ thôi, tớ đã có mặt ở trong ngôi nhà thân yêu của mình rồi. Nghe sướng phải không nào? Và tớ cảm thấy rất may mắn về điều kiện và hoàn cảnh sống của mình, và vô cùng tự hào và biết ơn về ba mẹ tớ vì… họ là ba mẹ tớ!
Không như những tân sinh viên khác, háo hức mong chờ bước chân vào cánh cổng đại học chỉ vài tuần sau khi kết thúc kì nghỉ hè cuối cùng của thời học sinh, thì khóa tốt nghiệp phổ thông năm 2021 của tớ lại chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 vừa rồi. Khóa đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại không được dự Lễ tốt nghiệp, không được dự Lễ trưởng thành, và quan trọng hơn hết, là khóa tân sinh viên phải học trọn vẹn năm học đầu tiên ở đại học bằng phương thức trực tuyến. Tớ cũng rất lấy làm tiếc với bản thân mình vì đã không chịu viết nhật ký sớm hơn, nhưng tớ vẫn còn nhớ đó là vào tầm cuối tháng hai, lúc mà tân sinh viên khóa tớ chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ học quân sự của mình. Vào đúng cái đêm cuối cùng tớ ngủ ở nhà trước khi lên Sài Gòn, tớ không được ngủ trên chiếc giường thân yêu ở phòng. Chỉ đơn thuần trải một chiếc chiếu cùng gối, chăn, màn nằm tạm bợ ở phòng khách, do vào khoảng thời gian ấy, em trai tớ đang bị nghi mắc COVID và còn đang trong giai đoạn phải theo dõi. Tớ cũng nghĩ là tâm lý chung của đại đa số tân sinh viên thôi, rằng không một ai có thể ngủ ngon trong cái đêm đầy trằn trọc và suy nghĩ ấy, và tớ cũng vậy!
Sau khi lên đại học được một thời gian, kênh qua bao nhiêu group nói về việc học đại học, và qua một số quyển sách tớ đọc về việc học xa nhà, tớ vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc tớ nói với mẹ mà không một chút suy nghĩ: “Sau khi lên Đại học và phải học xa nhà, thì ngôi nhà đối với mình giờ đây chỉ là nơi dừng chân để nghỉ ngơi, không phải là nơi để trở về nữa mẹ nhỉ?” Lúc ấy mẹ tớ đang nấu ăn, tớ ngồi gần phụ mẹ, mẹ tớ không ngoái đầu lại nhìn tớ, mà chỉ đáp vỏn vẹn năm chữ rằng: “Sau này con sẽ hiểu!” Lúc ấy, tớ không thể nghĩ được một điều gì đó phức tạp và sâu xa trong câu trả lời của mẹ. Nhưng cho đến bây giờ, tớ đã có thể hiểu được đôi chút suy nghĩ và cảm xúc của mẹ tớ lúc ấy. Người mẹ đã khóc vào những ngày đầu tiên đi làm sau mười lăm năm ở nhà làm nội trợ và chăm sóc cho hai đứa con trai mình vì nghĩ rằng: “Mình đi làm sẽ không còn nhiều thời gian chăm sóc chúng nó như trước đây nữa”, mặc dù lúc ấy tớ đã lớp chín, còn em tớ thì lớp sáu.
Lớp 9, chính xác là đầu năm học ấy, tớ mới lần đầu tiên tự đi học bằng xe đạp mà không có ba, hoặc mẹ, hoặc đôi khi là người thân, hàng xóm chở mỗi khi mà cả ba mẹ tớ đều bận. Nghe cứ như quý tử, công tử bột của ba mẹ ấy nhỉ? Hai câu đối thoại tớ có đề cập đến ở đầu bài viết là những lời tớ thường xuyên được nghe khi về nhà từ ba mẹ, người thân, hàng xóm và đôi khi là những chủ quán ăn nơi tớ thường xuyên lui tới thưởng thức bữa sáng ngon lành của mình vào những năm tháng học phổ thông. Tớ đã kêu là tớ may mắn hơn nhiều người rồi mà, và tớ biết ơn cuộc sống cho tớ điều đó. Thông thường sẽ là những câu hỏi như: “Sao lâu rồi không thấy nó về nhỉ?” hoặc là “Sao đi học xa nhà mà về nhiều thế, tuần nào cũng thấy về?,” hay câu hỏi chắc chẵn sẽ được hỏi là: “Về vậy rồi khi nào đi?” Nhưng đối với tớ lại không vậy, không có câu hỏi mang tính hiếu kỳ nào của mọi người dành cho tớ, mà cũng không nhất thiết phải là câu hỏi, hai câu tớ thường được nghe nói nhiều nhất mỗi lần tớ về nhà là: “Ăn cái này đi con, món này ngon nè, ăn nhiều vô chứ lên đó không có mà ăn đâu!” và “Trời ơi mang cái này lên theo để mà ăn, mà xài nè, chứ ở đây quá trời không có hết đâu mà lo!” Mặc dù nhà gần là thế, nhưng mỗi lần đi đi về về, thế nào cũng có gì đó, tay xách nách mang vai ôm lên thành phố để dùng, để chia cho bạn bè cùng xài chung, vừa vui mọi người, vừa vui mình.
Tớ cũng hay trêu gia đình bằng việc về nhà sớm mà không thông báo cho mọi người biết trước để sắp xếp chuẩn bị đi đón. Chẳng hạn như nói thứ bảy về nhưng chiều thứ sáu tớ đã sắp xếp được lịch học bù để có mặt ở nhà và dùng cơm tối với gia đình rồi, hoặc tớ sẽ nói với mọi người rằng tuần sau tớ mới về, nhưng vào cuối tuần này tớ đã được nghe trực tiếp câu đùa ba mẹ hay nói với tớ: “Chưa thấy nhớ mà đã về rồi, về vậy rồi cơm gạo đâu ra mà nuôi hoài!” Từ khi lên thành phố học xa nhà, tớ đã dần để ý đến cảm xúc của gia đình tớ nhiều hơn mỗi lần tớ về như vậy. Tớ không biết diễn ra điều đó thế nào, nhưng nếu được chứng kiến, tớ cam đoan rằng những người ngoài như các cậu cũng sẽ thấy sự khác biệt trên nét mặt và nụ cười mà ba mẹ và em trai giành cho tớ lúc ấy. Nhờ việc đi học xa nhà mà gia đình tớ, từ hạnh phúc trở thành gia đình hạnh phúc nhiều hơn. Trước đây, sự hạnh phúc của nhà tớ chỉ được thể hiện qua hành động, như những gia đình khác thường trao cho nhau giữa các thành viên trong gia đình. Nhưng dần dần cho đến bây giờ, mặc dù chưa đủ dũng khí để nói rằng “Con yêu ba mẹ!”, nhưng tớ đã có một bước tiến to bự trong việc thể hiện tình cảm qua lời nói đến các thành viên trong gia đình. Tớ đã có nói rằng “Con nhớ ba mẹ nên về thôi” để đáp trả cho sự “giả vờ xua đuổi” tớ của ba mẹ, để rồi ba mẹ lại dìm tớ thêm lần nữa:
- Chắc tại chưa có người yêu nên mới nhớ tao với ba mày chứ gì, chứ có rồi thì làm gì mà có chuyện đó! – lần nào cũng như lần nào, coi có tức chết đi không chứ!
- Thế thôi một năm con về một lần vậy!
- Thế đi, đỡ tốn tiền cơm gạo điện nước!
Tình gia đình cảm… lạnh thật sự, nhưng mỗi lần cuộc hội thoại như vậy kết thúc, ai cũng cười vui vẻ và thoải mái hơn, tớ có thể cảm thấy tình cảm gia đình tăng lên rất nhiều, dù những cuộc nói chuyện đó có vẻ hơi “vô tri”.
Để nói về em trai tớ, một cậu nhóc đang ở giai đoạn nổi loạn của cuộc đời, vô cùng ngang bướng, khó bảo và cứng đầu. Cái tôi lớn cùng với thế giới quan và các quan niệm khác nhau của tuổi mới lớn đã một phần tạo nên tính cách như thế, khiến tớ, và nó không thể nói chuyện với nhau bình thường quá lâu. Nhưng từ khi tớ đi học xa nhà, mẹ tớ hay kể với tớ rằng ngày nào cứ đến giờ cơm tối, khi mâm cơm gia đình giờ đây chỉ còn ba người, nó luôn hỏi rằng: “Mẹ ơi hôm nay có gọi cho anh hai không mẹ?” Tớ không biết phải chăng nó đã lớn hơn, biết suy nghĩ hơn, hay chỉ là sự bộc phát về mặt tình cảm của cái tuổi ương ngạnh ấy, mà hết lần này đến lần khác, ngày này đến ngày khác đều cùng một câu hỏi với nội dung y chang. Thôi, chúng ta cứ nghĩ theo chiều hướng tích cực, rằng sự xa nhà của tớ đã dẫn đến sự thay đổi trong nội tâm cùng cách thể hiện tình cảm của nó đi nhỉ, dù gì nó cũng là em trai tớ mà! Mỗi lần tớ về, là ba mẹ lại đau tai nhức óc, vì tớ và nó nói chuyện suốt, ríu ra ríu rít cả ngày vậy đó. Mười tám năm ở nhà, số câu từ nói ra giữa nó và tớ không biết có nhiều bằng hai năm kể từ ngày tớ đi học xa nhà đến bây giờ không nữa, tính cả nói chuyện trực tiếp và nói chuyện qua điện thoại?
Nhân tiện đây, cũng liên quan đến vấn đề này, cứ cho rằng nhiều người ở quá xa nhà để tần suất về nhà không được nhiều, nhưng bây giờ là thời đại kỹ thuật số mà, điện thoại đã dần trở thành vật bất ly thân, thế thì tại sao không thể dành khoảng ba mươi phút buổi tối rảnh để gọi điện thoại về cho gia đình nhiều hơn nhỉ? Thường thì khoảng hai ngày tớ sẽ gọi điện một lần về cho gia đình đúng vào những giờ cơm tối, là khoảng thời gian đủ để vừa có thể kể về hai ngày qua của mình, vừa có thể trêu chọc ba mẹ tớ một tí, gây sự với thằng em trai tớ một tí, và đôi khi cũng mè nheo, nũng nịu với họ một tí. Nói đi thì cũng phải nói lại, kể ra là thế, nhưng đôi khi tớ lười, tớ ham chơi, tớ ngồi lê đôi mách với bạn bè của tớ, mà quên mất, hoặc đôi khi là “cố tình quên” việc gọi về nhà. Nửa tuần – chính xác là bốn ngày, không hơn không kém – là khoảng thời gian lâu nhất mà tớ không gọi cho người nhà. Có thể có trường hợp đến ngày thứ năm, nhưng hiện tại nó vẫn chưa xảy ra, vì qua tới ngày thứ bốn, tớ đã bắt đầu có cảm giác “thiếu thiếu điều gì đó cần thiết rồi”, là đến tối ngày thứ tư hôm đó, tớ phải chủ động gọi về nhà để ăn “cơm ngó” cùng với ba mẹ và em trai tớ rồi.
Vậy theo mọi người, sinh viên đi học xa thì bao lâu về nhà một lần là hợp lý? Một câu trả lời vô thưởng vô phạt mà tớ sẽ nói là: “Bao lâu cũng được, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, cảm xúc, nhu cầu và ti tỉ lý do khác của mỗi người!” Nhưng trong trường hợp của tớ, hai là con số hợp lý – hai tuần. Không phải dĩ nhiên mà tớ có thể ấn định con số này vào cuộc sống sinh viên của tớ. Tớ đã từng thử qua ba mốc thời gian khác, là: một tuần, ba tuần, và bốn tuần. Nhưng đối với tớ, một tuần là khá ngắn, nếu tớ duy trì thói quen về nhà vào cuối mỗi tuần sau khi kết thúc việc học tập trong tuần ấy, thì chắc có lẽ tớ sẽ không thể nào bắt đầu được bài viết này, chứ chưa kể đến việc có thể hoàn thiện nó như vậy, vì tớ có thể đoán được rằng, một tuần một lần sẽ không khiến bản thân tớ thay đổi về mặt tâm sinh lý như lúc này, và do đó tớ nghĩ mình vẫn còn đang nằm ở một mức độ nào đó trong vùng “quá an toàn của chính mình”. Ba tuần – ôi thôi! Tớ nghĩ như vậy là nhiều sau những lần thử nghiệm bất thành của mình. Từ khoảng sau tuần thứ hai trở đi, tớ đã có cảm giác nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ em trai của mình rồi. Còn bốn tuần, thì thôi bỏ qua đi! Các cậu có thể nghĩ tớ phụ thuộc quá nhiều vào gia đình mình và là một đứa sống thiên về cảm xúc? Đúng, tớ không phủ nhận bản thân tớ như thế. Tớ có đủ lý do chính đáng và tốt đẹp để cân nhắc bản thân mình hành động như vậy.
Nhưng xác nhận như thế, không đồng nghĩa với việc sau hai tuần xa nhà, tớ dành toàn bộ thời gian từ đó đến khi được về nhà lần tiếp theo để nằm dài vô dụng một chỗ như thế mà nhớ tới ba mẹ, em trai, và ngôi nhà thân yêu của mình. Thường thì sẽ vào cuối ngày, khi mọi thứ được hoàn thành xong xuôi đâu vào đấy, khi tớ đã thoải mái đầu gối gối, chân gác gối ôm, chiếc chăn bông mềm mại đã đắp lên người tớ nằm trên giường, thì cũng là lúc vô cùng thích hợp để những suy nghĩ về gia đình choáng ngợp một phần tâm trí của bản thân. Đó là một liều thuốc cực kỳ tốt để chữa lành khi nghĩ về sự hạnh phúc mà mình có. Song, có những đêm tớ không thể ngủ được vì một vài vấn đề phát sinh trong gia đình mà tớ được nghe “tay trong” kể lại: những lần cái tuổi mới lớn của em trai tớ làm cho ba mẹ phiền lòng, những tháng mà gia đình chi tiêu vượt quá ngân sách được đề ra, trường hợp hàng xóm, họ hàng làm ba mẹ tớ phải suy nghĩ về các mối quan hệ,…
Có một vấn đề tớ chưa từng nói nghiêm túc với ba mẹ tớ, hoặc là do tớ không đủ can đảm đề thảo luận về nó với họ. Mười bảy năm – bằng với số tuổi của em tớ - chính xác là số năm mà gia đình tớ bắt đầu hình thành thói quen mâm cơm bốn người: ba tớ, mẹ tớ, em trai tớ, và tớ. Ở giai đoạn tuổi trẻ thế này, việc yêu một ai đó mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn không được gặp mặt, là chúng ta sẽ sinh ra cảm giác nhớ nhung và mang theo hình bóng của đối phương bên mình trong mọi khoảnh khắc ở hiện tại. Nhưng liệu các cậu đã nghĩ đến tình cảm gia đình thiêng liêng, mỗi sáng mở mắt ba mẹ nhìn thấy cậu, mỗi tối trước khi ngủ ba mẹ nhìn thấy cậu, đôi khi trêu chọc cậu rằng: “Tao nhìn thấy mày riết mà tao chán không muốn nhìn luôn ấy!” Sau mười tám năm, khi đứa con của mình rời ngôi nhà để đi học xa, không được gặp nhau trực tiếp hằng ngày như đã từng, chỉ còn có thể nhìn nhau qua màn hình điện thoại, sẽ cảm thấy như thế nào khi trong nhà hằng ngày thiếu mất đi một thành viên, những bữa cơm gia đình trống một chỗ ngồi, chiếc bát, đôi đũa thường ngày vẫn nằm trên đôi tay gắp thức ăn lia lịa ấy, giờ chỉ xuất hiện vào những khoảnh khắc “về nhà” của những đứa con?
Tớ nghĩ đối với những bậc phụ huynh như ba mẹ chúng ta, thậm chí cả chúng ta của mai này khi đã trở thành ba mẹ như họ, đều phải sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho sự mất mát, đánh đổi một số điều không đành lòng để hi sinh và củng cố cho tương lai con cái mình sau này. Vì chẳng ba mẹ nào không muốn nhìn thấy tận mắt con cái mình hằng ngày, chăm sóc cho chúng từng miếng ăn giấc ngủ, lo lắng cho chúng từng vấn đề nhỏ nhặt nhất của cuộc sống. Đời mà! Chúng ta vẫn cứ thế lớn lên hằng ngày, ba mẹ chúng ta vẫn cứ thế lớn tuổi hơn hằng ngày, không thể thay đổi được. Tớ đã từng chứng kiến một cụ ông chín mươi tuổi mắng người con bảy mươi tuổi của mình rằng: “Tao nói từ khi mày con bé mà đến giờ vẫn vậy là sao hả con?” Chúng ta dù có lớn bao nhiêu chẳng nữa, chức vụ, địa vị ngoài xã hội có to thế nào đi chăng nữa, có thể làm ông này bà nọ, nhưng trước mặt ba mẹ, chúng ta vẫn sẽ là những đứa trẻ đối với họ. Chỉ khác là sự quan tâm, lo lắng, chỉ bảo của họ dành cho chúng ta sẽ dần thay đổi theo thời gian với những cách tiếp cận khác nhau.
Liệu sau hơn một năm nữa, khi mà cả em trai nhỏ hơn tớ ba tuổi sẽ bước chân vào cánh cổng đại học, và nó cũng sẽ đi học xa nhà như tớ, lúc đó ngôi nhà chỉ còn lại ba mẹ tớ, phải nghĩ đến cảnh mỗi ngày trong ngôi nhà chỉ còn hai người với nhau, những bữa cơm chỉ còn hai người, xem ti vi cũng chỉ còn hai người,... tớ của hiện tại chỉ mới hiểu được một chút vô cùng ít trong hoàn cảnh đó. Nhưng một mai khi lớn lên, rồi tớ sẽ trưởng thành hơn, hiểu biết nhiều hơn, đến cái tuổi mà tớ đã trở thành ba của những đứa con tớ, thật sự tớ không biết phải suy nghĩ về vấn đề đó như thế nào nữa. Tớ cũng đang rất phân vân và chưa có câu trả lời nào thật sự tối ưu cho câu hỏi mà tớ đặt ra với hai anh em chúng tớ: “Liệu sau này khi cả hai đứa đều xa nhà, thì mỗi khi về nhà, hai anh em sẽ về cùng nhau, hay là về xen kẽ nhau nhỉ?” Tớ không biết nữa, nhưng chắc chắn lúc ấy tớ sẽ thử nhiều lần, và tham khảo thêm ý kiến của ba mẹ tớ, để chọn ra một trong hai lựa chọn trên, hoặc cũng có thể là một lựa chọn tối ưu nào đó khác không nằm trong cái nào đã được đề cập!
Tớ kể câu chuyện của tớ, không phải để khoe khoang về sự may mắn của mình, càng không phải để các cậu cảm thấy tự ti về hoàn cảnh của mình, vì ai cũng có vấn đề của riêng mình mà, nên tớ chỉ dám chia sẻ một chút hạnh phúc của bản thân giành cho những ai đọc được bài viết này của tớ. Tớ tự cảm thấy bài viết này có đôi chút phiến diện, vì dù học xa nhà hay gần nhà, thì mỗi cá nhân và gia đình của họ đều mang những hoàn cảnh khác nhau mà nếu không phải ở trong đó, thì những người khác không thể nào hiểu được. Và như đã đề cập ở đầu bài viết, tớ chỉ đang chia sẻ về trải nghiệm và trường hợp của tớ, cùng những ý kiến chủ quan của bản thân mình rút ra từ tư duy và thế giới quan có phần hạn hẹp, mong các bạn độc giả nếu cảm thấy không hài lòng thì có thể thông cảm để tớ sẽ cố gắng hoàn thiện bàn thân mình hơn ở sau này.
Cuối cùng, tớ muốn gửi tặng một chiếc ôm thứ hai thật ấm áp đến những bạn sinh viên nói chung, và những bạn đi học xa nhà nói riêng. Chúc các cậu có cơ hội về nhà nhiều hơn, cũng như thành công theo đuổi ước mơ ở nơi đất khách quê người. Tớ yêu tất cả các cậu!
Nhà – đơn giản là nơi để trở về - vì ở đó có gia đình!
© Minh Khoa - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
30 Tuổi Chưa Có Gì Là Kẻ Thất Bại l Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Thói quen của anh
Có những mảnh ký ức con con lấp đầy một tấm lòng chật hẹp, có một người con gái cả một đời anh mãi không quên.
Tình yêu là chữa lành vết thương
Tình yêu không cần phải được biểu hiện qua những món quà hay những lời hứa hẹn, mà đơn giản chỉ là sự hiện diện, là sự thấu hiểu và sẵn lòng chia sẻ với nhau.
Ấm áp trà gừng
Bố gật gù khen hương vị trà gừng mẹ làm rất đặc biệt. Mà không phải mình bố cảm nhận như thế, cả ông bà nội, cả mấy chị em tôi đều cảm nhận rõ điều này. Đằng sau hương vị thơm ngon của trà gừng chính là sự quan tâm, yêu thương vô bờ của mẹ.
Vết sẹo trong tim
Em cứ nghĩ sau tất cả những chuyện đã xảy ra thì anh sẽ vì em mà thay đổi và càng yêu em hơn. Nhưng không, anh đã bỏ mặc em để vui bên người khác. Lúc ấy, chỉ có ba mẹ em ở bên cạnh em và em biết thật sự em đã sai khi yêu lầm người.
Hương biển
Anh nghe hương biển cứ thoang thoảng nhẹ nhàng trong gió, hương biển có mùi cá có mùi vị nồng nồng da diết có cả mùi nước mắm thơm thơm đậm đà ở ngôi làng gần đây bay đến.
Những con người trong nắng
Người ta rong chơi trên bao khắp con đường Chỉ có họ cứ lặng thầm trong nắng Chỉ có họ cứ miệt mài mải miết Kiếm tìm hoài những hạnh phúc gần xa
Ngửa đầu trông trăng, thấy trăng tròn vành vạnh
Thế mà, lúc ngẩng đầu lên, ánh mắt ta chạm phải ánh mắt nàng. Ta tưởng như thời gian ngừng trôi và cả thế giới hoàn toàn biến mất, chỉ còn ta và nàng. Không gian chìm trong sắc vàng đỏ, trở nên huyền ảo, vừa như thực lại vừa như mơ.
Giữa những câu chuyện đời
Khi ta trải qua những khó khăn, mất mát hay thành công, niềm hạnh phúc, ta thường nghĩ chúng là duy nhất. Nhưng kỳ thực, trong nhiều câu chuyện khác, những gì ta trải qua lại có thể phản chiếu một phần câu chuyện của người khác.
Sài Gòn ưu tư
Sài Gòn không thấy được nhiều sao như biển cát Không tìm được chỗ riêng tư để thả mình Không lắng nghe được đồng xanh ca tiếng hát Không có người tựa lên gối lặng thinh.
Cái tên
Tôi không biết Mai và Cường đã có cảm giác gì trong khi chịu đau đớn thể xác, nước mắt vốn dĩ để thể hiện sự đau đớn, và buồn tủi đó, liệu hai đứa nhóc đó đã cạn chưa. Tôi không hiểu, người ta chiến đấu không phải vì chiến thắng, họ chiến đấu vì khoảnh khắc họ cần sống.