Gian nan con đường đi tìm con chữ
2020-12-26 01:22
Tác giả: Khánh An ( Hồng Minh)
blogradio.vn - Nhìn những gương mặt ngây thơ, trong sáng đang tròn mắt nhìn người khách lạ đến thăm, tôi thương các em đến lạ. Mong các em và các thầy cô vững tin trên con đường đi tìm ánh sáng của con chữ, để một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn sẽ đến với các em, những học sinh vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc.
***
Tháng 12 nhẹ nhàng gõ cửa, báo hiệu cho người người, nhà nhà về những dự định cần phải gấp rút lên mà thi hành trọn vẹn. Lúc này, lòng người đang khấp khởi mừng vui trong thời khắc bánh xe thời gian quay dần về điểm cuối một năm với bao điều dự định, toan tính để thực hiện cho bằng hết trước khi sang năm mới.
Bản thân tôi cũng thế. Tháng cuối năm đến đã giục giã tôi thực hiện chuyến hành trình mình đã ấp ủ lâu nay, đến thăm ngôi trường tiểu học Lũng Gà nho nhỏ ở địa đầu Tổ quốc, nơi mà thật sự cheo leo cho nẻo đường tìm con chữ. Và thế là, bước chân rong ruổi đưa tôi đến với Cao Bằng.
Là một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc với nền khí hậu mát mẻ quanh năm, có rừng, núi, sông suối trải dài hùng vĩ, thiên nhiên mang nhiều nét hoang sơ, cùng với những tháng năm lịch sử, đã tạo cho vùng đất Cao Bằng những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Núi cao, sông hồ, thác nước và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ rất thích hợp với du lịch ngoạn cảnh, nghỉ ngơi, do đó Cao Bằng là một điểm đến rất thú vị đối với những ai yêu xê dịch và thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Cao Bằng là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất. Địa hình núi non trùng điệp, hiểm trở, trong đó rừng núi chiếm hơn 90% diện tích đã tạo nên sự thích thú cho du khách mỗi khi ghé thăm.
Nhưng điều này cũng đã gây ra rất nhiều sự khó khăn trong cuộc sống cũng như canh tác, nhất là con đường đến trường của trẻ em các vùng cao của tỉnh. Bản Lũng Gà, nơi xa xôi bậc nhất của huyện Hòa An mà tôi đến là một điển hình .
Nơi đây là một trong những xóm vùng cao với 100% dân số là người dân tộc H’Mông nghèo khó. Cuộc sống nơi đây chủ yếu là nông nghiệp, tiến hành canh tác chủ yếu là cây ngô, với năng suất không cao do đất đai cằn cỗi.
Đặc biệt, nơi đây không có nguồn nước trong mùa khô, nên hoàn toàn chỉ sử dụng nước mưa trữ trong các bể chứa kết hợp với nước gùi về từ các khe suối.
Khu vực này chỉ mới được mắc dây điện chứ chưa có điện, nguồn ánh sáng chủ yếu dựa vào tự nhiên vào ban ngày và các bếp lửa, ánh đuốc vào ban đêm.
Điểm trường Lũng Gà là một phần trường thuộc trường Tiểu học và Mầm non tại xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Điểm trường có 7 phòng học và 1 văn phòng, đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 21 tháng 09 năm 2018, nhờ sự tài trợ của nhóm thiện nguyện Cầu Giấy yêu thương ở Hà Nội.
Ngôi trường được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng, hân hoan của các thầy cô giáo và đông đảo bà con người H’Mông nơi đây. Công trình hoàn thành, không chỉ tạo điều kiện cho các em học sinh ở vùng sâu vùng xa có chỗ học tập vui chơi, mà còn thắp lên hy vọng và niềm tin cho cả thầy và trò, về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn với những con chữ và những bài học hay.
Đây cũng sẽ là nơi để các em học sinh nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão của mình, một nơi vững chắc chắp cánh cho những ước mơ nhỏ bé được bay cao và bay xa hơn nữa.
Vượt lên những khó khăn của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thầy cô giáo của phân trường Lũng Gà đã không ngừng vận động trẻ nhỏ đi học, vun đắp ước mơ cho các em.
Những ngày đầu, các thầy cô phải đến từng nhà, cùng với cán bộ xã nói thật nhiều, thật lâu để dân bản hiểu và cho con em mình đi học. Mưa dầm thấm đất, từng ngày, từng ngày một, thầy cô cứ đi từng nhà, gặp từng người và số học sinh đã đến trường ngày một nhiều hơn, cả các lớp tiểu học và mẫu giáo lớn.
Sau 2 năm, toàn trường đã có 5 lớp tiểu học từ 1 đến 5 và hai lớp mẫu giáo dành cho lứa tuổi 4 và 5. Đây có thể xem như một thắng lợi rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng.
Đặc biệt, dần dà, phụ huynh học sinh ở đây, thay vì sáng sớm lên nương rẫy, thì hình như ai ai cũng cố gắng bớt chút thời gian buổi sáng đưa con đến trường và đón con lúc chiều về.
Bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong cho con cái mình được học cái chữ, để nên người, có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiểu được tấm lòng người vùng cao cùng khát khao con chữ, các thầy các cô nơi đây đã không chỉ có trí tuệ, kiến thức mà còn dành cả trái tim mình cho việc dạy chữ, dạy người nơi đây.
Nếu các giáo viên miền xuôi hết lòng với học sinh bằng 100% sức lực của mình thì thầy cô vùng cao phải dành đến 200%. Phân trường Lũng Gà cách xa điểm trường chính 5km, giao thông đi lại rất khó khăn, chỉ có một con đường mòn độc đạo nửa đá nửa đất men theo vách núi đi lên. Các thầy cô đi dạy, tiết trời khô ráo thì vẫn có thể đi xe máy, vượt qua chặng đường khấp khểnh sỏi đá đến lớp. Nhưng nếu chẳng may gặp một cơn mưa, thì chỉ còn cách bỏ xe giữa đường, cặp vở, giày dép cho vào bao ni lông và đi bộ lên với học trò thân yêu.
Do đó, văn phòng của điểm trường cũng đồng thời là phòng chứa đồ, để phòng bị cho những trường hợp mưa gió và thầy cô bị lấm lem, phải có quần áo thay trước khi đứng lớp.
Đây cũng đồng thời là phòng ăn cho những bữa trưa tạm bợ và vội vàng trước giờ chiều lên lớp. Những hàng chữ, con số trên bảng đen, phấn trắng chưa bao giờ là dễ dàng với các giáo viên bám bẩn.
Thầy cô đã vậy, các em học sinh đi tìm con chữ cũng không dễ dàng gì. Các em phải dậy từ sáng sớm, ăn cơm rồi đùm cơm, lấy nước mang theo để ăn trưa tại trường, học hết nửa buổi chiều nữa mới về nhà.
Con đường đến trường toàn là mỏm núi, sườn đồi, cheo leo và gian nan với đường mòn trong rừng nên đến được trường cũng là cả một sự cố gắng rất lớn.
Học sinh của điểm trường hoàn toàn là con em người Mông, không biết nhiều tiếng Kinh, cá biệt có em còn chưa biết một tiếng Kinh nào. Còn tất cả 8 thầy cô giáo, bao gồm cả mẫu giáo, tiểu học, bộ môn và đoàn thể của điểm trường lại là người dân tộc Tày, Nùng, Dao…, không biết tiếng Mông.
Sự bất đồng ngôn ngữ, chính là rào cản khó khăn đầu tiên cho cả thầy và trò, trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Các thầy cô, phải dạy thật chậm rãi, đến đoạn nào có từ khó hiểu lại phải tìm đủ cách để diễn đạt cho các em, từ ra dấu, đến vẽ hay có khi mô tả và dùng các giáo cụ trực quan sẵn có.
Có lúc có một số bạn biết nhiều tiếng Kinh hơn được thầy cô nhờ làm “thông dịch viên” bất đắc dĩ cho các bạn cùng lớp. Lại có những khi đang học thì sương mù, mưa phùn kéo đến bao quanh lớp học, cả cô và trò phải cùng nhau thắp đèn lên để tìm ánh sáng cho bài giảng. Lúc đó, là tiết học bên ánh đèn giữa ngày mây mờ.
Những tiết học nơi địa đầu Tổ quốc này không chỉ có phấn trắng, bảng đen mà còn có bao nhiêu là nước mắt, mồ hôi, yêu thương và đồng cảm. Gian nan là vậy, nhưng thầy trò nơi đây yêu thương nhau, coi nhau như một gia đình.
Các em không chỉ là học sinh, mà còn như con cháu của các thầy các cô, có chuyện vui buồn gì cũng đều tỉ tê tâm sự, tỏ bày. Các thầy cô giáo, mỗi khi đến dịp lễ, Tết hay sinh hoạt đầu tuần lại cùng nhau mua ít quà bánh, sách vở làm quà thưởng cho các học trò ngoan, những em đạt điểm tốt, để có thể động viên và khuyến khích các em phấn đấu học hành.
Nhìn những nụ cười rạng rỡ và tự hào của các em khi ấy, bao khó khăn, gian khổ như không còn, chỉ có niềm vui và sự hạnh phúc là hiển hiện trong ánh mắt cô thầy.
Gắn bó như vậy nên khi điểm trường chính có ý định luân chuyển giáo viên để giảm bớt khó khăn cho giáo viên bám bản, không thầy cô nào chịu quay về.
Từ lâu, vốn thầy cô đã xem điểm trường Lũng Gà là nhà và học sinh cùng phụ huynh nơi đây là người thân. Có những tình cảm làm ta chẳng nỡ rời xa.
Quả thật rất gian nan mới tới được điểm trường, nhưng nhìn trò nghèo vùng cao vui cười, ê a đọc bài hay hát vang những bài ca rộn rã, trong lòng ai cũng vui và ấm áp lắm.
Đến Lũng Gà vào một sáng mờ sương, vượt một quãng đường dài đầy đá sỏi trên chiếc xe máy của Ủy ban xã do một cán bộ xã cầm lái, tôi đã đến điểm trường khi toàn thể thầy trò đang trang nghiêm làm lễ chào cờ.
Lá quốc kì phấp phới bay nơi sân trường lộng gió, tiếng hát ngân vang bài Quốc ca giữa bao la rừng núi, thoáng chốc tôi như lặng người và thấy thật sự xúc động.
Nhìn những gương mặt ngây thơ, trong sáng đang tròn mắt nhìn người khách lạ đến thăm, tôi thương các em đến lạ. Mong các em và các thầy cô vững tin trên con đường đi tìm ánh sáng của con chữ, để một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn sẽ đến với các em, những học sinh vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc.
Chỉ muốn nhắn gửi với các em “Những cây cao nhất sẽ mọc trên những mảnh đất cằn cỗi nhất. Chỉ cần có quyết tâm và niềm tin thì sau này, đường các em đi sẽ không còn là nẻo đường cheo leo đi tìm con chữ như hiện nay nữa, mà sẽ là con đường rộng rãi, đẹp đẽ trên vùng núi Cao Bằng này”.
© Khánh An ( Hồng Minh) - blogradio.vn
Xem thêm: Trưởng thành là không ngại cô đơn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu