Phát thanh xúc cảm của bạn !

img bài dự thi Dưới mái nhà

2020-06-13 01:22

Tác giả: Ánh Dương


blogradio.vn - Boong … boong… boong… tiếng chuông chùa vang vọng bên kia sông kéo bà quay về thực tại. Ông nhẹ nhàng gấp thức ăn vào chén cho bà rồi giục, bà ăn đi, ăn rồi tôi mở ti vi cho bà coi. Hôm bữa ti vi có chương trình quảng cáo bà thấy có đứa nào giống cháu gái bà đó. Ừ, mà sao lâu quá không thấy tụi nhỏ về chơi. Câu hỏi rơi vào khoảng không như buổi chiều vắng lặng phủ lên mái nhà chỉ còn đôi vợ chồng già đỡ đần bên nhau cho đến ngày lá rụng về cội. Lúc đó không biết người ở lại có ai để bầu bạn.

***

Ánh nắng chiều xuyên qua lá dừa len lỏi xuống tận thềm nhà vài tia nắng yếu ớt. Ngôi nhà ngói đỏ nay đã lốm đốm thâm đen. Cửa sổ mở toang trơ khung sắt mặt cho gió lùa vào. Cửa chính một bên khép hờ. Bên trong đôi vợ chồng già đang ngồi trên ghế bành gỗ cạnh bàn đá vuông ăn cơm. Mái tóc dài trắng muốt được bà bới gọn gàng. Đôi mắt trũng sâu, nheo lại mỗi khi nhìn ra sân. Đôi cánh tay mảnh khảnh, da nhăn nheo, gầy guộc để lộ những đường gân, những đốm đồi mồi. Một chân buông thỏng, chân kia đặt lên ghế, dáng bà ngồi cong queo, mỏng manh, buồn tẻ như ánh nắng vắt qua sân ngoài kia. Ông dáng người thấp không thanh cao như bà, tuổi đã chín mươi nhưng trông vẫn còn khỏe lắm, chỉ đôi mắt đã nhòe đi. Mâm cơm chỉ vỏn vẹn đôi chén đũa, một cái nồi cơm nhỏ và một phần thức ăn khi thì cá kho quẹt, lúc thịt kho, hay đĩa rau luộc kèm nước mắm…Ông bà trợn trạo nuốt cho qua ngày. Đôi khi có tiếng xe máy chạy ngang trước nhà hay tiếng chặc lưỡi của con thằn lằn vô duyên rơi tõm vào giữa khoảng không gian vắng lặng cũng làm bà buông đũa thở dài, tay ôm gối, mắt thơ thẩn nhìn ra sân nhớ mông lung.

Ông bà có bốn người con và hơn chục đứa cháu cả trai lẫn gái. Hồi trẻ, ông bà chịu khó làm lụng cực nhọc, vất vả nên có được nhiều ruộng đất và cuộc sống khá sung túc. Khoảng sân đất bên phải nhà trước đây từng có hai cây me ngọt, gốc to và cao một người ôm không hết, cây me đã góp phần vào sinh kế của gia đình. Những ngày gió chướng về những trái me khô cong, búng vào nghe cốc cốc, bà một mình chuyền hết cành này qua cành kia hái trái. Những khi trái chín nhiều gió lay me chạm vào nhau nghe xào xạc, trái rụng lốp bốp dưới sân. Lũ trẻ đi học về lại trèo lên cây hái me phụ bà. Phần thưởng của chúng là những trái me chín ngọt lịm hay me dốt giòn thanh thao. Chị Bé năm nào cũng ghé qua nhà bà để mua me bán. Mỗi sáng bà thường đem chổi ra sân quét vì gió đêm làm lá khô rụng nhiều. Có dạo đứa cháu gái chừng mười hai tuổi cũng dậy sớm giành phần quét sân với bà.

Xung quanh nhà là những hàng dừa cao thẳng tấp, cạnh sân những cây dừa nghiêng mình in bóng dưới mặt sông. Con sông hiền hòa chảy ngang nhà, sông không sâu nhưng đủ rộng để bọn trẻ tha hồ tập lội, tắm sông. Đứa cháu nào chưa biết lội, ông hay chặt mấy bẹ dừa nước cho chúng bập bõm cập mé. Đứa lớn biết lội tập cho đứa chưa biết. Đám con gái thì đi theo ông tướt lá xé xếp thành hoa, cào cào hay chú chim non. Tuần nào nghỉ học chúng cũng tụ tập lại tắm sông và chơi trò ô ăn quan, tạt lon, hay chơi u. Tiếng cười đùa rôm rã của bọn trẻ làm náo động cả xóm. Những lúc rảnh rỗi bà thường dạo quanh giật mấy tay tàu dừa sụ xuống rồi gom thành đóng. Đóng bẹ dừa cao cao là bà đem dao chặt từng khúc phơi làm củi, phần lá bà rọc để dành nhóm lửa. Bà thích nấu cơm bằng củi vì có cơm cháy vàng mùi thơm không lẫn đâu được. Có khi bà lựa mấy tay dừa tươi cọng dài và đều tuốt lấy cọng đem phơi gom chừng đủ chục cây chổi bà đem lên bà Sáu xóm trên kết lại. Chổi kết xong cây nào cũng to, que dài, lúa gặt xong phơi trên sân dùng chổi quét qua lúa lép là sạch trơn, lúa giê lại không tốn công nhiều.

Cái quạt máy cũ kỹ mỗi lần giê lúa lại đem ra, một người đứng quay quạt, người xúc lúa, người đứng trên ghé đẩu đưa thúng ngang đầu ngọn gió mà thả đều cho lúa lọt qua năm kẻ ngón tay, giê hết thúng lúa bà cầm chổi quét phần ngọn lúa lép, lúa chắc sau khi giê xong được xúc vào bao chờ thương lái đến cân bán, một ít để lại xay gạo ăn từ từ chờ đến vụ lúa mới. Phần lúa lép để dành nuôi đàn vịt. Ông thích nuôi vịt lắm nên bà không giê hết phần lúa ngọn mà để lại cho chúng. Ngày thường ông xắt chuối cây cho chúng ăn trộn. Tới mùa gặt, ông thả đàn vịt ra đồng cho chúng mót lúa rớt, một tay cầm sào dài trên đầu cột chùm ni lông cắt từng mảnh, ông lùa bầy vịt từ ruộng này sang ruộng khác, trưa bà nấu cơm ở nhà đem ra cho ông, lựa góc dừa mát ngồi chờ ông ăn xong bà mới về.

Khoảng sân trống mé hiên nhà bà trồng rau đắng, rau má, rau dấp cá hay bạc hà. Vườn nhà bà có rất nhiều cây ăn trái, bưởi cho trái sai và to. Mít chín cây là sực nức mùi thơm, xoài lủng lẳng trên cành. Bà còn trồng thêm khế, chanh, cây sa pô và nuôi cả cá dưới ao. Ngoài rẫy bà trồng bắp và khoai, mùa mưa đến những trái bắp được luộc chín cả nhà cùng quây quần bên nhau thưởng thức trong cái se se lạnh của mùa sang. Những ngày giỗ con cháu tụ tập về đổ bánh xèo với rổ tép bà xúc ngoài sông chiều qua hay nấu xôi lá cẩm, gói bánh ít lá dứa. Chuối già, cây nào nào có buồng cũng dài gần chạm đất. Ông phải lấy cây đỡ phụ cho nó khỏi gãy. Lá chuối cũng được dịp sử dụng vào ngày giỗ để gói bánh nhất là bánh tét ngày Tết. Năm nào mùng hai Tết mấy đứa dâu, cháu cũng đua nhau trổ tài gói bánh, ai không gói được bà chỉ từng chút. Tết là phải có mấy chục đòn bánh để mùng ba tết nhà và chia cho con cháu cúng Tết. Người lớn gặp nhau chuyện trò rôm rả, trẻ nhỏ cũng được dịp khoe áo mới chạy giỡn quanh nhà.

Bốn người con sau khi lớn lên đều lập gia đình và có con, ông bà cho mỗi đứa một miếng đất cất nhà ở riêng và đất ruộng để canh tác. Riêng vợ chồng đứa út làm việc ở huyện nên được cấp cho một căn hộ ở khu nhà tập thể. Ông bà rất thương thằng cháu nội đích tôn nên bắt nuôi từ nhỏ. Đứa cháu được ông bà cho đi học đến nơi đến chốn và được chăm sóc yêu thương hết mực. Từ khi đứa cháu lớn đi học xa nhà rồi đi làm, mấy đứa cháu nhỏ thì thay phiên nhau tối tối qua nhà ngủ với ông bà cho vui. Rồi tụi nó cũng lớn, đứa đi học xa, đứa đi làm, mấy đứa cháu gái cũng đi lấy chồng nên nhà ông bà quạnh hiu. Những năm đầu không có ai hái me phụ, bà phải một mình leo lên cây hái trái. Được vài năm ông cho người cưa cây me vì sợ bà té. Cây me cũng cỗi trái không còn nhiều nữa, nhánh lại xa và cho bà đỡ cực quét sân vì đứa cháu gái đã lấy chồng không còn ai quét phụ bà. Dạo này bà thường đau lưng, mỏi chân. Tối là tê nhức làm ông phải ngồi xoa bóp cho bà đến khi bà ngủ mới thôi.

Ông bà cứ sống lặng lẽ bên nhau như thế từ năm này qua năm kia, mùa xuân này nữa là chín mươi mà vẫn cô quạnh vì đứa cháu nội đích tôn đã không về ở chung với ông bà như đã từng mong đợi nữa. Nguyên do bắt đầu từ một lần bà bị bệnh, bước xuống thềm hụt chân té, người tái xanh. Ông đỡ bà ngồi dậy rồi tất tả đi thiệt lẹ ra nhà thằng ba cách đó chừng hai trăm mét, “bây coi vô chở má bây đi bệnh viện”, vừa nói ông vừa thở không muốn ra hơi, nước mắt nước mũi cứ thi nhau chảy tèm lem. Lần đó về bà yếu thêm một tẹo. Có lúc bà kêu ăn không vô làm ông cũng não ruột. Thấy vậy người mẹ bảo Nghĩa – cháu nội đích tôn về chăm lo cho ông bà lúc tuổi già. Từ nhỏ anh Nghĩa là một người con, người cháu rất ngoan và hiếu thảo, anh rất thương ông bà nên cả hai vợ chồng liền rời thành phố về quê sống chung với ông bà và đứa con trai gửi bà nội nuôi nấng từ lúc một tuổi. Có con cháu bên cạnh chăm sóc bà dần dần khỏi bệnh và khỏe hẳn ra. Cuộc sống nông thôn giờ cơ giới hóa nên làm ruộng không còn cần nhiều nhân công và không vất vả như trước nữa. Lúa chín đã có máy gặt đập liên hợp, lúa không cần đem về sân phơi mà thương lái đến mua ngay tại ruộng. Công việc đồng áng nhàn rỗi, anh Nghĩa hàng ngày phải đi giăng lưới, câu cá để đỡ tiền chợ. Ngày hai bận anh đưa rước con đi học, anh cũng đi tìm thêm việc làm với ngành cơ khí mấy chục năm gắn bó nhưng không được. Còn chị phải đi làm công nhân may, nhà xa nên phải đi xe đưa đón công nhân. Hai vợ chồng chật vật xoay sở tiền ăn, tiền học cho con và xài thâm tiền tiết kiệm, tương lai vẫn mù mịt. Kinh tế khó khăn cộng thêm lời ra tiếng vào từ những chú bác về việc ăn ở cho đến việc đi làm không lo chăm sóc ông bà. Bản thân anh quá mệt mõi, vợ anh bất mãn nên cả hai quyết định khăn gói lên thành phố kiếm sống.

Đứa cháu quyết định đi, bà không có cách nào ngăn cản cũng không thể giữ cháu ở lại vì sợ xung đột dấy lên. Một ngày nọ, đứa em về nhà ông bà chơi phát hiện ra tủ quần áo của anh mình bị cạy cửa, vợ chồng anh hay tin liền tức tốc quay về quê, đau khổ nhận ra vòng vàng, nữ trang lúc mới cưới ông bà đã cho và vàng dành dụm được do tiết kiệm bao nhiêu năm đã không cánh mà bay, chỉ còn cái sổ tiết kiệm với số tiền ít ỏi. Anh trình báo công an để tìm cho kẻ trộm vì nghĩ chỉ người trong họ hàng mới rành rẽ đường đi nước bước. Ông bà không đồng ý vì sợ con cháu bất hòa, không muốn làm xấu cả dòng họ, cháu nào cũng là cháu của mình nên lên tiếng để giải quyết trong nhà. Cuộc gặp gỡ lại thêm nước mắt, bà đau đớn khi anh nghĩ rằng bà thương con cháu không đồng. Của mất anh xót xa nhưng cũng không thể làm được gì hơn, anh cũng không nhận tiền ông bà cho từ sổ tiết kiệm tích góp bao năm để dưỡng già. Hai vợ chồng anh lại quay về thành phố, gạt bỏ chuyện cũ nhưng trong lòng vẫn ấm ức không nguôi. Vài năm sau đứa con trai của anh Nghĩa giờ đã gửi bên nhà ngoại đã lớn, trường học xa nhà lại học thêm nhiều mà ông ngoại già rồi nên không tỏ đường đưa rước đêm hôm được. Nhà cách quá xa nên mỗi tháng anh chị chỉ về thăm một lần rồi lại đi, thấy con mê chơi không lo học, ông bà không bảo ban được nên anh chị quyết định về quê ngoại để bắt đầu lại từ đầu. Dẫu biết cuộc sống bên vợ sẽ gặp nhiều khó khăn, anh cam chịu vì tương lai của con. Hay tin bà khóc hết nước mắt, nhà ở đây mà nó không về, không sống ở đây được sao.

Anh Nghĩa đi rồi hàng ngày ông phải lui cui nấu cơm bên bếp lửa khói cay xè cả mắt. Tụi nhỏ thương sắm cho cái nồi cơm điện nhưng ông không chịu nấu. Ông nói nấu cơm vậy ăn cho ngon, bà ăn quen rồi giờ nấu mỗi nồi cơm chứ mấy. Lâu lâu con gái mua thịt ghé qua nhà, ông bà kho cả tuần ăn mới hết. Có khi mấy cháu đi làm xa về chơi, vợ thằng hai thằng ba có đem đồ ăn qua cho ông bà. Bà không còn chặt nổi bẹ dừa, nên cứ chất đóng đó, lâu lâu vợ thằng hai về chặt phơi để đám giỗ có củi chụm. Bà nấu có mỗi nồi cơm nên tước lá xài cũng đủ. Lâu lâu buồn chân tay bà cũng tuốt tàu dừa để kết chổi. Chiều chiều thấy bà hay ra hàng ba mà ngó ra sân, nhìn cái sân đất trống thấy buồn nên ông cặm cụi trồng mấy chậu hoa giấy, hoa mai, hoa dừa, trồng thêm ít dây leo lên hàng rào. Cây nào cũng nở hoa thấy bà vui, ông cũng vui lây.

Boong … boong… boong… tiếng chuông chùa vang vọng bên kia sông kéo bà quay về thực tại. Ông nhẹ nhàng gấp thức ăn vào chén cho bà rồi giục, bà ăn đi, ăn rồi tôi mở ti vi cho bà coi. Hôm bữa ti vi có chương trình quảng cáo bà thấy có đứa nào giống cháu gái bà đó. Ừ, mà sao lâu quá không thấy tụi nhỏ về chơi. Câu hỏi rơi vào khoảng không như buổi chiều vắng lặng phủ lên mái nhà chỉ còn đôi vợ chồng già đỡ đần bên nhau cho đến ngày lá rụng về cội. Lúc đó không biết người ở lại có ai để bầu bạn.

© Ánh Dương - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Hãy vịn vào nhau đi hết cuộc đời | Giờ của gia đình

Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top