CXAN 217: Quê tôi
2014-08-16 00:15
Tác giả: Nguyễn Hằng Nga Giọng đọc: Hằng Nga
CXAN - Quê hương bao bọc tâm hồn thơ bé tôi với những
trò chơi tuổi thơ: trốn tìm, ô ăn quan, xòe nụ xòe hoa, bịt mắt bắt dê….
Quên sao được những buổi trưa trốn mẹ ra cánh đồng hái sen, bắt cào cào
cùng đám bạn nghịch ngợm. Quên sao được những buổi chiều cùng chị đi
kéo vó, cắt cỏ trên triền sông. Hồn quê như tụ lại trong tiếng sáo diều
vi vu no gió và nụ cười hồn nhiên của những tâm hồn ngây thơ.
Cảm nhận về bài hát “Quê tôi”.
Cuộc sống bôn ba, tấp nập đôi khi cuốn con người ta đi xa, để rồi bất chợt khi ngoảnh lại ta lại thấy nhớ những điều bình thường, giản đơn nhất và muốn trở về. Có lẽ hai tiếng Quê hương thật quý giá và thiêng liêng với những người con đi xa. Có chút lắng lại những nhọc nhằn hằn trên đôi vai, trên gương mặt khi nghĩ đến tuổi thơ nơi quê hương bình yên.
Phải đi xa rồi mới thấy thấm câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Quê hương - hai tiếng thân thương ấy quên làm sao được khi đã xa. Có những buổi trưa nằm lim dim đôi mắt dưới cái nắng vàng óng của mùa hè, giai điệu bài hát “ Quê tôi” như dẫn những tâm hồn khát quê bấy lâu lại được ngược dòng thời gian để trở về với ngày xưa. Hình ảnh quê hương trở về như những thước phim quay chậm lần lượt hiện ra:
“Quê tôi có cánh diều vi vu, xa xa lũy tre
Trưa trưa dưới mái đình rêu phong là bóng mát ngày thơ
Quê tôi có cánh đồng bao la, thơm hương lúa lên đòng
Liêu xiêu mái tranh nghèo đơn sơ, trở về nhé tuổi thơ tôi”.
Quê hương bao bọc tâm hồn thơ bé tôi với những trò chơi tuổi thơ: trốn tìm, ô ăn quan, xòe nụ xòe hoa, bịt mắt bắt dê…. Quên sao được những buổi trưa trốn mẹ ra cánh đồng hái sen, bắt cào cào cùng đám bạn nghịch ngợm. Quên sao được những buổi chiều cùng chị đi kéo vó, cắt cỏ trên triền sông. Hồn quê như tụ lại trong tiếng sáo diều vi vu no gió và nụ cười hồn nhiên của những tâm hồn ngây thơ.
Nơi tôi sinh ra là một vùng quê Bắc bộ không có biển mà chí là những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Bức tranh quê phủ một màu vàng ấm no của những thửa ruộng sắp thu hoạch, nét rêu phong cổ kính của mái đình làng đã già cùng thời gian mà không ai biết bao nhiêu tuổi, màu xanh óng ả của những rặng tre chạy quanh làng, những ngôi nhà tranh, nhà ngói nằm xen nhau…
Tuổi thơ tôi lớn lên trong những khúc ru ngọt lịm của bà của mẹ và những giọt mồ hôi rơi của cha.
“Quê tôi sớm tinh mơ, tiếng gà gọi, cha vác cuốc ra đồng
Ai đem nắng đong đầy đôi vai, cháy những giọt mồ hôi”.
Để có được cuộc sống no đủ cho chúng tôi, gánh nặng cuộc sống đã đè nặng trên đôi vai cha. Tôi quên sao được khuôn mặt cha mồ hôi nhễ nhại trở về từ cánh đồng trong cái nắng như thiêu như đốt của trưa hè. Tôi quên sao được những ngày mưa đường trơn mẹ phải gánh từng gánh rau, gánh bí ra chợ. Chúng tôi được nuôi lớn bởi nỗi lo toan vất vả cuộc sống cùng tình yêu vô bờ bến của cha mẹ. Tấm lòng cha mẹ trở thành một phần quý báu trong hình ảnh quê hương mà có lẽ dù đi xa đến mấy hay đi lâu đến đâu tôi sẽ vẫn mãi nhớ về và coi đó là nguồn sức mạnh thần kỳ để vượt qua mỗi khi phải đối mặt với những khó khăn hay vấp ngã trên con đường mình đi.
Những lúc cần tiếp thêm năng lượng sống hãy để hồn mình trở về với tuổi thơ, trở về với quê hương để tìm chốn nương náu. Bởi nơi đó mãi là nơi tôi muốn trở về dù chỉ một lần:
“Quê tôi với con người chân phương, ai đi xa níu chân về
Quê hương bước ra từ câu thơ, đẹp như lời mẹ ru”.
- Cua Đá
“Li khách! Li khách! Con đường nhỏ.
Chí nhớ chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại…”
(Thâm Tâm)
Con đường nhỏ này là nơi tôi chập chững những bước đi đầu tiên trên đường đời, theo mẹ lên nương, theo cha đi rẫy. Tôi bỗng dưng nhớ tới câu hát: “Đây là mặt đất, đây là trời cao, đây là nơi đã sinh ra con. Bước chân bé nhỏ, bước đi theo cha, dấu chân đầu tiên trên đường đời”. Con đường ấy tôi đã đi và về không biết bao nhiêu lần. Cuộc đời tôi là những chuyến đi. “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” – bố tôi bảo vậy. Biển rộng trời cao, tôi tha hồ vùng vẫy, cho đến khi bước chân mỏi mệt, cho đến khi đôi cánh rã rời thì tôi vẫn có một gia đình để mà trở về, để bố mẹ ôm ấp vào lòng, âu yếm như những ngày tôi còn thơ bé. Tuổi trẻ chí ở bốn phương, dù rằng tôi là một người con gái nhỏ bé, nhưng tôi không hề yếu đuối. Tôi không bao giờ có ý nghĩ sẽ tìm một người đàn ông nào đó để mà dựa vào. Dù tôi là con gái, dù thân con gái luôn gắn với từ “phái yếu” nhưng tôi đủ mạnh mẽ để lo cho bản thân mình. Bố tôi đã dạy tôi sống như một cái cây ngay thẳng chứ không phải loài thân leo tầm gửi.
Tôi là một cô gái sinh ra từ bản làng, lớn lên từ núi. Bố mẹ đã nuôi dạy tôi, cho tôi ăn học để tôi trở thành một cô gái văn chương chữ nghĩa đầy mình. Nhưng đâu đó trong con người tôi vẫn phảng phất cái tự nhiên, hoang dã của núi rừng, cái mạnh mẽ và khảng khái của người miền núi. Bố mẹ tôi đã sống bao năm ở miền đất đó, đã sinh ra tôi và nuôi lớn tôi nên người. Sau này, dù đi bất cứ đâu tôi cũng không bao giờ quên gốc rẽ, cội nguồn của mình. Tôi đã uống nước nguồn miền Bắc, ăn gạo thơm từ núi rừng Tây Bắc, thì tâm hồn tôi thuộc về nơi đó, suốt đời tôi không bao giờ quên. Giọt mồ hôi bố mẹ thấm xuống mảnh đất xanh ngắt màu núi rừng, để nuôi lớn khôn tôi.
Ra trường, tôi không về quê làm một công chức nhà nước như nhiều bạn bè khác mà tôi ở lại Hà Nội. Có người bạn hỏi tôi rằng: “Mày định bám trụ ở đây à?”. Tôi thì không thích cái cụm từ “bám trụ” cho lắm, nó cứ như thể tôi không sống được ở đâu khác nên mới phải “bám” đất này vậy. Thích làm ở đâu là việc của tôi, thích sống ở đâu là việc của tôi. Tôi còn trẻ, tôi cần phải sống cuộc đời mà tôi muốn. Tôi muốn làm những việc mình thích, học thêm vài thứ tôi thấy hứng thú. Theo đuổi những đam mê, hoài bão của bản thân. Một công việc ổn định và nhàn hạ ư? Sớm có một cuộc sống gia đình yên bình bên chồng con? Đó không phải là tính cách của tôi. Cuộc sống của tôi là phải nhiệt huyết, phải sáng tạo, phải đương đầu với thử thách và phải có thật nhiều gam màu rực rỡ. Tôi đã sống bình lặng suốt 22 năm với vai trò con ngoan trò giỏi rồi, bây giờ mới là lúc tôi thật sự sống cho bản thân mình. Tôi xa quê đâu phải vì tôi không yêu quê, đâu phải vì tôi chê quê hương nghèo khó. Chỉ là ý chí của tôi đã trót gửi ở bốn phương trời. Tôi chỉ biết là mình cần phải đi, đi cho đến lúc nào đôi chân thấy mỏi mệt.
“Ôi, quê tôi
mỗi ngày bao nhiêu chuyến xe đưa người ?
bao nhiêu người đàn ông hăm hở vận may
bán mồ hôi xứ dầu?
bao nhiêu người đàn bà gửi lại con mình,
vượt trùng khơi nuôi con thiên hạ?
bao nhiêu người già hoá thạch đầu sàn?
bao nhiêu bé lớp một đến trường
không cha đưa mẹ đón?
Mai này
hết thảy trẻ con làng đều trở thành kỹ sư, bác sĩ
dân quê tôi giàu như dân Âu, Mỹ
Có ai dựng tượng đài
cho cả giọt mồ hôi người xa xứ hôm nay?
(Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh)
Con phải đi đây mẹ ạ, dù biết là mẹ sẽ nhớ con nhiều lắm. Con cũng nhớ mẹ nhiều lắm. Gần đây mẹ hay kể lại những chuyện lúc con còn bé, mẹ ngồi bên bếp lửa, con ngồi một bên, con mèo ngồi một bên. Hơn hai mươi năm qua, đây là con mèo thứ bao nhiêu nhà mình nuôi, con cũng không biết nữa. Lần này con về, tóc bố bạc thêm một ít, da mẹ nhăn thêm mấy phần.
Con biết là mẹ không nỡ xa con đâu, nhưng con vẫn đành phải xa mẹ. Con đã lớn khôn, tuổi con trẻ, lòng con đẹp với những lí tưởng và hoài bão. Ngày hôm nay con ra đi để tìm cho mình ý nghĩa cuộc sống.
Nhiều năm qua, bố mẹ đã luôn yêu thương, đùm bọc lấy con. Bây giờ là lúc con đứng vững và giang rộng đôi cánh trên khoảng trời của riêng mình.
Con biết, ngoài kia là gai góc, là cạm bẫy, là gió bụi, là đau thương. Chẳng có nơi nào yên bình bằng nhà mình được. Con sẽ phải tiếp xúc với đủ loại người, mà lòng người thì nông sâu khó dò. Con biết và con sẽ đứng vững. Con sẽ sống tốt để bố mẹ thấy an lòng.
Bố mẹ là những người trồng cây, bố đã dạy con sống như một cái cây ngay thẳng chứ không phải là loài thân leo tầm gửi. Bố bảo, bố cho con ăn học để con NÊN NGƯỜI, để con mang những kiến thức ấy phục vụ cho xã hội và cho chính bản thân con. Bạc nặng vai không bằng trí khôn trong lòng.
Một vài năm sau, có thể con không là ai cả, có thể con không giàu có, nhưng nhất định con sẽ hạnh phúc. Con cảm ơn bố mẹ đã luôn ủng hộ con trên mỗi bước đường con đi, luôn tôn trọng những quyết định của con. Con đã được sống với lí tưởng của mình, theo đuổi đam mê của mình. Đối với con như thế là hạnh phúc rồi. Bố bảo: “Chỉ cần con tâm huyết với những gì con theo đuổi thì bằng cách này hay cách khác, ở nơi này hay nơi khác, con sẽ vẫn có được thành công như con mong muốn”.
Con nhớ cô giáo con đã từng viết trong cuốn sổ của con: “Hãy mãi là Hằng Nga, em nhé”. Dù con làm gì, ở đâu, sống trong hoàn cảnh nào thì con cũng không bao giờ quên những người đã làm nên nhân cách của con ngày hôm nay. Con sẽ sống để không phải hổ thẹn với lòng mình, bố ạ.
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
…Người đồng mình thô sơ da thịt
…Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”
(Y Phương)
- Nguyễn Hằng Nga
- Bài hát sử dụng trong CXAN 217: Quê tôi (Thùy Chi), Nhi hành thiên lí (hòa tấu).
- Cảm xúc âm nhạc được thực hiện bởi Hằng Nga và Dalink Studio Group.
- Chương trình được phát trực tuyến vào thứ 7 hàng tuần trên Cảm Xúc Âm Nhạc và www.youtube.com/yeublogradio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.