Cây duối thuở xưa
2020-10-18 01:10
Tác giả: Phùng Văn Định
blogradio.vn - Cây duối một thời ôm trọn tuổi thơ chúng tôi. Cây duối không còn nữa nhưng dấu tích nơi trồng cây duối mà thế hệ chúng tôi thuở những năm thập niên 60, 70, 80 của thế kỉ trước vẫn khắc ghi. Và, mỗi khi đi ngang qua chỗ trồng cây duối ấy, tôi lại thấy một trời tuổi thơ tràn về tiếc nuối không bao giờ quên.
***
Không biết cây duối đã bao nhiêu tuổi và cũng chẳng biết ai trồng hay nó mọc hoang mà sao nó to và nhiều cành ngang dọc chen nhau trên cây. Khi cây duối còn thì mỗi lần đi làm đồng về, người dân làng tôi thường ghé ngồi nghỉ dưới gốc cây cho vơi nỗi mệt nhọc.
Nhưng từ khi cây duối bị ai đó “tống biệt” đi đâu thì dân làng không màng tới nữa. Chỉ tiếc rằng nếu dày công gìn giữ nó thì có lẽ cây duối nay đã là di sản quý có tiếng quê tôi.
Cây duối cổ thụ của làng tôi không biết có tự bao giờ mà khi chúng tôi lớn lên, nó đã sừng sững đứng một mình vững chãi giữa đồng. Thân cây to, khổng lồ tầm cỡ bảy, tám đứa trẻ con chúng tôi vòng lại ôm.
Da xù xì, bạc phếch, vỏ dày cộp. Ai đó vô tình dùng dao phay phát một nhát dễ gì vỏ bung ra, chỉ thấy những giọt mủ trắng ngà đùng đục chảy ra. Tay chạm vào thấy dinh dính keo chặt lại. Nếu để lâu nó đặc sánh lại chuyển sang màu vàng nâu rồi thâm đen.
Chúng tôi gọi đó là mủ cây duối, hễ dán nhãn vở cho sách vở đi học là chúng tôi lại rủ nhau ra xin “cụ duối” ít bỏ vào vỏ mảnh con trai đồng mang về sử dụng.
Gốc cây duối to, gồ lên đủ hình dạng chồng chéo nhau bám sâu vào lòng đất, phơi mình qua bao đời, chịu bao nhiêu bão tố, phong ba mà cây vẫn xanh tốt. Lá duối xanh màu xanh như lá chè tươi, mặt trước nhẵn bóng còn mặt sau sờ vào nham nhám. Lá duối là khẩu vị mà bò rất thích ăn nhưng trâu thì chê. Chúng tôi thường trèo lên vặt một ít mang về cho mẹ tuốt độ nhớt của con chạch, con lươn đồng.
Hình như cây duối không bao giờ thay lá, ít khi mà trên cây rụng hết thì phải. Vì cây ít thay lá nên kiến đen và kiến càng coi đó là nơi ở lí tưởng muôn đời, muôn kiếp của họ hàng chúng. Lúc nào cũng lủng lẳng trên cây, hễ đụng vào thì biết tay với chúng.
Đến mùa ra hoa thì không biết ong mật ở đâu kéo về làm tổ lấy mật, đi ngang qua hoặc nghỉ mát dưới gốc cây thì ai cũng sợ “vũ khí” của loài vật một thời chiến chinh với giặc ngoại xâm.
Trẻ con chúng tôi thích trèo lên cây hái những quả duối chín vàng khi vào mùa quả chín, nhấp nháp hương thiên nhiên. Mùa duối chín, quả nhiều vô kể, vàng ươm, từng chùm chíu chít trên cây. Những chùm trên cao không hái được thì chim và dơi tha hồ thưởng thức.
Quả duối khi chưa chín màu xanh được bao bọc trong lớp áo có hai cái tay bao ôm lại, dần dần bung quả ra rồi chín vàng, căng mọng nước trông giống như hạt ngô đã già. Từng chùm khoảng bốn đến năm quả phơi mình trong từng nách lá làm cho bọn trẻ chúng tôi khoái chí.
Cứ đi ngang qua cây duối ấy là lòng tham bừng lên, ngứa ngáy tay chân cũng ném một khúc cây hay viên gạch lên cây cho chùm duối trên cao kia rơi vài quả xuống đất. Rồi ùa vào tranh nhau, phủi cho cát rơi ra, thưởng thức vị ngọt thơm của hương vị quả duối.
Thịt quả duối ngọt và thơm lắm, ăn vào là cứ muốn ăn mãi. Chính vì vị thơm ngọt đã lôi kéo loài kiến đen nhỏ li ti như hạt vừng đến tận hưởng. Chúng rủ nhau chui vào trong vỏ bao của quả hút mật. Chúng tôi không để ý tưởng vội vàng đưa vào miệng, nào ngờ cái môi sưng húp lên.
Hết mùa quả, cây duối trở lại dáng vẻ như xưa. Cành cây không vươn dài nữa mà thay vào đó là những tán rộng tròn như mâm xôi tựa cây cảnh cổ thụ trông xa đẹp lắm.
Thời gian trôi đi và chẳng hiểu sao “cụ duối” quê tôi bị người ta đào rồi lạc vào xứ sở nào không biết. Trái thơm, quả ngọt hồi nào nay chỉ còn trong kỉ niệm xa xôi một thuở.
Cây duối một thời ôm trọn tuổi thơ chúng tôi. Cây duối không còn nữa nhưng dấu tích nơi trồng cây duối mà thế hệ chúng tôi thuở những năm thập niên 60, 70, 80 của thế kỉ trước vẫn khắc ghi. Và, mỗi khi đi ngang qua chỗ trồng cây duối ấy, tôi lại thấy một trời tuổi thơ tràn về tiếc nuối không bao giờ quên.
© Phùng Văn Định - blogradio.vn
Xem thêm: Với anh, mùa thu Hà Nội chỉ thực sự đến khi có em
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?