Phát thanh xúc cảm của bạn !

Blog Radio 696: Sống hiên ngang như một cái cây dù cuộc đời quật mình tơi tả

2021-03-13 00:05

Tác giả: Giọng đọc: Thắng Leo, Bạch Dương

Bạn thân mến! Theo bạn, trong cuộc sống này, cái gì mạnh mẽ nhất? Tôi cho rằng thứ mạnh mẽ nhất chính là những loài cây cỏ dại. Sức sống của chúng vô cùng mãnh liệt. Trong những bộ phim của Ghibli, sau những cảnh hoang tàn đổ nát, những mầm cây mới lại tiếp tục mọc lên như khẳng định sức sống bất diệt của thiên nhiên. Đôi khi chỉ cần một chậu đất nhỏ, một kẽ đá cũng đủ cho một hạt giống nảy mầm, trở thành một cái cây tươi tốt. Mỗi khi bạn thấy mệt mỏi, bế tắc, cạn kiệt năng lượng sống, có bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ sống hiên ngang như một cái cây không?

Mở đầu chương trình của tuần này, mời bạn lắng nghe truyện ngắn có tựa đề khá đặc biệt:

Nhân (được gửi đến từ tác giả Ngô Hữu Khoa)

Ngồi một mình uống cà phê Nhân thấy thời gian quá rẻ, chỉ vài ngàn bạc là sống qua được mấy tiếng đồng hồ. Nhưng ngồi lâu thì ngại, chẳng phải bị đuổi mà vì hôm nào cũng đúng vào giờ đó cái bản mặt Nhân lại chường ra một cách nhàm chán trước bà chủ quán và mấy cô nhân viên bưng bê cà phê. Khi cái ngại lên đến đỉnh điểm Nhân buộc phải đứng dậy và dù không muốn cũng phải nhớ đến cái nơi góp tiền hàng tháng để có chỗ đi về. Đấy là căn nhà nhỏ thiếu vắng hơi người, lạnh lẽo, âm u như một ngôi nhà hoang.

blogradio_songhienngangnhumotcaicay

Làm người phải ăn, phải ngủ nhưng Nhân cho rằng đấy là những việc làm mất tự do, đói bụng không ăn không được, buồn ngủ không ngủ không xong. Vài lần Nhân thử phá vỡ cái sự áp đặt như thế nhưng bản năng tự nhiên cứ trỗi dậy chống lại ý gàn dở đó. Vậy là Nhân vẫn phải lò dò về nhà trọ. Loay hoay lúc lâu Nhân mới mở được cái khoá cổng, mở nó phải ấn hết chìa vào ổ rồi nới ra chút xíu bi mới dính, nhưng lần nào cũng thế, cái khoá luôn không chịu nghe lời. Có lẽ tâm trạng Nhân luôn không tốt khi phải về với “tổ ấm”.

Cái xe máy Nhân sở hữu cũng trái tính trái nết như cái khoá cổng, mỗi lần muốn cưỡi lên nó là phải đóng quai dép thật chặt để đạp cần khởi động, phải dùng hết sức đạp, đạp phải thật dứt khoát nó mới chịu lên tiếng, nếu không bàn chân dễ bị thâm tím và chiếc dép sẽ văng ra xa vài mét. Cái sân nhà trọ rộng chưa tới mười mét vuông có cái xe dựng vào ấm cúng hẳn lên. Ở thời buổi này sự ấm cúng thường được tạo lên bởi sự góp mặt của những thứ vật chất cụ thể. Vật chất càng có giá trị càng ấm cúng.

Nơi góc sân có cây thường mực luôn mang dáng vẻ chết lặng mỗi khi Nhân bước chân qua cổng vào nhà. Nó to bằng bắp đùi người lớn, thân thẳng đuột, cành lá chạy tít lên tận ngọn làm thành tán tựa như cái ô mà trong sách dạy làm cây cảnh gọi cái dáng cây như vậy là “Nhất trụ kình thiên”. Khi mới đến ở đoạn thân dưới có gốc tiêu với những cánh lá mập mạp, xanh mướt hồ hởi xoắn suýt bám leo, nhưng chưa đầy một ngày nhân lúc nhập nhoạng tối, Nhân cho một nhát dao ngang gốc bởi thấy ngứa mắt khi nhìn vẻ hào hứng nương bám như thế.

song-hien-ngang-1

Trên thân cây ở ngang tầm tay với có đóng chiếc đinh treo cây roi do tự tay Nhân chế tác theo kiểu chiếc roi cá đuối của những người cai ngục ngày xưa dùng để đánh tù nhân. Đoạn tay cầm làm bằng khúc tre dài cỡ khuỷu tay, đường kính nhỉnh hơn ngón tay trỏ, buổi ngày thấy rõ màu vàng sẫm, bóng loáng do cọ sát giữa da bàn tay và lớp vỏ lụa. Đầu nhỏ buộc sợi dây gấc dài gấp rưỡi đoạn tre luôn ngoe nguẩy trước mỗi tác động, dù nhỏ. Khi chiếc roi vận hành, nó xé gió vun vút, còn đường chuyển động trong không gian thì vô cùng kỳ ảo mà toán học khó có thể mô phỏng. Nhân không biết khi đánh vào da thịt người sẽ đau như thế nào vì chưa đánh ai và cũng chưa tự đánh vào người mình bao giờ.

Đứng trước cái cây Nhân thấy nó giống như thằng người, vỏ cây như chiếc áo sơ mi trắng đục, chiếc roi treo lủng lẳng như chiếc caravat lịch lãm, còn mặt mũi thì mờ mờ ảo ảo có vẻ như thích biến đổi, lúc cau có, lúc vui lúc buồn... thất thường và rõ nhất là biểu hiện thiếu thiện cảm đối với Nhân. Có thể do mặt Nhân xấu, hoặc do thấp bé, đoản tướng nên bị ghét. Ghét thì ghét lại, nhưng Nhân chẳng dại gì thể hiện ra mặt mà cất ở trong bụng. Bụng Nhân nhỏ chứa không được nhiều nên dễ bị tràn ra ngoài. Vì vậy Nhân nhờ cây roi xả cái ghét thừa mứa. Sau tiếng xé gió là tiếng kêu đen đét, cái cây oằn mình hứng những làn roi tới tấp quất, vừa đánh Nhân vừa rít lên khe khẽ: “Mày đừng tưởng tao bé cổ thấp họng mà coi tao không phải là người, chẳng qua là mày may mắn hơn thôi. Thử hỏi ra ngoài đường hơn gì tao?”... Khi cánh tay cầm roi mỏi, hơi thở phải nhờ đến miệng Nhân mới dừng đánh. Cái cây trở lại là cái cây, những cánh lá ở trên ngọn xào sạc nói: “Đời là thế mà. Cố gắng lên!”.

Ừ thì cố gắng, có bao giờ Nhân không cố gắng đâu. Cố gắng làm việc, cố gắng cân nhắc từng lời nói, cử chỉ, cách đi đứng, thậm chí tai còn điếc, mắt còn mù... Sự cố gắng dường như vắt kiệt sức lực đến độ Nhân chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời nhưng lần nào cũng như lần nào chỉ nghe thấy từ trên không trung vọng xuống tiếng cười sằng sặc át cả tiếng của những cánh lá: “Cái đồ thân cô thế cô không biết trời đất là gì. Đáng đời nhà ngươi lắm!”. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống kích dựng hình ảnh mà Nhân luôn tâm niệm phải vứt bỏ ngay khi giờ làm việc kết thúc.

song-hien-ngang-3

Trước mắt Nhân là gương mặt khô quắt xương xẩu xám xịt mọc trên tấm thân phình to có cái bụng làm cái quần tây lúc nào cũng như muốn bứt khỏi mối liên kết với chiếc áo vét lịch lãm. Ánh mắt trên gương mặt đó luôn phát ra những tia nhìn soi mói, cái miệng thì luôn nhả ra những lời cay độc, miệt thị mỗi khi Nhân làm điều gì đó chưa đúng ý và cả khi cái bụng bự đó không vui vì một điều gì đó. Hình ảnh đó làm thành màng đen che phủ hầu như toàn bộ tâm trí Nhân, tiêu diệt mọi sự cố gắng, khỏa lấp tư duy sáng tạo, biến Nhân thành kẻ hèn hạ...  Và mang đến nỗi sợ hãi mỗi sáng thức dậy với việc ngồi lên chiếc xe máy cà tàng đến cái nơi Nhân đã bỏ tất cả tiền bạc mà mẹ anh ki cóp trong cả đời tần tảo sớm tối đeo cái sạp hàng có cái mái che bằng tôn xi măng thấp lè tè, trời mưa thì ẩm mốc, tối mò, trời nắng thì nóng như thiêu như đốt, bán đủ thứ lặt vặt từ cọng hành đến củ khoai ở chợ quê. Nhân đến để nhận lấy sự vùi dập, nỗi ám ảnh trước thảm họa phải rời khỏi nơi đó, đồng nghĩa với sự chia tay gia sản của mẹ Nhân bất kỳ lúc nào.

Để tự trấn an, Nhân nuôi ý lỳ lợm: "Cứ thản nhiên, đeo bám chặt, làm gì được mình mà phải sợ, là người chứ có phải là chó đâu mà thích đánh thì đánh, thích đuổi lúc nào thì đuổi". Nhưng dù không muốn Nhân cũng buộc phải hiểu giá trị của mình dù được xác lập từ những đồng tiền còm cõi thấm đẫm mồ hôi của mẹ chẳng có nghĩa lý gì khi đã vô tình đứng nhầm vào chỗ của kẻ khác, cái kẻ có thể thấp kém hơn, lười nhác hơn, thậm chí còn đoản tướng hơn nhưng lại được trùm bằng tán cây rậm rạp, mát rượi.

Giấc mơ cải đổi cuộc sống bằng sự cố gắng nỗ lực của hai mẹ con Nhân là giấc mơ chính đáng. Mẹ Nhân luôn mong mỏi được thấy Nhân trưởng thành, yên ổn, không lặp lại số phận đã sắp đặt là được sinh ra bởi người mẹ lẻ loi còm cõi trong những bước chân trên con đường đất lầy lội ở vùng quê nghèo hèn. Nhân cũng không muốn chôn vùi cả cuộc đời bên người vợ suốt ngày chân lấm tay bùn như một điều hiển nhiên được cụ thể bằng không biết bao hình ảnh và tấm gương ở làng quê. Vậy mà sự đánh đổi, theo như sự nhìn nhận của người nhà quê là sự ngu dại, lại có kết quả như vậy.

song-hien-ngang-2

Nhân giận! Cây roi lại hấp tấp xé gió, tất cả những nỗi bực bội trong lòng Nhân trút hết vào tay roi. Dường như cái cây cũng cảm thông nên đứng im phăng phắc chịu đòn với cái ý sự chịu đựng của nó có thể giúp cho Nhân vợi bớt nỗi đau trong lòng thì nó có thể đứng im như thế mãi dù thân nó có thể bị rách tướp, thậm chí đổ gục. Có mảnh dăm vỏ cây bung ra bắn cả vào mặt Nhân, Nhân ngừng tay vuốt mặt, trời đêm mở rộng, những thanh âm phát ra từ cổ họng Nhân như tắc nghẹn: “Tại sao là ta? Tại sao?...” Tại sao Nhân lại sinh ra ở trên đời này? Tại sao lại sinh ra với thân phận thấp hèn như thế? Tại sao ông trời lại vùi dập những cố gắng của mẹ con Nhân? Tại sao?...

Khung cảnh chật hẹp của sân nhà trọ nhòe nhạt sau những giọt nước cứ ứa ra qua khóe mắt Nhân, bóng tối như đậm đặc hơn, sương đêm phả cái lạnh rờn rợn, bầu trời xám xịt, ở rất cao có vì sao không lộ hình hài chăm chú nhìn Nhân, vì sao như ánh mắt của cô gái đồng nghiệp mỗi khi chứng kiến những cơn thịnh nộ vô cớ nhằm tiêu diệt ý chí đeo bám cái vị trí vốn dĩ không phải là của Nhân. Ánh mắt biểu lộ sự cảm thông, chia sẻ, nhắc Nhân không được phép sợ hãi, thế gian bao la rộng lớn có nhiều cây có bóng mát mà nhất định ai cũng được thụ hưởng mỗi khi trời trở nắng dữ dội.

Mẹ Nhân là một minh chứng cho sự tồn tại của những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống ban tặng cho Nhân. Ánh mắt đó có đôi lúc e ấp như gợi mở, mời gọi... nhưng sự mặc cảm về thân phận đã đánh cụp cái nhìn của Nhân trước những cô gái hiện diện ở khắp nơi. Chiếc roi lại vung lên và lần này là những câu chửi tục tĩu, Nhân biết là miệng mình đang bị chính mình làm bẩn nhưng thà bẩn một chút để hết cái tiếng vo ve như ruồi trong đầu thì chịu bẩn một chút cũng chẳng sao, vả lại chỉ có Nhân nghe thấy, cái cây nghe thấy nên môi trường xung quanh nhất định không bị ô nhiễm. Quả nhiên những câu chửi đã làm cái đầu của Nhân giãn ra, bớt âm u tối tăm. Thấy hiệu quả, Nhân càng tích cực chửi, tích cực đánh cho đến khi người mệt nhoài mới cho chiếc roi nghỉ và vào nhà nuốt ngon lành bát cơm nguội còn sót lại từ hồi trưa.

Gần sáng có một cơn giông, gió lớn, mưa xối xả. Nhân thức giấc bởi có những hạt mưa lọt qua khe cửa sổ bắn vào người. Nhân tung chăn chùm kín người. Nước mà ngấm được tới người thì đêm cũng hết.

song-hien-ngang-4

Sáng sớm, cửa nhà được mở, trước mắt Nhân là cái sân đầy lá rụng. Lá vàng có, lá xanh có. Chúng bết xuống mặt sân, nhớp nháp. Cái cây đổ thật khéo, không va vào mái nhà, không tỳ lên tường bờ rào, không gây một thiệt hại nào. Nó nằm thườn thượt từ góc sân ra tới tận cổng, chắn ngang lối ra vào nhà. Ở phía gốc chùm rễ loà xoà dính đầy đất ngoe nguẩy như nuối tiếc môi trường quen thuộc của nó là ẩn mình và len lỏi trong lòng đất tối tăm để hút, để ngoạm chất dinh dưỡng nuôi dưỡng cái thân cây mập mạp. Chiếc roi treo trên thân cây cũng nằm sõng soài trên mặt đất nhưng cái đầu dây gấc vẫn ngoan cố ngoắc vào chiếc đinh. Nó không chịu rời cái cây.

Từ hôm đó chiếc roi được treo lên tường ở trong nhà như một vật trang trí và thỉnh thoảng còn được lau chùi sạch bụi phô cái màu da tre lên nước bóng loáng.  

Ít lâu sau ở chỗ gốc cây bị đổ mọc lên một cây con có những cánh lá xanh mướt bung đều ra bốn phía như tranh thủ thu lượm tối đa khí trời để mỗi ngày một lớn lên hơn.

Bạn vừa lắng nghe truyện ngắn có tựa đề Nhân, được gửi đến từ tác giả Ngô Hữu Khoa. Nhân chính là tên của nhân vật trong truyện, “Nhân” cũng là hình ảnh ẩn dụ của bất kỳ con người nào đang phải sống trong cảnh bức bối, ngột ngạt. Trong lúc Nhân bế tắc và cô đơn đến cùng cực, Nhân chỉ có thể làm bạn với cái cây. Ấy vậy mà Nhân lại trút giận lên cái cây, dùng chiếc roi tre quật cái cây tơi tả, đến độ rách tướp, thậm chí đổ gục. Cái cây vẫn đứng lặng thinh không một lời oán giận. Sau một đêm mưa bão, cái cây đổ thật, nhưng nó cũng không nỡ đổ rạp lên mái nhà nhỏ bé của Nhân. Và một điều kỳ diệu là từ cái cây bật gốc ấy, một thời gian sau, mầm non mới lại đâm chồi.

Câu chuyện dừng lại ở đó. Chưa biết Nhân sẽ làm gì tiếp theo cho cuộc sống của mình nhưng thông qua hình ảnh cái cây, chúng ta như thấy được một sức sống đáng kinh ngạc. Thiên nhiên luôn mang đến một năng lượng trong lành và tích cực, xoa dịu những thương tổn, giúp chúng ta được chữa lành từ bên trong. Chúng ta hãy đón nhận nguồn năng lượng đó, và đừng đối xử với bất kỳ cái cây nào theo cách của Nhân nhé.

cai-cay-0

Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe lá thư tâm sự:

Sống như những loài hoa dại (Đoàn Hòa)

Có những ngày mưa rả rích ướt nhem nhép suốt khiến tôi khó chịu. Cũng không hẳn là một cơn mưa dông vội vã đến, xối ầm ầm xuống như muốn vùi dập những ngôi nhà nhỏ bé nơi làng quê nghèo ấy. Nhưng cơn mưa ấy vội đến những vội đi, nóng nảy như một bà già cáu bẳn vội vã.

Còn cơn mưa này, rả rích suốt cả đêm ngày. Những hạt mưa rơi chầm chậm, thong thả, đều đều và có phần dịu dàng. Và hẳn nhiên những giọt mưa ấy chỉ đủ để làm ướt con đường, ướt vườn cây của mẹ, và ướt vài khóm hoa dại bên kia đường chứ chẳng thể nào vùi dập nỗi một bông hoa bé tí vẫn đang cố nở kia.

Qua ô cửa sổ, tôi đưa mắt nhìn sang bên kia đường, nơi có những bông hoa dại đang cố vươn mình đón lấy những hạt mua li ti như giành lấy sự sống. Những giọt mua nhỏ len lỏi qua được khung cửa, hất vào mặt man mát khiến tôi bừng tỉnh. Những ngày qua, tôi tự nhốt mình trong ngôi nhà này, đơn độc và lẻ loi đến độ chẳng thể nào nhớ được bông hoa dại trước nhà tôi có màu gì nữa. Còn giờ đây, cái màu vàng rực rỡ tưởng như bị cơn mưa kia vùi dập thì lại đang len mình mà vươn lên với cái thân gầy guộc nhỏ bé.

cai-cay-3

Tôi mệt mỏi. Tôi chán nản với bộn bề của cuộc sống này. Sinh ra ở một vùng quê nghèo của miền Trung đầy nắng và gió. Những ngày tháng 6 gió Lào thổi khô cả vườn cây, tiếng lá khô xào xạc trong tiếng gió đến nghèo nàn. Những tưởng rằng nghèo như chính nơi nó sinh ra vậy. Cơn gió thổi rát mặt khiến những làn da càng thêm ngăm ngăm màu nắng. Từng đám cỏ khô ven đường vàng vọt nổi lên một vài chiếc lá xanh xanh của đám hoa dại. Đến những ngày mưa bão, mưa như trút nước, như muốn dùng cái sức nặng ấy ập đổ xuống những ngôi nhà nhỏ mong manh ấy. Trong dòng nước chảy xiết, chỉ thấy loi ngoi những bông hoa dại nhuốm màu vàng úa tàn.

Ngước mắt lên nhìn trời, mà than, mà trách, mà nghĩ về cuộc sống này. Tôi ao ước được bước chân đi ra khỏi mảnh đất nghèo nàn gian khổ ấy, đi kiếm tìm một cuộc sống mới. Và cuộc sống ấy hẳn rằng sẽ chẳng có những ngày mưa mấy chị em ngổi co ro nhìn những giọt nước nhỏ long tong xuống nền nhà đất nhão. Mùi bùn nồng nồng ám ảnh tôi cả trong giấc mơ muộn màng.

Và thế, giờ đây tôi đã có cuộc sống đó. Bon chen nơi thành phố tấp nập ồn ào này chỉ để kiếm tìm một ngày bình yên? Đôi khi tôi tự hỏi có chăng những ngày bình yên thật sự.

Mỗi sáng sớm vội vàng lao ra đường, hòa mình vào dòng người xa lạ ấy, cũng chẳng có nổi một nụ cười. Nhìn khuôn mặt mệt mỏi trong gương, thật chẳng thể nhận ra mình giữa bộn bề cuộc sống ấy. Những lo toan cứ như guồng xoay cuốn con người ta vào chẳng có chút nào ngơi nghỉ.

cai-cay-2

Chiều. Báo hiệu bởi tiếng còi xe bắt đầu vội vã hơn. Người người đổ xuống đường, lao đi như chẳng có chút gì níu giữ. Chỉ mong muốn được về nhà sớm hơn một chút. Được thảnh thơi hơn một chút. Được gặp con, gặp người yêu nhanh hơn một chút. Thì ra người ta ai ai cũng có người để chờ đợi, để yêu thương. Có những hạnh phúc nhỏ bé thế đấy, ngày ngày có một công việc để làm, có một người để yêu thương, có một mái nhà bình yên để quay về. Còn tôi, vẫn chỉ có một mình chìm ngập trong căn phòng nhỏ mang tên cô đơn ấy. Nó mãi mãi chẳng thể trở thành nhà, bởi vì ở đó không có hơi ấm của người tôi thương. Mệt mỏi lê chân bước đi những bước chậm, thật chậm để thấy mình bình yên hơn chút ít.

Đêm đến, khi bóng tối bao trùm lấy thành phố cũng là lúc tôi sống thật với chính mình nhất. Nỗi nhớ ùa về, rõ rệt như có thể đưa tay ra mà chạm được vào nó vậy. Nỗi nhớ về một miền quê nghèo khó nhưng thanh bình. Nhớ về những ngày gian khổ mà ấm áp đầy tình thương yêu. Nhớ ngôi nhà đầy hơi ấm của mẹ, của người thương yêu hơn bao giờ hết. Những giọt nước mắt rơi vội vã khiến nỗi nhớ càng thêm u uất. Nhưng ngoài kia chỉ còn lại bóng đêm mờ mịt. Xa xa đâu đó những ánh đèn vàng chiếu sáng một góc thành phố mờ ảo.

Tôi lại bất chợt nhớ về những bông hoa dại bên đường trước cửa nhà. Có những ngày mưa, ngày nắng như thế, nhưng những bông hoa chưa bao giờ biến mất. Vẫn luôn kiên cường vươn lên giành lấy sự sống trong muôn vàn gian khó ấy. Những cánh hoa nho nhỏ màu vàng không hề úa tàn như cái màu của bất lực, nó rực rỡ, ánh lên niềm vui, sự sống và cả niềm hy vọng chưa hề nguôi ngoai.

cai-cay-1

Tôi là gì ở chốn phồn hoa đô thị này? Có phải cũng là một cành hoa dại bên đường, cứ luôn cố mình mà vươn lên, mà giành giật lấy sự sống nơi đầy bon chen, nơi vội vã. Cũng có những mệt mỏi, những nỗi buồn vui trong cuộc sống ấy, như những ngày mưa nắng dãi dầu của quê tôi, nhưng cành hoa ấy chưa bao giờ gục ngã. Vẫn sống, vẫn rực rỡ, vẫn tươi xanh.

Bản năng cho ta biết cách để vươn mình đón những điều tươi mới của cuộc sống. Trong những khó khăn gian khổ kia vẫn luôn có niềm hy vọng. “Sự sống bắt đầu từ trong gian khổ”, bởi thế hãy cứ sống như những loài hoa dại ấy, trong sóng gió của cuộc đời này, cứ vươn mình lên mà đón lấy niềm tin.

...Ngoài trời vẫn mưa, những hạt mưa vẫn nhẹ nhàng chậm rãi suốt đêm ngày không ngớt. Tôi mở tung cánh cửa sổ nhỏ, để những hạt mưa tạt vào bàn tay mát lạnh. Bên kia đường là những bông hoa dại rực rỡ màu vàng rung rung theo từng hạt mưa. Phía xa ấy, tôi thấy mặt trời đã lên!

Bạn vừa lắng nghe tâm sự được gửi đến từ bạn Đoàn Hòa. Bạn thân mến! Dẫu cuộc sống có những lúc không bình yên, bão táp mưa giông quật mình tơi tả, bạn hãy nghĩ đến hình ảnh những cái cây, những loài hoa dại để an nhiên mà sống, hiên ngang trước những sóng gió cuộc đời, bạn nhé!

 

Tác giả: Ngô Hữu Khoa, Đoàn Hòa

Giọng đọc: Thắng Leo, Bạch Dương

Thực hiện: Hằng Nga

 

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm:

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top