***
Truyện ngắn: Hẹn anh ngày hoa nở (Kỳ Ca)
Tôi cầm chiếc máy ảnh, loay hoay chỉnh lại cự ly ống kính ngay trước cửa hàng hoa của anh. Chiếc ống chụp xa phải tháo ra để thay vào một ống kính chụp chân dung cự ly ngắn. Tôi muốn chụp chậu hoa oải hương tím đang nở mấy nhành phất phơ như cỏ lau nằm ở trên bệ cửa sổ. Giơ máy ảnh lên nháy liền một “pô” tầm chục cái, tôi xem lại, khẽ tiếc rẻ mà thở dài:
“Hoa đẹp như thế này... Lẽ ra cuộc sống của nó phải nằm ngoài cánh đồng bạt ngàn.”
“Em nói đúng! Ép vài cây oải hương lưa thưa nằm trong một chậu cây tạm bợ trong một cửa hàng hoa, đó là một tội ác!”
Tôi đã quen anh như thế, một cuộc gặp gỡ tràn một màu tím ngắt của loài oải hương mềm yếu, xen chút nắng chiều trải mật trên vai anh.
Anh là một nhà thực vật học có kinh nghiệm trong ngành. Anh có đam mê với cây cỏ, ngày ngày đắm mình trong hương sắc và thiên nhiên; chỉ đáng tiếc, anh không có đủ sức khỏe để theo đuổi đam mê đó.
Anh đặt lên chiếc bàn tre nhỏ nhắn một tách trà thơm lừng mùi hoa cúc, giọng nói trầm ấm kể về câu chuyện của mình.
“Anh thôi không học bằng Tiến sĩ, quay về trồng hoa, cũng chẳng mấy chốc là hết cuộc đời...”
Tay tôi mân mê chiếc máy ảnh, ánh mắt như bị hút vào không gian nhỏ hẹp của cửa hàng hoa. Trong gian nhà tràn ngập hương hoa ấy, có những chậu cây nho nhỏ, hoa mới đơm vài nụ, he hé cười để lộ màu hồng ngơ ngẩn giữa lớp áo xanh kín đáo; lại có những chậu cây lớn hơn, lá cành tốt tươi mới đang đâm những chồi hoa nhỏ xíu. Trong cửa hàng ấy cũng có những lọ hoa khô, đủ màu đủ sắc, nhưng tuyệt nhiên không có một cành hoa tươi nào bị ngắt cả.
“Ngắt đi một cành hoa là tước đi sự sống của chính nó. Nếu em không thể cho nó một vẻ đẹp vĩnh cửu, thì tốt nhất không nên hái nó xuống làm gì...” – Anh vừa nói vừa đặt trước mặt tôi một bó oải hương khô màu tím. – “Đây là hoa anh tự sấy, dùng màu tự nhiên để nhuộm. Mà em là nhiếp ảnh gia à?”
Tôi đón lấy mấy nhành hoa khô bọc trong giấy báo, từng ngón tay nâng niu những nụ hoa oải hương màu tím, nhoẻn miệng cười.
“Em là phóng viên, nhưng lại có niềm đam mê với hoa cỏ. Tên em là Diệp Trà.”
“Gọi anh là Phong.”
Vài ngày sau, lúc đang ngồi thơ thẩn trong tòa soạn, điện thoại của tôi bỗng rung lên đột ngột khiến chính tôi giật mình. Một số điện thoại lạ khiến tôi lười bắt máy.
“Chào em, anh là Phong...”
Phải mất vài giây suy nghĩ, tôi mới nhớ ra vài hôm trước mình đã để lại danh thiếp ở cửa hàng hoa của anh. Đó là lúc anh đang hào hứng kể về một giò hoa lan sắp nở thì chủ biên gọi điện báo tôi về tòa soạn có việc gấp. Vậy là tôi đã để lại danh thiếp của mình hẹn anh ngày hoa nở để quay trở lại chụp một bức hình kỉ niệm.
“Sao vậy? Chậu lan của anh đã nở rồi sao?” – Tôi vừa giữ điện thoại bằng vai, vừa thu dọn bản thảo rớt đầy trên sàn nhà.
“Không. Chỉ là muốn hỏi em chủ nhật tuần sau có rảnh không, anh có hai vé du lịch thăm vườn hoa oải hương ở Đà Lạt”.
Tôi lập tức gật đầu đồng ý.
Đó là buổi hẹn đầu tiên của hai chúng tôi. Trong tiết trời se lạnh vùng cao nguyên, hoa oải hương rập trời trong gió một màu tím ngắt, từng đợt, từng đợt uốn lượn như những làn sóng nhấp nhô. Tôi lia mọi góc máy, đã chụp tới cả trăm bức ảnh, còn anh vẫn lặng người đứng giữa cánh đồng, hai tay buông thõng, bóng đổ dài trong áng chiều. Tôi vô thức đưa máy, từ phía sau anh chụp một bóng lưng lẻ loi giữa bạt ngàn bông oải hương rung rinh đầy sức sống. Anh đang nghĩ gì, tôi không biết, tôi chỉ thấy anh rất cô đơn...
Có lẽ bóng lưng của Phong thật sự cho tôi ám ảnh. Cả thái độ của anh từ sau khi thăm vườn oải hương trở về nữa. Anh không nói thêm một lời nào cả, chỉ lặng lẽ nhìn qua cửa sổ máy bay, ngắm mây trời lả lướt, lúc chia tay tại sân bay cũng không buồn nói với tôi lời tạm biệt.
Tôi có chút cảm thấy sợ sự xa lánh đó, nhất là khi tôi đã coi anh như một người bạn tâm giao cùng đam mê mấy thứ không hề phù hợp với cuộc sống Hà Nội đang càng trở nên xô bồ, vội vã. Nhìn tới bức hình chụp bóng lưng của Phong giữa vườn oải hương ấy, tôi chợt thấy bồn chồn khó tả, quyết định nhấc máy gọi cho anh.
“Anh nghe...”
Giọng của anh ấm áp vang lên bên kia đầu máy, lạ lùng là dường như anh đã biết tôi là người gọi đến, không cần hỏi tôi về danh tính.
“Em đã rửa xong mấy bức ảnh chụp hoa oải hương hôm nọ, em gửi cho anh bằng cách nào đây?”
“Em đang ở đâu? Anh sẽ qua đó lấy...”
Đó là lần thứ ba tôi gặp anh, ở tòa soạn của tôi. Anh tới giữa sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp của tôi, trong lúc tôi đang lén lút giấu bức ảnh chụp bóng lưng anh vào ngăn kéo.
“Đúng là quy cách của phóng viên, ảnh em chụp đẹp quá.”
Anh đang ngồi trước mặt tôi, ngắm từng bức ảnh bằng ánh nhìn say mê khó tả.
“Toàn bộ số ảnh đó là em tặng riêng cho anh. Anh cứ giữ lấy nhé!”
Anh mỉm cười đáp lại, một nụ cười mang nắng chiều xuyên qua cửa kính:
“Được. Cảm ơn em! Anh sẽ đóng khung lồng kính treo trong cửa hàng.”
Tôi cười gượng đáp lại anh rồi cả hai lại rơi vào khoảng lặng. Thời gian chúng tôi ở cùng nhau chỉ là những khoảng lặng im nối liên tiếp nhau tưởng như không bao giờ kết thúc. Anh không nói, còn tôi cũng vì ngại mà chẳng biết nói gì.
“Vừa rồi đứng trước tòa nhà, anh có nhìn thấy một ban công trồng rất nhiều cây cảnh, em biết không?”
Tôi giật mình thoát khỏi những suy nghĩ vẩn vơ. Lại mất thêm một phút nữa tôi mới định hình được anh đang nói về vấn đề gì, lại cười gượng gạo.
“Không biết anh nói ban công tầng mấy? Ngoài ban công kia em cũng đặt vài chậu hoa, anh có muốn xem không?”
Tôi đưa anh tới thế giới của riêng tôi ở tòa soạn, một ban công đặt bảy chậu hoa trà cây lớn cây bé xum xuê cành lá. Phòng làm việc của chúng tôi nằm ngay tầng hai trổ ra đường lớn. Tuy chẳng bao giờ đón ánh nắng mặt trời nhưng hằng ngày, xe cộ qua lại luôn thổi vào phòng làm việc một lượng bụi khổng lồ, đôi khi còn phủ dày trên mặt bàn làm việc. Bởi vậy, tôi đã mang từ nhà tới tòa soạn bảy chậu hoa trà để ngoài ban công ngăn bụi, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc chúng.
Bảy chậu hoa ấy đã nằm ở đây hơn hai măm, cũng không nhớ chúng nở rồi tàn bao nhiêu lần. Vừa khéo ngày anh tới thăm, hoa trà đang đua nhau khoe sắc, mỗi cánh hoa nhỏ mềm mại xếp tầng lên nhau e ấp đến ngọt ngào. Hoa trà thơm màu hồng phấn, cánh hoa cuộn lại từng lớp như đóa mẫu đơn kiêu hãnh, hoa trà bạch với màu trắng tinh khiết mơ màng trong một chiều thu đầy nắng hanh, hoa hồng trà màu hồng pha trắng ẩn nấp sau nhành lá non xanh biếc, hoa trà lựu đỏ đằm thắm đến say lòng. Sắc hương ngập tràn đón anh.
“Vua chơi lan – Quan chơi trà. Em thật có thú vui vương giả.”
Nghe lời anh nói đùa, tôi bỗng bật cười.
“Chẳng phải chỉ vì em tên là Diệp Trà thôi sao?”
Anh lại nhìn tôi lắc đầu cười, nói về cách chăm sóc loài cây phú quý này như thế nào, từ việc tưới nước, tỉa cành. Tôi cứ quên rằng anh là một nhà thực vật học.
“Phải rồi, anh biết nhiều về cây cỏ, có thể giúp em xem vì sao cây kia tại sao mãi không ra hoa không?” – Tôi chỉ cho anh hướng mắt về một góc ban công – nơi có một cây trà tươi tốt. – “Em đã để nó ở đây hai năm nhưng không thấy nó đơm hoa, mặc dù đó là cây tươi tốt nhất trong số bảy cây em mang tới.”
Anh tới gần, xem xét qua một lượt bằng ánh mắt đăm chiêu, sau đó đứng dậy, xoa tay phủi đi vài hạt cát, quay lại nhìn tôi nhoẻn miệng cười.
“Rồi nó cũng sẽ đơm hoa thôi. Như em vậy. Diệp Trà.”
Câu nói đơn giản ấy mở ra giữa chúng tôi một mối quan hệ mới, một mối quan hệ không tên giữa hai người không chỉ yêu hoa mà còn yêu đối phương hơn chính bản thân mình vậy. Anh bảo tôi kiên nhẫn chờ hoa, hai năm, ba năm bốn năm... chỉ cần kiên trì chăm sóc. Để cảm ơn lời động viên của anh, tôi tặng anh một lời “hẹn anh ngày hoa nở.”
Nhanh như vậy...
Thời gian đã trôi nhanh như vậy. Một năm kể từ ngày gặp nhau. Cuộc sống của anh vẫn an ổn bên cửa hàng hoa nhỏ nằm khuất nơi góc phố, còn cuộc sống của tôi vẫn những lần cầm máy ảnh đi tác nghiệp vài ngày, rồi lại quay trở về chăm sóc bảy chậu trà ngoài ban công. Cuộc sống cả hai chỉ khác trước đây khi chúng tôi cùng nhau đi thăm vài vườn hoa nho nhỏ hay lên Sa Pa ngắm đào Tết trong tiết trời giá buốt.
Ở cạnh anh, tôi lại thấy một anh khác, ngoài những lúc ánh mắt sáng ngời khi nói về thực vật, ngoài những lúc đứng im lặng lẽ giữa cánh đồng hoa, sẽ có lúc anh đau đến khuôn mặt trắng bệch, một tay ôm ngực trái, một tay tìm loạn trong ngăn kéo một lọ thuốc nhỏ xíu. Thời gian chúng tôi quen biết càng lâu, những cơn đau tim kéo đến với anh với tần suất càng dày đặc. Tôi có dự cảm chẳng lành...
Biến cố đến với chúng tôi trong một lần tôi đi công tác tại Thái Lan. Vì đồng nghiệp bất ngờ xin rút, tôi là người được chỉ định thay thế nên lúc tôi lên máy bay, anh vẫn không hề biết gì về chuyển công tác đột xuất này cả.
Suốt năm ngày ở Thái, tôi có chút nóng ruột vì không thấy anh gọi cho tôi một lần nào, nhưng vì tính chất công việc, ngay cả bản thân tôi cũng chỉ mỗi bữa, ăn uống tạm bợ rồi lại ôm máy bên rìa thảm đỏ để có thể đưa tin nhanh, nên những cảm giác bất an đôi lúc trỗi lên rồi lại nhanh chóng qua đi như ánh đèn flash liên tục chớp nháy.
Tôi về nước vào một chiều thứ sáu. Cho dù được phép ở lại Băng Cốc thêm hai ngày nhưng rồi tôi tức tốc bay về nước, một phần vì cảm giác bồn chồn không yên suốt mấy ngày qua, phần còn lại là vì nhớ anh... Thứ bảy, chủ nhật, tôi không thể liên lạc được với anh, cửa hàng hoa nơi góc phố cũng đóng cửa im lìm, lá vàng rơi đầy ngoài thềm. Tôi như rơi vào trạng thái vô định, hoang mang lo lắng không biết nên tìm anh ở đâu, giữa lòng thành phố đông đúc này. Anh như bốc hơi khỏi cuộc sống của tôi vậy.
Điện thoại của tôi đổ chuông đặc biệt vào chiều ngày thứ hai đầu tuần khiến tôi mừng đến phát khóc. Sau đúng một tuần không tài nào liên lạc được, anh gọi điện cho tôi.
“Anh không thích cuộc sống sôi nổi của em. Anh thích một cuộc sống bình yên với đam mê của mình. Cảm ơn em những ngày qua, nhưng anh nghĩ mình nên chia tay...”
Rõ ràng là tôi không thể nào hiểu nổi quyết định bất ngờ đến vô lý của Phong. Nếu như anh nổi giận chỉ vì tôi bay sang Thái mà không nói một lời nào thì tôi cũng có quyền tức tối khi một tuần liền anh không chịu liên lạc với tôi. Đáng lẽ ra tôi phải cần được nhận một lời giải thích chính đáng. Nhưng chẳng có một lời giải thích nào cả. Sau cuộc gọi yêu cầu chấm dứt, anh như hóa hơi nước, biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống của tôi không để lại một dấu vết. Cả tháng trời tôi lòng vòng quanh con phố nơi cửa hàng hoa của anh. Nó vẫn luôn đóng im lìm như chưa bao giờ mở ra để chào đón tôi cả.
Sau hai tháng trời không tìm thấy anh, tôi hoàn toàn bỏ cuộc bởi vì bản thân đã quá mệt mỏi với những cuộc tìm kiếm không tên và vô vọng. Đang cầm tờ đơn xin nghỉ phép trên tay, tôi bỗng nhận được điện thoại từ chủ biên.
“Em chuẩn bị đi tác nghiệp ở Đà Lạt nhé...”
“Nhưng em...” – Tôi vừa nhìn tờ đơn trên tay vừa định từ chối. Thật sự là tôi cần nghỉ ngơi rất nhiều. Cứ mang tâm trạng bất ổn này đi làm thì không chỉ tôi bị ảnh hưởng mà đến cả tòa soạn cũng gặp vấn đề.
“Tùy em thôi!” – Tôi cảm nhận chủ biên vừa so vai với cái vẻ không quan tâm. – “Lệnh cấp trên gửi xuống là như thế, em đi hay không báo lại cho sếp tổng. Chị nghe không nhầm là đưa tin về festival hoa dã quỳ đấy...”
Nghe đến hoa, tôi bỗng giật mình như một phản xạ không điều kiện.
“Thấy em thích mấy cái hoa lá cành chị mới đề cử em đi. Bên trên họ cho ba ngày vừa chơi vừa chụp vừa viết bài...”
Vậy là tôi quyết định đi. Tờ đơn xin nghỉ phép lùa vào trong ngăn kéo. Không phải vì tôi háo hức với festival hoa ấy, chỉ là tôi đang dự cảm một điều gì đó ở lễ hội lần này.
Sắc vàng dã quỳ lấp ló sau màn mây mỏng, tiết trời lạnh đến tê dại trái tim. Đó là ngày thứ hai tôi tác nghiệp tại festival và cũng đã có hai bài thu hoạch gửi về tòa soạn. Quả thật, việc ngồi giữa rừng hoa này viết bài cũng không đến nỗi tệ, ít nhất là tôi có thể thả hồn mình giữa thiên nhiên và quên đi mọi lo lắng bao lâu nay, nhất là quên đi anh. Nhắc đến Phong, tôi bây giờ nghĩ về anh trong một mảng kí ức đầy màu hoa, và cũng có những nét chấm phá màu vàng cam như những đóa dã quỳ này vậy.
“Này cậu trai trẻ! Này! Này!”
Tiếng gọi thất thanh cắt ngang dòng suy nghĩ lộn xộn của tôi. Tôi ngẩng cổ qua hàng hoa dài bạt ngàn đang chìm đắm trong vũ điệu của tia nắng trưa Đà Lạt. Người ta đang xúm lại một góc, thậm chí đạp lên cả luống hoa. Nhìn những đóa dã quỳ gãy rụng trên mặt đất, tôi khẽ cau mày xách máy ảnh đứng dậy đi về phía đám đông, định bụng sẽ viết một bài báo về hành vi của người tới thăm festival này.
Nhưng sẽ chẳng có một bài viết nào cả. Khi mới chụp được hai kiểu ảnh trong đám đông lộn xộn, tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Người ta đang vây quanh một người đàn ông cao lớn đang nằm sóng soài giữa luống hoa dã quỳ, từng bông hoa vàng vây quanh anh ta như mang lại một sự bảo hộ mong manh vô hình nào đó vậy. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi nhìn thấy trên ngón tay áp út của anh ta đeo một chiếc nhẫn vô cùng quen mắt – chiếc nhẫn bạc có mặt nhẫn là ba chữ cái V-D-T đan lồng nhau.
“Vũ Diệp Trà... Vũ Diệp Trà...”
Tôi lẩm bẩm rồi chạy vụt đến chỗ đám đông. Không! Chính xác là tới chỗ Phong đang nằm ngất đi, khuôn mặt trắng bệch vì căn bệnh tim tái phát. Tôi không thể nhớ rõ mình đã phản xạ những gì lúc đó. Luống cuống lục tìm trong túi xách lọ aspirin dự phòng? Khóc lóc gọi anh bằng những tiếng đứt quãng? Hay sợ hãi ngó xung quanh nhờ người gọi cấp cứu?
Tôi chỉ biết rằng mình không thể giữ được bình tĩnh, ngay cả khi đang ngồi trên xe cứu thương tới bệnh viện, chiếc máy ảnh vẫn đeo trên cổ, còn tay phải không ngừng xoay chiếc nhẫn “HTP” trên ngón áp út của mình.
Sau khi cấp cứu tại bệnh viện ở Đà Lạt, Phong được đưa về Hà Nội để chờ phẫu thuật. Tôi giận anh nhưng không thể nào buông lời trách cứ anh được nữa, nhất là khi anh đang nằm im trên giường nhìn tôi cười hiền dịu. Thì ra cái lý do anh chia tay tôi lại ngớ ngẩn đến mức vậy!
Nhưng tôi không quá quan tâm điều đó nữa. Bởi khi đã quyết định điều gì, tôi sẽ không bao giờ suy nghĩ thêm về lựa chọn ấy để bản thân không bao giờ phải hối hận. Sáng sớm, tôi đến bệnh viện, trên tay cầm một chậu hoa hướng dương nhỏ. Tôi nghĩ rằng trong thời điểm này, nó sẽ cho anh thêm một chút hy vọng trước con số “30% thành công” của bác sĩ.
Khi tôi vừa kéo rèm, ánh mặt trời xuyên qua cửa kính rọi lên giường bệnh. Anh khẽ trở mình càm ràm:
“Chói quá! Khép lại cho anh đi!”
Tôi biết anh chỉ khó chịu để đó thôi, chứ thực chất, anh không hề để ý đến chút nắng mai le lói này cả. Tôi mỉm cười đi về phía anh.
“Hoa hướng dương phải để nó đón nắng chứ!” – Ngồi xuống cạnh anh, vươn tay nắm lấy bàn tay gầy guộc. – “Sáng nay anh muốn ăn gì?”
Phong he hé mắt nhìn tôi lười nhác, nhưng trên môi không quên nở nụ cười:
“Hôm nay chưa đi làm à?”
Ngày nào anh cũng hỏi tôi câu đó, như một thói quen mới hình thành trong ba tháng qua. Những lúc anh thức, tôi nói chuyện cùng anh; những lúc anh ngủ, tôi ngồi ở giường bệnh trống bên cạnh viết bài phản hồi. Bàn tay gõ phím trên máy tính cũng cần thật nhẹ nhàng để anh nghỉ ngơi an ổn. Chúng tôi bên nhau như vậy, chỉ muốn yêu nhau bình yên thế thôi.
Anh càng ngày càng yếu, những lần phải cấp cứu giữa đêm ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ ngày anh cần phẫu thuật sắp đến gần mặc dù cả anh và tôi đều rất sợ ngày định mệnh ấy. Khoảng thời gian hơn mười tiếng chờ bên ngoài phòng phẫu thuật như khiến người ta chết ngạt, không dám thở mạnh, không dám cựa quậy. Tôi như sợ rằng một cử động nhỏ của bản thân cũng khiến tất cả xung quanh sụp đổ hoàn toàn như những khối domino vô dụng.
“Phẫu thuật thành công. Nhưng phải chờ quan sát tình trạng của người bệnh. Hiện tại, bệnh nhân vẫn chưa qua thời điểm nguy hiểm, nhưng tỉ lệ sống cao hơn rồi.”
Tôi không biết nên vui hay buồn khi nghe vị bác sĩ nói. Có lẽ nên vui nhỉ, khi mà anh đã vượt qua được chướng ngại vật khó khăn nhất. Cho dù anh chỉ có thể mở hờ mắt nhìn tôi một lúc, rồi lại lịm đi trong mệt mỏi; cho dù anh không thể nói với tôi lời nào, nhưng chỉ cần anh có thể sống nhiều hơn, tôi cũng sẽ lấy đó là một niềm hạnh phúc.
Còn tôi phải đi làm. Khoảng thời gian dài không tới tòa soạn khiến tôi trở nên uể oải khi ngồi vào bàn làm việc. Ánh nắng chiếu xuyên qua cửa kính, phản chiếu trong ánh nhìn của tôi một màu hồng rực rỡ nơi góc ban công.
Cây hoa trà đã nở...
Sau bốn năm đứng im lìm nơi góc ban công ấy, sau hai năm tôi nợ anh một lời hò hẹn, loài hoa ấy đã nở những đóa đầu tiên. Chị chủ biên đến vỗ vai tôi:
“Nó mới nở hoa hai hôm nay thôi. Cả phòng đều thấy bất ngờ...”
Tôi lặng người đi một lúc lâu, lờ đi cả câu cảm thán của chị. Lời hứa với anh... – tôi đang nghĩ xem anh sẽ vui biết nhường nào khi tôi gửi anh lời hứa đó. Ý nghĩ vừa vụt lên, tôi vơ vội chiếc máy ảnh chạy ra ban công, chụp lại một đóa hồng trà đang vươn mình trong nắng.
Điện thoại trong túi áo đổ chuông một hồi dài, tôi bắt máy.
Sau đó, chiếc máy ảnh trên tay tôi rơi xuống đất...
Ngoài cửa sổ, một cánh hoa trà khẽ chao nghiêng...
Một năm sau ngày Phong ra đi, tôi mang ba tấm hình thuộc về anh tới tham dự một buổi triển lãm từ thiện cho trại trẻ mồ côi – nơi anh đã trải qua mười mấy năm cuộc đời. Ba bức ảnh thuộc về anh, nhưng anh chưa từng thấy nó. Bởi vì tôi quên lãng, bởi vì tôi không dám thổ lộ, hoặc vì tôi không còn cơ hội nào gửi tới anh. Nó như lời hẹn anh ngày hoa nở mà tôi không thể nào thực hiện.
Bức hình thứ nhất, một chậu hoa oải hương nằm bên cửa sổ trong ánh nắng chiều yếu ớt...
Bức hình thứ hai, anh đang đứng lặng mình giữa rừng hoa tím ngắt, trong một chiều hoàng hôn đỏ rực chân trời...
Bức hình thứ ba, một đóa hồng trà như đang rung rinh trong chút nắng ban mai...
Cả ba bức hình của tôi đều được một nữ doanh nhân thành đạt mua lại. Người phụ nữ ấy, hai chín năm trước, đã để lại đứa con trai của mình trước cổng trại trẻ mồ côi chỉ vì không đủ sức nuôi con sau khi người chồng qua đời vì bệnh tim tái phát. Sau hai chín năm, bà quay lại tìm đứa con của mình...
© Kỳ Ca – blogradio.vn
Giọng đọc: Titi, Tuấn Anh
Thực hiện: Hằng Nga