Phát thanh xúc cảm của bạn !

Mùa hạ dẫn lối tuổi thơ

2014-05-21 01:20

Tác giả:


Blog Family - Có ai khắc khoải muốn về lại tuổi thơ thì xin hãy chọn mùa hạ làm một cuộc hành du!

***

Hẳn ai cũng có những ký ức và ấn tượng khó phai về mùa Hạ, với tôi, Hạ đẹp và lung linh nhất có lẽ vẫn là Hạ của những ngày thơ bé. 

Thuở ấy, bọn trẻ chúng tôi nghỉ hè đủ ba tháng chứ không như bây giờ. Sau tiếng trống bế giảng - sau lễ phát phần thưởng, chúng tôi chia tay nhau chạy ùa về nhà là bắt đầu vào cuộc chơi dài. Xóm tôi nhiều con nít, tầm tầm với tôi có hơn mười đứa, trai có gái có. Ban ngày thì chơi nhảy lò cò, nhảy dây, bắn cu li, chọi lon, chơi cò quan, vào ruộng móc đất sét nắn con trâu, cối xay bột… Buổi tối thì chơi búng thun, trốn tìm dưới trăng. 

Tôi sinh ra từ vùng quê nghèo, cuộc sống xung quanh chỉ là ruộng đồng và cây cỏ. Khi ấy chúng tôi còn ngờ nghệch lắm, và cũng chính những ngờ nghệch non nớt đó mà chúng tôi đã có những ngày hè thật bình yên và đáng nhớ… 

Đó là những buổi trưa trốn ngủ rủ nhau làm diều, bị mẹ mắng vì dại lấy chỉ mẹ vá áo cho ba làm dây thả. Là cười khúc khích khi cánh diều no gió bay cao, là mè nheo khóc vì vấp ngã lộn nhào trên bờ ruộng… là rất nhiều những điều tưởng chừng ngồ ngộ nhưng mỗi khi ngồi ôn lại thấy xốn xang là nhớ. 

Là những chiều muộn lon ton ra ngõ ngóng bố mẹ về, mừng rỡ khi tay mẹ xách con trê, con trắm và nắm rau mọc dại… tối đó thế nào cũng được bữa no nê với món cá nướng thơm lừng, món rau luộc và cơm xáo củ mì mà mẹ nấu. 

Là những tối trăng tròn hanh ráo, theo chân mấy anh chị trong xóm chơi những trò chơi dân gian mà không cần ai bày dẫn, như lò cò, trốn tìm, ô ăn quan... 

Là những đêm Hè nóng rát, mẹ quạt mo đón gió mát về để tôi say giấc. Con bé như tôi vẫn vô tư ngủ mà không hay biết rằng, bàn tay mẹ đã mỏi nhừ và mắt mẹ đã phờ phạt sau một ngày dài vất vả… 

Là những ngày theo mẹ và anh về quê giỗ ngoại. Nhà ngoại ở tít thị trấn, vườn nhà ngoại có đủ loại trái cây. Nhưng cái cây gắn liền với tuổi thơ anh em tôi nhiều nhất là cây na, chúng tôi thường nhặt những nụ hoa bé xinh ấy làm vòng đeo tay, đeo cổ… và lần nào về làm giỗ, chúng tôi cũng chọn những quả thật đẹp, da thật mướt để lên bàn thờ cúng ngoại… Mùa hè tuổi thơ tôi còn gắn liền với những chiều chạy sang nhà nội lục cơm nguội, ăn ngon lành với kho quẹt mà cô nấu. 

Là nụ cười móm mém nhai trầu của nội đã bước qua tuổi 75… 

Là mùi khói lam chiều từ gian bếp của mẹ, của bà, mùi khói un rơm rạ sau mỗi mùa gặt hái, cái mùi rất đỗi thân thuộc ấy cho đến bây giờ tôi vẫn luôn mang theo trong kí ức khi xa nhà. Đó còn là những ngày mưa nước trắng đồng. Mỗi cơn mưa sau những cái nắng của mùa Hè khắc nghiệt, cánh đồng lại nước mênh mông… 

Là con dế dũi đã đợi ở bờ sông, con ve sầu níu lòng trẻ nhỏ. Những ngọn cỏ gà đang đưa bàn tay ra vẫy, những khúc cây ổi, hột xoài già được gọt thành những con cù quay… Là rất nhiều những điều mà mỗi dịp Hè về lại nôn nao thấy nhớ…


Cứ tháng 5 là gần nghỉ hè, học hành cũng rảnh rang. Độ ấy là mùa mưa, sân trường có mấy vũng nước mưa đọng lại. Đó là cả một niềm đam mê thuở nhỏ: xếp thuyền giấy thả trôi, thi thố coi thuyền ai lâu chìm nghỉm hơn. Bây giờ có lẽ các em sẽ không được chơi thả thuyền giấy nữa. Sân trường phẳng, mưa thì chỉ ướt. Vô tình cuốn đi cả tuổi thơ... Liệu có còn gì đẹp trong kí ức các em? Các em có khao khát màu phượng đỏ, có thèm một lần được thả thuyền giấy, được leo lên gốc bàng già, được tận hưởng cái không gian bé nhỏ nhưng thân thuộc và ấm áp? Với tôi nó là cả một thế giới để khám phá trong cái ngôi trường nhỏ bé ấy...

Có những thứ giản dị biết bao...

Trong cái nắng trưa oi ả của một ngày hè, tôi xách võng ra cái cây to ở sau vườn để nghỉ ngơi. Cái nắng buổi trưa dường như muốn đốt cả mặt đất, nhưng tiếng chim líu lo sau vườn đã đánh tan đi sự oi bức.

Những làn gió trưa dìu dịu như cũng muốn hòa cùng tiếng chim. Tôi nằm xuống võng đu đưa cho sự mệt mỏi của những ngày hè bay theo gió. Tôi nhìn những chiếc lá xanh trên cành, đầu óc lại nghĩ bâng quơ về thời trẻ dại. Dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng tôi vẫn không quên được cái thời tôi với mấy đứa trẻ trong xóm đùa giỡn ở cánh đồng quê nội… Những lúc ấy tôi đã thấy những giọt mồ hôi của cha mẹ tôi thấm vào quai nón lá, rơi nhẹ xuống những đống rơm. Những giọt mồ hôi vất vả ấy đã làm rung động trái tim nhỏ của tôi…

Đó là ký ức về một vùng quê nghèo khó, tuy vậy mọi người sống rất hòa thuận với nhau. Tình làng nghĩa xóm và những ngọn đèn dầu sáng lên đêm đêm ở làng quê nghèo năm xưa vẫn cháy âm ỉ trong lòng tôi.
tuổi thơ

Mùa hạ - lời ru dẫn lối tuổi thơ... Tuổi thơ tôi, được đắm mình trong lời ru ngọt ngào trước khi chìm vào giấc ngủ. Nó cứ êm ả trôi qua trong tình yêu thương vô bờ của ông bà, cha mẹ. Từng giấc ngủ của tôi luôn thấm đẫm những lời ru ngọt ngào cùng với tiếng võng đưa kẽo kà kẽo kẹt và tôi lại trôi vào cảm giác bồng bềnh, nhẹ nhàng như rơi vào một cõi nào đó mênh mông lắm, êm đềm vô tận. Lúc đó tôi không nghĩ rằng những giai điệu yêu thương đó được bắt nguồn từ xa xưa, có sức sống lâu bền và mãnh liệt và sẽ theo ta đi suốt cả cuộc đời. Nhiều lần nghe bà hát ru, ngây ngô tôi hỏi: ai dạy bà những bài hát này mà bà thuộc nhiều như vậy? Bà chỉ cười móm mém rồi xoa đầu tôi bảo rằng: lời ru không ai dạy cả… Một cách tự nhiên và vô hình những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng ân tình đó đã bồi đắp hồn tôi...

Trong nhịp sống tốc độ và hiện đại thời đô thị hoá, công nghiệp hoá, mấy nơi còn tồn tại cảnh bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em trên cánh võng; mấy ai còn được nghe điệu à ơi quen thuộc. Đôi khi, miên man với vô vàn những điều thoáng qua trí nghĩ, bất chợt bắt gặp lời ru con cất lên từ đâu đó, thấy lòng dịu lại, những hình ảnh ấu thơ thi nhau kéo về.

“À ơi!!! Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Cha mày đi cấy đồng quan chưa về
Bắt được con chép con trê
Cột cổ lôi về cho cái ngủ ăn…”

Những hình ảnh thân thuộc của quê hương như: Bến nước, con đò, đêm trăng, cầu tre lắc lẻo, cánh có bay lả bay la… đã được kết thành lời ru ngọt ngào trìu mến, quyện vào tiếng võng đong đưa cùng tiếng bà, tiếng mẹ ru hời đưa con trẻ đi vào giấc ngủ. Năm tháng cứ qua đi, những tiếng ru của mẹ vẫn được giữ gìn trọn vẹn trong tâm hồn tôi với bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.

Mùa hạ - Trong những đêm trăng lộng gió, nhà tôi có một khoảng sân thượng, nơi mà những hôm trời nóng nực, tôi hay lên đó hóng gió, lên ngắm trăng để suy nghĩ lan man về đủ thứ chuyện trên đời.

Ánh trăng gần gũi với tôi từ thời thơ ấu và theo suốt cuộc đời đến bây giờ. Dần dà lớn lên, tôi càng nhận ra rằng, chẳng có trăng nơi đâu đẹp bằng trăng quê mình. Trăng quê hiện ra rõ mồn một sau hàng cau trải dài nơi ngõ xóm.

Những đêm trăng sáng, thích nhất vẫn là tụ tập ở sân nhà để chơi trốn tìm. Khi một thằng bạn vừa hô “năm, mười, mười lăm, hai mươi…” chúng tôi bắt đầu chia nhau đi trốn. Gốc cây khế, cái giếng nước, bụi chè tàu… luôn là nơi trốn lý tưởng nhất. Có lần, anh bạn đang dáo dác đi tìm, chợt thấy cô bạn gái thả tóc, ngồi quay lưng thu lu nơi bụi tre; nó khóc ré lên, tưởng là ma, năn nỉ mãi vẫn không chịu chơi tiếp. Nhiều hôm, cuộc chơi chỉ chấm dứt khi bị người lớn í ới gọi về ngủ.

Đêm ở quê mát mẻ, ngọn gió chẳng e dè như ban ngày, cứ mặc nhiên lùa lạo xạo vào ô cửa sổ. Trăng sáng trưng, soi rọi cả con đường làng vắng vẻ. Xung quanh thanh tịnh, chốc lát văng vẳng tiếng côn trùng rả rích trong đêm. Cánh đồng trước mặt nhà cứ chấp chờn ánh đèn pin của mấy anh trong xóm đi bắt ếch.

Bao năm nay sống ở phố, quen với ánh điện, vầng trăng đi qua khoảng sân thượng làm mình có cảm giác như “người dưng qua đường”. Thỉnh thoảng, rất ít thôi, những hôm cúp điện, lên sân thượng ngắm trăng hoặc khi đã về khuya, nhìn ra khung cửa, đột ngột thấy vầng trăng tròn ghé vội, trong khoảnh khắc “tối om” ấy, vầng trăng xuất hiện thật bất ngờ khiến lòng người bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ diệu của nó. Phải chăng, khi vắng “ánh sáng của văn minh”, sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng đã khiến con người bừng tỉnh, nghẹn ngào rưng rưng một nỗi niềm với trăng.Trăng càng đẹp hơn, nên thơ hơn khi vằng vặc nơi đồng quê, núi rừng, sông nước… và một khoảnh khắc bất chợt nào đó nơi phố thị. Với tôi, “trăng quê” lúc nào cũng đẹp, nên thơ hơn “trăng phố”.

Có ai khắc khoải muốn về lại tuổi thơ thì xin hãy chọn mùa hạ làm một cuộc hành du!

Mùa hạ có bằng lăng tím, có hoa phượng đỏ, màu hoa học trò phơi phới tươi thắm trong nắng, mùa hạ làm học trò nhớ nhiều đến trường đến lớp, đến bạn bè thầy cô. Mùa hạ ta có nhiều ngày dài vui chơi, nhưng mùa hạ cũng thường đi nhanh và để lại nhiều dư âm, nỗi nhớ, sự luyến tiếc. Những cánh hoa bằng lăng mỏng mảnh và yếu đuối rất dễ làm lay động lòng người. Nó làm dậy lên những ký ức của một thuở phiêu hồng, làm thổn thức bao trái tim vừa mới lớn. Làm vấn vương tà áo trắng và làm ngập ngừng cả những vòng xe mỗi sáng đến trường. Rồi lại mưa, những cơn mưa làm màu tím nhạt nhoà, làm yếu đuối đi những cánh hoa bằng lăng mỏng mảnh. 

Mùa hạ nắng gắt gao, nắng chát chúa, phượng vẫn hồng, bằng lăng vẫn tím ngát trời, thế mới biết sức sống của hoa mùa hạ mãnh liệt nhường nào, để dưới bóng phượng bao đôi trai gái vẫn ngồi tình tự trong luồng gió mỏt bên hồ. Mùa hạ tưởng như chùng xuống, lắng lại, khi tiếng ve ngân đứt quãng và thưa dần, nhưng chỉ là trong khoảnh khắc bởi cái nắng chói chang của mùa hạ như rực rỡ hơn vì phượng vĩ. Phượng vẫn cháy rực cả một góc trời, như muốn nói câu gì lưu luyến khi phải tiễn chân các cô cậu học trò, và kẻ sĩ chuẩn bị lên đường. Nắng giữa hạ gay gắt, và gió nữa, gió vẫn vô tư reo vui trên những tàn phượng, đùa giỡn trên màu đỏ chói chang ấy chẳng chịu để nguội yên những trái tim nóng bỏng tình yêu cuộc sống, khiến nó cứ dậy lên, dậy lên. Khi phượng đã thắp đỏ các vòm cây và bằng lăng cũng bớt tím là lúc màu vàng mộc mạc của điệp mới bật ra. Không phải màu vàng rực cao sang cũng không phải vàng mơ quyến rũ mà màu vàng của điệp bình dị và mộc mạc, không khoe sắc đua hương mà bền bỉ chịu đựng, âm thầm từ những chấm vàng lặng lẽ ẩn mình trong những tán lá xanh…

Mùa hạ ta về với biển khơi lộng gió, đến với những chốn rừng xanh sinh thái, nhiều vùng miền đất nước ghi dấu vết chân ta. Đến với biển ta mới thấy rõ mùa hạ tuyệt như thế nào. Giăng mắc khắp mặt nước biển những cánh buồm du lịch đỏ thắm, những chiếc phao trôi nổi trên mặt nước, rất nhiều cánh học trò đi du lịch, picnic sặc sỡ vui tươi. Ta chụp lấy ít tấm hình bắt lấy khoảnh khắc này làm kỉ niệm, kẻo trôi mất trôi mất theo thời gian ta lớn.

Mùa hạ, đến với những suối cao, những con sông như trôi vào miền cổ tích, những cây cối ngút ngàn của khu rừng sinh thái quốc gia làm lan tỏa trong ta cái trong lành dịu ngọt qua từng hơi thở, ta cảm thấy cuộc đời thư thái hơn, thiên nhiên đươc mở ra kỳ diệu biết chừng nào.

Mùa hạ thú vị nhất với nhiều người là được trở về quê, ngắm một mảnh trời quê, một con sông quê, một triền đê biếc cỏ thấy cả một trời kỷ niệm ùa về xốn xang lòng. Đã qua rồi tuổi học trò, qua rồi ấu thơ, tất cả là dư âm đọng lại. Trong ta vẫn còn một chút con trẻ, một chút học trò luôn chực sống dậy, vỡ òa. Ta muốn gặp lại bạn bè xưa, thầy cô xưa, cùng một lúc hội tụ quây quần hát cùng ta khúc nhạc yêu đời. Có thể với ai đó không có tuổi thơ ở những con sông, ngọn suối, cánh diều, chăn trâu, đánh bi, chơi trận giả thì họ đã có những kỷ niệm khác. Có thể với các bạn trẻ thành phố, quê hương chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi thoáng qua, nhưng với những đứa trẻ lớn lên ở thôn quê như chúng tôi, quê hương mãi mãi là chùm sao ngân hà ló rạng lung linh những sắc màu. Nhớ những mùa hạ, ban ngày trưa nắng chang chang chúng tôi chọn một nơi râm mát, đanh bi, chơi trò ô ăn quan. Chán lại rủ nhau đi tắm sông nghịch nước. Ban đêm dưới ánh chị Hằng chúng tôi rủ nhau đánh trận giả xung quanh những đụn rơm khô giữa vụ mùa còn dang dở, đến khi mệt lả rồi rủ nhau nằm ở thềm nhà một đứa nào đó trong hội đánh một giấc đến sáng. Và còn biết bao nhiêu trò dưới đêm.

Mới ngày nào nay ta đã lớn lên, bỏ lại mùa hạ diệu kỳ, gác lại khung trời kỷ niệm, ước mơ cứ như những cánh diều đùa với trời mây và gió, ta đi qua những mùa hạ, mùa hạ và một mùa hạ nay ta chùng lòng nhớ mùa hạ tuổi thơ như còn đò rời bến mà bóng dáng vẫn còn đây, còn đây!


P.s: Blog Radio có biết không? Để chia sẻ được những dòng chữ này, tôi đã khóc rất nhiều đấy!

  •  Bùi Vững



Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn.



Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top