Xin Ba dùng phần đời còn lại sống thật có ích
2009-07-24 17:36
Tác giả:
Blog Việt - Nếu ông trời cho con một điều ước thì con gái ước gì Ba hãy là Ba trước đây, xin Ba hãy dùng phần đời còn lại của mình mà sống cho có ích, để sau này con cháu nhắc đến Ba với niềm tự hào có được không Ba?
Ba ạ!
Hôm nay con rất vui vì con vừa nhận được bằng Thạc sỹ và cũng giành được học bổng học tiếp nghiên cứu sinh dành cho lưu học sinh xuất sắc của chính phủ Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc một điều niềm vui hân hoan đó gợi cho con một nỗi buồn. Đáng lẽ ra con phải gọi điện báo cho Ba Má để Ba Má mừng cho con nhưng con không làm như thế vì con biết có gọi về cho Ba Má cũng vậy thôi, con đường con đi chưa bao giờ có sự ủng hộ của Ba Má.
Trước đây gia đình mình từng hạnh phúc biết nhường nào, thế nhưng mọi thứ đảo lộn, lùi vào dĩ vãng kể từ ngày công việc làm ăn của Ba thất bại, bi kịch gia đình mình cũng xảy ra từ đây, những giấc ngủ ngon trở thành quá khứ, thay vào đó là những cơn ác mộng.
Chiều về cánh đồng quê mình bình yên êm ả nhưng nhà mình lúc nào cũng có sóng, chiều chiều hễ cứ nghe tiếng la ó xa xa từ phía cánh đồng là Má và tụi con lại sợ, tim cứ muốn rớt ra ngoài vì tiếng la đó không ai khác ngoài Ba, Ba say rượu hay la lớn tiếng như thế. Nhiều lúc đang ngồi học bài cùng mấy đứa em, Ba uống rượu về đụng đứa này Ba tát, đụng đứa kia Ba đá, nhìn con Ba bảo “Dẹp không học hành gì hết, học lớn nuôi chồng chứ nuôi ai”. Những lúc như thế tụi con chỉ biết lẳng lặng tắt đèn, mỗi đứa thu mình vào mỗi góc tối và mơ...mơ về một thế giới bình yên, thế giới không có chiến tranh xảy ra liên miên giữa Ba và Má.
Có lần Má đi cắt lúa từ sáng đến chiều tối về mệt mỏi rồi mà về nhà lại thấy Ba say xỉn la ó, sẵn cái gàu nước trên tay Má lia thẳng ra ngoài giếng trúng vào khóe mắt, Ba ngã người nằm trên vũng máu, tụi con sợ đến tái cả người, hàng xóm quen quá cảnh của nhà mình, con nước mắt ngắn nước mắt dài chạy đi gọi Cô Dượng Sáu, chạy nhanh quá đến giữa đồng thì vấp té, nhân lúc không có ai con ngồi bệt xuống đất khóc nức nở, khóc vì không phải bị té đau mà khóc cho bi kịch của gia đình mình. Rồi ý nghĩ sợ Ba chết nên con bật dậy chạy tiếp như một cái lò xo. Ba có biết chuyện đó nó ảnh hưởng đến độ đến giờ hễ cứ nhìn thấy máu đổ là con mệt muốn ngất xỉu không Ba?
Ảnh minh họa: mskate |
Một tháng ba mươi ngày, Ba uống rượu hết hai mươi mấy ngày rồi. Mà nào Ba có phải như người khác uống về là ngủ. Đằng này Ba say thì la lối, đập phá và thế nào nhà mình cũng sẽ có chiến tranh xảy ra, Ba Má thế nào cũng gây lộn như hai kẻ thù không đội trời chung. Những lúc như vậy tụi con chia làm hai phe, đứa thì ôm Ba, đứa thì ôm Má khóc lóc van xin. Có lần giật chai thuốc sâu từ tay Má con run cả người, Má không muốn sống nữa, tối đó con mất ngủ, đêm khuya mọi vật chìm trong tĩnh lặng, nhìn mấy đứa em ngon giấc nước mắt con cứ tuôn trào. Con thấy thương Má và các em quá đỗi, các em còn quá nhỏ để phải gánh chịu những điều như thế, tụi nó có lẽ đã mệt lắm rồi khi vừa chiến đấu để làm hòa một cuộc chiến xong. Con lo và sợ lắm những chuyện như thế sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của các em sau này. Và trong đêm tối con thầm ước, con ước gì ông trời có thể lấy bớt của con cánh tay hay đôi chân cho con ngồi xe lăn cũng được để đổi lấy hạnh phúc của gia đình mình, đổi lấy con người trước đây của Ba, để Ba không làm khổ Má và các em nữa con cũng cam lòng.
Có lần đang ngồi ăn cơm tự nhiên Ba bảo “Tụi bay sống chỉ để bôi bác tao”, vì quá ấm ức con nói lại “Ba nói vậy mà không nghĩ lại thử” và đó cũng là lần đầu tiên con dám nói lại Ba, thế là ngay lập tức Ba lia thẳng cái chén cơm vào mặt con, may là con né kịp. Mà thật sự con không hiểu sao Ba lại nói thế, trong khi tụi con sống bà con lối xóm ai cũng thương, có bao giờ họ phản ảnh gì đâu, nửa đêm Ba uống rượu về quậy không cho họ ngủ nên họ toàn là phàn nàn về Ba đấy chứ. Ba coi tính mạng con Ba không ra gì cả, tức lên là Ba sẵn sàng lia ném bất cứ vật gì Ba cầm trên tay. Có lần em Mười rửa rổ rau xong để không cẩn thận bị gà nhảy đổ thế là Ba cũng lia thẳng chén vào mặt như thế làm em nó chảy máu đầu Ba phải chở đi khâu mấy mũi, con nghe kể lại điếng cả người.
Có lẽ cuộc sống cơm áo gạo tiền cộng với sĩ diện bị người khác coi thường quấn lấy Ba Má, làm Ba Má trở nên cáu gắt, thế nhưng tụi con nào có lỗi lầm gì sao bắt tụi con phải gánh chịu? Những tiếng Ba con, Má con cũng không còn nữa, thay vào đó là tao mày, hiếm hoi lắm khi nào Ba Má vui lắm con mới nghe lại được những tiếng xưng hô Ba con, Má con. Nhà mình lúc nào cũng “khó thở” it́ khi nào được bình yên, tụi con lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Đã không biế̉t bao lần chịu không nổi con chạy ra sau vườn khóc, ngước mặt nhìn bầu trời xanh bao la con thầm gọi “Ba Mẹ ơi Ba Mẹ ở đâu?”. Và con ước gì con là con ghẻ của Ba Má rồi con sẽ được Ba Mẹ đẻ đón về, vì con thật sự sợ lắm rồi những trận say rượu của Ba, vì con thèm khát biết bao một mái ấm gia đình!
Ảnh minh họa: ArhcamtIlnaad |
Con biết Ba Má buồn nhiều vì đường đường là một ông bà chủ thầu khoán giờ phải rơi vào nông nỗi này, cũng phải bắt đầu đi làm thuê, làm mướn như ai. Những buổi trưa hè ru em ngủ con thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt Má, nhìn những vết muỗi đốt chi chít trên người Ba khi Ba đi làm trên Gia Lai về, con thấy thương Ba Má lắm, con rất hiểu nỗi tủi nhục, nỗi khổ mà Ba Má phải gánh chịu. Ý thức rất rõ điều đó nên từ khi là một học sinh lớp 4 con đã cố gắng làm lụng để đỡ đần Ba Má, từ việc mót lúa, bắt cua bắt ốc, mặc dù con rất sợ cua kẹp, sợ rắn rết sâu bọ, lớn hơn chút nữa thì mua bán, làm sạn, làm đá, se nhang...
Năm học lớp 8, lần đầu tiên con “bị” nhưng cũng theo Má vào cầu Trường Sơn đãi sạn, vì ngốc nghếch nghĩ sợ Má biết sẽ la mà không biết rằng đó là quy luật tự nhiên của một người con gái nên con không dám nói. Cứ ngâm người dưới nước từ sáng đến chiều như thế, nước cầu có sạch sẽ gì đâu, nước người ta tắm bò, thả vịt, giặt dũ đồ dơ bẩn. Làm đến chiều tối thì người con không còn một tí sức lực nào nữa, mềm nhũn như cọng bún, tay chân rã rời đi không nổi, anh Sáu về chơi rồi chở con lên anh Hai khám, ngồi sau anh chở mà người cứ run lập cập, đoạn đường từ quê lên Phù Cát có 5 cây số mà con thấy dài những mấy chục cây, tối đó con sốt 40 độ.
Giờ thi thoảng nhìn lại những gì đã qua thấy thật tủi, nó như một dấu ấn tuổi thơ chẳng thể nào nhạt nhòa trong tiềm thức con. Từ một đứa trắng trẻo dễ thương, con lăn lộn nhiều mà đen thui đen thủi, ai gặp cũng quở. Anh Sáu học sửa xe trong Nha Trang về không còn nhận ra con nữa “trời ơi, sao em đen như dân tộc vậy em”. Ba có biết tại sao con có thể làm được những điều ấy không? Tại vì tình thương yêu gia đình trong con quá lớn. Thế còn Ba? Trong lòng Ba có chúng con không? Tình cảm Ba dành cho chúng con là gì mà con không cảm nhận được? Ba cũng chưa bao giờ biết nguyện vọng của các con Ba là gì, có lớn lao lắm không khi tụi con chỉ mong Ba giữ gìn sức khỏe, đừng uống rượu nữa để gia đình được bình yên?
Ảnh minh họa: anna_m0lly |
Học hết lớp 9, con định theo bạn bè vào Long Khánh làm nhang. Thế rồi một ngày có người bạn lạ của Ba Má đến chơi, gặp chú ấy con chỉ chào mỗi câu rồi đi chỗ khác, thế mà không biết chú ấy nhìn con thế nào mà lại hỏi Má “Con bé này con của chị hả? Thế thì 10 đứa kia tui không nói, tui chỉ nói nó, 11 đứa con nhưng sau này anh chị nhờ mỗi mình nó”. Nghe chú ấy xong con lại chạy ra sau vườn khóc, khóc vì không hiểu tại sao chú ấy lại nói vậy, mặc dù con rất thương, rất muốn giúp đỡ Ba Má và các em nhưng ngoài những việc lặc vặt kiếm chút tiền phụ Ba Má con có thể làm gì được hơn? Cầu mong có ai đó giúp con tìm ra lối đi đúng hướng, cho con ý chí và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn. Ngồi suy nghĩ miên man rồi cuối cùng con cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc học, chỉ có học mới thoát nghèo, học mới thay đổi được số phận.
Có đôi chút muộn màng nhưng lên cấp 3 con rất cố gắng, mọi thời gian con chỉ dành cho việc học, không dám lơ là. Ngày 20 tháng 11 thăm thầy cô xong, bạn bè kéo nhau đi chơi nhưng con cũng không dám đi, lớp trưởng giận bảo “T coi chừng chứ học quá điên đó”, kệ điên cũng được, hoàn cảnh con khác các bạn nên con phải nỗ lực gấp đôi.
Lên thị trấn ở đi học nhiều lúc cuối tuần nhớ Ba Má và các em, rất muốn về quê ở lại nhưng Ba biết không con sợ lắm mỗi khi về lại bắt gặp hình ảnh Ba say rượu. Có lần về gặp Ba say, cũng như viễn cảnh ngày nào Ba la lối làm mấy đứa em nó sợ, nhìn vào ánh mắt đau đáu sợ hãi của các em làm con xót xa quá! Kéo các em lại bên cạnh, dùng vòng tay ôm các em vào lòng, con động viên “Tụi em cố gắng nha”, mấy chị em con cùng khóc. Ba chẳng bao giờ để ý đến những suy nghĩ, những cảm xúc sợ hãi của các con Ba.
Từ hôm đó con cầu nguyện ăn chay 1 tháng, cũng không để làm gì, chỉ cầu mong gia đình mình được bình yên. Uống rượu ngà ngà Ba lên Phù Cát ôm con vào lòng hỏi “Sao con lại ăn chay?”, con nói trong nước mắt, con nói như van xin “Ba đừng uống rượu nữa có được không Ba?” Ba cũng đã hứa nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Chưa bao giờ mơ ước vào đại học lại cháy bỏng trong con đến thế, chỉ có như thế mới có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình dìu dắt mấy đứa em và hơn hết là khát khao để có thể viết cho Ba một lá thư thật dài nói hết những nỗi lòng của con. Nhưng cánh cữa ĐH cũng khép lại với con khi sát ngày thi ĐH con bị bệnh sốt xuất huyết, nộp hồ sơ 3 trường thì phải bỏ thi 2 trường đầu tiên, cuối cùng còn mỗi trường “Cao đẳng kinh tế đối ngoại”. Trận sốt kéo dài 10 ngày cộng áp lực thi cử con không ăn uống ngủ nghê gì được, căng thẳng trầm trọng, sức khỏe ốm yếu, mọi người đều khuyên con ở nhà để năm sau thi nhưng con vẫn kiên quyết đi, có chết trên đường cũng phải đi vì con biết sẽ không có cơ hội lần hai cho con.
Khoảng thời gian đợi kết quả là thời gian dài nhất của con, đi ra đi vào ai cũng hỏi, Ba đã không an ủi lại còn nói “ai bảo thấp mà lại trèo cao” lời nói của Ba như có muối sáp thêm vào vết thương con. Ba chưa bao giờ quan tâm đến chuyện học hành của con làm sao biết được con học thế nào? Cũng may sau đó con cũng có giấy báo nhập học mặc dù kết quả không như mong muốn, trường lấy 24 điểm con thiếu 1 điểm nên phải học hệ trung cấp nhưng dù sao con cũng mừng và lấy đó làm bàn đạp phấn đấu sau này. Con gái Ba sẽ chẳng bao giờ chịu “dậm chân tại chỗ” đâu, vì sao Ba biết không? Vì để mong có một ngày xứng đáng viết cho Ba những dòng thế này.
Ảnh minh họa: no_oxygen |
Vào Sài Gòn học để đỡ gánh nặng cho gia đình con chọn ở nhà bác Hai. Chưa bao giờ Ba hỏi xem con học hành thế nào, ăn ở nhà Bác có được không... những dịp lễ Tết về nhà tiền tàu xe đi vào cũng mấy chị lo cho, chưa bao giờ con nhận một đồng từ Ba cho dù đó là 1- 2 nghìn cũ rách để đi đường uống nước, để con thấy ấm lòng, để con thấy con cũng có cha có mẹ như bao người khác, Chỉ những việc nhỏ nhoi vậy thôi nhưng với con nó là một điều xa xỉ.
Ra trường đi làm với mức lương ba cọc ba đồng nhưng con thật sự muốn dìu dắt các em nên đã cho tụi nó vào đi học lại, khổ nỗi mấy đứa em không có chí nên cứ theo bạn bè đi chơi lơ là việc học. Chuyện như thế Ba cũng có ý trách con, Ba bảo con phải làm gì nữa Ba? Con sướng lắm sao, có lần em K bỏ học theo bạn bè đi chơi, con không nhớ rõ địa chỉ nhà bạn nó nhưng vẫn đi tìm, nhà Sài Gòn không số sao tìm ra, thế mà con vẫn đội mưa đội gió gõ cữa hết nhà này đến nhà khác. Tìm không được em bất lực con đến Chùa cầu xin, khóc hàng giờ trước cữa phật. Còn Ba, bao giờ Ba lo cho tụi con như thế chưa? Khi chưa lo được việc cho các em là trong con chưa có ngày yên ổn, thế còn Ba có bao giờ Ba sốt ruột như thế chưa? Chưa có, Ba mặc cho anh chị em con tự cứu tự bơi trong bể đời đầy sóng gió!
Sau đó nhờ may mắn con có cơ hội sang Trung Quốc học. Đằng đẵng mấy năm trời ở nước ngoài, Tết năm 2008 con về nước thăm gia đình với bao nỗi yêu thương và nhung nhớ. Về nhà chưa kịp vui thì đã xảy ra bao nhiêu việc đau lòng rồi. Thế mà hôm tất niên nhà anh Sáu, Ba lại uống rượu say rồi lè nhè trong bữa tiệc làm mọi người khó chịu, mất vui. Con đứng nước mắt ngắn nước mắt dài nhìn Ba như trời trồng, viễn cảnh ngày nào lại hiện về trong con. Trước đó mấy chị cứ gọi điện sang bảo “em cứ yên tâm học hành đi, Ba đỡ nhiều rồi, ít uống rượu rồi”, Ba vẫn thế, không thay đổi gì. Bao năm qua con đã sống trong một môi trường văn minh và hiện đại, một môi trường con chưa bao giờ thấy ai say rượu rồi làm càng như Ba. Và con cũng đã tìm lại chính mình sống vô tư vui vẻ nên khi nhìn thấy Ba thế con sốc thật sự. Ba chưa bao giờ biết được những suy nghĩ cũng như những gì Má và tụi con phải gánh chịu mỗi khi Ba say, bình thường Ba như một con mèo nhưng khi say Ba như một con hổ có thể vồ lấy ai bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa: xxholicx |
Ba là một người đàn ông thông minh sáng dạ nhưng cũng là một người độc tài, ngang ngược, không thương yêu vợ con. Nếu Ba thương vợ con đã không làm khổ Má và tụi con đến thế. Nếu Ba thương con cái thì đâu có chuyện em Thừa sinh con đầu lòng về nhà mình ở chưa được 2 tháng thì Ba Mẹ chồng nó đã lo đón con dâu về. Vì Ba uống rượu về cứ chì chiết làm em nó khóc suốt “Hồi giờ tao có nuôi đẻ đứa nào đâu, sao tao phải nuôi mày?” con nghe kể lại mà thấy chua xót quá. Tại sao vậy Ba Má ? Ngay cả nhà Ba Mẹ ruột mà em nó còn không ở được, phải chăng nhà mình thực sự chưa “ấm”? Con nào mà chẳng là con hả Ba Má, mấy chị con được cái số sướng đều lấy chồng trên Thị Trấn nên Ba Má không phải nuôi, chỉ có mỗi em Thừa lấy chồng ở quê nên theo phong tục phải về nhà mình ở sinh đẻ, thế mà... con xin Ba đấy! Xin Ba đừng bao giờ nói những lời gây tổn thương như thế nữa với các em con. Nếu có bực tức gì thì Ba hãy đợi con về rồi nói sao cũng được, vì con đã luyện cho mình một “thần kinh thép” , đã “miễn dịch” hoàn toàn với những lời nói “không vui” đó của Ba.
Qua bao năm miệt mài phấn đấu, con biết mọi người cũng đã có cái nhìn khác về con. Hôm nhà mình tảo mộ con muốn về sớm phụ Má nấu cúng nhưng vụng về con không biết làm gì ngoài việc phụ gọt củ, nhặt cọng rau, nghe Ba nhẹ nhàng hỏi “Có biết làm không?” Con thấy thật vui, cho dù mai sau trong xã hội có là ông gì bà gì đi nữa nhưng khi về với gia đình vẫn cứ muốn mình mãi là một đứa trẻ. Con ước gì tất cả các anh chị em con cũng được như thế, cứ mãi là một đứa trẻ cần được quan tâm trong lòng Ba Má.
Xin Ba Má và các anh chị hãy quan tâm, dành tình cảm nhiều hơn nữa cho mấy đứa em. Các anh chị thì dù sao cũng có một thời sống trong nhung lụa, thời các anh chị đi học về nhà có thầy cô đến nhà kèm cặp cho, còn mấy đứa em mình thiếu thốn từ bé đến giờ. Xin gia đình hãy cho các em một hơi ấm, một sự quan tâm, một tình thương thật sự xuất phát từ tấm lòng một người cha, người mẹ, người anh, người chị để các em thấy ấm lòng mỗi khi về nhà, chứ không phải chỉ có những câu hỏi “Tiền đâu, làm được bao nhiêu tiền?”. Mấy đứa em nó cũng cần lắm những câu thăm hỏi “tụi con công việc thế nào? Ăn ở ra sao...”, vì gia đình chính là nền tảng, là chốn bình yên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho chúng con mỗi khi chúng con chùn chân mỏi gối quay về. Các em nó cần lắm sự quan tâm, động viên an ủi từ Ba Má và các anh chị. Con nhớ có lần đêm khuya đang ngủ tự nhiên con thấy mệt, mồ hôi nhuễ nhãi, chị Hai nói với Má, Má nằm trong buồng nói vọng ra “lấy cam cho em nó ăn đi con”, chỉ thế thôi câu nói đó của Má mặc dù rất lâu rồi, từ khi con còn là một con bé học lớp 2 nhưng con vẫn nhớ như in và ngọt ngào đến tận bây giờ.
Ảnh minh họa: Shiritsu |
Ba biết không đã có một thời con rất tự hào về Ba, một thời Ba đã “làm nên lịch sử”, nhà mình có ti vi, xe máy đầu tiên trong thôn, không cần làm ruộng, gạo thì xe ngựa chở đổ đầy nhà. Ba không ăn học gì cao nhưng nhà trên Phù Cát Ba thiết kế thật đẹp. Nhà mình mới xây xong ai cũng trầm trồ khen ngợi, những ngày nhóm họp chợ phiên mọi người cứ nhìn vào nhà mình bàn tán suýt xoa. Con đứng trên gác nhìn xuống mà cảm thấy rất tự hào về Ba. Những năm 80 khi mọi người còn đói cái ăn cái mặc thì anh chị em con đã được sống trong điều kiện vật chất đủ đầy. Tết đến bạn bè cùng trang lứa chỉ mặc những bộ đồ vải tám, đi dép lê thì con đã được diện quần bắckê nhung, áo sơ mi, đi dày, bọn bạn phải nhìn con với ánh mắt ngưỡng mộ.
Năm học lớp 1 con tham gia biểu diễn văn nghệ, Ba Má đi làm về rồi ghé vào xem, đứng trên sân khấu nhìn xuống thấy Ba Má vẫy vẫy tay con thấy vui vô cùng. Sau buổi diễn bạn bè phải đi về bộ còn con thì được Ba Má đón về bằng xe HonDa hẳn hoi. Sáng hôm sau Ba bảo con múa lại cho Ba xem. Con đứng trên giường cứ thế vô tư múa hát “sao của em vui vui lắm cơ...” và có lẽ đó cũng là quãng đời hạnh phúc nhất của tuổi thơ con, con cảm ơn Ba về điều ấy.
Và con đã từng rất khâm phục Ba, một người đàn ông tình cảm giỏi giang. Hồi đó những gì nhà mình có được không dễ dàng chút nào, tất cả được tạo lập nên từ đôi bàn tay trắng của Ba Má. Ông Nội mất sớm, bà Nội không làm gì ra tiền nên từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi Ba đã phải lăn lộn vất vả thay ông gánh vác gia đình nuôi các em. Có lần Ba vác tre đi chợ bán, đi giữa đường thì bị rắn độc cắn sưng tấy cả chân, mặc dù chân rất nhứt nhưng Ba vẫn cố đi vì nếu không đi thì tiền đâu Bà mua gạo mắm. Câu chuyện Ba kể từ rất rất lâu, khi con còn bé xíu nhưng con vẫn còn nhớ đến tận giờ. Vì nó cảm động, nó mang tính nhân văn. Thế nhưng cũng chỉ được một thời như thế, từ sau chuyện làm ăn thất bại Ba đã là một con người hoàn toàn khác, khác đến mức con không còn nhận ra đó là Ba mình. Con biết Ba buồn nhiều khi một người đàn ông đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, đi đâu cũng được mọi người chào đón kính nể để rồi sau đó mọi thứ phải trở mặt quay lưng. Thế nhưng cứ rượu chè hoài thì giải quyết được gì hả Ba? Mà nhà mình giờ đã đến nỗi nào, các em cũng đã lớn và dần ổn định thế thì lí do vì buồn mà uống rượu của Ba là gì vậy? Ngần ấy năm đã quá đủ rồi Ba ạ, đã 20 năm rồi còn gì nữa Ba. Ba bảo giờ có trời cũng không nói được Ba. Vâng! Không ai nói được, tòa án cao nhất vẫn là lương tâm, nếu lương tâm Ba cho phép thì thôi Ba cứ tiếp tục. Coi như kiếp trước Má và tụi con mắc nợ Ba nên kiếp này phải trả.
Mấy hôm nay nghe ở nhà nói chuyện Ba lại uống rượu say rồi giẫm phải cái gì đó làm toét chân máu chảy thật nhiều rồi bị nhiễm trùng. Con nghe mà vừa lo vừa thương nhưng cũng giận Ba thật nhiều nên đã không gọi điện về, trách nhiệm của một người con con cũng sẽ làm trong khả năng có thể nhưng những chuyện như thế của Ba thì con không quan tâm đâu. Giờ Ba cứ “đắm” mình trong men rượu làm khổ vợ con thế thì Ba mới thấy vui, mới thấy cuộc sống của Ba có ý nghĩa sao Ba?
Ảnh minh họa: Bziulka |
Nếu ông trời cho con một điều ước thì con gái ước gì Ba hãy là Ba trước đây, xin Ba hãy dùng phần đời còn lại của mình mà sống cho có ích, để sau này con cháu nhắc đến Ba với niềm tự hào có được không Ba?
Trên đây không chỉ là lời cầu mong của riêng con mà là của tất cả anh chị em con, mấy anh chị không dám nói Ba, nói Ba uống rượu lên nhà anh chị quậy ai chịu nổi, còn con ở xa thế này Ba làm gì được, cùng lắm là gọi điện sang chửi vài câu. Nói vậy thôi chứ con biết tính Ba chỉ lớn tiếng vậy chứ trong bụng không nghĩ gì. Ba sẽ không giận, giận làm gì một đứa con xa luôn khoắc khoải về gia đình phải không Ba?
Con biết đọc những dòng này thế nào Ba Má cũng sẽ nói “giờ nó ăn học có chút chữ quay lại nói cha nói mẹ”. Vạn lần con không dám, đây chỉ là những dòng tâm sự, những nỗi lòng rất thật từ con, mong Ba Má hiểu cho và dù có thế nào đi nữa thì trong lòng con Ba Má mãi là Ba Mẹ kính yêu của con.
Kính chúc Ba Má sức khỏe!
- Gửi từ email hadabinh
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Người thầm lặng 20/10
Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.
Đi qua sự phản bội
Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.