Phát thanh xúc cảm của bạn !

Sống lại những tháng ngày hào hùng của đất nước ngày 02.09 của 73 năm về trước

2018-09-02 01:07

Tác giả: Giọng đọc: Lan Phương

02.09 là một ngày lễ trọng đại của dân tộc, đánh dấu sự ra đời của một đất nước độc lập, tự do sau một thời gian dài phải chịu ách đô hộ của thực dân. Có lẽ ở thời điểm hiện tại, thật khó mà cảm nhận hết không khí náo nức, tự hào, tin tưởng và hy vọng của 73 năm về trước. Vậy thì tại sao chúng ta không quay ngược thời gian, trở lại ngày 02.09.1945, hòa mình vào dòng người dưới quảng trường Ba Đình, cùng lắng nghe bản tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hãy cùng đến với một dấu mốc lịch sử vô cùng đáng nhớ trong lịch sử dân tộc nhé! Bài viết được tổng hợp từ nội dung đăng trên tờ Cứu Quốc (ra ngày 5/9/1945) và tờ Trung Bắc Tân Văn (ra ngày 9/9/1945) và tư liệu ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về không khí của Hà Nội, Sài Gòn ngày đó.

Các gia đình lau chùi nhà cửa sạch sẽ, thắp đèn nến sáng trưng, đốt hương trầm nghi ngút.

Trên phố, các cửa hàng đón tiếp khách niềm nở, mua hàng hay không cũng mời nước và thuốc lá. Các hiệu cao lâu không những xuống giá còn nhất định bán được bao nhiêu cũng trích ra 50% giúp giải phóng quân.

Nhưng cảm động hơn có lẽ là những người buôn bán ít vốn. Một bà mắt cặp kèm, bán bát bún riêu đầy mà chỉ lấy một hào, trong khi ngày thường bà bán 3 hào. Khi được hỏi: "Sao cụ tính rẻ quá thế?", bà đáp: "Hôm nay là ngày độc lập".


Nhiều người khác nhất định bán cho nhanh để còn về ăn cơm sửa soạn cho các cháu và cho cả họ đi đón tiếp cụ Hồ Chí Minh. Người làm công cũng được ông bà chủ cho phép nghỉ để chiều đi dự lễ "Ngày độc lập".

Trong khi thanh niên sửa soạn cờ, biển, sắp đoàn ngũ, gậy gộc hoặc tập hát những bản anh hùng ca cho đều thì các ông già bà cả lo làm cơm cúng tổ tiên và mời bạn đến uống rượu mừng nền độc lập.

12h trưa, rất đông người đổ về những nẻo đường dẫn vào vườn hoa Ba Đình, nơi cử hành lễ "Ngày độc lập". Các sinh viên, chiến sĩ làm việc vất vả mới giữ nổi trật tự cho hàng chục nghìn người từ khắp các phố phường ở Hà Nội và các tỉnh xa về dự lễ độc lập.

Giữa vườn hoa dựng sẵn một diễn đài cao căng vải đỏ và trắng, giữa là cột cờ sơn trắng vươn cao chót vót. Các đoàn thể tới dự lễ theo thứ tự được ban tổ chức định sẵn.

Gần diễn đài nhất là các bô lão thành phố, đoàn thể Phật giáo, Công giáo và phụ nữ. Bộ đội giải phóng quân, lưỡi lê sáng loáng cắm ở đầu súng, đứng dàn sau kỳ đài. Vòng ngoài, trông ra xa chỉ thấy một biển người trắng xóa, cờ đỏ rực rỡ dưới ánh nắng của ngày thu chói lọi.

14h, đội tự vệ cầm súng lục đứng chèn khít thành hàng rào tròn quanh kỳ đài. Còn lính bồng súng đứng dàn ra cho đến đầu đường Cột Cờ. Mọi người im lặng đợi đến lúc đội âm nhạc giải phóng quân cử bài kèn chào. Đoàn xe hơi của Chính phủ, có đội cảnh sát đi trước dẫn đầu, từ từ đỗ. Các nhân viên trong Chính phủ bước lên kỳ đài.

Tất cả sự chú ý của đám đông khổng lồ tới dự lễ đều dồn cả vào vị Chủ tịch của Chính phủ, lần đầu tiên ra mắt quốc dân. Đó là một ông già dáng gầy, trán cao, mắt sáng mặc bộ quần áo bằng vải vàng đã bạc màu.

Buổi lễ bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên, trong khi đội âm nhạc cử bài "Tiến quân ca". Trên kỳ đài, các nhân viên Chính phủ, đầu trần, đứng lên giơ tay chào. Bên dưới, một rừng cánh tay cũng giơ lên. Không khí yên lặng, trang nghiêm.


Sau khi đại diện ban tổ chức đứng trước máy truyền thanh đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên.

Bằng một giọng rành mạch, giản dị (chốc chốc lại hỏi xuống: "Tôi nói thế này đồng bào có nghe rõ không?") Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam với 25 triệu đồng bào và tất cả thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập".

Lời tuyên ngôn đanh thép vừa dứt, tất cả quốc dân dưới đài đều đồng thanh hoan hô.

Tiếp đến là cuộc tuyên thệ của Chính phủ. Đứng trước Quốc kỳ, trước quốc dân, các nhân viên Chính phủ lâm thời bỏ mũ, đứng thẳng người, thề rằng: "Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc; trong lúc giữ nền độc lập, sẽ quyết vượt qua mọi nỗi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".

Sau khi Chính phủ tuyên thệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đứng lên nói về sự đoàn kết của dân ta nhất định chống lại bất cứ cuộc xâm lăng nào. Bài diễn văn của ông liên tục bị công chúng ngắt quãng để vỗ tay hoan hô.

15h10, ông Trần Huy Liệu nói về việc ông vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Sau đó, ông trao lại ấn và kiếm bằng vàng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh để Chủ tịch giơ lên cho quốc dân xem.

Ông Nguyễn Lương Bằng, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, thuật qua cuộc đấu tranh đầy gian lao, khó khăn mà Việt Minh đã theo đuổi trong mấy năm để mưu giải phóng cho dân tộc và kêu gọi đồng bào thống nhất, đoàn kết để ủng hộ Chính phủ.

15h30, quốc dân tuyên thệ sẽ trung thành với Chính phủ. Một người trong ban tổ chức đứng trước đài đọc to những lời thề. Mỗi lời đọc xong, toàn thể đồng bào đứng dưới đài đều hô to: "Xin thề".

Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh lại bước ra kỳ đài căn dặn quốc dân mấy lời: "Của quý nhất của quốc dân, của thế giới là sự độc lập. Giờ đây, chúng ta đã được độc lập rồi ta phải cố giữ gìn. Tất cả quốc dân phải đoàn kết lại, xin đồng bào chớ vội tin rằng đã thái bình hẳn. Chúng ta sẽ còn phải vượt qua nhiều sự gian lao, đau khổ hơn nữa, đồng bào phải ủng hộ Chính phủ sau này sẽ còn nhiều cuộc khánh chúc thắng lợi nữa".

15h45, buổi lễ tuyên ngôn độc lập kết thúc. Bài "Tiến quân ca" do được vang trên miệng hàng nghìn, hàng vạn người... Các nhân viên Chính phủ xuống đài... Người dân chia thành từng đoàn đi qua các phố lớn và kéo tới hồ Hoàn Kiếm thì giải tán.

Trong khi đó, tại Sài Gòn, từ buổi trưa người dân đã đổ ra đường. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!", "Đả đảo thực dân Pháp!" bằng nhiều thứ tiếng... giăng khắp nơi.

Lễ Độc lập được cử hành lúc 14h tại lễ đài trên đường Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), phía sau nhà thờ Đức Bà. Ban tổ chức dự định tiếp sóng Đài Bạch Mai (Đài Tiếng nói Việt Nam) để người dân Sài Gòn nghe bản Tuyên ngôn Độc lập qua hệ thống loa phóng thanh đặt dọc đường Cộng Hòa và các ngả đường gần đó. Tuy nhiên, việc tiếp sóng không thành công.

Vì thế, ban tổ chức buổi lễ đề nghị ông Trần Văn Giàu (Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ) ứng khẩu một bài diễn văn.


Sau vài phút suy nghĩ và ghi vội mấy ý chính lên giấy, ông Trần Văn Giàu nói: "Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống".

Thay mặt hàng triệu người dân Nam bộ, ông nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc: "Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng".

Bài diễn văn của ông kết thúc bằng lời kêu gọi: "Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!".

Cả biển người đưa nắm tay lên, nhất loạt hô to: "Xin thề! Xin thề! Xin thề!" như tiếng sấm vang rền.

Theo Nhật Lâm – Zingnews

Giọng đọc: Lan Phương

Sản xuất: Đinh Tuấn Anh

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

back to top