Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ông chờ cháu nhé, cháu nhất định sẽ trở về

2020-11-28 01:20

Tác giả: Nguyễn Quang Tuyến


blogradio.vn - Mặt trời đã vượt qua ngọn tre. Lão Bồng tiễn hai mẹ con thằng Vinh ra tận chỗ đón xe. Chiếc xe mờ dần khỏi tầm mắt lão, mà trong đầu lão còn vang tiếng thằng Vinh “Cháu sẽ về, sẽ trở về ông ạ”.

***

Đã 2 giờ sáng mà lão Bồng cứ nôn nao không thể nào chợp mắt. Chờ mãi mà con trống già ngoài vườn vẫn chẳng chịu gáy, lão thấy buồn chán trong người sau khi nghe điện thoại của đứa con trai độc nhất đang sống trên thành phố báo tin, sui gia của lão thua lão đến gần chục tuổi, lại đi trước lão.

Con dâu lão cũng là con một, bởi thế vợ chồng con cái nó phải kéo nhau về quê ông sui lo đám. Lão được điệu về trông nom nhà cửa cho chúng cũng phải 10 ngày.

Từ chiều qua, lão đã chuẩn bị xong xuôi. Quần áo thì chỉ cần hai bộ. Ở vùng quê này, lão được mọi người kính nể, phần vì chỉ có lão là có con tốt nghiệp Đại học, nó còn mua được nhà trên thành phố, phần vì lão là người quảng giao, thân thiết với hết thảy mọi người trong làng ngoài xóm. Lão sống chân thật, chẳng để mất lòng ai bao giờ.

Ò ó o..o…o, tiếng gà gáy làm lão bật dậy. Vẫn là tiếng gà quen thuộc gọi lão mỗi ngày, nhưng hôm nay khác lắm. Vì hôm nay lão được gặp hai đứa cháu nội, mà chỉ khi lễ tết hay giỗ chạp lão mới có dip ôm chúng vào lòng. 

Trước đây, lão cũng hay lên thăm chúng nhưng giờ mấy đứa đã đến tuổi tới trường, nên dù lão có lên thì bọn nhỏ cũng chẳng thảnh thơi chơi đùa với lão được.

Lão viết mấy dòng nguệch ngoạc, đặt lên bàn rồi đi như chạy. Lão sợ muộn chuyến xe đò duy nhất trong ngày.

Thằng Vinh mọi khi hơn 7 giờ mới chịu mở mắt, rồi nằm lì ít nhất hàng tiếng đồng hồ mới dậy. Mẹ nó có gọi như hò đò thì cũng thế. Ấy vậy mà hôm nay mới tờ mờ sáng nó đã lồm cồm ra khỏi giường, vơ quáng quàng mấy cuốn sách, rồi chạy ào ra khỏi nhà. 

ong0408137-72b3e

Mẹ nó đang lúi húi dọn hàng, ngạc nhiên hỏi.

“Con đi đâu sớm vậy? Ăn gì đã chứ”.

“Con sang nhà cụ Bồng”.

Nó trả lời mẹ rồi cắm cúi đi thẳng. Từ nhà nó sang lão Bồng chẳng xa xôi gì. Thằng Vinh vừa đi vừa lật tìm trang sách đọc dở tối qua. Nó có thói quen đọc sách tới quá nửa đêm mới ngủ. 

Cả xóm này có mấy đứa trạc tuổi nó mà chững chạc lắm. Nó chỉ kết bạn với lão Bồng và những cuốn sách. Lên 4 tuổi nó theo mẹ chuyển tới đây. Mẹ nó mở quán tạp hóa, đâu cũng được 13, 14 năm rồi.

“Ông đi vắng, cháu nhớ lời ông dặn, chăm mấy con thỏ giúp ông, ông về mua sách cho”. 

Gấp tờ giấy của lão Bồng vào túi, thằng Vinh xuống sau nhà. Ở đó lão Bồng đã cắt sẵn cả chậu cỏ để thằng Vinh cho thỏ ăn dần trong mấy ngày lão vắng nhà. 

Mấy con thỏ lão đang nuôi do con trai lão mang từ Úc về. Lão muốn chăm sóc cẩn thận để nhân giống. Thằng Vinh bốc nắm cỏ thật đầy tay cho vào máng thức ăn. Mấy chú thỏ con giành nhau ăn ngon lành làm nó thấy vui vui.

ong0408135-72b3e

Đứng chờ đàn thỏ ăn gần hết cỏ nó mới lên nhà, nằm vật xuống cái ghế dựa mà lão Bồng dùng làm giường ngủ đọc sách. Cái đồng hồ cũ treo trên tường điểm 9 tiếng.

Thằng Vinh về xóm này đã lâu nhưng nó thật sự thân thiện với lão Bồng chỉ 3 năm nay thôi. Hồi đó, nó sắp thi hết cấp hai, mà bệnh suốt. Nó phải nghỉ học cả tháng. Từ một học sinh khá nó thành ra chán học, môn nào cũng lơ mơ, chỉ được mỗi môn Văn kéo lại. 

Mẹ nó lo thắt ruột, sợ nó thi trượt lại thành đứa trẻ học hành dở dang. Mẹ nó hỏi han hết người này đến người khác xem làm cách nào giúp thằng Vinh theo được kỳ thi. Có người khuyên mẹ nó.

 

“Chị nhờ thử ông Bồng xem. Cả xóm mình chỉ có ông ấy là người nhiều chữ, lại có con đỗ đạt cao”.

Mẹ nó khấp khởi tới gặp lão Bồng, ngỏ ý nhờ lão giúp, lão cười móm mém.

“Tôi cũng muốn giúp cô lắm, nhưng tôi có học hành bài bản gì mà dạy nó được cơ chứ”.

“Trăm sự nhờ ông. Cháu có mình nó, chỉ một tâm nguyện là cho nó ăn học tới nơi tới chốn”.

“Tôi biết, nhưng quả thật tôi không dạy dỗ ai bao giờ”.

“Cháu xin thưa thật với bác, thằng con cháu là đứa sáng dạ, chỉ vì bị bệnh phải nghỉ học dài dài, mà cuối năm lại thi tốt nghiệp, cháu sợ…”.

“À… ra thế”.

ong0408134-72b3e

Sau buổi gặp của mẹ nó với lão Bồng, ngày nào thằng Vinh cũng sang nhà lão Bồng để lão kèm cặp. Việc học hành của nó được uốn nắn vào nề nếp và tiến bộ trông thấy.

Gần trưa lão Bồng tới nơi, lão đứng ngoài cổng bấm chuông. Một lúc lâu con trai lão lẹp xẹp chạy ra.

“Con chào ba. Con đang bận xếp ít đồ”.

Con dâu và hai thằng cháu nội lão đã về quê lo đám từ hôm trước. Lão mệt mỏi ngả lưng lên chiếc sô pha giữa nhà. Con trai lão mang ra ly nước cam.

Ba nằm nghỉ chút đi, giờ con phải đi liền xuống phụ gia đình bên vợ lo đám luôn.

“Con cứ đi đi. Cho ba gửi lời xin lỗigia đình sui gia con nhé”

“Vâng. Thức ăn con mua sẵn để tủ lạnh, ba tự nấu ăn nha ba”.

Lão ngủ thiếp đi tới hơn giữa chiều mới tỉnh dậy. Lão cầm ly nước cam ực một hơi hết luôn, rồi lặng lẽ xuống bếp. Nhà con trai lão khá rộng. Lão thấy cồn cào trong bụng, chẳng biết vì đói hay tại lão lo cho đàn thỏ ở nhà nữa.

Tủ lạnh đầy ắp thức ăn, lại thêm cả mấy gói cháo ăn liền. Con trai lão giống lão ở cái tính chu đáo. Số thực phẩm này đủ cho mình lão dùng cả tháng trời không hết. 

Lão Bồng tự dưng thấy ngán ngẩm. Thật ra lão chả thèm thuồng mấy thứ thịt thà. Lấy gói cháo ra rồi chiêu đẫm nước sôi, lão mang lên phòng khách.   

Tường nhà có gắn tấm hình gia đình con trai chụp với lão cái Tết năm nào. Nhìn hai thằng cháu nội, lão gật gật đầu hài lòng lắm. Nếu cái điện thoại không reo lên thì lão còn đứng đó ngắm tấm hình không biết đến bao giờ.

bo-tranh-minh-hoa-gia-dinh-doart-7

“Alô”

“Con đây ba. Con đến nơi đã lâu, giờ mới gọi cho ba được”

“Dưới đó thế nào rồi?”. Lão hỏi.

“Dạ cũng ổn rồi,  ba ăn uống đầy đủ nha, thức ăn trong tủ lạnh đó. Nếu ba không hợp, ba ra quán trước cổng nhà mua đổi món nghe ba”.

“Ba biết rồi”.

“Con chào ba”.

Trời đã dịu nắng, lão bước ra sân. Cái sân rộng với vài chậu cảnh đặt hai bên viền. Lão thấy vui vui nghĩ đến thằng con độc nhất của mình thành đạt. Nhưng lão lại phiền não vì cuộc sống bộn bề, bận rộn của con. Nền sân được dán những viên sỏi nhỏ đủ màu sắc, nhìn lạ mắt.

Khoảng sân được chia thành những ô vuông tăm tắp. Chẳng biết làm gì, vậy là lão bắt đầu đếm, hai mươi ô vuông tất cả. 

“Không biết giờ này thằng Vinh cho đàn thỏ ăn chưa?”.

Thằng Vinh cẩn thận cài cửa rồi lững thững ra về. Mẹ nó hỏi.

“Hôm nay con làm gì bên cụ Bồng mà cả ngày ở đó?”.

“Dạ. Con cho thỏ ăn”.

ong0408138-72b3e

Nó vừa nói vừa đi về phòng. Chẳng có tâm trạng nào mà đọc sách hay ăn uống gì. Có lẽ tại cả ngày không được nói chuyện với lão Bồng, không được nghe lão đọc thơ, cũng không có ai để khoe bài thơ nó mới làm. 

Nó chìm vào giấc ngủ. Rặng tre phía sau nhà đu đưa kẽo kẹt. Dường như những cơn gió đồng nội làm xào xạc lũy tre đã trở thành lời ru đi theo nó suốt mấy năm nay.

Tiếng xe máy rú ga, tiếng còi inh ỏi của xe hơi, xen kẽ những tiếng la hét, làm lão Bồng thấp thỏm không tài nào ngủ được. Nhà con trai lão sát ngay mặt đường. Mấy lần trước lên thăm con, lão đã biết buổi tối xe cộ chạy ồn ào tới mức nào nhưng lão không ngờ bây giờ tiếng ồn lại khủng khiếp đến thế.

Không ngủ được, lão nghĩ lan man đủ chuyện. Lão thương vợ chồng con trai và mấy đứa cháu. Lão tự an ủi.

“Chắc chúng quen rồi”

Đồng hồ mới chỉ 4 giờ, lão Bồng đã dậy.

Lão ra sân, vặn vẹo một hồi. Sớm thế mà người qua lại đã tấp nập ngoài đường. Có mấy ông bà trạc tuổi lão lục tục gọi nhau đi tập thể dục. Lão nhớ cái công viên mà có lần con trai dẫn lão đến. Lão khóa cổng cẩn thận và bước hăm hở ra đường.

Trí nhớ lão rất tốt, chẳng mất công tìm lâu lão đã đến được công viên. Đám người này đi bộ, đám người kia chơi cầu lông, ai cũng có đoàn, có nhóm. Chỉ lão một thân, một mình. Với lão việc đi một mình cũng là bình thường. 

Từ khi con trai cưới vợ, lão vẫn lủi thủi cô độc như thế. Ở nơi phố phường nhộn nhịp, có lẽ người ta chỉ có được khoảng thảnh thơi hiếm hoi thế này, rồi lại tất bật trở về với cuộc sống, bộn bề lo toan thường nhật. Lão chợt buột miệng.

“Mình sướng chán”.

ong0408135-72b3e

 

Dạo mấy vòng quanh công viên, lão vừa đi vừa quan sát. Đang mỏi chân định tìm chỗ nghỉ thì đằng sau lão có tiếng làm quen.

“Chào ông, ông có biết chơi cờ không?”

Lão quay lại. Một ông cụ mang cặp kính to, vóc dáng khỏe mạnh đầy vẻ lão thực. Ông cụ chắc cũng trạc tuổi lão.

“Tôi biết chút ít”. Lão cười.

“Tốt quá, vậy tôi với bác làm vài ván đi”.

Giờ lão Bồng mới kịp nhìn kĩ. Ông cụ chân hình như bị đau, bước đi khập khiễng. Lão lên tiếng đầy ái ngại.

“Chân bác bị sao thế?”.

“À, tuần trước tôi về quê thăm con, gặp trời mưa đường trơn thế là trượt ngã.  May mà chỉ bị bong gân chút đỉnh thôi”

Lão Bồng ngạc nhiên. Ông cụ dường như hiểu được nỗi thắc mắc của lão Bồng.

“Chắc bác ngạc nhiên sao tôi ở đây, mà con tôi lại sống dưới quê chứ gì?

“Vâng, tôi thấy cũng lạ”.

“Con trai tôi tốt nghiệp Đại học nông nghiệp bác ạ”. Ông cụ nói một cách chậm rãi.

ong04081310-72b3e

“Ra thế”. Lão Bồng chăm chú.

“Rồi nó về vùng quê mua đất, mở mang trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nhờ trời chúng nó cũng khấm khá, bác ạ”.

“Thế thì tốt quá, mà sao bác lại…”. Lão Bồng thoáng chút ngập ngừng.

“Chắc bác định hỏi sao tôi không về quê ở với thằng con chứ gì?” Ông cụ lại cười.

Lão Bồng khe khẽ gật đầu.

“Chúng nó mấy lần thuyết phục tôi về quê, chứ ở đây có một thân một mình. Mà ở quê không khí lại trong lành, bây giờ mọi thứ ở đâu cũng sẵn”.

“Đúng rồi, dễ chịu lắm bác ạ” Lão Bồng xen vào.

“Tôi cũng muốn lắm chứ, có mỗi đứa con, nó vẫn chưa lập gia đình, nhưng khổ nỗi tôi đang giữ cái chân tổ trưởng tổ cựu chiến binh phường, anh em họ tin tưởng, bây giờ bỏ về quê thật không nỡ”.

“Tôi hiểu”. Lão Bồng ra chiều thông cảm.

“Với lại bạn bè tôi ở đây thân quen rồi, giờ về ở với con cứ thui thủi cũng chán lắm bác ạ. Thôi ta làm ván cờ đi”.

“Vâng. Nào, mời bác đi trước”.

ong0408136-72b3e

Mặt trời lên cao, công viên đã vãn người. Bóng hai ông cụ chơi cờ đã thu lại thành hai chấm tròn lặng phắc trên bãi cỏ xanh um.

Thằng Vinh được nghỉ học một tuần để ôn thi. Nó ôm sách vở qua nhà lão Bồng vừa học vừa chăm đàn thỏ. Nó quý và ơn lão Bồng lắm. Nhờ có lão mà năm đó nó vượt qua dễ dàng kì thi tốt nghiệp cấp 2, và là một trong 10 đứa đạt điểm cao nhất trường. 

Thật ra, nó học không đến nỗi nào nhưng tính nó chểnh mảng. Từ ngày ở bên lão Bồng, những câu chuyện về tuổi thơ của lão, về con trai lão đã giúp nó lấy lại niềm đam mê học hành. 

Nó với lão Bồng có điểm giống nhau là ham đọc sách, làm thơ và bình luận mấy bài văn, bài thơ, thích nhất là được nghe lão Bồng kể chuyện thời trai trẻ. Lão nói chuyện vui lắm, nhiều hôm thằng Vinh ôm bụng cười chảy cả nước mắt. Lão Bồng thật sự thành người ông che chở và nâng đỡ cho nó.

Trời đang nắng bỗng đổ mưa ầm ầm. Cả khoảng sân rộng trước nhà lênh láng nước. Ba ngày ở thành phố dài như vô tận, lão Bồng lòng như có lửa đốt. 

Lão chán cảnh đi ra đi vào trong cái nhà tù túng này quá. Giá giờ này ở nhà, lão đã ra vườn chăm mấy cây cam, cây quýt, hay ngồi bình thơ cho thằng Vinh nghe. Người như lão chẳng thể ngồi yên một chỗ. Con trai lão gọi điện bảo hai ngày nữa về, lão mừng như bắt được của giữa đường.

ong4

Trưa nắng chang chang. Thằng Vinh cho đàn thỏ ăn xong, ra vườn nằm đọc sách. Trong vòm cây rợp bóng râm, nó đung đưa cánh võng gai mà không nguôi nhớ đến lão Bồng.

Giấc ngủ đến với nó nhẹ nhàng khi ngọn gió lướt qua vườn. Nó mơ thấy mình được lên thành phố chơi với lão Bồng, mà thành phố là gì nó không biết. Nghĩ cũng tội, từ nhỏ tới giờ nó đã được đi đâu ra khỏi xóm nghèo này, được đi xa nhất là năm ngoái nó lên huyện thi mà thôi. 

Nó ngồi bệt bên gốc cam trĩu quả. Nó ước được lên thành phố một lần. Vào đầu năm học lớp 12, mẹ nó hứa sẽ cho nó học lên nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ được lên thành phố.

Trưa nay cả nhà con trai lão sẽ về. Lão Bồng dậy rất sớm. Lão thập thững bước ra cái quán gần nhà mua ít đồ ăn nấu một bữa thật ngon đãi hai thằng cháu nội. Chủ quán là một bà cụ, cái sạp nhỏ tuyềnh toàng mới sáng sớm ra đã rất đông người mua. Có mấy bà đang ngồi nói chuyện. Lão nghe hóng câu được, câu chăng.

“Mấy chị biết không, nước giếng quê tắm mát lắm, mà uống vào thì ngọt lịm à”.

Khi Mặt trời đứng bóng thì gia đình con lão về tới. Câu chuyện nước giếng quê lại ám ảnh lão. Cuộc sống của lão gắn bó với cái xóm nghèo ấy, chính là thiên đường. Đó cũng là lý do dù con trai, con dâu lão thuyết phục thế nào, dù lão rất yêu thương các cháu, mà vẫn quyết sống một mình dưới quê.

Có tiếng chuông cửa. Lão Bồng chạy vội ra. Hai đứa cháu lao vào lòng ông nội tưởng như đã xa cách lâu lắm rồi. Căn nhà đầy ắp tiếng trẻ làm lão Bồng phấn chấn hẳn lên.

Suốt từ sáng thằng Vinh cứ lúc lúc lại nhìn ra cổng ngóng lão Bồng. Tối qua lão điện cho mẹ nó nói sáng nay về. Nó sang nhà lão từ sáng tinh mơ, quét dọn sân vườn, cho đàn thỏ ăn no nê, thỉnh thoảng lại chạy vào nhà xem đồng hồ. 

ong2

Nó mong lão cũng phải. Mấy cuốn sách lão để lại nó đọc hết cả. Nó thèm lão về để có người nói chuyện. Không thể chờ lâu hơn nữa, thằng Vinh đóng cổng rồi đi ra bến xe. Vừa đi được một đoạn thì nó nhận ra bóng lão Bồng từ đằng xa, đang xách cả bọc đồ lớn. Thằng Vinh mừng quýnh cắm đầu vừa chạy vừa la to.

“Cụ Bồng! Cụ Bồng”.

Lão mang về cho nó cả một đống sách. Thằng Vinh mừng lắm, nó ôm khư khư bọc sách, khuôn mặt hồng lên rạng rỡ. Lão Bồng vui lây cái vui của nó.

“Ráng học, sau này viết sách cho ông đọc nhé”.Lão vừa cười vừa nhìn nó âu yếm

“Vâng ạ”. Thằng Vinh trả lời mà vẫn không rời mấy cuốn sách dày cồm cộp.

“Thôi để đó, xuống phụ ông nấu ăn. Hai ông cháu mình liên hoan một bữa, rồi ông sẽ kể chuyện thành phố cho mà nghe”.

Còn chiều nay nữa là kì thi tốt nghiệp năm cuối cấp kết thúc. Hai ngày nay thằng Vinh chúi đầu học như điên. Lão Bồng bị cảm đã mấy ngày nay, biết vậy nhưng nó chẳng qua thăm lão được. 

Mẹ nó nấu cháo rồi bảo nó mang qua cho lão. Lão Bồng nằm bẹp trên giường mà vẫn không quên lo lắng việc thi cử của nó. Mẹ nó cũng chẳng biết nó làm bài ra làm sao, vì sợ nó bị áp lực nên không dám hỏi. Môn thi cuối cũng là môn Văn. Đây là sở trường của thằng Vinh nên nó cảm thấy thật là thoải mái.

Thằng Vinh dắt xe ra cổng đã thấy mẹ đứng chờ.

“Làm bài được không con?”.

“Dạ được ạ”. Nó cười rất tươi.

ong1

Thằng Vinh xin phép mẹ rẽ vào nhà lão Bồng. Lão đã khỏe và đang ngồi nhâm nhi ấm trà trước hiên nhà.

“Ông đỡ sốt chưa ạ?”

“Cháu thi thế nào? Môn cuối cùng là môn Văn phải không?” Lão chẳng trả lời câu hỏi của thằng Vinh.

“Dạ tốt ạ. Đề bài là viết cảm nhận về tác phẩm “Mùa lạc”, mà lần trước ông bình cho cháu rồi đó”. Thằng Vinh phấn chấn ra mặt khoe với lão.

Lão Bồng vui lắm. Bọn con nít xóm này đứa nào cũng lễ phép với lão, nhưng chỉ có thằng Vinh là chịu ngồi nghe lão nói chuyện văn chương.

“Tốt, tốt lắm! Nghỉ vài ngày rồi sang đây ông cháu mình lại ôn thi Đại học”.

Thằng Vinh đăng ký thi khối C. Nó nói với lão Bồng muốn trở thành nhà báo. Lão rất ủng hộ nó. Khác với mấy đứa bạn cùng lớp nó đôn đáo tìm chỗ ôn thi, nó đã có lão Bồng. Gì chứ Văn, Sử, Địa Lão Bồng rất giỏi. 

Thằng Vinh chẳng phải chúi mũi vào học như vẹt. Ngày ngày, nó qua nhà lão Bồng để nghe lão kể về các mốc lịch sử quan trọng, hay những địa danh mà lão đã từng qua hoặc từng biết tới. Tối về nó xem thêm cách vẽ biểu đồ nữa là xong. Cách nói chuyện kèm lối giảng giải của lão Bồng làm thằng Vinh thích thú và tiếp thu rất nhanh.

Số điểm tốt nghiệp khá cao. Mẹ thằng Vinh mừng lắm, nhắc nó sang báo tin cho lão Bồng. Lão đang lúi húi vun mấy gốc cam, thằng Vinh gặp lão thì rơm rớm nước mắt.

“Ông ơi! Cháu đậu rồi, cháu cảm ơn ông”.

Lão Bồng lặng lẽ xoa đầu nó, rồi nói nhỏ.

“Cháu lớn thật rồi!”.

ong3

Tối nay thằng Vinh được mẹ cho sang ở với lão Bồng để mai lên thành phố làm thủ tục thi Đại học. Thằng Vinh cứ lăn qua lăn lại không ngủ được. Nó chưa khi nào xa cái xóm nhỏ này, xa những người thân yêu gần gũi hàng ngày lâu đến thế.

“Ngủ đi mai còn có sức mà đi chứ”.Lão Bồng hiểu tâm trạng của nó.

Thằng Vinh đã ngủ từ lâu nhưng lão Bồng vẫn thức. Lão mừng cho nó. Vậy là cái xóm nghèo này sẽ có thêm thằng Vinh vào Đại học. Tuy thằng Vinh chưa thi nhưng lão biết nó sẽ đạt kết quả tốt. Lão bỗng chạnh lòng, không biết rồi đây cuộc sống ở nơi phố thị phồn hoa có làm thằng Vinh thay đổi không.

© Nguyễn Quang Tuyến - blogradio.vn

Xem thêm: Không điều gì quý giá hơn hai tiếng “gia đình”

Nguyễn Quang Tuyến

Mê đọc và viết , nghe

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Ôm trọn một vòng tay

Ôm trọn một vòng tay

Chị cứ ngồi vậy mà ôm con trong lòng, chị nâng niu bàn tay đôi chân con, thăng bé đã mười mấy tuổi và con đã cao lớn hơn so với chị nghĩ. Vậy là cuối cùng ông trời cũng nghe được tiếng chị gọi ngày đêm, ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng chị mòn mỏi chờ mong con.

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Để chờ đón những ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời, hãy xem dự báo cuộc sống của 4 con giáp này có gì thay đổi bất ngờ.

Hãy để vũ trụ vận hành, việc của bạn là yêu bản thân mình mà thôi!

Hãy để vũ trụ vận hành, việc của bạn là yêu bản thân mình mà thôi!

Bình tĩnh! Chậm lại thật sâu rồi bản thân sẽ tự phát hiện ra những giá trị cốt lõi, những tài năng và điểm mạnh của mình để vun trồng, bồi đắp và tu dưỡng. Chính những giá trị ấy sẽ đưa chúng ta vào một chu kỳ tuần hoàn mới của cuộc sống

Lời hứa tháng mười (Phần 3)

Lời hứa tháng mười (Phần 3)

Về nhà cô đúng thực là một nàng công chúa, không nhà cao xe sang hay khoác lên người bộ váy lấp lánh. Nơi đây chỉ là một vùng quê với con đường nhỏ rợp hàng cây xanh, căn nhà cây được ba cô giữ gìn từ thời ông nội tới giờ. Nhưng nơi đây có những không khí yên bình và những người quý giá nhất đối với cô.

Tình ban đầu

Tình ban đầu

Nụ cười trong như ánh nắng ban mai Cho hồn em thơ thẩn buổi bình minh

back to top