Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những điều ba không nói

2021-08-22 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Trời nắng như đổ lửa, ba vẫn thức đêm chở lúa về nhà. Chẳng nói chẳng rằng, ba cứ lầm lũi và im lặng đi về như cái bóng. Mẹ bảo ba nghỉ cho đỡ mệt, còn một ít, để sáng mai làm nốt, nhưng ba bảo mẹ cứ nghỉ trước đi

***

“Tôi ghét ba”. Tôi không biết mình đã nói ra câu đó bao nhiêu lần, chỉ biết rằng, trong suy nghĩ của tôi khi ấy, ba luôn là một người đáng ghét, đáng sợ, đáng trách.

Ba mẹ tôi sinh được 4 người con. Đông con nên kinh tế gia đình khó khăn. Lúc nào, ba mẹ cũng phải bươn chải ngược xuôi, phải đầu tắt mặt tối. Đó cũng là ngọn nguồn của những xung đột, cãi vã, những bữa “cơm không lành canh không ngọt” giữa ba và mẹ vào những ngày mùa cực nhọc, nhất là mỗi khi chị em tôi đồng loạt xin đóng tiền học!

Chị em tôi sợ ba như sợ cọp. Thế nên đứa nào cũng mong ba đi làm suốt ngày suốt tháng. Bởi khi ba ở nhà là chị em tôi lại chẳng thể được tự do, thoải mái. Ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ 5 giờ sáng, khi nghe ba gọi một tiếng “Dậy đi!” là y như rằng mấy chị em tôi phải bật dậy, lao ra khỏi giường, không có thêm 1 giây nấn ná, chần chừ hay ngủ nướng, nếu không kiểu gì cũng bị ba càm ràm, quát tháo. Làm vệ sinh cá nhân chóng vánh xong, chị em tôi, mỗi đứa vào một việc. Đứa quét nhà quét sân, đứa rửa ấm chén (Dù ấm chén ngày nào cũng rửa, cũng lau chùi đến mức sạch trơn, láng bóng), đứa nấu cháo heo, đứa ra vườn hái rau phụ mẹ để kịp giờ ra chợ bán,…

Những hôm ba đi làm về, chỉ cần nghe tiếng hắng giọng hay tiếng lạch cạch của chiếc xe đạp cà tàng kêu từ đầu ngõ, thể nào, dù đang cãi nhau, đánh nhau hay đang chơi đùa, cười toang toác… tất cả chị em đều phải dừng lại tức thì. Mọi thứ trở nên im lặng, ngột ngạt đến nín thở. Mỗi đứa lại loay hoay tự tìm một việc gì đó để làm, chỉ để muốn nói với ba rằng, ở nhà mấy chị em vẫn ngoan, vẫn làm việc nhà!

Ba không chỉ đáng sợ trong mắt chị em tôi mà ngay cả cô, dì, chú, bác hai bên nội ngoại cũng ít đến nhà tôi chơi, hoặc nếu đến thì cũng chẳng ngồi lâu, bởi vẻ mặt ba lúc nào cũng cau có, lạnh lùng. Mấy đứa em nhà dì, nhà cậu hay bạn học, bạn trong xóm, trong làng của chị em tôi thì… chỉ cần nghe nói ba tôi đang ở nhà thôi là kiểu gì chúng cũng lắc đầu: “Thôi thôi… tao không đến đâu. Thấy ba mày sợ lắm!”.

“Tiền. Tiền. Lúc nào cũng tiền. Để cho tao thở đã… Đời thuở nhà ai, thằng còng cứ phải đi làm để nuôi thằng thẳng… Chúng mày một lũ vô công rồi nghề. Không học hành gì nữa. Học cũng chết cơm chết gạo mà thôi. Chả được cái tích sự gì đâu…”. “Mày… đi hết đi, tao đỡ phải lo, tao đỡ phải nghĩ…”. Cùng với những lời đay nghiến, chì chiết của ba là hành động giật tóc, những cú tát giáng trời, những câu chửi thề sống sượng, cộc lốc ba dành cho mẹ, cho chị em tôi. Ngày đi làm, đêm về, ba uống rượu, mượn rượu chửi bới, chửi chán lại lăn ra giữa nhà nằm ngủ. Sáng mai lại dậy, chửi đổng vài ba câu rồi lại đi làm. Cứ thế… chung quy lại cũng chỉ vì tiền, vì cảnh nhà khốn khó.

Chị hai đậu đại học, ba chẳng hề vui vẻ. Thời ấy, gia đình nào có con vào đại học là hãnh diện lắm. Vậy mà trong khi anh em họ hàng, làng xóm vui mừng cho chị hai thì ba lại chỉ ngồi uống trà, trầm ngâm trăn trở. Mẹ sợ ba chửi rồi lại “giận cá chém thớt” sang mấy chị em tôi, thành ra cũng chỉ biết im lặng. Còn mấy chị em tôi, thấy ba như vậy, cũng chỉ biết chọn gác xép, góc phòng, góc bếp hay đầu ngõ làm nơi “ẩn náu” trong im lặng, không dám ho he một lời.

Thế mà…

Ngày tiễn chị hai lên xe vào thành phố học đại học, ba dặn chị mỗi một câu “Vào đó lo học hành cho đàng hoàng!”, mặt ba vẫn lạnh tanh, không chút biểu cảm. Nhưng sau đó, tôi thấy ba lẳng lặng quay đi, lén nâng vạt áo lên lau vội khóe mắt. Mắt ba đỏ hoe, chẳng dám nhìn chị bước lên xe. Trên đường về, ba cứ thế im lặng. Nhìn ba, tôi vừa sợ lại vừa thương!

Hai năm sau, chị ba tôi cũng vào đại học, kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn. Ba tôi giao lại ruộng đồng cho mẹ rồi vào Nam xin làm bảo vệ cho công ty may mặc. Lương của ba đủ lo cho hai chị ăn học mỗi tháng. Mẹ tôi ở nhà với mấy sào lúa và hoa màu, thêm mớ rau, con gà trong vườn nhà đủ nuôi tôi và thằng út học cấp ba.

Thấy ba mẹ khổ quá, có lần, tôi đã mạnh dạn nói với ba: “Con không muốn học nữa. Con muốn đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi hai chị và thằng út học lên…”. Khi tôi vừa dứt lời thì ba quát: “Học được cứ học. Không cần đứa nào phải lo chuyện tiền bạc cả. Mọi thứ cứ để đó. Tao lo được”. Kể từ đó, tôi không dám hé răng chuyện nghỉ học, cũng không có suy nghĩ sẽ học cầm chừng hay đối phó. Phần vì tôi sợ ba, phần khác vì tôi giường như đã bắt đầu hiểu những điều ba không nói ra, những câu nói của ba, những công việc ba làm hàng ngày.

Ngày em trai út tôi thi đậu vào trường cấp ba với số điểm cao nhất trường, ba gọi điện cho nó rồi gằn giọng: “Học như thế cũng chưa nói lên điều gì cả đâu”. Thế nhưng sau đó hai ngày, ba mua gửi về nhà một chiếc xe đạp mới toanh, kèm với lời nhắn gửi: “Xe này mua cho mày đi học cấp ba. Đường xa cả chục cây số. Gắng mà giữ gìn cẩn thận”. Thằng em tôi mừng quýnh. Nó chưa kịp nói với ba câu cảm ơn thì ba đã cúp máy.

Chị hai tôi ra trường và xin được việc làm. Dịch Covid 19 bùng phát, ba không làm ở thành phố nữa mà về quê tìm công việc khác để làm. Vào vụ gặt. Trời nắng như đổ lửa, ba vẫn thức đêm chở lúa về nhà. Chẳng nói chẳng rằng, ba cứ lầm lũi và im lặng đi về như cái bóng. Mẹ bảo ba nghỉ cho đỡ mệt, còn một ít, để sáng mai làm nốt, nhưng ba bảo mẹ cứ nghỉ trước đi, còn ba thì “Gắng cho nó xong, mai đã hẹn chủ thầu đi phụ hồ cho nhà bác Lơ cuối làng”. Dứt tiếng, ba lại ra đồng. Mồ hôi đầm đìa lưng áo, tôi ngồi học bài cạnh cửa sổ, nghe cả tiếng bước chân nặng trịch, tiếng thở phì phò, mệt nhọc của ba, lòng tôi ngân lên niềm thương ba đến vô hạn.

Chiếc xe máy cà tàng của ba sáng nay tự nhiên trở chứng. Dù cố đạp thế nào, nó vẫn kiên quyết không nổ máy. 5 phút… 10 phút… 20 phút… rồi 30 phút… ba vẫn kiên trì và nhẫn nại. Mặt ba đỏ bừng, mồ hôi nhỏ thành giọt lăn dài xuống má, rớt xuống đám đất khô khốc dưới chân. Ba đưa tay lên quệt mồ hôi ngang trán. Chiếc xe máy thử thách ba đủ 30 phút, cuối cùng cũng chịu khuất phục. Quay lại phía tôi, ba bảo: “Ở nhà nhớ trở lúa đều đều. Chiều về, người ta đến cân. Mai là đến ngày gửi tiền học cho chị ba trong Sài Gòn rồi, và cả tiền học phí của thằng út nữa”. Tôi dạ thật khẽ, mắt vẫn nhìn ba chăm chăm. Chờ khi bóng ba trên chiếc xe máy cũ khuất dần phía hàng rào hoa sử quân tử đương mùa rộ hoa, tôi mới quay bước vào sân và bắt đầu công việc ba giao.

Đứng tần ngần giữa sân lúa vàng óng, tôi miên man nghĩ đến ba, nghĩ đến những việc ba làm, những điều ba nói, dẫu cộc lốc, khô khan; dẫu làm mẹ con tôi buồn và nhiều lúc thấy ghét ba, sợ ba, xa lánh ba,… Thế nhưng sau tất cả, bây giờ tôi đã hiểu, hiểu những điều ba không nói. Tôi nhận ra ba thật đáng trân trọng, thấy mình như có lỗi và muốn một lần lấy hết can đảm để nói với ba rằng: “Ba ơi, con thương ba rất nhiều!”.

© Xanh Nguyên - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Blog Radio 552: Kẽ hở của hạnh phúc

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Những con còng trên biển

Những con còng trên biển

Nhi nhìn chăm chăm vào bức tranh trước mặt. Sao lại có một sự trùng hợp đến vậy chứ, đây có phải là bức tranh mà Nhi rất thích và đặc biệt rất thích trong cả hai lần được xem ngoài con đường biển không?

Đóa hoa bên đường

Đóa hoa bên đường

Chợt, tôi bắt gặp một đóa hoa nhỏ bên lề đường. Đóa hoa ấy, mặc dù nở giữa bụi rậm và khô cằn, nhưng vẫn tỏa sáng với vẻ đẹp riêng của mình. Tôi ngừng bước, nhìn chăm chú vào đóa hoa và bắt đầu suy tư về ý nghĩa của nó.

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Tôi đã tự nhủ, dù cho có chuyện gì xảy ra, trước hết tôi phải giữ vững quan điểm cư xử phải phép, khiêm nhường, dùng sự bình tĩnh và tôn trọng để đối đãi với mọi người một cách thật thận trọng để rồi sau đó, tôi sẽ biết ai là người xứng đáng để tôi dụng tâm mà chân thành khoan dung.

Sắc hoa vàng trong nắng

Sắc hoa vàng trong nắng

Chưa bao giờ nó thật hạnh phúc như vậy, tết này sẽ là một cái tết mà nó sẽ ghi nhớ suốt đời, nó cảm nhận được tình thương của ba của mẹ của chị dành cho nó là to còn hơn cả bầu trời nữa.

Để có được hạnh phúc gia đình

Để có được hạnh phúc gia đình

Chúng ta có thể vì gia đình mà sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, gian nan ngoài kia chỉ mong sao khi về nhà cái chúng ta được nhìn thấy là những nụ cười hồn nhiên và ngây thơ của những đứa con bé bỏng của mình, và được nghe câu nói đầy ấm lòng: "Cha, mẹ đã về".

Hoa xoan ngày ấy

Hoa xoan ngày ấy

Ngày nhỏ trên lưng trâu Tôi ngửi mùi xoan đâu Cánh hoa phủ quanh đầu Một thời trong kí ức.

20 tuổi và những thay đổi

20 tuổi và những thay đổi

Thay đổi không phải là điều gì quá tồi tệ hay đáng sợ, miễn là mình hài lòng và tự tin với nó. Chúc cho những ai đang loay hoay trên hành trình trở thành người lớn giống mình mỗi ngày đều có lí do để tiếp tục tiến về phía trước.

Trăm năm bên nhau

Trăm năm bên nhau

Đôi mắt, tôi đang nhìn về phía trước và đang nhìn mọi người bằng chính đôi mắt trên trang giấy trắng của tôi ngay lúc này.

Niềm vui trọn tim anh

Niềm vui trọn tim anh

Ai cũng khen anh Cường, họ nói đúng là cha nào con nấy, là họ nói đến cái tâm của hai ba con anh Cường. Ba mất rồi giờ đến lượt con cũng mang hết tâm huyết và công sức để cuộc sống được sống thêm ý nghĩa và cuộc đời có thêm nhiều tình người rộng mở hơn.

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Có những khoảng thời gian, chỉ cần chạm nhẹ vào kí ức cũng khiến chúng vụn vỡ. Dù có cố lờ đi thế nào thì vết thương trong tim vẫn ở đó, cảm xúc hỗn loạn ấy khiến bản thân rơi xuống khe vực bóng tối.

back to top