Sự im lặng của người lớn
2021-06-07 01:20
Tác giả:
blogradio.vn – Phải cả tháng sau chị mới đi làm lại, cũng may là chị không phải trực tiếp tiếp xúc với khách, nếu không cứ thấy mắt chị đỏ hoe mà vẫn chẳng nói lời nào. Chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào, chỉ giống nhau là tất cả họ đều im lặng
***
Nghi đã trải qua và chứng kiến những sự việc mà cô không bao giờ quên được trong đời, nên lúc nào trong cô cũng vang lên câu hỏi, có phải lúc người ta đau đớn nhất, người ta thường im lặng.
Năm Nghi mười mấy tuổi
Đó là khoảng thời gian Nghi vừa kết thúc năm học cuối cùng của cấp 2, và cô phải xa một người bạn thân của mình, bạn cô tạm biệt mọi người để cùng gia đình qua Mỹ định cư. Nghi còn nhớ buổi tối hôm đó, hai đứa đứng bên nhau thật lâu trước cổng nhà bạn, Nghi không nói được lời nào, cứ mỗi lần Nghi vừa muốn nói gì đó là cứ bị nghẹn cứng nơi họng, còn bạn cô cũng chỉ nói rất ngắn
Chắc chắn Minh sẽ viết thư về, không biết bao giờ mình mới được gặp lại, nhưng Nghi phải hứa là sống thật vui vẻ
Nghi gật đầu cho bạn yên lòng, Nghi rất hiểu tuy Minh còn nhỏ tuổi nhưng suy nghĩ của bạn rất chin chắn, ai biết được chuyện gì sẽ đến trong ngày mai, cuộc sống vốn chẳng giản đơn mà. Lúc đó đã khuya rồi, mà hai đứa cứ đứng vậy, Minh không muốn vào nhà, còn Nghi không muốn về nhà. Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là Minh lên xe vào trong kia, rồi từ đó sẽ bay sang một đất nước xa xôi, nơi đó cả nhà Minh sẽ được đoàn tụ bên nhau.
Má Minh đi ra nhắc
“Nghi về đi con, Minh còn phải vào chuẩn bị một số việc nữa, cô sẽ rất nhớ con”
Nghi không nhìn Minh, dắt xe đạp quay người lại, Nghi sợ chỉ cần chạm ánh mắt Minh, chỉ cần nhìn gương mặt bạn mình, Nghi sẽ khóc to lên mất.
Hơn một tháng sau
Nghi nhận được thư Minh, lá thư dài nhất mà cho đến tận bây giờ, Nghi vẫn không quên được, vẫn chẳng có ai viết cho Nghi dài đến như vậy. Nhưng khi đọc xong lá thư, Nghi chới với, cô chỉ mong có bạn sát bên mình để được ôm bạn thật chặt, được chia sẻ nỗi đau của bạn.
Một năm trước ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ba và anh của Minh đã đi Mỹ, Minh không nói cho Nghi biết vì sao như vậy, nhưng kể từ đó gia đình Minh bị chia cắt hai nơi, bên kia bờ đại dương là ba và anh, còn bên này là má, chị gái và Minh.
Gia đình Minh vốn giàu có sẵn, rồi ba và anh của Minh còn gửi tiền về chu cấp nữa, nên cả nhà Minh sống rất thoải mái, chỉ có những nỗi nhớ cứ bao trùm lên họ, vợ nhớ chồng, con nhớ cha, em gái nhớ anh.
Đằng đẵng hơn mười năm, giấy tờ bảo lãnh cho ba mẹ con Minh mới xong, ai cũng mừng cho gia đình họ, vậy là cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười.
Mười năm, một khoảng thời gian dài hay ngắn hả mọi người, chỉ sau này khi Nghi đã lớn, đã trưởng thành, đã yêu, đã lập gia đình, Nghi mới thấu hiểu sự chờ đợi mỏi mòn của một người vợ khi có chồng ở xa là thế nào, khi người vợ một lòng một dạ ngày đêm dành hết nhớ thương cho chồng mình. Nghi đọc lá thư của bạn mà cảm nhận được nước mắt bạn đang rơi xuống, Minh nói khi đã bay qua bên kia, chỉ có anh của Minh ra đón mấy mẹ con, rồi đưa về nhà, má Minh thắc mắc sao không thấy ba con đâu, anh nói là ba bận.
Nhưng khi về đến nhà, thì ba Minh đang ở trong nhà, bên cạnh ba là một người phụ nữ. Cuộc trùng phùng sau hơn mười năm xa cách ngỡ như sẽ toàn niềm vui, nhưng không, đó mới là lúc sự thật được vỡ ra, má Minh không nói được lời nào, chắc má đã nghĩ khi gặp lại nhau ba sẽ ôm má mà hôn điên cuồng cho vơi hết nhớ mong.
Ba Minh nói
"Xem như tôi đã làm xong trách nhiệm với mẹ con em, nhà này là của em và các con, tôi sẽ đi. Tôi xin lỗi vì đã giấu em chuyện này, tôi quá thương cô ấy, chúng tôi đã thành vợ chồng mấy năm rồi, và còn vì những cô đơn nơi xứ người trong bao năm, cô ấy đã luôn bên cạnh chăm sóc hỗ trợ tôi trong mọi việc"
Má Minh chết lặng, vậy là những lá thư ba gửi về toàn là giả dối
Anh trai Minh không cất nên lời, anh cũng giấu luôn má chuyện này, anh sợ má không chịu nổi, nhưng anh đã lên tiếng
"Con đã nói thôi cứ để má và mấy em bên đó, đừng bảo lãnh sang nữa, nhưng ba không chịu, ba nói ba muốn má và mấy em có một cuộc sống đầy đủ đến cuối đời, không phải lo lắng gì hết, ba mới không cắn rứt trong lòng."
Má Minh không nói lời nào, nhưng má gật đầu
Còn chị Minh thì nói rất ngắn
"Ba đi đi, từ đây về sau, đừng liên lạc với má con tôi nữa"
Những ngày tiếp đó, má Minh nằm liệt trên giường, má không ăn gì nhưng uống rất nhiều nước, anh trai Minh thì rất bận công việc nên hai chị em thay nhau chăm sóc và canh chừng má.
Minh viết trong thư là điều làm Minh sợ nhất là má hoàn toàn im lặng, đến nỗi hai chị em cứ sợ má không nói được nữa, cứ cố làm gì đó để má phải nói lên, nhưng vì má không ăn nên đã bị kiệt sức. Cũng may anh trai Minh là bác sĩ, anh cho má chuyền thuốc tại nhà. Gần mười ngày sau, má nói câu đầu tiên
Mình quay về Việt Nam thôi
Nhưng chị gái Minh đã nói chắc nịch
"Không, lúc đầu con cũng nghĩ như má, nhưng bây giờ con quyết định ở lại. Cả nhà mình sẽ sống tại đây, sẽ vui vẻ bên nhau, anh hai sẽ lo cho má đi dạy lại, con sẽ tìm việc trong nay mai, còn út sẽ tiếp tục đi học"
Má Minh vốn là cô giáo tiểu học, nhưng cả nhà Minh ai cũng giỏi ngoại ngữ, nhất là chị gái Minh, chị nói tiếng Anh như nói tiếng Việt vậy, nên ngay sau đó, chị tìm được việc rất nhanh chóng.
Minh viết là má đã nói lại dù rất ít, đã đi lại trong ngôi nhà rộng thênh thang còn nhiều lạ lẫm, anh trai chưa cho má đi làm lại, anh bảo má cần nghỉ ngơi dưỡng sức một thời gian nữa, còn Minh chuẩn bị vào trường, anh đã sống bên này lâu nên hướng dẫn mọi chuyện cho cả nhà, Minh nói không gặp khó khăn gì về giao tiếp và cuộc sống, và Minh cũng không hề thấy ghét ba, thấy hận ba gì hết, Minh nghĩ chắc ba có nỗi khổ riêng, Minh chỉ quá thương má.
Má Minh gầy rộc trong im lặng, má không nhắc tới ba nữa
Còn ba cứ vậy mà đi luôn
Nghi nhớ câu cuối trong thư
“Nghi ơi, sao ba không ôm Minh một lần, dù sao Minh vẫn là con gái của ba mà”
Nghi gấp lá thư lại, ước gì có Minh ở đây để Nghi nhắc lại câu nói lúc hai đứa chia tay
Minh phải sống thật vui vẻ
…
Năm Nghi hai mươi mấy tuổi
Trước khi Nghi chuẩn bị lập gia đình, Nghi đã chứng kiến nỗi đau của một người anh
Vợ anh ngoại tình, anh tận mắt chứng kiến cảnh vợ phản bội anh
Vợ chồng anh là người quen và khá thân với ba má Nghi, nhà anh cách nhà ba má Nghi chỉ chừng vài chục mét, Nghi còn nhớ vợ anh hay nấu món chè hạt sen, vì cứ mỗi lần vậy, chị lại tự tay mang qua cho ba má Nghi một ly chè to.
Trong mắt tất cả mọi người, anh chị rất hạnh phúc với một bé trai khoảng chừng bốn tuổi.
Anh hết mực thương yêu và tin tưởng chị, chăm sóc hai mẹ con từng ly từng tí, ngoài giờ đi làm anh luôn dành hết thời gian cho vợ con gia đình, vợ anh chỉ ở nhà nội trợ chứ không đi làm.
Rồi công việc bận rộn hơn, anh phải thường xuyên đi công tác xa nhà
Chị ngoại tình với một người bạn của anh, ngay trong ngôi nhà của anh chị. Đó là lần anh hoàn thành công việc xong sớm trong chuyến công tác dài ngày, anh cứ nghĩ được về nhanh sẽ làm chị ngạc nhiên và vui mừng. Anh mở cửa bước vào và chết đứng.
Nhưng không có bất cứ một tiếng lớn nhỏ nào vang ra từ căn nhà, anh ngồi xuống ghế, còn chị và người đàn ông kia cuống cuồng.
Anh không la, không hét, không tra hỏi, không đánh mắng gì chị. Chiều hôm đó anh đi đón con về, ôm con, chăm sóc con và chơi với con, anh chỉ không nói với chị dù chỉ một lời.
Ba má Nghi biết chuyện, sang nhà anh xem sao, nhưng má nói chỉ thấy anh nằm nhìn trừng trừng lên trần nhà từ sáng đến chiều, lúc đó thằng bé đã đi học rồi, thấy ba má Nghi anh chỉ nói một câu
“Con muốn đốt cái giường này, chú thím ơi”
Ba má Nghi phải ở lại thật lâu, khuyên răn anh nhỏ nhẹ, nhưng sau một tuần gần như câm lặng trong đau đớn, anh quyết định ly hôn và dành quyền nuôi con.
…
Năm Nghi ba mươi mấy tuổi
Lúc đó Nghi làm ở bộ phận lễ tân của một khách sạn, một lần nữa Nghi chứng kiến một nỗi đau khác.
Chị lớn tuổi hơn Nghi nhiều, chị làm ở bộ phận buồng phòng, chỉ khác là chị làm giờ hành chính, còn Nghi lại làm theo ca.
Một buổi chiều đang trong giờ làm, Nghi nhận được điện thoại nhờ chuyển máy gấp qua bộ phận của chị. Đó là giọng một người đàn ông, nghe rất khẩn cấp và hoảng hốt
Nghi ấn nút chuyển
Rồi ngay sau đó cô thấy mọi người nháo nhào lên, mấy chị báo với Nghi là chồng chị ấy đang cấp cứu trong bệnh viện, anh bị điện giật khi đang trên cao và bị té xuống đất rất nặng.
Chị tổ trưởng phân công hai chị nữa đưa chị đến bệnh viện, nhưng đến nơi thì nghe nói mấy người bạn anh đã đưa anh về nhà.
Anh đi rồi, không thể cứu được
Hôm đó Nghi làm ca chiều, phải hơn mười giờ đêm mới xuống ca, cô muốn chạy đến nhà chị ngay nhưng chồng cô ngăn lại, anh nói tối rồi Nghi phải nghỉ ngơi vì sáng mai phải lên ca sớm. Chiều hôm sau xong việc Nghi đến
Chị ngồi bên cạnh chồng, tay chị nắm chặt tay anh, nghe nói đến tối mới đúng giờ liệm. Mọi người nói chị cứ ngồi vậy từ chiều qua đến giờ, cả đêm cũng vậy, em gái chị phải chạy vòng ngoài lo lắng mọi chuyện.
Nghi nhìn chị, cảm giác chị như đang hóa đá
Phải cả tháng sau chị mới đi làm lại, cũng may là chị không phải trực tiếp tiếp xúc với khách, nếu không cứ thấy mắt chị đỏ hoe mà vẫn chẳng nói lời nào.
Chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào, chỉ giống nhau là tất cả họ đều im lặng
Nghi nghiệm về những chuyện cô đã từng biết và kể lại với má cô
Má Nghi nghe xong cũng im lặng nhìn cô
…
Năm Nghi bốn mươi mấy tuổi
Cô không học được chữ ngờ
Đến lượt cô im lặng
Nghi bàng hoàng và sợ hãi khi xác định được chính xác đó là loại tình cảm gì, nên mỗi ngày cô luôn cố nén nó xuống thật sâu trong lòng
Cô không lo bị mọi người phát hiện ra, cô chỉ lo tự cô không vượt được lên chính cô
Nghi hiểu tất cả những gì người ta đối với cô, kể cả những chọc tức rất con nít, theo cô.
Nghi bao nhiêu tuổi rồi, cô còn có thể mộng mơ viễn tưởng được sao, đó là chưa nói Nghi vốn là người rất nghiêm túc trong chuyện tình cảm, trong các mối quan hệ.
Theo tháng ngày, cô mong được quên đi, luôn tự nhắc nhở mình đã có gia đình, đã có chồng con.
Nhưng Nghi biết rõ, đó không đơn giản là chuyện xao lòng, mà Nghi thì chỉ có thể im lặng.
Cô chỉ lặng lẽ gửi trọn vào cái lap.
© HẢI ANH - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Replay Blog Radio: Tôi viết nỗi đau lên cát - Phần 1
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hành trình trở về
Tôi nhớ về những ngày tháng ở quê, những bữa cơm gia đình đầm ấm, những buổi chiều ngồi bên bờ sông nghe tiếng sóng vỗ. Tôi nhận ra rằng mình đã đánh mất điều gì đó rất quan trọng. Tôi đã bỏ quên những giá trị tinh thần, bỏ quên gia đình và những niềm vui giản dị.
Đóa hoa hồng và những tờ vé số
Chiếc xe tôi rời khỏi ngôi nhà âm u, cũ kỹ sau khi tôi lặng lẽ nắm bàn tay người phụ nữ để chào tạm biệt, con bé ngồi phía sau xe tôi chẳng nói điều gì, dường như nó không có vẻ hồn nhiên như những đứa trẻ con cùng tuổi. Suốt đoạn đường, cả tôi và nó đều im lặng.
Chúng ta cứ bộn bề yêu…!
Khi tôi buồn, tôi thích lên cầu, bất cứ cầu nào cũng được. Và như vậy, sau mỗi buổi đi làm về, chỉ cần nhắn: "Anh ơi, em buồn" là 15 phút sau, anh có mặt.
Có những điều anh chưa kịp nói, em đã vội rời xa
Khi hoa nở giữa cánh đồng xanh, Liệu là lúc em có thuộc về anh? Khi mưa rơi giữa chiều hiu quạnh, Liệu là lúc em muốn rời bỏ anh?
Tình yêu - một câu chuyện không có kết thúc
Tôi đã học được rằng tình yêu không phải là một đích đến, mà là một hành trình liên tục, nơi chúng ta cùng nhau khám phá và trưởng thành.
Đơn phương một người có lẽ rất khó khăn
Bởi mỗi khi cô ngồi yên trong lớp vì thời gian nghỉ giữa tiết không nhiều, cứ mỗi lần nhìn vu vơ ra ngoài lại sẽ bắt gặp ánh mắt của cậu ta. Mặc dù ngay sau đó cậu ta đều đánh mắt đi chỗ khác, nhưng làm sao mà che dấu được sự thật.
Dù có đi đâu cũng sẽ quay về
Tôi đã đôi lần hỏi tại sao mẹ không từ bỏ tôi. Nhưng mẹ đều nói mọi người đã từ chối sự ra đời của tôi đến mẹ cũng vậy thì tôi sẽ ra sao. Thế nên, mẹ không đành lòng làm vậy.
Chờ người em thương
Hình như mùa thu lại về rồi phải không anh Em nghe ngoài kia gió vươn mình qua lối Nghe hoang hoải những chiều qua vội Nghe chạnh lòng nắng nhạt màu hanh hao.
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã
Bởi kì thực, trong mỗi bước đi của cuộc sống đều mang theo những khoảnh khắc ý nghĩa, đôi khi ta chạy quá nhanh để bắt kịp thành tựu, tiền tài, danh vọng để rồi bỏ lỡ nó.
Tương tư
Ơ kìa em sao nỡ để tình anh Chưa bước tới đã muôn phần lận đận Sao chỉ mới nhìn thôi em đã giận Và tiếng yêu thôi em chẳng nhận lời