Blog Việt
Vâng, quả thật là con muốn làm như thế. Từ khi về làm dâu của mẹ đến giờ con rất muốn đem khoe mẹ với mọi người, để ai cũng có thể chiêm ngưỡng sự may mắn của con, chiêm ngưỡng cái đẹp của mẹ.
“Lấy chồng”, cụm từ ấy đồng nghĩa với việc mình sẽ bước ra khỏi gia đình ruột thịt của mình để sống với chồng, đôi khi là sống với nhà chồng, một nhà mới có thể chẳng giống với nhà mình. Trong “nhà chồng” ấy có những thành viên rất gần gũi với chồng mình nhưng chưa chắc đã gần gũi với mình, và thành viên mà hầu hết các nàng dâu đều cảm thấy e dè, thiếu tự tin khi nghĩ đến, ấy là mẹ chồng.
“Mẹ chồng của con” ơi, (con gọi thế để phân biệt với mẹ ruột con) con đã cảm thấy mình thật sự may mắn khi được làm con dâu của mẹ, không phải bởi sự giàu có vì mẹ chẳng hề giàu có, cũng không phải vì tiếng tăm vì mẹ chẳng hề là người nổi tiếng. Con thấy mình may mắn vì mẹ có một tình yêu mãnh liệt đối với các con ruột của mình. Nghe thế chắc mẹ sẽ bảo trên đời này có ai lại không yêu con mình cơ chứ, nhưng điều đặc biệt ở mẹ và là điều làm con thán phục là cách mẹ thể hiện tình yêu mãnh liệt ấy bằng sự yêu thương và quan tâm chân thành đến “con người ta”(cách mẹ vẫn gọi các con dâu, con rể của mình). Vì mẹ quan niệm rằng đó là phương thức tốt nhất để củng cố, duy trì, bảo dưỡng tình yêu của “con người ta” đối với con của mẹ.
Tôn trọng tuyệt đối tự do cá nhân, lắng nghe và chia xẻ với tất cả mọi người, có phải vì vậy mà mẹ luôn là người được mọi người chọn lựa để làm nơi trút bầu tâm sự. Con đã rất ngạc nhiên khi thấy bạn của mẹ ở nhiều tuổi rất khác nhau, từ các bà tuổi 90, đến các cô tuổi 50, 60, và cả các chị tuổi 30,40, không những thế cả những đứa cháu tuổi dưới 20 cũng gọi mẹ để kể lể, than thở về những bức xúc trong cuộc sống của chúng. Chúng tìm được gì ở mẹ, một bà cụ 75 tuổi có 9 đưá con và 7 đưá cháu, chắc chắn không phải là sự đồng cảm của người cùng trang lứa, có lẽ cái chúng tìm được là sự cảm thông đầy tình thương yêu của mẹ, và chúng cảm thấy yên tâm hơn khi bên cạnh mình là một người luôn muốn cho hơn là nhận.
“Hãy học để biết cách yêu và tự chăm sóc bản thân mình, bởi chỉ khi mình lo được cho mình thì mới có thể lo được cho người khác”, mẹ đã dạy con như thế. Phải biết sắm sửa, phải biết trang điểm, phải biết sống độc lập, tìm cách làm cho mình luôn mới, như thế mới không thấy cuộc sống nhàm chán, và mới tạo được sức hấp dẫn đối với người khác. Con tự hỏi không biết có bao nhiêu bà mẹ chồng dạy dỗ con dâu như thế!
|
Ảnh minh hoạ: Bạn đọc (st) |
Vốn rất vụng về trong việc bếp núc, mẹ đã bảo con học được chữ thì sẽ học được hết những thứ khác, có việc làm, cuộc sống ổn định thì không có gì phải lo. Nhưng khả năng nấu nướng của con rất hạn chế, nên sau vài lần mẹ định hướng dẫn cho con thì cuối cùng mẹ đi đến kết luận” thôi, để đó mẹ làm cho gọn, còn không thôi để đó chị làm”, con được giao nhiệm vụ rửa rau và dọn bàn ghế.
Không câu nệ, không phân biệt đối xử, mẹ chỉ có một nguyên tắc sống duy nhất là cho đi tình yêu và sự quan tâm chân thành đến mọi người. Với mẹ thì “con người ta” cần được bênh vực và bảo vệ hơn con mình, vì “con người ta” vào nhà mình lạ nước, lạ cái, “con người ta” phải học để thích nghi với gia đình mới.
Chín người con trong đó tám người đã lập gia đình, Âu có, Việt có, Hoa có. Bất chấp sự khác biệt về văn hóa, về màu da, về ngôn ngữ, mẹ áp dụng duy nhất một phương thức giao tiếp là cho đi tình yêu, cho đi sự quan tâm chân thành với mục đích cụ thể là mong con mình được hạnh phúc. Nói ra thì có vẻ đơn giản, nhưng quan sát xung quanh con thấy chẳng mấy ai làm được điều ấy. “Nhân vô thập toàn”, ông bà ta đã nói thế, mẹ cũng không phải là thánh, và con của mẹ cũng như “con người ta” đều có những tật xấu này hoặc tật xấu khác. Con đã từng hỏi chồng con với giọng đầy bức xúc “anh này, sao em thấy anh Y, chi X làm thế mà coi được nhỉ, mà em cũng lấy làm lạ là sao mẹ anh không bực nhỉ, phải mẹ em thì thế nào bà cũng phải lên tiếng, mà ngay cả em cũng thế, em không chịu được thế đâu”, chồng con trả lời “sao em lại nghĩ là mẹ không bực, nhưng muốn con mình không khổ nên mẹ im lặng thôi”. Con nghe mà cảm thấy thán phục mẹ vô cùng, con cảm nhận được rằng sự vĩ đại của mẹ, sự tuyệt vời của mẹ chính là tình yêu mãnh liệt đối với các con mình, sự mãnh liệt ấy đã bao phủ tất cả các sự đố kỵ, sự khác biệt, sự hiềm khích vốn vẫn tồn tại trong cuộc sống, nó trở thành chất keo làm chặt các mối quan hệ, nó ngăn ngừa sự đổ vỡ, nó nuôi dưỡng tình yêu. Quả thật con rất ngưỡng mộ mẹ về tình yêu mãnh liệt này.
“Sao, mày thế nào? Cuộc sống hôn nhân thế nào?” Đấy là câu hỏi của bạn bè và người thân thường hỏi con. “Tuyệt vời, cuộc sống hôn nhân ngọt ngào, và đặc biệt là tao có một bà mẹ chồng trên cả tuyệt vơì”, đấy là câu trả lời của con mỗi khi được hỏi. Con trả lời mà trong long cảm thấy thật ấm áp và hạnh phúc.
Con muốn đem khoe mẹ với mọi người, vâng con muốn làm như thế thật, vì có mấy ai có được một bà mẹ chồng như của con. Nhưng khoe thế nào? Liệt kê những gì mẹ làm mỗi ngày ư? Hay kể lại những sự quan tâm của mẹ đối với mọi người mà con biết? Con không biết làm thế nào cả, con thấy bất lực trong mong muốn của mình.
|
Ảnh minh hoạ: Bạn đọc (st) |
Thời gian trôi, mẹ đã bước gần vào tuổi 80, còn chúng con thì đang dần qua tuổi trung niên, đàn cháu của mẹ cũng đã xuýt xoát chục đứa, nhưng nói thật là con không chắc các con mẹ cũng như “con người ta” (trong đó có cả con), liệu có ai có được tình yêu mãnh liệt đối với con mình để thể hiện được như mẹ không.
Năm mới sắp tới, con mạn phép viết bài này để đem khoe mẹ với mọi người, nhưng nếu mong ước của con không thành hiện thực thì mẹ cũng đừng buồn. Mẹ biết không con luôn nghĩ rằng nếu thật sự có một kiếp sau thì con vẫn muốn được làm con dâu của mẹ.
Xuân 2010,
Con của mẹ,
- Gửi từ email Nguyễn Ngọc – ngoc_2cuc