Mạch nguồn yêu thương
2011-02-09 17:18
Tác giả:
Blog Việt
Cua Đá
Lời tác giả: "Con người ta khác nhau nhiều lắm nhưng có lẽ nỗi đau khi phải lìa xa những yêu thương thì lại giống nhau…. Bởi đơn giản con người mà! Bạn đã bao giờ xa lìa yêu thương của mình chưa? Bạn đã cảm nhận nỗi đau mất mát những người thân xung quanh mình bao giờ chưa? Những dòng tâm sự trong bài viết là những dòng ký ức của tôi về người cha đáng kính, mong rằng sẽ cùng các bạn trở về với mạch nguồn yêu thương. Đó chính là gia đình của chúng ta,nơi ấy luôn đầy ắp tình yêu thương…"
Ngày mai thôi là căn nhà nhỏ - nơi vắng tiếng nói của bố bên mâm cơm mỗi buổi chiều muộn, nơi vắng tiếng những giọt mồ hôi của bố rơi trong đêm khuya của những ngày mùa vất vả, nơi vắng đôi mắt nghiêm nghị của bố khi chúng tôi không ngoan, nơi vắng giọt nước mắt của bố khi nhìn nó gục ngã bởi con đường công danh lận đận… những đứa con của bố sẽ trở về. Mâm cơm ấy vắng một người – đó chính là bố. Nơi ấy vắng bố đã hai năm rồi, kí ức buồn trôi đi theo vòng tuần hoàn vô thường, lạnh lùng của tạo hóa… Nhiều khi trở dậy giữa đêm khuya, nỗi đau trong lòng nó cũng thức dậy… Nó thèm nghe thấy giọng nói, một tiếng nói thôi của bố …
Từng trang kí ức lật lại như thước phim quay chậm, những câu chuyện về bố như từng mảnh ghép để nó xây ngôi nhà lung linh yêu thương, bình yên trước những cơn giông tố cuộc đời…
Nó là đứa con út trong gia đình nên được bố mẹ và anh chị cưng chiều nhất nhà, thỉnh thoảng chí chóe với chị, nó luôn được bố bênh dẫu sai è cổ ra:
- Em nó còn nhỏ con phải nhường em chứ .
Nó như cái bóng của bố, như bảo mối để bố khoe với mọi người, chả là từ nhỏ nó đã tỏ ra là đứa trẻ thông minh, lém lỉnh. Bố thường nói:
- Có các vàng tôi cũng không đổi nó đâu…
Những lúc bố đi ăn cỗ , nó lại mè nheo đòi theo sau . Bố cười và gật đầu , còn mẹ có nhắc để nó ở nhà nhưng bố cười xuề xòa :
- Nó còn bé, cho nó đi cho nó thích, ăn uống đáng bao nhiêu!
Nó thích cảm giác ngồi sau chiếc xe đạp thồ của bố. Nó thích nghe tiếng kút kít của chiếc xe đạp già nua vì hết dầu. Trên chiếc xe ấy, bố chở nó đi học khi trời mưa, bố chở nó đi lấy thuốc khi nó bị ốm, bố chở nó mua kẹo khi nó bị quai bị không ăn cơm mà nhất định đòi ăn kẹo.
Có lần nó sốt cao phải uống nước gừng sống. Chà cay không thể chịu được! Nó thét lên, òa khóc nức nở… Thế là bố cõng nó trên vai đi khắp xóm nhỏ, bố hát ru nó ngủ bằng những câu hát ngày xưa - bây giờ trong giấc ngủ của nó vẫn còn văng vẳng những câu hát ấy. Nó ngủ ngon lành trên vai bố lúc nào không hay. Bố cõng nó về nhà trên con đường đầy ánh trăng và những cơn gió mùa hè mát rượi.
Có lần bố mẹ đi làm đồng, dặn nó trông nhà rồi học bài. Nó vâng vâng dạ dạ . Cái Lan đến , lấp ló ngoài cửa :
- Mèo non ơi! Đi chơi không? Vui lắm!
- Đi đâu? Nhà tao không có ai ở nhà.
- Đi một lát thôi, đi hái sen, đào ngó sen ngoài đồng và xem mấy anh lớn đào chuột. Mày có đi không, nhanh lên, cái Mai và mấy đứa nữa đang đợi ngoài kia!
- Đợi tao đã…
Nó chần chừ một lát “Bố dặn ở nhà không được đi chơi, nhưng đi một lát thôi chắc sẽ về trước khi bố mẹ đi làm về thôi”.
Nó đội vội cái mũ rồi chân sáo đi theo cái Lan …
Ảnh minh họa: vi.sualize
Mấy đứa lội dọc bờ sông hái sen , những bông sen thơm ngát , chúm chím như mời nó hái …
- Nhanh lên! Các anh ấy đi đào chuột rồi!
- Ừ! Đây rồi , tao hái nốt bông này!
- Tao đi trước đây , lát mày chạy theo sau nhé!
- Ừ
Nó cố với tay ra hái lấy nụ sen kia…. Bỗng …Ùm… Nó chới với , nó không biết bơi, cố vẫy tay lên gọi nhưng cái Lan không nghe thấy. Hốt hoảng. Phải làm sao đây, nước mắt nó trào ra , nó cố tìm cái gì để bám nhưng càng cố gắng càng thấy mình như bị ai đó kéo chân xuống …
Những bông hoa sen trong tay trôi dần, nó thấy mình nặng quá, đuối sức dần… Rồi nó không còn nhớ gì nữa …. Mở mắt nó thấy mình đang nằm trên giường, quần áo đã được thay. Nó uể oải lim dim đôi mắt nhìn mọi thứ, nó bắt gặp đầu tiên chính là đôi mắt trũng sâu và lo lắng của bố. Nó thấy mình có lỗi vì đã không nghe lời bố. Nó sợ bố sẽ mắng sẽ đánh đòn, nó òa lên khóc. Giọng bố ấm áp và chắc nịch :
- Không sao rồi con gái ! Lần sao Mèo Non không được mải chơi như thế nữa nghe không?
Nó không nói được gì chỉ nấc lên rồi ôm chặt lấy bố, nó muốn nói to rằng: “Con đã rất sợ, con sẽ không thế nữa… Con xin lỗi bố…”
Cái Lan cùng mấy đứa nữa cúi mặt như nhận lỗi. Lan kể : sau khi đi xem đào chuột , vì mải xem nên chúng nó quên mất Mèo Non. Bỗng nhìn lên trên đường cái thấy mọi người đang xúm lại rất đông, chúng nó chạy lên thì ra nó đã bị ngã xuống nước, người đang bợt đi, mắt thì nhắm nghiền, bố tôi đi làm về ngang đó rửa chân tay và cái bừa rồi nhìn thấy cái mũ của nó nổi lên và nước sủi bọt một vùng, bố vội lao xuống sông vớt nó. Nếu không có bố cứu kịp thời chắc nó đã là mồi cho cá rồi. Sau khi nước trong miệng ộc ra, bố mang nó về nhà, thế là nó đã qua một cửa ải của tử thần và bố đã cõng nó qua ranh giới ấy. Tuổi thơ có bố với nước mắt và nụ cười… Tuổi thơ đôi khi ùa về trong làn gió cùng hương sen và nước của con sông quê mà có lúc nó tưởng mình đã ở đáy sông...
Bố nó cũng giống như bao người cha người mẹ khác luôn mong cho con cái được trưởng thành Cuộc sống bao giờ cũng có quy luật bất biến, đã sống thì phải ước mơ, đã làm thì phải có mục đích. Ở quê, cuộc sống của người dân vốn “đầu tắt, mặt tối” quanh năm nên ai cũng giàu ước mơ. Niềm khát vọng: có con thi đỗ đại học, thoát khỏi cảnh đồng ruộng, được làm ông này, bà nọ thật đẹp. Chỉ cần một cháu nào đó có tin báo đỗ đại học thôi thì ngay lập tức “tiếng lành đồn xa”, cả họ, cả làng ai cũng đến chia sẻ niềm vui. Cái nghĩa tình xóm làng mộc mạc là vậy! Nó cũng nằm trong diện ấy của làng. Nhưng với nó, trớ trêu thay trái đắng đã thế chỗ của niềm vui.
Nó bước vào ngưỡng cửa đại học mang theo hành trang đầy ắp hình ảnh của bố. Cuộc đời bố đã trăn trở, ước mơ mong sao những điều sung sướng nhất, hạnh phúc nhất đến với con cái. Là một người nông dân, quanh năm “bán mặt cho đát, bán lưng cho trời” nhưng tình yêu thương con của bố lại không sao kể hết. Bố là trụ cột trong gia đình. Bố gánh hết gánh nặng cho vợ, cho con. Trên con đường lầy lội dẫn vào ao cá, bố phải gồng mình thồ từng chuyến cỏ nặng. Dáng lầm lũi, chắc nịch của bố ẩn vào cơn mưa chiều tầm tã. Tấm áo xanh chín sáo bố mặc đẫm mồ hôi, đẫm nỗi nhọc nhằn của một người cả đời gắn với đồng đất quê hương. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bố làm đến nỗi dân làng gọi bố là “thần đồng lao động”. Tâm hồn bố cũng hiền lành, chất phác như hạt lúa, củ khoai mà bố làm ra. Bố thường nói với nó: “Đời bố khổ từ lúc bọc trứng, chịu bao tủi nhục. Nay bố sẽ không đánh các con một roi, chỉ mong các con cố gắng bảo nhau học hành để sau này ấm bản thân”.
Mỗi mùa thi đi qua, bố thấp thỏm lo âu, gieo hi vọng vào anh trai nó, rồi lại chị gái nó. Không hiểu sao như sự chớ trêu của tạo hóa cả anh và chị nó đều trượt. Bố buồn lắm. Bố vẫn kiên trì như một ông tướng dù thua trận vẫn chỉ huy quân quyết chiến. Cuối cùng hi vọng cả đời bố gửi gắm vào nó - đứa con út của cả nhà. Nó có cảm giác áp lực đặt lên đôi vai mình quá lớn. Nó sợ, sợ mình lại thi trượt như anh chị mình. Nó sợ phải nhìn vào đôi mắt buồn của bố. Nó thương bố nhưng cũng chỉ lặng thinh. Nó biết rằng “cách giữ lời hứa tốt nhất là không bao giờ nói ra” nhưng vẫn muốn thốt lên thật to: “Bố ơi, con sẽ cố gắng để thành công”.
Ảnh minh họa: vi.sualize
Con thuyền số phận bố vốn chòng chành trong bể khổ, nay bão táp bỗng dưng ập đến nhấn chìm nó một cách lạnh lùng đến tàn nhẫn. Bố mắc bệnh hiểm nghèo. Nó choáng váng không tin vào tai mình. Nước mắt và nỗi buồn cứ lăn dài càng khiến cho căn nhà nhỏ bé vốn lạnh lại càng tê buốt hơn. Hoang mang. Lo lắng. Phấp phỏng. Chuỗi ngày ấy nhấn chìm nó vào nỗi tuyệt vọng. Tất cả đã trở thành vô nghĩa lý. Lòng nó xáo trộn, không yên, càng đau hơn khi bố vẫn động viên nó phải tiếp tục đi trên con đường đã ước mơ. Giữa lúc trang sách, bài học còn mơ màng về thế giới “ngoài kia” và “trong này” của Hàn Mặc Tử. Giữa lúc cái chết nổi sóng, gầm thét:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra”
Nó rụng rời đến tê liệt khi biết bố sắp vĩnh biệt nó – đứa con bướng bỉnh . Nó muốn khóc thét lên, muốn giành giật sự sống cho bố từ tay thần chết. “Bố đã cứu con được một lần thì sao con không thể cứu bố chứ !?”Lòng quặn đau. Trái tim nó như vỡ thành trăm ngàn mảnh. Tất cả sụp đổ dưới chân nó .Nó nhìn bố hắt từng hơi thở, dặn dò những đứa con thơ dại của bố bằng đôi mắt đờ đẫn cùng những giọt nước mắt cuối cùng, làm sao, làm sao bây giờ, bố ơi đừng ngủ… Nỗi bất lực trào dâng trước thần chết. “Trời ơi! Sao bố không đợi ngày đón cổng cho con đi thi! Sao bố không đợi ngày con đem niềm vui về cho bố!...” Nghĩ đến bố, nó rụng rời chân tay. Ngọn lửa nhiệt huyết của bố vẫn còn đây, vẫn sưởi ấm cho nó , soi đường cho nó bước đi trên con đường nếm đầy nước mắt và cay đắng. Rồi, ngày vinh quang cũng đến với nó , thật bất ngờ. Nó muốn giành vòng nguyệt quế ấy cho bố . Mọi người chia vui sao nước mắt nó cứ nhòa đi…
Mùa đông đầu tiên nó đi học xa nhà. Cái tết đầu tiên nó không ăn tết cùng gia đình. Nỗi buồn co thắt trong lòng. Năm mới thì không thể khóc vì như vậy sẽ dông cả năm. Nó ước mình được nhận món quà đầu năm khi tỉnh giấc đón mùng một …
Có cái gì rủ xuống làm cho đôi mắt nó nặng trĩu. Nó thấy khó ngủ hơn mọi đêm. Đêm giao thừa nó đã được nghe giọng nói của tất cả những người thương yêu nó trừ một người, có lẽ là chẳng bao giờ nó được nghe, chẳng bao giờ. Trằn trọc. Thở dài. Quay trái. Quay phải. Còn chiêu cuối cùng … đếm cừu nào…1,2,3… Cuối cùng một khoảng tối và sâu hút lấy tầm nhìn của nó. Đen quá , không nhìn thấy gì nữa…
Có ánh sáng từ đâu hắt lại, nó dụi mắt …” Ồ!” Nơi này nó chưa đến bao giờ . Lấp loáng dưới ánh nắng mặt trời … Nó không tin , không dám tin vào mắt mình nữa …
- Bố! … Bố! …
Câu nói của nó đứt giữa chừng như có cái gì đó trào lên ứ lên ở cổ họng , khiến nó nghẹn lại . Nó chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nó cũng đâu có kịp nghĩ mình đang ở đâu , tại sao nó nhìn thấy bố … Nó chạy thật nhanh như sợ khoảnh khắc nó đã mong gần thế kỉ tan biến trong tích tắc. Bỗng vọng vào tai nó:
- Đừng!
Không , nó bất chấp , nó chạy như đuổi theo thần ánh sáng tới cái bóng kia:
- Đúng là bố thật rồi! Nỗi tức tưởi như người bị oan lâu ngày nay được giãi bày trào lên, dẫu vậy nó vẫn cảm thấy:
- Lạnh quá ! Sao bàn tay bố lạnh vậy?!
Nó rùng mình , từng tế bào trong cơ thể nó như bị đóng băng . Giọt nước mắt lăn khiến cái lạnh băng kia tan chảy. Nó cười trong nước mắt. Nó cứ liến thoắng , nhưng bố không nói gì. Bố chỉ nhìn nó. Bố mỉm cười xoa đầu nó nhưng đôi mắt thì ầng ậc nước. Nó bỗng giật mình , vẫn đôi mắt ấy trước khi bố rời xa nó mãi mãi. Nó gào lên :
- Không! Con không muốn nhìn thấy điều đó lần nữa đâu, bố ơi! Con muốn bố về nhà , về nhà đi bố ơi! Con nhớ bố lắm !
Nó thấy nhẹ bẫng người khi có bàn tay ai đó nhấc bổng lên. Nó nhìn ! Ồ cánh đồng làng ta, nó ngồi trên chiếc thau nghịch ngợm khi xem bố nhổ mạ; dòng sông sen mà bố thường hái bắp sen cho nó mỗi khi đi làm về; dòng sông đầy cỏ nùng nó đứng dồn cỏ cho bố ; con đường lội bố cõng nó qua; bụi tre già bố đứng đó với làn cơm mang cho nó khi nó còn ôn thi … Con đường làng, tiếng xe đạp cót két khi bố chở nó đi lấy thuốc mỗi lần nó ốm. Đầu cổng, bố đứng chờ nó khi nó giận dỗi rồi bặt sang nhà ngoại hay mỗi lần nó đi học vê muộn. Cái xà đơn này bố làm cho nó đu lên đu xuống cho dài người… Mắt nó nhòe đi … Nó níu tay bố thật chặt để ba không đi mất . Bố xoa đầu rồi lau nước mắt cho nó. Nó hiểu rằng bố sắp đi thật rồi.
- Con không muốn đâu, bố về nhà đi. Bố đừng đi nữa. Con không hay khóc nhè, không bướng bỉnh nữa , con đang học thật tốt. Bố bảo sau này ở với Mèo Non của bố mà.
Bỗng hụt hẫng! Bố nhìn nó với ánh mắt yêu thương như ngày nào. Bố buông tay nó ra. Bố đi. Bố đi thật rồi!!!
- Đừng! Bố ơi!
Đập mạnh tay xuống giường, nó tỉnh lại, người đẫm mồ hôi. Nó cố nhắm mắt để được nhìn thấy bố lần nữa. Còn gì vui hơn khi nối lại chiêm bao đứt quãng. Nhưng không thể nữa rồi. Bố đã đi thật rồi. Không còn ánh sáng mà chỉ là khoảng tối bao phủ, ngập đầy dần trong mắt nó.
- Bố ơi! Bố bảo ba xây gác cho con mà. Con sẽ ngắm ông trăng từ cái cửa sổ nhỏ. Bây giờ những viên gạch đã có rêu rồi sao bố vẫn chưa xây?
Có lẽ đầu năm nó đã khóc nhè nhưng nó cũng thầm cảm ơn thượng đế đã cho nó gặp bố. Có lẽ đó là món quà ý nghĩa nhất mà nó được nhận rồi…
Nó sẽ bước tiếp trên con đường bố đã cất công xây đắp. Dẫu biết rằng sức mạnh yêu thương từ hậu phương có giảm đi bởi “Còn cha gót đỏ như son. Một mai cha mất gót con lấm bùn”. Dẫu biết rằng con đường đời vẫn còn rất dài… Và trong mỗi giấc mơ, bố vẫn luôn trở về với nụ cười thật hiền hậu, chiếc áo vẫn rách vai… Nó hiểu rằng “người chết sẽ không bao giờ chết khi luôn sống trong trái tim người sống”
Nó ngồi dậy nhìn ra ngoài cửa sổ , cái cây trụi lá vẫn im lìm bởi những bông tuyết đang bám trên cành và ngủ ngon lành ., tha thẩn lục hành trang của mình. Chợt vang lên đâu đó trong đầu nó tiếng bố với bài kệ có lần đi chùa Yên Tử bố đã chép cho nó:
“Đi khắp thế gian\ Không ai tốt bằng mẹ\ Gánh nặng cuộc đời không ai tốt bằng cha\ Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ\ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha\ Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn\ Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con\ ai còn mẹ xin đừn làm mẹ khóc\ Đửng để buồn\ Lên mắt mẹ nghe không!”
Bài thơ như giọt sữa tâm hồn, như bóng cây cao nuôi nó lớn để ngày mai nó vững bước trên đường đời. Và bất kì lúc nào ngoảnh lại, nó cũng thấy ánh mắt bố đang dõi theo…
- Gửi từ email Cua Đá
Những tâm sự muốn sẻ chia, những bài viết cảm nhận về cuộc sống, những sáng tác thơ, truyện ngắn mời bạn cùng chia sẻ bài viết với Blog Việt bằng cách gửi đường link, file đính kèm về địa chỉ email blogviet@dalink.vn đồng gửi blogviet@vietnamnet.vn.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.
Đi qua sự phản bội
Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.