Chợ và những ký ức không phai
2020-09-24 01:20
Tác giả: Thu An
blogradio.vn - Chợ có thể không là một không gian có điều hòa, cũng có thể không đầy đủ các món hàng và được trang trí bày biện bắt mắt như siêu thị hay chợ online. Nhưng với tôi, chợ luôn là nơi mà tôi muốn đến nhất dù ở bất cứ đâu. Bởi chợ trong tôi luôn là những kí ức không phai về những nét đặc trưng của từng vùng và những giá trị tinh thần mà chỉ những người gắn bó mới cảm nhận được.
***
Tôi có thói quen đi chợ sớm vào những ngày cuối tuần hoặc đi bất kỳ đâu, tôi cũng thích đi chợ sớm.
Chợ là một nét truyền thống có văn hóa đặc trưng rất riêng có từ lâu đời của người Việt, dù thời hiện đại những siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ online đã chen chân nhưng với tôi chợ truyền thống vẫn không thể nào thay thế. Tôi thích đi chợ, không phải chỉ để mua đồ mà đôi khi để ngắm, để được trải nghiệm văn hóa vùng miền nơi tôi đặt chân đến.
Khi còn là sinh viên, tôi thuê trọ ở một căn nhà lọt thỏm giữa trung tâm thành phố, ở trong nhà đôi khi không biết trời buổi ngày hay đêm, mưa hay nắng, buổi sáng nếu không đi học tôi thường đi chợ ở ngay trong hẻm nhỏ.
Có lẽ cũng như bao chợ hẻm khác giữa lòng Sài Gòn, chợ bé xíu nhưng bán đầy đủ mọi thứ, người mua và người bán đều quen biết nhau, người ta đi chợ không chỉ để mua bán mà còn để gặp gỡ, hàn huyên dăm ba câu chuyện.
Chợ dù lớn, dù nhỏ lúc nào cũng có những hàng ăn vặt, quán nước để những người đi chợ có thể ngồi lại nghỉ chân, ở đó người ta có thể chia sẻ rất nhiều câu chuyện khác nhau, nhanh gọn nhưng cũng không kém phần cụ thể và đầy đủ nội dung.
Tôi có dịp được đi chợ phiên ở quê ngoại của tôi - một tỉnh miền núi phía Bắc, nó khá đặc biệt vì một tháng chỉ họp hai lần. Lúc đó, người ta sẽ mang tất cả sản vật mình có đem ra chợ để bán và mua lại những thứ mình cần mua. Tôi còn nhớ dì tôi, em tôi trước ngày đi họp chợ chuẩn bị và gói ghém cẩn thận từng quả trứng, từng nải chuối, rồi đợi trời sáng để mang lên chợ phiên.
Chợ đúng hơn là nơi gặp gỡ và giao lưu chứ không phải chỉ để mua bán, mọi người đều quen nhau và hầu như không ai nói giá cao món đồ mình bán.
Chợ có đầy đủ những gì chúng ta cần, người dân ở đó chỉ có thể mua vào đúng ngày họp chợ nên kết thúc phiên chợ ai cũng tay xách ra về với rất nhiều món đồ, nhiều khi còn nhiều hơn đồ đem ra chợ để bán.
Tôi còn được biết ở vùng cao Tây Bắc, do khó khăn đi lại nên người ta còn có cả những phiên chợ tình để trai gái giao lưu, gặp gỡ và kết duyên, rất tiếc là tôi chưa có dịp trải nghiệm.
Lần khác, tôi đi biển và ở gần một làng chài, tôi có thói quen dậy sớm nên được dịp đi chợ cá buổi sớm. Với một người dân miền núi như tôi, việc nhìn thấy những con mực mới từ ghe lên chớp mắt lấp lánh dưới ánh nắng quả là rất thích thú, những con cá, tôm tươi xanh óng ánh, chỉ cần nhìn là biết còn tươi rói.
Người dân miền biển hồn hậu và phóng khoáng, họ chỉ cho tôi tên những loại cá, cách chọn như thế nào để mua được đồ ngon và còn thêm luôn cả cách chế biến để có thể thưởng thức trọn vị tươi của hải sản.
Những ngày giáp Tết là dịp mà tôi thích đi chợ nhất, đi chỉ để cảm nhận không khí người ta chuẩn bị chào đón năm mới, chợ nào cũng nhộn nhịp, đông đúc và ngập tràn hàng hóa, đi chợ những ngày này tôi cảm nhận những cơn gió lạnh lùa vào lớp áo, nghe mùi Tết ngập tràn khắp không gian, lòng rộn ràng và nôn nao khó tả.
Tôi sống ở một vùng ngoại ô Sài Gòn nơi có rất nhiều sông và kênh rạch, tôi vẫn giữ thói quen đi chợ sớm. Có rất nhiều bạn bè đồng trang lứa của tôi không thích chợ, họ chỉ mua đồ ở siêu thị hoặc mua hàng onine vì họ sợ đồ ở chợ không có nguồn gốc, không đảm bảo an toàn, không đúng giá hay không đủ chất lượng.
Tôi thì nghĩ chợ cũng có cái hay, tôi có thể mua được những món quà quê mà đôi khi tìm chẳng siêu thị nào bán như những hột vịt chạy đồng, những con cá sông vừa được kéo lên tươi rói, những ngọn rau mới ngắt ngoài bờ dậu còn đọng sương.
Tôi có thể lắng nghe câu chuyện của chị bán rau ngậm ngùi xa nhà để nuôi con ăn học, anh bán thịt vất vả gà trống nuôi con, những câu chuyện như vậy, có lẽ nếu không đi chợ chẳng bao giờ tôi biết.
Trải khắp đất nước hình chữ S có không biết bao nhiêu loại chợ, từ chợ sớm, chợ chiều, chợ đêm,…bán đủ hết mọi thứ.
Chợ có thể không là một không gian có điều hòa, cũng có thể không đầy đủ các món hàng và được trang trí bày biện bắt mắt như siêu thị hay chợ online. Nhưng với tôi, chợ luôn là nơi mà tôi muốn đến nhất dù ở bất cứ đâu. Bởi chợ trong tôi luôn là những kí ức không phai về những nét đặc trưng của từng vùng và những giá trị tinh thần mà chỉ những người gắn bó mới cảm nhận được.
© Thu An - blogradio.vn
Xem thêm: Hạnh phúc sẽ chờ đợi bạn nơi cuối con đường
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Cảm ơn mẹ vì tất cả
Dù mẹ tôi có thể không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương tôi theo cách hoàn hảo nhất. Việc tôi có được tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời đều nhờ có mẹ.
Những kẻ mộng mơ
Anh đổ thừa cho cà phê làm anh mất ngủ, anh quy trách nhiệm cho thời tiết khó chịu khiến anh không thể chợp mắt nhưng thực lòng anh chỉ suy nghĩ về em, về những nguyên do hai ta không còn hợp, về những gì anh đã làm, đã sai.
Thanh xuân của tôi
Cảm giác nghẹn ngào dâng lên, khiến tất cả chúng tôi đều biết rằng, dù có trải qua bao nhiêu năm tháng, thì những ký ức này sẽ mãi in đậm trong trái tim.
Mây đợi ai nơi ấy
Không còn một Pha Lê áo thun trắng quần jin xanh đóng thùng hăm hở với bao nhiêu công việc xã hội, bây giờ chỉ còn một cô giáo Pha Lê dịu dàng nữ tính trong tà áo dài mỗi ngày đến lớp đến trường.
Giá như...
Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.
Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985
Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.
Crush
Bất cứ khi nào mà thấy chúng tôi đi cùng nhau là y như rằng đám bạn đó hú hét dữ dội. Nhưng chúng tôi không quan tâm, vẫn làm bạn với nhau như bình thường, nói chuyện và đi học chung. Tôi vẫn thế, chôn cất cái tình yêu ấy vào trong lòng, chờ đến khi chúng tôi 18 tuổi thì chúng tôi sẽ yêu nhau.
Người thầm lặng 20/10
Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.