Chị thương em nhiều lắm!
2015-12-17 01:00
Tác giả:
Gửi công chúa bé của tôi!
Ngày em còn ở trong bụng má, chị chỉ muốn em cứ ở trong đó mãi thôi, chẳng mong em ra đời tí nào. Một con nhóc lớp 2 lúc bấy giờ ích kỷ lắm luôn. Lúc đó chị sợ, sợ em chào đời lại chiếm mất hết tình cảm ba má bấy lâu nay dành cho chị.
Ngày em chào đời đương lúc ngày mùa, má ngày ngày mang bụng bầu đi làm, nào là cắt lúa, làm lúa cho người ta. Hôm nào cũng vậy, trời nắng mà má làm suốt, lúc đó thương má mà chẳng biết làm gì, mấy chị em nhỏ quá có phụ được cho má gì đâu. Sau một ngày đi làm về mệt nhọc, má cảm thấy trong người khó chịu, rồi đi bệnh viện. Lúc bấy giờ, chỉ mới hơn bảy tháng em phải chào đời trong tình trạng đã chết nửa người. Đến ngày thứ 3, bác sĩ bảo em không sống nổi, gia đình lo chuyện hậu sự. Lúc đó, ba má như nghẹn lại mà van xin bác sĩ cố gắng cứu đứa bé. Giá như lúc mang thai, má có điều kiện đi siêu âm thì có lẽ căn bệnh nhau tiền đạo đã được phát hiện và em đã không phải khổ sở đối mặt với cuộc đời như thế này.
Ngày em về nhà, mấy chị em chỉ biết đứng từ xa mà nhìn sang em, một cơ thể chút xíu, xanh xao, tái nhợt nằm thoi thóp trong mấy lớp khăn bông. Khi biết đó là con gái, chị mỉm cười và có thiện cảm với em hơn vì trước giờ cứ sợ nếu em là con trai thì chị sẽ bị ra rìa mất thôi. Nhưng chị cũng chẳng dám bế em một tí nào, chị sợ nhỡ tay làm rơi em thì chắc em đau lắm. Ba má dành dụm thuốc thang các loại để em có thể phát triển như bao đứa trẻ khác. Và ông trời đã không chối bỏ em, em vẫn phát triển bình thường, đến 6 tháng tuổi, nhìn em mà mấy ai biết em là đứa mà bị thần chết từ chối cơ chứ. Thế nhưng khi một tuổi em vẫn không thể đứng lên được, ba má nghĩ do em sinh non nên yếu hơn. Rồi 2 tuổi, trong khi những đứa bé bằng tuổi này đã chạy chập chững thì em vẫn thế, vẫn ngồi ì một chỗ. Sự lo lắng bắt đầu xuất hiện. ba má đưa em đi khám khắp mọi nới, bác sĩ kết luận “bại một phần não, dẫn đến rút gân”. Ba má như chết lặng, chỉ nhìn nhau mà nước mắt rơi. Chị lúc đó ngây thơ lắm cơ, lâu lâu cứ hỏi má sao em nó không chịu đi mà cứ ngồi một chỗ hoài, má chỉ im lặng mà dấu đi giọt nước mắt.
Tuy không đứng và đi như người ta nhưng lúc đó em nói chuyện ríu ra ríu rít như một con chim non, lúc đó chị hay dạy em học số, em cứ như một con vẹt vậy, chị đọc số điện thoại nào là nhớ hết luôn vậy đó. Đến 3 tuổi em mới chập chững đứng lên, và đi vài bước nhưng phải có người giữ. Năm 4 tuổi em đi phẫu thuật lần đầu tiên. Những tưởng lúc đó phẫu thuật xong em có thể đi bình thường như người ta nhưng kết quả cũng chẳng khả quan là mấy. Nhìn đôi bàn chân nhỏ bé, co quắp mà phải chịu chi chít vết khâu, cả nhà im lặng xót xa. Sau đó em trải qua 2 lần đại phẫu nữa, kết quả em đã đi được nhưng đi không giống một người bình thường.
Em còn nhớ những ngày đầu em đi học mẫu giáo không? Ngày đầu tiên đi học, em háo hức làm cả nhà cũng háo hức theo. Tan học, em hỏi tại sao em đi không giống như mấy bạn? Chị trả lời vì em là một người phi thường nên sẽ không giống như mấy bạn. Đi học được vài ngày thì em đòi nghỉ, cả nhà hỏi mãi em mới chịu nói là mấy bạn không ai chơi với em, bảo em là con què. Cả nhà nhìn nhau mà khóc. Em không giống người ta về đôi chân để bước nhưng em có một bộ óc giống bao người và em hãy làm cho bộ óc của em cũng trở nên khác biệt và vượt trội hơn số đông em nhé. Những ngày đi học tiếp theo, cả nhà biết em đã cố gắng rất rất nhiều, chỉ mới mấy tuổi đầu mà khả năng chịu đựng của em thật là ngưỡng mộ.
Người ta vẫn bảo, trong một gia đình phải có một người chịu thiệt thòi hơn những người khác, giống như là người gánh nạn cho cả nhà, và em là người như thế. Vì vậy cả nhà cố gắng để bù đắp sự thiệt thòi đó cho em, ai cũng yêu thương em. Em có nhớ những ngày nhỏ tại sao chị hay cố cõng em đi hết chỗ này đến chỗ khác không? Chị muốn em có thể thấy được nhiều thứ hơn. Mỗi lần để em tự đi là tim chị như thắt lại, chỉ có tự đi một đoạn là chân em lại chảy máu vì cọ xát xuống mặt đường nên chị muốn là đôi chân của em. Những ngày về ngoại, mọi người lên đồng thu bông, thu dưa, gặt lúa, bảo chị ở nhà với em, nhưng nhìn vẻ mặt háo hức của em khi chị nói về đồng ruộng, chị đã cõng em đi. Nửa tiếng đồng hồ trên lưng chị, em hỏi biết bao nhiêu là thứ, chị vui lắm em biết không, cảm giác như mang cả thế giới đến gần em hơn vậy đó.
Lớn lên, chị muốn em bắt đầu tự lập hơn, những lần em đòi cõng, chị từ chối dần, muốn em tự đi, không phải vì hết thương em mà muốn em trưởng thành, chị không thể là đôi chân của em như lúc bé được mãi. Chị muốn em vũng bước trong cuộc sống hơn. Nhưng mỗi tối nhìn hai ngón út nơi bàn chân em bị tróc từng mảng da thịt, rồi mòn đi, chị lại oán trách cuộc đời sao để em tôi phải gánh chịu như thế. Đi học em phải chịu sự trêu chọc của bạn bè, có nhiều bạn còn không dám tới gần em vì suy nghĩ em sẽ lây bệnh.
Giờ đây, em có vẻ đã kiên cường hơn, đối mặt với cuộc đời không còn khóc lóc như những ngày bé, chị mỉm cười khi nghe em nói với bạn: “Sinh ra ai cũng muốn mình bình thường, bạn cũng thế nhưng ông trời bắt bạn phải như thế này thì bạn phải chịu, đâu có thay đổi được”. Một cô bé lớp năm mới ngày nào còn khóc lóc hỏi tại sao ông trời bắt con như vậy giờ đã biết đối mặt với thực tế là niềm vui lớn của gia đình mình. Năm nào tổng kết em cũng được sướng danh lên bục nhận thưởng, em có biết chị và cả nhà tự hào về em như thế nào không hả út?
Chị nhớ cái ngày chị rớt nguyện vọng 1, chị buồn lắm, buồn vì giấc mơ trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho em không thành. Em có nhớ ngày bé, khi em nhìn những tờ giấy khen của chị, em bảo chị học giỏi như thế sau này sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho em, rồi em học giỏi cũng trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Em cứ ở nhà không chịu đi chơi như mọi ngày mà ngồi kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho chị nghe. Tối nào em cũng nói chị tư đừng có buồn nữa, chị không làm được bác sĩ chữa bệnh cho em thì em tự chữa bệnh cho em cũng được, không học được trường này thì mình học trường khác có gì đâu, biết đâu lại tốt hơn đó chứ. Ôi, bà cụ non của tôi đã giúp tôi vượt qua những ngày mang tên sốc đại học.
Ngày chị sắp lên đường nhập học, em rút ra một xấp tiền lẻ đưa cho chị. Chị biết đây là tiền má cho em ăn vặt mà em không ăn. Em bảo “Chị tư hay say xe là ói ra hết thôi, em cho chị tư đi xe mua cái gì mà ăn. Vô đó, chị ăn uống cho đều, đừng có thức khuya ăn vô rồi ói ra hết, mua sữa thêm vô chứ để đau dạ dày không ai chăm đâu á.” Nghe mà cười trong nước mắt vậy đó. Mà lần nào chị về em cũng để dành tiền cho chị đi xe. Nhớ mỗi lần chị đau là em gọi vô dặn đủ thứ, nào là uống thuốc, uống sữa, đừng thức khuya nhiều,…còn hỏi chỉ có tiền không em nhờ chị hai gửi vô cho chị mua sữa, dặn còn hơn cả má dặn chị nữa. Cuộc sống Sài Thành bao bon chen, lạ lẫm bỗng đơn giản và ấm áp hơn với chị khi nghe giọng của em đó út à.
Hôm trước chị gọi về, em tắt máy rồi gọi vô cho chị, bảo chị sinh viên mà, để em gọi lại vì em có tiền mà. Em kể đủ thứ chuyện, líu lo như chú chim non, rồi em kể chuyện em đi khám mắt, mắt trái em nay không thấy nữa rồi, đeo kính vô mà cũng không nhìn được gì luôn. Mới lớp 3 đã mang đôi kính loạn thị trên 5 đi-ốp rồi. Chân đã không đi được bình thường, giờ lại đến mắt không nhìn rõ. Ông Trời có bất công với em quá không. Em hỏi chị sao không nói gì, chị lấy cớ đang dạy mà cúp máy, vì chị sợ sẽ khóc thành tiếng mất. Chị thương em, thương đứa em gái bé bỏng mà tội nghiệp của chị lại phải gánh chịu nhiều gánh nặng cuộc đời. Chị sợ giấc mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho chính em sẽ bị dở dang, con đường đi của em sẽ chông chênh hơn nữa. Chị tự hứa với mình sẽ học thật tốt rồi kiếm thật nhiều tiền để chữa bệnh cho em. Để em có một cuộc sống đầy đủ nhất không thua thiệt với người ta.
Mấy đêm nay ngủ, chị cứ mơ về những ngày còn bé, chị cõng em trên lưng đi trong một cánh đồng đầy hoa và bướm như trong cổ tích, tiếng cười em giòn tan khi nhìn theo những cánh diều no gió. Giật mình tỉnh dậy chị chỉ mong em cứ bé mãi thế thôi, để chị cõng em trên lưng mà đi khắp nơi, nhiều lúc chị mong em không phải lớn để khỏi phải va vấp cuộc sống này. Nhưng con người phải có lớn mới biết mình trưởng thành tới đâu. Bà cụ non của chị cũng nằm trong quy luật tất yếu đó của cuộc sống. Chị mong em sẽ trưởng thành. Em không bước trên con đường bằng chính đôi chân của mình nhưng chị tin là bộ não của em sẽ có cách cho em. Cố lên nhé cô công chúa bé của tôi!
© Hoàng Ngọc Thu Hương – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.
Đi qua sự phản bội
Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.