Blog Radio 118: Đôi tình nhân mùa xuân
2011-04-16 16:54
Tác giả: Giọng đọc: Chit Xinh, Gà Quay
Các bạn thân mến, khoảnh khắc giao thừa chào một mùa xuân mới đầy niềm tin và hy vọng đang đến gần! Giờ phút này đây, những người con xa quê hẳn đã kịp về với gia đình đón một cái Tết sum vầy hạnh phúc. Nhưng có ai đang nghe Blog Radio phải đón Tết xa nhà không? Blog Radio dành tặng chương trình hôm nay gửi tặng các bạn những sắc hoa dệt nên mùa xuân quê hương. Những câu chuyện, những dòng cảm xúc về cánh đào phương Bắc và sắc mai vàng phương Nam không chỉ dừng lại ở sự cảm nhận mà còn là ký ức, kỷ niệm với những ai thật lâu chưa được ăn Tết quê nhà, làm dầy lên trong những người con đang cùng gia đình đón Tết những tình cảm yêu thương đặc biệt mỗi người chỉ tìm thấy trong ngày Tết cổ truyền.
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
1. Không thể không nhớ tới câu thơ cổ của thi sĩ thời Đường bởi không thể không ngây ngất khi ngắm cả một vừơn đào Nhật Tân trong ánh nắng những ngày giáp Tết đầu xuân Sài Gòn. Trời Sài Gòn những ngày này thật lạ,sáng mù sương se se, chiều xuống gió heo heo, đêm về không khí như được ướp đá mát lạnh, chỉ có chút nắng giữa trưa. Hình như Sài Gòn được chia cái rìa vươn dài xuống phương Nam từ những cơn gió mùa đông bắc rét đậm của Miền Bắc, hay là cái khí lạnh đã theo những cây hoa đào “hành phương Nam”, để giữ cho vẻ đẹp của đào không bị nắng Sài Gòn làm “rám” cánh đào. Những cây Bích Đào, cánh hoa tròn xinh, sắc thắm cứ rực lên lồ lộ quyến rũ, những cành Đào phai cánh mỏng trong suốt, nõn nà, ửng hồng, e ấp hoang ảo. Và trên đất Sài Gòn, giữa nắng gió phương Nam, đào Nhật Tân- Hà Nội như nàng tiên nữ đẹp phiêu dạt trong muôn hoa xuân phương Nam.
2. Có lẽ cành đào đầu tiên vào phương Nam là cành đào của làng hoa Ngọc Hà được Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ sau khi đánh tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long, vào ngày mùng 5 Tết, gửi vào Phú Xuân tặng Công chúa Ngọc Hân báo tin chiến thắng. Và kể từ mùa xuân đầu tiên đất nước Việt Nam thống nhất, Nam- Bắc sum họp một nhà tháng 4.1975, những cành đào Nhật Tân - Hà Nội đã xuôi đường thiên lý Bắc- Nam, qua sông, băng đèo, vượt núi , vào phương Nam góp sắc màu xuân “ánh hồng” tuyệt đẹp.Đào như một nhan sắc mong manh sương khói diễm lệ, như một vẻ đẹp vừa quyến rũ vừa hư ảo, khiến người ngắm hoa như lạc vào một cõi mơ mộng đắm say liêu trai.
Và có lẽ thế mà Đào lúc nào cũng được nâng niu, ưu tiên ở một góc đẹp nhất trong khu chợ hoa hay khu trưng bày cây cảnh trong công viên, có nhiều bóng cây che phủ không cho ánh nắng táp xuống, lại được bao bọc xung quanh nhiều cây nước đá phả hơi mát làm dịu cái nóng, để Đào như vẫn được tắm trong gió lạnh phương Bắc, mà yên tâm phô diễn sắc đẹp cho người Sài Gòn ngắm nhìn.
Người Sài Gòn cũng rất biết cách thưởng thức Đào, dù đã quen với hoa mai. Họ không khác với người Hà Nội gốc khi chọn cho mình những cây đào thế, với nhiều dáng vẻ rất đẹp: Long giáng, Phượng vũ, Bạt phong, Song thụ, Huynh đệ đồng khoa, Mẫu tử, Tráng sĩ tung hòanh, Trực xiên, Tam đa, Ngũ phúc, Độc hành, Túy ông, Thượng mã, Giai nhân… Còn đào cành, thì luôn chọn những cành đào có dáng thế tròn, cành nhỏ quấn quýt tụ hội, như một sự tròn đầy viên mãn, hay có dáng vươn cao như một sự phát đạt thăng tiến…còn hoa cũng là sự kén chọn khá tỉ mỉ. Nụ phải đầy mập mạp, có chấm hồng sẫm với bích đào,hay phớt hồng với đào phai, các nụ phải gần sát nhau, không cách xa rời rạc, nụ cũng phải có đủ 3 tầng, từ nụ già, nụ tơ đến nụ mầm để hoa nở liên tục trong 3 ngày Tết, và hoa không bị thưa thớt.
3. Nơi sảnh đón làm thủ tục nhập cảnh cho Việt Kiều về quê ăn Tết dân tộc ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngòai những trang trí đặc trưng của ngày Tết, lúc nào cũng có 2 cây mai vàng - đào bích đứng sóng đôi, tượng trưng cho Bắc - Nam thống nhất, sum họp một nhà. Cây đào bích có dáng thế của cánh chim đang bay,Việt Nam đang trong vận hội mới để phát triển và hội nhập, hoa nở rất đẹp. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người khi đi ngang qua đã cố dừng bước ngắm hoa với nhiều ánh mắt chứa đựng không chỉ là trầm trồ vẻ đẹp của hoa mà như ẩn dấu những kỷ niệm xa xưa đầy tâm trạng.Một thiếu phụ có tên Hoa Xuân, Việt Kiều Úc, đứng tần ngần, chùng chình bên cây hoa đào, ngượng ngịu khi được hỏi thăm: ”Hoa đẹp quá,đã lâu lắm tôi mới được thấy tận mắt một cây đào Hà Nội thật sự. Cách đây hơn 30 năm, tôi cũng đã một lần được thấy khi còn nhỏ, trong Hội Hoa xuân năm đầu tiên đất nước thống nhất, ở trước cửa Dinh Độc Lập.Vâng, bên Úc cũng có hoa đào, nhưng nhập của Nhật hay nước nào đó, không đẹp và không thân thuộc như đào Hà Nội”.
Một lần khác, tôi thấy có cụ bà trong chuyến bay từ Pháp về, cụ cũng đứng rất lâu bên cây hoa đào, nói gì đó một mình. Tôi lại gần, xem cụ có cần giúp đỡ, thì thấy cụ lúng túng nói bằng thứ ngôn ngữ rất lạ,tôi hỏi lại cụ bằng tiếng Việt, cụ lắc, hỏi tiếng Anh cụ cũng lắc, chuyển qua hỏi tiếng Pháp, cụ mới chậm rãi nói: ”Tôi người Việt, nhưng là dân tộc H’Mông, tên ngày bé của tôi là Mỉ, quê tôi xa lắm, trên miền núi cao ở Sapa, xa quê lâu lắm không còn nhớ gì hết, chỉ nhớ màu hoa đào khi xuân về, nhà tôi khi xưa trước cửa có trồng một cây đào, nó bằng tuổi tôi, không biết bây giờ còn không. Nhìn cây đào này, ký ức đang dần trở về trong tôi…”
Và không hiếm khi chứng kiến cảnh các em bé người Việt, chỉ trỏ hai cây hoa mai - đào, líu lo ngọng nghịu thứ tiếng Việt không dấu, và đến bên cây đào vuốt ve cánh hoa trìu mến, lạ lẫm trong sự thích thú. Không ít lần thấy những ông- bà già đứng lặng trước cây hoa đào, lén lau một giọt nước mắt, cả một thời thanh xuân của họ có lẽ ùa về cùng lúc khi nhìn thấy màu hoa đào của hòai niệm.
4. Không biết bắt đầu từ mùa xuân nào, sắc hồng của hoa đào Hà Nội đã có trong các trang trí xuân của Sài Gòn, đào luôn sánh vai bên mai vàng phương Nam như một đôi tình nhân mùa xuân không tách rời. Và cũng như một sự đón đợi bí ẩn của những người yêu hoa ở phương Nam, ai cũng háo hức chờ những cành đào đầu tiên vào Sài Gòn như chờ một người tình. Sắc hồng của hoa đào như một sự quyến rũ mê hoặc trong nắng phương Nam, làm cho những người dù tính cách có mạnh mẽ đến thế nào mà nhìn những nụ đào hàm tiếu, những cánh đào mềm mại, mong manh, hồng tươi, cũng dịu lòng.
Vườn hoa Tao Đàn, Hội Hoa xuân, đường hoa Nguyễn Huệ, các công viên lớn nhỏ trong thành phố …, đào Nhật Tân - Hà Nội như nàng tiên thướt tha, đẹp thanh thóat giữa muôn ngàn lòai khoe sắc vườn xuân, những dáng thế đào cổ thụ tạo một phong thái Thăng Long- Hà Nội ngàn năm, như mang cả thần thái thanh lịch, tinh tế, vẻ đẹp cổ xưa của kinh thành vào phưong Nam, cho người Sài Gòn như đắm như say. Và cả con đường hoa Nguyễn Huệ, như duyên dáng hơn trong sự điểm xuyết của những cây đào được mang một cách kỳ công từ Hà Nội vào. Những cây đào cổ kính mang vẻ đẹp như một câu chuyện thần thoại cổ tích xưa đứng trước những tòa nhà cao tầng lộng lẫy trên đường hoa như một sự tương phản thú vị, giống một sắp đặt nghệ thuật giữa mầu sắc và hình khối, giữa vẻ đẹp thần tiên của tự nhiên với sáng tạo của con người , tô điểm thêm sắc thái cho một xuân phương Nam nhiều phong vị hấp dẫn.
Nhiều công viên trong thành phố, cũng bị hấp lực của sắc hồng hoa đào, nên không còn lạ,khi chen vào màu vàng rực rỡ của hoa mai như làm nền, là những cây đào Hà Nội e lệ trong màu hồng, để những thiếu nữ Sài Gòn khi đứng bên hoa đã làm nhiều đôi mắt nam nhân ngẩn ngơ, hoa và người “nhân diện đào hoa tương ánh hồng”, một bức tranh mùa xuân thấm đẫm chất thơ.
5. Sài Gòn, phương Nam, đang vào Xuân, các con đường ngập hoa và sắc màu mùa Xuân. Trong cái gió nắng, trong hương xuân tràn trên phố, hoa đào Hà Nội không chỉ là làm đẹp sắc xuân phương Nam mà như một biểu tượng “ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” của người Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh, người phương Nam hướng về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
ảnh minh họa
Mai vàng phương Nam - Linh hoa mùa xuân
Thật lạ, dải đất cong cong hình chữ “S” nhỏ bé, thế mà ông Trời ban cho mùa xuân phương Bắc – phương Nam hai khí sắc khác nhau lạ lùng. Phương Bắc lạnh, ẩm ướt, sương – mưa giăng mắc. Phương Nam nắng ấm tràn trề như rắc vàng mật. Và hoa, cũng kì lạ, cùng một họ nhưng phương Bắc là sắc Đào hồng đỏ tuyệt mĩ, kiều diễm như má hồng môi son thiếu nữ, còn phương Nam – vàng rực cánh Mai, sang cả quí phái nhưng đầy phóng khoáng của miền nắng gió.
Cũng không hiểu từ khi nào và như thế nào mà những cây mai rừng đã “vượt thoát” khỏi các triền núi cao ngất lởm chởm đá, để rồi có mặt như một sứ giả mùa xuân ở khắp vùng châu thổ phương Nam, hay chính do những thần tiên theo ý Trời ban tặng cho miền đất này loài hoa tượng trưng cho mùa xuân nơi những khí chất đặc biệt không loài hoa nào có được.
Ở những lễ hội hoa, “Tứ hữu”: Mai – Lan – Cúc – Trúc luôn là tâm điểm, và Mai, bao giờ cũng đứng hàng đầu. Trong vườn xuân rực rỡ đủ các loài kỳ hoa dị thảo, hồng nhung kiêu sa lộng lẫy, mẫu đơn loan phụng sang trọng, thủy tiên nguyệt cầm thơm ngát… hoa Mai nổi bật lên với dáng vẻ cứng cáp của thân gốc, mạnh mẽ của những cành đâm ngang sổ dọc, dịu dàng mềm mại của những đường uốn cong, mảnh mai quí phái của cành hoa và màu vàng cứ rực lên trong nắng, hòa lẫn vào nắng, cho người ngắm hoa phải say, cái say ngấm từ từ như uống ly rượu ngọt.
ảnh minh họa
Hoa Mai không đẹp lồ lộ như các loài hoa khác, mà kín đáo phô diễn vẻ đẹp tiềm ẩn của mình, chỉ có con mắt nhìn, có tâm cảm được mới nhìn thấy vẻ đẹp đó. Từ dáng cây theo những thế tượng trưng: Long – Phụng – Phong – Vân – Sơn – Thủy…, dáng cành Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân, Bốn phương: Thượng – Hạ - Tả - Hữu, đến búp trên cây: búp tròn như hạt cườm là những chùm hoa vàng đang ẩn náu chờ đúng thời khắc bung nở, búp hình móng gà là nơi ẩn thân của những lá non xanh trong như ngọc. Khi hoa nở, lá chồi ra điểm xuyết cho màu vàng mai thêm quyến rũ. Và hương hoa, không phải ai cũng biết được mùi thơm của Mai vàng. Nó là một thứ hương gọi là “ám hương”, chỉ khi đêm xuống, tiết trời hơi se se, vạn vật ngủ yên, lúc ấy tâm người cũng phải tịnh không vọng động thì mới cảm nhận được hương thơm thanh khiết đầy bí ẩn lẩn quất, càng tịnh, hương thơm càng tỏa ra… Chính điều này cũng tạo nên cốt cách của Mai.
Có lẽ thế mà Mai đã song hành cùng nhiều nhà thơ xưa nay. Mai đã đi vào thơ Thiền sư Không Lộ thời Lý,… nhà sư Huyền Quang Tôn Giả, một trong ba vị Thiền Tố Trúc Lâm thời Trần, Mai có mặt trong thơ Thần của Nguyễn Trãi thời Lê, được Nguyễn Du, triều Nguyễn mượn để ví vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Rồi tới Tản Đà, Nguyễn Đình Chiểu, mãi như một tri âm tri kỉ trong thơ của mình. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt đầy gian khổ hy sinh , nhưng Mai trong vần thơ của Thanh Hải, Chế Lan Viên, Thanh Thảo… vẫn đằm thắm và chứa đựng bao tình yêu trong từng cánh mai. Người quân tử phương Đông cũng lấy Mai tượng trưng cho khí tiết của mình, như Chu Thần Cao Bá Quát với câu thơ để đời:
“Thập tái luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đề thứ bái hoa mai
Mười năm chu du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai”.
ảnh minh họa
Khi những cơn mưa mùa vừa chấm dứt, tiết trời heo may về đêm như ủ sương cho những gốc mai, cái nắng hanh như vuốt nhẹ thức tỉnh mầm lộc mai.. Và lúc những bầy chim én lũ lượt làm tổ báo hiệu Xuân đến Tết về. Tết ở phương Nam có hai đặc sản không có miền nào sánh được: Dưa hấu - Mai vàng. Không có mai thì không còn là Tết, hoa chỉ nở rộ trong 3 ngày Tết nhưng sắc vàng nắng theo suốt cả năm. Những ngày đầu xuân, mai từ các vườn cây đổ dồn về khu thị tứ, về phố chợ, những cây mai đặc kín nụ xanh tròn, loáng thoáng vài chiếc lá non xanh tơ, điểm xuyết vài nụ vàng chúm chím, tạo nên không khí Tết. Nhà giàu đem cả cây mai về nhà, nhà nghèo dù khó đến đâu cũng cố kiếm một nhành mai nhỏ bày trên bàn thờ tổ tiên ông bà. Mai không chỉ là hoa để trang trí cho sắc màu Tết, mà còn là biểu tượng Phúc – Lộc trong năm, mai như vị thần linh tiên đoán tương lai trong năm mới. Nếu mai nở hoa rộ trong ba ngày Tết, cánh hoa đều đặn, sắc vàng tươi là năm đó gia chủ phúc lộc mỹ mãn. Nếu hoa nụ héo, rụng, cánh hoa bé quăn, thì gia chủ sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả. Mai là buồn vui một năm mới… nên đối với Mai, không chỉ gượng nhẹ nâng niu “hứng hoa”, mà còn cả sự tôn kính ngầm như “linh hoa” của Xuân. Hết Tết, dù hoa đã rụng hết, không vứt bỏ cành mà giâm dưới đất để trồng thành một cây mai cho mùa Xuân tới.
23 đưa ông Táo, em đóng hộp kỹ lưỡng một cành mai nhỏ đầy nụ, gửi bảo đảm theo đường chuyển phát nhanh ra phương Bắc… Em gửi nắng phương Nam để những ngày xuân của anh thật ấm dù không em. Anh khi nhận được đã cẩn trọng cắm vào bình gốm xanh ngọc thật đẹp, lại đốt thêm một cây nến bên cạnh để hoa đỡ bị lạnh. Giao thừa, bên hai ly rượu đầy, anh nín thở nhìn những nụ mai động đậy tách vỏ xanh hé màu vàng mở rồi bung từng cánh một… nắng phương Nam, Xuân phương Nam đang ở bên anh thật gần… Anh tự cụng hai ly rượu mơ màng:
Cạn chén cùng anh người tình xa
Ấm ngọt môi mềm mộng bên hoa
Tình say thả hồn trong phiêu lãng
Mai vàng – Em – Xuân – đến mọi nhà…
Blog Radio chuyển thể từ bài viết gửi từ email Hoài Hương
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.