Bản làng '8 không' giữa Tây Nguyên hùng vĩ
2020-11-14 01:25
Tác giả: Khánh An ( Hồng Minh)
blogradio.vn - Thăm bản làng “8 không” giữa Tây Nguyên hùng vĩ, tôi đã nhận ra mình thật may mắn và hạnh phúc. Chuyến đi đã giúp tầm mắt và trái tim mở rộng hơn để tôi thấy mình đã trưởng thành, thêm yêu người và yêu đời hơn nữa.
***
Chẳng biết tự bao giờ, Tây Nguyên lại trở nên đặc biệt như thế trong trái tim người lữ khách để mỗi khi muốn tìm kiếm một khoảng trời hoang dại, tôi lại tìm về mảnh đất miền cao ấy để hòa mình vào hơi thở của đại ngàn hùng vĩ.
Chuyến đi mới đây của tôi, khi trời thu phảng phất trên những khúc quanh co của con đường đèo quen thuộc lại không chỉ đơn thuần là tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc Tây Nguyên.
Tôi đã chọn Đắk Glong, một huyện xa xôi của tỉnh Đắk Nông làm điểm dừng chân sau những tháng ngày rong ruổi muôn nơi để đến thăm bản làng "8 không" mà mình đã từng đọc được thông tin trên báo.
Hơn 20 năm nay, những ngôi làng ở đây vẫn chưa có tên mà chỉ được gọi tạm bằng các con số, mỗi một bản là một cụm dân cư, cụm số 8, 9, 10, 12 nhưng không có cụm số 11. Tất cả đều nằm trong địa giới của xã Đắk R’Măng heo hút .Nơi này cứ như một thế giới bị lãng quên giữa đại ngàn hùng vĩ.
Thời đại ngày nay là thời đại 4.0 với công nghệ và khoa học phát triển từng ngày, từng giờ, vậy mà nơi đây lại vẫn chỉ là những con số 0 to tướng, không tên gọi, không điện thắp sáng, không nước sạch để sử dụng, không sóng điện thoại, không trạm y tế, không đường đi, không hộ khẩu và không khai sinh.
Đắk Glong đón tôi và đoàn thiện nguyện của Color Việt Nam trong một sáng sương giăng ngập lối, để mọi người nhìn thấy rừng núi Đắk Nông hiền hòa đang ẩn ẩn hiện hiện giữa chập chùng đồi núi mộng mơ.
Khi ánh nắng ban mai của ngày soi rọi, lúc chúng tôi đến Đắk R’Măng để lên đường vào bản "8 không", một khung trời khác lại được dựng lên. Qua một quả đồi được xẻ đôi để tạo lối đi, hiện ra con đường rừng độc đạo lầy lội ven sườn núi quanh co, quanh co như không có điểm dừng với một khoảng không mênh mông, thênh thang cây lá trên những sườn đồi cằn cỗi.
Theo lời của anh lái xe công nông ra đón đoàn thì đường này do người dân tự mở, chạy men theo các quả đồi để dẫn vào cụm dân cư nằm sâu hun hút bên trong cánh rừng.
Nơi đây vốn rộng rãi lại càng trở nên bao la hơn nhiều lần trong tầm mắt vì chẳng có một cây cột điện cao cao hay những đường dây điện chằng chịt quen thuộc.
Không gian hoàn toàn trải dài ngút tầm mắt, xa xa cũng chẳng thấy thấp thoáng một mái nhà. Cuộc sống hiện đại, tiện nghi của thời 4.0 sôi động, phù hoa ngoài kia đã hoàn toàn biến đi đâu mất, chỉ còn lại thiên nhiên hoang sơ và nguyên thủy trước mắt tôi và mọi người.
Không có phương tiện di chuyển cho cả đoàn vì con đường mòn đã bị lầy lội nghiêm trọng sau những trận mưa đêm hôm trước, ngoài việc sử dụng xe công nông thì cách di chuyển duy nhất lúc này chỉ còn là đi bộ.
Sau khi đã bỏ tất cả đồ đạc lên chiếc xe công nông chuyên dụng của bản ra đón đoàn thiện nguyện Color Việt Nam, chúng tôi đã cùng nhau cuốc bộ, băng rừng, vượt qua hơn 4km đường núi cheo leo để vào bản.
Những đôi giày dép đẹp đẽ được để lại hết ngoài xe, thay vào đó là dép tổ ong hay giày leo núi, những thứ duy nhất có thể giúp chúng tôi có được độ bám tốt khi di chuyển trên đường. Và không ai quên tìm cho mình một “chiếc gậy Trường Sơn” trước khi bắt đầu chuyến hành trình.
Nhìn mặt đường lầy lội, trong phút giây có chút e ngại với những đôi chân vốn chỉ quen đường phố Sài Gòn nhưng rồi tất cả nhanh chóng xắn cao quần áo và bắt đầu đi trên nền đất bazan đỏ quạch đặc trưng của cao nguyên.
Và theo những bước chân, một thế giới hoàn toàn khác với cuộc sống từ trước đến nay của chúng tôi cũng từ từ hiện ra theo sự thay đổi của khung cảnh trước mặt, mênh mông là núi, bao la là cây, đây đó chỉ lấp ló vài mái nhà nhỏ bé – dấu ấn về hơi ấm con người giữa đại ngàn Tây Nguyên xanh thăm thẳm.
Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ dọc đường đi đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng về vẻ đẹp của tự nhiên, và không thể không thốt ra những tiếng “Ồ”, “À” đầy cảm xúc.
Thế nhưng điều đó cũng không thể làm vơi đi được sự ngậm ngùi của mọi người khi nhìn thấy những ngôi nhà gỗ tạm bợ, trống huơ trống hoắc, tồi tàn của cư dân bản làng xóm núi và những đứa trẻ ốm o nheo nhóc ngơ ngác nhìn theo bước đi của đoàn thiện nguyện.
Trong những đôi mắt ấy, tôi như đọc được sự thơ ngây tuổi nhỏ cùng rất nhiều những ngỡ ngàng, lạ lẫm khi thấy có người lạ đi ngang. Có lẽ đây là lần đầu các em được nhìn thấy những đoàn người mặc quần áo đẹp đẽ, đội nón mũ đầy đủ và luôn tay cầm máy chụp ảnh như thế.
Hơn một giờ đi bộ dưới cái nắng hầm hập, đi vòng vèo hết không biết bao nhiêu sườn núi, quần áo đã lấm lem, đôi dép tổ ong cũng đã nặng trịch vì đất đỏ bám, cuối cùng tôi và đoàn thiện nguyện đã đến trung tâm của bản.
Nơi đây có một trường học nhỏ mới được xây dựng, chỗ duy nhất chắc chắn và rộng rãi đủ để tập kết đồ đạc cũng như có thể tập trung bà con để nhận quà.
Trưởng bản đã đợi sẵn bên xe công nông chở đồ đạc để đón chúng tôi. Anh cười hớn hở, nói tiếng Kinh bằng cái giọng lơ lớ và vồn vã bắt tay từng người, rồi vội vã nhờ vài thanh niên trong bản mang nước đến cho đoàn rửa tay chân, mặt mũi. Cảm giác thật nồng ấm và chân tình.
Trưởng bản cho chúng tôi biết ở đây chủ yếu là người Mông di cư từ miền Bắc vào. Thu nhập ở đây rất thấp, chủ yếu từ nông nghiệp và bán lại măng, lúa, khoai mì... cho con buôn ở đó (chủ yếu là người Kinh) với một cái giá rất rẻ.
Cuộc sống người dân cơ cực, người lớn thì khỏe sức, chịu đựng quen, khổ nhất vẫn là trẻ em. Những đứa trẻ lần lượt được sinh ra ở đây, nhưng đa số chưa một lần được tới trường.
Nhiều nhà người lớn đi làm biền biệt, trẻ em ăn mặc đói khát, đúng kiểu "đầu đội trời, chân đạp đất". Những bữa cơm chỉ có cơm trắng, mì kí đựng trong bịch nilon, chẳng hề có cá thịt.
Số lượng trẻ em trong bản rất nhiều, hầu như nhà nào cũng có từ 5 - 7 đứa con nhỏ. Nơi này xa xôi, ánh sáng văn hóa chưa rọi đến nên những kiến thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình cũng hoàn toàn mờ mịt.
Con trai, con gái lớn lên, chỉ 15, 16 tuổi là đã có gia đình và cũng đã có ít nhất 1 - 2 đứa con. Chúng đều nhút nhát sợ sệt, thậm chí không dám tiếp xúc với người lạ.
Gần 20 năm vào Tây Nguyên, người dân tộc Mông ở đây vẫn tự trồng rau để ăn, lấy nước suối để uống và tắm giặt. Thậm chí khi có bệnh thì họ tự chữa bằng lá rừng.
Khi những món quà được chúng tôi trao đến cho người dân nơi đây, những người đã đến theo sự tập hợp của trưởng làng, một niềm vui chân thành và lấp lánh sáng ngời trong từng ánh mắt thô mộc của họ.
Chỉ là những tấm quần áo cũ, những hộp sữa và dăm cái bánh kẹo, vài món đồ chơi, đôi dép nhựa giản dị nhưng họ mỉm cười thật tươi với cái nhìn háo hức và thật lòng.
Có cụ già cứ nắm mãi tay tôi, tay run run, rưng rưng nước mắt khi tôi đưa tặng cụ và đứa cháu nhỏ cụ địu trên lưng hai gói quà và mấy bọc sữa. Trong tiếng xào xạc của lá rừng trong gió, họ đã hát cho chúng tôi nghe những bài hát thật hay của dân tộc mình, những cô bé xinh xắn cầm dù múa cho chúng tôi xem những điệu múa nhịp nhàng.
Trong thoáng chốc, ngày đoàn thiện nguyện đến đã đã trở thành một ngày hội thật vui của cư dân bản “8 không”.
Bất giác tôi đã khóc, nhìn xung quanh thấy mắt ai cũng đỏ hoe. “Có những thứ với mình không là gì nhưng với người khác là cả một giấc mơ”, chưa lúc nào tôi thấm thía câu nói ấy đến như vậy.
Thăm bản làng “8 không” giữa Tây Nguyên hùng vĩ, tôi đã nhận ra mình thật may mắn và hạnh phúc. Chuyến đi đã giúp tầm mắt và trái tim mở rộng hơn để tôi thấy mình đã trưởng thành, thêm yêu người và yêu đời hơn nữa.
© Khánh An ( Hồng Minh) - blogradio.vn
Xem thêm:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu