Phát thanh xúc cảm của bạn !

Bà tôi

2023-08-16 02:35

Tác giả: Quy Nguyễn Văn


blogradio.vn - Bà ra đi trong sự yêu thương của gia đình, dòng họ và hàng xóm xung quanh, người ta đi đám rất động khiến tôi ngậm ngùi nhưng cũng tự hào và hạnh phúc. Sự mất mát lớn lao ấy càng làm cho tôi tỉnh ngộ, trân trọng những giây phút bên gia đình và những người thân yêu khi còn bên cạnh. Chúng ta không thể thay đổi quy luật của tạo hóa nhưng mỗi người có thể sống trọn vẹn với tình thương để không phải hối hận hay luyến tiếc.

***

Tôi từng nghe đâu đó rằng cuộc sống vốn dĩ là những chuỗi ngày chạy đua để làm sao cho mình không bị rơi rớt giữa dòng đời. Nhưng có những thứ đã được sắp đặt theo một quy luật tự nhiên, nó là phải thế như một cộng một thì không thể bằng ba, chúng ta có cố gắng thế nào cũng không thể làm sao khác. Cho dù sức chạy bền bỉ đến đâu, nỗ lực bao nhiêu phần trăm đi nữa cũng không thể chống lại sự bào mòn của đường đua thời gian. Trên chặng hành trình đó, thứ duy nhất còn sót lại chính là kỷ niệm. Những ký ức tưởng chừng đã bị thời gian vùi lấp nhưng vẫn có thể sống lại mỗi khi ta vô tình chạm khẽ vào nó. 

Không thể “quay ngược thời gian trở về với tuổi thơ” như bài hát nhưng những ngày tháng long nhong ngoài mưa, lấm lem bùn lầy thì làm sao quên được. Ở đó, có một cậu nhóc lúc nào cũng bám đuôi bà nội. Hay nói như hàng xóm khi ấy là “đề co của bà Bảy”. Đề co ý chỉ những người lính thân cận hay đi kè kè với quan trên trong các phim nói về thời Pháp thuộc. Do lấy ông nội tôi là con trai thứ Bảy nên người ta cũng gọi là bà Bảy, chứ thật ra bà nội tôi thứ Năm. 

Từ lúc tôi sinh ra đã có đèn điện nhưng cứ nay có mai cúp, riết cũng làm quen. Mỗi khi bóng đèn điện tắt, tôi ngoe nguẩy trèo lên chiếc võng dù nằm đong đưa để bà quạt cho khỏi nực. Trong ánh sáng hiu hắt cũng những ngọn đèn dầu, thể như người ta sợ lạc nhau đi đâu mất nên cứ nói chuyện, bày hết chuyện này đến chuyện khác để nghe được tiếng nhau. 

Nhà tôi là nhà tổ từ thời ông bà cố còn ở mặt lộ đường, đến khi di dời vào trong hẻm, sửa chữa và ở đến bây giờ. Ngôi nhà sàn ba gian nằm ngay trung tâm xóm, được xem như nơi định vị hễ có ai mò mẫm đi trong đêm tắt điện. Trước nhà là một khoảng sân vừa đủ để gió lùa vào xua đi cái khô hạn mùa hè và nắng hong ấm tiết trời mùa đông. Nằm trên chiếc võng đong đưa có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn bầu trời đêm. Trời tối điện, màn đêm càng tỏa sáng. Theo thú vui của mấy đứa con nít, tôi vừa nằm hưởng thụ vừa đưa tay đếm từng ngôi sao. 

ba_chau_1

Ngày thường, đây chính là điện bàn tác chiến của lũ nhóc chúng tôi mỗi khi bày trò quậy phá. Quê tôi nằm ở đầu nguồn nên mỗi năm cứ đến độ tháng 7, tháng 8 âm lịch là nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Mùa nước nổi miền tây tạo nên bức tranh đồng quê tuyệt đẹp với biển nước mênh mông, người ta đua nhau tìm cá linh đầu mùa để nấu canh chua bông điên điển. Nhà tôi xây sàn cao cũng để đối phó với “đặc sản” này. Bây giờ, đã không còn nước nổi nhưng nhà tôi vẫn giữ nguyên dáng vẻ, dưới sàn trở thành nơi nghỉ trưa của ba mẹ và nuôi đàn gà đầy đủ trống, mái. 

Những dịp thế này, tôi mới nói chuyện được cùng bà chứ nếu có điện thì tôi không xem tivi cũng chạy tuốt qua nhà hàng xóm để chơi cùng đám bạn. Còn ban ngày thì thường nghe… chửi. Cũng vì bị chửi nhiều quá nên lũ quỹ chúng tôi (tôi, thằng Tỷ Giày - con cô Tư và thằng Khó - con cô Út, có thêm sự hưởng ứng của chị Thủy - con Bác Hai) đặt cho bà một biệt danh là “Bảy Hồng Nga”. Biệt danh này do tôi nghĩ ra vì thường hay cùng bà xem cải lương. Nghệ sĩ Hồng Nga được biết đến là “bà hoàng” chuyên trị những vai diễn mụ, độc mà khiến người xem phải nổi da gà vì sự hung dữ và cay nghiệt trong các vở Lâm Sanh - Xuân Nương, Mẹ Ghẻ Con Chồng, Phận Làm Dâu, Thuyền Xưa Tách Bến,... 

Nghe chửi cũng có “chất gây nghiện”, hầu như ngày nào không nghe tiếng la ó là tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Nhiều hôm cả ngày không nghe chửi, tối đến vô mùng tôi phải tìm đường kiếm chuyện để được nghe. Cũng vì trò chơi này mà xém mấy lần bị cho roi vào đít. Tôi ngủ với nội từ hồi tôi 7 tuổi cho đến năm học lớp 12. Ba mẹ tôi khi đó làm nghề nuôi vịt chạy đồng nên thường đi đây đó. Hễ nơi nào đến mùa vụ gặt lúa là sẽ cho vịt đến nằm đồng. Đó cũng là lý do tôi thân thiết với bà nhất trong nhà.

Không chỉ bọn con nít mà ngay cả ông nội cũng có thú vui chọc bà. Bà là trung tâm tạo nên sự “ồn ào” của gia đình. Ông hay nói câu cửa miệng “trong phim cổ tích người ta có ông thầy hít, nhà mình có bà thầy cãi bây ơi”. Ông nói vậy bởi vì bà nội hay cãi lý sự với ông. Nhiều khi là ông bà cãi nhau thật nhưng có khi chỉ là ông cố tình để ghẹo bà. Cho dù là thế nào thì ông cũng là người chủ động nhường nhịn trước vì bà có bệnh tim. Căn bệnh này đã theo bà suốt mấy chục năm, nó hình thành trong bà trước cả khi tôi ra đời. 

ba_va_chau_1

Năm tôi 17 tuổi, sức khỏe bà yếu hẳn đi nên ông nội bảo tôi ra ngủ riêng để ông ngủ chung chăm bà. Vì ông dễ thức giấc, hễ nghe tiếng động đậy gì là trở mình dậy ngay nên nếu đêm khuya bà có kêu cũng dễ nghe hơn tôi. Tôi đã vô giấc thì trời có sập xuống cũng không lay dậy được. 

Hôm ấy trời mưa bay lất phất, hai ông cháu ngồi trong mùng nói chuyện, đấm bóp cho bà. Trời chuyển khuya dần, ông bảo tôi đi ngủ sớm để mai còn đi học. Vừa bước vào mùng, tôi bàng hoàng nghe ông kêu lên đau đớn “Bà Bảy đi rồi bây ơi”. Tôi nhanh chân chạy đến, như chết lặng, tôi không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt. Vậy là sau mấy lần vào ra bệnh viện, chống chọi với tử thần, bà đã không còn đủ sức để ở lại bên con cháu.

Trong ngày đưa tang, tôi ngã quỵ ngay cạnh quan tài, chưa bao giờ tôi thấy bản thân mình yếu đuối đến như vậy. Nhưng biết làm sao, cả tuổi thơ của tôi là những ngày tháng vui buồn, hờn giận cùng bà. Ba mẹ bận lo cơm áo gạo tiền cho gia đình thì bà chính là nguồn an ủi, động lực to lớn để tôi cố gắng, là nguồn vui, lẽ sống của tôi. Vậy mà…Dẫu biết rằng quy luật tự nhiên vẫn thế, những ngày chăm bà trong bệnh viện cũng đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng khi nó đến tôi vẫn không thể bình thản mà đối diện. 

ba-va-chau

Bà ra đi trong sự yêu thương của gia đình, dòng họ và hàng xóm xung quanh, người ta đi đám rất động khiến tôi ngậm ngùi nhưng cũng tự hào và hạnh phúc. Sự mất mát lớn lao ấy càng làm cho tôi tỉnh ngộ, trân trọng những giây phút bên gia đình và những người thân yêu khi còn bên cạnh. Chúng ta không thể thay đổi quy luật của tạo hóa nhưng mỗi người có thể sống trọn vẹn với tình thương để không phải hối hận hay luyến tiếc. 

“À ơi, cây cải về trời

Rau răm ở lại ôm ngàn nhớ thương

Người là bóng cả quê hương

Cho con ôm trọn tình thương một đời”.

© Quy Nguyễn Văn - blogradio.vn

Xem thêm: Hạnh Phúc Rồi Sẽ Đến Thôi

 

Quy Nguyễn Văn

Trứng gà đập vỡ từ bên ngoài sẽ là thức ăn. Còn nếu đập vỡ từ bên trong sẽ thành sinh mệnh

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top