Bà hãy bên cả nhà thật lâu bà nhé
2020-12-08 01:20
Tác giả:
Lê Huy Thuận
blogradio.vn - Cảm ơn bà, vì bà vẫn kiên trì bám víu lại mảnh đất quê hương, một mình bà dù có cô đơn, lẻ bóng nhưng vẫn lạc quan, yêu đời để con cháu yên tâm học tập, công tác. Cháu chỉ có một mong muốn đến tột cùng rằng bà có sống lâu thật lâu để mỗi khi cháu trở về lại có vòng tay bà dang rộng vỗ về, yêu thương.
***
"Mẹ, mẹ ơi”, với nhiều người, tiếng kêu ấy thật quá đỗi gần gũi, thân thương mà sao mỗi khi nhắc tới tôi lại có cảm giác xa lạ, mơ hồ đến thế. Thay vào đó, tiếng gọi quen thuộc của tôi hằng ngày là "Bà ơi!".
Vùng đất quê tôi, phải chăng vì đã quá cằn cỗi, khiến bố mẹ tôi không thể kiếm đủ kinh phí, để lo toan cho cuộc sống đầy bộn bề này. Họ đành phải dứt áo ra đi, để lại đứa con thơ, bỏ lại nơi chôn rau cắt rốn tha hương cầu thực nơi xứ người.
Tuổi thơ tôi, thật may mắn khi được nằm gọn trong vòng tay dung dưỡng của bà. Mắt bà sâu, nhìn xa xăm. Mái tóc bà trắng như mây lúc nào cũng thoang thoảng mùi bồ kết. Bà hay nhai trầu nên hàm răng hiện đã đen lánh. Nụ cười hiền hậu của bà, dễ gây thiện cảm với bất cứ ai lần đầu gặp mặt. Dáng bà nhỏ bé nhưng đã gồng gánh một phần cuộc đời tôi.
Ký ức xưa cũ về tuổi thơ, về chặng đường lớn lên của tôi không thể thiếu bóng dáng người bà. Đó là những món kỷ vật tinh thần sẽ gắn bó suốt cuộc đời này, là những trang sách tưởng như đã cũ, đã hoen ố nhưng mỗi khi lật lại, một vùng trời đẹp đẽ, trong lành hiện ngay trước mắt, là hành trang tôi mang vác theo trên con đường trưởng thành đầy chông gai, khó nhằn.
“Bà ơi, bầu trời và biển, cái nào rộng hơn?”- Tôi vô tư hỏi bà mỗi khi được bà dẫn ra bờ biển ngắm bình minh.
“Đợi lớn lên rồi, cháu tự khắc sẽ biết”. Bà nhẹ nhàng hôn lên má và ôm tôi vào lòng.
Đứa trẻ ngày ấy, sống dưới tình yêu thương của bà, trong một làng quê nghèo nhưng đầy bình yên luôn luôn tâm niệm “Bầu trời là thứ rộng lớn nhất vì dù đàn chim kia có bay đi bay đi mãi cũng chẳng tìm được vạch đích còn biển cả là thứ rộng lớn thứ hai vì dẫu có mênh mông, mịt mù thì con tàu kia có lênh đênh bao ngày cũng sẽ được con sóng đưa vào bến bờ.”
Nhưng một khi đã lớn lên rồi, chập chững bước vào tuổi 20, xa bà, xa bố mẹ, xa cánh đồng, ruộng lúa, luống rau. Một mình sống giữa thành phố, giữa biển người mênh mông, những đêm nằm co ro một mình, những lời đàm tiếu, dị nghị của người xung quanh, trải qua những khó khăn, gập ghềnh khi bước vào đời.
Lúc đó tôi cảm nhận cảm giác cô đơn, lẻ chiếc, không một ai hiểu mình, không một ai hỏi han, tâm sự cùng mình thì tôi mới vỡ lẽ ra “Trên đời này, thứ rộng lớn, bao la, mênh mông nhất chính là tình yêu thương vô bờ bến mà bà dành cho tôi.”
Quả thực, tôi là một đứa trẻ thật hạnh phúc khi có bà, có bố mẹ, có mọi người xung quanh luôn quan tâm, giúp đỡ mà không cần bất kỳ lý do gì.
Là những trưa hè oi ả, trên tay chiếc quạt nan bà mang những làn gió mát rượi, lời ru nhẹ nhàng đưa tôi vào giấc ngủ ngọt ngào.
“Ầu ơ, cái cò cái vạc cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái diệc đổ thừa cho tôi, à ơi...”
Là những đêm trăng sáng, côn trùng kêu tỉ tê, âm thanh vang vọng nơi biển cả, trên chiếc chõng ngoài hiên nhà, nằm gối đầu lên đùi bà tôi được nghe bà kể cho nghe về những tháng ngày xưa cũ, về ngày còn chiến tranh bà đã gặp ông ra sao, về mảnh đất quê hương trước khi mặc lên màu áo mới, về những con đường đẹp như tranh vẽ mà bà đã từng đi qua.
Là những mưa rào nặng hạt, tôi nhảy múa điên cuồng, vẫy vùng, hả hê dưới cái “giếng trời” bị bà cầm roi mây quất vào mông, đau đến mức khóc nhè lại được bà dỗ dành, yêu thương.
Là những buổi chiều mùa hạ mát mẻ, trốn bà chạy ra con đê đầu làng, nằm ườn lên thảm cỏ xanh rì, nhắm mắt lại cảm nhận mùi vị quê hương, đất trời.
Là những gói xôi, cái bánh rán, bánh gạo, cốm,... mỗi lần ngồi tựa cửa mong ngóng bà đi chợ về để được ăn những thứ đặc sản quê hương.
Là bữa cơm cháy dính đầy tro, món cá kho mặn chát và rau muống luộc, chỉ cần thế mà tôi ăn được ba bốn bát cơm. Bà ngồi đầu nồi, lúc nào cũng bảo bà ăn no rồi, nhiệt tình đơm cơm cho đứa cháu bé bỏng.
Bà hay dạy tôi lớn lên phải trở thành người tốt vì đức tin của bà là "Ở hiền gặp lành". Cũng bởi vì cả đời bà làm việc thiện tích đức, nên con cháu lớn lên được hưởng phúc phần, ai nấy đều mạnh khỏe, giỏi giang.
Nhưng thứ đáng sợ nhất trên đời chính là thời gian. Tôi lớn lên, đồng nghĩa với việc bà già đi và thời gian ở bên bà ngày càng ít đi. Những người con của bà, vì miếng cơm manh áo cũng đã bỏ lại quê hương mà đi.
Giờ đây, góc làng quê nhỏ bé ấy, căn nhà từng ấm áp ấy chỉ còn le lói một ngọn đèn dầu trước gió. Những khi trái gió trở trời, ai là người nắn bóp chân tay cho bà. Những khi bão bùng, mưa gió căn nhà ấy, ai là người chống đỡ, chở che. Những khi gió đông ùa về, ai là người nhóm củi, ủ chăn cho bà?
Bà luôn mong ngóng mỗi độ Tết đến xuân về, con cháu ở bốn phương trời trở về tề tựu nơi căn nhà nhỏ nhắn, đã trải qua mấy mươi thập kỷ làm lòng bà vui như mở hội, nụ cười của bà lại rạng rỡ trên môi.
Căn nhà ấy, người bà ấy xin hãy ngưng lại thời gian để tôi cảm nhận được thứ gọi là hạnh phúc và yên ấm. Là do tôi ngại ngùng hay do tôi không hiếu thảo khi từ trước tới giờ, tôi chẳng thể nói ra 3 tiếng "Cháu yêu bà”.
“Bà ơi. Cháu xin lỗi vì khiến bà khó nhọc nuôi dạy một đứa cháu ngỗ ngược lên người”.
Bà ơi, cháu xin lỗi vì không chịu nói ra tấm lòng này với bà.
Bà ơi, cháu xin lỗi khi chẳng thể cạnh bên bà mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi mưa gió bão bùng.
Cảm ơn bà, vì đã hóa thành thành quách kiên cường chở che cho cuộc đời cháu được ấm êm. Cảm ơn bà, vì trở thành nơi dựa vững chắc nhất mỗi khi cháu thất bại, vấp ngã.
Cảm ơn bà, vì cả một đời chăm lo cho đứa cháu bé bỏng này.
Cảm ơn bà, vì bà vẫn kiên trì bám víu lại mảnh đất quê hương, một mình bà dù có cô đơn, lẻ bóng nhưng vẫn lạc quan, yêu đời để con cháu yên tâm học tập, công tác. Cháu chỉ có một mong muốn đến tột cùng rằng bà có sống lâu thật lâu để mỗi khi cháu trở về lại có vòng tay bà dang rộng vỗ về, yêu thương.
© Lê Huy Thuận - blogradio.vn
Xem thêm: Gia đình là nơi mà ai cũng muốn về
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Thích ứng với cô đơn
Những chuyện ngày xưa kể nhau nghe hằng tuần đã trở thành những thước phim tồn đọng, và chính chủ cũng đang dần quên đi những nỗi đau chứa đựng bên trong đó mất rồi.

Nếu có kiếp sau... chỉ mong hai chữ “tương phùng”
Với cô, anh là khoảng trời bình yên sau bao giông bão của cuộc đời. Để rồi thương nhau.

Hành trình chữa lành và sống sót sau chia tay
Thi thoảng, mình lại nhớ đến những kỉ niệm đẹp với người ấy, rồi lại tự đặt ra vô vàn câu hỏi, kiểu nếu như mình đã làm khác đi, nếu như mình kiên nhẫn và vị tha hơn, nếu như người ấy chịu thay đổi đi một chút nhỉ…

Mùa đót chổi
Hân thương các học trò của mình. Tình thương yêu của Hân, một cô giáo miền xuôi vượt đèo, lội suối lên gieo chữ nơi miền ngược suốt ba năm nay là cố gắng dạy cho các em viết được những nét chữ nắn nót, vuông vắn, biết đọc ê a đánh vần hay những phép tính, bài toán đơn giản.

Nơi trái tim khao khát về
Cứ như vậy, trong vòng xoáy vội vã, không ngừng của cuộc sống, cô và Phát dường như sống chậm lại, chia sẻ những cung bậc đường đời, cảm nhận niềm vui bình dị của tình bạn.

Mùa cao su thay lá
Khung cảnh vừa nên thơ lại vừa huyền bí. Dễ nhận ra, đây mới là hương sắc của Tây Nguyên vậy.

Nhặt lá mai ngày tết
Họ bảo: mai cũng cần thay lá để đón xuân giống như con người được khoác lên mình bộ quần áo mới đầu năm vậy. Họ nói trong điệu hồ hởi, phấn khởi rồi bắt đầu công việc quan trọng của mình.

Những mảnh ký ức (Phần 7)
Mẹ cáu vì tôi bướng và ngang ngạnh nên cứ thế cầm cả cái chổi quật, tôi thì lỳ nhất định không xin. Cứ thế mẹ quật nát cả cái chổi, còn tôi bỏ ăn lên trốn trên gác thượng hờn dỗi và nức nở…

Những mảnh ký ức (Phần 6)
Tiếng bù lu bù loa láo loạn cả giấc trưa. Bà Bình sang từng nhà gọi, kết quả là băng đảng tan rã, tình cảm sứt mẻ, cả hôm sau đó chúng tôi phải ở trong nhà cấm không được đi đâu chơi. Tôi và con Nguyệt đáng nhẽ thoát, nhưng Thọ đen lại khai ra có cả tôi trong vụ đó nữa. Thật đáng buồn!