Phát thanh xúc cảm của bạn !

img bài dự thi Ngoại tôi bán bánh bò bông

2020-06-03 01:15

Tác giả: Đo Đo


blogradio.vn - Bụng cồn cào, tôi nhớ bánh bò bông, cảm giác ấm lòng khi miếng bánh tan trong miệng thật khiến thèm thuồng vị quê hương. Thế là tôi lang thang tìm cho mình chút hỏi han đã cũ ở cái tuổi 18 trong veo và non tơ khi lần đầu tập tễnh bước chân lên Sài Thành.

***

Nhỏ đến lớn tôi sống với ngoại, tôi không có ba, má tôi bỏ đi theo chồng, nghe đâu từ thuở tôi lọt lòng đỏ hỏn tới giờ bà cũng không léo hánh về quê, cứ vậy mà biền biệt mất tăm. Tuổi thơ tôi là những ngày xa xăm rong ruổi theo ngoại bán bánh bò bông. Vị bánh trắng trong như tấm lòng người làm bánh, ngọt bùi gì ngoại cũng không tiếc phần mà gói ghém hết vào cái bánh dẻo mềm thơm tho. Ngoại là vậy, mang hết cái chắc lòng chắc dạ cho người ăn. Hôm nào mà đi bán xa nhà, biết mình không về sớm, trời vừa mờ đất, gà chưa kịp gáy, ngoại lui hụi nhóm củi, nấu sẵn nồi cơm để đó cho tôi, rồi một mình cái thân cò lặn lội ra tuốt chợ tỉnh bán bánh đổi lấy vài lon gạo. Ấy thế mà suốt đời tần tảo sớm khuya, chắt chiu từng con cua con ốc, ngoại nuôi tôi khôn lớn. Hôm nào mưa giông quá, tôi với ngoại đành ngậm ngùi ở nhà ôm nhau, chịu trận trong căn chòi trống trước hụt sau. Vậy mà thương, hai người hì hục ngồi hứng nước mưa, có bữa hứng kịp còn được vài chỗ ráo, bữa nào mưa ào ào tắt ngang là đồ đạc ướt hết trơn trọi, lại có hôm mây kéo đến đùng đùng mà chẳng đổ hạt, tôi ngao ngán đi gom lại mớ thau nồi đang bày biện ngổn ngang khắp nhà.Trông thật chán! Mưa thế nào chả biết, tôi cứ rút miết trong lòng ngoại, nằm ngủ tỉnh queo ngon lành trong đôi cánh tay của ngoại. Đôi bàn tay gầy gò cháy xám vì sương gió, xanh xao những gân là gân nổi lên, mãi đến sau này tôi vẫn loạng choạng trong chiêm bao để nương tìm hơi ấm quen thuộc.

Trời vừa nhú khỏi bụi tre sau hè. Sáng! Tôi mở mắt dậy, tôi trở mình trên chiếc ván đã rệu rã, dụi dụi mắt mấy cái rồi lúi cúi bước xuống xỏ dép vào, hơi lạnh vuốt dọc sống lưng nghe da gà nổi thành cục. Tôi thấy vừa thương vừa khâm phục bà, ngày nào chẳng thế, 3 giờ sáng, cái cột khói nơi gác bếp đã phả vào hơi sương từng làn nóng hổi. Như một thói quen, ngoại hấp bánh để kịp bán buổi sáng mai cho mấy bác làm đồng. Tôi lon ton chạy sát bên bếp lửa hơ tay hơ chân. Đoán biết tôi đã dậy, từ phía sau vách nhà ngoại nói vọng vào. Vẫn cái giọng khàn khàn đặc sệt chậm rãi:

- Bây tránh cái nồi ra xa ờ nghen, lửa nóng phỏng tay chết à !

-Dạ ! Tôi đáp lại bà trong tiếng ậm ừ

Tôi hí hoáy phủi phủi lót dép ngồi bịch xuống, xong xuôi một tay chống cằm, tay nọ lấy que củi nghịch vẽ trên nền đất cát. Tôi vô thức vẽ những hình thù quái lạ, thoạt trông rất buồn cười, những ngôi nhà liêu xiêu và hai gương mặt: một hiền từ móm mém, một ngờ nghệch ngây thơ. Nôm thấy nền đất còn nhiều chỗ trống, tay tôi thong thả quẹt quẹt vài đường nguệch ngoạc, tôi định thêm vài người nữa… nhưng thôi vì chả biết hình dung thế nào. Loay hoay một hồi chán chê, tôi tiện thể vứt luôn que củi vào đống than đỏ rực. Lửa bỗng cháy lên phừng phừng sáng cả khuôn mặt phúng phính hai má đỏ ửng lên vì hơi nóng. Tôi thu mình bó gối, ngồi thừ ra ngắm nhìn "tác phẩm" của mình. Sau hồi thẫn thờ, tôi bị giật nảy người. Bà từ nhà sau vòng tới, tay khệ nệ ôm mớ củi vụn, thả dần xuống trước mặt tôi. Từ trong trũng mắt sâu hun hút của ngoại chảy ra hai hàng nước khô khốc lăn dài trên má. Nước ấy chắc mặn lắm vì đã được hong khô qua biết bao mưa nắng của cuộc đời.

Thế là tôi đi học và lưng ngoại thêm còng. Có bữa đương trên lớp, bất chợt nhìn ra đồng. Hình như dáng ngoại lom khom đang chơi vơi trong cơn gió, đòn gánh nặng trĩu đè lên vai những vết chai sần. Và mỗi sớm mơi khắp xóm làng vẫn vang vọng “Ai bánh bò hông! Bánh bò ấm nóng ngọt lòng”. Rồi tự dưng hoảng hồn không thấy nữa, bóng ngoại gầy mất hút giữa đồng lúa chín chỉ còn tiếng thập thình nơi lòng ngực theo nhịp bảng đánh vần ê a.

- Qua tháng gặt xong, bây đi học.

Ngập ngừng hơi lâu khi bà bắt gặp đôi mắt đang sáng quắc vì sửng sốt của tôi. Chân tôi luống cuống giẫm chân trên cát, như một đứa trẻ con chột dạ xóa bỏ bí mật mà mình vừa bày ra. Sợ bà phát hiện, chốc quay liền lại, tôi buột miệng nói lớn:

- Con muốn ở nhà phụ ngoại bán bánh, lớn rồi con có thể ra chợ

 Rồi tôi hạ giọng lí nhí, không dám nhìn bà;

- Con nghe mẹ con Nụ bảo đi học tốn tiền lắm. Mình nghèo... khổ thêm…

- Chứ bây phải học, không thì sẽ khổ đời bây, đây thân già rồi, khổ nhiều rồi có thêm nữa cũng chẳng ăn thua. Phải học để tự lo thân khi lỡ mai này tao có chết… rồi mần sao ?

Bà bỏ lửng câu. Tiếng cam chịu nhẫn nại và tha thiết khuyên dạy, hôm nay lại pha chút buồn buồn lấp lửng. Thế rồi thôi, tôi cũng không nói nữa, lướt nhìn cái điệu cười móm mém còn sót lại trên cát sau trận càn quét lúc nãy, tôi đứng dậy quay ngoắt, chạy lấy ôm bấu lấy vạt áo không rời. Từ đó tôi sợ, sợ một ngày tôi không chạy đua kịp với thời gian, sợ bản mình lớn dần theo năm tháng càng khiến thân ngoại hao mòn.

Nhưng đổi lại, niềm vui ngoại giấu sau những nét chân chim trên khuôn mặt là lúc tôi nỗ lực học thật tốt. Bỏ qua bao ánh mắt khinh thường ganh tị, tôi vượt lên cái nhìn đầy khắt khe kì thị về một đứa con hoang nhà nghèo, không có mẹ cha. Tôi chẳng muốn hơn thua với họ rằng tôi có một người bà quý giá hơn bất cứ cuốn sách nào - một kho tàng nhân chứng cho sự trải đời, nhân hậu và giàu đức hi sinh. Đến bây giờ vẫn vang vọng bên tai tôi lời ru năm ấy, nó rưới mát tâm hồn tôi những trưa hè nắng cháy "Ầu ơ ví dầu, cầu ván đóng đinh, đóng qua đóng lại, sống nghĩa tình… chứ ầu ơ...sống nghĩa tình mới hơn "

Năm cuối cấp ba, tôi ôm bà và khóc rất nhiều. Mừng có, vui có, hạnh phúc có và cả những nỗi lo chưa kịp định hình. Nhìn vào gương mặt của bà, bao năm khắc khổ dầm mưa dãi nắng, những nếp nhăn xô vào nhau khiến nước mắt chảy trào, miệng run run móm mém không nói nên lời, tôi xót xa đến nao lòng, rốt cục bà phải vì tôi mà gắng gượng bao năm nữa? Có kịp không ngày tôi thành công trở về? Ngày ấy không có can đảm nào để nói ra, rằng tôi muốn ở bên bà, tôi muốn gác lại mọi thứ để ở bên mái tranh lá đơn sơ này, nơi thành phố kia xa xôi lắm, chỉ nghĩ thôi đủ khiến tôi chạnh lòng sợ sệt. Nhưng cũng thật nhẫn tâm nếu tôi từ bỏ tất cả sự gánh gồng, hy vọng bấy lâu của ngoại. Bao nhiêu động viên của ngoại khiến tôi nhủ lòng chỉ còn chút nữa, sẽ xong sớm thôi.

Ngày chia tay lên Sài Gòn, hàng so đũa bên hiên nhà buồn mà chẳng dám trổ bông, ngoại lấp ló mái đầu bạc trắng nơi cánh cửa, gật đầu lia lịa khẩy khẩy chiếc khăn xua giấu đi nước mắt. Ngoại giục tôi mau đi vì sợ trễ chuyến. Bao nhiêu động viên thỏ thẻ, hai bà cháu suốt đêm qua chẳng ngủ. Tôi rời đi mà lòng ngập ngừng, mỗi bước mỗi quyến luyến, bịnh rịnh không rời. Bỏ lại sau lưng phảng phất mùi bánh bò bông, bỏ lại mái tranh nghèo, bỏ lại cánh đồng con sông, bỏ mảnh da thịt đang đứng mếu, hành trang tôi ôm chặt vào lòng là những lời dặn rút ruột rút gan từ đáy lòng nơi ngoại. Nước mắt tôi tuôn rơi lặng lẽ, lã chã suốt dọc đường, con đường làng hôm nay sao ngắn lại, chỉ còn tiếng thở dài của còi tàu khuất bóng xa dần. Bóng cây lô xô ngã về phía sau, rặng tre đầu làng mất hút trong tầm mắt.

Người ta nói Sài Gòn rộng lắm, kẻo lạc lối thì chẳng biết đường mà ra. Ở đây cứ người ta sống vội vã, mọi thứ đều trở nên hối hả, quá đỗi xa lạ với một đứa gái nhà quê chân đất như tôi. Thành phố choáng ngợp, xa hoa với những tòa nhà rợp trời chót vót, nhìn từ dưới lên tựa như những cái lồng bằng khối bê tông khổng lồ. Tôi bé nhỏ chới với giữa lòng Phố Thị, mái tranh nghèo nơi có ngoại hiện ra, bà dang rộng vòng tay ôm lấy tôi vòng lòng. Rồi tôi òa khóc nức nở giữa bao trùm bao nỗi cô đơn, tủi hờn, lủi thủi. Tự nhủ lòng rồi sẽ ổn thôi, đã đi đến đây thì không được phép gục ngã. Vì biết còn có bà đang đợi trông. Ở Sài Gòn nếu khóc phải học cách tự lau nước mắt.

Nơi tôi ở là một căn gác ọp ẹp cũ kĩ, gỗ sơn đã bắt đầu bong tróc. Mùa nắng thì tôn bắt nhiệt nóng nực vô cùng. Khi đêm xuống, hơi sương tràn trên nóc, đâm ra lạnh cóng, thành thử tôi lấy giẻ lau nhét khắp trần nhà, đâu đâu cũng toàn vải cũ. Dù có khắc nghiệt đến mấy thì cũng chỉ là điều kiện bên ngoài, có chăng không hài lòng đi nữa nhưng nó khiến tôi an tâm về kinh tế eo hẹp của mình. Bà chủ cũng tốt, có khi bà tôi khất liên tù tì mấy tháng liền tiền nhà vì biết tôi phải gom hết dành dụm để đóng học phí. Ngày nắng cũng như mưa tôi vừa đến trường vừa đi làm thêm, để trang trải và có dư chút đỉnh để mua đồ cá nhân cần thiết, cốt làm sao vẫn không sao nhãng việc học. Có hôm tối muộn, tôi trở về nhà rệu rã, húp vội tô mì gói rồi nằm ì ra thở dốc từng quãng hơi, đêm nằm nghe xương răng rắc trong thịt da rã rời, nước mắt lại chực trào: Nhớ quê quá! Nếu ngoài kia mệt mỏi, thì về nhà ngủ một giấc thật sâu để quên đi hết buồn đau của dòng đời vội vã.

Tôi vẫn gửi thư đều đều về cho bà và cảm thấy yên tâm phần nào khi biết bà vẫn khỏe. Bà tôi không biết chữ nhưng bao nhiêu tâm tình bà nhờ người ký gửi đến tôi. Từng câu từ ấy vẫn là bà, là điệu ca dạt dào, nghe miên man dẫn lối tôi vào đời. Những lời động viên chân thành mộc mặt đủ quý giá hơn bất cứ ngôn từ hoa mỹ trên đời. Năm nhất, năm hai rồi đến năm ba mọi thứ quen dần, những bức thư tay bắt đầu thưa thớt, tôi phớt lờ mọi thứ để vùi đầu vào sách vở và công việc. Dốc công làm sao để hoàn thành cho thật nhanh việc học. Bởi vậy, mấy khi được về thăm nhà là tôi muốn dành tất cả để bên cạnh bà. Khi ấy là thoải mái nhất, vui vẻ nhất và hạnh phúc biết bao để tôi vững tin bước tiếp. Ai nói tôi không có gia đình, tôi có một gia đình thật đặc biệt: tôi, ngoại và cả thế giới.

Thấm thoát thoi đưa, năm tư đã đến, tôi biết mình phải nỗ lực bội phần để khép lại chặng đường học tập. Mọi thứ cứ nối đuôi nhau không dứt. Đôi khi cảm thấy bất lực và trống trải vô cùng, muốn bỏ ngang cho xong. Cảm giác lưng chừng ở cái tuổi gập ghềnh qua quãng tư của cuộc đời khiến người ta chơi vơi biết mấy.

Thế là tôi quyết định làm một chuyến dạo quanh Sài Gòn để thả trôi hết muộn phiền theo mây trời. Trước giờ tôi ít đi đâu ngoài đi làm, đi học vì phần cũng ngại quán xá tốn tiền, ở đây cái gì cũng mắc. Đôi khi nước mắt phải trả giá đắt hơn bất cứ nơi nào khác. Bụng cồn cào, tôi nhớ bánh bò bông, cảm giác ấm lòng khi miếng bánh tan trong miệng thật khiến thèm thuồng vị quê hương. Thế là tôi lang thang tìm cho mình chút hỏi han đã cũ ở cái tuổi 18 trong veo và non tơ khi lần đầu tập tễnh bước chân lên Sài Thành. Bén ngót mấy năm trôi qua nhanh thật, mọi thứ rồi sẽ đổi thay chỉ là nhanh đến mức không nhận ra hay chậm đến nỗi ta chẳng nhìn thấy. Giật mình tôi nhớ đến bà, tim lại âm ỉ một niềm xót xa. Ngoại đã già, già thật rồi! Buồn biết mấy!

Hai ngày sau đó, một chiều thu sang để lại lớp lớp lá cây vàng xơ xác. Nắng lay lắt buồn hiu không muốn sáng, rồi vật vờ nằm im trên những cành cây khô héo. Gió heo mây lùa về mang theo cơn mưa phùn lất phất giăng giăng. Căn gác nhỏ nằm nghe lặng thắt, ê buốt con tim đau nhói, nước mắt tuôn trào không nói thành lời. Ngoại đã ra đi, xa tôi rồi! Mãi mãi. Bao niềm nức nở trào dâng ngập ngụa tận đáy lòng. Tôi khóc như một đứa trẻ vụng dại thương đau, chất chứa dồn nén bấy lâu nay con đến lúc này là đúng hay sai, bấy lâu nay tôi mãi chạy theo điều gì, bao nhiêu bất lực không nói thành lời. Tôi lả thiếp người đi, đổ gục xuống, bản thân không còn sức lực, mơ màng khản đặc gọi ngoại trong tiềm thức. Trái tim tôi như ai đó bóp chặt vụn vỡ thành từng mảnh, liên hồi như ai đó tháo ra treo lên không trung gõ từng nhịp một. Thương tâm đến khi nước mắt đã bị vắt khô, cổ rát, mí mắt cay thiêu đốt từng sợi chỉ máu, môi khô khốc mấp mé run run liên hồi, đầu óc tôi quay cuồng hiện về mái tranh nhỏ. Có bóng dáng ai ngồi mòn mỏi đợi tin con. Ngày về quê hồn tôi chia thành hai mảnh, nửa ngây dại, nửa lang thang tìm ngoại. Tại sao ngoại lại bỏ tôi, tại sao không chờ tôi thêm chút nữa? Bao nhiêu câu hỏi tựa chiếc kim nhọn găm vào cơ thể tôi. Ngoại lạnh ngắt nằm trên tấm ván gỗ, chiếc áo nâu che giấu tấm thân gầy gò. Tôi ra sức gọi thế nào bà cũng không mở mắt, tôi ú ớ bập bẹ như đứa trẻ đánh vần "Ngoại ơi con đã về, con không đi nữa...hức hức... con ở đây với ngoại".

Mặc kệ mọi người khuyên ngăn, nức nở. Tôi bỏ ăn, mặc mọi thứ dở dang, thế giới của tôi sụp đổ dưới chân mình, tôi cũng không còn điều chi tha thiết. Hơn bao giờ hết nó khiến tôi càng oán trách bản thân mình. Là tôi đã quá ích kỉ đã bỏ rơi ngoại trong mỏi mòn chờ đợi. Tôi lịm đi chẳng thấy ánh mặt trời. Trong thổn thức tôi mơ gặp ngoại, người chầm chậm đến bên ôm lấy tôi, người ru khúc ca “Ở đời phải giữ lấy thân, chỉ cần cố gắng muôn phần ắt nên”

Tôi hướng mắt ra cánh đồng, nhắm nghiền mắt rồi hít sâu, dáng ai đó thấp thỏm trong chiều lộng gió. Quay gánh hai hàng ngoại cõng chữ cho con. Miệng ngoại cười mà lòng tôi thấy an yên đến lạ. Dù thế nào thì tôi cũng phải sống, sống cho đàng hoàng, cho ra dáng con người. Nếu tôi cứ mãi thế này thì chỉ khiến ngoại thêm buồn. Tôi nhớ lại nụ cười hạnh phúc của người khi mỗi lần tôi tiến xa hơn. Tôi phải mạnh mẽ kiên cường hơn thế nữa. Dù không còn ai thì cũng phải bước đi, dám ngã không, khi sau lưng mình đã mất đi điểm tựa? Tôi không thể sống mà vứt đi hy vọng trong đơn độc rồi chết mòn. Bà đã dạy tôi phải sống, sống cho cho ra dáng người. Dần dần tôi hiểu có những nỗi đau ta không thể mãi khước từ như việc sinh lão bệnh tử. Việc có vượt qua cú sốc hay không là ở chính tôi, bà cũng yên nghỉ rồi, tôi không thể mãi hèn nhát lấy sự ra đi của bà là lý do bao biện cho sự nhu nhược yếu đuối của bản thân. Cuộc sống còn thăng trầm biết bao, tôi biết trân trọng và chấp nhận những thứ đang có, những gì không gần mà cũng chẳng xa.

Mấy thu đi qua, đều đặn thu nay tôi lại về. Cánh đồng vàng đương mùa gặt chín. Hương sữa gạo ngào ngạt theo gió nhè nhẹ đưa vào. Tôi vuốt nhẹ bàn tay trước ngực nghe thấy sự sống đâm chồi, nhìn vào chiếc bụng bé con xinh lạ lùng, có cảm giác được che chở. Anh vẫn nhìn tôi mỉm cười kiên nhẫn, tay nắm chặt đỡ mẹ con tôi thong thả vào nhà. Mái tranh xưa bỗng bừng sáng tựa như bếp lửa sớm mai bà đã nhóm lên hấp bánh bò bông.

© Đo Đo - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Ước gì mình đừng lớn nữa | Family Radio

Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.

Đo Đo

ĐoĐo là con bò ngốc ĐoĐo là mèo ngáo ngơ ĐoĐo đi tìm cục mỡ để ủ mình qua mùa đông

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top