Phát thanh xúc cảm của bạn !

Anh yêu em! Bình dị và dịu êm (Kỳ 1)

2021-12-16 01:25

Tác giả: MINH DAO


blogradio.vn - Tôi cũng phải công nhận tôi là dạng người mơ mộng, tôi thích những thứ gọi là tình cờ, những cái mà theo người ta gọi là duyên phận. Tôi thích những người nhìn qua thư sinh hiền lành, tôi chống nạnh một cái người ta phải nghe lời tôi dăm dắp. Thôi bạn ạ! Dẹp đi! Người ta nghe lời bạn, thì người ta cũng nghe lời mẹ người ta.

***

Tôi từ bỏ tình yêu mười năm, trong lúc chông chênh nhất của cuộc đời tôi tìm thấy bình yên ở một tiệm sách cổ và tôi tìm thấy anh. Như những cuốn sách quanh năm phủ bụi, anh xuất hiện không hào nhoáng nhưng đủ vững chãi để tôi tựa vào. Anh yêu tôi! Bình dị và dịu êm.

Hôm nay sau giờ làm, tôi không về nhà mà ra một quán cà phê gần cơ quan ngồi. Giờ này tôi có nhà mà không thể về, tôi cứ ngồi đó thôi chẳng chờ đợi ai cả. Quán giờ tan tầm vắng lặng trái ngược với con đường ngoài kia, người ta cứ phải nhích từng chút từng chút về phía trước. Cậu pha chế thấy tôi ngồi một mình buồn quá khuyến mãi cho chút nhạc tươi vui. Cà phê đắng ngắt, tôi vốn chả thích uống bao giờ nhưng đằng nào tôi cũng không ngủ được uống chút cho tỉnh táo lại.

Tôi vừa từ bỏ mối tình gần mười năm từ cái thủa tôi còn năm nhất đại học đến khi đã thành gái già trong cơ quan. Ba mẹ hai bên đã dạm ngõ bàn ngày nhưng chúng tôi chia tay. Khỏi phải nói mẹ tôi shock thế nào, trong mắt ba mẹ anh đã gần như con cái trong nhà, tết nhất giỗ chạp anh đều có mặt chỉ còn thiếu một cái lễ cho hợp tình hợp lý.

Mọi người hỏi tôi có buồn không? Buồn chứ đời người con gái có được mấy cái mười năm. Tiếc không? Có lẽ không, nó chỉ như một thói quen bạn đã làm đi làm lại chục năm trời giờ thôi không làm nữa. Tôi chống cằm lặng ngắm con đường trước mặt. Có những người đang vội vã về nhà tiếp tục cuộc chiến chồng con, cơm nước. Nếu không có gì thay đổi giờ này có lẽ tôi cũng đang hoà mình vào dòng người kia, tôi tự hỏi liệu tôi có làm được như họ không nhỉ nhưng tôi không có cơ hội tìm hiểu điều đó nữa rồi.

Mẹ tôi là người phụ nữ truyền thống, trong quan điểm của mẹ tôi phụ nữa phải đủ tam tòng tứ đức. Đừng nói đến chuyện sau giờ làm đi liên hoan, hát hò. Phụ nữ sau năm giờ mà không có mặt ở nhà cơm nước cho chồng con là hỏng. Tôi không muốn cãi lời mẹ nhưng tôi cũng không thể sống như mẹ tôi nói vậy nên trong mắt mẹ tôi là đứa con “mất nết”, nên giờ mới có câu chuyện tôi ngồi đây như cô hồn tháng bảy thế này.

Hôm trả lại cơi trầu, mẹ chồng hụt của tôi sang tận nơi làm cho ra “ngô ra khoai”, con trai họ nguyên văn là “sáng láng, có tài” chờ đợi “con gái nhà bà” giờ bảo không cưới nghe có được không? Tầm này cái T cũng hai tám tuổi rồi kiếm đâu ra trai tân, may ra lại vớ người goá vợ không thì cũng hâm dở. Bố tôi giận lắm nhưng cũng không nói gì chỉ chúc cháu (người yêu tôi cũ của tôi ấy) kiếm được một người vợ tâm đầu ý hợp, phù hợp với điều kiện gia đình (mẹ chồng hụt của tôi ấy) yêu cầu. Bố tôi không nói câu nào thất lễ cả, lời nói đều hợp lý uyển chuyển chúc phúc cho nhà bên ấy nhưng tôi thấy ánh mắt bố mẹ anh tối lại. Sau hơn một tiếng lời qua tiếng lại, nước miếng “mẹ chồng” tôi văng dỗ cả cái bàn trà, họ vẫn ôm một bụng tức ra về không quên ném cho tôi một cái nguýt dài. Tôi phải giơ ngón cái khâm phục độ uyên bác của bố tôi khi ấy.

Phố đã lên đèn, tôi lục trong túi da mấy đồng tiền lẻ trả tiền cho cốc cà phê còn nguyên. Tôi không đi xe máy, sáng ra tôi chuồn ra ngoài từ sáng sớm bắt taxi đến cơ quan để khỏi khua mẹ tôi dậy. Nói thật tôi có thể chiến đấu với đồng nghiệp, tranh luận với sếp (tranh luận thôi chứ tôi không có gan cãi tay đôi với người cầm đồng lương của mình), đánh nhau chết đi sống lại với con bạn thân giành miếng ăn nhưng đứng trước hoả lực của mẹ tôi phải buông súng đầu hàng. Dù sao hai mươi mấy năm trước tôi cũng là cục thịt lôi ra từ bụng bà. Thôi thì để cho bà xả giận, bà cũng muối mặt với họ hàng làng xóm nhiều rồi.

Gần cơ quan tôi có một trung tâm dạy vẽ, tầm này bến xe bus nhiều đứa học sinh cắp ống vẽ đi xuống đến lớp học thêm. Tôi nhớ ngày xưa tôi cũng thế, tôi thích học vẽ, nuôi trí thi vào trường kiến trúc, mơ mộng có một tình yêu lãng mạng trong ngôi trường ấy (nghe các anh chị đồn trường toàn con trai mà con trai học vẽ thường tinh tế và lãng mạng). À nhưng thật ra tôi không thi trường đấy, tôi học kinh tế.

Ở cơ quan bố tôi là sếp, nhưng ở nhà ba bố con tôi đều khuất phục dưới hoả lực của mẹ, mọi người thường nói khắp nơi người ta tuyên truyền chủ nghĩa dân chủ, độc lập, tư do còn nhà tôi vẫn cai trị theo chế độ quân chủ. Nghĩa là lời mẹ tôi là thánh chỉ, ai phản kháng là chém đầu.

Nhờ có ba phần sáng dạ, bảy phần may mắn tôi cũng vớt vát được một suất vào trường kinh tế. Mẹ tôi sau này vẫn tự hào về chính sách đúng đắn của bà, để tôi theo ý mình có mà ăn cám. Ngày trước mỗi khi mẹ tôi nói thế tôi thường bĩu môi dằn dỗi nhưng giờ có lẽ nghĩ lại có lẽ mẹ tôi cũng không sai. Nếu như cứ học kinh tế không tìm cách làm phản có lẽ cuộc sống của tôi có khi lại êm ả hơn bây giờ.

Tôi làm về thiết kế đồ hoạ chuyên thiết kế logo sản phẩm theo đơn đặt hàng. Nói vậy mọi người cũng hiểu tôi đã không sống theo như mẹ tôi sắp đặt. Tôi đăng ký tín chỉ trường kinh tế dồn hết học vào đầu tuần, còn cuối tuần tôi học chui ở trường kiến trúc vì vậy chúng tôi mới quen nhau. Tôi cũng phải công nhận tôi là dạng người mơ mộng, tôi thích những thứ gọi là tình cờ, những cái mà theo người ta gọi là duyên phận. Tôi thích những người nhìn qua thư sinh hiền lành, tôi chống nạnh một cái người ta phải nghe lời tôi dăm dắp. Thôi bạn ạ! Dẹp đi! Người ta nghe lời bạn, thì người ta cũng nghe lời mẹ người ta. Mẹ người ta không ở đấy bạn là nhất, mẹ người ta ở đấy bạn có khi chẳng được là thứ hai vì người ta còn có bố, có mẹ có em gái có ti tỉ giặc bên ngô khác.

Tôi đi bộ đã hết con đường giờ chỉ còn cách quay lại hoặc đi qua cái ngã tư này mà giờ này xe cộ đông đúc, biết bao giờ mới bơi sang được bờ bên kia. Thôi, quay lại, tôi vừa đi vừa tự xỉ vả cái tính hèn nhát của mình, gặp tí khó khăn đã lùi bước. Giờ này đi đâu nhỉ? Gần đây tôi nhớ có một tiệm sách có ghế ngồi đọc ké, thôi vào ngồi thêm lúc vậy. Về sớm lại phải nhìn sắc mặt mẹ, nghĩ thôi cũng ngán.

Quán sách dạo này vắng vẻ, sách không nhiều nhưng rất có gu, văn vẻ không bị nhàm chán như mấy ngôn tình tạp nham trên mạng. Thời tôi còn đi học quán này do một đôi vợ chồng già mở, tôi có dẫn người yêu đến đây mua sách mấy lần. Tôi còn nói chuyện với hai bác rất lâu, rất nhiều chuyện, bác trai khen người yêu tôi được còn bác gái lại lắc đầu, tại sao thì tôi không nhớ. Tôi đột nhiên muốn quay lại hỏi nhưng nghĩ ra là người ta chưa chắc đã nhớ tôi là ai. Quán giờ do cháu trai bác trông, nó đi học ban ngày, chiều về trông quán. Khi nó đi học, quán thuê một cậu sinh viên trông. Tôi trông lời lãi quán này chả được bao nhiêu chắc người cho thuê một là quá giàu, hai là cái quán này có gì đó thiên về kỉ niệm nên muốn lưu giữ.

Tôi bước vào quán, đi đến tủ bảo quản mua một chai nước lọc, tự nhiên nhìn quán trà sữa đối diện lại thấy thèm nhưng thôi vào đọc chả lẽ không mua được chai nước. Tôi với lấy quyển tiểu thuyết mới nhất trên giá và ngồi vào chiếc sofa xịn nhất trong góc khuất thả hồn vào quyển sách. Tôi có một thói quen rất xấu là hay gác chân lên bàn, xấu hơn nữa là co chân lên ghế, bình thường chả có vấn đề gì nhưng hôm nay tôi mặc một cái váy đuôi cá và lúc cao hứng tôi đã co chân lên tận cằm. Sau đấy tôi chả nhớ gì sất, người ra ra vào vào, đi qua tôi, tôi cũng chả để ý.

Lúc đứng lên đã tầm 9h đêm, chậc tôi đọc say sưa chả để ý đến giờ giấc tí nào mà người trông cũng chả nhắc. Tôi ngáp dài sửa soạn đồ để đi về thì hỡi ôi! Ngoài cái áo gió mỏng manh quanh tôi chả còn cái gì sất. Tôi la toáng cho cả con phố ấy nghe là tôi bị mất đồ. Cậu bé trông quán cũng hốt hoảng chạy vào xem, sau một hồi trình bày hoàn cảnh tôi gần như xụi lơ, trong cái túi ấy là tất cả gia tài tôi có. Cậu bé vội vã gọi điện cho ai đó tôi cũng không biết, điều duy nhất tôi biết lúc này là trong cái túi đó có cái macbook, trong đó có tất cả bản vẽ tôi phải giao cho khách hàng. Không có nó mai tôi khỏi đi làm mà có đi sếp cũng cho tôi biến.

Một người đàn ông đi xe máy phi đến, anh ta còn mặc nguyên cái quần ngủ và một cái áo khoác gió mà tôi dám thề bên trong cái áo ấy anh ta không mặc gì hết (Tôi cũng phải phục tôi! Giờ phút này tôi còn nghĩ được anh ta có mặc gì bên trong áo gió không?). Anh loay hoay một hồi rồi mở tivi, lúc đấy tôi mới để ý trên đầu chỗ tôi ngồi có một mắt cam. Cái quán sách cũ kỹ này mà cũng trang bị camera, hiên đại quá thể.

Sau một hồi tua đi tua lại đã tua đến đoạn tôi ngồi, lúc tôi vào quán là hơn sáu rưỡi. Tôi và anh ta phải ngồi đây tua 3 tiếng rưỡi tôi ngồi ở đấy.

7h10’, tôi đang ngồi nghiêm chỉnh, túi xách để ngay bên cạnh, cái áo khoác gió của tôi vẫn vắt ngang miệng túi.

7h45’, tôi đang nghe điện thoại, tôi nhớ lúc này mẹ tôi gọi hỏi có về ăn cơm không tôi nói tôi ăn cơm với bạn, dáng ngồi tôi vẫn được chỉ hơi uể oải tí thôi nhưng mà lúc đấy để lấy điện thoại tôi đã quẳng cái áo gió sang bên tay vịn kia của ghế.

8h30’, anh ta tua chuẩn kinh khủng, trời ơi, tôi đang ngồi đấy, chân co lên tận cằm và để ngồi cho thoải mái tôi đã quẳng cái túi xách xuống đất.

Tôi phải công nhận là chân tôi rất chuẩn, cả cái người tôi tự hào mỗi đôi chân và nước da trắng di truyền của mẹ. Và các bạn ạ, tôi mặc đồ bên trong trái ngược với cái màu trắng ấy nên càng làm cho cái đoạn video ấy trở lên mờ ám hơn. Tôi nhắm tịt mắt lại thầm nguyền rủa có cái hiệu sách con con có cần phải lắp camera chất lượng cao thế không hả, rõ nét đến từng chi tiết. Tôi quay sang anh ta lườm, ý muốn nói là anh tua tiếp đi dừng lại đó làm gì thì thấy ánh mắt ta đang nhìn xuống chân tôi. Chết tiệt thật.

8h45’, tên trộm của tôi xuất hiện. Hắn ta mặc áo phông màu ghi cũ, đầu đội mũ và đeo khẩu trang kín mít nhìn giống sinh viên. Hắn ta thuê một quyển truyện rồi ngồi xuống chỗ cạnh tôi ngồi, chưa được năm phút sau anh ta xách cái túi da của tôi ném cho cậu bé trông quán tờ 50k rồi đi mất.

Tôi biết hôm nay lỗi của tôi mười mươi rồi nên không nói gì. Anh ta rút cái usb trong ngăn kéo của quán ra rồi làm một loạt các thao tác mà tôi không biết nhưng nhìn qua anh ta chỉ cóp đoạn video từ lúc tên trộm bước vào và bước ra thôi. Trên đầu quầy thu tiền có một mắt cam nữa, mắt đấy bắt được hình ảnh tên trộm ấy khá rõ nét, lúc bước vào do ồn ào nên lúc nói chuyện với cậu bé trông quán hắn có kéo khẩu trang xuống một chút để nói chuyện cho rõ.

Anh ta đưa tôi sang công an phường gần đó, sau khi trình bày vấn đề tôi ngồi viết bản tường trình. Tường trình có mẫu sẵn nên tôi viết một phút đã xong. Anh chủ quán thì đang ngồi xem đoạn video với mấy anh công an trên máy vi tính. Tôi cũng chả có việc gì làm nên cũng ngồi xem, đoạn video kia tôi xem rồi tôi chả xem lại làm gì nên giờ tôi "xem" anh chủ quán. Ờ thì anh cũng có tuổi, con anh ta đã lớn có thể trông quán được cơ mà. Anh ta có râu quai nón, râu của anh ta là chưa cạo chứ không phải là cố tình để. Với cặp mắt lade của tôi thì anh chỉ tầm 37, 38 thôi. Tôi nhớ bác chủ nhà có kể ông bà lấy nhau qua mai mối, mười tám mười chín ông đã lấy bà. Quả là cha nào con ấy.

Ra khỏi đồn công an thì cũng 10 rưỡi đêm, tôi không tiền, không xe nên đành muối mặt nhờ anh chủ quán đưa về. Nhà tôi ở đầu ngõ, đi hết đường lớn là đến nhà tôi luôn, giờ này bố mẹ tôi chắc đã ngủ nên tôi cũng chả bảo anh đỗ cách nhà một đoạn rồi đi bộ vào.

Khi đã xui thì làm gì cũng xẻo, bố mẹ tôi còn thức, điện tầng một vẫn mở, ngoài cửa bố mẹ tôi đang đứng và người đứng đối diện mẹ tôi không ai khác là người yêu cũ của tôi. Chắc mọi người nghĩ đến đây tôi sẽ chỉ vào người bên cạnh ưỡn ngực giới thiệu đây là người yêu mới của tôi/con... Không đâu mọi người nhé! Để tránh mẹ tôi sẽ ảo tưởng tôi có người mới, tôi dõng rạc nói với bố tôi:

“Bố có năm mươi nghìn không con vay trả tiền xe ôm”

Tôi nhét vào tay anh tờ năm mươi nghìn mới cứng, trả mũ bảo hiểm cho anh rồi tạm biệt. Không hổ là người đàn ông có tuổi, mặt anh tỉnh bơ nhét tờ tiền vào túi rồi phóng xe đi thẳng.

Tôi bình thản đi vào nhà, đằng sau lưng tôi người yêu cũ tôi vẫn đứng đó. Bố tôi cũng đang nắm nắm đấm cửa như muốn đóng cửa lắm rồi còn mẹ tôi, tôi chán mẹ tôi không thể tả, vẫn đang đứng nói giọng thống thiết:

“Mai rảnh qua đây chơi! Hai bác vẫn coi con là người nhà! Hai đứa yêu nhau bao nhiêu năm rồi giờ thế này bác buồn lắm! Hai đứa xem thế nào nếu còn tình cảm thì quay lại con ạ!”

Tôi trả lời mẹ tôi bằng một cái đóng cửa đánh rầm vang vọng cả ba tầng nhà. Sau đấy tôi nghe thấy tiếng xe máy rồ ga và bố tôi đóng cửa.

Sáng hôm sau tôi đi làm, tôi phải đi mượn gấp một cái macbook của con bạn đăng nhập vào iclound để vớt vát lại mấy bản vẽ! Một số bản không tìm lại được nên tôi phải vận hết cả khả năng nghe, nói, đọc viết để làm lại. Tôi nát óc nhớ lại yêu cầu của khách rồi mô phỏng những gì tôi nhớ được để vẽ lại nhưng tình hình không khả quan lắm. Tôi thức cả buổi trưa rồi, đang lúc ngồi trên chảo nóng thì có điện thoại tìm tôi. Qua giọng tôi có thể nghe ra là giọng cậu bé trông quán sách đấy. Nó nói là công an đã tìm thấy chiếc máy tính của tôi bảo tôi quay lại đồn công an để làm xác nhận. Khỏi phải nói tôi chỉ mong lúc đó kiếm được hai cái tên lửa lắp vào chân bay đến đó.

Tôi xin sếp rồi ra lấy xe trong khoảng năm phút đồng hồ thôi nhưng mà tôi cảm thấy như một thế kỷ đã trôi qua, đồn công an cách chỗ tôi chỉ một con đường, lúc phi vào đồn tôi không thấy anh chủ quán ở đấy, ờ mà anh ta cũng chả cần ở đấy. Tôi vui vẻ xác nhận với anh công an là tôi là người báo mất đồ hôm trước có người gọi điện thoại cho tôi bảo đến nhận đồ. Cậu công an tiếp tôi rất trẻ chắc chỉ mới ra trường hướng ánh mắt đến một người đàn ông ngồi cách tôi mấy ghế. Tôi cũng quay sang đó và tôi giật mình. Người đàn ông ngồi đó đích thị là anh chủ quán, tôi nhận ra anh ta qua đôi mắt. Phải nói là sau một đêm anh ta thay đổi hẳn, à không chưa đến hai tư giờ, tóc anh ta được cắt gọn, râu ria cạo sạch, anh ta mặc áo sơ mi quần âu thẳng thớm chả liên quan gì đến người đàn ông hôm qua cả. Tôi sững sờ mất mấy giây rồi cũng nhe răng ra chào khách sáo.

Người trộm đồ tôi đích thị là một cậu sinh viên, cậu ta nói chỉ nổi lòng tham nhất thời mới trộm túi của tôi. Cậu ta cũng không nghĩ trong cái hiệu sách con con ấy có lắp camera nên mới dám trộm. Cậu ta khóc mếu xin chúng tôi đừng truy cứu, cậu ta mới là sinh viên năm nhất, giờ mà chúng tôi trình báo thì cậu ta sẽ bị đuổi học. Tôi không nghe cậu ta trình bày mà chạy thẳng đến kiểm tra chiếc macbook, may sao bản vẽ của tôi còn nguyên, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi quay qua túi xách, ví tiền không còn đồng nào nhưng giấy tờ còn đủ cả. Tôi đóng túi xách lại quay sang cảm ơn mấy anh công an.

Chúng tôi quyết định rút đơn trình báo hôm đó, cậu sinh viên đó còn rất trẻ nhìn qua cách ăn mặc có vẻ rất nghèo, tôi cũng không đành lòng kiện cậu bé đó. Tôi cầm túi xách đi ra ngoài định bụng rút tiền mua giỏ hoa quả quay lại cảm ơn. Tôi liếc thấy anh chủ quán nhét vào tay cậu sinh viên kia mấy tờ polime xanh rồi vỗ vai bảo cậu đi về đi.

Tôi cũng cảm thấy anh ta có vẻ ra dáng đàn ông, đáng tiếc con anh ta đã lớn. Ờ tôi có thể cua con anh ta nếu nó đủ mười tám tuổi. Tôi đi ra siêu thị Vinmart gần đó xách hai giỏ hoa quả ngoại nhập loại đắt nhất một biếu đồn công an và một tôi định mang đến quán sách để cảm ơn. Không có đoạn video của anh ta có khi tôi mất việc cũng nên.

Lúc ra khỏi đồn công an xách giỏ hoa quả còn lại đến quán sách tôi thấy vợ chồng bác chủ nhà ở đó, hôm nay rảnh rỗi hai bác qua đây chơi. Tôi xách giỏ hoa quả vào đó rồi lễ phép trình bày rồi bày tỏ lòng biết ơn các kiểu, anh ngồi đó nhìn tôi với vẻ khinh bỉ khó giấu được. Tôi nhìn thấy nhưng lờ đi vẫn cười giả lả.

Tôi được cái đam mê sách, nói đến sách tôi có thể ngồi tám từ sáng đến chiều từ chiều đến tối. Tôi và hai ông bà ngồi tám chuyện đến giờ đèn lên, anh ngồi bên cạnh kiên nhẫn ăn hoa quả và nghe tôi tám chuyện. Ông cụ vốn là thầy giáo dạy Văn từng là giảng viên đại học nên gặp tôi như gặp tri kỷ, tôi và ông bà con trao đổi số điện thoại để sau này ông có bài văn, bài thơ nào hay có thể gửi cho tôi để tôi nhận xét, tôi cũng vui vẻ nhận lời.

Tôi cứ nghĩ mọi chuyện đến đó là kết thúc nên cũng không liên lạc với ông bà nhiều, duy chỉ có một lần ông cụ gọi điện nhờ tôi thiết kế cho cụ bìa của tập thơ mới để cụ in ra tặng bạn bè là tôi nhận lời. Tôi nghĩ việc cũng không có gì nhiều, tôi thấy tôi khá hợp tính hai cụ nên thiết kế bìa sách cho ông bà chả có gì khó khăn cả, vui là đằng khác. Nhưng chuyện đấy để sau kể, giờ tôi muốn kể nốt về tình cũ, cái chuyện mà dây dưa mãi không dứt buộc tôi phải làm cho rõ ràng để đường ai nấy đi.

Mẹ tôi thì vẫn nuôi hy vọng chúng tôi quay lại nhau nên tích cực mời người yêu cũ của tôi đến nhà ăn cơm. Nói thật dù sao tôi cũng yêu người ta cả chục năm trời, nói không buồn là nói điêu. Tôi vẫn ngồi ăn cơm với anh bình thường, nhưng tôi cũng tránh mọi khoảnh khắc chúng tôi ở riêng với nhau. Sau này, tôi đút cho con em năm trăm nghìn đồng để nó làm gián điệp, cứ khi nào mẹ nấu ăn tinh tươm nó sẽ nháy tôi để tôi chuồn không về nhà tối đó nữa. Dần dần, tôi đóng quân ở quán sách đó nhiều hơn và dĩ nhiên gặp anh chủ quán nhiều hơn.

Tôi cũng định trốn biệt để mẹ tôi thấy khó thì lui thôi nhưng có lẽ mối quan hệ giữa chúng tôi quá chằng chịt. Tôi và anh có bạn chung kha khá, bạn anh tôi đều biết và bạn tôi dĩ nhiên anh cũng quen. Hôm đó là sinh nhật con bé bạn thân với tôi thời đại học, chúng tôi tổ chức ở một quán gần trường cũ, anh và vài người bạn của anh cũng đến. Lúc anh bước vào, bạn bè tôi cũng phải ngạc nhiên, anh gầy đến hốc hác. Tôi cũng chả có tâm trạng nào mà cười đùa chỉ ngồi đấy thôi, chúng tôi ngồi đấy đến khi các món ăn trên bàn sạch bách thì có đứa rủ chúng tôi đi hát karaoke ngay trên tầng trên của quán.

Cả lũ kéo nhau lên, tôi và anh vẫn ngồi đấy, tụi bạn cố tình để chúng tôi ở đấy. Tôi gọi một ly nước cam và một ly bạc sỉu cho anh, anh vẫn hay uống loại này. Anh bất chợt nắm lấy tay tôi, tôi cũng không giãy chỉ lặng yên nhìn bàn tay anh, có lẽ anh cũng mừng thầm vì tôi không từ chối nên cười khẽ. Điệu cười mà tôi có thể thấy là di truyền mười mươi từ mẹ anh, trong cái điệu cười ấy có cái gì đó tiểu nhân đắc trí mà tôi không thể diễn tả được. Tôi cảm nhận được rằng anh nghĩ tôi chả bỏ được anh và rằng tôi chỉ làm kiêu một tí thôi chứ anh cầu xin một tí tôi sẽ quay lại.

Tôi bỗng nhớ đến khoảng thời gian này cách đây hơn một năm, tôi theo anh về quê nội ăn giỗ. Vì vẫn là còn là người yêu nên chả ai bắt tôi nấu nướng rửa bát gì nhưng tôi nhớ mọi người nhìn tôi như kiểu người ta nhìn món đồ mới được mua về ấy, săm soi từ đầu đến chân chả thèm kiêng nể gì và tôi nghe rõ ràng mẹ anh với dì anh nói chuyện với nhau trong bếp là: “Nhìn mặt mũi cũng bình thường mà sao thằng A… nhà mình mê thế?”

Mẹ anh trả lời rằng: “Mê mẩn gì! Nó cứ quấn lấy con nhà mình bỏ không được!”

Tôi quay trở lại với thực tại và nhìn vào mắt anh, anh bắt đầu nói bằng cái giọng nhẹ nhàng dịu dàng, cái giọng mà ngày xưa tôi vẫn thích:

“Anh không biết em giận dỗi gì! Anh có gì sai sao em không nói! Từ trước đến giờ có lúc nào em nói anh không nghe đâu! Anh thấy chả có gì đến mức phải trả lại cơi trầu cả! Em chưa muốn cưới có thể lùi ngày! Em không thích ở với bố mẹ anh, chúng ta thuê nhà ra ở riêng. Dù sao giờ giao thông thuận tiện, qua lại thăm hỏi nó cũng dễ. Mẹ cũng nói rồi, nếu em quay về xin lỗi mẹ người lớn cũng không chấp trẻ con! Em cứ ngồi đó thôi cũng được có gì để anh nói!”

Tôi nghĩ nếu là tôi của hai ba năm trước nghe mấy lời này cũng thấy hạnh phúc lắm nhưng giờ này mấy lời này vào tai tôi sao chối tai thế. Tôi chán ngán nghe mấy câu nói chả có tí mới mẻ nào, mấy câu này nghe nó cứ yếu đuối sao ấy, như kiểu tôi ăn cơm trước kẻng về bắt vạ anh phải cưới, mà nào có thế đâu. Tôi mà thế mẹ chả gọt đầu thả tôi trôi sông mà bà mẹ chồng hụt của tôi có mà mang chuyện này đi dao làng trên xóm dưới. May quá tôi không thế.

Tôi dứt khoát cười rồi nói một câu gọn gàng “Hết duyên rồi! Hết yêu rồi! Em cũng muốn lấy chồng lắm nhưng chả muốn lấy anh!”

Nói rồi tôi xách mông đi thẳng, tôi nghĩ nếu sau này con tôi và con anh lấy nhau thì may ra chúng tôi mới ngồi chung bàn lần nữa chứ không có mời tôi cũng chả thèm. Nhưng tôi lại nghĩ con tôi và con anh lấy nhau thì mẹ anh lại thành bà của con tôi à. Dẹp luôn và ngay!

(Còn nữa)

© MINH DAO - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Replay Blog Radio: Tôi, tách cà phê ít sữa và em

MINH DAO

Khi tôi nghĩ là tôi có thế, nghĩa là tôi có thể

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

back to top