Trung thu trong tôi...
2011-09-08 17:02
Tác giả:
Blog Việt
Ngày còn bé, mỗi khi trung thu về, mình và bọn trẻ con ở khu Tập thể trường Đảng lại háo hức vô cùng.
Mấy ngày trước trung thu, các anh chị lớn chuẩn bị tre, giấy báo, giấy bóng kính, hồ dán… để làm đèn ông sao, lấy bìa cứng làm mặt nạ. Hầu như nhà nào có trẻ con cũng đều làm, cũng có nhà đi mua, nhưng tự làm thì tiết kiệm được ít tiền và cũng thêm phần không khí. Đến đúng hôm trung thu, trẻ con trong xóm ăn cơm tối xong thì vội vàng cầm đèn ông sao lên trên sân trường Đảng. Không vội vàng cũng không được, những đứa trẻ khác cứ gọi nhau í ới ngoài ngõ, rồi thì gõ trống .. tùng tùng tùng tùng, tùng tùng tùng tùng, mình chưa chạy mà hai chân đã ríu lên rồi.
Sân trường Đảng rộng rãi vô cùng, cái sân gắn bó biết bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu của mình. Bọn trẻ con trên sân tụ tập lại, bàn tán chuyện trò rôm rả, rồi thì xem đèn ông sao của ai đẹp hơn, sáng hơn,…đèn ai có giấy bóng kính, ai không có. Trường Đảng cũng tổ chức cỗ cho chúng tôi, con em của cán bộ công nhân viên nhà trường, một vài cô chú còn trẻ đảm nhiệm khâu tổ chức trung thu cho các cháu. Cỗ thời ấy thì giản dị lắm, chỉ có bánh kẹo bình thường kiểu như kẹo bi, kẹo dừa với các loại bánh bích quy, bánh dẻo và bánh nướng thì không thể thiếu rồi, hoa quả nhiều loại và cũng không thể thiếu bòng bưởi. Chúng tôi xếp thành hàng dài nối đuôi nhau vừa rước đèn vừa hát bài “Chiếc đèn ông sao” với những giai điệu đã trở nên quá đỗi thân quen: “chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu, cán đây rất dài cán cao quá đầu, em cầm đèn sao em hát vang vang, đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan…”. Rước đèn ông sao vui như thế, nhưng thật sự đứa nào trong chúng tôi cũng cố gắng vui chơi không quên nhiệm vụ, chả là hội con trai luôn nhăm nhe súng cao su để bắn bụp vào đèn ông sao, nếu không để ý là trở thành mục tiêu ngon lành cho đám con trai nghịch ngợm ấy. Tôi nhớ có lần tức phát khóc vì đèn bị bắn vỡ mất, tiếc hùi hụi ấy chứ. Nếu mà đèn còn nguyên vẹn thì tôi lại mang về nhà dựng ngay ngắn, để nhiều ngày sau còn ngắm nghía và nhớ về trung thu thì phải, cũng có khi vì thấy nó đẹp nên tiếc, không nỡ bỏ đi, thời ấy có cái gì như cái đèn ông sao là thấy lung linh lắm rồi.
Ảnh minh họa: Milivista
Khi trăng lên cao là đến tiết mục phá cỗ trông trăng, tiết mục này cũng không kém phần vui vẻ. Trẻ con được ăn bánh kẹo thoải mái, và tất nhiên không quên đút túi một ít mang về, trẻ con mà, lúc nào chả thế, nhất là trẻ con của những thời “xa xưa” ấy. Bọn chúng tôi vừa phá cỗ vừa ngắm trăng, nói là ngắm trăng cho nó hoành tráng chứ thực ra là nhìn lên ông trăng sáng, rồi chỉ chỏ kia là cây đa, dưới gốc cây đa là chú Cuội, và kể nhau nghe tại sao chú Cuội lại bị kéo lên tới tận Cung Trăng như vậy. Phá cỗ xong cũng là lúc lũ trẻ con thu hoạch được một đống hạt bưởi. Tôi cũng gom được một ít, hồi ấy chúng tôi hầu như không có đồ chơi như bây giờ, thành ra những chiếc hạt bưởi kia cũng có thể trở thành món đồ chơi hữu ích. Chúng tôi đem hạt bưởi về, bóc vỏ và lấy dây thép nhỏ xâu thành một chuỗi, mối lại thành chiếc vòng hạt bưởi, lúc mới làm xong thì đeo lên cổ chơi “cho đẹp”, sau chán thì bỏ ra đốt cháy lách tách, tinh dầu từ hạt bưởi ban đầu cháy có mùi thơm thơm, ngậy ngậy … nói chung là khó mà quên được.
Đến khi học lên cấp 2 rồi cấp 3, tôi thường tham gia rước đèn trung thu cùng các bạn trong lớp do nhà trường tổ chức. Khi ấy người ta đã bắt đầu làm những chiếc đèn ông sao lớn, và chủng loại đèn cũng phong phú hơn rất nhiều, có đèn kéo quân, con gái thì có các loại đèn có tay cầm, hình bông hoa, hình con vật ngộ nghĩnh…Các loại mặt nạ cũng được làm đẹp hơn, nhiều hình thù hơn. Ở trường học còn tổ chức thi bày cỗ, hình như tôi chưa bao giờ được vào đội bày cỗ của lớp thì phải, chắc tại vì tôi cũng không được khéo tay cho lắm. Các lớp nhỏ thì được phép “gọi điện thoại cho người thân”, nói vậy cho vui chứ thực ra là hội phụ huynh của lớp sẽ trợ giúp để bày mâm cỗ được đẹp hơn. Mâm cỗ ngày trung thu nhìn thích mắt vô cùng, mọi người thường hay dùng những múi bòng tách vỏ ra, lộn ngược lại và ghép vào thân những quả khác để tạo thành hình chú cún ngộ nghĩnh, có hai mắt tròn đen lánh làm từ hai hạt nhãn. Ngoài ra còn có rất nhiều các loại quả khác sẽ được bày khéo léo trên một chiếc mâm, quả bưởi được khía vỏ và uốn thành bông hoa, quả chuối, quả dứa, quả hồng… bày lên đẹp thế lúc phá cỗ có khi còn thấy tiếc nữa.
Trung thu ngày nay đã khác xưa nhiều, bây giờ hầu như chẳng mấy nhà còn tự làm đèn hay mặt nạ nữa, có chăng là các làng nghề hoặc là các khu phố làm chiếc đèn ông sao to để trưng bày hay thi thố. Trẻ con giờ có đủ các loại đèn, vừa phát sáng, vừa có nhạc hễ bật lên là tiếng kêu rộn rã. Ngoài ra còn có các loại gậy phát sáng, các loại mặt nạ, dành cho bé gái thì còn có nhiều loại mũ đội lên đầu như là công chúa…nhìn dễ thương vô cùng. Bánh dẻo bánh nướng giờ được bày bán trước trung thu cả tháng. Nhiều hộp bánh đắt hơn cả tháng lương công nhân.
Ảnh minh họa: Milivista
Trung thu với bản thân tôi giờ cũng khác xưa nhiều lắm. Xưa còn là trẻ con, giờ đã là mẹ của trẻ con rồi. Năm ngoái, tôi cũng háo hức ra hàng đồ chơi mua cho con cái đèn hình con mèo. Con trai cầm đèn bật nhạc đi khắp sân nhà bà ngoại. Tiếc là hôm ấy con ốm hai vợ chồng không dám cho đi chơi trung thu. Năm tháng trôi đi, nhận ra mình sống có trách nhiệm hơn. Ngày xưa trung thu nào biết lo cho ai, giờ lo chuẩn bị hoa quả bánh kẹo cho gia đình nhỏ, mua đồ cho con, và nhất là không quên túi bánh nướng bánh dẻo làm quà cho ông bà nội ngoại.
Nhiều lúc cứ ước ao về lại trung thu xưa, được nô đùa với lũ trẻ con trên cái sân trường Đảng ấy. Nhưng cuộc sống là thế, mọi thứ đương nhiên sẽ thay đổi, và mình vẫn cảm thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc, vì mình đã và sẽ có thêm những kí ức tuyệt vời về trung thu để mà nhớ và nhắc lại mỗi dịp trung thu về như thế này.
- Gửi từ email Đinh Thu Thủy – thuynsa@
TIN LIÊN QUAN | |
Những tâm sự muốn sẻ chia, những bài viết cảm nhận về cuộc sống, những sáng tác thơ, truyện ngắn mời bạn cùng chia sẻ bài viết với Blog Việt bằng cách gửi đường link, file đính kèm về địa chỉ email blogviet@dalink.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.
Đi qua sự phản bội
Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.