Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tình yêu của biển

2014-07-11 01:18

Tác giả:


Truyện Online - Bóng hai người đổ dài trên bờ cát, những con sóng lém lỉnh, ào vào trêu chọc đôi chân rồi lại chạy tít ra ngoài xa. Cát mịn màng như bờ môi người thương, nước mát lạnh như xoa dịu mọi nỗi đau trên đời.

***
“Tôi yêu biển đảo từ khi thơ trẻ, tình yêu trong lành không vướng bận những lo toan, bề bộn của cuộc sống. Tôi yêu con người nơi đây, những mảnh đời, những số phận và những chuyến tàu đi.”

Gió biển thốc vào khoang tàu từng đợt, mát lịm và ngào ngạt mùi rong rêu, mùi mằn mặn của muối, nồng nồng vị tanh của cá, tôm... Thứ hương vị thân quen này khiến Thanh đứng ngồi không yên, cô nhoài người ra cửa sổ, nhắm mắt khẽ để mọi giác quan thấm đẫm không khí biển trong lành. Tàu rời bến cảng, từng đợt sóng rẽ đôi tung bọt trắng xóa, mặt biển như một nồi thạch găng trong veo đang dập dềnh. Mái tóc cô rối bời bời trong gió. Con đường này, Thanh đã đi bao lần, mà sao lần nào cũng thấy nó đẹp đến thế. Vịnh hôm nay lặng sóng, màu xanh mướt mát của vô số loài thảo mộc trên đảo đá phủ một thứ bình yên lên mặt biển. Những chuyến tàu khách, tàu cá, tàu hàng, thuyền mủng lại qua tấp nập. Xa xa, một con tàu cao tốc đang vút đi trên nền sóng trắng, như một con cá nhỏ ở tít phía chân trời.

Trong khoang, tiếng người nói chuyện ồn ào át cả tiếng máy tàu. Con người ở đây là thế, ăn với biển, sống với biển, bám biển cả những lúc biển động sóng gầm nên tiếng nói ào ào như nước. Cả tàu khách toàn người dân đảo, sau chuyến đi huyện về mang theo cơ man nào hàng hóa. Khách du lịch thì chẳng muốn ngồi yên trong khoang tàu rồi, họ đứng ngồi bên ngoài, trên nóc tàu, thỏa sức ngắm cảnh, chụp lại những hình ảnh đẹp của biển…

tình yêu của biển

Tuuuu…tuuuu...tuuuu… Tiếng còi tàu vang lên, báo hiệu tàu sắp cập cảng. Từng nóc nhà nhỏ hiện lên giữa mênh mông sóng nước, giữa bạt ngàn cây rừng. Thanh nôn nao quá, muốn chạy thật nhanh lên cảng để về với mẹ.

- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Thanh rối rít gọi mẹ dù mới về tới ngõ. Ngôi nhà đơn sơ chẳng thay đổi gì trong những năm cô đi học xa. Mỗi lần về thăm nhà chỉ thấy vườn cây thay lá khác. Để túi đồ xuống giường, Thanh chạy mau xuống bếp. Một chậu đầy ốc đá, ốc tai, vạng rùa và ngao giấy. Thanh ngồi xổm, nhặt mấy con ốc đá lên tay, thật là thích quá, chắc mẹ mới đi bãi về, hôm nay nước vẫn ròng cơ mà.

- Về rồi hả con? Sao không gọi điện cho cậu ra đón? Mẹ Thanh bỏ chiếc nón với cái liềm xuống sàn, hớt hải chạy đến bên con gái. Ngồi xuống đây con, ngồi đây cho mát. Mẹ kéo cái quạt lại gần, bật số to nhất như sợ con gái nóng.

Thanh thấy mình bé quá, nhà chỉ có hai mẹ con, lúc nào với mẹ Thanh cũng như còn bé lắm. Mẹ vẫn mặc chiếc áo làm vườn lấm đất và nhựa cây, trán rịn mồ hôi. Thanh đưa tay vén lên mấy sợi tóc rơi trên trán mẹ.

- Mẹ lúc nào cũng tất bật, giờ con về rồi, con đỡ đần việc nhà cho mẹ.

Bữa cơm trưa có canh ngao rau dền, cá đối kho vỏ bứa, ốc đá luộc. Thanh ăn liền hai bát mà vẫn thấy thèm thuồng. Mỗi khi xa nhà, Thanh cứ nhớ, cứ thèm đến quay quắt bữa cơm mẹ nấu.

Buổi trưa không ngủ, cô ra vườn, nắng xuyên qua đám lá của hàng cây lưu niên, không khí đượm mùi cây cối, mùi nhựa non. Hoa nhãn rơi tả lả theo từng cơn gió. Thanh ngồi xuống chiếc võng, đẩy chân đu qua đu lại, cô nghe tiếng sóng biển rì rào. Ngước mặt nhìn tia nắng chói, mọi thứ lóa đi trước mắt Thanh, chẳng lẽ chuyện trước đây chỉ còn lại như giấc mơ trưa. Lòng cô chợt nhói lên, cảm giác nhớ thương và đau khổ. Chẳng phải có lúc đã từng ước hẹn! Sóng lại vỗ về gành đá, biển và đảo cứ mãi bên nhau, bao đời nay mà sao đời người phải chịu nhiều chia cắt? Gió lại thổi, cả vườn cây vi vu, hoa rụng, cơn buồn ngủ cũng nặng dần trên mi người con gái.

Qua khung cửa sổ, người mẹ lặng nhìn đứa con gái yêu. Đứa con là một đời của chị…

Hôm nay là tròn hai tháng Thanh đi dạy. Trống tan trường, Thanh nhìn đồng hồ, vậy là không kịp về qua nhà rồi. Tối nay, đơn vị tổ chức văn nghệ chào đón tân binh và sĩ quan, mà trường Thanh lại là bên kết nghĩa. Một đợt ra quân là một đợt người đi, trong số đó hầu như ít ai trở lại. Thế mà ngày xưa, nơi này đã có những người ngóng trông đỏ mắt.

Buổi giao lưu văn nghệ bắt đầu với những ca khúc về biển đảo. Trường Thanh có tham gia vài tiêt mục giao lưu nhưng Thanh chỉ làm khán giả. Chiều nay, cô dạy liền năm tiết nên có chút mệt mỏi, Thanh khẽ than trời khi cô bạn ngồi cùng chạy biến vào cánh gà, thế này biết lấy vai ai để mà dựa dẫm? Đang loay hoay  “bất mãn” với sự tình, Thanh chẳng có lòng dạ nào mà nghe hát. Trên kia, giữa sân khấu nhỏ, giai điệu mượt mà cất lên, vừa hùng tráng vừa dịu dàng làm sao “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa…” Tiếng hát vừa cất lên, tim Thanh như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực, trước mắt cô là ai thế này? Người sĩ quan hải quân có vầng trán cương nghị và đôi mắt sáng. Anh cười hiền hòa. Chẳng phải anh đang ở vùng 3 hay sao? Sao anh lại ở đây? Sao anh đến mà không báo cho cô ? Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu Thanh, cảm giác xúc động dâng tràn, không được khóc, không được khóc, Thanh tự dằn lòng.


tình yêu của biển

Họ gặp nhau khi đêm văn nghệ đã tàn, vườn hoa trong đơn vị chỉ còn sót lại mấy bông hồng nhung nhưng cũng đủ tỏa mùi thơm ngào ngạt. Hương lá bạch đàn quẩn quanh đâu đây. Gió đêm mát lạnh, họ nói với nhau những câu thì thầm nho nhỏ, gió cũng thì thào.

Buổi sáng chủ nhật, anh xin phép đơn vị ra ngoài.

- Anh tìm ai?

- Dạ cháu chào cô ạ! Cháu là bạn của Thanh.

- Thì ra là bạn con Thanh, cháu vào nhà đi, em nó ở sau bếp, để cô đi gọi nó.

Anh ngồi xuống ghế, ngôi nhà nhỏ nhưng mát và gọn gàng, xung quanh là một vườn cây xanh mướt.

Thanh đang ngâm dở bình thanh mai thì nghe mẹ gọi. “Con có bạn đến chơi kìa, để đây lát mẹ bỏ đường cho, lên nhà đi.” Mẹ vừa thu dọn đám cành lá và quả xanh vừa đẩy Thanh lên nhà. Nghe mẹ nói Thanh ngờ ngợ, chẳng lẽ anh lại đến nhà tìm cô sao? Nghĩ thế Thanh hớt hải chạy lên nhà.

- Anh đến sao không gọi trước cho em? Thanh bối rối, khuôn mặt cô hơi tái đi.

- Em đừng lo. Anh chỉ muốn đến thăm mẹ và em. Anh vội vàng trấn an cô, ánh mắt hết sức dịu dàng.

Tiếng dép loét quét ngoài sân, Thanh biết là mẹ sắp đi vào, nói gì với mẹ về anh đây? Thanh lo lắng.

- Hai đứa uống đi. Nước thanh mai cô ngâm từ tháng 3 đấy. Mát lắm. Mẹ bưng khay nước giải nhiệt mời khách, hồ hởi hỏi chuyện:

- Chắc cháu mới từ huyện ra phải không? Cháu là bạn học hay dạy cùng với Thanh?

- Dạ. Cháu quen Thanh từ khi Thanh còn đi học ạ. Cháu là hải quân, mới về đơn vị trên đảo mình.

“Hải quân”, hai từ đó khiến Thanh đứng tim, vội quay sang nhìn mẹ. Người mẹ lặng người. Thanh vội vàng lên tiếng: “Con xin phép mẹ đưa anh ấy đi thăm trường học.” Cô luống cuống đứng dậy kéo anh ra khỏi cửa.

Anh chỉ kịp nói “Cháu xin phép” thì đã thấy hai người lao ra khỏi cổng nhà. Anh và cô đi một chặp thì ra đến biển, họ đi dọc theo gành đá, tiếng sóng ì oạp vỗ bờ, thi thoảng sóng mạnh tung cả bọt trắng lên người. Mùi cây cối hoang sơ, nước mặn ngập rễ cả rừng cây sú. Đang là mùa hè, hoa tra nở rộ, sáng vàng, trưa cam, chiều đỏ. Hoa thay màu như thủy triều lên xuống. Cô cúi nhặt một con ốc hương, nhìn xa xa. “Em không muốn xa anh...nhưng em cũng không muốn mẹ buồn, mẹ đã khổ nhiều vì em.”

- Anh biết.

Anh nhẹ nhàng ôm lấy cô từ phía sau, hôn nhẹ lên tóc: “Anh xin chuyển về đây để được gần em. Anh không muốn mất em. Anh nghĩ là mẹ sẽ hiểu cho anh và em.”

Cô quay lại nhìn anh, người con trai mà cô yêu, anh đen đi nhiều vì nắng và gió biển. Ở anh có sự rắn rỏi của một người lính. Hai năm nay anh đóng quân tận vùng biển xa nhiều tranh chấp, cô đã từng lo cho anh mòn mỏi, nỗi lo ăn sâu vào mỗi giấc ngủ, có đêm nào cô ngủ yên mà không mơ thấy anh. Gặp nhau, yêu nhau rồi xa nhau, xa rồi gặp, gặp rồi xa, bao nhiêu thương thương nhớ nhớ. Nhưng rồi cô nghĩ đến mẹ, nghĩ đến cuộc đời giông gió của mẹ, nghĩ đến yêu thương mẹ dành cho mình, cô lại trăn trở.

Ngày bé, mỗi lần thấy bạn bè tụ tập chờ bố đi biển về, đứa con gái nhỏ lại đứng một mình, tự hỏi sao người ta có bố còn mình thì không. Nó về hỏi mẹ, mẹ chỉ khẽ thở dài rồi quay đi, hình như nó thấy mẹ lau nước mắt. Đêm trời bão, hai mẹ con ôm nhau nghe gió rít từng hồi, mưa quật mạnh lên mái nhà, lại dột. Mẹ đi rừng, đi bãi, nó chơi ở nhà ông ngoại rồi chơi rong với lũ trẻ khắp xóm, nó mang máng nghe người ta nói bố nó là hải quân, quê ở đâu xa lắm, ra quân rồi đi miết chẳng quay về đây, có đứa con cũng không nhận. Đầu óc non nớt của một đứa trẻ con đâu đã biết nghĩ nhiều, nó chỉ thấy mình không có bố giống các bạn, chỉ thấy mẹ nó có khi ngồi một mình thì lại khóc. Lớn lên, đi học, mẹ dặn không được chơi với bộ đội, cấm có được vào đơn vị hải quân chơi. Nó đã biết hiểu, nó nghe lời mẹ. “Người ta không ăn đời ở kiếp ở đây như mình, đi là không có quay lại đâu con ạ.” Mẹ sợ đứa con gái của mẹ giống mình ngày xưa, phải tránh cho nó khỏi những sai lầm.

Nó vẫn rất ngoan, nghe lời mẹ dặn, thế rồi nó đi học xa, chẳng yêu đương ai. Thế mà nó lại yêu anh, anh sinh viên lục quân hơn hai khóa, họ quen nhau trong buổi giao lưu giữa hai trường đại học. Rồi anh ra trường, được phân công công tác ở hải quân vùng 3, nơi đó, giữa thời bình vẫn có những sự hi sinh, vẫn có máy bay quân bành trướng gào rú trên bầu trời, vẫn có tàu lớn chực chờ xâm phạm lãnh thổ quê hương. Anh ở nơi đầu sóng ngọn gió, nó chỉ biết thương anh hơn. Đôi khi, nó nghĩ đến sự xa cách, nghĩ đến tương lai, nghĩ đến người mẹ vẫn luôn mong nó được hạnh phúc từng ngày. Yêu anh là thế, nhưng rồi tốt nghiệp nó sẽ về đảo, còn anh cứ xa xôi như vậy, biết đến bao giờ mới có thể ở bên nhau? Hạnh phúc tìm ở đâu khi mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Vậy mà, giờ đây, hai người lại ở bên nhau. Chiều về buông từng vệt nắng nhạt lên bãi cát, rặng phi lao xào xạc, dưới gốc, từng chùm quả đen rụng, hứa hẹn sẽ mọc lên những cây phi lao mới xanh rì...

Thanh trở về nhà, mẹ đang ngồi lượm vỏ bứa khô.

- Con và cậu ta...?

- Chúng con yêu nhau ba năm rồi. Anh ấy mới xin chuyển về công tác ở đây. Thanh ngập ngừng: “Mẹ à…chúng con thật lòng yêu nhau…con xin lỗi vì đã không kể về anh ấy với mẹ.”

Mẹ nhìn Thanh, khẽ thở dài: “Thôi đi tắm rửa chuẩn bị ăn cơm.”

Cơn giông ập đến khi trời vừa tối hẳn, mưa ào ào như trút nước. Người mẹ trở mình. Nhìn ánh mắt của con, chị thấy mình thật có lỗi, nó yêu thương ai đâu có tội tình chi, vậy mà...Chị sinh con cũng vào một ngày trời mưa gió, một thân một mình vật lộn giữa cơn đau, bố mẹ chị nhìn con nhìn cháu mà thương xót. Ông ngoại đứa bé không ngớt lời nguyền rủa thằng bố nó là kẻ đê tiện, xấu xa. Chị chỉ còn biết cắn răng chịu đựng, nuốt cay đắng thống hận mà nuôi con. Anh ta hứa hẹn ra quân rồi sẽ xin gia đình cưới chị. Chị tin tưởng, bố mẹ chị cũng tin lòng. Ai ngờ anh ta đi mãi chẳng quay lại. Bao chuyến tàu khách ra vào, chị ngóng chờ mà bặt tin.

Qua ngày tháng, chị nhận được phong thư, từng dòng chữ như cứa vào tim gan chị. Anh ta cầu xin chị tha thứ, bố mẹ anh ta không chấp nhận một người con dâu ở đảo, lại ít học. Anh ta đã lấy vợ rồi, người vợ làm công chức ở gần nhà, hai bên gia đình đi lại đã lâu. Người đó nói chị hãy quên anh ta đi. Chị không biết là cười hay là khóc, như một kẻ ngớ ngẩn cứ gào thét trên bãi cát, chị ào ra biển, người ta cứu chị lên, rồi chị biết mình có mang. Chị hận người đàn ông đó nhưng con là con của chị. Chị phải sống để đẻ nó ra, nuôi nó lớn. Người đời cười chê nhưng chị may mắn có gia đình không bao giờ xa lánh chị. Hai mẹ con sống trong sự yêu thương đùm bọc của ông bà, của các cậu, các dì.

Năm tháng qua đi nhưng chị vẫn hận kẻ bạc tình. Rồi chị lại nhận được một lá thư, nét chữ nguệch ngoạc, yếu ớt, lá thư không cầu xin tha thứ, người đó biết đã để lại đây giọt máu của mình, người đàn ông khẩn cầu được gặp con một lần duy nhất, trước khi chết, ông ta đã mắc bệnh hiểm nghèo...Chị đốt nó như đốt lá thư lần trước, chị không hồi âm. Ông ta không có quyền nghe con chị gọi ông ta là bố. Ông ta đã khiến chị khổ một đời thì chị sẽ để cho ông ta hối hận cho đến lúc chết...Cho đến tận sau này, chị vẫn day dứt khi nhìn con gái, chính chị đã tước đi cơ hội gặp bố của nó, liệu biết chuyện, nó có hận chị hay không?

Mưa lại ào thêm, chị vẫn trở mình đều, cái cách mà chúng nó nhìn nhau, thật khiến chị đau lòng. Con chị đã yêu thật rồi, đã yêu lâu rồi mà chị không hay biết, chị làm mẹ thế nào đây? Chị không nỡ chia tách chúng nó, nhưng chị lo lắng, sẽ ra sao nếu con giống chị. Mà làm sao có chuyện đó, bây giờ khác ngày xưa, con chị vừa đẹp người đẹp nết, công việc lại đàng hoàng. Cậu trai đó, cũng vì con chị mà chuyển công tác về đây... Dòng suy nghĩ cứ miên man, trời hưng hửng sáng thì cơn mưa cũng dứt.

tình yêu của biển

Buổi sáng, hai con mắt của Thanh sưng lên như hai quả táo tàu, mẹ nhìn Thanh mà xót ruột. Người mẹ chép miệng: “Cuối tuần gọi nó đến đây ăn cơm, thưa chuyện với mẹ đàng hoàng.”

- Dạ! Thanh lắp bắp như không tin vào tai mình. “Mẹ nói gì cơ ạ?”

Mẹ cô xóc xóc lại vạt áo, búi tóc để chuẩn bị làm vườn: “Bảo nó đến đây ăn cơm,  rồi mẹ mời cả ông bà ngoại với cậu sang, làm gì thì cũng phải biết trước biết sau.”

Thanh chỉ còn nước ôm chầm lấy mẹ vì sung sướng. Hai mắt sưng húp tít lại trông chẳng khác nào chú hề. Lúc đó, ở đơn vị, có người vừa cầm điện thoại vừa thở phào, cười đến ngoác miệng, lâu rồi mới thấy anh cười tươi như thế. Như nhớ ra điều gì, a vội bấm số mới:

- Alo, chú Phương ạ! Chú gọi cho mẹ của Thanh giúp cháu nhé!

Đầu dây bên kia chỉ nghe thấy những tràng cười vô cùng sảng khoái, tiếng nói ào ào như nước vậy.

Mẹ gọi Thanh ời ời, từ vườn xộc ngay vào nhà, đến dép cũng không bỏ, mang theo cả cân đất, có gì như gấp gáp, quan trọng lắm.

- Gì thế mẹ? Thanh sốt sắng hỏi.

Thì ra là vậy. Thanh nghe mẹ kể vừa nhận được điện thoại của một người bạn cũ. Chú đó ngày xưa đóng quân ở đảo, làm cấp dưỡng nên hay vào nhà dân xin khoai xin sắn, chú ấy béo tròn, vui tính nên mọi người rất quý. Ai ngờ đó lại là chú họ của người yêu con Thanh. Chú ấy bảo, sang tháng gia đình bên đó sẽ ra đây, một là thăm tình hình ăn ở, làm việc của con trai mình, hai là...

Thanh đỏ mặt tía tai, chẳng kịp nghe mẹ nói hết đã vụt chạy ra ngoài. Mẹ thừa biết cô chạy đi đâu nên kệ, chỉ cười xòa.

Bóng hai người đổ dài trên bờ cát, những con sóng lém lỉnh, ào vào trêu chọc đôi chân rồi lại chạy tít ra ngoài xa. Cát mịn màng như bờ môi người thương, nước mát lạnh như xoa dịu mọi nỗi đau trên đời. Con trẻ vẫy vùng trong làn nước mát, rí rách cười đùa. Những người đi biển trở về, mệt mỏi nhưng vẫn vui vì hôm nay thuyền nhiều cá.

Một đôi sam biển bám dính lấy nhau.
Một đôi người ngồi bên nhau.

Lặng ngắm hoàng hôn, hoàng hôn cho những sum vầy hạnh phúc.

Hà Nội, 24/06/2014

•    Lê Ngọc Yến



Bài dự thi "Hạnh phúc vẫn đủ chỗ cho ta". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn để lại bình luận cuối bài viết tại website hoặc like và chia sẻ lại link bài viết từ trang fanpage facebook.com/yeublogviet

VIẾT ĐỂ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC, LAN TỎA HẠNH PHÚC VÀ NHẬN NHỮNG GIẢI THƯỞNG HẠNH PHÚC! 



MỜI BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ TÌM HIỂU VỀ CUỘC THI VIẾT "HẠNH PHÚC VẪN ĐỦ CHỖ CHO TA"

Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn.


Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Giá như...

Giá như...

Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.

Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985

Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985

Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.

Crush

Crush

Bất cứ khi nào mà thấy chúng tôi đi cùng nhau là y như rằng đám bạn đó hú hét dữ dội. Nhưng chúng tôi không quan tâm, vẫn làm bạn với nhau như bình thường, nói chuyện và đi học chung. Tôi vẫn thế, chôn cất cái tình yêu ấy vào trong lòng, chờ đến khi chúng tôi 18 tuổi thì chúng tôi sẽ yêu nhau.

Người thầm lặng 20/10

Người thầm lặng 20/10

Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.

Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?

Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?

Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.

Lá thư tình không gửi

Lá thư tình không gửi

Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.

Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn

Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn

Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.

Theo bạn, như thế nào là ổn định?

Theo bạn, như thế nào là ổn định?

Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.

Mùa đông – 2017

Mùa đông – 2017

Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.

4 con giáp là 'thần giữ của'

4 con giáp là 'thần giữ của'

Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.

back to top