Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tình quê ấm áp

2022-12-21 01:20

Tác giả: Hoàng Ngọc Thanh


blogradio.vn - Những món quà quê, dù chỉ là hạt đậu củ khoai, trái chanh nải chuối nhưng thấm tình thương mến của người với người dành cho nhau, đó là thứ mà không gì có thể đổi lấy được. Giờ đây, khi ai hỏi “Cô là người thành phố hay ở tỉnh.” Tôi sẽ ưỡn ngực tự hào mà nói “Tôi ở quê.” Hai chữ quê nhà nghe thân thương quá đỗi. Bởi nơi ấy có hồn quê bình dị và tình người ấm áp như thế.

***

Lúc nhỏ sống ở quê, điều kiện thiếu thốn, lấm lem bùn đất, nhìn mấy anh chị họ ở thành phố sạch sẽ đủ đầy mà ngưỡng mộ. Mỗi lần nghe ai đó nói “người nhà quê” thấy ngượng ngùng tủi thân lắm. Bây giờ, sau bao năm sống ở cái thành phố đông đúc náo nhiệt này, thấy yêu lắm hai chữ “quê nhà”, như chốn bình yên để nhớ, để xoa dịu, để về.

Về quê, rủ bỏ náo nhiệt của phố phường, yên ả đón mặt trời mọc trên những ruộng vườn xanh mướt. Nhìn từng giọt sương mỏng manh tan chảy dưới tia nắng đầu ngày. Ngắm đàn bò thong dong vừa đi vừa gặm cỏ, bầy vịt kêu quang quác kiếm mồi dưới đồng ruộng mới gặt xong. Nghe tiếng ếch nhái, ễnh ương rền rĩ sau những cơn mưa dầm, tiếng ve ra rả vào ngày nắng cháy, tiếng dế réc réc dưới ụ đất sau vườn.

Về quê, những món ăn dân dã không bao giờ cạn. Cắp cái rổ đi hái lá me non, về nấu nồi canh chua với cua đồng, ngắt mấy đọt rau lang mơn mởn xào tỏi, thêm vài con mắm cá, là có bữa cơm ngon lành. 

Vào ngày mưa, ra sau vườn hái nấm mọc trong mấy bụi chuối, đem về nửa kho tiêu, nửa nấu canh với lá bình bát mọc dại bên rào, thơm ngon giòn ngọt. Dây bình bát ở quê tôi khác với cây bình bát ở miền tây, lá nấu canh ăn rất ngọt, trái chín chuyển màu từ xanh thẳm sang đỏ rực, vị chua chua. Lúc nhỏ chúng tôi không có quà bánh gì, thường hái mấy trái đỏ mọng tranh nhau ăn, ăn chán rồi đem ra làm đồ hàng, bứt thêm mấy cọng cỏ gà, gom lá mít tết đủ hình đủ kiểu, bấy nhiêu đó chơi cả ngày không biết chán.

qeu_3

Người nhà quê chúng tôi, gặp mặt gọi nhau: thằng Cu, con Cọc, thằng Xị, con Lùn... Sau con cái được đặt tên Bơ, Mít, Na, Nụ nghe đã xịn sò lắm. Mà những cái tên tròn trịa khác cũng bị phát âm địa phương làm cho méo mó: Hoan thành Hon, Khoa thành Kho,...

Hồi mới lên thành phố học, vô tình gặp lại đứa bạn cùng quê, hai đứa biết nhau từ thuở mặc quần thủng đít. Tôi vui mừng, gọi “Tủn ơi, Tủn à”, thấy nó trốn luôn, không dám nhận bạn vì quê quá. Giờ đây, sau mấy mươi năm gặp lại, những tiếng gọi Tí, Tèo nghe sao gần gũi thân thương.

Người nhà quê sống với nhau, nghèo tiền nghèo bạc nhưng đong đầy tình làng nghĩa xóm.

Tôi nhớ lúc nhỏ, xóm tôi ở nghèo lắm, kiểu nghèo từ đầu trên tới cuối ngõ, lâu lâu mới được ăn một bữa ngon. Nhà nào có món gì, cũng phần cho hàng xóm. Đứng bên hàng rào trồng bằng cây me thấp tè, người này í ới gọi người kia: “Thím Chín ơi, ra bưng tô canh chua nè”, “Cô Hai ra cầm mấy con cá khô”, “Chị Bảy ăn chè khoai môn hôn...”. Mỗi lần được cho món gì, anh em tôi xì xụp chia nhau, vét đến tận đáy, còn xuýt xoa thòm thèm. Mẹ tôi thường nói “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn.” Sau này mẹ lên sống với tôi, mang theo thói quen chia sẻ như thế cho xóm giềng, dù ở chốn thành thị, nơi tôi ở vẫn có một xóm gần gũi với nhau như vậy.

Bao năm đi xa, tôi vẫn nhớ như in về đám giỗ ở quê mình. Nhà nào một năm cũng có một cái đám giỗ to để trước cúng ông bà tổ tiên, sau đãi hàng xóm láng giềng. Những nhà xung quanh, có gì góp đó, tối đến cùng nhau gói bánh tét, bánh ít, làm bánh bò, bánh bông lan, tiếng cười nói chuyện trò rôm rả. Qua hôm sau, cúng kính xong ăn uống no say, mỗi người còn được phần đem về, đủ loại bánh trái “Đem về cho mấy đứa nhỏ ở nhà.”

Người nhà quê dù thiếu thốn vật chất nhưng giàu lòng hiếu khách, mỗi lần có bà con phương xa về thì đem hết đồ ngon ra thiết đãi.

Có lần tôi đưa mẹ về quê chơi, cậu Năm lẳng lặng đạp xe đi về gần ba mươi cây số, mua con ếch òn cho hai mẹ con. Dáng người cậu nhỏ choắt, da sạm đen vì sương gió, cọc cạch đạp xe về, ghi đông xe lủng lẳng chùm ếch, miệng nở nụ cười trên gương mặt nhăn nheo.

“Em mua được đặc sản cho chị Hai đây.”

Mẹ tôi nói với cậu “Ăn gì cũng được, cậu đi chi cho mệt vậy?”

Cậu nhướng mắt trả lời, vẻ thông thạo.

“Đây là đặc sản của người Chăm, chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm, vào đầu mùa mưa. Mà chỉ có tầm nửa tháng là hết. Chị may lắm mới về đúng dịp mà thưởng thức đó.”

Bữa ăn đó có nhiều món, nhưng món ngon nhất chính là món ếch òn cậu mua về, vì nó thấm vị mặn của giọt mồ hôi do cậu đã đi một quãng đường dài, vì nó chứa vị ngọt của người ở quê nhà đón tiếp kẻ phương xa trở về.

que_31

Mỗi lần về quê, bụng tôi lúc nào cũng căng cứng bởi bao nhiêu là món “ngon nhất của nhà tui”.

Dì Ba biết mẹ tôi thích gà ta, dì bắt con gà to nhất luộc mang sang, mẹ tôi dặn:

“Nhớ đem nước luộc qua đây nấu cháo cho ngon.”

Dì cho nước luộc gà vào túi, lúc mang tới nơi, túi gà thì còn, túi nước chỉ còn mỗi cái túi, phần nước luộc bị chảy ra ngoài hết. Mọi người nhìn nhau cười:

“Con gà này nó không thích đem nấu cháo.”

Dượng Ba, không còn trẻ khoẻ gì, vẫn trèo lên bụi hồng leo đầy gai, hái lá sương sâm xuống, đem xay rửa lúi húi cả buổi:

“Ăn cho mát. Ngoài chợ người ta làm sao sạch sẽ bằng mình.”

Dượng Tám, bị tai biến nửa bên không cử động được, nằm trên giường luôn miệng nhắc dì Tám.

“Nhớ đưa trứng gà cho con Thanh mang về cho con của nó ăn.”

Tôi nhìn chục trứng được gói ghém cẩn thận, chưa kịp nói gì thì dì đã lên tiếng.

“Gà nhà dì Tám nuôi, gà chỉ ăn lúa thóc, sạch sẽ, con đem trứng về trỏng cho cháu nó ăn cho bổ. Dì gói kĩ lắm, con mang cẩn thận, kẻo bể thì uổng.”

Dì Út, trồng vườn mít để bán, nghe anh em tôi về sẽ dành lại những trái ngon nhất. Rồi ngày ngày ra thăm “Sợ lúc con về nó không kịp chín hay chín quá thì uổng.”

Dì để dành từng ký đậu, phơi từng miếng măng làm quà biếu: “Nhìn nó xấu xấu vậy mà ngon lắm nhen.”

Dì Bảy, dì Tám, dù nhà có đám tiệc bận rộn, vẫn lăng xăng, chạy ngày mấylượt ra chợ mua món này, món kia cho tôi ăn, cho tôi mang về. Tôi nói đùa “Dì mua hết cái chợ luôn cho con mang về là đủ.”

“Dì biết trong đó không thiếu thứ gì. Nhưng mà đồ ngoài này tươi ngon, sạch sẽ. Lâu ngày con mới về, chịu khó mang vô trỏng để dành ăn.”

Người nhà quê, chị em trong nhà thương mến nhau đã đành, hàng xóm láng giềng cũng hồ hởi không kém.

que_1a

Có lần tôi rủ đứa bạn đón xe khách về chơi. Lần đầu bạn ấy đến quê tôi, tôi dặn đi dặn lại chỗ để báo nhà xe dừng lại, vậy mà bạn vẫn bị cho xuống ở một quán cà phê cóc, nơi cách nhà khá xa. Tôi loay hoay vừa định chạy xe ra đón, ngoài ngõ đã thấy bạn được anh Tám chở về. Bạn tưởng anh Tám là xe ôm, gửi tiền anh ấy nhất định không lấy “Tui chở dùm thôi.”

Thì ra, anh Tám đi uống cà phê ở quán đó, thấy bạn tôi loay hoay nhìn bên này ngó bên kia, đoán là tìm nhà người quen. Anh hỏi thăm biết được bạn tìm nhà tôi, vậy là nhanh nhẹn nói: “Nhà nó ở đầu dưới kìa. Lên xe tui chở về cho.” Vèo một cái, đưa bạn ấy về tận nhà tôi.

Rảnh rỗi sang thăm nhà dì Năm, lúc về được dúi cho nào chuối, nào đậu, thêm mấy món dì trồng trong vườn. Nếu xe còn chỗ để chắc dì còn cho nữa.

Tới nhà chú Tư mua thang long, chú cười “Tụi bây như con cháu trong nhà, cho chứ bán buôn gì. Thanh long mùa này rẻ mà, đừng có lo.”

Bao nhiêu là món, lúc về không biết khuân kiểu gì. Thùng lớn thùng nhỏ hết chỗ chứa, mấy món còn sót lại dì dán băng keo dính lên nắp thùng. Lỉnh ca lỉnh kỉnh, trông như người đi buôn.

Những món quà quê, dù chỉ là hạt đậu củ khoai, trái chanh nải chuối nhưng thấm tình thương mến của người với người dành cho nhau, đó là thứ mà không gì có thể đổi lấy được. Giờ đây, khi ai hỏi “Cô là người thành phố hay ở tỉnh.” Tôi sẽ ưỡn ngực tự hào mà nói “Tôi ở quê.” Hai chữ quê nhà nghe thân thương quá đỗi. Bởi nơi ấy có hồn quê bình dị và tình người ấm áp như thế.

© Hoàng Ngọc Thanh - blogradio.vn                             

Xem thêm: Giá có thể trốn phố về quê | Family Radio

Hoàng Ngọc Thanh

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Giá như cậu biết sống làm người tốt sớm hơn!

Giá như cậu biết sống làm người tốt sớm hơn!

Thật sự, giờ cậu đã hiểu ra tôi và biết thương tôi. Cái ôm hòa giải gỡ bỏ mọi nút thắt suốt tám năm qia. Đó cũng là lần đầu và cũng là lần cuối cùng cậu thật tâm xem tôi là chị dâu của cậu, chúng tôi được là chị em.

Đa ơi

Đa ơi

Đa ơi! Sao buồn thế Trông bọn trẻ đến tìm Suốt thời gian im tiếng Lặng lẽ một niềm riêng

Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em? (Phần 5)

Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em? (Phần 5)

Cảm ơn cuộc gặp gỡ ấy đã đưa chúng mình từ hai người xa lạ đến với nhau thành người thương. Từ nay mình không còn một mình nữa mà có người cạnh bên quan tâm và yêu thương.

Làm gì để sống hạnh phúc?

Làm gì để sống hạnh phúc?

Chính bản thân bạn, sống trong chính câu chuyện của mình nhưng cũng không biết mình có đang thực sự hạnh phúc hay đang cố ích kỷ che đậy một vết thương cũ.

Thuận vợ thuận chồng

Thuận vợ thuận chồng

Dù có lúc “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nhưng cuối cùng họ vẫn nghĩ đến cái nghĩa cái tình, vẫn “ăn đời ở kiếp” với nhau, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, giữ cho tổ ấm gia đình luôn được bền vững, tốt đẹp.

Các tầng mây

Các tầng mây

Tôi muốn có một người ngang tầm với mình, không phải về gia cảnh mà là mindset, anh có thể giàu hoặc nghèo hơn tôi nhưng về tư duy sống thì chúng ta phải đồng điệu.

Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em? (Phần 4)

Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em? (Phần 4)

Có lẽ mình là một cô gái may mắn và hạnh phúc khi nhận được lời tỏ tình trực tiếp như thế. Có thể những lời tỏ tình có thể không quá ngọt ngào trau chuốt thế nhưng lại thật chân thành. Ngày trước lúc mình chọc anh thế mối quan hệ của cả hai đang là gì, anh bảo rằng bản thân không muốn nói những lời quan trọng thông qua tin nhắn. Có thể thấy anh nghiêm túc với mối quan hệ này như thế nào.

Yêu lắm quê mình

Yêu lắm quê mình

Dẫu bộn bề, thiếu thốn, dẫu ngược xuôi chạy ăn từng bữa, nhưng ai nấy đều sống thiện lương, đều ước mơ và tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở tương lai phía trước. Người quê tôi tin rằng “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, đời ông bà, bố mẹ khổ nhưng chắc chắn đời con cháu rồi sẽ sung sướng.

Thăm thẳm chiều trôi

Thăm thẳm chiều trôi

Có một chiều em đến góc phố quen Lòng chợt nhớ bao dấu yêu ngày cũ Lòng chợt nhớ một chiều thật xa thẳm Một chiều trong hoàng hôn đã có mỗi đôi ta

Tình yêu mãi vững bền

Tình yêu mãi vững bền

Một tình yêu có rất nhiều người chen vào có rất nhiều người cùng yêu nhưng tất cả chỉ làm nhân lên hạnh phúc chứ chẳng có tranh dành thiệt hơn chẳng có thắng thua được mất.

back to top