Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nắm cơm của mẹ

2023-04-23 01:25

Tác giả: Hoàng Ngọc Thanh


blogradio.vn - Giờ mẹ tôi đã về với cát bụi. Rũ bỏ mọi đau đớn nhọc nhằn của một kiếp người. Thỉnh thoảng, tôi làm cơm nắm cả nhà cùng ăn, để nhớ về những ngày xưa khổ cực, để nhớ mẹ sống một đời giản dị mà vô cùng vĩ đại trong tâm tưởng của con cháu chúng tôi.

***

Sáng nay ngồi trên xe nhìn ngắm phố phường, bảng hiệu “Cơm kẹp” bỗng đập vô tầm mắt tôi. Tuy chưa ăn món của cửa hiệu này nhưng tôi đoán ngay được cách chế biến. Cơm nấu vừa ăn không quá khô hay quá nhão, lúc còn ấm đem ép lại cho chặt. Rồi kẹp với thức ăn khô như gà chiên, thịt chiên, dăm bông, thêm ít rau, vài món đồ chua thì không gì ngon bằng. Nói rành rẽ thế không phải vì tôi là đầu bếp giỏi giang gì, mà vì cái món giống vậy đã theo tôi suốt bảy năm thời trung học, và cái mùi vị của nó thì theo tôi đến tận bây giờ.

Thuở bé nhà tôi nghèo lắm, nhà bốn người mà chỉ có mẹ tôi là lao động chính. Mẹ tôi ốm yếu từ nhỏ. Sau một trận bệnh thập tử nhất sinh, nằm viện bảy tháng trời thì mẹ chỉ còn ba mươi lăm ký, mất sáu mươi phần trăm sức lao động. Mẹ tôi sống cùng với bệnh tim, phổi, xương khớp, thi thoảng còn thêm vài bệnh vặt khi trái gió trở trời. Vậy mà cái thân hình còm cõi đó phải gồng gánh chăm sóc hai anh em tôi khi còn nhỏ, nuôi chúng tôi ăn học. Chỉ với hai bàn tay trắng mà không có bất kì mảnh vườn miếng ruộng nào làm tài sản. 

Lúc đó, bữa cơm của gia đình tôi, khi rau khi cháo, có gì ăn đó, được ba bữa là may lắm rồi. Tôi thích nhất là mùa mưa, rau cỏ sẵn có, bữa ăn nhờ vậy mà được cải thiện. Trước nhà tôi có hàng rào trồng bằng cây me thấp tè, mưa xuống đọt non lún phún. Đến bữa cắp cái rổ hái lá me non, về nấu nồi canh chua với cá khô lẹp, con cá mỏng tang nhìn thấy cả xương, vậy mà nấu canh ngọt lịm. Hoặc ra sau nhà ngắt mấy đọt rau lang mơn mởn xào tỏi, thêm vài con mắm cá, là có bữa cơm ngon lành.

mam_com

Ngày mưa đất ẩm, nấm mọc trong mấy bụi chuối, nhổ về nửa kho tiêu, nửa nấu canh với lá bình bát mọc dại bên rào, thơm ngon giòn ngọt. Dây bình bát ở quê tôi khác với cây bình bát ở miền tây, lá nấu canh ăn rất ngọt, trái chín chuyển màu từ xanh thẳm sang đỏ rực, vị chua chua. Lúc nhỏ chúng tôi không có quà bánh gì, thường hái mấy trái đỏ mọng tranh nhau ăn, ăn chán rồi đem ra làm đồ hàng.

Những ngày nghỉ học, anh em tôi theo nhà hàng xóm đến ruộng đã gặt xong, bắt cua đồng hoặc mấy con cá lòng tong về làm món mặn. Có hôm cua kẹp sưng ngón tay, đau chảy nước mắt.

Hồi đấy cứ đến gần Tết, cũng là mùa gặt lúa, giá lúa rẻ, mẹ mua lúa về trữ trong nhà, để khi không làm ra tiền vẫn có gạo mà ăn. Mẹ tôi là thế, lo gần lo xa, lo mưa lo nắng, trăm bề đều lo.

Nhờ lo thế mà mẹ sợ anh em tôi thua thiệt, khổ một đời như mẹ, nên mẹ ráng chắt chiu, đói khổ mấy cũng cho hai anh em đến trường. Lúc ấy chúng tôi thuộc diện nghèo nên học phí được giảm một nửa, tập viết thì lãnh thưởng đủ xài, sách thì anh học trước để lại cho em. Chúng tôi không học thêm học bớt gì, chủ yếu là tự học ở nhà. Quần áo mặc lại của chị em họ ở thành phố, đỡ tốn kém. Thế mà cứ đến mùa tựu trường, tôi thấy mẹ thêm gầy gò, mất ăn mất ngủ, tiếng thở dài cứ tuôn ra thườn thượt.

Cấp một hai anh em tôi học ở trường làng. Từ khi học mẫu giáo, mẹ tôi đã dành thời gian dạy chúng tôi biết đọc biết viết, làm toán cộng trừ. So với các bạn đồng trang lứa thời bấy giờ thì như vậy đã là xuất sắc. Nên khi vô lớp một, tôi đứng đầu lớp. Cứ vậy mà giữ vững thành tích các năm tiếp theo. 

Lên cấp hai, chúng tôi không học ở trường làng nữa, mà thi đậu vào trường của thị xã. Từ nhà đến trường khoảng năm cây số. Thời đó học sinh chỉ học một buổi, nhưng tôi học lớp chuyên toán nên học hai buổi, sáng học theo chương trình, chiều học nâng cao theo tiêu chuẩn của lớp chuyên.

com-nam-muoi-vung

Nhà xa, học xong buổi sáng tôi ở lại trường, đợi chiều học tiếp. Trường tôi học sinh mặc áo dài từ lớp sáu. Lúc ấy dáng người tôi nhỏ xíu, thụng thịnh trong bộ áo dài mặc khính, bước đi còn sợ vấp, vậy mà phải chạy chiếc xe đạp yên cao, chống chân không tới. Tôi buộc tà áo dài lại, dùng ghim túm ống quần cho bớt rộng, hì hụi trèo lên xe. Mỗi sáng đi học mẹ vịn xe cho tôi leo lên, rồi đẩy lấy đà cho tôi chạy. Lúc về thì có bạn giúp. Hôm nào đi giữa đường mà gió to quá, lỡ lảo đảo tay lái, tuột khỏi yên xe là một phen khổ sở. Hình ảnh chật vật này trái ngược với hình ảnh nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha, giắt nhành phượng đỏ đạp xe đi về trong phim ảnh.

Những buổi trưa ở trường của tôi như vầy: học xong thay áo dài ra mặc đồ ngắn, đợi học sinh lớp sáng về hết thì giở cơm ra ăn, rồi leo lên ghế đá trong sân trường nằm nghỉ một chút, đến đầu giờ trưa học tiếp. 

Tôi nhớ thời đó, một dĩa cơm khoảng hai ngàn đồng. Trong khi, khẩu phần của cả nhà một ngày chỉ có bốn hoặc năm ngàn thì làm gì có tiền mà ăn hàng ăn quán. Thế là mẹ “cùng đi học với chúng tôi”. 

Mỗi buổi sáng lúc hai anh em dậy học bài, chuẩn bị đi học thì mẹ dậy cùng, nhóm bếp củi nấu cơm. Nhà tôi không có vườn cây nên không có sẵn củi, những ngày nghỉ học anh em tôi tranh thủ vào rừng cao su nhặt về, nên mẹ dùng củi rất tiết kiệm. Khi nồi cơm đã yên vị trên bếp lửa bập bùng, mẹ ra sau nhà rọc vài miếng lá chuối, đem hong trên nắp nồi cơm cho hơi héo. 

Cơm chín, mẹ bới ra tấm lá chuối đã lau sạch, cho thức ăn vào giữa, phủ cơm rồi ép lại chặt tay, gói vuông vức trông như chiếc bánh chưng vậy. Thức ăn thì vô chừng, lúc cá, lúc khô, khi thì mắm ruốc xào xả ớt – món này mẹ tôi làm ngon tuyệt. Có ngày mẹ kèm cho mỗi đứa một trái dưa leo ăn cho mát miệng.

Mẹ còn chu đáo chuẩn bị thêm cho mỗi đứa một chai nước. Lúc bấy giờ làm gì có được loại chai đẹp như Aquafina hay Lavie, mà là chai dầu ăn, mẹ đem súc cho sạch, ngâm nước lâu ngày cho bay hết mùi dầu rồi rót nước vào uống. Cái nắp chai dầu vàng chóe cứ ngoi lên khỏi miệng cặp, như tố cáo “Tui không có tiền nè”. 

Tôi học lớp chuyên của tỉnh, học sinh trong lớp đa số không phải giàu có thì là quyền thế, tiền bạc được cha mẹ cho rủng rỉnh. Đến giờ giải lao các bạn đi căn tin uống nước, ăn quà bánh. Còn tôi, có khát cũng ráng nhịn không dám lấy chai nước ra uống vì mắc cỡ, vì mặc cảm. Mặc dù ý thức được nhà mình nghèo, phải tiết kiệm, phải mang cơm nước theo đi học, phải vất vưởng buổi trưa trong trường. Nhưng tuổi nhỏ, mặc cảm thì không tránh được.

Cứ thế, đều đặn tuần sáu ngày, ròng rã suốt bảy năm trời, nắm cơm của mẹ đồng hành cùng chúng tôi đến trường. Chúng tôi lớn lên nên vóc nên hình, trưởng thành là nhờ nắm cơm ấy, học được bằng này bằng nọ cũng nhờ nắm cơm ấy.

com_nam

Vài phụ huynh của các bạn trong lớp biết chuyện, thương, nói tôi về nhà bạn nghỉ trưa cho đỡ mệt: “Con gái vất vưởng thế không hay.” Tôi có về nghỉ trưa ở hai gia đình tốt bụng của bạn học trong thời gian lớp tám và lớp mười hai. Nhưng chỉ tá túc chỗ ở chứ không nhờ miếng ăn. Mẹ vẫn gói cho con gái nắm cơm của mình, dặn dò:

“Ngon dỡ chi cũng là của mình, mang ơn người ta vậy đủ rồi, đừng có thành nợ rồi khó trả nghe con”. Ta nói, càng nghèo càng sĩ, cả mẹ và con đều thế. 

Câu chuyện vượt khó nuôi con ăn học của mẹ, và câu chuyện vượt khó học giỏi của con đã trở thành đề tài trong các lần họp phụ huynh, mấy cô dì gặp mẹ thì bắt chuyện hỏi:

“Mẹ Ngọc Thanh đây hả, chị giỏi quá, cố gắng nha chị, ở nhà em hay đem chuyện của chị và bé Thanh ra dạy mấy đứa nhỏ”.

Mỗi lần như thế tôi thấy mẹ vui lắm, tự hào lắm. Có lẽ nhờ vậy mà tiếp thêm cho mẹ nghị lực để nuôi hai anh em tôi vào đại học, để bắt đầu con đường sự nghiệp của mình.

Sau này đi làm, anh em tôi hay đưa mẹ ra ngoài ăn món này món nọ, nhưng thỉnh thoảng vẫn thèm mùi vị của cơm nắm, của món ruốc hay món cá khô mẹ làm. Cái mùi cơm quyện mùi lá thơm lừng ấy vẫn vấn vít tôi, khiến tôi nhớ như in, nhớ những giọt mồ hôi, nước mắt, những hi sinh một đời của mẹ, của cái thân hình ốm o bệnh tật, nhịn ăn nhịn mặc cho con cho đến trường. Mẹ đã gói cả tình thương yêu vào trong nắm cơm đó. 

Khoảng thời gian sau, chúng tôi có công danh sự nghiệp, nhưng mẹ vẫn chắt chiu từng món nhỏ nhặt như một thói quen đã ăn vào xương tủy. Cái áo mặc đến rách chưa chịu bỏ, cắt chỗ lành ra làm giẻ lau, cái túi nilon sạch cũng dành lại để khi cần có cái mà đựng đồ. Đặc biệt gia đình anh tôi và tôi đã thành nếp, không bỏ thức ăn thừa, lúc nấu sẽ canh vừa đủ, nếu dư thì cố ăn hết chứ không bỏ phí. Câu cửa miệng của mẹ tôi là: “Hồi đó có được vậy ăn là phước. Đồ ăn bỏ thì tội lắm.”

Mẹ tôi ngày càng già yếu, bệnh tật từ nhỏ cộng với sự khổ cực bao năm trời khiến tuổi già của mẹ bị hết bệnh này đến bệnh khác hành hạ. Có món ngon mà không ăn được, vì bác sĩ bảo kiêng, vì không có khẩu vị. Ép mẹ ăn món gì, mẹ chỉ chép miệng “Lúc trẻ ước có cái mà ăn, giờ có thì không ăn được.” 

Giờ mẹ tôi đã về với cát bụi. Rũ bỏ mọi đau đớn nhọc nhằn của một kiếp người. Thỉnh thoảng, tôi làm cơm nắm cả nhà cùng ăn, để nhớ về những ngày xưa khổ cực, để nhớ mẹ sống một đời giản dị mà vô cùng vĩ đại trong tâm tưởng của con cháu chúng tôi.

© Hoàng Ngọc Thanh - blogradio.vn

Xem thêm: Những giọt nước mắt của cha

Hoàng Ngọc Thanh

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hè còn đến

Hè còn đến

Con đường mùa hè của đứa trẻ còn quê là xuống bếp, lên nhà rồi ra vườn, chạy ra đồng rồi lấm lem ra về. Quãng đường này tôi đã đi mòn mấy mùa hè trước và thêm mùa này nữa cũng coi như trọn vẹn thời học sinh.

Em ra phố

Em ra phố

Sáng nay cô ra phố, Bích Loan thấy nhớ nôn nao chiếc xe bánh mì và câu nói của mẹ, mình chuẩn bị ra phố thôi con, dậy đi. Bây giờ cô cũng đang ra phố đây, cũng con hẻm quen thuộc cũng những ngôi nhà những gương mặt quen thuộc của biết bao người, cũng con phố đã bên cô bao năm tháng ngày xưa, mà sao hôm nay cô thấy thân thương lạ.

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con, dạy biết bao điều Mẹ dạy nhiều, con nhớ bao nhiêu? Lời mẹ dạy, con chẳng thèm giữ Vì lời mẹ cũng chẳng dễ nghe.

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Ai cũng mong vận may của mình sẽ thuận buồm xuôi gió trong cuộc đời, đặc biệt là về mặt sự nghiệp, tài lộc. Ba tháng tới sẽ là khoảng thời gian may mắn đối với bốn con giáp này. Họ sẽ có những chuyển biến tốt hơn, sự nghiệp thăng tiến và họ cũng có thể đạt được sự giàu có bất ngờ. Hãy cùng xem 4 con giáp này sẽ tận hưởng vận may như thế nào trong những ngày tới nhé.

Vượt qua niềm đau

Vượt qua niềm đau

Tôi nhận ra anh cũng thích tôi giống như tôi đã thích anh vậy. Phải chi tôi đủ dũng cảm để nói ra hết mọi chuyện với anh thì giờ đây tôi không phải hối hận nhiều đến vậy.

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Tuổi 22, nơi mà một người trẻ cảm thấy mình nhỏ bé giữa vũ trụ bao la của ước mơ và khát vọng, nhưng cũng không thể tránh khỏi áp lực thời gian và nỗi đau của sự thất bại.

Mơ

Chẳng hiểu sao những ngày đó cô có thể mơ những cái mơ lạ lùng như vậy, toàn là mơ những chuyện quá sức mình, vậy mà cũng mơ được. Vậy là thêm một lần mơ nữa vẫn cứ là mơ chứ cô không biến mơ thành thực được.

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Hiện nay, 5 thể loại sách chữa lành được độc giả ưa chuộng gồm sách khám phá bản thân, phân tích hành vi, kỹ thuật giảm căng thẳng, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Mỗi người một nơi, không ở cạnh nhưng luôn nghĩ về nhau, trái tim của hai đứa trẻ ấy vẫn luôn hướng về đối phương. Người ta hay nói “Xa mặt cách lòng”, giá như nó đúng với câu chuyện này thì hay biết mấy, sẽ không có hai người yêu nhau mà ôm nỗi tương tư như thế.

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Tôi nhớ mỗi tối nằm trong chăn ấm đều thiếp đi khi ngắm nhìn nó cuộn tròn ấm áp bên cạnh cái đèn ngủ bể cá giả sủi khí đưa đẩy những con cá nhựa lên xuống trong ánh sáng mờ màu xanh lam. Có lẽ đó là những năm tháng bình yên, vui vẻ nhất trong tuổi thơ của tôi và nó, cũng là những năm tháng mà tình bạn của chúng tôi gắn bó keo sơn nhất.

back to top