Phát thanh xúc cảm của bạn !

Thương lắm mùi đất quê

2020-12-27 01:05

Tác giả: Quang Nguyễn


blogradio.vn - Ông nhận ra không đâu rộng và đẹp như chính nơi mình chào đời. Mùi đất quê hương, là hơi thở của con người khi sinh ra tại đó. Và có lẽ, bất hạnh lớn nhất của đời người, là khi nhắm mắt xuôi tay, nằm sâu dưới lòng đất mà chẳng phải đất của quê hương mình.

***

Ông Tùng vui mừng, cầm visa mới được cấp khoe với bà con lối xóm. Vậy là không bao lâu nữa ông sẽ qua Mỹ sống luôn bên đó. Giấc mơ mà ông ấp ủ từ bấy lâu, nay đã sớm trở thành thật, đó là một niềm vui to lớn, hạnh phúc nhất của cuộc đời ông. 

Ông có một thằng con trai, được cậu nó bảo lãnh sang đó đã hơn 10 năm trời, thời gian ấy ông không đi được vì còn ruộng đất, nhà cửa, mồ mả tổ tiên ông bà. Nay vợ chồng anh hai của ông, chán với cuộc sống Sài Gòn đầy ồn ào, chỉ muốn không gian yên tĩnh để an hưởng tuổi già. 

Anh hai của ông quyết định rời Sài Gòn, trở về làng quê nơi ông ấy đã sinh ra và lớn lên, sống quãng đời còn lại. Giờ ông Tùng yên tâm có thể giao lại tất cả mọi thứ cho anh hai của mình. 

Ngày ông nhận được cuộc gọi của thằng Đực con ông bên Mỹ gọi về, nói rằng sẽ đưa ông và vợ sang bên ấy sống để tiện chăm sóc và báo hiếu, cả đêm đó ông mất ngủ vì quá vui mừng.

Nghĩ mà thương con vô cùng, có một đứa con trai duy nhất, mà phải xa cha xa mẹ, đi tận phương trời xa xăm, giờ nhớ cha mẹ quá, nên mới đưa ông bà sang bên đó để sống cùng. 

Ông hiểu được lòng hiếu thảo của con trai mình, nên không thể nào phụ lòng nó, mà cứ ở mãi nơi làng quê này. Huống gì con dâu của ông sinh con đầu lòng, ông chưa biết mặt mũi cháu nội mình ra sao. 

Đó là lý do ông rất muốn qua đó sum họp gia đình, cảm giác hạnh phúc mà ông luôn thèm khát đợi chờ từ rất lâu, được nghe tiếng con nói, được quay quần bên nhau bên nồi cơm ấm cúng, chẳng có gì quý hơn hai tiếng "gia đình". 

mamcom12

Cảm giác hạnh phúc, đã mất từ khi con trai ông bước chân ra đi cho tới tận bây giờ.

Ông vui mừng chạy ôm hết người này đến người khác. Tiếng nói cười, chúc mừng của hàng xóm mãi không ngừng. Ông chạy vào kêu vợ làm thịt con vịt xiêm để đãi anh em láng giềng, vì sắp có cuộc chia tay nhau, ông không còn trong cái xóm nhỏ này nữa.

“Bà ơi… bà ơi…”.

Bà chẳng nghe ông gọi, mãi cặm cụi lo làm, ông phải chạy ra tận chuồng heo mà quát lên.

“Bà làm gì vậy, tôi gọi năm hồi bảy lượt, vậy mà bà không nghe gì hết”.

“Mèn đất ơi, tiếng mấy con heo nó rần rần có nghe được gì đâu”.

“Có visa rồi”.

“Tôi tưởng đâu ông lượm được kim cương chứ, có vậy lên mà cũng rần rần lên”.

“Trời ơi tôi sắp được qua bên đó đoàn tụ với thằng Đực con mình với cháu nội, bà chẳng có chút nào vui sao?”.

“Ông đi chứ tôi có đi đâu mà buồn với vui”.

“Tôi qua trước rồi bà qua sau, bà ở nhà đợi bán xong nhà cửa, ruộng đất, vườn ao chuồng, xong xuôi rồi qua. Tôi cho anh hai thuê, ổng làm vài năm rồi sẽ mua lại, lúc đó tôi về bán rồi đưa bà sang đó luôn”.

bm1

“Nhắc tới anh hai tôi mới nhớ, hồi sáng lúc ông đi lấy visa, anh hai có xuống đây, ổng không cho bán cái nhà này cho người ngoài”.

“Không bán cho người ngoài thì bán cho ai, sao anh hai không nói với tôi?”.

“Hồi sáng anh hai xuống đây tìm ông để nói, mà ông đã đi rồi. Ổng nói khi nào hai vợ chồng đi, ổng sẽ mua lại cái nhà này, tuyệt đối không bán cho người ngoài. Vì đây là cái nhà của cha mẹ để lại, ổng không muốn vào tay người khác”.

“Đúng là dân thành phố về quê ngon lành thật, mua một lần hai cái nhà. Thôi được rồi, lát tôi điện anh hai xuống đây uống rượu rồi bàn sau. Bà làm giúp tôi con vịt xiêm nấu cháo để tôi ăn mừng vì sắp đi Mỹ. Lẹ lên”.

Hai vợ chồng bước vào nhà, chỉ còn lại tiếng giành nhau ăn của những con heo trong chuồng. 

Bóng chiều đổ xuống đỏ hoe trên những ngọn cây sau vườn. Trên trời, những đàn chim nối nhau bay về. Xa xa, có dáng người nông dân trên vai chiếc cuốc bước chân đi, bỏ lại cánh đồng lúa chín vàng ươm, rộng thênh thang.

Tiệc ăn mừng mới cấp được visa của ông đã tan, vài người hàng xóm ra về trong hơi ngà ngà men rượu, tiếng nói cười nhộn nhịp trong cái sân nhà ông, giờ trở lại tĩnh lặng như ban đầu. Chỉ còn một mình anh hai ông ở lại. 

bm

Anh hai ngồi đó với vẻ mặt buồn hiu, cứ đưa mắt nhìn ra cái hàng rào, rồi lặng lẽ nhìn hai vợ chồng ông Tùng.

“Nhìn cái nhà tôi thương vô cùng. Chú với thím đừng bao giờ bán căn nhà này cho người ngoài nha, vì đây là căn nhà của ba má đã bỏ công ra gầy dựng, biết bao nhiêu tình thương hạnh phúc trong căn nhà này. Tôi sẽ cố gắng mua lại”.

Ông Tùng tay cầm chum trà húp vài ngụm rồi nói.

“Nếu anh hai mua thì em bán lại, chứ vợ chồng em qua Mỹ sống thì giữ cái nhà này lại làm gì”.

Vợ ông Tùng nhìn anh hai, rồi ngập ngừng nói.

“Mà anh hai vừa rồi đã mua cái nhà rồi, giờ mua thêm cái nữa, chi mà hai cái vậy anh hai?”.

“Tôi nói thím nghe, cái nhà tôi đang ở là tôi sẽ ở luôn về sau. Còn cái nhà của chú thím, tôi mua lại để đó chứ không ở. Vì đó là căn nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi không muốn nó thuộc vào người khác”.

“Còn đất ruộng, ổng đi rồi anh hai có tính mua luôn không?”.

Tôi không có giàu có gì, tôi sẽ giới thiệu một người mua, đất ruộng thì vợ chồng chú cứ bán cho họ. Riêng cái nhà thì phải để lại cho tôi. Vợ chú mấy năm nữa mới đi mà, tốt nhất đừng bán cứ cho họ thuê đất mà làm”.

bm3

Ông Tùng nói vội vàng.

“Vợ chồng em đi hết rồi, thì bán chứ để đó làm gì anh hai?”.

“Bộ chú tính đi luôn không hay sao mà bán hết đất?”.

“Dạ, vợ chồng em định qua đó sống luôn”.

“Không có nơi nào bằng quê hương đâu chú. Chú không thấy tôi sao, lập gia đình ở Sài Gòn và sống ở đó mấy chục năm, cuối cùng tôi cũng trở về đây thôi. Vì đây là nơi tôi sinh ra, cũng sẽ là nơi tôi nhắm mắt. Đi rồi cũng về sẽ, ai lại đi rồi đi luôn bao giờ”.

“Anh hai cứ giữ cái quan niệm đó, ở đâu đất lành thì chim đậu chứ. Bao nhiêu người lập nghiệp nơi đất lạ rồi họ sống luôn đó. Có vấn đề gì đâu?”.

“Tôi khác họ, tôi sống Sài Gòn nhưng bản chất tôi vẫn là quê mùa. Nếu tôi là chú, tôi sẽ không bao giờ qua Mỹ”.

“Anh nói gì kì vậy anh hai. Bao nhiêu người họ muốn sum họp gia đình, còn anh thì lại muốn, mỗi người mỗi nơi”.

“Gia đình chú ở đâu mà chú nói sum họp gia đình, thằng Đực nó vốn dĩ đẻ ra ở đây mà. Nó có đẻ ra bên Mỹ bao giờ?”.

“Không lẽ vợ chồng em ở đây, thằng Đực bên kia?”.

“Thì kêu nó về đây, đây mới là gốc tích của nó. Nó còn một chút cội nguồn, thì phải về chứ. Đằng này đi là đi luôn. Không chừng bây giờ cái mộ ông bà nội nó nằm ở đâu nó còn không biết”.

00.quehuong

“Anh sống ở Sài Gòn mà anh lạc hậu quá đi, điều kiện kinh tế ở đó được hơn ở đây, sống là phải theo thời, theo thế chứ anh”.

“Sống một thời gian, có đầy đủ điều kiện kinh tế, rồi trở về thì được, chứ nếu mà sống luôn ở đó tôi thấy chẳng khác nào mất gốc”.

“Mất gốc hay không là do mình anh ơi. Nói như anh thì những người Việt kiều họ mất gốc hết rồi sao”.

“Thôi. Tôi chỉ nói vậy, còn đi bao lâu hay ở là quyền của chú thím. Tôi về đây”.

Từ đó anh hai không nói chuyện đến vợ chồng ông nữa. Ngày ông đi, anh hai không tiễn, chỉ ngồi đó đứng trước nhà nhìn rồi thôi. Ông trách anh hai ông là người sống luôn giữ cái quan niệm cổ hủ, mãi như thế thì đến bao giờ cái xã hội này mới phát triển đây. 

Không phải quê hương đang thay đổi theo chiều hướng tích cực đi lên hiện đại đấy sao, rõ ràng là con đường đất của ngày xưa giờ đã tráng nhựa quá rộng lớn, các công trình kiến trúc đã mọc lên như nấm, làm gì còn cái cảnh nhà tranh vách đất, gánh nước giếng như thời bao cấp. Đèn dầu, lò xô, ti vi đen trắng. Sống như vậy mà cũng sống được. Ông giận anh hai ông cũng từ lúc ấy.

Vài năm sau, ông trở về bán hết đất ruộng, rồi đưa vợ ông sang Mỹ sống với con trai, đó cũng là niềm ao ước của ông. Vậy là giờ ông không còn dính dáng gì tới cái nhà cũ của mình nữa. 

rau

Anh hai ông đã mua lại, lo mồ mả giỗ chạp hàng năm. Ông hai ông trồng thêm một vườn rau sau nhà, phía trước làm thêm cái giàn mướp, y như thuở cha mẹ ông còn. 

Nhìn nó để nhớ lại những tháng ngày ông đã từng sống ở đây, một trời kỷ niệm dưới giàn mướp xanh rờn. Nó có hình bóng tuổi thơ ông thường nô đùa cùng anh em chúng bạn, dưới những trưa nắng oi nồng. 

Bóng râm ấy, đã nhuộm vào tâm hồn ông mát rượi cho đến tận bây giờ. Tuổi đã xế chiều, cùng ngồi uống trà dưới giàn mướp với đám bạn già, có đứa còn đứa mất. Cùng kể lại những tháng ngày xa xưa nơi góc nhỏ, như thế là quá vui an nhàn đối với ông, không cần phải đi du lịch đâu xa xôi. Với ông, không có điểm du lịch tham quan nào có thể so sánh bằng nơi này được.

Từ ngày vợ ông Tùng sang Mỹ, cũng dần thích nghi với cuộc sống đất lạ. Hai ông bà chỉ ở nhà vui chơi với cháu nội, khi nó đi học thì hai ông bà ở nhà lo cơm nước cho hai vợ chồng thằng Đực đi làm về ăn, cuộc sống chỉ có vậy hết ngày hết tháng. 

Hai vợ ông Tùng, bản chất quê mùa nên rất khó hòa nhập với lối sống ở Mỹ. Con dâu cũng hay bực bội vì cái chất vụng về kiểu quê mùa của hai ông bà, nhưng chưa bao giờ nó nói cho hai ông bà biết. 

Những lần cha mẹ chồng làm gì không vừa ý, nó lôi thằng Đực vào phòng mà mắng như tát nước. Thằng Đực chỉ biết im lặng mà chịu đựng, vì đồng lương làm ra quá ít ỏi so với vợ mình, huống gì đủ thứ chuyện vợ nó luôn nắm quyền. 

bm4

Những lần vợ nó gặp chuyện không vui ở nơi làm, về nhà thái độ và cử chỉ của nó không hề tôn trọng cha mẹ chồng mình. Thằng Đực sợ cha mẹ buồn nên cứ nói, "đó là cách sống của người ở đây”.

Những lần thằng Đực cho tiền hai ông bà, nó giấu giếm không dám cho vợ biết, nhưng cũng không dám nói, sợ cha mẹ mình buồn. 

Hai ông bà cũng chẳng cần tiền, vì sang Mỹ cho đến bây giờ, mà có bước ra khỏi cái nhà đâu, thế thì cần tiền để làm gì, mua cái gì bây giờ.

Ngày Tết, hai vợ chồng thằng Đực chuẩn bị dẫn theo con đi du lịch với nhóm bạn. Thằng Đực nói nhỏ với hai ông bà.

“Ba má ở nhà đi, vì tụi con đi chơi với đám trẻ, không có người lớn tuổi đâu. Ba má mà đi theo thì kỳ lắm. Đồ ăn có trong tủ lạnh, có đói thì ba má lấy mà nấu ăn, tụi con đi đến một tuần lận. Lần sau nếu có người lớn đi, con sẽ dẫn ba má theo. Nhưng lần này thì không được”.

Vợ chồng ông Tùng cứ lặng lẽ nhìn nhau, ước mơ của hai vợ chồng ông là sum họp gia đình vui buồn bên nhau, thế mà sang đây mới biết mọi việc đều trái ngược lại. 

Nói cho đúng hơn là qua để giữ con cho hai vợ chồng nó, và dọn dẹp nhà cửa thế thôi, đỡ phải thuê người ngoài, tốn kém nhiều tiền, lại không kỹ càng như người trong nhà. 

Hai vợ chồng nó bước chân ra đi mà không ngó ngàng gì đến tâm trạng hiện tại của hai ông bà. Ông nhìn vợ rồi nói.

thumb-3-700x366

“Chắc nó nói đúng đó, để cho trẻ nó đi chơi cùng nhau, mình già rồi theo làm gì”.

“Ở Việt Nam Tết là sum họp quay quần bên nhau, dù nghèo hay sang vẫn có cảm giác ấm áp của một gia đình. Vậy mà, bây giờ nó lạnh tanh. Giờ tôi mới biết qua đây là một sai lầm.

“Thôi bà ráng vì con, vì cháu nội đi”.

“Tôi không quen sống ở đây rồi, chắc tôi về Việt Nam quá. Từ lúc tôi với ông qua đây tới giờ có được đi đâu đâu, ngay cả hàng xóm mà cũng không được qua nói chuyện. Không như bên mình, cái gì cũng gần gũi, thân thiện”.

“Không lẽ bà đòi đi chơi chung với đám trẻ sao?”.

“Tôi không muốn đi đâu hết, nhưng Tết là phải ở nhà đoàn viên cùng gia đình. Rõ ràng bạn bè của nó, hơn tôi với ông mất rồi”.

“Bà lại cổ hủ nữa rồi, thời buổi này nó muốn đi đâu thì đi, chứ đâu phải Tết mới được đi”.

“Tôi hỏi thật ông. Mình qua đây đã 1 năm rồi, thế ông có muốn ở đây mãi như thế này không. Tôi thấy mình giống người ăn kẻ ở hơn là một gia đình”.

“Tôi mệt bà quá, có cái gì đâu mà nói quá vậy, con cái nó hiếu thảo, nó sợ mình cực, nên để mình ở nhà, không cho ra ngoài làm. Đó là cái phước, mình phải vui”.

“Tôi chẳng thấy phước gì ở đây cả, cũng không thấy hạnh phúc như ở Việt Nam hết”.

tet-nguyen-dan

“Thôi mệt quá, Tết tây mà bà toàn nói chuyện buồn không”.

“Thôi cứ để con cái nó đi chơi đi, chơi xong thì nó lại về. Vào ngủ thôi bà”.

“Có một chuyện này chắc ông không biết, tôi cũng không dám nói, vì ông sợ nghĩ này nghĩ kia.

“Chuyện gì vậy?”.

“Tôi thấy trước kia chưa đưa tiền bán đất cho thằng Đực thì con vợ nó lễ phép lắm. Đến khi đưa rồi thì nó không coi mình ra gì cả”.

“Bà lại suy nghĩ nữa rồi”.

“Con người ông sao cứ như vậy. Có một lần tôi pha sữa đem lên cho cháu nội, lên tới cửa đứng ngoài nghe nó cự thằng Đực, nó nói thấy tôi với ông ở đây càng ngày nó càng bực, ăn mặc thì không ra gì, lại tào lao đủ thứ chuyện, không dám dẫn bạn bè về nhà chơi, vì sợ gặp tôi với ông, bạn bè nó cười. Nó nói với thằng Đực, tiền đã lấy rồi, sao còn chưa kêu tôi với ông về nước”.

“Nè. Bà không được nói xấu con dâu như thế. Cái tính nó vậy là do công việc của nó áp lực, nên về nó phải cự nự rồi”.

“Ông không tin tôi nói hả, thôi được rồi, coi như tôi chưa nói gì”.

“Thôi vào ngủ. Bà đừng nghĩ bậy tội nghiệp cho vợ chồng nó”.

ta-lai-mot-canh-dep-cua-que-huong-1

Mấy ngày qua trong cái nhà chỉ có hai vợ chồng. Trước kia, ở quê hương cũng có hai vợ chồng, nhưng dù sao cũng có bà con lối xóm, họ hàng vui buồn có nhau. 

Giờ thì chả có một hàng xóm nào là người Việt Nam để nói chuyện cho đỡ buồn trong những lúc nhớ quê hương. Hai vợ chồng cứ đi ra đi vào, chờ ngày vợ chồng thằng Đực trở về.

Rồi cũng đến ngày vợ chồng nó về, hai ông bà mừng như chưa bao giờ mừng, xe đến đầu ngõ, hai ông bà chạy ra nói nói cười cười, cái cảm giác thiếu vắng người quá lâu, nay đã có ngay trước mắt cái người mà họ cần.

Trong lòng trào dâng niềm vui rất khó tả. Con dâu bước xuống xe, bà chạy tới định ôm cháu nội, bị bàn tay gạt ra từ đứa con dâu mình.

“Nó đi xe đang mệt, cha mẹ ra sau xách đồ lên dùm con”.

Đứa con dâu ôm con quay lưng đi, hai ông bà thơ thẩn nhìn theo mà lòng buồn nao nao với thái độ vừa rồi. Hai ông bà cùng con trai, xách đồ vào nhà trong cái mệt mỏi mồ hôi đầy trên gương mặt. 

Vào nhà, thấy con dâu ngồi đó bấm điện thoại, trong một niềm vui nào đó. Hai ông bà quên mệt mỏi, bước tới ôm cháu nội hôn hít cho đỡ nhớ vì đã cả một tuần vắng nó. Đứa con dâu quát lên.

“Mình mẩy cha mẹ mồ hôi ướt đẫm, thế mà cũng ôm nó vào người cho bằng được, tôi bó tay với hai người luôn đó”.

unnamed_(5)

Bà nhìn ông lúng túng không nói được lời nào, chỉ nựng vào má thằng bé và nói.

“Để nội vào tắm, lát ra nội ôm nha”.

“Ôm cái gì, mẹ chưa nấu cơm kia kìa, bộ tính cho cái nhà này đói luôn hả?”.

“Ừ mẹ xin lỗi, mẹ tắm xong, nấu cơm, rồi sẽ ra ôm cháu”.

Nét mặt của bà thoáng lên cái nỗi buồn, bà lặng lẽ đi vào trong. Thằng Đực thấy vậy nó đi theo nói thì thầm bên tai bà.

“Vợ con nó nói vậy chứ không có gì đâu. Má đừng buồn, đi xe về mệt nên nó hơi cáu”.

“Má đâu có buồn đâu con. Thôi má đi tắm đây”.

Ông Tùng hấy tâm trạng con dâu không được vui, nên không dám tới ôm cháu nội đùa giỡn như mọi khi, chỉ đứng gần đó hỏi con dâu qua loa.

“Cu đi chơi vui không cháu. Đi chơi có mua quà gì về cho ông nội không?”.

Con dâu ông im lặng không lên tiếng. Nó thừa biết ông đang hỏi nó, vì cháu nội ông không hề biết tiếng Việt, ông đành phải im lặng, đứng đó mà nhìn cháu nội của mình, tay cầm trái chuối ăn nói cười với mẹ nó. 

bechau

Bà Tùng tắm và nấu cơm xong, vội vàng đi lên ôm thằng bé vào lòng cho thỏa cơn nhớ. Bà bồng thằng bé đi tới, đi lui, chơi đùa cùng nó. Bất ngờ, bà đạp phải vỏ chuối dưới sàn nhà té lăn đùng ra, thằng bé té, khóc toáng lên.

Con dâu bà chạy tới ôm thằng bé ra khỏi tay bà, gương mặt nó đầy sự tức giận.

“Mẹ làm cái gì vậy, tính giết con tôi hả, từ nay về sau tôi cấm mẹ đụng vào con tôi”.

Thằng Đực chạy tới quát lên.

“Má làm gì vậy, ôm mà ôm cũng không xong. Lỡ nó có chuyện gì rồi sao?”.

Gương mặt bà nhăn nhó vì cái té đau điếng. Ông Tùng cũng chạy tới mắng bà xối xả.

“Trời ơi, bà bị làm sao vậy. Vụng về chưa từng thấy?”.

“Tôi đạp cái vỏ chuối rồi trượt chân nên té”.

Thằng Đực vừa vỗ thằng bé vừa cáu.

“Có sao không con, thôi nín nín... Thiệt tình có thằng nhỏ mà ôm cũng không xong”.

Mặc bà ngồi đó khóc. Bà khóc không phải vì cái té đau, mà khóc vì cảm thấy qua đây quá xá tủi thân, vợ chồng nó không coi bà ra cái gì. Con dâu bà nhìn từng người rồi nói.

“Tôi cấm cha mẹ anh từ nay đụng vào con của tôi, qua đây không làm được cái tích sự gì, mà gây ra hết chuyện này đến chuyện khác”.

me-chong

Giọng của bà đầy nỗi buồn.

“Má xin lỗi vợ chồng con, do má quá vô dụng”.

“Chứ còn gì nữa mà không vô dụng”.

“Thôi cho má xin lại số tiền bán đất mà má đã đưa cho vợ chồng con mượn. Má về Việt Nam quê hương của má”.

“Tiền là do con của mẹ mượn, mẹ muốn đòi thì đòi con của mẹ. Tôi có liên quan gì mà mẹ nói tiền bạc ở đây?”.

“Thằng Đực đâu, trả lại tiền cho má để má về”.

Thằng Đực ấp úng.

“Tiền con trả nợ hết rồi. Thôi để con đưa lại một số cho ba má đủ tiền về, số còn lại vợ chồng con sẽ gửi về trả lại cho ba má sau”.

Ông đứng ngơ ngác nhìn đứa con ruột của mình.

“Mày nói gì vậy Đực, tao với má mày qua đây để sum họp gia đình bên con cháu, bây giờ mày lại kêu tao với bả về là cớ làm sao?”.

“Thôi ba má về đi, ba má ở đây cũng lâu rồi”.

“Tao về, tao sống thế nào đây, không tiền, không ruộng đất, không nhà cửa. Vì tao thương con thương cháu, nên tao bán hết tất cả để qua đây sống cùng vợ chồng mày. Vậy mà, bây giờ mày lại đuổi tao với bả”.

“Ba má cứ về ở nhà nội hay ngoại gì đó ở tạm thời đi. Con gửi tiền về trả lại để ba má mua nhà, rồi mua đất”.

“Vậy là tao với má mày, bán hết nhà cửa ruộng đất, đem tiền qua cho mày là trở về vậy đó hả?”.

“Không phải, nhưng cha mẹ ở đây phiền phức lắm, thôi cha mẹ về đi”.

“Con tính ở đây luôn hả Đực?”.

“Phải, vì đây là nhà con mà”.

“Tao với má mày chỉ có một đứa con là mày, mày không về, tao với bả chết rồi thì ai lo mồ mả nhang khói đây?”.

“Ủa chứ ba má qua đây thì ai lo nhang khói cho ông bà nội. Huống gì ba má còn sống trơ trơ đây mà, khi nào chết đi rồi tính”.

“Mày…”.

thumb

Đêm đó hai ông bà thức trắng, cố nhắm mắt ngủ nhưng không bao giờ ngủ được. Bà khóc ướt gối, ông cũng trăn trở suốt cả đêm, ông đi ra ngoài ngó mắt về phía trời xa, nơi đó có những vì sao đang nhấp nháy, cũng là quê nhà của ông. 

Ông buồn vô tận, nước mắt rưng rưng rơi xuống miền đất lạ, cũng do ông quá nghe lời ngon ngọt của con mình, bước hết tất cả để đưa tiền cho nó. Ông hối hận vô cùng. Ông trở vào nằm cạnh vợ, đôi mắt mở trao tráo nhìn lên tầng nhà.

“Đó ông thấy chưa, ông cứ sống chết đòi sang đây. Nơi này nó không hợp với mình đâu. Thôi mình về đi ông ơi”.

Ông thở dài trong nỗi bất lực.

“Mặt mũi nào mà về nữa, nhà cửa ruộng đất cũng không còn, về thì ở đâu bây giờ”.

“Mua lại cái nhà cũ của mình, anh hai cũng bỏ trống đó”.

Tôi còn mặt mũi nào mà năn nỉ anh hai nữa, ổng đã khuyên tôi mà tôi lại không nghe, ngược lại còn chửi ổng này kia

“Ổng không có tính toán gì đâu, giờ tiền cũng hết, cái gì cũng hết, mình phải về dưới nhờ vào anh hai thôi”.

“Giờ tôi mới thấy hối hận khi qua đây, nếu lúc trước tôi không nghe lời thằng Đực bán hết đất ruộng, thì giờ đâu có ra nông nỗi này, con với cái, nuôi nó cho tới lớn rồi nó phản”.

“Tiền vợ chồng nó đã lấy hết rồi, hết rồi, thì nó đuổi thôi”.

“Thôi ngủ đi, mai mình dọn đồ chuẩn bị về”.

que-huong-anhduongqn

Ngày ông Tùng trở về Việt Nam, đến nhà thấy quá đỗi xa lạ. Có cái giàn mướp bên hông nhà y như ngày xưa mẹ ông trồng, hàng ngày dáng mẹ cặm cụi nhìn những quả mướp non xanh, một ngày mẹ ra thăm không biết bao nhiêu lần, mướp lớn thì hái ra chợ bán. 

Anh hai lúc giấu lại vài trái, hai anh em ra đồng câu ếch về để xào, nó ngon vô cùng, cái hương vị thơm ngào, ông đã quên mấy chục năm nay.

Dáng anh hai ông cặm cụi đang tưới nước cho cái vườn rau sau nhà. Chỉ có vài năm mà quá đỗi khác lạ, càng nhìn cái cảnh nhà, càng hiện rõ qua ký ức thời gian thuở ông còn một cậu thanh niên chưa lấy vợ. Ông cứ đứng trước ngõ nhìn mà không dám bước vào.

“Bà vào nói với anh hai một tiếng đi. Chứ tôi không còn mặt mũi nào cả. Tôi đứng ở đây chờ”.

“Chờ cái gì ở đây, sắp chết đói rồi mà còn ở đó mặt với mũi. Cứ vào xin lỗi anh hai, rồi ngỏ ý mua lại cái căn nhà này”.

“Thì bà vào nói trước đi”.

“Vậy thì đứng đây đi. Không còn gì nữa mà bày đặt sĩ diện”.

Vợ ông Tùng đi dưới giàn mướp rợp bóng mát, nơi này quá lạ từ lúc vợ chồng bà đi. Ngày ấy, nó trống trơn, mà giờ cây cối cây cối, vườn, bóng mát muốn bao quanh hết cái nhà. Bà bước nhẹ nhàng đến sau lưng anh hai rồi gọi

“Anh hai”.

gianmuop1_(1)

Anh hai giật mình, khi nhận ra em dâu út của mình.

“Ủa sao thím lại về đây, rồi thằng út Tùng đâu?”.

“Ổng không dám vào, vì trước kia cãi lời anh hai. Qua đó rồi mới hối hận, thấy lời anh hai nói đúng”.

“Giờ vợ chồng chú thím tính về đây, thăm quê hay ở đây luôn?”.

“Nói thật với anh hai chứ, thằng Đực nó kêu bán đất, bán nhà, qua sống với nó, thế là tiền đưa hết cho nó, xong xuôi thì vợ chồng nó đuổi về. Ông Tùng giờ hối hận lắm, không dám vào”.

“Thím đi ra kêu nó vào đây, vào nhà nói chuyện, cũng không thể trách nó được”.

Ông Tùng bước vào nhà, nhìn trên bàn thờ của cha mẹ ông đầy trái cây, chứng tỏ anh hai của ông suốt thời gian qua luôn nhang khói thờ phụng.

“Vợ chồng chú thím thấy chưa, tôi nói rồi mà không nghe. Không có đâu bằng quê ta hết. Còn chú thím cứ nói thằng Đực nó hiếu thảo lắm, hiếu thảo ở chỗ nào. Người hiếu thảo là người luôn giữ hình bóng quê nhà, biết cội nguồn tổ tiên ông bà cha mẹ. Nó có về thăm lần nào đâu mà hiếu với thảo”.

“Bán đất được bao nhiêu nó lấy hết rồi, giờ vợ chồng em không còn gì nữa. Từ nay về sau, không biết sống thế nào, nhà cũng không có, mà đất cũng không”.

“Bây giờ thế này. Tôi trả lại cái nhà cho chú thím, nhưng tuyệt đối không được phá cái giàn mướp đó. Ruộng đất thì vợ chồng chú cứ làm như lúc chưa bán”.

dong-lua-chin

Ông Tùng im lặng nãy giờ, bỗng giật mình lên tiếng.

“Ủa cái đất đó em bán cho người ta rồi mà anh hai?”.

“Người ta nào, đất đó là tôi nhờ bạn tôi mua, tiền trả cho chú thím cũng là tiền tôi. Tôi biết chú thím sẽ quay trở lại đây thôi. Nhà quê chúng mình đi đâu rồi cũng sẽ về thôi”.

“Ủa, nói vậy là anh hai mua hả?”.

“Phải, chú thím cứ lấy làm, khi nào có tiền thì trả lại cho tôi cũng được. Trước tiên tôi trả lại cái nhà cho chú thím kể từ bây giờ”.

Vợ ông Tùng khóc thành tiếng.

“Anh hai ơi, vợ chồng em cảm ơn anh nhiều lắm”.

“Không có gì, tôi biết không bao lâu thì chú thím cũng về, bản chất con người như mình sống ở đó nhớ cố hương sao chịu nổi. Ở ngoài sau nhà, tôi có nuôi mấy con vịt, lát nữa thím ra bắt nấu cháo rồi mình ăn, mừng vợ chồng chú thím về”. 

“Tất cả những gì đều còn nguyên vẹn từ lúc vợ chồng chú đi, chỉ có khác làm trồng thêm rau và một số cây như ngày ấy. Chú thím trở về là mừng rồi, anh em gần nhau, bà con lối xóm ai cũng nhắc chú thím hết”. 

“Tôi nói thật, nếu chỉ còn một ngày để sống, tôi chỉ xin trở lại và chết trong quê hương của mình. Đó cũng là lý do, tôi bỏ Sài Gòn về đây”.

Ông Tùng nghẹn ngào nhìn anh mình mắt ông rưng rưng.

que-huong

“Anh hai, cho em xin lỗi.

“Không có gì đâu, lỗi phải gì. Chú nhìn xung quanh có thấy giống cái nhà hồi xưa anh em mình ở không?”

“Dạ giống, y hệt. Em cứ ngỡ như mình đang trở lại thuở thanh niên”.

“Giờ chú có muốn đi Mỹ sống luôn nữa không?”.

“Dạ không, có chết cũng chết trên mảnh đất này như lời anh hai nói”.

“Tốt rồi. Thím đi xuống làm vịt đi, còn chú theo tôi ra đây”.

Ông hai dẫn ông Tùng ra cái giàn mướp, kể về những tháng ngày đầy kỉ niệm trong căn nhà có hai anh em, nước mắt ông trào ra. Nơi anh em ông từng lớn lên rồi cất bước ra đi, rồi quay trở lại trong sự yêu thương vô bờ bến, quê hương là máu, là thịt, là hơi thở, đã thổi ra một con người mang hình hài giọng nói đặc sệt tiếng quê.

Từ nay về sau, căn nhà ông sẽ có một giàn mướp xanh mướt, như sống lại cái hoài niệm ấm áp dưới căn nhà này, tái hiện lại cái cảnh xưa đã mất từ rất lâu. 

Không đâu bằng quê cha đất mẹ. Ngày ông đi Mỹ, ông cười trong niềm vui hân hoan, hạnh phúc vô bờ. Ngày ông trở lại, ông lại rơi hai hàng nước mắt.

Ông nhận ra không đâu rộng và đẹp như chính nơi mình chào đời. Mùi đất quê hương, là hơi thở của con người khi sinh ra tại đó. Và có lẽ, bất hạnh lớn nhất của đời người, là khi nhắm mắt xuôi tay, nằm sâu dưới lòng đất mà chẳng phải đất của quê hương mình.

© Quang Nguyễn - blogradio.vn

Xem thêm: Chiều ngược nắng, lòng xuôi quê

Quang Nguyễn

Người kể chuyện

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Yêu nhau từ thưở mười hai

Yêu nhau từ thưở mười hai

Vậy đó, đã được gặp người ấy, đã vào tiết học của người ấy là anh cứ bị cuốn đi như đang say giấc nồng vậy, và anh cứ mang theo hết những gì của người ấy trao đến anh trong ngày hôm ấy để cùng vui, cùng hớn hở và cùng bên nhau thiết tha hơn nữa cho những tiết học tiếp theo.

Chuyện của mùa Hè

Chuyện của mùa Hè

Mùa hè xứng đáng là một khoảng thời gian tuyệt vời dành riêng cho một đứa kì dị như tôi vậy. Khi chẳng có gì làm thì có thể nghĩ ra hàng tá kế hoạch riêng cho bản thân.

Tự giận dỗi

Tự giận dỗi

Anh vẫn nhớ chút trần gian vụng dại Anh vẫn nhớ mùa yêu tình sang trang Anh phải yêu và phải vẽ dung nhan Cho tim chết cho hồn không đọng lại

Cung đàn vang khúc tình ca

Cung đàn vang khúc tình ca

Cũng như bản tỉnh ca thiết tha nhất, như muốn được gởi đến khắp nơi một ước mơ to lớn nhất và cũng đơn giản nhất của thầy và của toàn trường về một ngôi trường mới. Ước mơ đó đã được bày tỏ đã được bay xa trong lời ca tiếng hát trong tiếng đàn da diết của chính trái tim thầy

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

Cuốn sách "Thiền" của Osho đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thiền định, một con đường mà không phải lúc nào cũng dễ dàng để lý giải bằng lời nói.

Yêu xa

Yêu xa

Dù chỉ là một cuộc hẹn ngắn ngủi, nhưng mỗi lần được ở bên nhau, chúng tôi đều tận hưởng từng khoảnh khắc và tận dụng thời gian để tận hưởng hạnh phúc. Những kỷ niệm đẹp và những giây phút ngọt ngào ấy đã giúp chúng tôi cảm thấy động viên và tiếp tục bước đi trên con đường yêu xa.

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Cổ nhân có câu: “Hổ báo không thể cưỡi, lòng người cách một tầng da bụng”.

Lũ trẻ của rừng núi

Lũ trẻ của rừng núi

Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy.

Rồi một ngày...

Rồi một ngày...

Không một ai trong chúng ta có thể chấp nhận nổi người thân ra đi ngay trước mắt mình, và bây giờ thì tôi cũng vậy! Tôi cũng sợ mất bố, tôi cũng sợ mất mẹ và tôi cũng sợ một ngày nào đó, mình trở thành mồ côi...

back to top