Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tại sao cái nghèo khổ cứ đeo bám mãi không dứt?

2021-06-11 01:20

Tác giả: Hạ Trắng


blogradio.vn - Dẫu biết rằng dù người đã mất là một chuyện nhưng người còn sống thì phải tiếp tục sống trong hạnh phúc, nhưng tại sao cái từ "sống" áp đặt lên người sao mà nghe nặng nề và làm người ta khốn khổ đến thế này...

***

Trong đêm thanh vắng khi gà còn chưa ngủ dậy, tờ mờ 2 giờ rưỡi sáng, dáng lưng còng, cặm cụi của người phụ nữ chỉ chừng 40 tuổi lọ mọ đẩy chiếc xe thồ hàng cũ kỹ hướng về phía chợ đầu mối để tiếp tục cái công việc mà cô vẫn nói với tôi trước đây đối với cô nó là "nghề" nhưng suy cho cùng nó là "nghiệp". Cô đã làm nghề thồ hàng cho những lái buôn tại khu vực chợ này đã ngót nghét 5 năm trời, cô tâm sự rằng cái nghề nó chỉ đến với cô trong sự tình cờ bởi trước đây cô Thụy rất giỏi giang trong chuyện bán buôn hàng chợ.

Hai cô chú nên duyên với nhau cũng chính ở khu chợ này. Thời còn con gái, mấy cô bác trong xóm ai cũng khen cô Thụy rất đẹp, nhưng cô đã từ chối biết bao lời dặm ngõ thuở còn xuân xanh vì cô sợ người ta họ chê gia cảnh mình nghèo khó, đã không anh chị em, còn không chút của hồi môn, chính vì vậy cô Thụy vẫn chưa có bóng dáng người đàn ông nào ở bênh cạnh chia sớt khó nhọc suốt ngần ấy. Cô Thủy từng bán trái cây ở khu chợ gần hơn chục năm kinh nghiệm, tính tình chân thật hòa cùng giọng rao trái cây trong trẻo, phần nào làm cho mỗi sớm ở khu chợ càng thêm nhộn nhịp hơn.

Cái giọng rao của người con gái thứ thiệt ấy đã làm nao lòng một anh chàng làm bốc vác hàng hóa trong chợ. Hai con người, hai số phận, hai hoàn cảnh giống nhau đã phải lòng nhau trong những lần chạm mặt nhau ngắn ngủi, nhưng hai người đã đến với nhau bằng một tình yêu chân thật, hạnh phúc. Hai người đã thành vợ chồng trong bao sự chúc phúc của láng giềng và hạnh phúc hơn nữa khi cặp vợ chồng đã có hai đứa con gái vừa xinh đẹp vừa ngoan ngoãn. Căn nhà tình thương xập xệ đã xuống cấp theo thời gian nhưng những tiếng cười giòn tan trong mỗi bữa cơm chiều xuống chưa bao giờ tắt đi. Chồng cô Thụy – Chú Trường cũng là trẻ mồ côi khi còn bé, có lẽ vì cái duyên trời định nên hai người đến với nhau và vì cái hoàn cảnh đó nên hai người đã yêu thương nhau như thể cùng bù đắp cho nhau sau những ngày tháng cơ cực, tủi nhục vậy. Nhưng rồi điều tồi tệ đã xảy ra….

5 năm về trước, vào một đêm đông lạnh đến buốt xương, chú Trường - chồng cô Thụy đã mất vì bị tai nạn trong lúc lao động, chú ra đi trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm và bạn bè, một người mà kể cả đám trẻ nhỏ đi chập chững trong xóm còn phải yêu quý. Chú bị xe tải của người ta tông khi đang thồ hàng cho thương lái, chú đã bỏ lỡ biết bao nhiêu lời hứa hẹn cùng 3 mẹ con, hai đứa nhỏ đang ở tuổi ăn tuổi lớn, đang rất cần sự bảo bọc của người cha. Cô Thụy thời điểm ấy vô cùng đau buồn, khung cảnh buổi tang lễ đầy tang thương khiến những người dự tang rơi lệ. Cô Thủy ngồi gục một góc tường với hai đứa con đầy thơ ngây, ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với cha của chúng.

- Ba nói với con là ba đi làm về sớm mua kem ốc quế cho con mà mẹ? - Lời nói hồn nhiên của bé Út làm tôi xúc động đến điếng người.

Thấm thoát gần 5 năm trôi qua, cô Thụy vẫn chiếc xe thồ hàng đó, vẫn tiếp tục công việc đó của người chồng quá cố, ngày đêm mưu sinh ở khu chợ ẩm thấp này. Không có lý do gì để cô gắn bó với cái nghề đó, tất cả chỉ vì con. Những đứa trẻ đang dần lớn lên, đồng nghĩa với việc chi phí sinh hoạt sẽ phát sinh. Vừa làm cha vừa làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ này. Từ ngày chú Trường mất, cô Thụy càng kiệm lời hơn vì nỗi mất mát chưa nguôi ngoai, rồi cả ngày cô mệt lả vì kéo những chiếc xe hàng nặng hơn một tạ. Người phụ nữ chỉ hơn 40 tuổi thôi nhưng dáng đi lom khom như bà cụ, cơ thể ốm yếu với gương mặt tiều tụy, ủ rũ chỉ khiến người khác nghĩ rằng cô đã ngoài 50 tuổi. Tuy vậy, cô vẫn giữ trong mình một tinh thần lạc quan nhất để có thể gồng gánh nuôi hai đứa con ăn học. Thiếu thốn tình thương của cha, hai đứa trẻ có lúc tủi thân nhưng vì các em còn mẹ nên phải cố gắng học hành hơn nữa để không phụ lòng mẹ. Đối với tôi, cô Thụy là người phụ nữ mạnh mẽ và kiên cường, cô đã khổ từ lúc mới chào đời đến bây giờ nhưng cô không chùn bước ở đó, mà luôn mạnh mẽ tiếp tục đương đầu với số phận.

Dẫu biết rằng dù người đã mất là một chuyện nhưng người còn sống thì phải tiếp tục sống trong hạnh phúc, nhưng tại sao cái từ "sống" áp đặt lên người sao mà nghe nặng nề và làm người ta khốn khổ đến thế này... Thiếu đi bóng dáng của người cha, mái ấm thiếu đi sự kiên cố, vững chắc. Những lần cô từng tâm sự với mẹ tôi là cô biết trong người có bệnh, nhưng không dám đi khám, vì nếu khám thì cô phải chữa bệnh với chi phí cao. Dù được nhiều bà con cô bác quan tâm khuyên răn, nhưng cô kiên quyết từ chối, bởi lẽ nếu cô nằm một chỗ thì tiền đâu để đóng học phí cho hai đứa? Tiền đâu để đóng tiền điện nước ư? Tiền đâu để trang trải chi phí hàng ngày?... Cô Thụy chỉ biết gồng gánh chịu đựng bệnh tật mà kiếm từng đồng tiền, từng bữa ăn.

Sau một đêm bạo bệnh, cô được hàng xóm đưa đi nhập viện nhưng bác sỹ đã chẩn đoán cô đã mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, cùng nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng… thời gian sống sót rất mong manh, bệnh viện đã trả về nhà để gia đình chăm sóc những ngày cuối đời. Những thời khắc cuối cùng của cuộc đời, cô trở nên mạnh mẽ hơn dẫu biết mình bệnh nặng, cô được trở về trong vòng tay yêu thương của bà con lối xóm. Những đứa trẻ đã lớn và chúng đã hiểu được điều gì sẽ sắp xảy ra với mẹ của chúng, tôi và bà con trong xóm đã động viên hai đứa rất nhiều để chúng chuẩn bị một tâm lý cho những gì tồi tệ nhất sẽ xảy ra.

Cũng vào một buổi chiều được mẹ dặn là đem cam qua nhà cho cô Thụy, tôi cũng cố gắng tranh thủ công chuyện để về sớm làm theo lời mẹ. Khi đem túi cam qua, cô Thụy dường như đã nhận ra tôi và cô cười rất tươi, cô vẫn gắng gượng ngồi dậy dựa lưng vào góc tường, hai cô cháu trò chuyện rất lâu. Ngồi trò chuyện được một lúc, tôi mới bình tĩnh hỏi cô Thụy một điều mà tôi nghĩ chưa ai dám làm:

-Cô… ơi, con... hỏi cô một câu này… là… điều gì mà cô muốn làm lúc này nhất? - Cô nhìn tôi thật lâu và nở nụ cười tươi, nhưng đột nhiên cô lại khóc và nói chậm rãi với tôi rằng:

- Điều mà cô ấp ủ bấy lâu nay là làm cho bé Út được một cái sinh nhật với cái bánh kem cho nó bằng bạn bằng bè con ơi, ngày mai ngày mốt gì là tới sinh nhật của nó rồi đây nè! - Nghe xong tôi cũng bật khóc mà nói:

- Dạ… con hứa với cô là con sẽ thực hiện giúp cô, cô cứ yên tâm nha, con hứa!

Đó là buổi sinh nhật mà đối với tôi là một đêm đầy cảm xúc, chiếc bánh kem tôi cố gắng dành dụm từng đồng cắc để mua lấy cũng đã được bày biện gọn gàng trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Bà con trong xóm ai nấy cũng tranh thủ làm cho xong công chuyện đồng án để ghé qua nhà cô Thụy, mỗi người một tay xúm lại nấu nướng cho sinh nhật của bé Út. Đó là một đêm rôm rả nhất, đầy tiếng cười trong căn nhà lụp xụp, mà mọi người dường như đã quên đi mọi chuyện buồn.

Người ở quê là vậy, tuy cả năm trời phơi mình, lội sình ở đồng ở ruộng, tưởng chừng như ai cũng chỉ biết suốt ngày cắm mặt cắm cổ làm ăn, nhưng mỗi khi có chuyện gì quan trọng là bà con lối xóm lại ríu rít qua lại giúp đỡ nhau như anh em máu mủ trong nhà, không nề hà việc gì.

Tôi ngồi phía trước sân và nhìn đăm chiêu vào nét vẽ nghệch ngoạc của bé Út ở góc tường, một bức tranh vẽ bằng phấn màu, bức tranh một gia đình 4 người cùng nắm tay nhau. Trong đầu lóe lên suy nghĩ "Cô Thụy sẽ chết sao?", lúc đấy tôi chỉ mong cuộc vui này có thể kéo dài mãi vì tôi rất thương cho cô, dẫu biết đã thực hiện được ước nguyện của cô nhưng tại sao trong tim vẫn đau nhói như thế này, tôi cũng không biết vì sao nữa, chẳng biết phải diễn tả bằng ngôn từ gì để nói lên cái cảm xúc kỳ quặc đó. Chỉ mong có một phép màu nào đó có thể xảy ra…

Từ đêm đó trở đi, sức khỏe cô ngày càng yếu hơn, miếng cháo lỏng cũng phải đút qua đường ống. Ông trời thiệt lạ! Ổng cứ mưa suốt, kéo giông ầm ầm cả tháng trời, trời như vậy người khỏe còn muốn bệnh chớ nói gì tới người đang yếu. Tôi cùng bà con lối xóm ngày nào cũng ra vào để thay phiên chăm sóc cô Thụy nhưng có điều gì đó không ổn, cô yếu lắm rồi… Một đêm mưa tầm tã tôi ngồi đọc sách ở đằng trước, tầm 11 giờ đêm, chú bác sĩ bận cái áo blouse chạy xộc vào nhà cô rất nhanh, tôi mới hoảng hồn, trong lòng đinh ninh là chắc có chuyện gì rồi. Tôi ngóng mãi thì thấy bác sĩ đi ra ngoài sân và nhìn cô bác đứng ở ngoài rồi lắc đầu… Tiếng khóc của hai đứa nhỏ làm tôi xé lòng…

Ngày đó đã tới. Không tiếng khóc than, không kèn trống,… chỉ có tiếng cầu kinh,  bầu không khí của buổi tang lễ yên ắng đến lặng người, mọi người đã chuẩn bị trước cho điều này kể cả hai đứa nhỏ, chúng đã rất mạnh mẽ hơn những gì tôi nghĩ gấp nhiều lần. Buổi tiễn đưa mà trời mưa xối xả, nhìn đoàn người đưa tang ướt như chuột lột mà thấy thương. Chỉ mong mọi thứ êm xuôi...

Sống là bổn phận trời dúi vào tay mình, cuộc sống rất mong manh, tựa như một vốc nước trong tay, chưa kịp ngắm nhìn thì đã vội chảy qua kẻ tay rồi biến mất. Cả một đời chỉ cặm cụi, đầu tắt mặt tối, để rồi không còn có chút ít thời gian, cơ hội để hưởng thụ mảnh áo đẹp, miếng ăn ngon… Cô Thụy là một người đã cho tôi rất nhiều bài học về cuộc sống, sự lạc quan của cô là điều mà hiếm người nào có được.

Sau mất mát ấy, tôi đã có cái nhìn sâu rộng hơn về cuộc sống, cái mà tôi được biết rằng cuộc sống ở đời này chỉ là cõi tạm mà thôi, những gì ta nên làm là phải trân quý những khoảnh khắc dù chỉ là nhỏ nhất, vì sẽ chẳng có ai sống được tới 2 lần trong một khoảnh khắc đẹp bao giờ. Tại sao ta phải đợi đến lúc bụng đói cồn cào thì mới biết chén cơm trắng nó ngon đến nhường nào? Tôi nghĩ bản thân rằng phải biết yêu mến những người xung quanh mình hơn, dù họ có ghét mình ra sao đi nữa thì chúng ta chỉ gặp họ 1 lần trong đời này mà thôi. Tôi không còn cảm thấy bực bội mỗi khi chen chúc trên chuyến xe buýt đến trường đại học mỗi ngày nữa, dù có gặp người nào bực bội đi nữa thì cũng chẳng cảm thấy kỳ quặc chút nào, tôi càng yêu cuộc sống này hơn vì mỗi người là mỗi màu sắc khác nhau làm cho bức tranh cuộc sống trở nên sinh động và đa dạng hơn.

Tuy là sinh viên nhưng tôi đã và đang tham gia rất nhiều công việc thiện nguyện, bởi lẽ sống là cho đi, chẳng còn giữ lại gì ngoài ký ức đẹp khi ta nằm xuống cả! Tôi đã giới thiệu trường hợp của hai đứa nhỏ cho một mái ấm nuôi dưỡng những trẻ em cơ nhỡ, mồ côi cha mẹ. Mái ấm đã cam kết rằng sẽ nhận nuôi hai bé cho đến khi các em trưởng thành, nếu sau này thành công hay thất bại thì mái ấm vẫn sẽ là ngôi nhà thứ 2 để các em có thể trở về. Bà con hàng xóm rất vui khi nghe tin này, ai nấy cũng đều tuyên dương tôi, tôi rất ngại nhưng mà… cũng có một chút tự hào đấy chứ!

Được sinh ra may mắn hơn những số phận khác, tôi không kiêu ngạo hay chê bai bất kỳ những gì tôi đang có. Câu chuyện của cô Thụy là động lực để tôi có thể tiếp tục chiến đấu trong học tập lẫn hoạt động suốt tuổi trẻ này. Tôi biết rõ rằng xã hội hiện tại cũng còn có rất nhiều trường hợp tương tự câu chuyện của cô Thụy, họ là những người phụ nữ mạnh mẽ nhất, nghị lực nhất nhưng rất cần sự giúp đỡ, quan tâm từ cộng đồng và xã hội. Hy vọng rằng, những gương mặt thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, cũng như mọi người trong mọi tầng lớp xã hội hãy cùng nhau chung tay thực hiện những dự án nhân ái vì cộng đồng, để có thể lan tỏa sự yêu thương, ấm áp đến những số phận đáng thương này.

© Hạ Trắng - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Replay Blog Radio: Tôi viết nỗi đau lên cát | Bản Full

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Đứa con bất hiếu

Đứa con bất hiếu

Không phán xét, không đồng cảm vì những hành đồng động đó, nhưng trong tôi luôn có những dấu chấm hỏi cho những hiếu kì trong lòng mình. Có những đứa con yêu mẹ nhiều, thương mẹ ít, nhưng làm gì có đứa con nào không thương mẹ của mình. Và, chắc cũng không có người mẹ nào không yêu thương con mình.

5 cuốn sách hay để đối phó với lo âu và trầm cảm

5 cuốn sách hay để đối phó với lo âu và trầm cảm

"Tôi đã đọc rất nhiều sách về chứng lo âu và trầm cảm. Những cuốn sách này có đủ trình độ hơn tôi rất nhiều để giúp bạn vượt qua mọi khó khăn mà bạn đang gặp phải", Mark Manson.

Nụ hôn đắm đuối

Nụ hôn đắm đuối

Cô được thực sự sống là một con người, được tự do hít thở những tình cảm ban đầu của tình người, được có những người bạn, được cảm nhận sự an toàn và cả bình yên nữa. Anna thấy thật là may mắn và cả êm đềm nữa đã quay lại với cô đã chạm đến được cô, sau quá nhiều đau thương nhọc nhằn và cay đắng.

Mưu cầu hạnh phúc ở thời đại số, tại sao lại không?

Mưu cầu hạnh phúc ở thời đại số, tại sao lại không?

Hạnh phúc đôi khi với trẻ con nó đơn giản, nhưng với người lớn, ngoài được những thời gian nghỉ là quý báu, thì còn lại đều đánh đổi bằng tiền bạc, thời gian để có được.

Em có biết

Em có biết

Anh đã yêu và hỏi nắng yêu anh Anh muốn xóa ký ức trong niềm xanh Để ao ước không đến tìm anh nữa

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

Ngay cả khi người yêu hoặc người bạn đời của bạn có vẻ trưởng thành về mặt cảm xúc, điều đó cũng chưa thể chứng minh được rằng họ là người đáng tin.

Ấu thơ tươi đẹp!

Ấu thơ tươi đẹp!

Mặc cho bạo chúa thời gian nhẫn tâm xóa nhòa mọi thứ, mặc cho tuổi tác ngày càng chồng chất thêm, tôi vẫn nhớ mãi bức tranh sống động ấy, dù nó luôn gợi lên một chút buồn, một chút nhớ thương về những mùa hoa tươi đẹp...

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

“Biến thể của cô đơn” là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình.

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Chúng ta kết thúc trong sự tiếc nuối của mọi người xung quanh, trong sự tiếc nuối của cô gái đã yêu cậu bằng cả sự chân thành. Còn cậu, cậu có tiếc nuối cô gái đã dạy cậu cách yêu, có tiếc nuối cô gái mà cậu đã từng làm tổn thương đến đau lòng không?

Em và hạ

Em và hạ

Mùa hè em là nắng, Là gió và là em Là khi trong em đó Còn sống khi hạ về

back to top