Quyển nhật kí mang tên một người
2017-08-09 01:22
Tác giả:
Trời Sài Gòn tháng tám hay nổi gió bất chợt, tiếng đứa trẻ nheo khóc khiến Hải Nguyệt bật tỉnh giấc, chạy vội đi đóng bớt cửa sổ. Tiếng gió rít lên từng hồi phản ứng lại với cách người ta quay lưng lại với nó. Bàn tay nhỏ nhắn của Hải Nguyệt không thể khống chế được sức nặng của cánh cửa sổ bị cơn gió giành giật, cô ráng dùng hết sức kéo vào và gạt then cài, nhưng vì gấp gáp, cạnh then chấn mạnh vào bàn tay, máu bật thành dòng. “Thiệt là tệ”, cô lẩm nhẩm, tay trái giữ lấy tay phải, một mạch bước đến bàn trang điểm. Tay kéo vội ngăn khóa, cô lại lẩm nhẩm “Kì vậy, mình nhớ rõ là còn một miếng gạt ở đây mà?”. Trong lúc lục tung tủ đồ để tìm bất cứ thứ gì có thể cầm máu, Hải Nguyệt vô ý để dây vài vết máu vào quyển nhật ký mà bấy lâu cô khư khư cất giữ. “Hôm nay là ngày gì vậy trời?”, cô đâm ra bực bội và sau khi băng bó bàn tay xong, cô cầm quyển sổ đã úa màu thời gian lên, xăm soi vết máu và chậc lưỡi vì chẳng cách nào xóa đi được nữa.
Đứa trẻ đã thôi khóc và nằm ngủ ngoan lành trong nôi ấm. Hải Nguyệt bước về phía cửa sổ, đăm chiêu nhìn ra phía bầu trời đang chuyển nắng sang mưa. Quyển nhật ký cũ kĩ nằm gọn trong vòng tay Hải Nguyệt.
Trời làm mưa rồi, cơn mưa lớn dần, rộng dần, hạt mưa cũng nặng dần, từng cơn gió giật xô đẩy mưa sang trái, sang phải, rối mù, hất tung đám lá vàng lên cao, quây tròn chúng rồi thả rơi tự do trong màng mưa hỗn độn. Gió giật mạnh vào từng khung cửa sổ đang khép chặt, cáu kỉnh muốn giật tung chúng ra. Những cơn mưa năm nay cứ như những trận càn…
Mùa mưa mười năm trước, Hải Nguyệt khi ấy vẫn còn là một cô sinh viên. Ba mẹ không may gặp nạn mất sớm khi cô lên năm, cô được cậu mợ hết lòng chăm sóc, thậm chí cả sau này khi hai người đã cầu khẩn được một đứa con trai. Hải Nguyệt vẫn gọi họ là cậu mợ dù trong lòng cô kính phục hai người như ba mẹ. Và phần vì mợ muốn như vậy, mợ cho là ba mẹ không thể thay thế, công lao nuôi dưỡng thì mợ nhận, chứ phần mang thai, sinh con bao nhiêu vất vả đó, mợ không thể giành phần của ba mẹ cô. Hải Nguyệt luôn biết ơn vì điều đó và rất thương yêu gia đình nhỏ đã cưu mang cô.
- Mợ để con làm, mợ đi nghỉ đi. – Miệng nói tay làm, Hải Nguyệt giật lấy thau quần áo trên tay mợ rồi bước nhanh đến sàn nước.
- Có được bao nhiêu ngày bây về đâu, bây giành làm hết, lên lại Sài Gòn mệt rồi lấy sức đâu mà học.
- Mợ lo xa quá, con khỏe mà.
Mợ nhường mớ quần áo cho cô nhưng cũng ráng kiếm một việc khác mà ngồi làm cùng. Phụ nữ ở quê, tất bật không ngơi tay là thế. Vừa lôm côm cọ rửa mớ xoong nồi mợ vừa dò hỏi:
- Trên ấy có quen được anh nào thì dẫn về mợ coi mặt mũi nghen.
Hải Nguyệt ậm ừ không nói, mợ lại tiếp:
- Con nhớ đừng liên lạc với Quân nữa. Hai đứa chẳng thể nào đến được với nhau đâu, đừng có lụy quá, khổ cả đời con ơi.
- Mợ, khi không lại nhắc lại chuyện này…
- Thì tao nhắc chừng, tao thương tụi bây nhưng mà số phận nó vậy rồi con, chẳng thể cưỡng cầu được.
- Dạ con hiểu mà mợ.
Hải Nguyệt dạ nhưng lòng cô buồn bã, vết thương chưa bao cũ trong lòng cô lại nhói đau nơi ngực trái.
Quân và cô kết bạn một cách tình cờ trong một lần cùng nhau đại diện huyện thi học sinh giỏi hồi cấp hai. Ở cùng một xã nhưng từ nhỏ mợ nhờ cậy người gửi cô lên thị trấn học với mong muốn cô có điều kiện tốt hơn nên hai người mãi đến năm lớp chín mới biết nhau. Nói là trường ở trung tâm thị trấn nhưng từ trường về nhà chỉ mất độ ba kilomet, mỗi ngày cô đạp xe cọc cạch đi, chiều lại đạp cọc cạch về. Cả ngày chẳng thấy mặt mũi thế nên ngoài việc học ra, cô gần như chẳng đi đâu, họ hàng thân thiết cô có thể biết, nhưng đông lắm thành ra cô chẳng thể nhớ rõ ai là ai. Họ hàng xa lại càng chẳng thể biết tới vì quanh năm có thăm viếng bao giờ. Quân ở gần nhà cô, học trường xã. Nói là kết bạn chứ thật ra chỉ là tình cờ gặp và chào qua thôi. Thế nhưng nụ cười hiền lành và ánh mắt buồn của Quân khi ấy khiến cho cô rung động và cảm mến. Chẳng biết từ lúc nào cô hay có thói quen nhìn anh đạp xe đi học ngang nhà mình. Lên cấp ba, cô và anh có cơ hội học cùng một trường nhưng họ chẳng bao giờ bắt chuyện, Quân có lẽ cũng chẳng biết đến sự hiện diện của cô.
Quân là người ít nói, lành tính nhưng có phần nhút nhát. Cô là con gái, chủ động thế nào được? Vậy là cô vẫn miệt mài với bài vở và lặng lẽ dõi theo anh đến lớp, nhìn anh cười thôi cũng đã thấy ấm áp rồi. Có đôi lần cô tự hỏi mình rằng cô hiểu về anh bao nhiêu mà lại mến anh đến vậy? Cô bắt đầu viết nhật ký về anh, về những cảm giác cô nhận ra khi âm thầm dõi theo anh, về những việc xung quanh anh mà cô vô tình hay hữu ý tìm biết được. Ừ thì viết ra để thấy lòng nhẹ bớt ưu tư.
Trong bầu nắng sân trường năm ấy, Hải Nguyệt tròn mười bảy tuổi, tình cảm tuổi học trò trong cô cũng vừa tròn bốn năm. Lên lớp mười hai, việc học dần trở nên bận rộn hơn, Hải Nguyệt chẳng còn đủ thời gian để có thêm mối quan tâm khác ngoài chuyện bài vở. Hải Nguyệt và Quân học khác lớp chính khóa, chỉ đôi lần, vài bận chạm mặt nhau ở lớp học thêm. Những lúc nhìn Quân cười, dù không phải cười với mình, cô vẫn thấy vui và cô cũng bật cười lại.
- Số của Nguyệt nè, giữ liên lạc nghen Quân.
- Ừ, học tốt thi tốt nhé.
- Quân thi khối B phải không? Nguyệt có vài cuốn trắc nghiệm Sinh mà không cần dùng tới vì Nguyệt thi khối A, cho Quân mượn tham khảo.
- Hi, cảm ơn Nguyệt nghen.
Con đường về nhà, trời ngả ráng vàng rực, bóng hai chiếc xe đạp song đôi, người nói kẻ cười. Đó là cuộc trò chuyện đầu tiên lâu và đáng nhớ nhất mà Hải Nguyệt còn giữ trong kí ức đến giờ. Nụ cười của Quân, ánh mắt Quân, gương mặt điển trai cùng sự rụt rè của anh vẫn cứ đến trong giấc mơ của Hải Nguyệt.
Sau những ngày thi căng thẳng là những giây phút hồi hộp tột độ chờ đợi kết quả. Hải Nguyệt cảm giác như rơi xuống vực, trời đất tối sầm khi màn hình hiển thị điểm thi. Vào giây phút ấy thì cô biết chắc chẳng còn cơ hội cho nguyện vọng một khối A, nguyện vọng hai có vẻ cũng không được an toàn nữa dù điểm vẫn khá khẩm lắm. Khối D thi cưỡi ngựa xem hoa nhưng có lẽ sẽ vào được hệ B, tức là học phí gần như gấp đôi hệ trong ngân sách. Nếu cô chọn học, vai cậu mợ sẽ gầy thêm mất, họ cất công cho cô ăn học bao nhiêu năm trời, giờ cô lại trả hiếu như thế sao? Cô đạp xe đi trong vô thức. Bất giác cô muốn đến nhà Quân. Và cô tìm đến thật, cô thật sự cần một người để nói chuyện.
Tháng tám năm đó, cô lên Sài Gòn theo giấy báo nhập học khối D với quyết tâm nhất định sẽ không bỏ phí phần tiền phải đóng nhiều hơn những đứa bạn khác, mợ bảo như đinh mợ lo được, cứ yên tâm học. Cô dò la anh chị lớp trên được biết là trên Sài Gòn sinh viên như cô có nhiều việc làm thêm để kiếm thêm sinh hoạt phí, cô vui và ấm ủ cho mình những dự định sau khi ổn định việc học những tháng đầu. Còn Quân đậu nguyện vọng hai khối B ở một trường nằm cách Sài Gòn đến cả trăm cây số. Khi mọi việc đã tạm ổn một chút và đã tạm vơi bớt nỗi buồn cũng như áp lực chuyện thi cử, đậu rớt vừa qua, Hải Nguyệt bắt đầu vui vẻ trở lại với chuyện đã có thể xích lại khoảng cách hơn với Quân, họ bắt đầu nói chuyện được nhiều hơn, giữa họ bắt đầu có những câu nói đùa và tiếng cười của những kẻ đang có ý mến nhau.
Cô nghĩ một ngày nào đó khi tình cảm đủ lớn, nếu Quân không nói, chắc cô sẽ "tự thú" trước. Có kì cục quá không? Quân có khi nào chạy mất dép khi thấy con gái thổ lộ trước không? Chậc, nghĩ chi nhiều quá, người tính biết đâu chẳng bằng trời tính, thôi thì tới rồi tính đi vậy.
Ấy vậy mà, cái cô tính không bằng trời tính thật. Một lần về quê, ngồi nghe cậu mợ bàn cãi với nhau về cách xưng hô họ hàng, người này với người kia phải xưng hô thế nào. Cô chịu, cô nhức đầu và sợ mấy vụ xưng hô này, nó cứ rối nùi nùi, cô học gì thì nhớ dai nhưng thiệt tình không thể nào nhớ trôi những dây mơ rễ má này, gặp ai trong họ mà ở xa xa, lâu lâu mới thấy được mặt một hai lần, cô cứ đơ đơ người ra chẳng biết phải nói chuyện ra sao, vì ba cô "vai lớn" mà lập gia đình trễ nên cô có vài "người cháu" lớn hơn không nhiều, chỉ… vài chục tuổi thôi. Bỗng cậu nhắc đến một cái tên khiến cây kim trên tay cô không đâm vào vải mà đâm luôn vô vào ngón tay. Cô ngập ngừng xác nhận lại thêm một lần nữa để chắc chắn là không nghe nhầm tên hoặc nhầm tên đó sang ai khác. Sau câu trả lời rành rọt, giải thích cặn kẽ của cậu, cô biết chắc là mình cần một nơi tuyệt đối yên tĩnh vì tai cô như đang bị ù đi. Việc hít thở sâu giây phút đó thật khó khăn với Hải Nguyệt, cô không dám tin, không muốn tin vào những điều mình vừa nghe, vừa được giải thích: Quân sao có thể là "cháu" gọi cô là Dì được? Sao có thể có chuyện này xảy ra? Tại sao sớm không biết, muộn không biết mà lại ngay lúc này?
Cảm giác tái tê tràn ngập, trái tim đang đập loạn trong lồng ngực trân mình ra nuốt lấy những giọt nước mắt đang bị ép chảy ngược vào. Đau và nhức nhối lắm.
Cô lên lại Sài Gòn ngay hôm sau để lẩn trốn sự dò hỏi của mợ trước thái độ kì quặc của mình. Cô trốn trong phòng và bắt đầu khóc.
Để đến một lúc sau khi đủ bình tĩnh lại, Hải Nguyệt mới chợt nghĩ đến liệu Quân có biết không? Quân ở đang ở đâu lúc này? Nếu như Quân biết thì sao? Cô có nên nói với Quân không? Trong lòng cô tràn ngập nỗi lo sợ lẫn hoang mang. Suốt mấy ngày cô không dám nhắn tin cho Quân.
Và rồi lời chia tay đã đến một cách nhẹ nhàng, tranh đấu sau cả trăm lời xin lỗi của Quân.
Những năm tháng học hành, làm việc cùng những mối quan tâm ở Sài Gòn đã giúp cô bớt hẳn sự tập trung vào vết thương ấy dù hình ảnh của Quân vẫn cứ xuất hiện trong giấc mơ và cô vẫn dõi theo Quân như một thói quen khó bỏ.
Thực sự mà nói, cho đến lúc nói câu tạm biệt, Nguyệt cũng không biết cô ở vị trí nào trong lòng Quân. Tình cảm cô cảm nhận được từ Quân liệu có đúng vậy không? Nhưng cô không hỏi, giờ lại càng không thể hỏi. Và điều ấy trở thành một khúc mắc lớn nhất trong lòng cô.
Sinh nhật cô hai mươi bốn tuổi. Vậy là đã mười năm kể từ lần đầu tiên cô gặp anh. Cô nhẩm tính và cười một mình – một con số rất đẹp để kỉ niệm, nhỉ?
Mùa hè mười năm trước, khi trời vừa rót cơn mưa đầu mùa, cô biết tim mình đã đập loạn nhịp vì một người dưng. Để rồi tình yêu đầu đời ấy chỉ như một bản nhạc không lời cô cất giữ cho riêng mình.
Sẽ phải mất bao lâu để có thể quên đi một người? Một câu đố xem chừng nan giải quá! Thôi thì hãy cứ để việc nhớ một ai đó thành thói quen khi chạm mặt kỉ niệm, cho đến khi ta nhớ về người mà không thấy buồn nữa, lúc ấy ta có thể bình tâm mà nói rằng ta-đã -quên-được-một-người...
“…Này người bạn của tôi
Hôm nay tôi về thăm kỉ niệm
Bầu trời ấy vẫn trong, cánh diều vẫn chấp chới giữa muôn trùng
Và cô bé ấy vẫn dõi mắt theo cậu với riêng một nỗi niềm
Này người bạn của tôi
Chẳng biết tự bao giờ
Xen giữa chúng ta là những khoảng lặng không tài nào khỏa lấp
Ta ngượng ngùng cả việc gọi tên nhau
Này người bạn của tôi
Cậu thuộc về nơi tôi gọi là kí ức
Tôi gom gió trời, nhặt hương nắng, gói kín yêu thương
Để những xuyến xao ngủ ngoan lành như đứa trẻ
Này người bạn của tôi
Từ hôm nay tôi sẽ dần quên cậu nhé
Thời gian rồi sẽ phủ màu phai lên kỉ niệm
Tôi bước chân về nơi tôi đang nợ một vòng tay”…
Bài thơ này đã khép lại quyển nhật ký riêng dành cho anh, vết thương cũ lâu dần đã thành sẹo nhưng có lẽ khi chạm vào vẫn thấy nguyên vẹn nỗi đau…
Và cũng mùa hè năm ấy, cơn mưa đầu mùa tiễn Hải Nguyệt theo gót chồng xa xứ…
© Lạc Nhiên – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.
Đi qua sự phản bội
Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.