Ông bà nó
2023-09-16 03:55
Tác giả: Mio
blogradio.vn - Cuối tuần trước, nó có một chuyến đi trở về nhà thăm ông bà. Sau một thời gian nó rời quê đi làm xa xứ, nó thấy tóc ông bà đã nhiều hơn những sợi bạc. Nhưng hai người vẫn khỏe mạnh, thì một đứa con xa nhà như nó đã cảm thấy phần nào yên tâm rồi.
***
Hơn chục năm về trước, ông bà là những công nhân xưởng máy của bộ quốc phòng. Hai người đã dành ra một chặng đường dài để gắn bó với hàng loạt các bộ phận máy móc và các dây chuyền thủ công. Mọi hình dung của nó về những ngày xưa ấy đều được nó tự họa bằng sự tưởng tượng để dõi theo câu chuyện kể của bà.
Bà ngày ấy là một cô gái sinh ra trog một làng nghề làm nón thủ công. Hình ảnh những chiếc nón tràn ngập bên hiên nhà mỗi gia đình. Thời ấy, nón được hầu hết bằng sức lao động của người chứ không có nhiều các dụng cụ hỗ trợ như bây giờ. Mỗi chiếc nón được hội tụ rất nhiều đường kim mũi chỉ của mỗi người nghệ nhân. Công việc của bà cũng không ngoại lệ, ngày ngày bà đều cặm cụi khâu nón cho đến khi lưng đã cảm thấy mỏi nhừ. Quãng thời gian ấy cứ trải qua đều đều khiến cho một cô gái mạnh mẽ như bà chán nản cảnh ngày nào cũng phải chỉnh nắn từng đường kim cho thật đẹp từ sáng sớm đến khi tối mờ. Nhưng có một ngày, một người họ hàng của bà từ xa đến đã mang theo một cơ hội mới thay dổi cuộc đời bà sau này. Sau khi người ấy nhận ra sự chán chường trên gương mặt bà khi đang cần mẫn làm việc. Họ đã rất băn khoăn sao bà lại mang một nét mặt u buồn để làm việc như vậy chứ? Bởi vì bà đã quá chán ngấy cái công việc tẻ nhạt này rồi. Bà mang trong mình một khao khát về một cuộc sống mới, một cuộc sống khác hẳn với hiện tại. Nhận thấy ao khát của người cháu, họ mở ra cho bà một cơ hội mới làm việc tại một nhà máy với lời hứa nhất định sẽ giúp bà bước chân được vào môi trường này. Lời đề nghị như một hy vọng đang lóe lên trước mắt khiến bà lập tức đồng ý.
Trước thái độ vui sướng của bà, người ấy điềm tĩnh báo trước về quãng thời gian đầu đầy khó khăn vất vả mà bà sẽ phải đối mặt. Rằng đã có rất nhiều các thanh thiếu niên xin vào nhưng rồi phải bỏ cuộc giữa chừng để lựa chọn trở về với cuộc sống ban đầu. Nhưng cái cảm giác muốn giải thoát làm thì có ai hiểu bằng chính bản thân bà bây giờ, lúc mà bà đang mang trong mình lòng quyết tâm cho tinh thần vượt khó đang trỗi dẫy, bất chấp các gian khổ, rồi nhất định bà sẽ vượt qua. Họ đồng ý giúp đỡ và và không quên nhấn mạnh vai trò của lòng quyết tâm chính là yếu tố then chốt cho một bước đi mới này của bà.
Một thời gian sau, bà nhận được tin báo từ nhà máy. Bà đã được chọn vào phân xưởng và cần chuẩn bị hành trang để nhận công việc mới. Cảm giác lúc ấy có lẽ là nửa mừng nửa lo đang tranh chỗ nhau để chiếm lấy tâm trí bà. Mừng vì bà đã sắp bắt đầu có một cuộc sông mới mang theo hy vọng thoát khỏi công việc hiện tại. Lo vì vùng đất bà sắp đến là một nơi hoàn toàn xa lạ, chỉ mới nghe đến cái tên thôi đã là lần đầu bà được biết đến. Nhưng bà vẫn quyết tâm tiến bước mà không có ý định sẽ từ bỏ. Ngày bà đi, hành lý mang theo chỉ có đúng hai bộ quần áo. Khi cái dáng người bé nhỏ cầm chiếc tay nải đang loay hoay trên sân ga vì không biết phải đi lối nào thì bất chợt bà nghe thấy cuộc trò chuyện của nhóm các bạn nữ gần đấy, khoảng cách đủ gần để bà có thể nghe được nội dung cuộc trò chuyện.
- Hình như họ đang nói về địa điểm mình sắp đến thì phải. Tiến gần hơn chút nữa xem sao.
- Đúng rồi, họ đang nhắc đến tên nhà máy y hệt những gì tờ giấy địa chỉ mà người họ hàng kia đã chép lại cẩn thận cho mình” – Bà nghĩ bụng. Rồi bà quyết định làm quen với họ, mong muốn nhập hội để cùng nhau đến nơi làm việc mới.
Những cô gái ấy là những người rất thân thiện thì phải nên họ đồng ý ngay với yêu cầu của bà. Vậy là họ kết bạn với nhau. Họ ngồi cùng nhau trên chuyến tàu ấy và lần lượt giới thiệu về bản thân mình. Trong họ có những người đã quen nhau lâu, lại có những người mới biết nhau giống như bà. Sau khoảng thời gian ngắn hỏi thăm, bà biết được rằng các cô gái ấy cũng xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, đều muốn đi tìm một công việc mới thay đổi cuộc sống, dành dụm được một chút tiền gửi về quê nhà và lo trang trải cuộc sống riêng sau này. Sau cuộc trò chuyện, các cô gái ấy đã nhận ra những lý tưởng chung và dần trở nên thân thiết trước khi đến nhận nơi làm việc mới.
Tiếng hú còi báo hiệu đã ghé trạm. Nhóm bạn giục nhau nhanh chân xuống tàu kẻo đoàn tàu lại chuyển bánh đến trạm kế tiếp. Các cô gái nhanh chóng mang theo hành lý vào chạy về hướng cầu thang. Đồ đạc của bà thì chỉ có mỗi chiếc tay nải nên bà là người xuống tàu sớm nhất. Đặt chân đến sân ga, bà nhìn xung quanh bằng một ánh mắt bao quát tất cả như muốn gói lại hết cảnh vật xung quanh trong trí nhớ. Tiếng gọi của các bạn khiến bà giật mình thoát ra khỏi sự chú ý của bản thân. Bà nhanh chóng chạy theo các bạn hướng về phía cổng ra của sân ga. Bọn họ bắt một chuyến xe cùng nhau đến nhà máy. Bà lúc ấy phải vui lắm vì nhờ làm quen mà được đi cùng các bạn đến nhà máy, chứ nếu không sẽ thật khó khăn để tự tìm đường.
Thời gian đầu đến nhà máy được diễn ra đúng như những gì người họ hàng của bà đã cảnh báo trước đó. Hội bạn thân sáng thì đi làm vất vả, tối thì dành chút thời gian ngồi bên nhau để tâm sự những chuyện đời thường. Dù vất vả nhưng có bạn bè đồng hành nên nỗi cô đơn một thân một mình ở một nơi xa lạ đã được vơi bớt. Tiếng cười nói trong mỗi câu chuyện đã xua tan đi những giọt mồ hôi của buổi sớm hôm. Trải qua một vài thời gian sau đó, họ bắt đầu được chứng kiến những người bạn đã vào làm cùng mình bỏ cuộc. Người mới đến như bọn họ ngày càng thưa dần. Rồi đến cả hai cô bạn trong nhóm cũng bỏ về quê để tìm một tương lai mới. Trước khi bước lên tàu, họ quay lại đưa ánh nhìn đến toàn bộ những người bạn đã đồng hành cùng nhau cả một chặng đường vừa qua. Họ nói nhiều lắm, nói rằng họ ở đây thấy khổ quá rồi, cứ sáng làm việc, tối về chợp mắt nghỉ ngơi cái mà đã đến ngày mai rồi. Nói rằng họ không chịu được vất vả muốn trở về nhà tìm một công việc mới. Và hứa rằng tình bạn này sẽ là một phần không quên trong ký ức của họ.
Nói xong, hai cô bạn quay đi ngay, chắc là để không ai thấy mi mắt họ đã bắt đầu đọng những giọt nước mắt. Những người ở lại cố nắm lấy bàn tay họ như thể cái bắt tay cuối cùng trước khi bạn mình trở lại chốn quê hương. Họ cứ dõi theo chuyến tàu đến khi nó biến mất hẳn tầm mắt mà để lại dư âm là làn khói đang bay lên hòa mình vào bầu trời. Sự vắng mặt của hai cô bạn khiến nhóm bạn trở nên trống vắng, dù không ai trực tiếp nói ra nhưng trong lòng mỗi người đều có một chút khoảng lặng. Họ vẫn có những buổi gặp gỡ sau mỗi giờ tan làm, vẫn cùng nhau chia sẻ những câu chuyện nhỏ vui vẻ trong cuộc sống. Những tiếng cười vẫn khe khẽ vang lên, nhưng chúng không được giòn tan như xưa nữa, mà lại có một chút mang mác buồn. Buồn vì thiếu vắng đi tiếng cười nói của vài thành viên, và buồn vì sau lần chia tay này không biết bao giờ bọn họ mới cùng được hội ngộ nhau thêm một lần nữa. Nhưng dẫu có thiếu đi vài người bạn, thì họ cũng phải tiếp tục chiến đấu với những tháng ngày đầy thách thức với hy vọng sẽ được trụ lại nơi đây làm việc.
Thời gian thử thách dài vài tháng mà cứ ngỡ như cả một thập kỉ ấy cũng dần trôi qua, bà và những người còn lại bắt đầu được đưa đến nhận việc chính thức ở phân xưởng. Công việc tại đây không quá bề bộn như trước nữa, mà mỗi người được phân tại một vị trí nhất định trên dây chuyền sản xuất. Vậy là bà đã hoàn thành lời hứa sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn để được trở thành một thành viên trong nhà máy. Để rồi nơi đây chính là nơi đầu tiên ông bà gặp nhau.
Ông hơn bà một tuổi và là người huyện bên. Ông làm cùng nhà máy nhưng khác xưởng sản xuất của bà. Cơ duyên cho ông bà được quen nhau qua những người bạn tốt để rồi hai người kết hôn và cùng chung sống trong khu nhà tập thể của nhà máy. Sau này ông bà có ba mặt con là mẹ và các dì nó bây giờ. Hồi ông bà mới cưới nhau, gia đình nó lúc ấy nghèo lắm, nhiều ngày phải ăn cơm trộn với sắn để lấp đầy những chiếc bụng đói. Nói là trộn chung với nhau vậy thôi, nhưng phần cơm chỉ có chút xíu, phần sắn thì chiếm gần như tất cả. Nhưng rồi ông bà lại hớt phần cơm lại cho dì út nó ăn vì lúc ấy dì còn quá nhỏ, nên mọi miếng ngon đều được ông bà để phần.
Thời gian thấm thoát trôi qua, ông bà vẫn gắn bó với nhà máy. Mẹ và các dì dần dần khôn lớn, cũng là lúc ông bà cũng sắp về hưu. Ông quyết định dùng số tiền lương mà hai ông bà chắt chiu được qua từng ấy năm lao động để mua một căn nhà nhỏ ở dưới thành phố, đó cũng chính là căn nhà mà ông bà vẫn ở cho đến bây giờ - một căn nhà cấp bốn nhỏ đã được ông bà sửa chữa nhiều so với thiết kế ban đầu. Mẹ cũng đi lấy chồng, nhưng cuộc sống hôn nhân của mẹ trải qua nhiều sóng gió để rồi mẹ đem nó về ở cùng với ông bà ngoại. Cùng lúc đó, mẹ cũng quyết định đi làm ăn xa và gửi nó lại cho ông bà chăm sóc trong một thời gian dài. Phải xa nó từ khi nó vẫn còn nhỏ chắc đó đã từng là quyết định khó khăn của mẹ. Nhưng với đồng lương ít ỏi thì mẹ cũng không thể một mình nuôi nó được. Vậy là mẹ nó trở vào nam lập nghiệp khi nó mới được một tuổi, và cả một chặng đường dài tiếp theo là những tháng ngày nó lớn lên dưới bàn tay nuôi dưỡng của ông bà.
Mỗi khi kể chuyện ngày nó còn bé, bà đều hoài niệm về một quãng thời gian nó ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nhìn cái hình hài to lớn của nó hiện tại thì chắc chả ai nghĩ rằng trước đây nó đã từng phải nằm viện nhiều đến thế nào. Khi nó ốm, ông bà là những người thay phiên nhau túc trực nó ở viện. Nó thì lại là một đứa trẻ rất hiếu động nên dù cho có phải nhập viện nhưng nó vẫn thích được chạy nhảy tung tăng. Mà ở bệnh viện thì làm gì có chỗ nào đi ngoài dãy hành lang và chiếc cầu thang bộ cũ kĩ phía cuối dãy phòng khám khoa nhi. Thế là nó cứ loanh quanh với chiếc cầu thang cả ngày, hết đi lên rồi lại đi xuống mà không biết mệt. Ông bà lo nó ngã nên dù đã thấm mệt để trông nó và vẫn cố leo cầu thang cùng nó vì sợ nó sẩn chân ngã ngào. Nó đã ở viện nhiều đến nỗi các bác sĩ còn nhận ra gương mặt của ông bà và thắc mắc là: Sao nó chỉ có ông bà chăm sóc? Bố mẹ nó đâu? Sao họ lại không đến thăm nó chứ? Trước những lời thắc mắc ấy, bà kể rất nhiều cho bác sĩ nghe về nó – một đứa con gái chỉ còn có mẹ, nhưng mẹ nó đã lựa chọn đi làm xa để kiếm tiền lo cho gia đình. Và bây giờ nó chỉ còn ông bà ở đây chăm sóc những tháng ngày ốm đau.
Lớn hơn một chút, nó đã ít ốm vặt hơn trước, ông bà cũng đỡ phải lo lắng chuyện thay phiên nhau ở viện trông nó cả ngày. Nhưng nó ở nhà cũng quậy phá không kém, nên ông bà đã phải khản cổ để quát những trò nghịch ngợm của nó.
Đến tuổi đi học, ông bà cũng là người đưa nó đến trường. Ngày nào bà cũng chở nó đi học trên chiếc xe đạp cũ có từ hồi ông bà mới cưới. Từng vòng xoay của chiếc xe đã đồng hành với nó suốt năm tháng mẫu giáo đến khi vào lớp một. Mỗi khi đi học về, bà lại để dành nó một món ăn trong gian bếp vì bà luôn sợ cháu bà đi học ăn ít mà về đói bụng. Vào ngày hè nóng nực, bà rất hay mua mía về róc cho nó ăn. Bà dùng dao khoanh thành những khúc tròn trên thân cây mía vàng ruộm. Nó đã rất ngưỡng mộ bà vì sao bà có thể cắt thành từng khúc mía đều và đẹp đến thế. Nhưng phải cắn những khúc mía tròn như vậy vẫn là quá sức với nó, nó vẫn không thể ăn được. Nnên bà lại chẻ nhỏ ra để vào bát cho nó. Nó đã thích đến nỗi tốc độ ăn của nó còn nhanh hơn cả tốc độ chẻ mía của bà.
Từ bé nó đã là một đứa rất lỳ, không hay khóc nhè. Mỗi lần đi tiêm, khi các bạn đồng trang lứa đang khóc to khi đến lượt phải tiêm phòng, thì đến lượt nó, nó không thèm khóc vì bị kim tiêm chích. Nó cứ ngồi im trên đùi bà để bác sĩ vạch tay áo nó lên. Các cô y tá đã phải trầm trồ đây thật đúng là một đứa bé cũng cảm!
Nhưng quá lỳ không phải lúc nào cũng tốt. Vì quá nghịch ngợm và không nghe lời, nó đã bị bà đánh rất nhiều lần. Nhưng nó lại không sợ bà đánh bằng ông. Ông rất ít khi đánh hay cáu giận với nó, nên những lúc ông đánh nó là lúc ông thực sự tức giận. Nó rất sợ những lúc như vậy. Nhưng gọi là đánh thôi nhưng ông bà chỉ lấy cây nứa quất vào mông nó mấy cái cho nó chừa để sau này không nghịch phá như vậy nữa. Ngày ấy mỗi khi bị đánh, là nó lại chạy vòng quanh nhà để mong thoát khỏi cái roi trên tay bà. Chạy được mấy vòng nó lại ra nép ở góc tường, để rồi lúc bị bắt nó đã không còn lối nào để trốn chạy. Bây giờ khi đã trưởng thành nghĩ lại nó thấy mình lúc ấy thật là dại dột.
Ở cùng ông bà, nó thích những ngày mát mẻ được ngồi nghe radio cùng ông bà ngoài hiên nhà, đó chỉ là những bản tin thời sự khô khốc, hoặc những vở kịch truyền thanh kịch tính. Cái cảm giác nằm dưới ánh tăng sáng vằng vặc chiếu rọi vào từng ô cửa trước hiên, lâu lâu lại có một cơn gió mát rượi ghé thăm khiến cho buổi tối thật yên bình. Nó cứ ngồi đây nói chuyện với ông bà đến gần nửa đêm. Nghe ông bà kể những chuyện trong ngày và những chuyện thời xa xưa khi ông bà còn công tác trong nhà máy.
Năm cuối bậc tiểu học của nó, mẹ xây một ngôi trên mảnh đất ông bà để dành. Nó ở với mẹ, nhưng nhà ông bà sát vách, nên dù đã chuyển hộ khẩu nhưng nó vẫn được ở cạnh ông bà. Thế là mười hai năm học của nó luôn có ông bà bên cạnh. Cho đến khi nó vào đại học, nó phải học xa nhà, thời gian nó về nhà cũng không nhiều, nhưng mỗi lần về, ông bà đều gói nhiều đồ cho nó cho nó mang đi và dặn dò đủ thứ. Nó lớn rồi mà ông bà lúc nào cũng sợ nó đói, sợ nó lạ nước lạ cái mà không biết tự chăm sóc cho bản thân mình ở nơi đất khách. Nhiều câu dặn dò của ông bà đã khiến nó thuộc lòng.
Đôi lúc nó sợ ông bà sẽ cho nó tất cả những món đồ tốt nhất mà ông bà dành dụm được. Nên nhiều lần nó đã bảo ông bà rằng nó còn nhiều lắm, đồ ông bà cho đợt trước nó còn chất thành đống cao trong tủ kia kìa. Lần nào về ông bà cũng gói nhiều đồ thế một mình nó sao dùng hết được. Nó từ chối vậy bởi vì nó biết cái gì ông bà cũng cất đi để dành cho nó, rồi ông bà lại nói là ở nhà có đầy. Nhưng nó biết thừa là ông bà chỉ có một cái đấy thôi chứ làm gì có nhiều. Ông bà cho nó rồi thì lấy gì mà dùng cơ chứ?
Sau một thời gian đi học, nó bắt đầu quen một người bạn trai. Anh là một người cùng tuổi và học cùng trường. Quen nhau được một thời gian dài thì anh muốn nó đưa anh về nhà ra mắt. Nghe lời đề nghị của anh, nó đã rất vui vì anh muốn được công khai với gia đình nó, nhưng nó cũng có đôi phần xấu hổ vì chưa đưa ai về ra mắt bao giờ cả. Nó gọi bà để nói chuyện anh muốn về nhà, bà động viên ngược lại nó nhanh chóng đưa anh về cho ông bà gặp mặt.
Tết năm ấy, anh về nhà nó. Anh là người rất biết ý tứ nên cứ đứng ngoài sân đợi cho đến khi nó mời ông bà ra thì anh mới chào và tiến vào nhà gửi quà. Thấy anh đến, bà cười tươi lắm, ông thì hỏi chuyện anh đủ thứ về gia đình, bố mẹ, anh chị em, cho đến con đường từ nhà anh sang nhà nó. Anh trả lời rất lễ phép và còn biết xông xáo phụ làm cơm. Hôm ấy anh đã có màn thể hiện rất tốt nên rất được lòng ông bà. Đến khi anh về rồi, ông bà không quên gửi chút bánh kẹo cho em gái anh ở nhà và dặn anh đi về cẩn thân, khi nào có dịp thì nhớ lên thăm ông bà.
Sau ngày anh ra mắt, bà rất hay hỏi thăm anh qua nó. Nó rất vui vì bà đã thương anh đến vậy. Nó cũng đáp lại lời hỏi thăm của bà. Kể lại cho bà về cuộc sống của anh, nhưng nó không muốn khen anh quá nhiều đâu, nó biết anh là một người hiểu chuyện, nhưng ai cũng có những tính tốt, tính xấu, nó không muốn những lời hoa mỹ của nó tạo thành một hình tượng bong bóng quá hoàn hảo mỗi khi hình dung về anh. Nên nó vẫn muốn ông bà sẽ tự nhận xét một góc nhìn khách quan mỗi khi nó đưa anh về.
Cái ngày nó ra trường, nó đã có một khoảng thời gian dài bấp bênh trong công việc ở quê nhà. Nó quyết định sang tỉnh khác thử sức với một cơ hội mới và bất ngờ được nhận. Những gì nó cần lúc ấy chỉ là hoàn thiện hồ sơ để bắt đầu công việc. Về nhà, nó đã rất lo sợ vì trước thông tin trúng tuyển của nó sẽ vấp phải sự phản đối của gia đình. Nhưng bà là người đã ủng hộ nó, giúp nó tìm giấy tờ còn thiếu mà bà đã cất rất cẩn thận. Nhờ sự giúp đỡ của bà, mà nó đã được làm công việc hiện tại đã hơn một năm trời – một công việc trái với định hướng mà mẹ đã vạch ra cho nó.
Dạo gần đây khi về nhà, bà bắt đầu nhắc khéo nó về sự cần thiết của một mối quan hệ nghiêm túc cho tương lai sau này. Dù không nói thẳng ra nhưng nó biết rằng bà đang mong muốn nó ổn định cuộc sống với một tấm chồng tốt. Nhưng nó là đứa vẫn còn ham vui và chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình riêng nên nó vẫn than vãn là nó còn bé lắm, nó muốn đi chơi, nó chưa muốn lấy chồng bây giờ đâu. Bà chỉ biết bất lực trước những lời trì hoãn của nó, nhưng vẫn nhắc nó phải biết cân nhắc để ổn định cho cuộc sống sau này! Nó chỉ cười xong đánh trống lảng sang chủ đề khác để chạy thoát khỏi những câu nhắc khéo của bà.
Nó chỉ mong bây giờ và cả sau này, nó sẽ không gây ra những lời nói và hành động để làm ông bà buồn vì nó luôn sợ sẽ ân hận cả một đời vì đã phụ lòng những người đã hết lòng chăm sóc nó. Nó luôn biết ơn ông bà đã nuôi nó một hành trình dài. Nếu ngày ấy nó không có ông bà thì nó không biết cuộc đời nó sẽ có những biến chuyển gì và sẽ đi về đâu nữa. Nó luôn cảm ơn đời vì ông bà luôn bên cạnh đồng hành trong suốt quá trình nó lớn lên. Nó cảm ơn vì nó còn có ông bà – người đã đóng vai những người cha, người mẹ để chăm sóc cho nó những ngày ấu thơ, người đã không quản ngại giấc ngủ để trông nom nó những đêm sốt cao trong viện. Nhưng đến tận bây giờ, nó vẫn nợ ông bà một lời cảm ơn chưa từng được nói thành tiếng…
© Nguyễn Thu Hà - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em?
Có lẽ đến chính bản thân mình không biết ngày hôm đấy mình khác lạ thế nào. Mãi sau này khi tâm sự mẹ mới nói mình rằng đó là lần đầu mình kể về một người con trai với giọng điệu hào hứng như thế với mẹ.
Tuổi trẻ vượt bão - Chẳng bao giờ là quá muộn để sống với đam mê
Những năm tháng tuổi trẻ, bạn phải vượt qua rất nhiêu thử thách. Việc nắm bắt được cơ hội chính là kết quả của sự chuẩn bị dài lâu của chính bản thân bạn. Cuốn sách này là những tâm sự chân thành từ tác giả, để bạn đọc trẻ có thể mạnh mẽ hơn cho những quyết định hiện tại, và cho cả một tương lai rực rỡ.
Niềm say mê và sự bứt phá
Không có con đường nào trải sẵn hoa hồng, không có thành công nào mà không phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt hay không dẫm trên chông gai. Chỉ khi con người biết sống với niềm say mê, bứt phá thì không có gì là không thể thực hiện được.
Yêu lại người yêu cũ
Phải chi, em không yêu anh nhiều thì có thể em đã không phải tổn thương nhiều đến vậy. Em chưa từng hối tiếc vì đã dành thời gian lâu để yêu và bên anh, bởi cũng nhờ anh mà em mới biết yêu một người là thế nào.
Thao thức
Cô lắng nghe mà thấu hiểu những thao thức canh khuya những thao thức trong đêm dài của họ, Trân cũng hiểu luôn nỗi lòng của họ, nỗi lòng của những người mẹ cứ luôn canh cánh cho tương lai cho cuộc sống của các con mình.
5 cách hành xử khiến người EQ thấp bị trừ "âm điểm", ai cũng muốn xa lánh
Để cải thiện chất lượng cuộc sống và mối quan hệ, việc nhận thức và phát triển EQ là rất quan trọng.
Khi chúng ta độc thân đủ lâu
Có ai đó đã nói rằng, chúng ta vốn dĩ không sợ yêu… thứ chúng ta thật sự sợ hãi, thật sự ám ảnh chính là những thương tổn trong quá khứ. Chúng bám lấy cuộc sống của chúng ta như những bóng ma tâm lý khiến chúng ta đau đớn, khiến chúng ta đánh mất niềm tin vào bản chất thuần khiết của tình yêu.
Hai kẻ xa lạ nương tựa vào nhau bới tâm hồn đều vụn vỡ
Thương anh, nhỉ? Thương lấy những nỗi sầu Chữ thương này vì thấu hiểu cho nhau Thương, chẳng gặp, lòng em ngàn vết cắt Bởi lời mình có giúp được chi đâu?
Khám phá linh vật may mắn của 12 cung hoàng đạo
Mỗi cung hoàng đạo đều có 1 linh vật đại diện, phản ánh đặc trưng tính cách và năng lượng của cung hoàng đạo đó. Không chỉ mang lại may mắn, linh vật đại diện còn là vị thần hộ mệnh tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chúng ta, đồng thời dẫn đường mỗi khi chúng ta nhụt chí.
Mùa hạ của những ngày xưa cũ
Thấy chúng tôi ngoại cứ nhìn hoài mà cười. Giờ tôi nhận ra chẳng có gì quý hơn là những giây phút gặp được con cháu của mình. Bởi có còn mấy mươi năm nữa đâu. Xế chiều như những chiếc lá thu nhuốm màu đỏ của thời gian vậy chỉ chờ cơn gió cuối thổi qua mà thôi.