Phát thanh xúc cảm của bạn !

Hạnh phúc của mẹ tôi

2023-09-16 04:50

Tác giả: Hà Macy


blogradio.vn - Hôm nay là sinh nhật mẹ, chắc bây giờ mẹ vẫn còn giận tôi lắm. Vì tôi đã không nghe theo con đường mà mẹ đã định hướng cho tôi mà đã tự chọn con đường đi của mình.

***

Mẹ đã rất phật ý trước quyết định này. Tôi và mẹ từ ấy đã trở nên xa cách hơn nữa. Nhưng không cần một thông báo từ mạng xã hội hay một lời nhắc nhở từ những người thân trong gia đình, thì tôi vẫn nhớ hôm nay là sinh nhật mẹ.

Năm nay mẹ đã gần năm mươi tuổi rồi. Mái tóc đen dài của mẹ bắt đầu xuất hiện nhiều hơi những sợi điểm bạc. Cuộc đời mẹ trước giờ luôn gặp nhiều sóng gió. Mặc dù, ôi không được chứng kiến cuộc đời của mẹ từ khi mẹ còn trẻ. Mà chỉ được biết qua những câu chuyện của ngoại và những bức ảnh cũ trong quyển album sờn gáy được cất trong chiếc tủ cũ.

Tôi là đứa con gái lớn của mẹ. Nhưng từ khi còn rất nhỏ. Tôi đã được sống với ngoại. Ký ức của tôi bắt đầu được cất vào từng ngăn kéo trong tâm trí là khi tôi đi học mẫu giáo. Khi ấy tôi bắt đầu có thể nhớ được một vài chi tiết nhỏ diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Nó là những mảnh ký ức nhỏ được tôi lắp ráp lại với nhau để hình dung lại hồi bé tôi là một đứa trẻ như thế nào.

Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ, mẹ rất hay gọi điện thoại cho tôi, cái thời mà điện thoại bàn là phương tiên liên lạc chính, còn di động là một thứ xa xỉ. Ngoại cũng có một chiếc điện thoại bàn để gần cửa sổ. Nhiều buổi tối, có một người phụ nữ hay gọi điện hỏi thăm tôi. Nhưng tôi nhát lắm, tôi không dám trả lời hay hỏi thăm gì bà ấy cả. Mỗi khi bà ấy gọi tôi thì ngoại thường nghe máy và hướng dẫn tôi cách trả lời khi bà ấy hỏi chuyện. Ngoại tôi bảo gọi mẹ đi, tôi chỉ đứng im lặng mà không dám mở miệng gọi lấy một lời. Vì tôi không biết đây là ai nữa. Một người mà trong trí nhớ của tôi là chưa một lần gặp mặt, tôi cũng chưa từng gọi ai là mẹ cả.

Người mà tôi biết đến chỉ có ngoại. Ngoại luôn đưa đón tôi mỗi khi đi học, ngoại luôn để phần cho tôi cũng thức quà ngon trong chiếc tủ chạn cũ kỹ đã đồng hành với gia đình tôi cả thập kỷ. Tôi cũng chưa bao giờ thắc mắc là sao các bạn có bố mẹ đến đón mà tôi lại chỉ có ngoại. Tôi không đủ lanh lợi để thắc mắc nhiều điều sâu xa đến vậy. Vậy mà người phụ nữ này lại muốn tôi gọi là mẹ. Mà mẹ là ai nhỉ? Tôi nhớ là tôi đã rất lì mà không gọi người này là mẹ, dù cho bà luôn đứng cạnh và thúc giục tôi. Có lẽ thời điểm ấy tôi đã làm tốn khá nhiều tiền điện thoại vì sự lì lượm của mình.

Các cuộc điện thoại ấy cứ tiếp diễn đến khi tôi lớn hơn một chút. Thì bất ngờ mẹ trở về đưa tôi một món quà. Đó là một bạn búp bê tóc vàng, mặc một chiếc váy màu đỏ mận.

Ngày ấy, tôi đã rất thích món quà ấy, vì đây là một con búp bê có đôi mắt biết cử động. Đó là một đôi mắt tròn màu xanh ngọc, nó có thể mở ra mỗi khi tôi để búp bê đúng thẳng và nhắm vào mỗi khi tôi đặt nằm. Đi đâu tôi cũng ôm theo con búp bê ấy, rồi chơi trò giả vờ ru ngủ để thấy đôi mắt búp bê đang nhắm liền. Dù cho tôi thích món quà ấy là vậy, nhưng trong suốt thời gian dài tôi không gọi mẹ, mà chỉ gọi bằng cô. Mãi về sau, tôi mới nhận làm bà làm mẹ.

Từ khi mẹ về ở hẳn với tôi, tôi bắt đầu quen sự có mặt của bà. Ngày ấy có hai người đàn ông đến theo đuổi mẹ, một người là bộ đội đóng quân ở cách nhà tôi không xa. Một người làm kinh doanh đồ điện tử có nhà ở cạnh chợ thành phố. Hai người ấy rất hay đến nhà tôi và luôn mang theo những món quà. Đã có rất nhiều lần mẹ hỏi rằng: “Trong hai người ấy con thích ai?”, thì tôi đều nói rằng: “Con không thích ai cả”.

Đấy chỉ là một câu trả lời bâng quơ thôi vì chính tôi cũng không biết nên chọn ai cả. Nhưng bây giờ tôi mới biết, hóa ra ngày ấy mẹ đã cho tôi quyền lựa chọn chồng của bà sau này.

ba8e193b0f6cabba0207f092d004e525

Trước những câu trả lời không có sự lựa chọn nào của tôi thì mẹ bắt đầu đi tìm sự lựa chọn của chính mình. Mẹ mở lòng hơn với hai người đàn ông này, và dành cho họ cơ hội để tìm hiểu mẹ thông qua những buổi gặp gỡ. Tôi cũng nhiều lần được mẹ dẫn đi khi mẹ có những buổi gặp mặt với hai người đàn ông này. Họ luôn hỏi thăm và đối xử với tôi rất tốt. Trải qua một thời gian sau đó, tôi cảm thấy mẹ bắt đầu có quyết định của riêng mình. Mẹ thân thiết hơn với người bộ đội kia. Mẹ cũng hay đến doanh trại thăm ông ta mỗi ngày cuối tuần. Mẹ cũng không quên dắt tôi đi theo, nên nhờ đso tôi đã biết đến cuộc sống trong quân ngũ. Nơi đól là một không gian rộng lớn với những chú bộ đội vui tính, dễ gần, nhưng bạn cún thông minh và những vườn rau xanh mơn mởn nhờ những bàn tay cần cù chắm bón. Tuổi thơ tôi được gắn bó nhiều với những người quân nhân như vậy đấy.

Mẹ và ông ta ngày càng thân thiết hơn, dù không nói trực tiếp nhưng ai cũng hiểu rằng sự lựa chọn của mẹ là ai rồi. Ông ta là một người tháo vát trong mọi công việc nên ngoại rất quý ông ta. Do đóng quân gần nhà tôi, nên mỗi khi có thời gian rảnh ông ta lại đến thăm nhà tôi. Nhưng trong mỗi câu chuyện của hai người, mẹ đều nhắc đến tiền và luôn muốn ông ta chu cấp cho một phần trong cuộc sống của mẹ. Về sau này tôi mới biết, ông ta đã có vợ dưới quê và hai người con trai lớn. Ông ta còn từng dắt người con trai út đến nhà tôi chơi. Anh là một người hiền lành nhưng bị tật ở chân khiến anh không đi được bình thường như người khác mà phải tập tễnh bước từng bước thật chậm chậm. Tôi không biết ông ta và vợ cũ đã ly hôn chưa nữa, nhưng ngoại kể rằng đây là một mối quan hệ không rõ ràng. Nhưng hình như mẹ chấp nhận với điều đó.

Năm tôi học lớp sáu, thì mẹ có bầu em trai tôi bây giờ. Mẹ đã lo lắng vì sợ tôi không chấp nhận em thì phải. Tôi không dám chắc nữa, nhưng mẹ đã từng khóc vì điều này. Rồi mẹ sinh ra em tôi, nhưng không được mấy ai sang chúc mừng vì mối quan hệ của mẹ tối và ông ta là mối quan hệ không chính thức. Và mẹ không có một danh phận gì trong mối quan hệ này. Mẹ luôn ghim trong lòng chuyện này, và mẹ cũng không có những mối quan hệ thân thiết với láng giềng.

Cái ngày em tôi còn bé, tôi đã nhiều lần vô tình làm ngã em, và đôi lần bị mang tiếng là độc ác. Có một lần, tôi trêu em nhưng lại khiến em khóc làm ông ta đã bảo tôi rằng: Tôi ghét em nên tôi mới làm như vậy. Câu nói ấy đã động đến lòng tự ái của tôi.

Lại một thời gian nữa trôi qua, em tôi tiếp tục lớn lên, cũng là lúc ông ta sắp về hưu. Không biết chuyện gì đã xảy ra nữa, nhưng mẹ và ông ta cắt dần liên lạc với nhau. Ông ta bắt đầu biến mất khỏi cuộc sống của mẹ. Ông ta trở về quê thì phải. Còn em tôi lúc ấy vẫn còn đang học mẫu giáo. Và ông ta cũng biến mất khỏi cuộc đời nó. Vậy là mẹ lại một mình nuôi hai chị em tôi. Lần cuối cùng tôi còn nhận được tin tức của ông ta là thông tin về số tiền mười triệu đồng mà ông ta đã gửi cho em tôi qua đường bưu điện.

Ngày em tôi học tiểu học, mẹ cũng có một công việc mới. Tại đây, mẹ được gặp và làm việc cùng một người kỹ sư từ miền Trung ra Bắc lập nghiệp. Sau nhiều ngày làm việc tại nơi mới, tên của người đàn ông ấy bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong mỗi câu chuyện của mẹ. Qua những câu từ đẹp đẽ mà mẹ dành cho ông ấy trước mặt ngoại, tôi hiểu rằng ống là một người lịch sự, nhã nhặn và rất có tài trong công việc. Chỉ qua những câu từ ấy thôi, tôi cũng hiểu được mẹ đã ngưỡng mộ ông ấy biết nhường nào. Từ khi nhận công việc mới, hầu như mọi câu chuyện của mẹ với ngoại sau mỗi gìờ tan làm có nhắc đến ông ấy. Công việc mới xảy ra nhiều vấn đề không mong đợi đã vô tình đẩy mẹ và ông ấy thành những người có cùng quan điểm. Nhưng vấn đề phức tạp của công ty ngày một lớn khiến mẹ quyết định thôi việc. Công việc dừng lại, nhưng mối quan hệ của hai người vẫn tiếp tục. Mối quan hệ ngày càng thắm thiết cho đến một ngày mẹ đưa ông ấy về nhà ra mắt gia đình. Sau hôm ấy cũng là chính thức công khai chuyện của hai người.

Ngày tôi đi nhập học, ông ấy và mẹ đều đưa tôi đến trường mới. Trong mắt tôi, ông là một người rất hiểu biết và luôn bình tĩnh trước mọi vấn đề lớn, nhỏ trong cuộc sống. Nhưng ngoại tôi luôn coi sự xuất hiện của ông ta trong cuộc đời của mẹ như một cái gai trong mắt. Vì ông thực sự là một người bướng nhác việc nhà. Hầu như mọi công việc nhà đều là một tay mẹ lo toan, từ nấu cơm, rửa bát đến giặt đồ, dọn dẹp. Còn ông là một người đam mê công nghệ nên thường ngồi trước hiên nhà với chiếc điện thoại trên tay. Có nhiều hôm mẹ bận rộn cả ngày mà vẫn phải giặt một chậu đồ lớn khiến ngoại tôi vô cùng chướng mắt. Dù phải phục vụ là vậy nhưng mẹ không than vãn chỉ một lời. Mẹđồng ý với việc đàn ông không cần quá lo toang đến việc nội trợ trong nhà.

Công việc của ông ấy ngày càng nhiều trắc trở và không ổn định. Ông ta dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Thời gian của ông ta phần lớn chỉ dành cho chiếc điện thoại ngoài hiên nhà. Sự dị nghị của hàng xóm đến tai ngoại khiến cho ngoại càng thêm gai mắt. Ngoại bắt đầu trở nên coi thường ông ta. Điều đó trở thành một phàn nguyên nhân làm xung đột của ngoại và mẹ càng gay gắt. Hai người dần trở nên xa cách trước sự phàn nàn của ngoại với mẹ dành với ông ta. Mẹ thì luôn một mực bênh vực ông ấy, mẹ bảo rằng hai người đang theo đuổi một dự án lớn rất có tương lai. Nhưng ngoại lại phủ nhận điều đó. Rồi mâu thuẫn càng trở nên sâu sắc khi mẹ quyết định mua một chiếc xe máy cho ông ấy đi làm. Tôi không biết đó là tiền của ai nữa, không biết ông ấy và mẹ đã cũng nhau góp gạo hay chỉ một mình mẹ chống đỡ tất cả. Nhưng ngoại tôi luôn cay nghiệp ông ấy, luôn trì triết mẹ mù quáng để đi bao nuôi một người lạ.

Còn tôi, tôi cũng có góc nhìn của riêng mình. Trong mắt tôi, ông ấy thật sự là một người hiểu biết mọi chuyện. Ông ấy thật sự rất ân cần với tôi. Ông luôn sẵn sàng chi tiền cho tôi, mặc dù tôi và ông không cùng một dòng máu. Ông luôn dặn tôi hãy coi ông như người nhà và đừng e dè xin tiền ông mỗi khi túng thiếu. Ông luôn biết ngoại tôi không ưa ông, nhưng ông cũng không có một lời giải thích để mong muốn thay đổi đi cái nhìn tiêu cực từ ngoại. Ông luôn không quan tâm sự xì xào của xóm giềng, và không đợi chờ sự thanh minh để lấy lại một tình tượng đẹp đẽ trong mắt những người xung quanh. Trước thái độ không tốt của gia đình tôi, ông vẫn lễ phép với ngoại. Tôi cũng từng theo phe ngoại, không thích việc ông ấy cứ để mẹ lo toang hết việc nhà. Chả khác nào một người bận rộn, một người thảnh thơi. Nhưng sự quan tâm của ông dành cho tôi, khiến tôi dần dần đứng ở vị trí trung gian. Tôi không còn hùa theo câu chuyện của ngoại nữa, mà tôi chỉ vâng dạ cho qua rồi nói sang một chủ đề khác. Tôi không muốn thành một đứa nhiều chuyện.

Năm tôi học năm nhất đại học, tôi biết được tin mẹ có tổ chức một vài mâm cỗ nhỏ, mời một vài người họ hàng bên nhà tôi, và một người thân của ông ấy đang sinh sống ngoài Bắc đứng ra chứng kiến. Dù không nói thẳng, nhưng tôi hiểu đó là một đám cưới nhỏ của mẹ và ông ấy.

Một năm trôi qua, cho đến một ngày, mẹ gặp riêng tôi và đề nghị rằng muốn tôi gọi ông ấy là bố. Lý do cho đề nghị này của mẹ chính là muốn em tôi quen với cách xưng hô này. Tôi chấp nhận với yêu cầu của mẹ. Vậy là tôi đã gọi người trong mối quan hệ hơn năm năm của mẹ bằng bố. Đây là một tiếng gọi với một âm điệu ngắn thôi, nhưng nó thật sự xa lạ với tôi. Vì trước đây, tôi chưa từng gọi ai như thế cả. Nếu có thì chắc là tiếng gọi bố trước ban thờ mà mẹ thường nhắc lời cho tôi mỗi khi về nội thắp hương. Hoặc là tiếng bố mỗi khi mẹ muốn tôi gọi một vài người họ hàng bên nội để thêm gần gũi. Còn lại thì đó là một từ rất khó đối với tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể quen với cách gọi này vì còn đôi chút cảm giác ngần ngại.

Sau khi biết cách xưng hô của tôi và ông đã thay đổi, ngoại tỏ ra vô cùng phật ý. Ngoại trách tôi rằng: Ông ta đâu có nuôi tôi ngày nào đâu mà lại gọi dễ dàng vậy. Tôi cũng từng hối hận với quyết định của mình. Nhưng đến hiện tại, tôi đã thỏa hiệp tất cả. Tôi nhìn ra được tình cảm mẹ dành cho ông ấy. Nó cũng bất chấp giống như tình yêu tôi dành cho người đàn ông của mình hiện tại vậy. Tôi hiểu mẹ đang một mình bảo vệ ông ấy trước mọi ánh nhìn dò xét của gia đình tôi và hàng xóm láng giềng. Ngoại luôn nói mẹ ngu nguội, mù quáng khi mẹ đồng ý thế chấp tài sản để cùng ông ấy làm ăn và cùng ông ấy chịu một khoản lãi cố định của ngân hàng mỗi tháng. Ngoại luôn cho rằng mẹ đã lừa ngoại để có được khoản tiền ấy khi số tiền ấy có dính dáng đến một phần quyển sổ đỏ của ngoại.

b984fbbdc6f779c2c23d839d66795c6e

Nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ yêu một người mà không coi trọng vật chất đến như vậy. Tôi luôn cho rằng mẹ lấy bố tôi – một người cách mẹ gần ba mươi tuổi để có một tấm vé bước chân vào nhà hào môn. Tôi còn nhớ lần đầu tôi cầm tờ giấy khai sinh của bản thân và giật mình khi biết bố tôi còn lớn tuổi hơn cả ngoại. Từ khi còn bé, những gì được hình thành trong trí óc tôi chỉ là một gia đình nhà nội gia thế và giàu có. Điều đó trái ngược hẳn với một gia đình không lấy gì làm khá giả như nhà tôi.

Rồi cả với người bộ đội tiếp theo bước vào cuộc đời mẹ sau này cũng vậy, tôi biết mẹ lúc ấy đang cần tìm một chỗ dựa về kinh tế. Nên danh từ “tiền” luôn xuất hiện như một câu cửa miệng của mẹ. Nhưng với người đàn ông hiện tại, mẹ lại không như vậy. Vì ông không phải là một người dư dả, không phải là người biết nói lời đường mật. Đã thế ông lại phải có trách nhiệm với một người vợ đang trong quá trình xạ trị cùng ba đứa con riêng. Ngoại dè bỉu mẹ dây dưa vào một người đã có gia đình. Nhưng đúng là một khi bạn là người ở giữa, bạn sẽ biết được nhiều thông tin hơn khi bạn chạy theo một phía. Và qua lời kể của mẹ, tôi được biết ông và vợ vốn dĩ đã không còn tình cảm, cái duy nhất còn ràng buộc họ chính là con cái. Vợ ông thì đang xạ trị ung thư nên vai trò của người con gái lớn như đang dần trở thành người trụ cột gia đình. Mẹ nói, ly hôn bây giờ sẽ thật có lỗi khi bỏ rơi một người bệnh lại một mình. Mẹ muốn ông vẫn có trách nhiệm với vợ và cần lo toan cho 3 đứa nhỏ. Khi nghe mẹ dãi bày, tôi thật sự đã thấy sự thay đổi của một người luôn cần một điểm tựa về vật chất lại dám vì người mình yêu mà đồng hành.

Dạo ấy, tôi bắt đầu đi làm xa nhà tại một tỉnh cách gia đình tôi hơn một trăm cây số. Vào một ngày nọ, mẹ bảo vì ông ấy tiện đường trở vào miền Trung nên muốn ghé lại chỗ tôi để gửi đồ. Khi bắt gặp ông, tôi đã rưng rưng nước mắt khi thấy ông ấy vác một chiếc balo to, tay xách đồ cho tôi và đi bộ một quãng dài để đến nơi tôi làm việc. Tôi đã thấy tóc ông bạc đi rất nhiều. Tự nhiên tôi cảm thấy thương ông. Lúc ông dời đi, tôi có bảo ông đừng đi bộ nữa mà hãy bắt xe và gửi cho ông chút tiền đi đường. Tôi chúc ông có một chuyến đi bình an. Và tất nhiên, đó không phải là một lời nói trước tiếp, mà là một đoạn tin nhắn gửi đến ông khi ông đã rời khỏi.

Sau cái ngày ông rời Bắc, ngoại lại trì triết việc mẹ bị lợi dụng vì cho rằng làm gì có việc ông ta về quê với hai bàn tay trắng. Ngoại bảo rằng ông đã lén lút giấu tiền gửi về nhà, dành phần vất vả cho mẹ ở đây. Gia đình tôi luôn nói những điều tệ lắm, nói mẹ dại trai, mẹ chỉ biết phục vụ người lạ và nói rằng ông ấy ở với mẹ vì coi như việc đang ở một cái nhà trọ. Tôi không nói gì cả. Vì tôi không muốn tham gia vào câu chuyện này.

Mẹ và ngoại trở nên trắc khẩu và không nói chuyện với nhau trong một thời gian rất dài. Nhưng tôi vẫn trò chuyện được với cả hai người, vì tôi chỉ là một kẻ trung gian. Vì người đàn ông của tôi đã dặn, gia đình mà bất hòa, thì nhất định không được theo phe ai. Bây giờ, tôi luôn muốn cảm ơn lời khuyên của anh đã khiến tôi giữ hòa khí được với cả hai người. Nhưng có nhiều lần mẹ luôn dè chừng với tôi, coi tôi như kẻ buôn chuyện trong nhà. Tôi còn nhớ vào một hôm tôi hỏi thăm ông ấy qua mẹ, mẹ đã nói tôi là đứa chuyên đi đưa chuyện cho ông bà nên không muốn trả lời câu hỏi của tôi. Sau lần ấy, tôi không còn chủ động hỏi chuyện mẹ, mà chỉ ngồi im mỗi khi mẹ cần người lắng nghe.

Ông ấy bắt đầu có những chuyến công tác xa nhà. Tôi nghe bảo đi làm chỗ nào cũng ông cũng không được gặp may, thu nhập thì không được người ta thanh toán sòng phẳng. Trước tình hình ấy, ngoại tôi càng được thể đi so sánh với con hàng xóm: “Người ta cũng làm kĩ sư mà tiền tiêu không hết, đằng này cũng làm kĩ sư mà suốt ngày kêu không trả lương, chắc chả là được gì, suốt ngày ngồi xem điện thoại nên chủ nó không trả”.

Mẹ bỏ ngoài tai tất cả, vẫn đồng hành cùng ông ấy và nuôi hy vọng về một dự án làm gia đình tôi đổi đời. Mỗi khi ông ấy về, mẹ luôn dành nhiều thơi gian trong bếp để nấu những món ăn mà ông ấy ưa thích. Ngoại thì lại mặt nặng mày nhẹ khi thấy mẹ hết lòng phục vụ ông ấy. Đúng là: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Tôi thấy những chuyện đang xảy ra trong gia đình tôi đúng là một minh chứng của câu nói. Mọi nhất cử nhất động của ông đều bị ngoại soi xét, rồi chỉ cần một sơ xuất nhỏ thôi ngoại lại lấy đó là chủ đề phàn nàn.

Hiện tại, mâu thuẫn giữa mẹ và ngoại có phần trở nên lặng lại hơn xưa. Nhưng ông ấy đến giờ vẫn chưa được lòng gia đình tôi. Tôi biết ngoại không ưa ông ấy cũng chỉ vì xót xa khi nhìn cảnh con gái cả của mình đi làm về mệt nhọc mà vẫn phải đi phục vụ ông ta. Còn mẹ cho rằng ngoại ghét ông ta nên mọi việc ông ấy làm đều không vừa mắt ngoại. Hai người càng không nói chuyện thì càng không hiểu cho nhau và không có tiếng nói chung.

Đối với một người ngoài cuộc như tôi, tôi không ủng hộ việc mẹ quá bênh ông ấy mà gạt đi tất cả những lời khuyên nhủ của mọi người trước mặt gia đình tôi. Điều ấy tưởng chừng như xây dựng cho ông ấy một hình tượng tốt đẹp, nhưng đó lại đang trở thành một liều thuốc phản tác dụng. Mẹ luôn bảo vệ ông ấy dù cho đôi lúc ông ấy đã không khéo léo trong cư xử thường ngày với gia đình tôi. Tôi chỉ mong với vai trò là người ở giữa ngoại và ông ấy, mẹ có thể hàn gắn được mối quan hệ này.

Nhưng dù có bàn luận và nhận xét gì về câu chuyện này đi chăng nữa, thì ít ra mẹ cũng đang hạnh phúc với quyết định của mình. Hy vọng trong tương lai mọi thứ sẽ ổn.

© Nguyễn Thu Hà - blogradio.vn

 

Mời xem thêm chương trình:

 

 

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hè còn đến

Hè còn đến

Con đường mùa hè của đứa trẻ còn quê là xuống bếp, lên nhà rồi ra vườn, chạy ra đồng rồi lấm lem ra về. Quãng đường này tôi đã đi mòn mấy mùa hè trước và thêm mùa này nữa cũng coi như trọn vẹn thời học sinh.

Em ra phố

Em ra phố

Sáng nay cô ra phố, Bích Loan thấy nhớ nôn nao chiếc xe bánh mì và câu nói của mẹ, mình chuẩn bị ra phố thôi con, dậy đi. Bây giờ cô cũng đang ra phố đây, cũng con hẻm quen thuộc cũng những ngôi nhà những gương mặt quen thuộc của biết bao người, cũng con phố đã bên cô bao năm tháng ngày xưa, mà sao hôm nay cô thấy thân thương lạ.

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con, dạy biết bao điều Mẹ dạy nhiều, con nhớ bao nhiêu? Lời mẹ dạy, con chẳng thèm giữ Vì lời mẹ cũng chẳng dễ nghe.

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Ai cũng mong vận may của mình sẽ thuận buồm xuôi gió trong cuộc đời, đặc biệt là về mặt sự nghiệp, tài lộc. Ba tháng tới sẽ là khoảng thời gian may mắn đối với bốn con giáp này. Họ sẽ có những chuyển biến tốt hơn, sự nghiệp thăng tiến và họ cũng có thể đạt được sự giàu có bất ngờ. Hãy cùng xem 4 con giáp này sẽ tận hưởng vận may như thế nào trong những ngày tới nhé.

Vượt qua niềm đau

Vượt qua niềm đau

Tôi nhận ra anh cũng thích tôi giống như tôi đã thích anh vậy. Phải chi tôi đủ dũng cảm để nói ra hết mọi chuyện với anh thì giờ đây tôi không phải hối hận nhiều đến vậy.

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Tuổi 22, nơi mà một người trẻ cảm thấy mình nhỏ bé giữa vũ trụ bao la của ước mơ và khát vọng, nhưng cũng không thể tránh khỏi áp lực thời gian và nỗi đau của sự thất bại.

Mơ

Chẳng hiểu sao những ngày đó cô có thể mơ những cái mơ lạ lùng như vậy, toàn là mơ những chuyện quá sức mình, vậy mà cũng mơ được. Vậy là thêm một lần mơ nữa vẫn cứ là mơ chứ cô không biến mơ thành thực được.

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Hiện nay, 5 thể loại sách chữa lành được độc giả ưa chuộng gồm sách khám phá bản thân, phân tích hành vi, kỹ thuật giảm căng thẳng, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Mỗi người một nơi, không ở cạnh nhưng luôn nghĩ về nhau, trái tim của hai đứa trẻ ấy vẫn luôn hướng về đối phương. Người ta hay nói “Xa mặt cách lòng”, giá như nó đúng với câu chuyện này thì hay biết mấy, sẽ không có hai người yêu nhau mà ôm nỗi tương tư như thế.

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Tôi nhớ mỗi tối nằm trong chăn ấm đều thiếp đi khi ngắm nhìn nó cuộn tròn ấm áp bên cạnh cái đèn ngủ bể cá giả sủi khí đưa đẩy những con cá nhựa lên xuống trong ánh sáng mờ màu xanh lam. Có lẽ đó là những năm tháng bình yên, vui vẻ nhất trong tuổi thơ của tôi và nó, cũng là những năm tháng mà tình bạn của chúng tôi gắn bó keo sơn nhất.

back to top