Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ở đâu có yêu thương nơi đó là gia đình

2021-01-01 01:20

Tác giả: Quang Nguyễn


blogradio.vn - Từ đó, trong căn nhà của ông Năm lúc nào cũng ngập tràn yêu thương. Anh nuôi" hay “người ngoài" đã biến mất từ lúc nào không ai còn nhớ. Chỉ nhớ ba đứa con ông Năm cứ luôn miệng gọi Sinh là anh hai.

***

Đêm đã khuya, đường im vắng không còn dáng người nào, chỉ còn lại tiếng bước vội vã rơi xuống lòng đường vang vọng. Ánh trăng soi đường, dẫn lối Sinh trở về nhà với bước chân mỏi mệt, mồ hôi ướt đẫm áo. 

Đêm nào cũng vậy, gần 0 giờ Sinh mới trở về nhà. Công việc bốc vác ở bến lúa khá cực nhọc đối với Sinh. Tuy còn trẻ nhưng sức khỏe anh đã suy yếu, người ta làm xong trở về nhà từ rất sớm, riêng anh cứ nghỉ mệt nên về muộn hơn bất cứ ai.

Sinh trở về nhà ăn vội chén cơm, tắm rửa rồi vào mùng ngủ.

Cha mẹ mất khi anh mới chín tuổi, ông Năm hàng xóm thấy tội nghiệp mang về nuôi cho tới ngày hôm nay. Mang tiếng con nuôi nhưng chẳng khác nào như con ruột, vợ chồng ông Năm thương yêu như ba đứa con của mình. 

Nhà ông Năm có ba người con, một trai, hai gái, thêm Sinh là bốn người. Hai người con gái đi lấy chồng và sống gần đó, người con trai út cũng có vợ sống cùng ông Năm, riêng Sinh đã hơn bốn mươi tuổi mà chưa vợ con gì. 

Họ yêu thương nhau, sống hòa thuận như anh em ruột, chưa bao giờ họ phân biệt giữa con ruột và con ghẻ. Bà Năm còn sống đã dạy như thế, đến khi bà Năm mất đi họ vẫn giữ mối hòa thuận anh em với nhau.

bai-luan-tieng-anh-chu-de-gia-dinh

Đó là điều ông Năm rất vui và hạnh phúc bên bốn người con của mình. Có thể nói ông là người có phước, tuy hai người con gái đã có gia đình sống riêng nhưng họ vẫn hay cho tiền hoặc mua những thứ ngon nhất cho ông. Họ đều học thành tài và có nghề nghiệp ổn định với đồng lương kha khá. 

Cả ba người con đều là bác sĩ làm việc trong một bệnh viện gần nhà, riêng Sinh một chữ bẻ đôi cũng không có, đành phải đi bốc vác kiếm từng đồng rồi trở về rất khuya. 

Không vì điều đó mà ông Năm thương ba người con hơn, ngược lại ông thương Sinh nhiều hơn ba người con ruột. Những lần con của ông cho tiền xài, ông đều giấu lại một ít để cho Sinh nhưng chưa lần nào anh nhận, vì anh thừa hiểu cha đã già không còn sức lao động, không làm gì ra tiền.

Chính vì điều đó mà anh không nhận tiền từ cha nuôi. Đôi khi anh cho tiền cha mình, ông cứ chần chừ như không muốn lấy, nhưng cũng phải lấy để anh được vui.

Một buổi sáng tiếng gà gáy vang sau nhà, ông Năm thức dậy uống trà như mọi ngày, ông có thói quen khi thức dậy đi rửa mặt ngang qua chỗ ngủ của Sinh.

Ông hay dừng lại để kiểm tra xem tối qua Sinh ngủ có đậy mùng kỹ không, chiếc đèn pin luôn pha vào mùng xem thử có con muỗi nào trong ấy không, mới đi rửa mặt và trở lên nhà trên hút thuốc uống trà. Thói quen này hình như không dành cho ba người con ruột của ông.

tea-

Sinh thức dậy với cơ thể uể oải sau một đêm mệt nhọc ở bến lúa, anh bước xuống giường ra sau rửa mặt rồi đi lên nhà trên. Thấy tía anh ngồi đó với gương mặt trầm ngâm như đang nghĩ ngợi điều gì đó bên làn khói trắng. Tay ông ôm một chiếc hộp, đôi mắt cứ nhìn lên bàn thờ nơi có di ảnh vợ ông, anh chưa từng thấy chiếc hộp này bao giờ. Anh bước lại gần cha rồi nói.

“Tía đang nghĩ gì mà điếu thuốc sắp tàn luôn rồi?”.

“Sao mày không ngủ thêm lát nữa đi hai, còn sớm mà?”.

“Con dậy giờ này quen rồi, cứ tới giờ này là tự nhiên thức dậy”.

“Tía dặn đừng đi bốc vác nữa, sao mày không nghe vậy hai?”.

“Ủa sao Tía biết con đi bốc vác?”.

“Mày đừng nói dối tía nữa, mày cứ nói đi làm việc nhẹ một lát rồi về. Chứ thật ra là mày đang bốc vác ở bến lúa. Hồi sáng Tía đi rửa mặt thấy cái áo của mày treo trên móc, trên cái vai áo có dính màu của bao lúa”.

“Tía yên tâm, con vác một bao rồi nghỉ mệt, xong tới bao khác lại nghỉ mệt, chứ không vác liên tục đâu”.

“Mày có biết sức khỏe đang yếu, hạn chế làm việc nặng không hai. Mày không có tiền thì tía cho”.

“Dạ con biết, nhưng ở nhà không có gì làm cũng buồn. Tía đang ôm cái hộp gì vậy?”.

“Đây là cái hộp có đựng tờ di chúc của má bây trước khi bả mất, sau này có chia tài sản thì cứ theo nguyện vọng của bả mà chia. Tía định kêu vợ chồng con Thu, vợ chồng con Kiều, chiều về đây chơi sẵn đó tía tuyên bố tài sản trong di chúc luôn. Cũng gần tới ngày giỗ của má bây rồi”.

unnamed_(2)

“Dạ, ngày mai là giỗ má rồi đó tía”.

“Đúng vậy, nên tía muốn các con nhận tài sản rồi vui vẻ trong ngày giỗ của má bây”.

“Vợ chồng thằng út Tâm nó dậy chưa. Nếu nó dậy rồi thì kêu nó ra đây tía biểu, hoặc kêu nó báo cho con Thu với con Kiều biết chiều nay về chơi”.

“Dạ, chắc vợ chồng nó dậy rồi đó tía. Cũng sắp tới giờ nó đi làm rồi, để con vào nói rồi đi mua đồ ăn sáng cho tía”.

“Ừ, đi đi con”.

Anh vào nói với út Tâm, một lát chiếc xe của út Tâm rồ máy rồi đi khuất. Họ là người lao động trí óc nên đi làm rồi ghé ăn sáng, chỉ có Sinh và ông là hay ăn sáng tại nhà. 

Sinh cũng là người gần ông và nói chuyện nhiều nhất so với ba người con ruột của mình. Đến chiều tất cả các con của ông đều có mặt, ông lặng lẽ đốt nén hương cho người vợ quá cố, rồi mở hộc tủ lấy chiếc hộp mà hồi sáng ông đã ôm. Ông nhìn từng đứa con của mình rồi nói.

“Hôm nay có mặt đông đủ các con, tía muốn đọc tờ di chúc của má bây để lại, đó là nguyện vọng của bả trước khi nhắm mắt”.

Họ im lặng chú tâm nghe kỹ ông đọc những gì trong tờ di chúc.

"Thằng hai nó vốn dĩ là con nuôi của nhà mình, nhưng chưa bao giờ ba má xem nó là con nuôi. Má chia cho nó 30% tài sản. Con Thu và con Kiều là phận đàn bà, rồi cũng đi lấy chồng làm dâu nhà người ta, không có gánh vác gì về cái gia đình này, nên má chia cho mỗi đứa 20%. Còn thằng Tâm là con út, sau này thờ phụng, gánh vác cả nhà nên má chia cho 30% kèm với căn nhà này".

nhauqa

Họ nhìn nhau mà không nói được lời gì, cuối cùng ông Năm phải lên tiếng.

“Các con có ý kiến gì không, đó là nguyện vọng của má bây”.

Tâm nói trong sự ngỡ ngàng.

“Nguyện vọng gì kì vậy, sao con chỉ có 30% bằng anh hai, con gánh vác cái nhà này, anh hai có gánh vác gì đâu mà bằng với con”.

Ông nhìn sang người con gái thứ ba rồi nói.

“Còn con Thu mày có ý kiến gì không, nói tía nghe”.

Thu nói ngay không cần suy nghĩ.

“Con không đồng ý với cách chia này của má?”.

“Tại sao?”.

“Con là con ruột mà chia có 20% thua cả con ghẻ”.

Ông nhìn sang người con thứ tư.

“Còn con Kiều. Ý con sao, nói tía biết”.

“Con cũng như ý chị ba vậy, không đồng ý với cách chia này của má”.

Ông nhìn sang Sinh rồi nói.

“Rồi thằng hai, ý con thế nào?”.

“Dạ con chỉ lấy 10% còn 20% còn lại con cho các em”.

Thu nghe vậy lên tiếng.

“Tôi nói thật anh 1% cũng không có chứ đừng nói 10%”.

Kiều cũng xen vào.

“Anh phải biết điều. Anh không phải máu mủ gì với cái nhà này, nên anh không có phần là đúng”.

Tâm cũng ý kiến vào.

“Ba má đã nuôi anh từ nhỏ cho tới lớn, nhưng anh không phải là ruột rà, dù biết anh luôn nhường nhịn và không tranh giành với các em, nhưng cái nào ra cái đó, tài sản là của nhà này do cha mẹ và các con làm ra mới có, nó phải thuộc về thành viên ruột trong nhà này. Tôi cho anh ở trong căn nhà này là may phước lắm rồi, chia với chác gì nữa. Anh lớn rồi mà, tự lập, tự làm đi chứ”.

unnamed_(3)_(1)

Sinh buồn bã, chưa bao giờ anh nhận những lời này từ các em mình như hôm nay. Anh em lúc nào cũng hòa thuận, vui vẻ, thương yêu. Vậy mà hôm nay chỉ vì tờ di chúc mà tặng cho anh những lời thật khó nghe. Anh im lặng. Ông Năm nói thật lớn như trút cơn giận.

“Mày vừa nói cái gì, mày muốn đuổi thằng Sinh đi hả, cái nhà nào là nhà của mày. Thằng Sinh nó có quyền ở đây đến khi nào nó có vợ thì nó ra riêng, nó cũng là thành viên trong cái nhà này. Đây là tao nói”.

Ông lắc đầu rồi thở dài, Sinh đến an ủi ông. Ông thừa biết chuyện này không bao lâu sẽ xảy ra thôi, hàng đêm ông ôm cái hộp với mong muốn các con khi chia tài sản đừng bất hòa. Thu lên tiếng để trấn an ông.

“Thôi thì cái chuyện chia tài sản để tính sau. Tía đừng giận nữa, hồi đó chắc má chia nhầm, thôi thì sau này tía chia lại cho tụi con cũng được”.

“Ý của tía cũng như ý của má bây thôi”.

Kiều nói nhanh vội vàng.

“Vậy sao được, tính tới tính lui gì thì anh hai cũng được 30%. Chắc có lẽ anh hai luôn gần Tía còn tụi con thì không, nên chia cho anh hai nhiều hơn phải không tía”.

Út Tâm cũng nói vào.

“Tía chia như vậy là không công bằng. Người ngoài mà chia tài sản hơn người nhà coi sao được. Chúng con luôn hiếu thảo với ba má, đâu phải chỉ có anh nuôi mới hiếu thảo với ba má đâu”.

Ông đứng nhìn út Tâm rồi nghiêm giọng.

“Mày cứ người ngoài với người trong. Nguyện vọng của má bây mà bây còn không tôn kính, tao mất rồi chắc anh em tranh giành xô xát với nhau. Tụi bây học cao hiểu rộng mà sao cái đạo lý làm người, tụi bây không hiểu vậy. Tao cứ chia như trong tờ di chúc của má bây, đứa nào lấy thì lấy, không lấy thì bỏ”.

anh-bieu-tuong-gia-dinh

Họ giận bỏ nhau ra về, ông và Sinh đứng đó trong căn nhà vốn dĩ từ trước tới giờ chưa xảy ra chuyện giận hờn to tiếng. Anh nhìn tía rồi thì thầm.

“Thưa tía, con thấy các em nói đúng đó. Tía nên chia lại, con không cần tài sản này nhiều đâu. Con sống với tía má từ nhỏ đến lớn là quá hạnh phúc rồi. Tài sản tía cứ chia cho các em. Con một thân một mình, không có cũng không sao, còn các em nó có gia đình nên nó còn lo cho gia đình của nó.

“Mày nói gì kỳ vậy hai, riết rồi mày cũng giống mấy đứa em mày luôn. Mày nhìn cái bàn thờ má bây đi rồi nói, má bây chia và đó cũng là nguyện vọng của bả, chứ tía có chia đâu. Một thân là sau này không có vợ con hả bây, một thân là sau này không có ăn hả hai?”.

Anh biết khó có thể thuyết phục được tía mình. Sáng đó là ngày giỗ của má nuôi anh, con Thu với con Kiều không về vì còn giận chuyện chia tài sản, út Tâm cũng chở vợ đi chơi chứ nhất quyết không chịu ở nhà ăn giỗ. 

Từ đó họ không nói chuyện với Sinh. Đám giỗ lần này chỉ có hai cha con ông. Ông Năm mặt buồn hiu nhìn xung quanh căn nhà rồi thở dài. Năm nào cũng đầy đủ con cháu chỉ vì chuyện chia tài sản mà không đứa nào chịu về thắp nén nhang cho má nó. Ông tới đốt nhang cho vợ mà hai hàng nước mắt chảy dài.

Tối đó anh trăn trở nằm suy nghĩ về chuyện chia tài sản, anh nghĩ cũng do mình nên anh em bất hòa nhau. Tài sản đó nó vốn dĩ không thuộc về anh, vì anh chỉ là con nuôi nên không được quyền hưởng nó. Anh sẽ khăn gói bỏ nhà ra đi trong khuya nay, chỉ có thế các em mới được vui.

moon

Anh lục đục xếp quần áo bỏ vào balô đợi tía ngủ, anh sẽ rời khỏi nhà này ngay. Buồn nhất là anh phải xa căn nhà mà anh đã sống từ lúc chín tuổi cho tới nay, lại phải xa người cha già. Tuy là cha mẹ nuôi nhưng họ hết mực thương anh như chính con ruột của mình.

Anh lên nhà trên thấy tía đã ngủ từ bao giờ. Anh móc trong túi mình ra một xấp tiền bỏ lên cái gối nơi tía đang nằm, rồi lặng lẽ mở cửa bước chân ra đi. Anh ra đầu ngõ đứng nhìn căn nhà một lát như muốn nói lời từ biệt. 

Anh không biết mình phải đi về đâu, làm gì, tóm lại cứ đi, đi càng xa càng tốt. Sáng sớm ông Năm thức dậy, vẫn như thói quen cũ đi ngang qua nơi Sinh ngủ không thấy anh đâu, nhìn cái sào đồ trống trơn ông biết Sinh đã bỏ nhà đi để trốn tránh chuyện hưởng tài sản. Ông buồn bã ngồi đó tần ngần, trở lại nhà trên hút thuốc uống trà, mắt nhìn xa xăm ra đường như đợi ai đó trở về.

Tâm thức dậy cái miệng ngáp ngắn ngáp dài chưa tỉnh ngủ hẳn, ông gọi Tâm lại.

“Thằng Út lại đây tía biểu coi”.

Tâm lấy tay che miệng trong cơn ngáp rồi trả lời.

“Dạ, có gì không tía”.

“Anh hai bây đã bỏ nhà ra đi vì không muốn anh em trong nhà mất hòa thuận”.

“Hả. Thật hả tía”.

Tâm như tỉnh ngủ hẳn ra, tâm trạng phơi phới, gương mặt tươi rói. Ông Năm nói tiếp.

“Mày nói với hai người chị của mày, kêu nó chiều về đây tía có chuyện muốn nói. Nếu hai đứa nó không về thì từ nay về sau đừng nhìn mặt ông già này nữa”.

unnamed_(4)

Nói xong ông bỏ đi trong tâm trạng nặng nề. Chiều đó, hai người con gái của ông cũng trở về. Ông lấy ra một tờ giấy đã xếp lại, ông ngồi xuống ghế nhìn thẳng ba người con rồi nói.

“Thằng hai nó đã bỏ nhà ra đi các con có biết vì sao không, vì nó không muốn anh em trong nhà mất hòa khí với nhau. Giờ thì các con đã vui chưa. Thằng Út mày đọc lá thư này của má mày viết khi còn sống cho hai người chị mày nghe”.

Tâm cầm tờ giấy ông đưa lòng hồi hộp, không biết má đã viết gì trong đó, mở ra coi đúng là nét chữ của má anh, những dòng đã lem màu mực theo thời gian nhưng vẫn đọc ra được.

"Các con thân yêu của má, khi các con đọc được lá thư này thì má không còn bên các con nữa. Má đang nằm trong bệnh viện với những cơn đau cứ hành hạ. 

Má vui vì cả ba đứa con đều học ngành y rồi này các con sẽ trở thành bác sỹ, má không còn lo nữa, riêng anh hai bây thì không được như ba đứa, nó mồ côi từ nhỏ. Từ nhỏ nó đi chăn trâu, gánh nước mướn cho người ta để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Nó không biết một chữ nghĩa nào vì nếu nó đi học rồi thì sẽ không còn ai kiếm tiền mà nuôi các con. 

Hồi đó nhà mình rất nghèo. Nó phải nhịn đói, nhịn khát, để nhường đồ ăn cho các con. Ba của các con bệnh tật không làm được gì một tay nó lo hết. Thằng út Tâm hay chê anh hai nó yếu không làm được việc nặng nhọc, nhưng nó không biết rằng nó đang mang quả thận trong người của anh hai nó, chính anh hai đã hiến tặng để cứu nó sống cho tới ngày hôm nay. 

Con Thu hay chê anh hai nó cái chân đi cà nhắc trông xấu xí vô cùng, nhưng con nhớ lại xem, lúc nhỏ ham búp bê cứ khóc lóc đòi. Nó không có tiền mua, vì quá thương em nó đành phải đi ăn cắp của người ta, người ta bắt được đánh nó.

dieu

Còn con Kiều lúc đi thả diều làm đứt dây, con diều bay đi mất, cứ về khóc lóc không chịu ăn cơm. Anh hai nó đành phải đi kiếm con diều về cho bằng được, lúc nó về trên người đầy thương tích vì phải chui vào bụi gai, máu còn dính đầy trên con diều. 

Tía má ra miền Trung làm tám năm trời, tám năm đó nó một mình ở nhà nuôi ba đứa em. Khi lớn lên thì nó chưa bao giờ có bộ đồ nào lành lặn như người ta, cái nào cũng đầy mảnh chắp vá. Cho tiền nó mua đồ thì nó cho ngược lại các em.

Có thể nói các con được ăn học như hôm nay cũng nhờ vào anh hai của các con. Sau này các con cái thành tài đừng bao giờ quên công ơn đó. Anh hai đã hy sinh cho các con quá nhiều, chính vì thế ba má muốn bù đắp lại cho nó, chia nó 30% là quá ít so với những gì mà nó hy sinh. 

Má mong muốn các con hiểu và chấp nhận nguyện vọng này của má. Má không sống được bao lâu nữa mong các con sống hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau".

Tâm làm rơi tờ giấy rưng rưng nước mắt, hai người chị cũng khóc. Ông Năm nhìn từng người rồi nói.

“Tụi bây còn đứa nào nói thằng hai là người ngoài, không là phải con ruột của nhà này nữa không, còn đứa nào tranh giành tài sản với nó không. Từ xưa tới giờ có cái gì mà nó không nhường cho tụi bây đâu. 

Tụi bây ai cũng sung sướng, nhìn lại nó xem cho tới bây giờ nó chưa có vợ, nó cứ lo kiếm tiền. Người nó thì yếu vì hiến thận cho thằng út, nhưng phải đi bốc vác đến khuya mới về để kiếm tiền lo cho tao”.

“Tụi bây nhìn đi, đây là tiền của nó đi bốc vác. Nó để lại cho tao trước khi bỏ nhà ra đi, đó là tiền mồ hôi nước mắt của con tao, nhìn lại tụi bây có đứa nào thiếu thốn cái gì chưa. Tụi bây giàu có mà lại đi tranh giành phân bì với nó”.

bocvac

Ông khóc thành tiếng, đó cũng là lần đầu tiên ba người con ruột thấy ông khóc. Thu và Kiều ôm nhau mà khóc. Tâm nhìn lá thư trên bàn và một xấp tiền mà nước mắt rơi không ngừng. Cả ba người họ ôm ông và nói lời xin lỗi. Ông nói trong những giọt nước mắt.

“Nếu tụi bây còn là con người thì hãy mau đi kiếm thằng hai về đây, phải kiếm cho bằng được. Tụi bây có muốn mất đi một người anh như vậy không?”.

Cả ba người họ tay lau nước mắt, lập tức ra xe chia nhau đi tìm. Họ hỏi hết người này đến người khác. Cuối cùng cũng có người nhìn thấy Sinh đang ở bến xe, chuẩn bị mua vé đi Sài Gòn. 

Họ vội vàng đến thấy Sinh đang ở đó trong tà áo phai màu. Cả ba người họ chạy đến ôm anh khóc nức nở giữa bến xe đông người. Thu vừa nói vừa khóc.

“Anh hai về nhà đi. Tía đang rất buồn về chuyện anh hai bỏ nhà đi”.

Tuy là con nuôi nhưng anh rất thương tía, khi nghe tía buồn anh chẳng muốn đi nữa. Chỉ muốn quay về gặp tía để nói xin lỗi vì đã làm cho ông buồn.

“Thôi mình về đi các em. Anh không đi nữa, từ nay anh sẽ luôn ở gần tía”.

tute_(1)

Thấy anh trở về ông vui như chưa từng vui. Chiều đó họ cùng ăn cơm niềm vui ngập tràn trong không gian căn nhà. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong từng đôi mắt và nụ cười nở tươi trên môi mỗi người. Ba người em gắp đầy thức ăn vào cái chén của anh. Kiều nói với anh.

“Anh hai ăn đi”.

“Thôi các em ăn đi, anh ăn rau được rồi”.

Thu nói với nụ cười.

“Anh hai không cần phải nhường cho tụi em đâu, cứ ăn đi”.

Tâm nói trong niềm vui rộn ràng.

“Phải rồi đó anh hai. Anh đã hy sinh cho chúng em quá nhiều rồi. Giờ đã đến lúc chúng em hy sinh lại cho anh hai”

Ông Năm bỏ đôi đũa xuống rồi nhắc lại.

“Còn chuyện chia tài sản theo nguyện vọng của má bây. Bây tính sao?”.

“Dạ, tụi con đồng ý”.

6_4

Ông Năm cười vui xúc động trong niềm hạnh phúc dâng trào. Chưa bao giờ họ thấy vui như hôm nay, nhìn các con gắp thức ăn cho nhau mà lòng ông vui sướng biết bao. Tiền, vật chất là thứ hay chia rẽ con người, nhưng đôi khi nhờ nó làm đáp án mà ta biết và nhận ra, kết quả của lòng dạ con người. Người quay lưng đi, người quay đầu lại. Cuộc đời luôn có hai mặt  song hành cùng nhau. 

Từ đó, trong căn nhà của ông Năm lúc nào cũng ngập tràn yêu thương. Anh nuôi" hay “người ngoài" đã biến mất từ lúc nào không ai còn nhớ. Chỉ nhớ ba đứa con ông Năm cứ luôn miệng gọi Sinh là anh hai. Như một minh chứng, ở đâu có yêu thương ở đó chính là gia đình.

© Quang Nguyễn - blogradio.vn

Xem thêm: Không điều gì quý giá hơn hai tiếng “gia đình”

Quang Nguyễn

Người kể chuyện

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top