Những mùa Trung thu cũ
2019-09-12 01:25
Tác giả:
Cỏ
blogradio.vn - Tôi biết ai ai trong thế hệ cũ cũng đều đã trải qua những mùa Trung thu rất đẹp, những mùa Trung thu dù nghèo nhưng đã dạy ta cách trân quý nhau hơn, dạy ta về những điều mộc mạc mà rất đỗi thân thương trong cuộc sống. Mong rằng khi nhớ về những ngày xưa bình dị ấy, chúng ta sẽ trở thành người dẫn lối cho các thế hệ đi sau, để chúng học cách trân trọng bản sắc của dân tộc, để hướng chúng đến những giá trị cốt lõi dẫu giản dị mà lại đầy tính nhân văn rất người.
***
Hè dài lê thê oi ả cuối cùng cũng đi qua... Tựa lưng vào góc ban công bé nhỏ, tôi thơ thẩn thả tâm hồn mình vào làn gió trong veo của trời thu lành lạnh. Nhắm mắt lại, mặc nhiên hít những hơi thật sâu, tôi đang cố để ôm trọn cái khoảnh khắc thảnh thơi của một chiều thu ghé.
À... đây rồi! Mùa này, mùa của hồng đỏ cốm thơm, của đèn lồng pháo đỏ... Mùa này, mùa của Tết Trung thu. Tôi bỗng nhớ những đêm rằm Trung thu đã cũ, nhớ tuổi ấu thơ nay đã hoen ố bạc màu...
Thu khẽ chạm vào lòng người bằng cái tiết trời nhè nhẹ, sáng điểm chút nắng vàng, chiều gờn gợn gió. Hẳn nhiều người thích mùa thu cũng chỉ vì có vậy. Còn tôi, tôi yêu mùa thu vì nó khiến tôi tha thiết nhớ về một thời tuổi thơ ngây ngô, trong sáng. Người ta nói, đến một độ tuổi nào đó ta mới có thể cảm nhận hết được cái sâu lắng của mùa thu, là mùa hân hoan ngày tựu trường, nhưng cũng là những ngày buồn vu vơ khi lá vàng rơi trước ngõ. Tôi bây giờ, có lẽ cũng đã đủ trưởng thành để cảm nhận thứ cảm giác hư hao, tiếc nuối ấy rồi...
Phố xá đượm màu thu là khi đâu đó đèn lồng lập lòe sắc đỏ, là khi ngoài phiên chợ người ta bắt đầu bày nào hồng nào ổi. Trong suốt một năm dài với bao nhiêu là ngày lễ, chắc chỉ có Tết Trung thu là có thể biến tôi trở thành một đứa trẻ, dù chỉ bằng những mảnh kí ức không đầu, không cuối.
Thời còn bé, cứ vài ngày trước Tết Trung thu thay vì kéo nhau ra ngoài cánh đồng úp dế, lũ trẻ con trong làng thường tụ họp nhau lại, làm cho nhau những chiếc đèn ông sao tô màu sặc sỡ hay những cái đèn lồng bằng ống bơ, vỏ bưởi... Chỉ đôi ba thứ đồ chơi giản dị vậy thôi, cũng đủ làm chúng tôi quấn quít lấy nhau cả ngày, đứa nào đứa nấy cũng háo hức, tiếng cười vang rộn rã cả một góc trời. Nhưng đó là cái thời chưa có điện thoại, máy tính, cái thời cả xóm có khi chỉ có một chiếc tivi đen trắng mà thôi...
Cứ buổi tối, trẻ con trong xóm sẽ quýnh quáng ăn vội bữa cơm để lùa nhau sang sân chơi nhà hàng xóm. Nhiều khi trên tay tôi vẫn còn đang bưng bát cơm ăn dở, chúng nó đã đứng đầy trước cổng gọi í ới rồi, phùng mồm trợn mắt tôi gắng và hết thật nhanh bát cơm vào mồm, xin phép mẹ rồi xách quần chạy hộc tốc ra cổng như sợ bị chúng nó bỏ rơi. Trời tối nhập nhoạng mà cả xóm nhộn nhịp vì mấy trò chơi không bao giờ chán của đám trẻ con tinh nghịch, nào là trốn tìm, nào là bịt mắt bắt dê, nào là lên bờ xuống ruộng.... Thời đó, làm gì có đồ chơi xịn, vậy nên Tết Trung thu cứ ngỡ cũng như bao nhiêu ngày lễ khác thì trong mắt những đứa trẻ chúng tôi đó chẳng khác gì đại tiệc linh đình.
Tôi không thể quên, trong khoảng sân rất nhỏ, bác trưởng xóm cùng mọi người sẽ kê một chiếc bàn gỗ thật to, trên bày toàn những thức quà quen thuộc: một đĩa hoa quả lớn xung quanh là những gói bánh quy, kẹo ngọt, có cả bánh dẻo, bánh nướng, rồi cả đĩa cốm non bọc cẩn thận trong lá sen do các bác gái tự tay làm. Phía dưới, đôi ba chiếc chiếu được dải ra cho chúng tôi ngồi. Lấp lánh trong bài hát “Chiếc đèn ông sao” mà chúng tôi cùng đồng thanh khi đó là những tâm hồn trẻ thơ thuần khiết đang háo hức vô cùng.
Tôi còn nhớ rất rõ những mảnh vui vụn vặt ngày ấy, là khi cả đám thi nhau đổ xô phá cỗ, cùng nhau chơi rồng rắn lên mây rồi dắt nhau rước đèn tung tăng khắp xóm. Niềm vui giản dị của chúng tôi đến từ ánh đèn vàng lập lòe của những món đồ chơi tự chế, từ tiếng trống gõ rời rạc khi có nhịp khi không của thằng cu nhà bên cạnh, từ cả những chiếc kẹo dấu vội trong túi áo, túi quần... Chẳng cần có nhạc xập xình, cũng chẳng cần có những chiếc tivi màn hình rộng, thứ âm thanh duy nhất tồn tại trong thế giới của chúng tôi là tiếng nô đùa huyên náo, nhộn nhịp, đậm sâu tới nỗi ngay cả thời gian cũng chẳng thể bào mòn đi được.
Đêm Trung thu, ánh trăng tròn vành vạnh, rảo bước trên con đường trở về nhà, mẹ dắt tay tôi cùng em gái. Trong làn gió se lạnh, hương ổi chín ngọt làm cho không khí miền quê bỗng bình dị và yên ắng hẳn đi. Nhìn lên trời cao, tôi thầm nghĩ có khi chị Hằng, chú Cuội cũng còn phải ghen tị với mình, vì nghìn năm trên cung trăng đó chỉ có gốc đa, còn tôi dù chỉ được ở trên địa cầu bé nhỏ thì tôi vẫn còn được nhảy múa ca hát với bạn bè, được thưởng thức bao nhiêu là thức quà thơm ngon quen thuộc nữa.
Tôi đặc biệt có một niềm yêu thích mãnh liệt với bánh nướng, thỉnh thoảng lên cơn thèm, tôi hay ra tiệm tạp hóa mua vài gói bánh chả nướng có vị giông giống ngồi gặm nhấm một mình cho đỡ. Ngày bé, mong chờ lắm đến đêm Trung thu để được nhâm nhi những chiếc bánh nhân thập cẩm thơm lừng. Không biết có phải vì tôi thuộc tuýp người cổ điển hay không mà bây giờ dù có hàng trăm loại bánh Trung thu với đủ thứ vị khác nhau, tôi vẫn chỉ quen ăn những chiếc bánh nhân kiểu cũ ấy. Sở dĩ, bánh phải được thưởng thức cùng trà, phải ngồi trong đêm thanh gió mát ngắm trăng. Và chỉ duy những chiếc bánh nhân hạt sen thơm lừng cùng bí vừng thanh thanh ngọt ngọt ấy khi quện với hương trà xanh dịu nhẹ mới tạo nên được cái vị đặc trưng của Trung thu của Việt Nam, thứ mà những chiếc bánh nhân phomai, chocolate bây giờ không tài nào thay thế nổi.
Tôi biết các em nhỏ thế hệ bây giờ cũng sẽ vẫn vui theo cách riêng của thời đại, chỉ là khác với chúng tôi ngày đó rất nhiều. Vì những thứ đồ chơi xa xỉ, đắt tiền đã len lỏi vào khắp các con hẻm dù là nhỏ nhất của xóm làng. Tôi không thể trách, nhưng tôi tiếc cho các em khi không được trải nghiệm những mùa Trung Thu bình dị mà vô cùng hạnh phúc , khi mà chỉ bằng đèn lồng ống bơ, chỉ bằng những khúc ca dân gian quen thuộc, chúng tôi cũng tạo cho nhau được niềm vui giòn giã khắc cốt đến mãi sau này. Còn đối với các em, những thứ đọng lại liệu có còn là niềm vui khi được ở cạnh nhau nô đùa rả rích hay chỉ là những trò chơi điện tử, những món đồ lòe loẹt sặc sỡ đắt tiền, là Trung thu với những bản rimix gầm gào trong trí nhớ.
Mỗi mùa thu đi qua, mọi nỗi niềm sẽ chỉ còn là kỉ niệm... Tôi biết ai ai trong thế hệ cũ cũng đều đã trải qua những mùa Trung thu rất đẹp, những mùa Trung thu dù nghèo nhưng đã dạy ta cách trân quý nhau hơn, dạy ta về những điều mộc mạc mà rất đỗi thân thương trong cuộc sống. Mong rằng khi nhớ về những ngày xưa bình dị ấy, chúng ta sẽ trở thành người dẫn lối cho các thế hệ đi sau, để chúng học cách trân trọng bản sắc của dân tộc, để hướng chúng đến những giá trị cốt lõi dẫu giản dị mà lại đầy tính nhân văn rất người.
Ngồi trong chiều gió, lòng tôi lại vướng chút buồn bởi giờ đây tôi chỉ còn có thể rung động về sự hiện diện mong manh của một phần kí ức đẹp đẽ ngày nào. Cơ mà, tôi vẫn sẽ tự hào lắm, vì tôi tin kí ức ấy sẽ đi theo tôi mãi, sẽ là cánh đồng để mỗi khi mệt mỏi giữa xô bồ cuộc sống này, tôi vẫn có thể để tâm hồn lang thang lạc về rong chơi quên đi muộn phiền, cay đắng.
...Vậy là một thời thơ ấu của tôi cũng đã theo chiều thu lùi xa êm ả, để mỗi khi gió heo may về trái tim lại khắc khoải nhớ thương...
© Cỏ - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình: Trung thu với tuổi thơ tôi
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

7 năm theo chủ nghĩa tối giản đã giúp tôi thoát khỏi hầu hết công việc nhà!
Ý nghĩa lớn nhất của lối sống tối giản là nó có thể giảm bớt gánh nặng công việc nhà và cho chúng ta nhiều thời gian hơn để làm những gì mình thích.

Ngọn nến được thắp lên
Anh nói có lẽ bây giờ người ta quá quen với những công nghệ kỹ thuật hiện đại, đã quá quen với những ánh sáng điện rực rỡ chói lòa và thông dụng nên đã quên mất những cảm xúc trong tim mình khi có ngọn nến được thắp lên. Và anh đã bật lửa châm vào nến ngay sau đó.

Về để thấy tết (Phần 2)
Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Tuổi lênh đênh
Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)
Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn
Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.

Ai nói là tôi không thích cậu?
Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu vô thức tìm kiếm bóng hình cậu ở bất cứ đâu. Tôi tự hỏi, có phải vì tần suất cậu xuất hiện trước mặt tôi quá nhiều, hay vì một cảm xúc lạ lẫm đang dần nảy mầm mà tôi không thể diễn tả?

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này
Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều, tưởng tượng bản thân mình của những năm về sau sẽ như thế nào, nếu vẫn duy trì nếp sống như hiện tại, có lẽ thời gian mà tâm hồn tôi héo mòn, kiệt quệ cũng sẽ không còn xa nữa.

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng
Tớ không nhớ rõ mình thích anh từ bao giờ. Có thể là từ một lần anh bất ngờ đưa tay ra kéo tớ chạy dưới cơn mưa đầu hạ. Có thể là từ một lần anh lặng lẽ nhường phần quà của mình cho tớ khi tớ khóc vì bị thua trò chơi. Hoặc có thể… tớ đã thích anh từ lâu lắm rồi, chỉ là đến một ngày, tớ mới chịu thừa nhận điều đó với chính mình.

Cậu còn ở Hà Nội chứ?
Khi gió mùa đông bắc về, tôi càng cảm nhận rõ nét sự thiếu vắng của Cậu—như một nhịp điệu không còn vang lên trong bản hòa ca của cuộc sống. Hà Nội, với tất cả vẻ đẹp và nỗi nhớ, đã trở thành một phần tâm hồn tôi, nơi mà mỗi con phố, mỗi tiếng cười đều gợi nhắc về Cậu. Liệu rằng, trong những sớm mai se lạnh hay chiều hoàng hôn rực rỡ, Cậu có còn ở đây, lắng nghe những tâm tư của tôi giữa lòng thành phố này?