Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những lá bài tứ sắc và giấc mơ về một mái nhà

2021-09-23 01:20

Tác giả: Lộc Gia


blogradio.vn - Có lẽ không riêng gì bà cô vô gia cư này, mà chắc hẳn mỗi chúng ta, những mảnh ghép xa xứ tựu họp về cái đất này cũng phải mang ơn nhiều lắm, vì dường như Sài Gòn hổng có bỏ mặc bất kì ai…

***

Thứ giải trí và món nghề mưu sinh…

Nếu như nói trước kia “Tổ Tôm” là một trong những thú vui tao nhã của người Miền Bắc thì có lẽ bài “Tứ Sắc” được dân Miền Trung và Nam Bộ “chuộng” hơn bao giờ hết. Ngày nay vẫn vậy, đi dọc bờ kênh, các xóm nhỏ vùng Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ… đâu đó ba bốn chị em đàn bà, phụ nữ xòe những con bài bốn màu sáng chói đều tăm tắp, và không thiếu là những nụ cười khoan khoái hả hê sau những ngày vùi đầu xuống ruộng. Sài Gòn, đô thị phồn hoa của Nam Bộ cũng như cả nước thì không ngoại lệ, chen chút vào những con hẻm xóm nhỏ cũng còn đâu đó những niềm vui giải trí bằng bộ bài “Tứ Sắc” này, để ý thì những bộ bài nhanh chóng được bỏ đi và thay bằng bộ khác vì chơi chút là bài bị cũ, sẽ trở nên khó bắt hơn. Thuở nhỏ, lũ con nít Miền Tây dành nhau từng lá một khi người lớn bỏ đi, để xếp hình bỏ vào lọ rồi đặt trên đầu giường hay bàn học, nào là xếp hình ngôi sao, xếp viên ngọc, xếp hình vuông, cánh cò cánh vạt… nhiều lúc tự hỏi nếu mấy đứa con nít không lấy làm món quà quê thì liệu hàng ngàn bộ bài này sẽ được xếp chồng lên rồi đổ xuống hay được đưa về đâu. Câu hỏi đó đã được trả lời khi tôi chứng kiến cảnh một bà cô lưng khom miệng móm cuối đầu nhặt từng lá bài ở góc đường. Theo chân bà cô tới giao lộ Huỳnh Khúc Kháng thì chợt thấy cô ngồi xuống và xòe những lá bài “Tứ Sắc” ra thả theo đó là nụ cười như nhặt được vàng hướng về phía cậu bé và chú chó đang chơi đùa.

Cô cũng không nhớ là mình tên gì và cũng không chắc là mình đã sống ở cái Sài Gòn này được bao lâu rồi nữa, có lẽ cái nghèo đã làm người ta bộn bề và không còn tâm trí để nhớ về mình nữa. Được biết cô cùng đứa cháu ngoại (Cu Tí) là người vô gia cư, đi khắp các con Hẻm Sài Gòn để lượm nhặt, thu mua những bộ bài “Tứ Sắc” cũ về xếp thành phẩm hình chiếc bình bông đặt bán tại các góc đường. Mỗi chiếc bình bông tùy vào loại lớn nhỏ cô bán ra 40.000 - 50.000/1 chiếc. Cô cũng hay thu nhặt ve chai mũ bể bán, hoặc ai thương tình kêu dọn dẹp cô đều nhận hết.

Khao khát tự kiếm tiền và đam mê bất tận với món nghề xếp bình bông.

Được hỏi có nhiều người đặt hàng cô làm bình bông không: cô nói “Cũng có, nhưng mà ít lắm, có người đặt cọc tiền luôn, cô làm đã nhưng mà hổng có lại lấy, khi gặp lại thì người ta nói thôi tặng cô đó”.

Cô nói tiếp, “Thiệt sự cô muốn kiếm đồng tiền mình tự làm ra chứ không hề muốn xin ai thứ gì, bà cháu tui ngồi đây, nhiều người đi ngang cho tiền, tui nhất quyết không lấy, hễ ai đặt hàng làm bình bông thì tui nhận liền, có tiền nuôi cu Tí sống qua ngày là vui lắm rồi, chứ tui sợ nợ người ta lắm, sống tới tuổi này nợ Sài Gòn cũng nhiều rồi…

Người đàn bà nhăn nheo, tóc bạc phơ, sống “màn trời chiếu đất” mà cũng biết ơn Sài Gòn ghê gớm. Có lẽ không riêng gì bà cô vô gia cư này, mà chắc hẳn mỗi chúng ta, những mảnh ghép xa xứ tựu họp về cái đất này cũng phải mang ơn nhiều lắm, vì dường như Sài Gòn hổng có bỏ mặc bất kì ai…

Khi tôi ngỏ ý đặt hàng hai bình bông, bà cô tỏ ra nghiêm túc, như một nhà kinh doanh thiết thực. Bà vừa chăm sóc, hỏi han tôi như những khách hàng thân thuộc, bàn tay thoăn thoắt đan những lá bài lại với nhau cho kịp tiến độ giao hàng, vừa nói cô vừa run rẩy như kiểu sợ mất đi một mối hàng, mất đi một chén cơm của thằng Tí và con chó, ắt hẳn trong đôi mắt chợt mừng rỡ vì nhận được đơn hàng ấy là niềm vui sâu xa về bữa cơm đầy đủ rau cá cho hai đứa cháu ruột.

Cu Tí là cháu ngoại của cô, mẹ nó bỏ đi từ lúc còn đỏ hỏn, nó sống len lỏi đầu đường xó chợ cùng cô từ lúc lọt lòng. Cu Tí là niềm vui và là niềm động lực của cô sống qua những ngày giông bão, nó biết phụ bà Ngoại từ nhỏ xíu, nào là xếp hàng xin cơm từ thiện vì sợ Ngoại đứng lâu mỏi chân, phụ Ngoại đi thu nhặt bài “Tứ Sắc”, bà Ngoại cũng truyền cho nó cái nghề ít ỏi mà bà tâm huyết bao lâu nay. Thoạt nhìn từ xa, cu Tí có vẻ ít nói, cứ cúi đầu lùi lũi đan mấy lá bài, có lẽ cái nghèo đã khoác lên nó từ nhỏ nên trông đôi mắt nó buồn hẳn. Hoặc là nó đang tập trung cao độ hết sức để làm ra sản phẩm cho bà Ngoại bán, đôi mắt ấy khó mà hiểu được hết, có lẽ nó chất chứa quá nhiều nỗi đau và niềm hy vọng.

Món quà từ Thượng Đế…

Niềm vui của cô không chỉ là Cu Tí, mà còn có thêm một chú chó tai vảnh mà cô và cu Tí đặt cho nó một cái tên khá tây “Lucky”, có lẽ cô cũng muốn gửi gắm vào đó sự may mắn. Một ngày lặn lội ngược xuôi hai năm trước khắp các con hẻm ở Sài Gòn nhưng chẳng thu mua được bao nhiêu bài “Tứ Sắc” cũng chẳng có ai đặt một đơn hàng nào, bụng hai bà cháu réo rắt kêu lên từng cơn, mọi thứ trước mắt dường như khép lại với hai bà cháu thì Chú chó con lông trắng tinh từ đâu xuất hiện kêu ẳng ẳng trong bãi rác. Thiết nghĩ nếu là hộp cơm, ổ bánh mì, hay mấy đồng bạc lẽ thì ý nghĩa hơn ngay lúc đó. Cô đem chú chó về nuôi, ngày đói bữa no cùng hai bà cháu vậy mà vui, cô nói có những lúc tuyệt vọng vậy mà nhìn thằng Cu Tí với con chó cô lại có thêm niềm vui để tiếp tục sống. Cô xem nó như gia tài, mỗi buổi sáng bắt đầu một ngày làm việc, chú chó chạy trước như dẫn đường, cô dắt tay Cu Tí đi sau, tối về nó quấn lấy cô và Cu Tí nằm ngủ, từ lúc có thêm nó cô mất ngủ nhiều lắm, sợ tụi trộm chó bắt nó đi, nó mà mất đi chắc cô buồn lắm, nhiều đêm cứ giật mình dậy nửa đêm nhìn nó cái rồi mới yên tâm ngủ tiếp. Nhiều lần đi ngang mấy sạp quần áo lớn, người ta cứ hỏi mua mà cô không hề muốn bán, có người trả lên tới 1.000.000 - 2.000.000 cô vẫn kiên quyết không bán…

Cô nói “Nhiều bữa đói quá, lén nhìn nó định bấm bụng bán, nhưng mà sao mắt cứ cay cay, rồi quên ngay cái suy nghĩ đó trong đầu, không bao giờ dám nghĩ tới nữa” Rồi ai cũng có một cái gia tài, người thì nhà lầu xe hơi, sơn son thép vàng, cô cũng có như bao người, đó là thằng Cu Tí, chú chó và những lá bài “Tứ Sắc”, có lẽ đó là gia tài lớn nhất của cuộc đời cô.

Được hỏi sao cô không vào trung tâm xã hội ở cho đỡ lạnh, Cu Tí nó còn nhỏ quá, dễ bệnh, rồi cô yên tâm ngủ không sợ mất Lucky nữa. Cô cũng muốn lắm, nhưng mà sợ vô đó người ta không cho nuôi chó, vả lại cô thích được tự do, biết là có sống thêm được nhiêu cái xuân nữa đâu, ngày ngủ góc này bữa kia ngủ góc nọ vậy mà tự do, muốn làm gì làm, Cu Tí với con Lucky tha hồ chạy nhẩy.

Chúng tôi hỏi, nếu như có một điều ước thì cô sẽ ước gì. Cái miệng móm xọm lúc nào cũng nhai nhai như đang ăn gì, cô cười lớn rồi nói: “Mong cho thằng cu Tí được đi học, còn cô thì mỗi ngày có người đặt hàng làm bình bông là cô vui rồi”, chợt nhìn Cu Tí, nó đã nằm đầu dựa túi đồ, chân bắt chữ ngũ, tay vắt chán, mắt thiếp đi từ lúc nào không biết. Trời Sài Gòn cũng lịm dần về đêm, sương xuống ướt vai áo, chắc có lẽ giờ này cu Tí nó đang chìm vào giấc mơ về một mái nhà lá che mưa che nắng cho ngoại, còn nó với con chó thì nô đùa ngoài sân…

© Lộc Gia - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Hãy tin rằng mùa dịch sẽ qua nhanh thôi | Radio Tâm sự

Lộc Gia

Có lẽ điều lớn lao nhất trong cuộc đời của mỗi người là lòng trắc ẩn.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top