Sài Gòn cùng những con hẻm nhớ thương
2021-08-08 01:35
Tác giả:
Thu An
blogradio.vn - Những con hẻm nơi mình đã sống, đã đi qua luôn có cái gì đó rất đặc biệt, thỉnh thoảng có dịp đi ngang lòng đầy bâng khuâng và nhung nhớ. Sài Gòn đâu chỉ có nhộn nhịp, xa hoa, giữa lòng thành phố vẫn có hàng ngàn con hẻm mà ở đó cuộc sống như chậm lại, gần gũi và chứa đựng biết bao ký ức yêu thương.
***
Sài Gòn có nhiều thứ để nhớ thương từ những tòa nhà cao chọc trời, những con phố sầm uất, hiện đại đến những công trình kiến trúc đặc sắc nhưng mình ấn tượng và nhớ nhất là những con hẻm ngoằn ngoèo chạy mãi không thấy thông ra đầu hẻm bên kia, như một mê cung dài bất tận, hun hút, sâu thăm thẳm.
Năm 2008, mình đặt chân lần đầu tiên lên Sài Gòn vào kỳ thi Đại học, chuyến xe đầy ắp các sĩ tử đưa mình đến thành phố trong một chiều mưa như trút nước. Anh trai chờ sẵn ở bến xe để đón mình về nhà trọ nơi anh đang sống. Một con bé chỉ biết đến những con đường đồi dốc, không gian mênh mông núi rừng choáng ngợp với phố xá đông đúc và lạ lẫm, thoáng chút sợ hãi với những con hẻm hun hút.
Anh chở mình đi không theo con đường chính mà chẻ ngang dọc những con hẻm lúc to rộng như đường lớn, lúc lại uốn khúc quanh co bé tí teo, vòng vèo một lúc cũng tới nhà. Ấn tượng đầu tiên có lẽ là thứ khiến người ta nhớ nhiều nhất. Mình sống ở Sài Gòn vài chỗ trọ khác nhau trong những con hẻm nhưng kỷ niệm nhất vẫn là con hẻm nhỏ ở quận 1. Mình nhớ như in cái hẻm chợ hay đi khi còn là sinh viên.
Ở Sài Gòn có vô vàn những hẻm chợ như thế, nó sẽ nằm đâu đó len lỏi trong những khu dân cư đông đúc, bán gần như đủ mọi thứ hàng như một cái chợ từ rau, củ, quả, đồ tươi sống đến đồ khô, áo quần, giày dép…Người bán có thể là những cư dân ở đó hoặc một số là người bán dạo, một tuần xuất hiện vài lần. Hẻm chợ thường rộng hơn các con hẻm khác một chút, khi bày hàng ra bán thì ở giữa chỉ còn một lối nhỏ lọt người đi và luôn thông ra đường lớn.
Con hẻm khác là đường tắt ra quán cơm bụi thỉnh thoảng lười nấu ăn mình hay đi ăn. Hẻm bé xíu không thể chạy xe máy vào, chỉ có thể đi bộ và đủ để một người lọt qua. Hẻm gấp khúc và quanh co, phía trên là mái hiên đan kín không có chút ánh sáng nào, đi vào sẽ chẳng phân biệt nổi là ngày hay đêm, trời đang nắng hay mưa. Nếu đi ngang qua lần đầu sẽ có cảm giác hơi sợ bởi không biết hẻm sẽ dẫn lối mình đi tới đâu.
Hẻm ở Sài Gòn có khi dài hơn cả đường chính, dọc ngang như bàn cờ, chạy mãi có khi không tìm ra được đường ra. Có đôi lần vì kẹt xe nên mình bắt chước người đi trước lách vào những con hẻm đi tắt. Lúc đầu cũng khá sợ bị lạc nhưng sau rất nhiều lần thì biết rằng hầu hết các đường lớn luôn có những con hẻm nhỏ để đi tắt khi cần, nếu đi sai thì chỉ cần hỏi sẽ được chỉ ra.
Đa số các con đường trung tâm đa phần tọa lạc những tòa nhà, cao ốc chọc trời, lộng lẫy xa hoa, đường phố ồn ào nhộn nhịp nhưng trong hẻm lại bình dị và thân thương như người Sài Gòn vậy. Có sống ở trong hẻm mới thấy được nhịp sống của người dân Sài Gòn.
Một tiệm tạp hóa nhỏ bán không thiếu thứ gì, một quán cà phê bé xíu chỉ có vài cái ghế đẩu kê phía trước đầy đủ thực đơn từ đơn giản đến phức tạp. Một vài quán phở, hủ tiếu bán ăn sáng luôn ngào ngạt hương khiến người ta thấy đói bụng. Một tiệm bán cơm trưa đầy đủ các món ăn ba miền, một quán ốc đặt trước hiên nhà chỉ đủ kê một bộ bàn ghế nhỏ nhưng luôn nhộn nhịp khách. Những tiệm làm tóc không tên, tiệm may không bảng hiệu hay vô vàn những dịch vụ khác vẫn đầy đủ tận trong những con hẻm sâu hun hút.
Thường những chủ tiệm là người dân trong hẻm và phục vụ khách cũng chủ yếu là người ở trong hẻm. Họ thân thuộc tới mức nhớ khách tên gì, nhà ở đâu, làm gì, sở thích ra sao, gần gũi như những người bạn. Mình ở trọ, lại nói tiếng Bắc nên hầu hết các cô chú ở trong hẻm đều nhớ. Một tuần đôi lần mình ghé quán của dì ba bán phở hẻm sau nhà trọ ăn sáng. Cứ thấy mình ghé là dì lại cười hiền “Mày sinh viên ít tiền nên dì lấy rẻ thôi, mười ngàn một tô nhen.”
Bạn bè tới chơi mình hay dẫn qua quán nước sát bên nhà uống, chú chủ quán nhìn mặt có vẻ dữ nhưng lúc nào cũng xuề xòa với đám sinh viên trọ, thỉnh thoảng kêu uống nước đi nay chú miễn phí.
Chú Chín làm tóc hẻm trước nhà thì cũng ưu ái cho sinh viên nên mỗi lần mình ghé cắt tóc chú đều nói “Làm kiểu mới này nha, chú làm nửa giá thôi”. Dứt lời là chú tay cầm kéo tay cầm lược đổi kiểu tóc mới ngay cho mình. Còn cả những cô bán thịt, bán rau ở chợ hẻm cũng quen mặt và vì là sinh viên nên lúc nào cũng được ưu ái một chút. Mình nhận ra rằng dù ở đâu thì tình người vẫn luôn chan chứa, ấm áp.
Người ta khi nhắc tới Sài Gòn cứ nghĩ nó là thành phố luôn chuyển động, tất bật, vội vã nhưng nếu sống ở Sài Gòn rồi chắc hẳn sẽ không xa lạ cảnh buổi sáng người ta thong dong uống cà phê, đọc báo trong những con hẻm, buổi chiều bắc cái ghế trước nhà hóng mát, buồn miệng có thể với sang cô bán hàng gần đó gọi ngay món ăn vặt. Một cuộc sống bình dị không hối hả.
Những con hẻm nơi mình đã sống, đã đi qua luôn có cái gì đó rất đặc biệt, thỉnh thoảng có dịp đi ngang lòng đầy bâng khuâng và nhung nhớ. Sài Gòn đâu chỉ có nhộn nhịp, xa hoa, giữa lòng thành phố vẫn có hàng ngàn con hẻm mà ở đó cuộc sống như chậm lại, gần gũi và chứa đựng biết bao ký ức yêu thương.
© Thu An - blogradio.vn
Xem thêm: Sài Gòn thương – mong bình yên về sau bão tố | Special Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Sau cơn mưa nắng sẽ về
Kể từ lúc biết tin căn bệnh quái ác sẽ tuyên án tử hình cho tuổi xuân còn đang dang dở của em, hình như tôi chưa từng thấy em để cho đôi chân mình được ngơi nghỉ ngày nào.

Mình muốn một tình yêu như vậy!
Họ không nói nhiều, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau, không lãng mạn ngọt ngào, không hứa hẹn, không sở hữu, cứ thế hiện diện bên nhau, lắng nghe, an ủi.

Lỡ duyên
Trăng treo lẻ bóng bên đồi Gió ru khúc cũ nghẹn lời chia phôi Người đi để lại bồi hồi Ta ngồi đếm mãi một thời đã xa

Chia ly - khi khoảng cách không thể xoá nhoà ký ức
Cảm giác sắp chia ly ấy cũng thật khó giải thích. Có lẽ chỉ đơn thuần là cảm xúc trống vắng khi bàn ăn trong nhà thiếu đi mất một người thân thuộc, hay sự lạc lõng trong một không gian đã từng đầy đủ,... Chắc đó là sự hụt hẫng khi có những điều vốn tưởng chừng là vậy nhưng nay đã sắp không còn.

Tình khó phai
Em biết anh luôn là người yêu em và nghĩ cho em nhiều nhất. Nhưng anh à, em cần nên biết mọi chuyện đầu tiên chứ không phải giờ đây em là người sau cùng mới biết được.

Khi con muốn được yêu thương nhưng lại sợ mất gia đình
Không có gì đau lòng hơn việc chính những người ta yêu thương nhất lại không thể dang tay ôm lấy ta.

Khi mặt trời mỉm cười
Tôi thấy yêu làm sao mặt trời lúc đó, tôi thấy yêu làm sao những buổi sớm mai thật lắng đọng thật nhiều cảm xúc và những nguồn huyết mạch của cuộc sống cứ cuộn trào mãi trong tôi.

Người ơi
Em thích gọi anh là người ơi, chỉ là một tiếng gọi thật ngắn thật nhanh mà chứa đựng trong đó biết bao ân tình biết bao da diết của những tháng năm mình được quen nhau, mình được yêu nhau thật trọn vẹn.

Kí ức muốn lãng quên
Kí ức về cậu có lẽ là kí ức đời này tớ muốn quên nhất, cậu cũng có lẽ là người tớ muốn quên nhất...

Xem cuộc đối thoại chua chát của 2 mẹ con trong Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt, tôi thề sẽ không bao giờ nói "Mẹ sống vì con"
Đứa trẻ lớn lên trong “sự hy sinh của mẹ” sẽ không học được cách hỏi mình: “Mình muốn gì?”, mà chỉ biết hỏi: “Mình nên làm gì để cha mẹ vui?”