Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những gương hiếu thảo cảm động trong mùa Vu lan

2019-08-14 00:05

Tác giả: Giọng đọc: Lan Phương

Từ ngàn xưa, chữ Hiếu luôn được coi trọng và đứng đầu trong tất cả những đức hạnh của con người. Người có hiếu luôn được xã hội biểu dương và là tấm gương cho con cháu noi theo. Mỗi năm đến rằm tháng 7 ta lại thấy người người nhà nhà đều sắm cỗ chay cúng ông bà, hoặc là đi chùa dự lễ Vu Lan. Đây cũng là dịp con cái khắp nơi về hội tụ sum họp bên mâm cỗ gia đình, vui vầy cùng cha mẹ ông bà.

Dù là người có theo đạo Phật hay không thì Vu Lan đều có ý nghĩa riêng trong lòng mỗi người làm con, là dịp để chúng ta có thể gạt đi những xô bồ bon chen trong cuộc sống đời thực mà chầm chậm nhìn về quá khứ cho đến hiện tại, tưởng nhớ công lao của các đấng sinh thành. Bởi trên đời này, bạn bè, công việc, tiền bạc thì dù mất đi đều có thể kiếm lại được, nhưng cha mẹ thì chỉ có một mà thôi.

Có lẽ ai ai cũng từng nghe kể về truyền thuyết ngày Vu Lan. Chuyện xưa rằng, bậc giác ngộ Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật với nhiều phép thần thông. Khi đạt đạo, ông dùng thiên nhãn thông tìm mẹ mình thì thấy bà đang bị đọa ở địa ngục với rất nhiều khốc hình, bởi vì lúc còn sống bà là một người cay nghiệt, coi khinh người nghèo, xem thường nhân quả. Vì đau xót bởi công sinh thành, nuôi dưỡng bấy lâu, Mục Kiền Liên đem cơm tới cho bà ăn, nhưng vì tội nghiệp sâu dày, cơm vừa đưa tới miệng mẹ Mục Kiền Liên thì đã hóa thành than nóng. Mục Kiền Liên liền về tham kiến Đức Phật thì mới hay rằng, tội nghiệp của mẹ quá nặng, pháp lực của một mình Mục Kiền Liên không đủ cứu mẹ. Chỉ có cách là đến rằm tháng bảy, bày hoa quả, đồ ăn cúng dường chư tăng và các cô hồn dã quỷ để hồi hướng công đức, mới có thể giúp mẹ ông thoát khỏi cõi địa ngục.

Và một ý nghĩa rộng lớn hơn, Vu Lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày “xá tội vong nhân”. Tức là những linh hồn không có người thân cúng giỗ, những người chết oan, hoặc làm điều ác chưa siêu thoát… thì ngày này cũng được “mở cửa ngục” về dương gian để hưởng quần áo, tiền, thức ăn do những ai có tâm cúng tế để hồi hướng công đức cho người thân.

Bao đời nay, Vu Lan đã trở thành một ứng xử nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng tộc để mọi người đề cao chữ Hiếu và nhắc nhở đạo làm con. Rất nhiều câu chuyện lịch sử cũng cho thấy, người con làm tròn đạo Hiếu có thể cảm động Trời và gieo nhân duyên tốt lành cho chính mình.

Vua Ngu Thuấn: Hiếu cảm động Trời

Một vị vua trong Ngũ Đế thời thượng cổ họ Diêu tên Thuấn, là một trang hiếu tử. Sau được vua Nghiêu, hiệu là Đào Đường gả hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh, rồi lại truyền ngôi báu cho. Vua Thuấn lên ngôi đặt niên hiệu là Đường Ngu.

Nguyên cha của Thuấn là người hung bạo, không phân biệt được người hay kẻ dở, người đương thời đặt tên là Cổ Tẩu (người mù mắt). Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu với người vợ kế sinh ra Tượng. Vì có lời gièm pha của mẹ kế và đứa em ngỗ nghịch cùng cha khác mẹ, Cổ Tẩu không ưa Thuấn và định bụng giết đi. Biết thế, nhưng Thuấn vẫn giữ trọn chữ hiếu đối với cha và người dì ghẻ ác nghiệt, hòa thuận với đứa em độc ác, không một lời than oán.

Một lần, cha bắt Thuấn phải đi cày ở đất Lịch Sơn, một nơi có tiếng là nhiều thú dữ hay ăn thịt người. Nhưng tấm lòng hiếu thảo và hòa ái của Thuấn động đến lòng Trời, cả đàn voi ra giúp Thuấn cày đất và muông chim đáp xuống nhặt cỏ hộ. Thấy không hại được Thuấn, cha và dì ghẻ sai Thuấn đánh cá ở Hồ Lôi Trạch, nơi có nhiều sóng to gió lớn, nhưng khi Thuấn đến thì sóng lặng gió yên.

Đến khi được vua Đường Nghiêu truyền ngôi, suốt 18 năm trị vì, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn hát khúc Nam Phong mà trị bình thiên hạ, nhà nhà đều lạc nghiệp âu ca.

Đồng Vĩnh: Dệt lụa trả công để tổ chức tang cho cha làm động lòng tiên nữ

Đồng Vĩnh sống vào thời Hậu Hán, nhà tuy nghèo nhưng rất hiếu thảo. Khi cha chết, vì trong nhà không có tiền lo việc ma chay, Vĩnh liền đến làng khác vay tiền một người nhà giàu, hứa sẽ dệt trả công 300 tấm lụa để trả vào số tiền mượn, số tiền công dệt lụa kia trội hơn gấp mấy lần tiền vay. Vay được tiền Đồng Vĩnh về lo việc tang cho cha xong xuôi, thu xếp việc gia đình rồi định đến nhà người nhà giàu để dệt trả công.

Dọc đường Đồng Vĩnh gặp được ý trung nhân, cả hai cùng nhau hứa hẹn kết làm chồng vợ, nhưng hẹn dệt xong 300 tấm lụa rồi sẽ thành hôn. Người con gái này giúp Vĩnh dệt xong 300 tấm lụa rất nhanh để trả món nợ cho người nhà giàu.

Khi cả hai cùng trở về thì người con gái lúc trước bỗng nhiên biến mất. Đó là vì lòng hiếu thảo của Đồng Vĩnh làm động lòng Trời, nên Trời mới sai tiên nữ xuống giúp.

Mạnh Tông: Thương mẹ đau ốm, khóc đến khi măng mọc để nấu canh chữa bệnh cho mẹ

Mạnh Tông là người ở đất Giang Hạ, sống vào đời Tam Quốc. Vì mồ côi cha, Mạnh Tông ở với mẹ rất có hiếu. Một hôm, bà mẹ của Mạnh Tông đau ốm, lúc nào cũng thèm ăn canh măng, nhưng bấy giờ là mùa đông, khó tìm ra măng.

Ông đi vào trong rừng tre, ngồi bên gốc tre mà khóc, bỗng đâu có mấy mục măng non từ dưới đất mọc lên. Mạnh Tông mừng rỡ mang về nhà nấu canh cho mẹ ăn, ăn xong bà mẹ liền hết bệnh.

Lòng hiếu thảo của Mạnh Tông làm cảm động lòng trời, nên măng mọc lên để giúp ông được tròn chữ hiếu. Về sau này có một loại măng màu xám được đặt tên là Măng Mạnh Tông, hình dáng trông rất đẹp mà lại ngon miệng.

Chử Đồng Tử: Nhường khố cho cha được cưới công chúa vua Hùng

Tại Việt Nam cũng có một câu chuyện rất nổi tiếng về tấm gương hiếu hạnh được lưu truyền cho tới hôm nay, đó là câu chuyện về Chử Đồng Tử.

Theo “Lĩnh Nam Chính Quái” của Vũ Quỳnh – Kiều Phú, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Vi Vân tại Chử Xá huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố che thân phải thay nhau mà mặc. Lúc già ốm, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.

Thời ấy vua Hùng Vương thứ XVIII có người con gái tên là Tiên Dung, đã đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của công chúa đến thăm vùng đó. Nghe tiếng chuông trống đàn sáo. lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ ẩn náu của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.

Vua Hùng nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Nàng biết ý nên cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Buôn bán tấp nập, phồn thịnh, ai cũng kính thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chúa. Một hôm có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo, Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi.

Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Viên, Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp Sư Tăng Phật Quang. Chử Đồng Tử bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học Đạo. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”.

Về nhà, Chử Đồng Tử giảng lại đạo Phật cho vợ nghe. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học Đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy nơi đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.

Nghe tin, vua Hùng cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà vua đóng ở bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung – Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn.

Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là chợ Hà Lương…

Những câu chuyện được lưu truyền hậu thế đã minh chứng rằng, khi người con biết lấy hiếu nghĩa làm đầu thì cũng như tích được phúc phận và tạo tương lai tốt đẹp cho chính mình.

Blog Radio Tổng hợp.

Giọng đọc: Lan Phương

Thiết kế: Hương Giang

Sản xuất: Nhóm Blog Radio

Mời xem thêm chương trình:

Con lại đi giữa mùa Vu Lan

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Cái Kết Cho Kẻ Phản Bội (Blog Radio 869)

Cái Kết Cho Kẻ Phản Bội (Blog Radio 869)

Sẽ có đôi lần ta đứng trước những phút giây yếu lòng, xao động. Quan trọng là ta cần tĩnh tâm để tự vấn mình và nhắc nhở bản thân rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời.

Khoảng Trời Nhiều Gió (Blog Radio 868)

Khoảng Trời Nhiều Gió (Blog Radio 868)

Nghịch cảnh luôn là điều mà trăm vạn lần ta không muốn phải trải qua. Nhưng ấy thế mà ông trời lại luôn biết cách khiến chúng ta phải đối mặt với nó.

Sống Chân Thành Để Nhận Chân Tình (Blog Radio 867)

Sống Chân Thành Để Nhận Chân Tình (Blog Radio 867)

Cuộc sống vốn đã khắc nghiệt, những người ta gặp, những mối quan hệ xung quanh luôn ảnh hưởng và khiến cuộc đời ta thay đổi. Đừng vì cái tôi mà đánh mất những người thân yêu nhất.

Tập Làm Người Hạnh Phúc (Blog Radio 866)

Tập Làm Người Hạnh Phúc (Blog Radio 866)

Mỗi ngày chỉ là quá khứ của ngày mai. Chi bằng cứ hướng tới ngày mai bằng tình yêu cho mọi người.

Gieo Nhân Nào Gặt Quả Nấy (Blog Radio 865)

Gieo Nhân Nào Gặt Quả Nấy (Blog Radio 865)

Nhân quả vẫn tồn tại dù bạn có tin hay không. Và chắc chắn đến thời điểm đủ duyên, những nhân chúng ta gieo sẽ trổ quả.

Thấu Hiểu Trái Tim Mình (Blog Radio 864)

Thấu Hiểu Trái Tim Mình (Blog Radio 864)

Khi những khó khăn, bão tố không ngừng ập đến ta có đủ can đảm để tĩnh lại và nghĩ xem tại sao đến giây phút này ta vẫn còn đang sống.

Yêu Sẽ Tìm Cách, Không Yêu Sẽ Tìm Lý Do (Blog Radio 863)

Yêu Sẽ Tìm Cách, Không Yêu Sẽ Tìm Lý Do (Blog Radio 863)

Hãy dũng cảm một lần nói ra câu chia tay và hiên ngang rời khỏi cuộc đời người đó. Bắt đầu cuộc sống mới của mình để không lãng phí năm tháng thanh xuân người con gái

Vẫn Yêu Người Cũ (Blog Radio 862)

Vẫn Yêu Người Cũ (Blog Radio 862)

Tôi luôn cảm thấy cô đơn trong chính căn nhà của mình, nên tôi hay lên mạng tìm kiếm một cái kết nối gì đó. Tôi cần một ai đó, người lạ cũng được, để họ lắng nghe tôi lúc này.

Nhật Ký Chữa Lành (Blog Radio 861)

Nhật Ký Chữa Lành (Blog Radio 861)

Sáng nay thức dậy, lòng tôi bỗng trào dâng một tình yêu dành cho chính mình. Tôi muốn mặc đẹp hơn, bất chấp công việc hôm nay thế nào. Một cảm giác yêu thương và hân hoan.

Nhờ Gió Gửi Đến Em Nụ Cười An Yên (Blog Radio 860)

Nhờ Gió Gửi Đến Em Nụ Cười An Yên (Blog Radio 860)

Tôi từng quanh quẩn hoài với những hồi ức, ngần ngại chẳng dám xóa bỏ chúng khỏi cuộc đời. “Từng ấy kỉ niệm, từng ấy niềm vui cơ mà, sao mà có thể từ chối sự hiện diện của chúng đây…” Tôi từng đắn đo nhấn nút “xóa tất cả” những tấm hình, những câu chuyện đã lưu, những dòng tin nhắn đã gửi. Nhưng lại lấp lửng chẳng dám chạm tay vì sợ nhỡ đâu một ngày lại tìm đến nó, cần đến nó như để tìm thêm một chút động lực thì sao?

back to top