Mùa trăng năm ấy
2024-09-06 12:40
Tác giả: Trần Ruby
blogradio.vn - Đêm rằm ấy, đêm rằm đầu tiên trong tuổi thơ mẹ và những đứa trẻ nơi đây biết đến thế nào là đêm trung thu, thế nào là phá cỗ. Dưới ánh trăng to tròn, tất cả mọi trái tim đều chất chứa tình yêu thương, hát nghêu ngao cho nhau nghe, những đứa trẻ như mẹ thi nhau giơ tay lên hát để được kẹo… tiếng cười giòn tan hòa vào tiếng trống tùng tùng trong ánh đèn lấp lánh của những chiếc đèn ông sao.
***
Tháng tám khẽ gõ cửa, tấm lịch treo tường đã vơi đi hơn một nửa giấy và thế là mùa thu năm nay đã về. Khi còn là một đứa trẻ mẹ vẫn luôn háo hức mỗi lần tiếng trống lân đâu đó vang lên, những chiếc đèn đủ màu sắc bày bán la liệt trên các kệ hàng của đường phố; tiết trời dịu mát trong lành và đặc biệt có đêm rằm phá cỗ.
Thời gian luôn là thước đo của tuổi tác, từ ngày có con cuộc sống của mẹ thay đổi quá nhiều. Mẹ không còn nhớ ngày tháng, mẹ cũng chẳng nhớ nổi sinh nhật của mẹ bởi hàng tá công việc oằn trên đôi vai của một cô gái đã ngoài ba mươi. Đôi má phúng phính của con cùng với cặp mắt thơ ngây trong sáng là tất cả những gì mẹ có được, vì yêu con nên mẹ tạm gác lại những thứ là của riêng mình, bởi mẹ biết tuổi thơ con chỉ có một lần trong đời. Mẹ muốn vẽ lên trang giấy trắng trong tâm hồn con những điều đẹp nhất, giản dị mà giàu ý nghĩa như mẹ đã từng có một tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm.
Ngày ấy, quê ngoại là một ngôi làng nằm cách xa thị trấn, trên con đường đất quanh co bóng xe đạp chậm rãi ẩn dưới nắng chiều dịu nhẹ, ông ngoại đèo mẹ trên yên xe đi vào thị trấn. Ông dẫn mẹ theo bởi bà ngoại đi làm đồng không ai trông, ngồi sau yên mẹ đưa cặp mắt giáo giác nhìn quanh, cố nhìn cho bằng được những điều lý thú hấp dẫn mà hiếm khi mẹ được trông thấy. Có vẻ như trung thu ở đây nhộn nhịp hơn hẳn, các bạn nhỏ được bố mẹ mua cho lồng đèn hay một hai cái bánh gói kẹo gọi là quà. Những thức quà xa xỉ đó bày bán trên các tạp gỗ ngay đường, mấy đầu lân to nhỏ, những mặt nạ ông địa được sơn vẽ rất tỉ mỉ đa dạng sắc màu… tất cả đều lung linh như viên kim cương được bày trong các cửa hàng thời trang hiện đại ngày nay. Gọi đó là xa xỉ vì mẹ chỉ có diễm phúc nhìn chứ không được sở hữu; một đứa trẻ sinh ra lớn lên trong căn nhà lá, chỉ có một cái nồi nấu cơm và canh. Mẹ đã nghe ngoại kể cứ tới bữa là dùng chiếc nồi ấy nấu cơm rồi lại bới cơm ra để nấu canh vì nhà mình nghèo đến mức chẳng có đủ tiền sắm hai cái nồi con à! Tài sản lớn nhất của ông bà ngoại đó là chiếc xe đạp đã sờn lớp sơn, phô bày những đoạn sắt bị gỉ nhưng nó là vật báu của nhà ta, bởi nó đèo được vô vàng thứ cho ông bà đỡ gánh gồng trên đôi vai gầy. Hầu như đứa trẻ nào sinh ra cũng đã hiểu mình không có quyền đòi hỏi. Mặc dù chỉ có mấy đồng bạc trong túi để đi mua các vật dụng cần thiết nhưng là một người cha, ông ngoại dễ dàng nhận ra đôi mắt khát khao của con mình khi nhìn những thứ lạ đẹp mắt, ông ngoại hỏi mẹ:
- Con muốn ăn gì không?
Mẹ vô tư trả lời:
- Dạ không ạ!
Vậy con có muốn mua gì không?
- Dạ con… không ạ!
Vẫn là câu nói ấy, dù chỉ mới lên bốn thôi nhưng mẹ hiểu hoàn cảnh gia đình, dù có khát khao cầm trên tay chiếc đèn ông sao xanh đỏ tím vàng nhưng mẹ vẫn trả lời không. Ông ngoại chẳng nói gì, chỉ im lặng tiếp tục đạp xe trên con đường của thị trấn để mua cho đủ các vật dụng cần thiết. Mẹ đọc được trên gương mặt kham khổ chằng chịt những nếp nhăn của ông là ánh mắt của một người cha già khổ tâm, biết con gái mình thích rất nhiều thứ nhưng đành lặng im vì gia cảnh lúc này chưa cho phép.
Trung thu năm ấy, mẹ được ông ngoại dẫn vào sân làng, nơi già trẻ lớn bé tụ họp sau bữa cơm tối. Có vẻ hôm nay không khí khác hẳn, các chú làm trong thôn ăn mặc chỉnh tề hơn, nói chỉnh tề cho oách xà lách chứ chiếc áo cọc được khoác thêm cái áo sơ mi đã bạc màu và chiếc quần dài có mạng vá một số chỗ. Những “mệ” lớn tuổi ra ngồi trước hiên miệng móm mém nhai trầu đỏ ửng, các bà mẹ có con nhỏ cũng bồng bế ra sân tụm năm tụm bảy nói chuyện, và những thanh niên trong làng bưng một số bàn ghế gỗ ra giữa sân. Mẹ nhận thấy sự trang trọng khác hẳn các tối thường ngày nhưng vẫn không đoán ra có sự kiện gì trọng đại sắp diễn ra; và chỉ trong nửa tiếng thì công tác chuẩn bị đâu vào đấy. Bác trưởng thôn yêu cầu các anh chị thanh niên ổn định mấy chục bạn nhỏ như mẹ ngồi thành một vòng trong giữa sân. Giọng bác trưởng vang lên trong sự chú ý, tò mò của khá nhiều người:
- Thưa bà con và các em thiếu nhi đang có mặt tại đây, hôm nay là trung thu! Được sư quan tâm của xã Đoàn và một số nhà hảo tâm trong thị trấn, tối nay họ đã về thăm làng ta và đặc biệt tổ chức buổi trung thu cho các em thiếu nhi ở làng, đề nghị tất cả bà con và các em hãy dành một tràn pháo tay để chào đón!
Tiếng phát biểu vừa dứt thì mẹ thấy có một đoàn cô chú bước ra giữa sân, trên tay mỗi người là những gói quà bánh đủ loại và có những chiếc đèn ông sao như lúc chiều mẹ đã nhìn thấy trên thị trấn. Có thật chăng tối nay mẹ được sở hữu nó, ý nghĩ ấy chợt lóe lên trong đầu. Nó chẳng kịp sáng lâu bởi ánh sáng của một tiết mục đặc sắc đang diễn ra trước mặt mẹ đã làm mẹ không tài nào nghĩ ngợi thêm gì được nữa, đó là sự xuất hiện của một chú lân.
Lần đầu tiên trong đời tất cả những đứa trẻ nơi đây được biết đến múa lân là như thế nào. Ông địa có cái bụng phệ, có gương mặt hài hước múa quạt nhảy nhót vô cùng đáng yêu, và đặc biệt chú lân có đôi mắt to nhấp nháy và cái đuôi dài có những pha nhào lộn hết sức ấn tượng trước mắt mọi người. Tiếng vỗ tay không ngớt, niềm vui không chỉ hiện trên đồi mắt tò mò của những đứa trẻ mà còn lan tỏa đến tất cả các bà con cô bác trong ngôi làng nhỏ quê ngoại.
Đêm rằm ấy, đêm rằm đầu tiên trong tuổi thơ mẹ và những đứa trẻ nơi đây biết đến thế nào là đêm trung thu, thế nào là phá cỗ. Dưới ánh trăng to tròn, tất cả mọi trái tim đều chất chứa tình yêu thương, hát nghêu ngao cho nhau nghe, những đứa trẻ như mẹ thi nhau giơ tay lên hát để được kẹo… tiếng cười giòn tan hòa vào tiếng trống tùng tùng trong ánh đèn lấp lánh của những chiếc đèn ông sao.
Hai mươi lăm năm trời, ngần ấy thời gian cũng không đủ để xóa đi kí ức tuổi thơ ấy trong mẹ, ngược lại nó càng khắc sâu trong trái tim chằn chịt vết xước của mẹ. Vì vậy mà cứ mỗi độ thu về, lá ngoài trời rơi rụng, những áng mây lơ đãng cuộn mình trong làn gió heo mây là tim mẹ lại xốn xang, bồi hồi. Ôm con trong tay, đôi mắt ngây thơ trong sáng của con, nó sáng như ánh trăng năm ấy làm mẹ thật sự hạnh phúc. Mẹ biết ơn vì đã sinh ra lớn lên ở mảnh đất miền Trung nghèo khó này, biết ơn vì đã có một tuổi thơ thiếu thốn về vật chất nhưng quá ư dư dả về tinh thần. Nơi có những con người chân chất để mẹ có một bầu trời tuổi thơ đáng giá, và cảm ơn vì con đã xuất hiện... Mẹ chọn để con lớn lên nơi này, hi vọng một mai con sẽ nhận ra đây chính là quê hương, là mái nhà là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con để con vững bước trên mọi nẻo đường. Trong bước đi vạn dặm ấy con cũng sẽ có một tuổi thơ đẹp như mẹ, đó là thứ không thể thiếu để làm nên một cuộc đời ý nghĩa của mỗi con người!
© Trần Ruby - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Cuộc Đời Chỉ Có Một Lần, Đừng Để Bản Thân Phải Hối Tiếc | Radio Chữa Lành
Trần Ruby
Tôi là một cô gái khá nội tâm, tôi thích lang thang khám phá những cái hay cái mới của các quán coffee nơi tôi sống. Tôi thích đọc sách và viết báo, ngoài giờ lên lớp tôi thích nghe những bản nhạc nhẹ nhàng. Tôi hi vọng mình sẽ góp điều gì đó thật ý nghĩa cho cuộc sống và mọi người xung quanh.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu
Phụ nữ giàu sang phú quý đều có 3 nét tướng này trên khuôn mặt: Ai có 1/3 cũng nhiều phúc nhiều lộc
Hãy cùng xem bạn có hay không nhé.