Mùa hè chảy trong tim
2014-02-18 01:00
Tác giả:
Truyện Online - Giờ nó thật sự cảm nhận được hương vị của nắng hè đang chảy tràn trong tim. Mùa hè năm nó 17 tuổi, nó thoát khỏi nhịp sống thường ngày của nó. Một nhịp sống đầy những vết xước. Nó đã tìm thấy được mùa hè của riêng nó. Trong tim.
Mùa hè năm nó 17 tuổi.
17 tuổi, cái cách nó tận hưởng kỳ nghỉ của mình là về quê ngoại, cả ngày ngồi trông quán cà phê của bác Lan. Bác là chị ruột của ba nó, chủ một quán cà phê nhỏ, xập xệ, ế khách, lúc nào cũng buồn thương những bản nhạc Trịnh.
- Có thật là cháu muốn làm không? Bác đang tìm một người trông quán giúp ba tháng để ngày kia bác đi chơi xa. Nhưng mà… – Bác Lan ngập ngừng – Sẽ rất là chán đối với cháu. Quán bình thường không buôn bán được gì, cả ngày cháu chỉ ngồi thôi…
- Dạ không sao, cháu biết mà. Bác cứ đi đi, yên tâm giao cho cháu.
Bác nhìn chăm chăm vào nó. Trong tâm tưởng của bác, những đứa trẻ sinh ra ở thành phố, ngay khi cất tiếng khóc chào đời đã được ủ trong sự ồn ào của đô thị, lớn lên trong cái náo nhiệt của phố phường, mang theo cả một sự nổi loạn, không chịu gò ép trong một khuôn khổ chật hẹp nào. Thế nên, việc cháu gái bác, suốt kỳ nghỉ hè về trông cái quán nhỏ buồn thiu này, thay vì đi chơi hay lao đầu vào các lò luyện thi như bao bạn khác, làm bác quá đỗi ngạc nhiên. Bác chỉ hy vọng nó không phải vì ham vui, chán chường không khí thành phố, để rồi trông được hai, ba ngày lại bỏ ngang.
- Mà bác hỏi này – Bác giao chìa khóa cho nó – sao cháu lại muốn trông coi cái quán này? Hè, nên đi đâu đó chơi cho khuây khỏa chứ. Sang năm là cháu 12 rồi, bận tối mặt tối mũi đấy.
Nó chỉ cười nhẹ, khẽ lắc đầu.
Chồng bác Lan mất từ khi anh họ nó 10 tuổi. Bác ở vậy, một tay làm lụng nuôi con. Trong ký ức tuổi nhỏ của nó, khi ấy bác Lan mới ngoài 30, trẻ, mặn mòi, ăn nói có duyên nên quán cà phê lúc nào cũng dập dìu khách. Nhưng nhan sắc rồi cũng phai tàn theo thời gian. Cái quán cũng tàn phai theo nhan sắc. Để bây giờ chỉ còn lại những hồi ức xưa cũ vương trong từng giai điệu Trịnh. Nó nhắm nghiền mắt. Bỗng, điện tắt phụt. Nó giật mình, hốt hoảng nhìn quanh. Khi nãy vào quán, nó quên không mở cửa sổ, cánh cửa lớn thì he hé, chỉ đủ lọt vào vài tia nắng yếu ớt. Giờ cúp điện, trong quán tối mù, không một tiếng động. Nó hơi sợ. Quờ quạng trong không trung, cánh tay nó dò dẫm tìm bật lửa. Bỗng nó nghe thấy tiếng sột soạt phía bên phải. Tim giật thót. Nó run run chộp lấy cái ghế bên cạnh. Một tiếng xoảng. Có bóng người vụt lên, tiến về phía nó. Nó thu hết sức lực, đập cái ghế liên hồi vào bóng người, miệng hét to:
- Đồ ăn trộm! Chết này! Đồ ăn trộm! Chết này! Chết này!
- Á! Dừng lại, tôi không phải ăn trộm. Hiểu … hiểu lầm rồi!
Vừa đúng lúc, đèn sáng trở lại. Bóng người biến mất. Thay vào đó là một cậu con trai cao lớn, hơi ốm, khuôn mặt vuông điển trai. Và đôi mắt sáng. Nó lùi lại, hai tay vẫn nắm chặt cái ghế, nhìn lăm lăm:
- Trông cũng sáng sủa mà sao lại đi ăn trộm thế hả?
Cậu con trai nhăn nhó:
- Đã bảo không phải ăn trộm. Chị hiểu nhầm rồi.
- Không phải ăn trộm thì là gì? Tự tiện vào đây giữa lúc đang cúp điện tối thui thế này?
- Tôi có gọi, nhưng chị không để ý đó thôi. Vừa vào thì cúp điện…
Cậu trai xuýt xoa cái tay đang rướm máu khi đỡ “liên hoàn ghế” của nó với vẻ mặt đau khổ. Chợt nhiên nó thấy mềm lòng. Nó hỏi, giọng còn nghi ngờ.
- Thế vào đây uống cà phê hả?
- Không. Vào làm bảo vệ cho chị.
Nó tròn mắt nhìn xoáy vào cậu con trai, mặt nghệch ra:
- Đang đùa à?
Nhưng Huy, tên cậu con trai ấy, không đùa. Bác Lan quên nói nó hôm nay sẽ có thêm một người nữa đến giúp nó. Nhỏ hơn nó một tuổi.
- Huy ở gần nhà bác. Để cháu trông một mình, bác không yên tâm. Có Huy sẽ tốt hơn cho cháu.
Bác buông một câu gọn lỏn trong điện thoại, rồi để lại một tiếng tút dài nghẽn đặc, không cho nó kịp phản ứng. Một đứa con trai lạ lẫm, nó sẽ phải ở cùng trong suốt ba tháng hè. Nghĩ đến đấy, nó thở dài thườn thượt rồi chợt phát hiện Huy đang nhìn nó. Ngượng, nó quay mặt nói bâng quơ:
- Cũng tốt bụng quá ha. Mấy ngày nghỉ không đi chơi, mà chịu ru rú ở đây làm bảo vệ.
- Em cũng giống chị thôi. Hè không đi chơi, cả ngày nhốt mình ở đây.
Nó quay lại, định ném về phía tên nhóc hỗn xược ấy cái lườm nguýt khó chịu thì bắt gặp khuôn mặt đang cười toe của Huy. Có ánh nắng hè lấp lánh vương trong đôi mắt ấy.
- Cười cái gì mà cười – nó đột nhiên nổi cáu – giờ nói rõ luôn. Ai làm việc nấy, không động chạm đến thế giới riêng của nhau. Vậy nhé.
Nó quay mặt, vớ lấy tai nghe Ipad, không thèm nhìn phản ứng của Huy. Tiếp theo đó là một chuỗi lặng im của thinh không kéo dài. Chỉ còn lủng lẳng treo trên chuỗi lặng im ấy giai điệu của bài “Diễm xưa”, tiếng gõ tay nhè nhẹ của nó đung đưa theo nhịp nhạc trong Ipad. Và cả tiếng thở đều đều của thời gian.
- Chị nè, có muốn thay đổi một chút cái quán này không?
Chuỗi lặng im vỡ vụn. Nhưng nó không trả lời, tay vẫn gõ nhịp trên bàn như không nghe thấy. Huy nói tiếp:
- Em xin bác Lan rồi. Bác bảo tùy ý chị và em, miễn đừng quá lố. Em muốn sơn lại cái quán. Màu xanh cũ khô khốc quá… Chị thấy thế nào?
Mặc cho nó (cố tình) im lặng, Huy vẫn nói thao thao ý tưởng của mình, vẻ mặt rạng rỡ:
- Em nghĩ màu vàng hợp. Nhưng hơi lòe loẹt, chị nhỉ? Hay màu xanh nhạt? Thế thì mờ nhạt quá. Sơn xong rồi, mình trang trí lại quán nhé chị…
Sáng hôm sau, Huy mang vào mấy thùng sơn đủ màu sắc. Nó ngỡ ngàng.
- Nhóc làm thật à?
Huy cười:
- Vậy là hôm qua chị có để ý lời em nói.
Nó nhíu mày khó chịu:
- Chị không muốn thay đổi.
- Tại sao?
- Đơn giản là không muốn. Cứ để như vậy đi.
Giọng nó ướm mùi gắt gỏng. Huy nhìn nó, cái nhìn khiến nó khó chịu. Giống như muốn thấu vào tận tâm can người khác. Nó cố tránh ánh nhìn ấy.
- Chị… - Huy ngập ngừng nói – Chẳng phải chị đối với nơi này có một đặc biệt không thể quên sao? Nếu như vậy, chị muốn thấy nó ngày càng úa tàn để rồi biến mất, không còn chút gì níu giữ sao?
Nó giật mình, đỏ mặt rồi quát to:
- Nhóc biết gì mà nói? Chị với nơi này chả có cái đặc biệt gì cả. Chẳng qua là buồn chán nên mới đến đây thôi! Đừng có tỏ vẻ là hiểu chị lắm! Nhóc muốn làm gì thì làm!
Nó đi thật nhanh ra khỏi quán, người run lên. Thằng nhóc ấy thì biết cái gì chứ. Nó tức giận, pha lẫn chút lo sợ, như có ai đang cố mở cái hộp nỗi lòng mà nó gắng giấu kín trong thẳm sâu trái tim. Nó đến nhà bác Lan. Bác thấy nó, ngạc nhiên:
- Con bé này, làm gì mà cái mặt hầm hầm như muốn cãi nhau với ai thế?
Nó lắc đầu, giọng còn hơi hướm giận dỗi:
- Dạ không có gì.
- Cháu cãi nhau với Huy à?
Nó im lặng. Tay bứt cọng lá xơ xác. Bác vừa rót nước, vừa nói:
- Nhóc ấy ngày xưa là khách ruột của bác đấy. Cứ cuối tuần, bố mẹ dẫn nhóc Huy vào quán bác chơi, uống cà phê. Chỉ có mỗi ngày chủ nhật là cả nhà nó được dịp quây quần, nói chuyện rôm rả, vui vẻ lắm.
- Thế ạ?
Nhắc đến “bố mẹ”, lòng nó chùng xuống. “Có một gia đình hạnh phúc, thảo nào mà mặt thằng nhóc ấy lúc nào cũng cười”, nó thầm nghĩ.
- Nếu là khách ruột, sao không thấy bố mẹ nó đến uống nữa?
- Mất rồi. Trong một tai nạn giao thông. Bốn năm trước.
Tay nó đang cầm ly nước uống, bỗng khựng lại, làm vài giọt rớt xuống lạnh toát. Lời bác nói như một cơn gió run rẩy thổi vào lòng khiến tim nó thắt lại. Nó sửng sốt nhìn bác.
- Bác khăng khăng muốn giữ cái quán này và còn mở cho đến bây giờ, thật ra còn vì một lý do nữa.
Bác mỉm cười nhìn nó hiền hậu.
- Đó là để cho những người như Huy còn có nơi để nhớ về. Và có lẽ… cho cả cháu nữa, cháu gái của bác.
Thì ra bác đã biết tại sao nó về đây, gói gọn kỳ nghỉ hè của mình trong cái quán ế ẩm ấy. Đột nhiên nó nhớ lại gương mặt đẫm nước mắt của mẹ, khuôn mặt lạnh lùng của ba. Nhớ lại gương mặt phảng phất nỗi buồn của Huy khi nó quát lên lúc nãy. Nó mường tượng cảnh Huy khi nghe tin bố mẹ mất, đã khóc rất nhiều thế nào, đã thu mình lại, gặm nhấm nỗi cô đơn, nỗi buồn tủi, nỗi khát khao hơi ấm gia đình thế nào. Nó thấy bóng dáng mình trong đó.
Nó về quán, mang trong lòng những nỗi niềm hỗn độn. Huy đang thaaxn thờ nhìn về một góc bàn. Cái góc nho nhỏ khuất sau chậu cây. Nó nhận ra cái nhìn đó. Cái nhìn miên man, cố tìm về dòng hồi ức xưa cũ. Nó im lặng, bước thật nhẹ vào. Nhưng Huy thật nhanh nhận ra sự có mặt của nó. Huy bối rối:
- Chị về khi nào thế? Cho em xin lỗi về chuyện lúc nãy… Phải hỏi ý kiến chị trước rồi mới làm…
Đáng lẽ người xin lỗi phải là nó. Nó lúng túng tránh mặt Huy như đứa trẻ biết sai nhưng bướng bỉnh không chịu nhận.
- Nhóc muốn sơn màu gì?
Nó chuyển đề tài gọn lỏn, mắt nhìn những thùng sơn đỏ, xanh, vàng.
- Hả?
Huy ngạc nhiên nhìn nó.
- Trả lời nhanh, không là chị đổi ý đấy.
- À dạ, em cũng chưa biết nữa. Chị muốn sơn màu gì?
Nó im lặng một lúc, rồi trả lời:
- Tím nhạt.
- Chị thích màu đó?
- Ừ. Mà chỉ sơn thôi à?
- Thế chị muốn làm gì nữa?
Nó và Huy bắt đầu thay áo mới cho quán. Cái màu xanh cũ khô khóc đã tróc hết vỏ, lộ ra một màu tím nhạt huyền dịu. Ở chính giữa quán, nó cọ cọ thêm vài đường nét. Sau mỗi ngón tay nó quét qua, chẳng mấy chốc hiện lên hình ảnh một gia đình ba người. Có bố, mẹ và một bé trai khuôn mặt cười rạng rỡ cùng đi bên nhau. Trong gam màu dịu nhẹ. Êm đềm.
- Chị… vẽ đẹp thật…
Nó ngẩng mặt nhìn Huy. Trên gương mặt của cậu trai lúc nào cũng ánh nụ cười ấy, chầm chậm lăn dài hai dòng nước mắt. Nó bất ngờ đến cứng người, đứng đơ ra. Lần đầu tiên nó thấy một thằng con trai khóc. Mà con trai khóc thật lạ. Không dai dẳng, không ồn ào, không yếu đuối. Người ta nói con trai mà khóc là nhu nhược, hèn yếu. Nhưng nó lại cảm thấy Huy không yếu đuối chút nào. Một người như Huy lúc này đang cần gì nhỉ? Nó nhớ lại những lần nó khóc. Lúc ấy, nó cần gì?
- À…
Trong vô thức, nó đưa bàn tay dính đầy màu sơn của mình, nắm lấy tay Huy. Có lẽ nhờ cái nắm tay của nó mà Huy sực tỉnh. Huy giật mình ngạc nhiên trước hành động của nó. Cậu đỏ mặt, quýnh quáng lau nước mắt. Còn nó, khi nhận ra tay mình đang nắm tay Huy thì hốt hoảng rụt lại, mặt đỏ ửng, miệng lắp bắp:
- Này… không phải..! Đừng hiểu lầm.. chỉ là…
Nếu có một điều ước, nó sẽ ước ngay rằng một cái lỗ xuất hiện bên cạnh để nó chui vào tránh cái xấu hổ đang ngạt ngào tỏa khắp người nó. Trong khi nó lúng túng không biết phải làm thế nào thì, Huy bỗng cầm tay nó, cười nhẹ:
- Cám ơn chị.
Nó tự hỏi, nụ cười này, khuôn mặt này, không biết đã phải mất bao lâu và như thế nào mới thoát khỏi cái bóng đen đầy nước mắt của nỗi đau nặng nề ấy?
Tối hôm đó, bác Lan đến quán xem tình hình, vì ngày mai bác phải đi từ sớm. Và rồi bất ngờ đứng sững trước cửa quán, ngẩn người ra.
Đập vào mắt bác là một màu tím nhạt nhè nhẹ, điểm vài họa tiết màu xanh lá. Bên trong, bàn ghế được sắp xếp theo hình vòng tròn, tạo cảm giác ấm cúng. Chậu cây được cắt tỉa gọn gàng, không xuề xòa như lúc trước. Ly tách rửa sạch bong, xếp đều đặn một dãy. Bác dụi mắt, ngỡ ngàng nhìn nó và Huy, lúc này đang nhón chân lau chùi lớp bụi đóng dày trên trần nhà.
- Hai … hai đứa làm hết tất cả à? Chỉ trong hôm nay thôi à?
- Dạ. Bác thấy thế nào? Được không ạ?
Huy cười toe. Bác gật gật đầu.
- Được. Hai đứa này được. Nhưng để xem làm ăn thế nào. Mai bác đi rồi, hai đứa cùng nhau trông nom tốt cái quán này nhé. Có chuyện gì thì cứ gọi cho bác.
- Huy này, tình hình có vẻ không khả quan cho lắm.
- Mới hai ngày thôi mà chị.
Trong Huy lúc nào cũng vậy, tràn đầy sự lạc quan. Và nụ cười.
- Nhóc… từ khi nào mà trở nên thế này?
- Hả?
- À, không có gì.
Nó khẽ thở dài.
- Sao chị thở dài? Chị yên tâm. Nhất định sẽ có khách mà.
Nó bật cười nhẹ trước vẻ hồn nhiên của Huy.
- Ơ! Chị cười rồi kìa.
Nó giật mình, quay mặt về hướng khác.
- Làm gì có.
- Hì. Chị cười rất xinh. Thế này dễ nhìn hơn vẻ mặt lúc bình thường đó.
Nó im lặng. Kể từ cái ngày khủng khiếp ấy, nụ cười không còn xuất hiện trên gương mặt nó. Lâu đến nỗi nó đã đánh mất cái khả năng biết cười. Cuộc sống xung quanh nó hàng ngày chỉ là một màu u buồn, chịu đựng, quẩn quanh những thứ cứ lặp đi lặp lại làm bào mòn xúc cảm của nó. Mải suy nghĩ, nó không cẩn thận làm rớt chiếc cốc xuống đất. Nó lúng túng cúi xuống nhặt những mảnh vỡ.
- Á.
Một mảnh thủy tinh sắc lẹm cứa vào tay nó. Máu chảy. Huy đang lau cửa kính liền chạy tới, hốt hoảng cầm tay nó.
- Chị phải cẩn thận chứ. Xem này, cứa sâu thế này…
Nhìn vẻ mặt Huy lo lắng, đôi lông mày nhíu lại, chợt một xúc cảm khác lạ xuất hiện trong nó. Nó nhớ lại cái lần nó bị té xe, tay trầy trụa, rướm máu một đường dài. Nó về nhà, thấy bố ngồi trong phòng khách cùng người đàn bà đó, nó khẽ nói, giọng run run:
- Ba… con bị té xe…
Nó mong đợi một giọng nói lo lắng, một cử chỉ quan tâm từ bố. Nhưng không.
- Té xe thì lấy bông băng! Nói với tao làm gì! Con với cái.
Máu chảy rỉ trên tay, chảy cả vào trong tim nó. Lúc đó, đôi mắt người đàn bà ấy liếc nhìn nó đầy thương hại. Đôi mắt của người đàn bà xa lạ cướp mất bố nó, đẩy mẹ nó rời xa nó mãi mãi.
Đã lâu lắm rồi, không có ai lo lắng cho nó như vậy.
- Chị… chị làm sao thế?
Nó làm sao? Ơ kìa. Sao trên gương mặt nó lại có nước thế kia? Một hành động lo lắng nhỏ như thế mà đã làm nó thế này ư? Nó quẹt nước mắt, giọng lạc hẳn đi:
- Không sao.. Bụi bay vào mắt ấy mà…
Rồi, nhẹ nhàng như là gió thoảng, Huy ôm lấy nó.
- Chị cứ khóc đi. Sẽ không có ai nhìn thấy đâu. Cả em cũng không nhìn thấy.. Nên chị cứ khóc đi..
Điều nó cần là gì, mỗi khi nó khóc, mỗi khi nó cảm thấy cả thế giới đều quay lưng với nó, mỗi khi nó ngồi một mình trong phòng cặm cụi với những nét vẽ đầy nước mắt? Là một bàn tay nắm lấy bàn tay? Hay là một cái ôm để mình tựa vào? Không. Điều nó thật sự cần là một người nói với nó rằng: “Hãy khóc đi”.
- Thật à?
- Lúc ba mẹ mất, em khóc nhiều lắm, cả ngày nhốt mình trong phòng, không gặp ai cả. Thế rồi không biết làm sao, ngày hôm đó em đi ra ngoài, đến quán cà phê bác Lan. Nhưng cứ đứng ngoài cửa không dám vào. Em sợ rằng vào rồi sẽ lại càng nhớ bố mẹ. Kỷ niệm vui vẻ nhất của gia đình em là ở cái quán này. Rồi tự nhiên, em lại khóc. Đúng lúc đó, em gặp chị.
- Chị?
- Chắc chị không còn nhớ nữa. Lúc ấy, chị mặc cái váy màu vàng nhạt và cột đuôi tóc cao ráo, cho em một cây kẹo mút và nói rằng: “Này, con trai là không được khóc, xấu lắm nhóc à. Mẹ chị nói, gặp chuyện gì cũng phải cười lên, rồi mọi chuyện sẽ qua. Ai hay cười là người đó sau này sẽ hạnh phúc”. Nói rồi chị bước vào quán với nụ cười thật ấm, như nắng hè vậy.
- Chị xin lỗi. Chị không còn nhớ nữa…
- Chị biết không, em vừa ăn cây kẹo ấy vừa khóc. Kẹo mặn thật. Rồi em nhìn bức ảnh của ba mẹ. Trong ký ức của em, ba mẹ lúc nào cũng cười vui vẻ. Thế rồi, em đã thôi không còn khóc nữa…
- Em biết chuyện gia đình chị chứ?
- Em có nghe bác Lan kể.
- Có lẽ lúc gặp em là lúc gia đình chị còn sống hạnh phúc ở đây. Kể từ khi chuyển lên thành phố, bi kịch mới xảy ra… mỗi người tan tác một nơi… Buồn cười Huy nhỉ? Chính chị là người khuyên em không được khóc mà hãy cười lên. Cuối cùng, chị lại không làm được. Còn em thì lại làm rất tốt lời chị nói.
- Bây giờ vẫn chưa muộn mà chị. Không phải cuối cùng, mà là sự khởi đầu.
Huy cười. Nụ cười ấy làm ấm lòng trái tim vốn khép chặt, đang từ từ hé mở của nó. Có tiếng chuông điện thoại cắt ngang bầu không khí. Là bác Lan.
- Cháu à, ba cháu lên cơn sốt rất cao, đang nằm trong bệnh viện… Cháu về nhà ngay, quán cứ để thằng Huy…
- Huy à, chị quyết định sẽ đối mặt với hiện tại. Dù trốn tránh, chối bỏ nó thế nào, cũng không làm chị vui vẻ được. Lúc nghe tin ba chị sốt cao, chị mới nhận ra, mình không thể căm giận ba mình được. Chị chỉ có một người ba.
- Chị nghĩ thế là đúng. May quá…
- Cám ơn em nhé.
Nó cười, định bước lên xe thì cánh tay Huy níu lại.
- Chị…còn về đây nữa không?
- Ba chị hết bệnh thì chị sẽ về. Chị muốn giữ gìn cái quán ấy, nó đầy những kỷ niệm của gia đình chị, cả em nữa.
- Chỉ thế thôi sao?…
Miệng Huy mấp máy như muốn nói thêm điều gì đó. Đôi mắt Huy nhìn nó sáng lên, tỏa cái nóng rực rỡ của nắng hè nồng ấm. Nó mỉm cười:
- Không chỉ có thế đâu. Huy này, đôi mắt Huy nhìn Hạ lúc này, chỉ được dùng đôi mắt ấy nhìn Hạ thôi đấy.
- Trong mắt Huy lúc nào cũng chỉ nhìn Hạ.
Giờ nó thật sự cảm nhận được hương vị của nắng hè đang chảy tràn trong tim. Mùa hè năm nó 17 tuổi, nó thoát khỏi nhịp sống thường ngày của nó. Một nhịp sống đầy những vết xước. Nó đã tìm thấy được mùa hè của riêng nó. Trong tim.
• Gửi từ Neko Chan
P/s: Mình viết để tìm lại những cảm xúc đã mất…
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Giá như...
Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.
Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985
Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.
Crush
Bất cứ khi nào mà thấy chúng tôi đi cùng nhau là y như rằng đám bạn đó hú hét dữ dội. Nhưng chúng tôi không quan tâm, vẫn làm bạn với nhau như bình thường, nói chuyện và đi học chung. Tôi vẫn thế, chôn cất cái tình yêu ấy vào trong lòng, chờ đến khi chúng tôi 18 tuổi thì chúng tôi sẽ yêu nhau.
Người thầm lặng 20/10
Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.