“Được sinh ra trên đời đã là một hạnh phúc” – Ai đó đã từng nói như vậy. Có thể sẽ có lúc ta nghĩ rằng cuộc sống thật mệt mỏi và muốn buông rơi tất cả. Nhưng bạn thân mến, hãy để cho bản thân nghỉ ngơi một chút, rồi bạn sẽ tìm ra cách để tiếp tục cuộc hành trình! Còn rất nhiều thứ tốt đẹp đang chờ ta đến, đừng để những cảm xúc tiêu cực trói ta lại, dìm ta xuống. “Hãy nghĩ cách để bay lên chứ đừng để bản thân rơi tự do” – câu chuyện được gửi đến từ một tác giả ẩn danh có lẽ sẽ là những gì bạn cần ngay lúc này
Khi bạn kết thúc, liệu bạn có nghĩ rằng, đó là bắt đầu hay kết thúc đối với người khác?
“Nếu bố chết, liệu mẹ và các con sẽ ra sao?”
Đó là điều bố nói với tôi khi biết mình còn sống sau khi rơi xuống từ tầng năm của khu tập thể. Tôi bất giác run lên. Run lên vì may mắn làm sao, bố tôi vẫn còn sống. Run lên vì ý nghĩ về tình huống ngược lại. Nó vô tình nhắc tôi nhớ lại hai năm trước. Tôi vì thất nghiệp, vì tự ti, vì xích mích, vì vô vàn những thứ mà tới giờ với tôi chỉ còn là mơ hồ, đã nghiêm túc một lần với ý nghĩa tự sát. Tôi thậm chí đã lên kế hoạch cho việc đó. Tuổi trẻ, thứ duy nhất quan tâm tới là bản thân mình. Thay vì thoát ra khỏi những cảm giác tiêu cực, tôi lại tự mình ngụp lặn trong đó. May mắn, sự kiên định của tôi với kế hoạch tự sát không đủ để biến nó thành sự thật. Kế hoạch mà trong đó, tôi chưa từng tự hỏi nếu tôi chết, bố mẹ tôi sẽ ra sao?
Tai nạn của bố tôi khiến tôi hiểu rằng sự sống của một người đôi khi không tự nó có nghĩa. Nó tồn tại trong mối ràng buộc với những sự sống khác. Mắt xích đó, chúng ta không thể vô ý cắt bỏ.
Sau này, khi tôi kể về ý định tự sát của mình cho cô bạn thân nghe bằng giọng điệu giễu cợt, tôi đã không thể quên được ánh mắt kinh hãi khi cô ấy nhìn tôi. Những lần tiếp đó, khi tôi nhắn tin kể về tâm trạng buồn bực của mình, cô ấy dù bận vẫn cố hồi đáp. Cô ấy nói không phải sợ tôi lại nghĩ dại, vì giờ tôi già rồi, hèn nhát hơn. Cô ấy chỉ muốn ít nhất trong những ký ức tuyệt vọng của tôi, có mình.
Vậy đó, nếu sự sống của bạn đến một lúc nào đó với bạn không còn ý nghĩa nữa, hãy nghĩ xem nó có ý nghĩa với người khác đến thế nào!
Hãy nghĩ cách để bay lên, đừng rơi xuống!
Tự dọa dẫm
Kể cả “cô gái chúng ta cùng theo đuổi năm ấy” cũng có khuyết điểm. Vì thế nếu muốn bản thân không làm gì đó mà thâm tâm xúi giục, hãy đập tan những ảo tưởng về việc đó. Tôi năm đó đã lên mạng và tìm đọc một bài viết miêu tả, phân tích rất chi tiết cách thức, những điểm mạnh và yếu của từng cách tự sát. Đằng sau giọng văn châm biếm, tác giả có một kiến thức đáng ngạc nhiên về lĩnh vực này.
Như một cuốn phim mà ở đó tôi là nạn nhân của chính mình. Đau đớn, tuyệt vọng, và những cảm xúc lộn xộn khác, tôi thực sự không muốn ký ức cuối cùng của tôi khi rời khỏi thế giới này chỉ có chừng ấy. Bạn nên kể cho bạn thân mình phần thực tế của câu chuyện.
Đừng hát bài “Ngày mai sẽ khác”
Ai nói rằng sau những ngày mưa sẽ là những ngày nắng. Trời có thể còn đổ mưa lớn hơn. Đừng thụ động gia hạn cho chính bản thân mình “sẽ buồn chút thôi”, “ngày mai sẽ khác”, hoặc giá như “ngủ một giấc tỉnh lại mọi chuyện sẽ đổi thay”. Bởi vì nếu sau khi ngủ dậy, bạn thấy mọi thứ vẫn khó khăn như vậy, bạn sẽ lại muốn chìm vào giấc ngủ. Bạn có thể nghỉ ngơi, buồn bã hoặc thậm chí tuyệt vọng nhưng đừng dừng lại ở đó. Sau kỳ nghỉ phép dài hạn, bạn phải quay lại và tìm ra giải pháp. Ít nhất hãy sắm một chiếc ô để chuẩn bị cho mùa mưa tiếp theo.
Tìm số phận bất hạnh hơn
Có thể bạn không biết, khi một người buồn bã, thay vì an ủi, câu chuyện bất hạnh hơn của chính bạn hoặc ai đó có thể khiến người đó chuyển biến tâm trạng tức thì. Những gì bạn thờ ơ có thể đang là thứ người khác vốn khao khát.
Nói ra, đừng giấu giếm
Có thể bạn cảm thấy buồn chán tới độ chẳng muốn giao tiếp với người khác. Cũng có thể bạn sợ sự dè bỉu, giễu cợt hoặc thương hại từ họ. Tốt nhất là hãy vượt qua những lo lắng vô căn cứ đó và chia sẻ ý nghĩ của mình với những người thân cận. Một bộ não nếu đã không thể suy nghĩ, hãy dùng đôi tai để lắng nghe. Mượn kinh nghiệm, kiến thức, mượn sự tỉnh táo của người khác để khuyên nhủ bản thân mình. Đó ắt hẳn là một cách không tồi.
Tránh những nhân tố tiêu cực
Có người bạn nói với tôi rằng hãy cứ để bản thân rơi tự do, xuống đáy rồi thì chỉ còn cách bay ngược lên. Tôi thì nghĩ khác. Đừng bao giờ chơi đùa với giới hạn của chính mình khi không đủ minh mẫn. Bạn biết trò bungee chứ? Nó khiến bạn kích động bằng sự sợ hãi trong giới hạn. Nhưng sẽ thế nào nếu sợi dây đó vốn mỏng manh như tâm trí bạn. Vì vậy, nghe, xem hoặc đọc những thứ tiêu cực, khiến cho tâm trạng của bạn thêm u uất không phải cách giải tỏa. Đó là cách bạo hành tinh thần. Tự vẽ nên một mê cung, chi bằng hãy ngồi yên lặng và suy nghĩ.
Đánh lạc hướng tâm trí
Đừng tranh cãi với kẻ ngốc. Đừng tranh cãi với người đang nóng giận. Vậy nên khi tâm trí của bạn đang rối bời, đừng cố ý nhắm vào nó. Hãy hướng nó theo những thứ mới mẻ, hay ho. Đó là khoảng thời gian chờ đợi tâm trí bạn bình tĩnh, đủ để bạn có thể lắng nghe chính mình nghiêm túc và cẩn trọng. Du lịch xa, thay đổi môi trường sống, thậm chí đóng bộ phim “mất tích”, là một trong những cách nhiều người chọn. Tôi đề xuất thêm bạn có thể trở thành một “phiên bản khác”. Thử làm những điều trước đây chưa dám. Tuổi trẻ chẳng phải có quyền điên cuồng sao?
Tìm một ý nghĩa khác cho sự tồn tại
Vốn dĩ việc này không sáo rỗng như suy nghĩ ban đầu của nhiều người. Khi bạn thấy được sự ràng buộc giữa sự sống của mình với những thứ khác, bạn sẽ không dễ dàng quyết định chấm dứt nó. Tôi rất thích viết, dù khả năng không đủ để trở thành nhà báo hay phóng viên. Tôi đã quyết định viết truyện trên mạng. Những lời bình luận đầu tiên của người đọc khiến tôi cảm thấy xúc động một cách kỳ lạ. Họ ngóng đợi, thắc mắc, tranh cãi về những gì tôi viết. Tôi chưa từng nghĩ một việc tưởng chừng đơn giản như vậy đã khiến tôi vui vẻ trong một thời gian dài.
© Tác giả ẩn danh – blogrdio.vn
Giọng đọc: Titi
Thực hiện: Tuấn Anh
Minh họa: Tuấn Anh