Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đừng đi nữa vì anh vẫn ở đây

2017-12-04 01:32

Tác giả:


blogradio.vn - Khi chúng tôi dừng chân nơi đèn đỏ, trong buổi hẹn đầu tiên, Nguyễn đã áp sát má vào má tôi. Tôi khẽ quay lại thì tay Nguyễn đã đặt lên vai tôi khẽ khàng. Tôi cảm thấy ấm áp theo cách dại khờ nhất có thể. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đặt nhẹ môi hôn lên vai Nguyễn. Tôi biết Nguyễn thích điều đó. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng dại khờ có khi cũng làm con người ta hạnh phúc.

***
blog radio, Đừng đi nữa vì anh sẽ ở đây


1. Con của thủ lĩnh

Chúng tôi cùng nhau ngồi trước màn hình máy tính và xem một bộ phim. Hai chiếc ghế kê lại rất sát. Nguyễn khẽ xích mái đầu lại gần vai tôi khi thấy người cha trong phim ôm đứa con của mình. Tôi khẽ nói: “Họ đang sợ hãi.” và đặt tay mình lên má Nguyễn, kéo kéo cô ấy lại.

Đó là một bộ phim kể về sự hình thành của đế chế Mông Cổ. Nhìn ở một góc độ khác, có thể coi bộ phim là câu chuyện kể về sự trưởng thành của cậu bé Thiết Mộc Chân.

“Người ta nuôi nó để làm gì? Tại sao người ta phải đeo gông vào cổ nó rồi nuôi nó?”

“Người ta nuôi nó để làm bù nhìn, làm thứ cây cảnh.”

Chúng tôi khẽ hỏi nhau, đó là phân cảnh mà cha của Thiết Mộc Chân bị người đứng đầu của bộ lạc thù địch đầu độc chết. Một thuộc tướng của cha cậu bé đã đứng lên cướp quyền và xây dựng câu bé làm bù nhìn

“Thằng bé này chưa chết được đâu.”

Tôi thì thầm vào tai Nguyễn, cô ấy tỏ ra không quan tâm. Hay là sự im lặng của Nguyễn cũng là một dạng của quan tâm không chừng. Thi thoảng chúng tôi nói với nhau về những chi tiết phim đang diễn ra. Tới đoạn phim miêu tả cảnh người ta chiến đấu nhiều máu me là Nguyễn lại cố tua nhanh. Tôi khẽ cài tay lên những lọn tóc hoặc khẽ kéo nhẹ mái đầu cô ấy như một cách để trấn an.

Bộ phim hơn hai tiếng mà tôi có thể ngồi trước màn hình xem hết với Nguyễn. Đó quả là một kì tích bởi vì tôi vốn dĩ không có thói quen “cày phim” như cô ấy.

Nhưng lạ lẫm hơn là cảm giác tươi vui sau đó. Chúng tôi cùng nhau chứng kiến Thiết Mộc chân bị người ta đeo gông vào cổ, chứng kiến Thiết Mộc Chân bại trận, bị bán làm nô lệ và bị giam cầm rất lâu ở một đất nước xa lạ. Rồi cuối cùng, cậu ấy trở về. Sau bão giông, đôi mắt cậu ấy như mặt hồ tĩnh lặng, để chiến đấu và chiến thắng.

“Vì đó là con của một thủ lĩnh. Thằng bé mang trong mình tư chất của một Khả Hãn.”

Tôi tự giải thích. Phút chốc, tôi bâng quơ nghĩ chuyện mình? Tại sao tôi với Nguyễn lại như thế, sau bao giận hờn vụn vặt, chúng tôi vẫn tìm thấy bình yên khi bên nhau, chẳng ai muốn bỏ đi?

2. Chín phần dại khờ

Có đến chín trong số mười người quen biết tôi và Nguyễn đều nói rằng: giữa tôi với Nguyễn là thứ tình cảm nhất thời thoáng qua. Hai con người với hai tính cách trái ngược, nói với nhau dăm ba câu đùa vui rồi tự dưng chờ đợi, nhớ nhung và lao vào nhau.

Họ chẳng tài nào hiểu nổi Nguyễn đã nghĩ những gì nghe những lời họ nói. Nguyễn nói “kệ”. Cô ấy vốn dĩ mạnh mẽ. Nhưng tôi tin Nguyễn không dại khờ.

“Lúc bắt đầu, em chẳng xác định gì hết.”

Nguyễn bảo tôi như vậy. Điều này không cần Nguyễn phải nói tôi cũng biết. Nguyễn nghĩ rằng cô ấy sẽ mượn tạm tôi từ thế giới ngoài kia. Khi chúng tôi dừng chân nơi đèn đỏ, trong buổi hẹn đầu tiên, Nguyễn đã áp sát má vào má tôi. Tôi khẽ quay lại thì tay Nguyễn đã đặt lên vai tôi khẽ khàng. Tôi cảm thấy ấm áp theo cách dại khờ nhất có thể. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đặt nhẹ môi hôn lên vai Nguyễn. Tôi biết Nguyễn thích điều đó.

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng dại khờ có khi cũng làm con người ta hạnh phúc. Nhưng mà đi theo hạnh phúc bao giờ cũng là một vài trách nhiệm tự mang. Tôi nghĩ về Nguyễn, cô ấy nói rằng sao tôi không hôn lên môi cô ấy. Nếu được hôn nhau dưới mưa thì hẳn sẽ tuyệt vời lắm.

“Em đúng là lắm trò.”

Tôi thẳng thừng nhận xét. Khi ấy, Nguyễn cười. Cái cười của kiểu đàn bà từng trải khiến tôi không thể đọc được trong đó là niềm vui hay nỗi buồn.

“Đã bao lâu rồi anh chưa thực sự yêu thương một người con gái?”, Nguyễn hỏi.

Tôi cài ngón tay lên những lọn tóc sau gáy Nguyễn và trả lời khô khốc:

“Anh cũng chẳng biết nữa.”

Tôi không biết thật. Là tôi lâu rồi không yêu hay là lâu rồi không được ai đó yêu? Tôi nhớ tới người con gái mới nhất vừa bước qua cuộc sống của mình. Cô ta chạy theo tôi mải miết. Những tháng ngày quen biết, tôi dường như đã cố gắng đem tới cho cô ta niềm vui. Chẳng phải để đổi lấy một môi hôn. Tôi cố gắng làm những điều mà tôi nghĩ rằng cô ta sẽ vì thế mà tốt lên. Rồi chúng tôi ngộ nhận về một thứ tình cảm trên mức tình bạn. Tôi nhận ra rằng, khi đi bên tôi đôi lúc cô ta buồn khô khốc. Sâu trong ánh mắt đó là hình ảnh của một người khác, là những thiệt hơn, được mất. Tôi nào có được cô ta yêu thương gì?

“Thực ra thì kiểu con gái như em mới thực sự là kiểu người đáng được thương yêu.” Tôi bảo Nguyễn.

Nguyễn thều thào trong khi nép đầu vào vai tôi:

“Em dễ tin, vì thế đừng có trêu em bằng những lời như thế.”

Chẳng hiểu sao khi ấy tôi thấy Nguyễn yếu đuối vô cùng. Nguyễn của khoảnh khắc này hoàn toàn đối lập với Nguyễn khi mới đến. Nhận ra điều ấy, tôi hỏi Nguyễn:

“Em có thương anh không.”

Cô ấy khẽ gật đầu. Những lúc thành thật nhất, Nguyễn không bao giờ nói bất cứ một lời nào. Bởi vì mọi điều Nguyễn muốn nói đều được thể hiện rõ nét qua cử chỉ.

blog radio, Đừng đi nữa vì anh sẽ ở đây

3. Hay là mình từ bỏ nhau?

Nguyễn về muộn, rất nhiều lần như thế. Cô ấy giải thích rằng trước khi có tôi thì cuộc sống của cô ấy vốn dĩ đã như thế rồi. Những lúc tâm trạng bất ổn, Nguyễn tìm đến rượu. Đó là cách của cô ấy.

Tôi thoáng nghĩ tới chuyện từ bỏ. Từ bỏ điều mà mình chưa bao giờ có, là Nguyễn. Tại sao chúng tôi phải tiếp tục như thế này?

Có lần Nguyễn hứa rằng sau khi tan ca sẽ sang phòng nấu cơm cho tôi. Nhưng rồi Nguyễn không làm. Tôi đã đợi, rất lâu sau Nguyễn mới đến và nói với tôi rằng cô ấy đã ăn cùng với một người bạn. Tôi không trách gì, cũng không tự ái.

Hôm ấy Nguyễn say. Tôi đưa Nguyễn về và tự nghĩ rằng đó sẽ là lần cuối.

“Anh không cài mũ bảo hiểm cho em à?”

Nguyễn hỏi tôi rồi tự cài. Cô ấy lẩm bẩm trong miệng: “Mọi lần anh đều làm thế.”

Trên đường đi, tôi đã nói thật suy nghĩ của mình, rằng có lẽ đây sẽ là lần cuối tôi đi cùng Nguyễn. Tôi và cô ấy sẽ trở về như lúc mà người còn lại chưa đến. Chắc khi đó Nguyễn không thể nhận ra nơi tôi có chút nghẹn ngào xộc lên sống mũi. Nguyễn đang say mà!

Có nhiều việc không phải cứ nghĩ hay trăn trở là sẽ giải quyết được. Như việc tôi lo về Nguyễn, mấy hôm vừa rồi cô ấy ốm nhiều mà cứ uống mãi. Tôi không cản được. Cô ấy nói sẽ đến rồi lại bỏ tôi một mình. Tôi không dám cầu mong một sự tôn trọng cần thiết, bởi vì tôi với Nguyễn chưa là gì cả. Tôi nghĩ rằng tôi với Nguyễn sẽ đứng lại đó để đợi nhau, bởi vì ở Nguyễn, tôi cảm nhận được tình yêu. Thế rồi tôi cảm nhận được sự khác biệt, sự day dứt nhen lên. Có lẽ sâu trong đó là cảm giác yêu thương và khao khát muốn níu giữ.

Khi bóng của Nguyễn khuất hẳn cũng là lúc chuông điện thoại của tôi reo. Đó là cuộc gọi từ người quản lý dự án về truyền thông mà tôi mới được nhận vào. Tôi vội vã chạy về nhà làm nốt những công việc còn dở, không còn nghĩ tới điều gì khác nữa.

4. Giấc mơ chẳng đuổi

Tôi nằm một mình, lúc nửa đêm.

Mở lại bộ phim về Sự hình thành của đế chế Mông Cổ, tôi cảm thấy Nguyễn như đang ở bên cạnh. Tôi tựa lên gối, cảm giác rằng đó là mái đầu của Nguyễn. Nếu Nguyễn ở ngay đây, chúng tôi sẽ nói với nhau những điều gì nhỉ?

“Anh hiểu vì sao mà Thiết Mộc Chân không chết.”

“...."

“Bởi vì cậu ta chưa bao giờ đánh mất giấc mơ.”

Tôi sẽ nói thế và Nguyễn sẽ à lên. Ngay cả khi sống trong bóng tối của sự mất tự do, Thiết Mộc Chân cũng chẳng nghĩ rằng mình sẽ ở trong ngục tù mãi. Cậu ta còn mơ và còn thứ để chờ đợi.

Tôi nhận được tin nhắn của Nguyễn, vỏn vẹn ba chữ:

“Em say rồi!”

Không nghĩ ngợi, tôi nhắn lại ngay:

“Em đang ở đâu? Về đây luôn nhé.”

Nguyễn say thật. Chưa bao giờ Nguyễn say như thế. Cô ấy hỏi rằng có phải tôi định từ bỏ tình cảm giữa tôi và cô ấy không, cô ấy gục như muốn ngã xuống khiến tôi phải cố bế cô ấy lên giường.

Câu đầu tiên mà Nguyễn nói khi tỉnh dậy là: “Em đói!”.

Tôi nấu số mì đủ cho hai đứa, bởi vì tôi biết Nguyễn sẽ không bao giờ chịu ăn một mình. Có những giọt mồ hôi li ti toát trên trán Nguyễn. Cô ấy cười, áp tay lên má tôi và ấn ấn như thể đang kiểm nghiệm một thực thể gần gũi mà lòng chưa tin là đang hiện hữu.

Chúng tôi hôn nhau. Nguyễn cắn lên vai tôi một vết rất đau. Tôi khẽ hỏi “Sao lại làm thế.” thì Nguyễn trả lời rằng đó là lời cảnh báo dành cho tôi vì dám có ý định từ bỏ cô ấy. Cô ấy nói rằng chúng tôi nên đi ngủ, bởi vì bên ngoài trời mưa rồi.

Đó là lần đầu của chúng tôi.

blog radio, Đừng đi nữa vì anh sẽ ở đây

5. Hậu hạnh phúc

Tôi đang ngồi bên hiện, tựa lưng vào chiếc ghế gỗ và đọc dở một cuốn tuyển tập truyện ngắn thì Tuyến đến.

Đó là cậu em ở cùng một khu tập thể với tôi.

“Nguyễn đâu?”

Cậu ta vừa hỏi vừa đi vào nhà lấy ấm trà.

“Hôm nay cô ấy có hẹn với mấy người bạn.”

“Anh không đi cùng à?”

“Không.”

Nhấp một ngụm trà, Tuyến đăm chiêu và bảo:

“Có điều này em không biết có nên kể cho anh không.”

Tôi nghiêng mặt nhìn thẳng về phía Tuyến tỏ ý lắng nghe. Cậu ta ngập ngừng kể. Lời kể dài dài dòng nhưng đại khái nói về chuyện của tôi và Nguyễn. Cậu ta nói rằng hôm vừa rồi mới thấy Nguyễn về khuya cùng một người đàn ông lạ trong tình sạng say khướt mướt. Cậu ta nhận ra tôi có ý định nghiêm túc với Nguyễn.

“Chẳng lẽ yêu chơi.”

Tôi bảo. Cả hai chúng tôi im lặng một lúc lâu, mỗi người lại theo đuổi một suy nghĩ khác nhau. Tôi biết Nguyễn là như vậy, một người con gái sống phóng khoáng và tin vào những mật ngữ của cảm xúc. Đàn bà như vậy dễ sai lầm. Tôi không chắc rằng Nguyễn nghĩ mình sai lầm, có thể cô ấy cho rằng chuyện tình ái đơn giản chỉ là một cuộc vui, cô ấy coi rẻ đàn ông như cách mà đàn ông coi rẻ những chuyện tình không đầu không cuối của mình. Tôi cứ lao theo mớ suy nghĩ đó, chẳng hay Tuyến đã về từ bao giờ.

Truyện ngắn tôi đọc dở hồi nãy có tên là “Hậu hạnh phúc”, truyện ngắn ấy là của một tác giả Việt, viết cách đây chừng mấy chục năm. Thời ấy, tình ái được xem như trái cấm. Câu chuyện thể hiện rõ ý thức đó, qua lời kể của người mẹ về những gì bà ta nhìn được nơi con gái mình.

Bà ta không chồng, thích đi nhảy đầm và thi thoảng qua lại với một người đàn ông để cùng nhau lao vào một cuộc tình không đầu không cuối. Con gái của bà mỗi lớn thì nỗi xót xa của bà càng nhiều. Nhạy cảm của người mẹ đủ để bà nhận ra con gái mình đang lớn, đã yêu và bắt đầu bước vào những chuyện tình. Bà xót xa khi nhận ra mái tóc con gái mình bồng lên sau buổi đi chơi vì có bàn tay thô ráp nào đó xộc vào.

Điều làm tôi ám ánh là cái kết của câu chuyện. Người mẹ chết trong lúc đứa con đang ân ái với người tình. Bà ta bị tai nạn còn đứa con gái thì nghe loáng thoáng trong tivi thông tin thời sự báo có người vừa bị xe ô tô đâm. Câu chuyện kết thúc, những cuộc hoảng hốt bắt đầu từ đấy.

Nguyễn có sai không? Việc một người con trai ngồi gần một người con gái và nhận ra tim mình rộn ràng có sai không?

Tôi chẳng biết được phía sau hạnh phúc của người ta là gì, còn với tôi bây giờ, nó là cảm giác mất mát. Bởi vì tôi biết, Nguyễn của tôi yếu đuối vô cùng. Nguyễn sợ phải gieo mình trong những câu chuyện nửa vời. Một phần nữa làm cho nỗi mất mát ấy lớn hơn, đó là vì tôi vừa nhận ra mình không có Nguyễn. Tôi chưa cho Nguyễn được gì và càng không có quyền sở hữu Nguyễn. Cô ấy đi cùng người đàn ông khác, biết đâu đó cũng là một lần say, như hôm cô ấy về với tôi?

blog radio, Đừng đi nữa vì anh sẽ ở đây

6. Em đừng đi...

Tôi với Nguyễn đưa nhau vào im lặng. Vài ba ngày trôi qua, tôi không nguôi được! Vì vết cắn của Nguyễn, vì chiếc hôn trên cổ hay vì những điều tôi còn chưa nói được với Nguyễn, tôi cũng không biết nữa.

Tôi nhắn cho Nguyễn một dòng tin ngắn gọn:

“Gặp nhau được không.”

Rất lâu sau, tôi nhận được dòng tin hồi đáp:

“Đàn ông, thằng nào cũng dối trá như nhau.”

Nguyễn bảo thế. Tôi tưởng rằng Nguyễn sẽ cắt đứt mối quan hệ với tôi sau khi kết luận như vậy, nhưng không. Cô ấy bảo tôi ra đón và nói rằng chúng tôi cần uống say để giải quyết dứt điểm câu chuyện.

Cô ấy uống say và cười lớn:

“Này anh, đàn ông đưa bạn gái lên giường được mà không có can đảm giữ con nhà người ta lại thì đúng là hèn lắm đấy!”

Tôi cười trừ và bảo Nguyễn:

“Đêm hôm kia em đi đâu.”

“Đi với trai.”

“Ừm. Anh không nên hỏi..”

“Anh ghen hả.” Nguyễn nghiêng mặt hỏi, điệu bộ trông rất lả lơi.

“Tôi đã định gọi anh đón tôi về, trong buổi tối hôm đó. Nhưng tôi nhận ra được sự lạnh nhạt từ anh.”

Tôi nhìn sâu vào mắt Nguyễn. Chúng tôi như những cơn gió ngược hướng tấp vào đời nhau, cuộn chặt không kiểm soát. Nhưng giờ phút hiện tại, tôi không hôn Nguyễn, đôi chân tôi bất giác ấn xuống mặt đất đẩy chiếc ghế ra xa khỏi bàn. Điều ấy làm cho khoảng cách giữa tôi với Nguyễn xa hơn một chút.

“Đây sẽ là lần cuối anh đưa em về. Chúng mình không nên thế này nữa, anh không muốn.”

“Không muốn vì muốn nhiều hơn phải không.” Nguyễn cười nhạt.

Tôi vừa đỡ Nguyễn vừa bảo:

“Em say rồi đấy.”

Đến cửa phòng Nguyễn, tôi nhìn thấy bên trong đèn sáng. Có một người con gái từ trong nhà bước ra.

“Anh có phải anh Đạt không?”

Tôi gật đầu.

Cô gái lạ nói tiếp:

“Vậy là hai người làm lành rồi hả.”

Tôi băn khoăn trước lời cô gái lạ nhưng rồi cũng gật đầu đại khái cho qua. Tôi nghe thấy chút ấm áp vừa chảy qua mạch máu. Hình như Nguyễn có kể với tôi về ai đó. Cô gái vừa rồi hình như là bạn cùng phòng ở ghép với Nguyễn. Tôi nhận ra trong ánh mắt cô ta nhìn tôi chất đầy sự trìu mến.

Cái trìu mến được thắp từ những điều Nguyễn nói về tôi, mới mẻ và độc nhất.

***

“Anh nhớ em.”

Tôi nhắn tin cho Nguyễn, lúc nửa đêm.

“Tưởng có người bảo hôm qua là lần cuối gặp nhau rồi cơ mà!”

“Đây là lần thứ ba anh xem lại bộ phim chúng mình cùng xem.”

Tôi kể, chẳng màng lời Nguyễn hỏi.

“Mỗi lần ta chú tâm xem một bộ phim là một lần bộ phim ấy mới mẻ, có phải không em?”

Tôi lại bắt đầu huyên thuyên. Hình như tôi chỉ huyên thuyên như thế với Nguyễn. Cô ấy bảo rằng sẽ tắt máy nhưng tôi ngăn lại:

“Từ từ nghe anh nói đã!”

Nguyễn giữ máy và im lặng, hình như để nghe tôi thật.

“Anh đã biết vì sao Thiết Mộc Chân không chết hoặc mòn đi trong những điều hẹn mọn. Cậu ta có đôi mặt của thủ lĩnh. Phần lớn những điều thiêng liêng trong đời đều phải trải qua sóng gió để được khẳng định. Cái gì còn sống sau bão táp thì cái đó là điều thiêng liêng.”

“Anh kể lung tung gì vậy?”

“Anh kể về bộ phim chúng mình cùng xem.”

“Rồi sao?”

“Những ngày chúng mình cùng trải qua cũng như thế.”

“Nghĩa là thế nào?”

“Là anh yêu em, đừng đi nữa. Vì anh sẽ ở đây.”

© Nguyên Bảo – blogradio.vn

Bài dự thi cuộc thi viết CHỈ MUỐN YÊU NHAU BÌNH YÊN THÔI. Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn đọc, để lại bình luận, nhất nút "Bình chọn" ở chân bài viết và chia sẻ lên các mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi viết mời bạn xem tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn

Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn

Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.

Theo bạn, như thế nào là ổn định?

Theo bạn, như thế nào là ổn định?

Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.

Mùa đông – 2017

Mùa đông – 2017

Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.

4 con giáp là 'thần giữ của'

4 con giáp là 'thần giữ của'

Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.

Đi qua sự phản bội

Đi qua sự phản bội

Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.

Tại sao không?

Tại sao không?

Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.

Lặng im nỗi nhớ

Lặng im nỗi nhớ

Sáng nay chợt nhớ Người của năm nào Một thời mộng mơ Một thời áo trắng

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

back to top