Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đêm

2021-12-23 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Nhân không cố làm cho mọi thứ thành ra như thế này. Khi Nhân nói Nhân mệt mỏi, thì sự mệt mỏi của Nhân đã lên đến mức báo động, đã vượt quá khả năng chịu đựng của Nhân. Nhân đã cố, nhưng tại sao Nhân chỉ thấy có duy nhất một mình mình cố gắng?

***

Nhân đã đạp xe về tới trước nhà. Đã hơn 10 giờ tối. Lần cuối cùng Nhân nhìn đồng hồ trên tay mình là lúc đứng trước cổng trường đại học. Miên đang đứng cách Nhân vài bước, không thể dứt ra khỏi cuộc trò chuyện với anh chàng làm trưởng phòng bên Đài phát thanh. Nhân không muốn khiến cho người bạn đã từng miệt mài chở mình đi học tại chức mỗi tối bằng xe máy phải chấm dứt cuộc nói chuyện này vì mình. Miên sẽ không phiền đâu, nếu như Nhân sẽ lại gần và nói: “Về chưa mày?” với bạn. Nhưng Nhân không muốn mình trở thành một gánh nặng cho cô bạn. Lỡ như Miên thích người đàn ông này thì sao? Lỡ như những người khác thấy vậy rồi nghĩ rằng Nhân suốt ngày chỉ biết đi nhờ vả Miên thì sao? Hay chính Miên, có lúc nào đó sẽ nghĩ rằng Nhân chỉ biết lo cho bản thân mà không hề nghĩ đến bạn, và Nhân đang cư xử rất thiếu tế nhị?

Nhưng con trai của Nhân đang ngồi trên bàn lúc này ở nhà, vật lộn với đám bài vở của nó. Còn mẹ của Nhân, chắc chắn sẽ nhìn lên cái đồng hồ treo tường cứ mỗi mười phút một lần rồi lại ra trước cửa để chờ đợi được nghe thấy tiếng thắng xe quen thuộc của cô con gái. Hình ảnh của hai bà cháu đang trông ngóng từng phút một sự có mặt của Nhân trong nhà lúc này khiến tim Nhân bất giác đập mạnh. Bụng Nhân sôi cuộn lên. Nóng rẫy. Như thể có ai đó đang tiêm vào người Nhân một lượng lớn nước đang sôi vậy.

Nhân khẽ khàng bóp thắng cái xe đạp, tạo thành tiếng “kít” vừa đủ tầm nghe của Miên. Hai người bọn họ đang làm cái quái gì vậy chứ? Nếu cu cậu thích Miên đến vậy, sao không mời Miên đi ăn khuya luôn cho rồi? Nhân cảm thấy những chuyện tán tỉnh yêu đương kiểu này có chút gì đó thảm hại. Giống như ai đó đang cố cứu vãn lại những gì đã đánh mất trong quá khứ bằng cách bắt chước lại những ký ức còn sót lại. Miên có quyền làm vậy chứ! Nhưng vấn đề là anh chàng kia, người cứ cố khiến cho những người xung quanh nghĩ rằng họ vẫn còn trẻ trung lắm, và họ có quyền. Điều đó thật lố bịch làm sao! Nhân không muốn người bạn của mình sẽ qua đêm với anh chàng này để rồi ngày hôm sau ngồi kể lể với mình trong những tiết trống trên trường mọi chi tiết của đêm đó. Dĩ nhiên, không phải là những chi tiết về giường chiếu. Miên và Nhân không phải là những bà cô quá mạnh mẽ đến mức có thể trở thành những gã đàn ông chỉ biết tự mãn với nhau về sex. Miên sẽ lại sa đà vào những suy nghĩ lãng mạn của mình tới nỗi tự làm tổn thương chính mình mất. Nhân đã luôn luôn đồng hành với Miên mỗi khi cô nàng vừa trải qua một sự hụt hẫng trong tình yêu, như thể đó là cái giá phải trả cho những gì Miên đã giúp Nhân. Nhưng ai lại đi kể lại điều đó với người khác chứ? Ai lại đi tính toán trong một tình bạn đã từng giúp ta vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời? Nhân bắt đầu cảm thấy bụng mình đang réo lên. Từ chiều đến giờ, chở con đi học về là Nhân vội vàng đạp xe đi học, chẳng kịp ăn thứ gì. Mẹ của Nhân cố gắng múc vội chén cơm, chan vào chút nước canh để Nhân ăn cho nhanh, nhưng Nhân còn phải chăm cho thằng con ăn cho xong bữa tối để còn làm bài tập.

Con trai của Nhân là một đứa trẻ thật kỳ lạ. Đúng là Nhân đã sinh ra nó, nhưng vài năm trở lại đây, Nhân không thể ngăn mình không ngạc nhiên trước những biểu hiện của thằng nhỏ. Như kiểu: “Đây là con của mình sao?”. Nó bị kích thích bởi mọi thứ liên quan đến những gì thần bí như tôn giáo, từ những câu chuyện cổ tích, thần thoại – thứ bọn trẻ con đứa nào cũng thích, tới những thứ như Phật, Bồ Tát, Chúa, Tiên, Thánh,... thứ khiến cho con của Nhân trở nên khó hiểu với cả mẹ của nó. Nhân thường trách mình vì đã không cẩn thận hơn với nó lúc còn nhỏ, cho nó tiếp xúc với quá nhiều thứ không thực tế. Nhưng biết làm sao được? Nếu nói đó là một việc sai trái, thì quả thật không đúng, nhưng ta cũng không thể coi việc một đứa trẻ mới học tiểu học đã biết niệm Phật, đọc kinh, hay vẽ hình Phật trong vở mọi lúc mọi nơi là bình thường được. Từ hồi Nhân phải đi học đại học tại chức vào mỗi tối các ngày trong tuần, hai mẹ con luôn có cảm giác mình bị chia cắt. Cái ngày Nhân đạp xe chở nó đằng sau, vừa lựa lời thật thận trọng để giải thích cho nó hiểu, vừa hồi hộp thăm dò phản ứng của nó khi nghe tin mẹ phải bận rộn vào mọi buổi tối nên không có thời gian chỉ nó bài vở, nó tiếp nhận khá bình tĩnh.

- Mẹ hứa, mỗi khi con làm xong bài tập thì mẹ sẽ về với con. Được không?

- Con phải tự giác làm bài, đừng để mẹ phải nhắc hoài nhắc hủy, rồi hai mẹ con mình phải thức tới khuya làm bài thì không được đâu.

- Tới cuối năm, con mà được xếp loại Giỏi thì mẹ sẽ dẫn con đi mua truyện. Có hình Phật nữa.

Mấy ngày đầu tiên, thằng nhỏ cũng ngoan ngoãn nghe lời. Nhân vừa đạp xe về tới nhà thì đã thấy nó ra đợi mình trước cửa với bà ngoại, đòi Nhân đi mua đồ ăn khuya cho hai bà cháu. Nhân đoán đó là mấy ngày thằng nhỏ có ít bài tập về nhà phải làm. Bởi chỉ đến buổi tối ngày đầu tiên tuần thứ hai Nhân đi học, mọi chuyện trở nên tồi tệ, như thể việc Nhân đi học đại học tại chức là một bi kịch đau đớn cho cả hai mẹ con vậy. Nhân chưa kịp đẩy xe vào nhà, đã nghe thấy tiếng con khóc. Bà ngoại nó dỗ mãi mà nó cứ vò đầu bứt tai bên đống sách vở trên bàn. Nghe thấy tiếng xe của con gái, mẹ Nhân thở phào nhẹ nhõm như cuối cùng vị cứu tinh cũng xuất hiện:

- Nhân ơi, mày coi sao chứ con mày nó làm bài không được khóc nãy giờ nè!

Lần đầu tiên thấy con mình khóc lóc tức tưởi vì bài vở, tim Nhân như chùng xuống. Nhân đã có thể ở cạnh con mình hai tiếng trước đó, cùng nó làm bài, rồi cho nó coi phim, bắt nó soạn sách vở đi học, rồi hai mẹ con sẽ pha mì gói ăn đêm, đi ngủ. Nhưng thay vào đó, Nhân phải cố vượt qua cơn buồn ngủ dữ dội khi ngồi trên giảng đường rộng thênh thang, lắng nghe tiếng giảng bài của thầy giáo, cố ghi chép vào vở chút gì đó để đến cuối kỳ còn có cái để mà thi cử. Rồi khi kết thúc giờ học, Nhân phải chờ Miên cho quá giang trên xe máy để về nhà. Miên thì bao giờ cũng bận rộn sau khi giờ học kết thúc, với những lời mời đi ăn khuya từ những gã đàn ông cùng lớp, rồi tám chuyện trên trời dưới đất với những người bạn khác.

Nhân không biết tại sao mình phải khổ sở như vậy. Vì cái gì chứ? Chỉ còn ít năm nữa Nhân sẽ về hưu. Cái bằng đại học tại chức chỉ đơn giản là tấm vé để Nhân có được những ngày tháng yên lành trong ngôi trường cấp hai Nhân đã gắn bó suốt hai mươi mấy năm trời, kể từ sau khi tốt nghiệp Cao đẳng. Hai người đồng nghiệp cùng vào trường một năm với Nhân đã chấp nhận viết đơn xin nghỉ hưu sớm, chỉ để tránh con mắt khinh bỉ từ Hiệu trưởng và những hậu bối mới được nhận vào dạy tại trường, những người đã tốt nghiệp Đại học, rồi học cả Cao học để lấy bằng Thạc sỹ, được thi Giáo viên dạy giỏi mỗi năm. Nhân từng viết đơn cùng với họ, nhưng đến cái hẹn đi nộp đơn cùng với nhau, Nhân đành xếp lá đơn làm hai kẹp vào quyển giáo án soạn dở của mình.

Đó là vào buổi sáng Chủ nhật, khi thằng con của Nhân chạy vội vào nhà khóc tức tưởi vì cả một buổi đi chơi với ba nó mà ba nó không thèm để ý đến quyển truyện nó muốn mua. Nó kể nó đã năn nỉ ba mua cho nó quyển truyện, thậm chí còn hứa là sẽ cố học chăm chỉ, làm bài xong mới coi, vậy mà ba chỉ mãi nói chuyện với chú, rồi chở nó về nhà mà không thèm nghe bất cứ lời cầu xin nào. Nhân không thể nói với nó rằng con đừng hỗn với ba khi nó gọi ba nó bằng tiếng “ổng”. Lòng Nhân đã nghẹn ứ lên cổ họng. Nhân cố ngăn một giọt nước mắt chực trào ra. Trưa đó, Nhân chở con đi nhà sách, hai mẹ con dạo một vòng nhà sách gần nửa tiếng, rồi mua cho con cả xấp truyện tranh. Thằng nhỏ ôm khư khư chồng truyện, mũi vẫn còn khụt khịt sau cơn nức nở, nhưng miệng thì cười toe toét đến tận mang tai. Nhân cảm thấy cái ôm của con sau lưng mình chặt hơn. Nó áp má vào lưng Nhân, hít hà mùi hương trên áo của mẹ, khẽ thì thầm: “Mẹ thương con nhiều hơn.”

Thằng nhỏ bắt đầu than thở về số lượng bài tập về nhà. Bà cô chủ nhiệm của nó sao mà ác quá, cứ bắt tụi nó phải soạn bài trước ở nhà. Nó hỏi mẹ, “Mẹ ơi, mẹ có bắt học sinh soạn bài trước không?”. Nhân ôm con vào lòng, “Có chứ! Phải soạn bài thì mới nắm bài trên lớp dễ hơn, chứ nếu con không chịu coi trước bài, lên lớp nghe cô giảng sẽ không hiểu đâu!” Thằng nhỏ cãi: “Nhưng mà nếu con không soạn bài thì lên lớp con nghe cô giảng con vẫn hiểu được!”. Nó chỉ vào sách, nhìn lên Nhân như khẩn cầu một sự đồng thuận từ mẹ mình: “Mẹ coi nè! Cô còn bắt phải soạn bài Đạo đức, bài Tự nhiên Xã hội nữa! Mấy cái đó dài lắm, mà con đâu biết trả lời câu hỏi đâu! Phải nghe cô chỉ thì mới biết làm chứ bộ!”. Nhân thở dài: “Nếu mẹ dạy thì mẹ chỉ bắt soạn mấy bài chính thôi, với lại học sinh của mẹ lớn hơn, nên mới phải soạn, chứ tụi con còn quá nhỏ, mà bắt làm như vậy thì quá đáng rồi!”. Thằng nhỏ rú lên: “Quá đáng lắm luôn!”, rồi vò đầu bứt tai nhìn chằm chặp vào trang sách để mở với hàng loạt câu hỏi được in đậm trên đó.

Dạo gần đây, nó phải chờ mẹ về rồi cùng mẹ làm bài tập. Bà ngoại càng sốt ruột hơn nữa. Mà không sốt ruột sao được? Đến như chính Nhân, khi đạp xe về nhà còn phải ngồi với con gần một tiếng đồng hồ nữa, còn phát bực lên. Có hôm Nhân không thể nhịn nổi, gắt gỏng với chính mẹ mình:

- Mẹ thôi đừng đứng trước cửa để chờ con đi nữa được không vậy? Con còn có những mối quan hệ này nọ, phải đi đến khuya mới về được.

Trong thâm tâm, Nhân cảm thấy thật có lỗi khi phải thốt ra những lời đó. Nhưng nếu như không được nói ra chúng, Nhân nghĩ mình sẽ chết vì tức mất. Nhân chỉ muốn được trút ra những bực tức đó cho sạch lòng, để một lần thôi, được cảm thấy mình cũng có cái quyền to tiếng, quyền được giận dữ, bực dọc, được đóng vai ác. Nhìn thấy con trai đang ngủ gật bên quyển vở, Nhân chuẩn bị “xả”. Tim Nhân như đánh trống trong lồng ngực. Nhân thấy mặt mình nóng ran lên.

- Mẹ ơi, chỉ con câu này với. Cô bắt con phải cho ví dụ không có trong sách.

- Mẹ nói với con lần này là lần thứ mấy rồi hả? - Nhân cao giọng, cảm thấy như giọng mình đang vang vọng khắp con hẻm nhỏ tối tăm im ắng. - Sao con không lo làm bài trước đi, mà cứ đợi mẹ về rồi mới làm? Con có biết mẹ mệt mỏi lắm rồi không?

Nhân nghe giọng mình vỡ vụn ra với hai từ “mệt mỏi”.

Thằng nhỏ xịu mặt xuống, trề môi ra. Nhân nhận ra đây không phải là lần đầu tiên Nhân phàn nàn với con về bài vở của nó. Trung thu vừa qua, Nhân đã dẫn nó đi hội chợ mua bánh kẹo đầy nhóc một bịch, dặn nó để dành để tối làm bài tập có đắng miệng thì lấy ra ăn. Thằng nhỏ còn treo tòn ten hai bì kẹo trên cái đinh móc trên tường. Nhân không cố làm cho mọi thứ thành ra như thế này. Khi Nhân nói Nhân mệt mỏi, thì sự mệt mỏi của Nhân đã lên đến mức báo động, đã vượt quá khả năng chịu đựng của Nhân. Nhân đã cố, nhưng tại sao Nhân chỉ thấy có duy nhất một mình mình cố gắng? Tại sao mẹ của Nhân không cố? Tại sao con của Nhân không cố? Tại sao ba của nó không cố? Tên khốn nạn ấy khiến Nhân cảm thấy mình thật quá thảm hại mỗi khi phải đối mặt với gã.

Khi thấy kim ngắn của đồng hồ trên tường chuyển sang số 11, Nhân bắt đầu thấy xót cho thằng nhỏ đang cặm cùi nắn nót từng chữ một trên vở. Nó bắt đầu lim dim. Nhân cố lấy tấm khăn mặt ướt lau trán nó, rồi lau mắt nó đang chực nhắm híp lại, hy vọng con mình sẽ chép hết trang giấy này. Nhân dự định nếu như nó không chép xong, Nhân sẽ chép thay nó. Nhân không thích điều này, vì có một học sinh trong lớp của Nhân từng nhờ mẹ mình làm bài tập giùm mình. Khi Nhân nhớ lại mình đã cao giọng trước mặt em học sinh đó, Nhân không khỏi cảm thấy toàn thân mình trống rỗng, như thể không chịu hợp tác với dự định trong đầu để hành động. Thằng nhỏ đã ngủ gục trên bàn. Nhân đành chịu thua, dìu nó vào giường. Mẹ của Nhân bưng lên tô mì nghi ngút khói trên cái dĩa. Nhân nhìn gương mặt mẹ mình bình thản, cam chịu, không giận dữ sau những gì Nhân đã nói, tự nhiên cảm thấy thương mẹ vô hạn. Phải, hai bà cháu chính là những gì gắn kết Nhân với cuộc đời này. Họ là lý do Nhân phải sống. Bởi sẽ ra sao, Nhân không thể tưởng tượng nổi, nếu như họ không còn Nhân nữa?

Miên đã đi cùng người đành ông làm trưởng phòng đi ăn khuya. Trước khi đi, Miên còn đưa cho Nhân xấp bài kiểm tra chấm dở trên trường nhờ Nhân chấm hộ mình. Nhân khẽ buông một tiếng thở dài, trước khi bước qua cánh cửa bằng nhôm được sơn xanh của nhà mình. Khi lướt ngang qua người mẹ đang đợi Nhân dắt xe vào nhà để khóa cửa, Nhân khẽ đặt tay lên vai mẹ mình. Vai mẹ gầy quá! Thằng con Nhân đang xếp sách vở vào cặp chuẩn bị cho buổi học hôm sau. “Hôm nay cô cho con ít bài,” nó cười rạng rỡ nhảy tung tẩy mừng mẹ về. “Mẹ có mua gì cho con ăn không?” Nhân cầm bì ni lông đựng hai bì bún trong giỏ xe ra, thơm phưng phức mùi hành phi. Mẹ của Nhân khép cửa bước vào. Đêm.

© Toàn Nguyễn - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Blog Radio 453: Cuộc đời này mẹ dành hết cho con

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top