CXAN 208: Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
2014-06-13 21:00
Tác giả: Nguyễn Hằng Nga Giọng đọc: Hằng Nga
1. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Đàn ông thường ít khi bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Phụ nữ khi buồn có thể dễ dàng òa khóc nhưng đàn ông lại chỉ biết giấu nước mắt vào trong. Đàn ông cũng không dễ dàng bộc lộ tình yêu thương của mình. Mỗi khi xa nhà con chỉ nhớ mẹ, có lẽ vì trong thâm tâm con, mẹ là người mang nặng đẻ đau, mẹ luôn ân cần chăm sóc con, mẹ không ngần ngại nói rằng mẹ yêu con và mẹ sẽ khóc vì nhớ con mỗi khi con xa mẹ. Có lần con đã nói với mẹ rằng con yêu cả bố và mẹ nhưng mỗi khi đi xa con lại chỉ nhớ có mỗi mẹ thôi. Mẹ trách con: “Bố ở nhà lo lắng cho từng li từng tí mà đi xa lại không nhớ bố”. Tình yêu con dành cho bố giống như những cơn mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày từng chút, từng chút một con lại thấy yêu bố và nhớ bố nhiều hơn. Đó là khi con đã khôn lớn và nhận thức được nhiều điều, cũng là lúc con không còn cơ hội về thăm bố mẹ thường xuyên nữa.
Nếu như mẹ có thể dễ dàng ôm chúng con vào lòng, hôn lên đôi má bầu bĩnh và nói: “Mẹ yêu các con nhiều” thì bố lại không làm vậy. Con nhớ hồi nhỏ có lần em kể đêm ngủ bố cứ hôn trộn em, râu của bố cắm vào khuôn mặt búng sữa của nó làm nó tỉnh giấc. Lúc ấy mẹ cười bảo: “Bố yêu con nên mới hôn con đấy”. Gia đình cũng có những khi cơm không lành, canh chẳng ngọt, những khi bố mẹ xảy ra “chiến tranh” cả hai chị em đều về phe mẹ, để bố ngồi lặng lẽ một mình. Con thấy mắt bố hơi ươn ướt, khi đó con mới hiểu không phải lúc nào bố cũng tỏ ra cứng rắn như con vẫn nghĩ, cũng có những khi bố thấy chạnh lòng.
Con đi học xa từ bé, nỗi nhớ gia đình luôn ngự trị trong con. Hình ảnh của mẹ như một dòng suối mát lành chảy suốt các trang viết của con nhưng con chưa một bài viết nào dành riêng cho bố. Sắp đến Ngày của cha, những cảm xúc và kỉ niệm về bố cứ ngập dần đầy trong tâm trí con. Thỉnh thoảng con đi ăn sáng gặp một người cha hay đưa con gái đi ăn, nhìn cái cách ông bố trẻ chăm sóc cho con gái mình con lại nhớ đến hình ảnh hai bố con mình của những tháng năm về trước. Thuở con còn bé nhỏ ở trên lưng bố rắn rỏi, vững chãi. Tưởng như chớp mắt một cái thôi, con đã lớn ngần này rồi.
Mỗi khi nghe ca khúc “Papa” con lại thấy ngậm ngùi.
“Oh papa, tháng năm qua nay cha đã già,
Mong manh nghiêng nghiêng một bóng cả,
Con chẳng làm được gì cho cha”.
Mỗi lần về thăm nhà, lại thấy tóc bố bạc thêm một ít mà “con chẳng làm được gì cho cha”.
Con nhớ hồi còn bé, con có thể ngồi hàng giờ nghe bố nói, bố giống như một chân trời kiến thức vậy. Sau này khi con đi học, bầu trời kiến thức của con ngày càng rộng mở hơn. Học được dăm ba chữ đã nghĩ là mình tài giỏi, về tranh luận với bố và trách bố sao mà lạc hậu. Bố không giận, không quát mắng con mà chỉ lặng lẽ nói: “Con hơn cha là nhà có phúc. Đời bố đã thiệt thòi về con đường học vấn, giờ bố chỉ mong có thể hi sinh đời bố để củng cố đời con”. Lúc đó con đã buồn và rất hối hận, cảm thấy mình như một con ngựa non háu đá.
Người ta thường nói con gái thường thân thiết với bố hơn còn con trai lại hợp với mẹ. Ở con cũng có nhiều điểm tương đồng với bố hơn, về sở thích, về tính cách. Con biết tình yêu bố mẹ dành cho hai chị em con là như nhau nhưng vì con là con gái, bố thường bênh vực con nhiều hơn. Từ bé đến giờ bố chưa một lần đánh con, bố nói rằng không bao giờ đánh phụ nữ, mà con gái chân yếu tay mềm, lớn lên theo chồng chẳng được ở cùng bố mẹ nhiều. Thương con, bố chỉ dạy bảo mỗi khi con sai mà không cần dùng đến roi vọt. Con nhớ hồi nhỏ mỗi lần con hư, bị mẹ đánh đòn, bố luôn là người bênh vực cho con.
Trong mắt của con, bố như một cái cây vững chắc và rợp bóng mát, luôn che chở cho mẹ con con. “Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Là người trụ cột trong gia đình, bố có nhiều thứ phải lo toan. Có những hôm đi làm về mệt, mẹ ăn cơm rồi đi ngủ sớm, nhưng con vẫn thấy bố thức rất khuya, ngồi trầm ngâm bên ấm trà đặc. Con không biết trà làm bố không ngủ được hay những lo toan khiến bố không ngủ được. Con vô tư đến mức vô tâm. Con đã không biết bố đã vất vả, nhọc nhằn như thế nào. Những gánh nặng trên đôi vai gầy của bố chưa bao giờ con biết. “Mang cả tấm thân gầy cha che chở cho con” – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhớ năm ấy vào một đêm mưa bão, cây cối, nhà cửa bị quật ngã đổ rạp, bố đã dùng cả tấm thân của mình để cho chắn cho mẹ và em khỏi cái cột, cái kèo rơi xuống.
Con đi học xa, bố dặn con nếu có ai bắt nạt thì cứ gọi điện về cho bố. Dù là Hà Nội hay bất cứ đâu bố cũng sẽ đến để bảo vệ cho con. Hồi nhỏ khi con mới tập đi, ngã thì có bố nâng, mỏi chân sẽ có bố cõng. Mỗi khi trời mưa con lại nhớ đến bài hát: “Em ơi em, dừng lại nào. Này đằng kia có mưa! Trông kia xem đường ngập bùn, trượt chân em biết kêu ai? Ngã khóc em gọi: “Bố ơi!”. Giờ đây con chẳng thế nào gọi bố nâng con đứng dậy mỗi khi vấp ngã. Con lớn rồi con phải tự bước đi. Ngã thì đứng dậy và đi tiếp. Không có bố ở bên cạnh nâng đỡ nhưng bố mãi mãi là người bảo vệ, chở che cho tâm hồn dễ thương tổn của con. Mỗi khi mệt mỏi, tâm không an, chỉ cần gọi điện về cho bố, khi giọng nói ấm áp của bố vang lên con lại thấy lòng bình yên trở lại. Không có bố bên cạnh, con vẫn một mình đi về phía mưa.
Con là một đứa con gái vụng về đủ thứ. Hồi mới lớn mẹ bắt con tập nấu ăn nhưng con không thể nấu nổi một bữa cơm ngon. Mẹ thường mắng con vụng về quá sau này không lấy được chồng hoặc người ta đón về cửa trước sẽ rước ra cửa sau. Mẹ so sánh con với “con người ta”. Lòng tự ái trẻ con dâng lên, con đã giận dỗi mẹ. Lúc đó bố chỉ nhẹ nhàng nói: “Học nấu ăn không phải để phục vụ ai mà phục vụ bản thân mình trước tiên con à”. Sau này khi đi học xa con mới thấu hiểu những gì bố mẹ đã dạy con. Giờ đây con đã biết cách tự chăm sóc cho bản thân mình. Con chỉ buồn là chưa nấu được cho bố mẹ một bữa cơm ngon. Con hiểu chỉ có bố mẹ mới chấp nhận ăn cơm bữa sống, bữa khê, bát canh khi mặn, khi nhạt, luôn động viên con để con có thể nấu được một bữa ăn tử tế.
Con đi học đại học ở một thành phố xa xôi, lần đầu tiên bố nói rằng bố rất nhớ con, bố đã thôi không còn giấu cảm xúc ở trong lòng nữa. Con nhớ mỗi lần tiễn con đi ở bến tàu, bến xe, bố sẽ lặng lẽ đứng nhìn cho đến khi chuyến xe đi khuất. Qua cặp kính, con vẫn cảm thấy mắt bố hình như ươn ướt. Mặc dù ở nhà bố đã dặn con cặn kẽ đủ điều mà tàu vừa lăn bánh được một lúc bố đã gọi điện cho con. Bố nói bố đang ngồi nghỉ chân ở đỉnh dốc, con mới đi thôi mà bố đã thấy nhớ quá. Nhắm mắt lại, con tưởng tượng ra hình ảnh bố nhỏ bé nhưng mạnh mẽ và rắn rỏi trên một đỉnh đồi đầy gió.
Bố ơi, con bây giờ đã lớn, con sẽ phải tự bước đi tới những bến bờ xa xôi của định mệnh. Nhưng bố vẫn luôn là bóng mát chở che cho tâm hồn con. Ngày sinh nhật con, bố nhớ đến từng giây từng khắc. Vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, sinh nhật bố chưa một lần con nhớ. Bố ở quê làm việc quanh năm suốt tháng, không bao giờ biết đến ngày chủ nhật, càng không để ý đến ngày sinh nhật của mình. Vậy mà năm nào cũng thế, cứ đến sinh nhật con là bố lại nhắn tin hoặc gọi điện chúc cho con những điều tốt đẹp. Có lẽ bố cũng chưa từng nghe nói đến Ngày của cha nhưng con vẫn muốn nhân dịp này để gửi đến bố những lời cảm ơn. Cảm ơn bố vì đã sinh ra con. Cảm ơn bố đã luôn bảo vệ và yêu thương con suốt cuộc đời này. Giờ đây con ở xa, con chẳng mong gì hơn là bố mẹ luôn khỏe mạnh, hạnh phúc để con có thể yên tâm. Bàn chân con dẫu có đi xa đến đâu, con vẫn biết có một nơi thương nhớ để quay về.
• Nguyễn Hằng Nga
2. Bố luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất
Bố luôn dõi theo từng bước đi của tôi, lo lắng khi tôi vấp ngã rồi hạnh phúc khi thấy tôi biết đứng dậy và tự bước đi...
Bố dạy tôi biết cố gắng…Bố tôi làm nghề mộc, nghề đòi hỏi chính xác và cẩn thận đến cao độ. Vì ở nông thôn nên thi thoảng có những đơn đặt hàng của khách hàng mà bố tôi chưa được nhìn thấy bao giờ. Tôi thường thấy bố ngồi cặm cụi nghiên cứu rồi cuối cùng tôi lại nhìn thấy nụ cười hài lòng của khách hàng khi đến nhận hàng do bố tôi làm ra. Và bố tôi đã làm được nhờ vào sự cố gắng của mình. Từ đó tôi hiểu muốn đạt được mục đích thì phải luôn luôn cố gắng.
Tôi học được tính chịu đựng và sự hi sinh từ những việc bố làm.Chiếc áo của bố đẫm mồ hôi vào những ngày nóng bức, những cơn đau lưng hành hạ bố hôm trái gió trở trời, những giọt máu lăn trên nền sân khi chẳng may tay bố bị chiếc máy cưa cứa vào…Vậy mà bố tôi chẳng bao giờ kêu than, câu bố hay nói với tôi đó là: “Con cứ cố gắng học đi, vất vả thế nào bố mẹ cũng cố gắng nuôi con ăn học”. Tuổi thơ của bố không có điều kiện để đi học như bây giờ vậy nên bố gieo niềm tin vào anh em tôi. Mỗi khi nghe bố nói câu này và nghĩ đến hình ảnh ngón tay của bố đang rỉ những giọt máu đau buốt kia là nước mắt tôi lại rơi và nghĩ mình càng phải cố gắng hơn.
Tôi cảm nhận được tình yêu thương và tính trách nhiệm từ bố. Bố không hay đi ăn ở những quán ven đường như một số người đàn ông khác, cách bố hay làm đó là mua về để cả nhà cùng ăn. Tôi thấy nụ cười của bố khi nhìn anh em chúng tôi tranh nhau ăn những thứ bố mua và ánh mắt hạnh phúc của mẹ khi nhìn bố. Tôi cảm nhận được không khí ấm áp, cảm nhận được tình cảm của gia đình trong mỗi bữa cơm.
Có những nỗi đau mà con người ta chẳng thể nào quên…Ngày ấy, khi tôi biết tin mình trượt cấp ba là lúc tôi muốn buông xuôi hết tất cả. Sẽ thế nào khi bạn luôn là một lớp trưởng, luôn đứng trong top đầu của lớp, cô giáo và bố mẹ đều tin rằng bạn sẽ đỗ rồi cuối cùng bạn lại trượt. Tôi đã từng muốn bỏ mặc tất cả, tôi đã từng muốn giấu mình vào một góc tối rồi hành hạ bản thân. Nhưng bố đã không để tôi làm như vậy, bố đã luôn bên cạnh tôi, an ủi tôi, dù sao đi nữa tôi cũng phải cố gắng và bố nói là bố tin tôi. Tôi thấy được một tình yêu thương vô bờ bến đằng sau đôi mắt bố, tôi biết mình cần đứng dậy và đi tiếp sau cái ôm của bố. Bố đã yêu thương tôi như vậy…
Vậy mà, đã có những lúc vì bảo vệ ý kiến riêng của mình mà tôi cãi lại bố, đã có những lúc tôi “bận” với máy tính, với điện thoại mà quên mất rằng bố cũng đang mong những cuộc gọi quan tâm từ con gái mình. Đã có những lúc tôi phớt lờ lời quan tâm, hỏi han của bố mà không nghĩ rằng ngoài kia có biết bao người mong muốn được bố mắng, bố dặn dò như tôi…
Bố rất ít khi mắng tôi, đánh tôi lại càng không. Bố không ra lệnh hay gò ép tôi phải thực hiện như thế này hay thế kia, ngày tôi cầm hồ sơ thi đại học về bố tôi đã nói rằng: “Con hãy chọn theo ý thích của con”. Rồi tôi thấy bố vui mừng khi nhìn vào tờ giấy báo tôi đỗ đại học dù đó chỉ là một ngôi trường đại học bình thường…Tôi biết cố gắng, tôi được mọi người yêu thương, tôi trưởng thành và biết suy nghĩ như ngày hôm nay một phần từ những bài học mà tôi học được từ bố của mình. Hành động quan trọng hơn lời nói rất nhiều, bố là người ít nói nhưng những việc làm của bố giúp tôi hiểu ra được nhiều thứ trong cuộc sống này, giúp tôi trân trọng hiện tại nhiều hơn!... “Cám ơn cuộc sống đã cho con được làm con của bố…Bố không phải là hoàn hảo nhưng lại yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất!”.
• Lê Trang
- Bài hát sử dụng trong CXAN 208: Papa (Hồng Nhung)
- Cảm xúc âm nhạc được thực hiện bởi Hằng Nga và Dalink Studio Group
- Chương trình được phát trực tuyến vào thứ 7 hàng tuần trên Cảm Xúc Âm Nhạc và www.youtube.com/yeublogradio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.