Bánh chưng – Kí ức tuổi thơ cùng Ngoại
2024-01-11 05:25
Tác giả: Kelly Bùi
blogradio.vn - Vì cái vị nồng nồng của hạt tiêu nên tôi chẳng bao giờ ăn được nhân bánh, thế là được Ngoại gói cho ngay một chiếc bánh đặc biệt có tên “bánh không tiêu”.
***
Mỗi lần nhắc về Ngoại, là bất chợt bao kỉ niệm cứ thế ùa về. Lúc tôi sinh ra, biến cố gia đình ập đến, tôi cũng chẳng biết do mệnh mình khổ hay do ông trời thích trêu ngươi, sinh được vài ngày, mẹ vì miếng cơm, cắt lòng, bỏ tôi ở lại với Ngoại. Nghe Ngoại kể khi ấy tôi bé xíu, đỏ hỏn như con chuột, ăn gì cũng nhè ra, thế mà vẫn sống đến tận bây giờ, ngót nghét cũng đã 19 năm ròng.
18 tuổi, tôi vỡ òa vì đậu Đại học, rời quê, mang theo bao kì vọng và ước mơ ở cái tuổi chập chững lớn. Qua cái giai đoạn háo hức, mong chờ được tự do đó, tôi lại nhớ nhà, nhớ Ngoại, nhớ đám bạn ở quê, nhớ cây trứng cá trĩu quả ở trước nhà, nhớ cả đám xương rồng luôn luôn được tôi chăm chút tỉ mẩn hằng ngày. Tết vừa rồi, tôi không về thăm Ngoại, nỗi nhớ ấy lại nhân lên gấp ti tỉ lần, đêm giao thừa, tôi khóc thút thít trong phòng nhớ lại khoảng thời gian được đón Tết cùng Ngoại.
Nhớ nhất là những lần được cùng Ngoại làm bánh chưng. Để có được một mẻ bánh nóng hổi, thơm ngon vào ngày Tết, tôi với Ngoại cũng dày công chuẩn bị dữ lắm.
Nồi bánh chưng 29 Tết:
Trước khi làm bánh, phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu nào là nếp, thịt “ba chỉ” – phần thịt vừa có nạt, vừa có mỡ, cần thêm cả đậu xanh đã tách vỏ và một ít gia vị đi kèm như dầu, đường, bột ngọt, tiêu, muối,... Cái quan trọng hơn thảy là vỏ bọc bên ngoài bánh, quê tôi người ta hay dùng những tàu lá chuối xanh để gói bánh và nhà tôi cũng không ngoại lệ. Lá chuối sẽ được Ngoại chọn lọc cẩn thận, xem tán lá nào to, khỏe mới cắt đem về. Chúng sẽ được rạch ra với tỉ lệ như một hình chữ nhật, rồi lau đi phần phấn trắng bám trên tán lá, sau đó sẽ được phơi một đến hai nắng để tăng thêm độ dẻo dai. Khi gói bánh thì phải gói cho chặt tay, quấn lá chuối sao cho thật khéo và buộc gọn bằng dây lạt (một loại dây mềm, dẻo, được chuốt từ thân cây trảy hoặc tre...) không được để nếp chen ra vòng ngoài của lá đặng khi nung lên, bánh không bị vỡ mà chín mềm từ ngoài vào trong.
Nấu bánh chưng cũng cần phải cần có kinh nghiệm. Ngoại bảo: trước khi bỏ bánh vào nồi, phải cho một ít nước, hai cục gạch nhỏ và gáng ở dưới đáy nồi 1 cái “rá” (một vật dụng được đang bằng tre, cắt thành hình tròn và bỏ vừa vào nồi, giống với lồng hấp ngày nay) lên trên bề mặt hai miếng gạch đó, làm sao để khi bỏ bánh vào, bánh không trực tiếp chạm với đáy nồi. Khi nung bếp thì phải giữ lửa ở trạng thái “riu riu” bánh mới thơm ngon.
Vì cái vị nồng nồng của hạt tiêu nên tôi chẳng bao giờ ăn được nhân bánh, thế là được Ngoại gói cho ngay một chiếc bánh đặc biệt có tên “bánh không tiêu”. Tôi gói bánh còn nghiệp dư lắm, chẳng đẹp hay chắc tay như Ngoại nên thành quả là có những bánh bé xíu, cái tròn núc ních, cái lại ốm nhôm và tất nhiên chúng sẽ được dành riêng cho tôi.
Ngoại hay nấu bánh ở cái giờ xế chiều và giữ lửa qua đêm thì bánh sẽ chín. Nửa đêm Ngoại hay ra xem chừng, tôi thì nỉ nê Ngoại cho đi cùng, nhưng lúc nào cũng bị khước từ vì trời tối om “ra đấy lũ muỗi nó trồng mạ lên chân chứ làm chi”. Tính tôi sao chịu nằm yên khi không có Ngoại nằm cạnh, thế là len lẻn, xách đôi dép xỏ vào, lẻo đẻo nấp sau Ngoại ra đến tận lò bánh. Cứ tưởng Ngoại không thấy tôi thật, ai dè, Ngoại biết từ lâu nhưng không la, bảo tôi ngồi xuống canh lửa với Bà.
Sắp Tết, thời tiết cứ se lạnh như vậy, tôi xòe đôi bàn tay nhỏ xíu, tê tê vì cái lạnh đến bên bếp lửa, ôi! Cái cảm giác đó thích thật - ấm dịu, làm tôi nhung nhớ làm sao. Ngoại ngồi cạnh tôi, tỉ tê vài đều, tôi cũng chẳng nhớ rõ Ngoại đã nói gì với tôi nữa, trong kí ức đó chỉ in hằn mái tóc ngắn đã bạc đốm, những nếp nhăn trên gương mặt hiền từ của bà, chập chờn theo ngọn lửa mà hiện ra. Một ít lâu Ngoại lại mở nắp nồi ra xem nước đã cạn chưa đặng chiêm vào; chốc chốc Ngoại lại chiêm vài cây củi khô, làm đám lửa râm rỉ cứ thế bùng lên, sáng rực cả góc tối, in rõ thêm cái bóng nghiêng ngả của hai bà cháu sau lũy tre. Vài cơn gió mạnh ghé ngang là i như rằng bọn chúng râm rỉ trò chuyện “cót két… cót két…”, cứ thế, xé toạc cả màn đêm tĩnh mịch… Tuổi đời của tre chắc cũng hơn tôi khá, dưới bóng râm của nó Ngoại tôi có làm một cái giường lát tre be bé, trưa trưa tôi hay ra đây nhổ tóc bạc cho Ngoại. Có khi lại cầm cuốn sách ra nhâm nhi bài thơ vừa học trên lớp, đôi lần gió hiu hiu làm tôi bất chợt ngủ quên khi nào chẳng biết.
Trời mỗi lúc lại lạnh dần, tôi đan đôi bàn tay nhỏ bé của mình vào tay Ngoại, cảm nhận thêm hơi ấm từ tình thân, tay Ngoại sao giờ chai sạn đến vậy? Khoảnh khắc ấy, tôi lại muốn mình lớn thật nhanh để lo cho Ngoại đủ đầy hơn. Tự nhiên tôi nhớ Ngoại da diết!
Thế là 30 tết, Bánh chưng cũng đã chín rồi, tôi háo hức chạy xuống dưới nhà. Ngoại mở lớp vỏ xanh sẫm của lá chuối, áo nếp đã thay một màu xanh nõn nà từ khi nào, núng nính, bóng loáng, quyện với cái mùi thơm của nếp, tôi chẳng thể cưỡng lại nổi mà cắn một miếng thật to. Ôi! Cái vị dẻo ngọt của nếp mới, bùi bùi của đậu xanh, béo béo của thịt mỡ, dai dai của thịt nạc hòa với hương thơm của lá chuối, tỏa ra từng lớp trong khoang miệng, vị giác của tôi như tê dại, ngon, ngon lắm! Dù đã hơn một năm tôi chưa được thử lại cái hương vị tuyệt diệu ấy nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi lại nhớ rõ mồn một.
Khi còn bé tôi muốn mình lớn thật nhanh để được vẫy vùng trên bầu trời của riêng mình, nhưng dần trưởng thành, tôi mới nhận ra, Ngoại chẳng còn nhiều thời gian bên cạnh mình nữa. Ngoại sẽ dần già đi, những cái Tết được đón cùng Ngoại cũng sẽ ít dần, nên chỉ hy vọng, chúng ta biết trân trọng hiện tại, quý trọng những điều giản đơn quanh mình để không phải hối tiếc đều gì. Chắc chắn Tết năm nay, tôi sẽ về quê đón Tết cùng Ngoại, sẽ lại nếm được hương vị của chiếc bánh đặc biệt mang tên “bánh không tiêu” do chính tay Ngoại làm riêng cho tôi. Chưa bao giờ, tôi thấm thía những câu thơ trong bài “Bếp lửa” của Bằng Việt như lúc này: “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu/ Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả/ Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở/ - Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”
© Kelly Bùi - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Nếu Yêu Anh Là Sai, Em Xin Từ Bỏ | Radio Tình Yêu
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Tình yêu là chữa lành vết thương
Tình yêu không cần phải được biểu hiện qua những món quà hay những lời hứa hẹn, mà đơn giản chỉ là sự hiện diện, là sự thấu hiểu và sẵn lòng chia sẻ với nhau.
Ấm áp trà gừng
Bố gật gù khen hương vị trà gừng mẹ làm rất đặc biệt. Mà không phải mình bố cảm nhận như thế, cả ông bà nội, cả mấy chị em tôi đều cảm nhận rõ điều này. Đằng sau hương vị thơm ngon của trà gừng chính là sự quan tâm, yêu thương vô bờ của mẹ.
Vết sẹo trong tim
Em cứ nghĩ sau tất cả những chuyện đã xảy ra thì anh sẽ vì em mà thay đổi và càng yêu em hơn. Nhưng không, anh đã bỏ mặc em để vui bên người khác. Lúc ấy, chỉ có ba mẹ em ở bên cạnh em và em biết thật sự em đã sai khi yêu lầm người.
Hương biển
Anh nghe hương biển cứ thoang thoảng nhẹ nhàng trong gió, hương biển có mùi cá có mùi vị nồng nồng da diết có cả mùi nước mắm thơm thơm đậm đà ở ngôi làng gần đây bay đến.
Những con người trong nắng
Người ta rong chơi trên bao khắp con đường Chỉ có họ cứ lặng thầm trong nắng Chỉ có họ cứ miệt mài mải miết Kiếm tìm hoài những hạnh phúc gần xa
Ngửa đầu trông trăng, thấy trăng tròn vành vạnh
Thế mà, lúc ngẩng đầu lên, ánh mắt ta chạm phải ánh mắt nàng. Ta tưởng như thời gian ngừng trôi và cả thế giới hoàn toàn biến mất, chỉ còn ta và nàng. Không gian chìm trong sắc vàng đỏ, trở nên huyền ảo, vừa như thực lại vừa như mơ.
Giữa những câu chuyện đời
Khi ta trải qua những khó khăn, mất mát hay thành công, niềm hạnh phúc, ta thường nghĩ chúng là duy nhất. Nhưng kỳ thực, trong nhiều câu chuyện khác, những gì ta trải qua lại có thể phản chiếu một phần câu chuyện của người khác.
Sài Gòn ưu tư
Sài Gòn không thấy được nhiều sao như biển cát Không tìm được chỗ riêng tư để thả mình Không lắng nghe được đồng xanh ca tiếng hát Không có người tựa lên gối lặng thinh.
Cái tên
Tôi không biết Mai và Cường đã có cảm giác gì trong khi chịu đau đớn thể xác, nước mắt vốn dĩ để thể hiện sự đau đớn, và buồn tủi đó, liệu hai đứa nhóc đó đã cạn chưa. Tôi không hiểu, người ta chiến đấu không phải vì chiến thắng, họ chiến đấu vì khoảnh khắc họ cần sống.
Chuyện tình của cây
Nhưng cuối cùng, em nhận ra, mình chẳng thể trách, giận và ghét ai cả, bởi đó là Quy Luật của Cuộc Sống. Chúng ta không nên sống vì quá khứ, mà bỏ đi bao điều tốt đẹp do tương lai mang tới, phải không anh?