Đêm nhớ chị tôi
2024-01-12 06:30
Tác giả: Kelly Bùi
blogradio.vn - Càng về đêm, trời cũng lạnh dần, tôi lại nhớ chị tôi, không biết dạo này chị ở Sài Thành thế nào, ăn uống có đầy đủ không hay lại tiếc việc, bỏ bữa? Chị tôi là con đầu, tôi là đứa út, chị hơn tôi tận 10 tuổi nên lúc nào chị cũng lo cho tôi. Dù không nói, nhưng tôi biết chị thương tôi lắm.
***
Trời cũng đã chập tối, tôi tan học, vẫn một mình như vậy, lang thang qua từng góc phố ở Đà thành rộng lớn này. Tính ra cũng vài tháng, tôi không dạo phố như hôm nay, thành phố về đêm quả thật đẹp, lung linh ánh sáng, những tòa cao ốc với hiệu ứng độc đáo làm tôi chú ý. Ồ! Có đàn cá bơi qua, còn vẫy vẫy cái đuôi, cứ tưởng bọn chúng bơi ra biển, ai ngờ đâu chúng bơi thảy vào chén nước mắm Nam Ngư. Nhìn qua kia đường, ánh sáng đèn led cũng bắt mắt không kém, nào đỏ, nào cam, chốc chốc lại đổi vàng như một con tắc kè... Lăn bánh đến đâu ánh sáng đèn đường lại soi tỏ đến đấy, bất chợt tôi lại nhớ đến trăng, tôi cũng chẳng nhớ lần cuối ngắm nhìn ông là khi nào nữa. Trong kí ức khi bé, nhớ hoài những đêm trăng rằm, khi ấy ông tròn đầy, sáng lắm, được dịp tôi mới năn nỉ bà cho chạy theo đám bạn đi chơi. Cùng với tiếng “ộp ộp” của đám ếch nhái, ông theo chúng tôi đi đến từng con ngõ nhỏ, chạy quanh khắp xóm, chơi đủ trò trên đời,... Nhưng mỗi lần nhìn lên ông vẫn ở đó, âm thầm dõi theo từng bước chân của tôi. Khi ấy tôi còn tưởng, ông trăng là của riêng mình, soi sáng cho mỗi mình thôi, lớn lên mới biết, ai cũng có cho mình một ông trăng riêng cả.
Càng về đêm, trời cũng lạnh dần, tôi lại nhớ chị tôi, không biết dạo này chị ở Sài Thành thế nào, ăn uống có đầy đủ không hay lại tiếc việc, bỏ bữa? Chị tôi là con đầu, tôi là đứa út, chị hơn tôi tận 10 tuổi nên lúc nào chị cũng lo cho tôi. Dù không nói, nhưng tôi biết chị thương tôi lắm. Cứ mỗi lần Tết về là chị mua cho tôi đủ thứ, nào bánh, nào kẹo, có năm chị mua cho tôi quần áo đẹp để mặc Tết. Tôi vẫn cò giữ chiếc áo sweater màu trắng có hình con thỏ hồng được thêu lông, nằm ở giữa áo và có một cái nơ may rời ra. Nó xinh lắm, là vedette trong tủ đồ của tôi nên cứ mỗi dịp quan trọng là tôi lấy nó ra mặc. Tôi mặc nó đến năm cấp 3, còn nhớ cứ độ vào trời lạnh, tháng 11, 12 là tôi dành riêng nó cho hôm thứ hai để mix cùng với chiếc áo dài thướt tha. Bạn cùng lớp hay hỏi tôi mua áo ở đâu mà đẹp thế, tôi liền mạnh miệng khoe: “Chị tao mua đó, ở Sài Gòn lựng”.
Vì sống nội tâm nên chị có ít bạn lắm, lâu dần tôi chẳng thấy ai đến thăm nhà khi chị về nữa. Mà cũng nhờ vậy tôi mới có thêm thời gian quấn chị nhiều hơn. Mỗi Tết về là tôi chở chị đi khắp mọi ngóc ngách mà tôi biết. Còn nhớ, Tết năm lớp 9, tôi chở chị bằng chiếc xe đạp cũ lên chợ Bình Định đặng mua ít đồ cho mẹ. Chợ này là chợ lớn nhất ở Tỉnh, nên cách nhà cũng khá xa, đi khoảng 40’ mới tới, giờ nghĩ lại không biết khi ấy lấy sức đâu mà “trâu” đến vậy. Vô chợ, đập thẳng vào mắt tôi là một chiếc quần rin kiểu mới, đồng giá 100 ngàn đồng, nghĩ bụng: “Bây giờ mà mua đồ nữa chắc chị không cho đâu, mua lại tốn tiền, về nhà lại bị mẹ la...” Thế là cứ đứng nhìn mãi. Chị hỏi, tôi mới dám khẽ giọng đáp: “Em thích” tay thì chỉ về hướng chiếc quần đang treo trong sạp hàng, nào ngờ chị bảo với giọng thản nhiên: “Em thích thì mua thôi”, “Ui, ngầu đét đấy chị nha!” Tôi cười tít cả mắt trên quãng đường về nhà. Chưa dừng lại sự chiều chuộng này đâu! Trên đường về, vì sắp Tết, người ta bán đầy hoa Tết, sen đá, xương rồng ở vỉa hè, thế là tôi ngỏ ý: “Mình vào xem tí rồi về chị ha, cây đẹp quá kìa”. Chị tôi cũng đồng ý, nào đâu biết âm mưu thực sự của tôi. Tôi nhớ mình xem cây lâu lắm, cứ mê mẩn những cuốn lá bé xíu, căng mọng nước, đầy sắc màu như những viên ngọc sáng chói ấy. Coi từ chỗ này bay sang chỗ kia, hỏi bà chủ đủ thứ trên đời: Cây này khó chăm không cô? Ngày tưới nước bao nhiêu lần là được ạ? Nó thuộc cây bóng râm hay tắm nắng? Cây này giá bao nhiêu cô nhỉ?... Chắc cô chủ cũng kiên nhẫn với tôi dữ lắm.
Thế là đã đến giờ chốt hạ, tôi bưng một cây lại chỗ chị, thỏ thẻ: “Chị ơi, chị thấy cái cây này thế nào? Đẹp ha?”
Chị soi xét và đáp: “Ừmm... Cũng đẹp.”
Tôi tiếp lời: “Thế mình mang nó về nha chị, nó xinh mà, mang về em chăm cho vui nhà vui cửa,… để trên bàn cũng đẹp nữa. Mai mốt chị đi làm rồi, xem như em nhìn nó để nhớ chị!”
Chị cười khẩy đùa: “Thôi, thôi đi cô nương, vòi tôi mua về nhà làm cảnh chứ chi mà thương yêu tôi, mà nhớ với mong...”
Nói rồi, chị nhờ cô chủ gói chúng vào. Tôi hớn hở cảm ơn chị thật to.
Chị tôi là thế đấy, tôi vòi gì chị cũng mua cho cả, không tiếc gì với tôi đâu. Thế mà khi bé, có một lần ngoại tôi đi chợ mua cho hai chị em mỗi đứa một bịch chè, tôi học về sớm hơn nên ăn hết phần của mình trước. Nhưng do chè ngon quá, không thể cưỡng lại cái vị ngọt dẻo của nước cốt dừa, bùi bùi của hạt đậu, dai dai của thạch, lành lạnh của đá bào…, thế là len lẻn, xách đôi dép chạy ra sau cũi lấy nốt bịch của chị ngồi ăn ngon lành. Nhờ cái lần “ăn cho đã miệng” đó, ông cậu Hai đặt ngay cho một cái biệt danh nghe ngọt lịm: “Hai Bì Chè”. Thế là từ đấy tôi có cho mình một cái tên mới “Hai Bì Chè”, cả xóm đều gọi, riết rồi tôi cũng quen luôn.
Tết về, là chị tôi ngủ nướng. Hồi nhỏ tôi hay tự hỏi, Tết người ta về đi chơi, đi gặp bạn bè ôn lại chuyện cũ, đi mừng tuổi ông bà, đi cả ngày cơ… nhưng lạ thay, chị tôi lại là một trường hợp đặc biệt, Tết về là để ngủ. Dù tôi có hò reo, nài nỉ, kéo mền, mở cửa sổ,... Làm đủ mọi cách nhưng cũng vô ích, chị ngủ li bì cả buổi sáng mới tỉnh giấc, tôi cũng bất lực lắm. Mẹ tôi cũng lên tiếng: “Con gái con đứa ngủ chi mà ngủ lắm, mặt trời lên đỉnh đầu rồi mà còn ngủ…?” Khi ấy cứ tưởng chị tôi làm biếng, lấy cớ để không phụ giúp nhà ngày tết nên mới ngủ, nhưng khi lớn dần tôi mới biết chị ngủ là để giải tỏa áp lực. Bao nhiêu đêm chị thức trắng chạy theo công việc, bao nhiêu đêm chị không có một giấc ngủ đàng hoàng, không áp lực, không căng thẳng, không bận lòng,… chỉ có khi về nhà chị mới được cảm giác an toàn, được thoải mái, được cởi bỏ “vòng xoáy” của công việc mà cho mình một giấc ngủ ngon, chị còn đùa rằng: “Cái giường là chồng của chị mà, đừng có hòng giành”.
Quả thực, một mình sống ở Thành phố không dễ dàng chút nào. Chị kể có đôi lần bị ốm nặng, bị té xe, phải vào bệnh viện nhưng chị chỉ có một mình, nằm đơn độc trên giường, không ai ở cạnh, tủi thân lắm, nhưng chẳng dám khóc, tự nhiên tôi thương chị vô cùng. Tôi cũng muốn được vào Sài Gòn, được ở chung với chị, đặng có người thủ thỉ, chăm sóc lẫn nhau, nhưng vì mẹ, mẹ tôi muốn tôi học ở Đà Nẵng, sẽ ở chung nhà với cô chú, ở chung với mẹ. Dù không được tự do nhưng tôi sợ mẹ buồn, mẹ lại khóc nên tôi đồng ý với bà. Cũng thật may, những lần bị ốm, tôi có mẹ chăm sóc chứ nếu không chắc tôi không trụ nổi mất.
Thế mới thấy chị tôi thật mạnh mẽ, kiên cường biết bao nhiêu trong khoảng thời gian khó khăn đó. Giờ chị tôi đã ổn định hơn, độc lập, tự tin và đẹp hơn rất nhiều, đẹp như chính cái tên của chị vậy – Ngọc Hoa – một bông hoa hướng dương luôn tràn đầy nhựa sống.
Chỉ có điều chị vẫn còn “ế”. Cứ mùng 1 Tết xuống thăm nhà ngoại là y như rằng chị chiến đấu với hàng tá câu hỏi từ họ hàng: “Sao con chưa lấy chồng? Bao giờ con mới cưới? 29 tuổi đầu mà chưa có chồng? Già đến nơi rồi đó, bạn bè mày nó cưới mà xách nách mấy đứa con rồi đó? Hay cô làm mai cho con thằng này cũng khá giả, điển trai,...” Bà Ngoại phán một câu chốt hạ: “Chị mày được cái xinh mà ế thì cũng chịu!” Thật ra chị bảo với tôi: “Chị muốn cưới thì cưới thôi em, người ta cũng thương chị đó chứ, tiếc là Chị không phải lòng người ta... Bây giờ với chị, cưới hay không không còn quan trọng nữa, quan trọng là bản thân mình cảm thấy hạnh phúc. Một mình hay hai mình cũng không định nghĩa được điều đó đâu em, quan trọng là em biết mình cần gì và muốn gì trong cuộc sống này. Không nhất thiết phải nghe lời của thiên hạ, không phải ai góp ý mình cũng nghe. Chỉ cần tâm mình tịnh, lắng nghe bản thân mình nhiều hơn thì ắt hẳn hạnh phúc sẽ tới, cưỡng cầu chi hai chữ ‘duyên nợ’ hả em.”
Có lẽ tôi cũng chưa hiểu hết những ý nghĩa sâu xa trong câu nói đó, nhưng với riêng tôi, tôi chẳng câu nệ chuyện cưới sinh như người lớn, miễn sao chị tôi cảm thấy vui, thấy hạnh phúc với quyết định của mình là được. Lúc trưa nhắn tin với chị, chị bảo Tết năm nay có thể không về được vì bận công việc, tự nhiên tôi khựng lại, cảm giác buồn man mác trào dâng trong lòng. Tôi muốn Tết nay chị về! 365 ngày, chỉ có Tết là gia đình tôi mới được quây quần đủ đầy, mới được ăn một bữa cơm đúng nghĩa “đoàn viên”. Có lẽ với những gia đình khác, việc ăn cơm cùng với nhau là một điều hết sức bình thường, nhưng với tôi bữa cơm đó luôn là một điều xa xỉ, tôi luôn mong đợi đến Tết để được nhõng nhẽo với ba, với mẹ, với chị, được ăn cơm với nhau vài lần, thế mà năm nay có lẽ chị sẽ không về ư?
Hy vọng công việc của chị sẽ mau ổn thỏa để mau về nhà kịp đón giao thừa với gia đình mình, sẽ cùng em đạp xe lang thang qua từng con ngỏ nhỏ, lại được dành nhau ăn những món ngon do mẹ làm chị nha. Em nhớ chị nhiều lắm, Mong chị sớm về!
© Kelly Bùi - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Làm Người Cô Đơn Hạnh Phúc | Radio Chữa Lành
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Thói quen của anh
Có những mảnh ký ức con con lấp đầy một tấm lòng chật hẹp, có một người con gái cả một đời anh mãi không quên.
Tình yêu là chữa lành vết thương
Tình yêu không cần phải được biểu hiện qua những món quà hay những lời hứa hẹn, mà đơn giản chỉ là sự hiện diện, là sự thấu hiểu và sẵn lòng chia sẻ với nhau.
Ấm áp trà gừng
Bố gật gù khen hương vị trà gừng mẹ làm rất đặc biệt. Mà không phải mình bố cảm nhận như thế, cả ông bà nội, cả mấy chị em tôi đều cảm nhận rõ điều này. Đằng sau hương vị thơm ngon của trà gừng chính là sự quan tâm, yêu thương vô bờ của mẹ.
Vết sẹo trong tim
Em cứ nghĩ sau tất cả những chuyện đã xảy ra thì anh sẽ vì em mà thay đổi và càng yêu em hơn. Nhưng không, anh đã bỏ mặc em để vui bên người khác. Lúc ấy, chỉ có ba mẹ em ở bên cạnh em và em biết thật sự em đã sai khi yêu lầm người.
Hương biển
Anh nghe hương biển cứ thoang thoảng nhẹ nhàng trong gió, hương biển có mùi cá có mùi vị nồng nồng da diết có cả mùi nước mắm thơm thơm đậm đà ở ngôi làng gần đây bay đến.
Những con người trong nắng
Người ta rong chơi trên bao khắp con đường Chỉ có họ cứ lặng thầm trong nắng Chỉ có họ cứ miệt mài mải miết Kiếm tìm hoài những hạnh phúc gần xa
Ngửa đầu trông trăng, thấy trăng tròn vành vạnh
Thế mà, lúc ngẩng đầu lên, ánh mắt ta chạm phải ánh mắt nàng. Ta tưởng như thời gian ngừng trôi và cả thế giới hoàn toàn biến mất, chỉ còn ta và nàng. Không gian chìm trong sắc vàng đỏ, trở nên huyền ảo, vừa như thực lại vừa như mơ.
Giữa những câu chuyện đời
Khi ta trải qua những khó khăn, mất mát hay thành công, niềm hạnh phúc, ta thường nghĩ chúng là duy nhất. Nhưng kỳ thực, trong nhiều câu chuyện khác, những gì ta trải qua lại có thể phản chiếu một phần câu chuyện của người khác.
Sài Gòn ưu tư
Sài Gòn không thấy được nhiều sao như biển cát Không tìm được chỗ riêng tư để thả mình Không lắng nghe được đồng xanh ca tiếng hát Không có người tựa lên gối lặng thinh.
Cái tên
Tôi không biết Mai và Cường đã có cảm giác gì trong khi chịu đau đớn thể xác, nước mắt vốn dĩ để thể hiện sự đau đớn, và buồn tủi đó, liệu hai đứa nhóc đó đã cạn chưa. Tôi không hiểu, người ta chiến đấu không phải vì chiến thắng, họ chiến đấu vì khoảnh khắc họ cần sống.