Xóm bãi rác
2015-05-15 01:00
Tác giả:
Mặt trời mọc rồi lặn, ánh sáng chói chang rồi lại tắt như những thăng trầm trong cuộc đời của họ. Nhưng giữa màn đêm vẫn le lói dù chút ít ánh sáng phía trời xa. Là ánh trăng nhàn nhạt hay những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Thứ ánh sáng ấy tuy yếu ớt nhưng chẳng bao giờ tắt cả. Cũng như niềm hi vọng của những con người nơi đây, mong manh nhưng không bào giờ vụt mất.
Những trận gió mùa đông bắc lại tràn về. Đã chớm hè, chắc là đợt gió mùa cuối cùng quét ngang qua đây nhưng sao vẫn lạnh đến tê tái. Từng đợt gió cứ ào ào rít qua hàng cây. Tiếng lá chuối bay phần phật, rách tươm. Mấy cây xoan dại kẽo kẹt, ngả nghiêng như chực đổ bất cứ lúc nào.
Trời rét. Lại mưa, đúng cái tính chất của gió mùa cuối vụ, ẩm ương, khó chịu. Dưới hàng xoan bên vệ đường nơi dẫn vào bãi rác, mấy túp lều lụp xụp được người ta làm bằng đủ những thứ vật liệu có thể kiếm được gần đó, hắt ra những tia sáng leo lét của ánh đèn dầu. Ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn cao áp cổng bãi rác làm mọi vật xung quanh càng trở nên hiu quạnh.
Giữa đám lụp xụp đó có một chiếc lều bé xíu, tối thui, vọng ra mấy tiếng nói con nít:
"Anh ơi, em lạnh quá".
"Sao gió to thế hả anh? Cái chỗ kia thủng to quá, gió thổi lạnh quá anh ơi".
"Lại bị dột chỗ này nữa anh này, nước nhỏ hết lên đầu em rồi".
"Ừ, để mai anh vá lại chỗ ý cho gió không lùa vào nữa, giờ tối quá rồi”.
Tiếng nói có vẻ run run. Chắc là bị rét.
Mà cũng phải, mưa gió như thế người ta áo dầy, áo mỏng còn rét huống chi mấy đứa nhỏ phong phanh chiếc áo cộc với tấm vải mỏng làm chăn. Túp lều nhỏ đó là của 3 anh em thằng Tèo. Nó là anh lớn mới 9 tuổi, dưới nó là đứa em gái 7 tuổi và thằng út mới lên 6. Chúng nó trôi dạt về cái bãi rác này từ vài tháng trước. Nghe chúng nó kể, ba mẹ chúng nó đều bệnh chết cả, chẳng còn người thân, rồi chúng nó lang thang đến cái xứ này nhặt rác, xin ăn để sống qua ngày.
Ảnh: tranngoctung
Mấy người ở đây thương tình dựng cho túp lều nhỏ để có chỗ trú mưa, trú nắng. Gọi là cái lều nhưng chỉ là mấy thanh gỗ chống lên rồi dùng những tấm băng rôn, khẩu hiệu cũ kiếm được trong bãi rác mà đắp vào. Miếng to, miếng nhỏ chồng chéo lên nhau sao cho kín. Ấy vậy mà vẫn hụt bên nọ, thiếu bên kia. Mỗi khi có gió là lại tốc vài ba chỗ, phải lấy cả lá chuối che lại rồi dùng que để nẹp vào.
Những người sống quanh đây đều là dân nhặt rác cả, họ cũng nghèo kiết xác, chỉ kiếm đủ bữa ăn qua ngày, vì thương hoàn cảnh lũ nhỏ mà giúp đỡ nhưng cũng chỉ làm được đến thế, đùm bọc nhau mà sống. Thế mà chúng nó cũng đã vượt qua được cái mùa đông khắc nghiệt nơi đây.
Những cơn gió cứ gào thét suốt đêm, mưa vẫn rơi rả rích. Cả cái xóm bãi rác dần chìm vào bóng tối. Túp lều bé xíu ấy cũng dần im đi tiếng nói thì thào, chỉ còn tiếng ếch nhái thi thoảng vọng về và tiếng trở mình xuýt xoa vì rét.
Sáng hôm sau, trời đã tạnh mưa. Gió mùa cuối vụ đến và đi đêu nhanh. Những tia nắng xuyên qua hàng cây sưởi ấm mặt đất, long lanh, chói lóa khi chiếu vào những giọt nước còn đọng trên phiến lá. Cái xóm nhỏ lại lục đục trở dậy và bắt đầu công việc thường ngày.
Có tiếng người lớn vọng vào căn lều lũ nhỏ:
“Tèo, dậy chưa cháu? Xe rác đến rồi, đi nhanh không hết bây giờ”.
“Dạ, bác Năm, con dậy rồi, con đi ngay đây ạ”.
Thằng Tèo vơ vội chiếc bao tải với cái que sắt rồi chạy nhanh về phía bãi rác. Hai đứa em nó cũng lấy vội đồ nghề mà đi theo anh.
Ngày nào cũng thế, cứ 6h sáng là xe rác sẽ vào bãi để đổ và cũng là lúc những con người xóm rác bắt đầu công việc mưu sinh của mình. Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào cái bãi rác này. Họ nhặt nhạnh đủ thứ, tất cả những gì có thể bán được để bán lại cho đại lý đồng nát kiếm sống qua ngày. Những hôm ít rác, lục lọi hết ở cái bãi rác mà còn sớm họ lại mỗi người một ngả tỏa vào trong phố kiếm thêm, có khi tối mịt mới trở về. Vất vả là thế những cũng chỉ đủ làm no cái bụng mỗi ngày chứ chẳng bao giờ để ra được cả. Vậy nên có người ở đây cả đời mà vẫn chỉ có căn lều cũ nát để dừng chân.
Bác Năm là người lớn tuổi nhất ở đây. Bác không có con cái, đã mưu sinh ở cái bãi rác này hơn 20 năm rồi. Tóc đã bạc, sức đã yếu nhưng bác vẫn ngày ngày bới móc nơi bãi rác. Âu cũng vì cuộc sống.
Hôm nay ít rác, đầu trưa mà đã chẳng còn gì để nhặt, ba anh em thằng Tèo trở về căn lều nhỏ, ăn tạm chiếc bánh mỳ lót dạ rồi hăm hở ra xem xét lại căn lều.
Hôm qua gió to quá, cái lỗ hổng rách càng lớn hơn. Lúc sáng, bác Năm nghe nó nói lều bị gió lùa nên buổi chiều cũng không vào phố mà qua phụ anh em nó lợp lại. Cũng may, lúc sáng nó kiếm được tấm bạt khá to, còn lành lặn đủ để vá cái lỗ hổng này vào. Hai bác cháu hì hục chằng buộc cuối cùng cũng xong. Căn lều đã không còn hổng nữa. Hai em nó ríu rít chạy chơi xung quanh, chốc chốc lại chui vào lều nhòm ra từ lỗ hổng.
Ánh nắng chiếu qua khe hở vào căn lều tối tăm thành một đường sáng rõ rệt, như một cây gậy phát sáng nhưng không sao mà bắt được. Đường sáng thoắt ẩn, thoắt hiện khi anh nó và bác Năm kéo cái bạt để che lỗ hổng. Chúng nó cứ thích thú mà nhìn như cái gì kì diệu lắm. Rồi chợt chúng kêu lên:
“Anh ơi,gậy sáng biến mất rồi”.
“Chúng biến mất thì đêm về các cháu mới không còn rét nữa. Bác Năm khẽ mỉm cười giải thích”.
Chúng nó tròn mắt nhìn bác Năm nghi hoặc.
“Cứ đợi đến đêm đi các cháu sẽ thấy”.
Bác Năm vẫn cười mà thuyết phục. Đêm đó, gió vẫn thổi nhưng không còn to như đêm trước, mưa cũng đã ngừng rơi. Hai đứa nhỏ vẫn háo hức với những gì bác Năm nói lúc chiều, cứ trông lên cái lỗ hổng lúc sáng mà chờ đợi. Ấm thật, không còn rét nữa, mà nước mưa cũng không còn rớt trên đầu chúng nữa. Thằng út thích thú nhảy lên:
“Hay quá, hôm nay không còn rét như hôm qua anh nhỉ”.
Thằng Tèo khẽ xoa đầu em cười nói:
“ừ, không rét nữa rồi,còn bây giờ thì ngủ đi, mai còn dậy sớm đi nhặt rác nữa”.
Căn lều lại chìm trong im lặng. Màn đêm yên tĩnh bao phủ lên xóm bãi rác nghèo, đâu đó vẫn tiếng ếch nhái kêu ồm ộp. Lũ trẻ chìm dần vào giấc ngủ một cách ngon lành, không còn những cái cựa mình xuýt xoa vì rét nữa.
Ngày qua ngày, cuộc sống vất vả nhưng bình yên trôi qua trên xóm rác. Những con người nơi đây vẫn cần mẫn bới tìm nguồn ánh sáng cho cuộc đời mình. Dẫu cực nhọc, vất vả nhưng họ chưa bao giờ nản cả. Tất cả họ vẫn mơ về một tương lai tươi sáng hơn đang chờ phía trước. Và họ vẫn cố gắng hết mình, hết những gì có thể. Cả bác Năm, cả 3 anh em thằng Tèo, họ đùm bọc nhau mà sống. Những chiếc xe chở rác vẫn lũ lượt ra vào, những con người ấy vẫn trèo lên, trượt xuống giữa những đống rác mà bới, mà tìm.
Ảnh: tranngoctung
Một ngày như mọi ngày, những con người khốn khổ vẫn cần mẫn mưu sinh trên bãi rác. Những chiếc xe chở rác vẫn lũ lượt vào ra. Anh em thằng Tèo cùng bác Năm cũng vẫn mải miết tìm kiếm nguồn sống như bao con người nơi đây. Vất vả từ sáng tới tối, họ trở về căn lếu lụp xụp của mình với vẻ mệt nhọc, nhưng khuôn mặt vẫn ánh lên điều gì đó rạng rỡ vì hôm nay nhặt được nhiều. Thằng út lon ton chạy trước mặc cho anh chị nó lệ khệ với bao tải rác sau lưng. Trẻ con vẫn hồn nhiên như thế, vẫn chưa biết cái gì là cơm áo gạo tiền, chưa biết cái gì là lo lắng. Chỉ biết khi đói, lúc rét và than thở với anh nó. Vẫn vô tư nô đùa với mọi thứ xung quanh. Đuổi bướm, bắt sâu hay nhặt những bông phi tiêu mà ném vào quần áo những người khác. Thấy chúng bám chặt vào quần áo thì cười phá lên rồi chân sáo chạy mất.
Bỗng thằng út hớt hải chạy lại từ phía túp lều, vừa chạy vừa hét:
“Anh Tèo ơi nhà mình bị sập rồi”.
Thằng Tèo hốt hoảng chạy về phía căn lều. Đến nơi, căn lều đã đổ sập. Còn nguyên cả vết bánh xe tải đằng trước. Chắc có lẽ một chiếc xe chở rác nào đó đã vô tình quệt phải làm sập chiếc lều. Thằng Tèo đứng như trời trồng, mắt nhìn chăm chăm vào đống đổ nát. Nó cứ như thế một lúc lâu, đôi mắt đỏ hoe nhưng không một giọt nước mắt. Là nó quá đau đớn trước mất mát này hay chẳng có gì để mất? Không, là nó lo cho 2 em của nó tối nay sẽ ngủ ở nơi đâu… Còn thằng út thì cứ hết nhìn anh nó lại quay ra nhìn căn lều. Đôi mắt tròn xoe, ngây thơ vẫn hồn nhiên và trong sáng đến lạ. Bác Năm cùng mọi người cũng đã về tới. Bác khẽ vỗ vai ôm nó vào lòng:
“Thôi, từ nay mấy đứa sang nhà ở với bác, căn lều này hỏng hết rồi chắc cũng không qua nổi mùa bão năm nay đâu, con cũng đừng tiếc”.
Ảnh: tranngoctung
Hàng xóm mỗi người một chân một tay giúp lũ trẻ nhặt nhạnh những gìcòn tận dụng được chuyển qua nhà bác Năm. Tối đó, ánh đèn nhà bác Năm sáng hơn, tiếng nói tiếng cười vui hơn ngày trước. Có một gia đình nhỏ ấm cúng hơn trên cái bãi rác này.
Đã vào giữa hạ, thời tiết khó chịu và thất thường. Khi nắng như thiêu như đốt, lúc lại mưa dầm dề, lênh láng. Có lúc đang nắng như đổ lửa bỗng gió mây ùn ùn kéo đến giăng kín trời. Cơn giông chẳng cho ai kịp chạy, cứ đứng trơ ra mà hứng những giọt mưa bỏng rát té vào người vào mặt.
Cuộc sống của những con người xóm bãi rác càng trở nên vất vả hơn. Trời đã tối, ngoài kia mưa vẫn rơi như trút nước, tiếng mưa đập vào mái nhà bồm bộp. Bác Năm vẫn chưa về. Thằng Tèo có vẻ lo lắng. Hôm nay rác ít, bác Năm cùng mọi người vào phố nhặt thêm, nhưng mọi người đã về hết cả, chỉ còn mỗi bác. Thằng Tèo không chịu được nữa dặn 2 em ở nhà cẩn thận rồi lao ra màn mưa.
Ngoài đường, đèn xe loang loáng vút nhanh như để trốn chạy cơn mưa rào mùa hạ. Dưới một gốc cây to, một ông già đang co ro vì lạnh bên chiếc bao tải toàn vỏ chai với giấy vụn. Đám giấy thấm nước ướt nhẹp làm chiếc bao nặng hơn. Là bác Năm, cơn mưa đến quá bất ngờ khiến bác không về nhà kịp. Thằng Tèo tìm thấy bác khi bác đang mất dần cảm giác vì lạnh. Nó cố hết sức dìu bác về nhà. Bên bếp lửa, người bác Năm cứ run lên bần bật. Bác đã quá yếu, lại dầm mưa lâu như thế, cơ thể gần như không chịu nổi. Ba đứa trẻ ngồi cạnh mà lòng đầy lo lắng.
Mấy ngày sau, người bác vẫn lúc nóng, lúc lạnh. Hàng xóm đã giúp mua thuốc cho bác nhưng chẳng có tiến triển gì. Hình như có một điều gì đó rất xấu. Tối hôm đó, bác Năm cố hết sức gọi thằng Tèo lại. thì thào vào tai nó:
“Cả đời bác nhặt rác ở nơi này, chẳng có gì cả, chỉ tiết kiệm được một ít này, nay bác giao nó cho con, con cố gắng chăm sóc các em, đừng để sau này chúng nó khổ như bác. Chắc bác không qua khỏi, bác không có con cái, cuối đời có các con bầu bạn, bác vui lắm, bác coi các con như con của bác, bác muốn trước lúc nhắm mắt xuôi tay, các con gọi bác một tiếng bố được không, cho bác mãn nguyện”.
Thằng Tèo nắm chặt bàn tay gầy guộc của bác Năm mà nước mắt lăn hàng dài trên má. Nó nức nở gọi lên hai tiếng "bố ơi” rồi kéo hai em nó lại. Hai em nó cũng nức nở mà cất lên hai tiếng “bố ơi”. Bác Năm nở một nụ cười mãn nguyện, khóe mắt ứa ra hai giọt nước long lanh. Dúi chiếc hộp nhỏ vào tay thằng Tèo, bàn tay gầy guộc của bác cố nắm chặt ba đứa nhỏ một lần nữa rồi thõng xuống. Thằng Tèo thét lên đau đớn “bố ơi”, những giọt nước mắt mặn chát ướt đẫm bàn tay đã thấm lạnh. Ngoài trời mưa cũng rơi như trút. Hình như cả ông trời cũngkhóc thương cho những mảnh đời khốn khổ này.
Một ngày mới lại lên trên bãi rác nghèo!
© Nguyễn Công Tậu - blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Người thầm lặng 20/10
Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.
Đi qua sự phản bội
Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.