Trái tim của bà chằng chịt những yêu thương
2023-01-20 01:25
Tác giả: Lam Yên
blogradio.vn - Bà không còn, tuổi thơ cũng như trôi xa khỏi trí nhớ bởi mỗi lần đi làm về không được gọi bà rồi nghe bà kể ngày xưa nữa. Những câu chuyện bà kể đi kể lại, tôi cũng đã nghe nhiều tới thuộc, vậy mà lúc bà đi rồi nhớ lại lại thấy nhớ nhớ quên quên. Chỉ có giọng bà và gương mặt của bà là khiến tôi không quên được. Tôi nhớ về câu hỏi tự do là gì hả bà? Và thầm nghĩ bà tôi không bao giờ có được trái tim tự do, trái tim của bà chằng chịt những yêu thương.
***
- Tự do là gì hả bà?
Đó là câu tôi hỏi bà cách đây gần 6-7 năm, khi hai bà cháu xem thời sự và có nghe tới khẩu hiệu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
- Là thích lấy chồng lúc nào thì lấy.
Bà nhìn tôi cười rồi bảo thế. Ở quê tôi cứ học xong đại học là bắt đầu được nghe bàn tới chuyện lấy chồng. Tuy bố mẹ tôi chưa nhắc tới nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn quay ra cự cãi với các bác chủ đề này, nên khi bà nói vậy tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra bà đang là đồng minh của mình.
Bà cười rồi nhắc lại với tôi rằng chẳng việc gì phải vội, chồng con là chuyện một đời, cứ lo học lo làm lo chơi đi đã, sau muốn lấy thì phải chọn cho kĩ. Đừng có nghe ai ép rồi làm theo thì khổ lắm, có những điều hối hận sửa lại rất khó và cần nhiều thời gian.
Lúc đó tôi mê tư tưởng của bà lắm, như một ngọn hải đăng để tôi vững tin dựa vào giữa bao nhiêu tiếng giục giã đầy áp lực đến từ bên ngoài.
Hai tám tuổi bà lấy ông, ba mươi sáu tuổi ông tôi mất, để lại bà và ba đứa con nhỏ sàn sàn nhau, bác cả nhà tôi mới bảy tuổi, bác thứ hai hơn ba tuổi và mẹ tôi thì vừa tròn năm. Sống ở thời bà mà phụ nữ thân cô thế cô, nhà nghèo lại nheo nhóc con nhỏ khổ cực vô cùng. Bà bảo thời điểm ấy có những ngày bà phải nhịn ăn để các bác và mẹ tôi có cơm để ăn. Ăn bữa nay lo bữa mai, có khi cả sáng thở dài vì gạo hết mà ngại không muốn đi vay vì đã vay nhiều quá rồi, mà tới bữa nhìn con đói lại muối mặt chạy sang hàng xóm hỏi gạo. Cũng may thời ấy bà gặp được nhiều người tốt.
Lo ma chay cho ông xong bà bảo nhà cũng không còn gì ngoài nợ. Bà phải làm chung ở hợp tác xã đầu việc như một người đàn ông, buôn xuôi bán ngược để con không bị đói. Có những buổi chợ gánh hàng đi bộ 30km lượt đi, 30km lượt về. Ngày nắng cũng như ngày mưa, gánh đi là hàng hoá và niềm mong mỏi bán được hết hàng. Gánh hàng về là nỗi nhớ con, sự mệt nhọc mỏi chân đau vai, và hôm nao buổi chợ may bán hết nhanh thì bà sẽ kịp mua một chiếc bánh mì thật thơm làm quà. Bà bảo nghĩ các con sẽ vui khi được ăn quà là bước chân đi về cũng nhẹ nhàng hơn.
Bà tôi nhỏ lắm, gầy lắm. Lưng còng vì cả một đời vất vả lo toan. Trả hết nợ, xây nhà, dựng vợ gả chồng cho các con và vẫn không ngừng làm việc. Tóc bạc trắng và rất mỏng. Bà hay chải gọn rồi túm một củ tỏi phía sau, rồi buộc một chiếc khăn lên để giữ tóc không chạm xuống mặt khi làm việc. Bà ngồi làm hàng cả ngày, chỉ ngơi tay khi tới giờ ăn. Mỗi lúc chúng tôi chạy sang chơi, đùa nghịch nói chuyện và trêu nhau chí choé, đôi khi hỏi bà câu gì đó ngô nghê, bà chỉ cười rồi mắng yêu “cha bố mày”.
Bà tôi học không cao, cả đời lam lũ chỉ với một mong muốn con cháu được ăn no, được khoẻ mạnh và có cuộc sống bình yên. Nhưng bà lại là người dạy tôi thế nào là tự do. Tự do là khi cháu được quyết định cuộc đời mình mà không bị ai ép buộc, dù là cháu học gì, làm gì hay bao giờ lấy chồng. Tự do là khi cháu muốn cuộc sống của mình theo hướng nào, thì hãy làm cho nó đi theo hướng ý.
Bà tôi, như bà của mọi nhà, để cháu con chiếm trọn trái tim mình, trái tim mà tôi hay trêu bà là không được tự do như cách bà lấy chồng.
Khi anh họ tôi đi đám cưới uống rượu say mềm, bà luôn miệng mắng nhưng tay thì đang xoa dầu, lau trán, sờ chân sờ tay xem xét.
Mỗi lần tôi đi học, đi làm về chạy sang chơi. Khi nào về bà cũng sẽ dặn bao giờ về lại sang với bà nhé. Lần nào nghe mũi cũng cay cay.
Ngày em tôi đi Nhật, bà đứng bên cửa nhìn sang phía nhà tôi mắt nhoè nhoẹt nước, chỉ nói nhỏ “Cháu đi nhé!”. Miệng bà cười cho em tôi yên tâm, những nước mắt đã chảy ướt hai má lúc nào, rơi từ khoé mắt nhăn nheo ngóng trông bao chuyến đi xa rồi trở về của mọi người.
Đứa cháu nào đi xa cũng được bà nhắc bao giờ về, bao giờ đi.
Những miếng bánh ngon, hộp sữa ngọt cứ được bà giữ lại, để đứa nào sang lại kéo lại dúi cho. Bảo bà cho này, uống đi không phí.
Vậy mà bà tôi mất cũng được 2 năm rồi. Những ngày cuối, bà đau nên không nói được nhiều. Gặp các cháu chỉ dặn nhớ sống tốt nhé. Bà muốn các cháu được nhìn thấy bà, nhưng bà đau nên không muốn bị giày vò nữa. Nên nếu bà đi thì đừng có buồn.
Bà dặn vậy, nhưng làm sao chúng tôi nghe lời được. Bà là tuổi thơ của chúng tôi, những bảo bọc chăm lo, đồng quà tấm bánh. Ngày Tết dù đều đã lớn, mừng tuổi bà như thế nào bà cũng bảo bà đầy tiền, tiêu gì đến đâu. Rồi lại lì xì lại cho nhiều hơn nữa. Tôi lúc nào cũng là đứa được nhận bao lì xì đặc biệt nhất.
Bà mất rồi, ngày Tết bớt vui, đi qua nhà bà lại nhớ bóng bà dựa cửa mỗi chiều xem mấy đứa bọn tôi đi học đi làm về hết rồi mới yên tâm. Nhớ hình ảnh bà ngồi trên cái ghế đỏ trước cửa, lặng yên nhìn dòng người tan chợ.
Bà không còn, tuổi thơ cũng như trôi xa khỏi trí nhớ bởi mỗi lần đi làm về không được gọi bà rồi nghe bà kể ngày xưa nữa. Những câu chuyện bà kể đi kể lại, tôi cũng đã nghe nhiều tới thuộc, vậy mà lúc bà đi rồi nhớ lại lại thấy nhớ nhớ quên quên. Chỉ có giọng bà và gương mặt của bà là khiến tôi không quên được. Tôi nhớ về câu hỏi tự do là gì hả bà? Và thầm nghĩ bà tôi không bao giờ có được trái tim tự do, trái tim của bà chằng chịt những yêu thương.
© Khánh An ( Hồng Minh) - blogradio.vn
Xem thêm: Đêm nằm nghe câu chuyện của mẹ | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Yêu lại từ khởi đầu mới
Cậu chẳng hề nói lời tạm biệt bất cứ ai trong lớp. Tớ cảm thấy buồn và lạc lõng, rồi tớ hay nhìn về chỗ cậu từng ngồi trước đây và nhớ lại kỉ niệm giữa cậu và tớ. Tớ nhận ra tớ đã thích cậu.
Đã nắng rồi, Đà Nẵng!
Trong khoảnh khắc ấy, nàng nắm chặt lấy tay tôi. Không cần biết ngày mai ra sao, mà có ra sao cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Rồi ai cũng sẽ được hạnh phúc
Nhưng nhỏ đâu biết rằng trong tôi đã nhóm lên một tình cảm đặc biệt dành cho nhỏ. Vậy mà nhỏ vô tư không hề chú ý đến những cử chỉ và ánh mắt ngập hạnh phúc mà tôi dành cho nhỏ. Chắc vì giờ nhỏ đang hạnh phúc với tình yêu đầu đời của nhỏ.
Những cánh đồng đen (Phần 2)
Tình yêu đối với Thương là một thứ xa xỉ, nhưng đó lại là thứ nó khao khát hơn ai hết. Và Thương đã mang thứ tình cảm đó gửi gắm lên người Đông.
Viết cho tháng tư
Tháng tư là khoảng thời gian tuyệt vời để dạo bước trên những con phố, lặng ngắm đời thường, để lòng mình hòa quyện vào khung cảnh yên bình của thành phố.
Sóng và cát
Lớn hơn một chút nữa, người bạn kia không biết từ bao giờ đã trở thành một phần cuộc sống của nó, và nó cũng cảm nhận được một sự “đáp lại” của mảng cát trên bờ ấy. Bờ cát ấy cũng muốn xả thân mình xuống mặt biển xanh trong, gợn sóng ấy cũng càng lúc càng lớn hơn…
Những cánh đồng đen (Phần 1)
Đúng vậy, Thương chưa từng chơi búp bê. Thậm chí có khi chưa từng được nhìn thấy con búp bê trông như thế nào. Bà chưa từng mua cho nó. Bà chỉ toàn bắt nó làm việc và làm việc. Bà từng nói với nó, nhà này không nuôi kẻ vô dụng.
Em sắp là người già
Tôi cũng quan niệm đó là chuyện bình thường của một con người, cứ để mọi chuyện được tự nhiên rồi điều gì tới thì sẽ tới, vì người ta có tuổi trẻ thì ắt có tuổi già, miễn là người ta thấy vui với những việc hàng ngày là được.
Duyên phận
Sau ba năm thì cuối cùng em cũng chính thức trở thành vợ của anh, những tưởng bí mật bấy lâu sẽ chôn vùi mãi mãi nhưng nào ngờ nó lại được khơi dậy. Ngày anh gặp lại chị ấy thì em cũng đủ nhận ra trái tim anh bao năm qua chưa từng có chỗ cho em.
Đôi khi bạn quên những điều giản đơn
Bạn biết không, chén cơm nóng nổi ấy sẽ sưởi ấm được trái tim chai sạn của bạn trước những uất ức, chịu đựng mà có thể bạn chưa sẵn sàng để chia sẻ ra cho bất kì ai.