Phát thanh xúc cảm của bạn !

Gặp lại bà nội tôi

2021-08-02 01:22

Tác giả: Lê Thành


blogradio.vn - Tôi nhớ lại ngày mình nhận tháng lương đầu, tôi hỏi bà: "Bà ơi, bà thích gì để cháu mua cho bà?". Bà mỉm cười và nói bà không thích gì cả.

***

Tôi khóc, khóc rất nhiều khi thấy họ đưa bà vào cái thùng trông rất kì cục. Bà vẫn vậy, khuôn mặt bà gầy gò, bộ răng đen nhánh của bà luôn làm tôi nhớ đến màu mực đen thời còn học cấp 1, cái thời vẫn còn mài mực để dây ra đầy quần áo. Trông bà vẫn vậy, vẫn cuốn chiếc khăn mỏ quạ truyền thống của các cụ ngày xưa trên đầu, vẫn khoác bộ áo cánh màu gụ, chỉ có khác là giờ đây người ta thay cái áo vá cũ bằng cái áo mới hơn. Cái áo mà mỗi lần bà lấy kim khâu vá tôi lại tự hứa với mình sẽ mua cho bà sau này khi tốt nghiệp đại học đi làm và được nhận tháng lương đầu của mình.

Tất cả vẫn vậy, chỉ có khác là giờ đây bà không còn la mắng hay vui đùa cùng tôi như trước nữa. Tôi nhớ bà mắng vì cái tội hay ăn vụng, ăn buổi thì, cũng nhớ những lần chỉ là nắm cơm nguội với muối lạc trước buổi nấu cơm chiều sao mà ngon đến thế. Nhớ những lần là trợ thủ giúp đủ thứ việc của bà mỗi lần chạy lúa, dọn sân, rửa rau, đun nước. Lại nhớ những lần đứng ngóng bà đi chùa ngày rằm hay mồng một về, để lại tranh nhau ông oản, miếng xôi với ông anh trai. Nhớ cả những lần bà vắng nhà mà sợ ma đến nỗi đi đâu cũng dắt con chó Micky lững thững đi theo đợi bà về mới chịu thả ra.

Bà của tôi giờ đây không nói được nữa, hàm răng đen của bà không còn nhai trầu được nữa. Bà nằm đó bất động, mặc cho con cháu la hét, gào thét. Tôi thấy mắt mình nhoà đi, một thứ nước man mát, mằn mặn lăn trên má rồi xuống khoé miệng. Họ buộc lên đầu tôi cái khăn mà họ xé ra từ tấm vải mới mua về như thể vải ăn nhà hàng vậy, trắng tuốt. Bố mẹ tôi thì khoác lên những bộ áo kì cục như thể được lấy ra từ chiếc màn tuyn màu trắng. Cậu anh trai tôi sao hôm nay ngoan thế nhỉ? Hắn vẫn là người cãi bà nhiều nhất, đứa cháu cứng cổ nhất không chịu nghe bao giờ. Vậy mà hắn giờ cũng đang ngồi thu lu bên cạnh như thể đang nghe bà kể chuyện các cụ ngày xưa vậy. Giờ thì nghe thấy tiếng nhạc nhưng không phải là tiếng nhạc trong các buổi cưới xin, cỗ bàn, nó lại khó nghe đến kỳ lạ.

Họ đang đạy nắp thùng lại, chắc bà lại muốn chơi trò trốn tìm của tôi ngày xưa đây mà, tôi thoáng nghĩ trong đầu, rồi nảy ra ý định ú oà cho bà phải giật mình tỉnh giấc. Tôi chạy lại để mở cái nắp ra như những lần chơi trốn tìm với mấy thằng bạn hàng xóm ngày trước. Nhưng tôi không thể cạy nó ra được, nó quá nặng với sức vóc của một chú nhóc như tôi. Rồi chợt có ai đó kéo tôi lùi lại phía sau, họ đặt lên cái thùng những cây nến và đốt cháy chúng lên, một vài người chuẩn bị khiêng đi. Miệng tôi muốn nói nhưng cứ nghẹn ứ ở cổ họng, không thể cất lên thành lời. Trong sâu thẳm tôi như muốn thét lên: KHÔNG!KHÔNG!KHÔÔÔNG!!! không ai được mang bà đi đâu hết, bà ơi!!!

Tôi lớn lên trên vùng quê nghèo nên những nắm xôi, những ông oản, những gói phần mỗi khi bà đi chùa về dường như là một niềm vui sướng khôn tả như bao đứa trẻ khác. Những bài học đầu tiên về niềm tự hào quê hương, đất nước, về tình yêu thương con người tôi đều được học từ bà.

Lớn hơn một chút tôi nhận ra những điều mâu thuẫn trong cái thế giới này và không ngừng đặt câu hỏi tại sao. “Bà ơi! Tại sao lại có trăng khuyết bà nhỉ?”. Những câu hỏi như vậy được tôi hỏi bà không biết là bao nhiêu nữa. Bà không phải là nhà bác học thông thái nhưng những câu truyện về gấu ăn trăng hay những bài đồng dao, mồng một lưỡi chai, mồng hai lá lúa luôn làm cho tôi thấy thú vị, dễ nhớ! Lớn hơn chút nữa thắc mắc của tôi không chỉ dừng lại ở lĩnh vực khoa học tự nhiên mà còn cả khoa học xã hội. Tôi hay gặp những tình huống khó xử với bạn bè, với thầy cô và mỗi lần như vậy tôi lại đến bên bà để được giải đáp.

Thời gian cứ thế trôi đi, hình ảnh người bà vĩ đại đã luôn theo tôi những ngày thơ bé, suốt những năm tháng thuở cắp sách tới trường, thôi thúc tôi học hành và là động lực mạnh mẽ giúp tôi thi đỗ đại học. Tôi luôn tự hứa với mình sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, tôi sẽ mua cho bà một cái cối giã trầu, mua cho bà cái khăn mỏ quạ mới để bà buộc trông đẹp hơn, hay mua cho bà cái áo mới màu gụ, thi thoảng phiên chợ mua cho bà bánh tai bèo, bánh hòn mà bà vẫn thích. Tôi nhớ lại ngày mình nhận tháng lương đầu, tôi hỏi bà: "Bà ơi, bà thích gì để cháu mua cho bà?". Bà mỉm cười và nói bà không thích gì cả.

Giờ đây tôi mới thấy mình đúng là chú bé thật hồn nhiên, tôi có thể mua cho bà hàng đống áo mới, hàng tá bánh tai bèo nhưng bà đã không bao giờ ăn được nữa. Tôi gật gù trong góc nhà vừa khóc vừa nghĩ về một điều ước duy nhất, mong ước nhỏ nhoi lúc này chỉ được nghe giọng bà nói thêm một lần thôi, bà ơi! Tôi như thét lên trong sâu thẳm, trước mặt tôi là mọi thứ đều nhoà đi, trắng loá. "Có đứa nào ở nhà không? Thằng H, thằng Th chưa ngủ dậy à?". Tôi bật dậy, người ướt đẫm mồ hôi mặc dù nhiệt độ buổi sáng mùa đông này vẫn dưới 20 độ. Không phải là khung cảnh kỳ dị lúc trước, mọi thứ đều thân quen trong ngôi nhà cho tôi thấy cảm giác bình an. “Thế là tôi vừa mơ ngủ ư? hay chính tôi đang nằm mơ đây?” Tôi tự hỏi mình. Nhìn đồng hồ đã 8h30 sáng, tôi mới chợt nhận ra hôm nay là sáng thứ 7, được nghỉ cuối tuần nên tôi đã về nhà từ tối qua. Vậy là tôi đã mơ, tất cả chỉ là một giấc mơ. Lòng tôi reo vui tột độ, tôi luống cuống bật khỏi chiếc chăn, suýt ngã, rồi chạy ùa ra sân như cậu bé ngày nào ngóng bà đi chùa về. Bà vẫn túi xôi, ông oản trên tay, tôi chạy đến ôm chầm lấy bà và bắt đầu thấy man mát trên hai gò má, rồi lại thấy vị mằn mặn nhưng lần này là khóc vì hạnh phúc!

Thời gian trôi đi, thấm thoát cũng đã mấy năm sau ngày bà mất, tôi vội vàng thu xếp những công việc buổi cuối tuần để đưa cô con gái nhỏ về quê ăn giỗ. Con trẻ rất hồn nhiên vô tư, rất vui vẻ sung sướng vì lâu lâu mới được về quê chơi. Tôi nhớ lại tối qua khi đọc bài viết về bà, bố lại khóc, con gái đến bên bố hỏi:

 

- Tại sao bố khóc?

- Bố nhớ bà nội của bố con ạ! – Tôi trả lời.

- Bà nội bố ở quê ạ hay bà ở đâu, sao bố không gọi điện cho bà?

-  m! bà nội bố ở quê con ạ! Nhưng bố không gặp được bà nữa rồi! - Tôi đã cố gắng không khóc nhưng không sao kìm được nước mắt.

- Bố nín đi, con cho bố một điều ước để bố được gặp bà nhé! Bố nhắm mắt lại đi

Tôi mỉm cười rồi ôm chặt cô con gái vào lòng. Tôi không nhắm mắt như điều ước của con gái bởi tôi biết mình đã may mắn có được điều ước đó một lần rồi!

© Lê Thành - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Replay Blog Radio: Người thương mình sẽ luôn dõi theo mình, dù họ không còn bên mình nữa

Lê Thành

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Ngọn nến được thắp lên

Ngọn nến được thắp lên

Anh nói có lẽ bây giờ người ta quá quen với những công nghệ kỹ thuật hiện đại, đã quá quen với những ánh sáng điện rực rỡ chói lòa và thông dụng nên đã quên mất những cảm xúc trong tim mình khi có ngọn nến được thắp lên. Và anh đã bật lửa châm vào nến ngay sau đó.

Về để thấy tết (Phần 2)

Về để thấy tết (Phần 2)

Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Tuổi lênh đênh

Tuổi lênh đênh

Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)

Về để thấy tết (Phần 1)

Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn

Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.

Ai nói là tôi không thích cậu?

Ai nói là tôi không thích cậu?

Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu vô thức tìm kiếm bóng hình cậu ở bất cứ đâu. Tôi tự hỏi, có phải vì tần suất cậu xuất hiện trước mặt tôi quá nhiều, hay vì một cảm xúc lạ lẫm đang dần nảy mầm mà tôi không thể diễn tả?

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này

Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều, tưởng tượng bản thân mình của những năm về sau sẽ như thế nào, nếu vẫn duy trì nếp sống như hiện tại, có lẽ thời gian mà tâm hồn tôi héo mòn, kiệt quệ cũng sẽ không còn xa nữa.

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng

Tớ không nhớ rõ mình thích anh từ bao giờ. Có thể là từ một lần anh bất ngờ đưa tay ra kéo tớ chạy dưới cơn mưa đầu hạ. Có thể là từ một lần anh lặng lẽ nhường phần quà của mình cho tớ khi tớ khóc vì bị thua trò chơi. Hoặc có thể… tớ đã thích anh từ lâu lắm rồi, chỉ là đến một ngày, tớ mới chịu thừa nhận điều đó với chính mình.

Cậu còn ở Hà Nội chứ?

Cậu còn ở Hà Nội chứ?

Khi gió mùa đông bắc về, tôi càng cảm nhận rõ nét sự thiếu vắng của Cậu—như một nhịp điệu không còn vang lên trong bản hòa ca của cuộc sống. Hà Nội, với tất cả vẻ đẹp và nỗi nhớ, đã trở thành một phần tâm hồn tôi, nơi mà mỗi con phố, mỗi tiếng cười đều gợi nhắc về Cậu. Liệu rằng, trong những sớm mai se lạnh hay chiều hoàng hôn rực rỡ, Cậu có còn ở đây, lắng nghe những tâm tư của tôi giữa lòng thành phố này?

Những bài học sâu sắc đến từ gia đình

Những bài học sâu sắc đến từ gia đình

5 năm trôi qua, thời gian không dài cũng không ngắn nhưng đủ để tạo những bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta không chỉ có một gia đình chung mà ai cũng sẽ có, một gia đình riêng, một cuộc sống riêng.

back to top